Trang chủ

Nghị luận về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản

Xuất bản: 11/09/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn làm bài văn nghị luận nhận xét về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim mà bạn yêu thích để tham gia cuộc thi viết về Tác phẩm sân khấu - điện ảnh tôi yêu.

Phân tích một tác phẩm nghệ thuật không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nội dung của tác phẩm đó, mà còn giúp chúng ta rèn luyện khả năng tư duy, sáng tạo và diễn đạt. Bài viết này sẽ hướng dẫn các em viết một bài văn nghị luận nhận xét về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim mà bạn yêu thích để hiểu sâu hơn về những thông điệp mà nó muốn gửi gắm.

Gợi ý làm bài

1. Lựa chọn tác phẩm

- Lựa chọn một bộ phim hoặc kịch bản văn học mà em thực sự yêu thích và hiểu rõ. Điều này sẽ giúp các em có nhiều cảm xúc và ý tưởng để viết.

- Tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và quan điểm sáng tác của tác giả để hiểu sâu hơn về ý đồ của họ khi sáng tạo ra tác phẩm.

- Đọc các bài viết, đánh giá của các nhà phê bình hoặc những người khác về tác phẩm.

2. Tìm hiểu về nội dung tác phẩm

- Tóm tắt ngắn gọn cốt truyện của tác phẩm để người đọc hiểu được bối cảnh và các sự kiện chính.

- Phân tích tính cách, hành động và tâm trạng của các nhân vật chính.

- Phân tích cách tác giả sử dụng không gian và thời gian để tạo ra hiệu ứng nghệ thuật của tác phẩm.

- Tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa nơi tác phẩm ra đời để hiểu sâu sắc hơn về giá trị của tác phẩm.

3. Tìm hiểu về các yếu tố nghệ thuật

- Cách xây dựng các tình huống, đối thoại

- Ngôn ngữ của nhân vật.

- Các biện pháp nghệ thuật mà tác giả sử dụng.

- ....

Dàn ý nghị luận về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim

1. Mở bài

- Giới thiệu tác phẩm kịch bản văn học hoặc bộ phim (tên, tác giả, thể loại).

- Nêu nhận xét, ấn tượng chung về tác phẩm.

2. Thân bài

a) Phân tích nội dung

- Tóm tắt cốt truyện: Trình bày vắn tắt diễn biến câu chuyện.

- Phân tích các nhân vật: Đặc điểm tính cách, hành động, ý nghĩa.

- Đánh giá các tình huống: Sự kiện quan trọng, mâu thuẫn, cao trào.

- Nhận xét về chủ đề, thông điệp: Ý nghĩa sâu xa mà tác phẩm muốn truyền tải.

b) Phân tích hình thức nghệ thuật

- Ngôn ngữ: Từ ngữ, câu văn, cách sử dụng ngôn ngữ.

- Nghệ thuật miêu tả: Hình ảnh, âm thanh, màu sắc.

- Các biện pháp nghệ thuật: So sánh, ẩn dụ, hoán dụ,...

- Kết cấu: Cách sắp xếp các sự kiện, bố cục câu chuyện.

- Phong cách nghệ thuật: Đặc trưng riêng của tác giả.

=> Đánh giá tác dụng của các yếu tố nghệ thuật đó trong việc thể hiện nội dung, sự thành công của tác giả trong việc sử dụng các yếu tố nghệ thuật để truyền tải thông điệp.

3. Kết bài

- Đánh giá tổng quan về giá trị của tác phẩm.

- Nêu suy nghĩ cá nhân, cảm xúc của bản thân.

5 Mẫu bài nghị luận về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim

Bài số 1

"Parasite", bộ phim điện ảnh Hàn Quốc từng làm mưa làm gió trên toàn cầu, không chỉ là một tác phẩm giải trí đơn thuần mà còn là một bức tranh sâu sắc về những bất công xã hội. Với cốt truyện độc đáo, kỹ thuật làm phim điêu luyện và những thông điệp ý nghĩa, "Parasite" xứng đáng là một kiệt tác điện ảnh đương đại.

Bộ phim xoay quanh hai gia đình có hoàn cảnh sống trái ngược nhau: gia đình Kim, nghèo khó, sống trong một căn hầm ẩm thấp và gia đình Park, giàu có, sống trong một căn biệt thự sang trọng. Qua những tình huống hài hước pha chút đen tối, đạo diễn Bong Joon-ho đã phơi bày một cách khéo léo những khoảng cách giàu nghèo, sự bất công trong xã hội và lòng tham vô đáy của con người.

Về nội dung, "Parasite" không chỉ đơn thuần là câu chuyện về sự đối lập giữa giàu và nghèo mà còn là một bức tranh xã hội thu nhỏ. Qua các nhân vật, đạo diễn đã khắc họa chân thực những nỗi khổ của người nghèo, sự xa hoa của người giàu và sự chênh lệch ngày càng lớn giữa các tầng lớp xã hội. Thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm là vô cùng sâu sắc: tiền bạc có thể mua được nhiều thứ nhưng không mua được hạnh phúc, và sự bất công xã hội là một vấn đề cần được giải quyết.

Về hình thức nghệ thuật, "Parasite" là một tác phẩm điện ảnh hoàn hảo. Kịch bản phim được xây dựng chặt chẽ, với những tình huống bất ngờ và những cú twist đầy bất ngờ. Đạo diễn Bong Joon-ho đã khéo léo sử dụng các yếu tố hình ảnh, âm thanh để tạo nên một không khí vừa hài hước, vừa căng thẳng. Cảnh quay trong căn hầm ẩm thấp của gia đình Kim đối lập hoàn toàn với cảnh quay trong căn biệt thự sang trọng của gia đình Park, tạo nên một sự tương phản mạnh mẽ và gây ấn tượng sâu sắc cho người xem.

Một trong những điểm sáng của "Parasite" là cách xây dựng nhân vật. Các nhân vật trong phim đều được khắc họa một cách sinh động và đa chiều. Từ những nhân vật chính như Ki-taek, Ki-jung, đến những nhân vật phụ như Park Dong-ik, đều để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả.

Tóm lại, "Parasite" là một bộ phim điện ảnh xuất sắc, xứng đáng với những giải thưởng danh giá mà nó đã đạt được. Bộ phim không chỉ là một tác phẩm giải trí mà còn là một tác phẩm nghệ thuật mang tính nhân văn sâu sắc, đặt ra những câu hỏi về cuộc sống, về xã hội và về con người.

Bài số 2

Những vở kịch của Sếch-xpia luôn là nguồn tài nguyên giá trị để các thế hệ sau khai thác, khám phá. Không chỉ lột tả được bức tranh chân thực của thời đại, ông còn đem đến cho nhân loại vô vàn thông điệp, giá trị nhân sinh sâu sắc. Điều đó cũng được thể hiện rất rõ qua văn bản "Sống hay không sống - đó là vấn đề", trích trong vở bi - hài kịch "Bi kịch của Hăm-lét, hoàng tử Đan Mạch".

Về nội dung, tác phẩm mang đến rất nhiều thông điệp giá trị, ý nghĩa đối với nhân loại. Theo các nhà nghiên cứu nhận xét, "Sống hay không sống - đó là vấn đề" đã phản ánh được tinh thần của thời đại. Trong xã hội nơi sự mưu mô, xấu xa bao trùm, vẫn có những con người luôn hướng tới cái lương thiện, tốt đẹp. Ở đó, ta thấy cuộc đấu tranh không hồi kết giữa cái thiện và cái ác, giữa lí tưởng sống cao cả của con người với thực tại đổ vỡ, tối tăm. Qua đây, tác giả muốn hướng con người tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đồng thời, đưa ra được câu hỏi mang bản chất triết học của loài người: "Sống hay không sống?". Đây là vấn đề đề cập đến mục đích sống của từng cá nhân. Để trả lời câu hỏi ấy, con người cần ý thức được thực tại vô định, bất công. Từ đó suy xét và hình thành suy nghĩ: "Hành động hay không hành động?". Tất cả đều nhằm hướng tới một cuộc sống tốt đẹp, công bằng và hạnh phúc cho nhân loại.

Về nghệ thuật, đầu tiên phải kể tới nghệ thuật xây dựng nhân vật vô cùng tài hoa của Sếch-xpia. Đó là Hăm-lét- người suy nghĩ bằng cả trái tim và trí óc, dám lên tiếng hoài nghi cả xã hội; là tên vua Clô-đi-út nham hiểm, được ngụy tạo bằng những lời nói đường mật; tên Pô-lô-ni-út giả dối, độc đoán hay nàng Ô-phê-li-a thủy chung nhưng sợ lễ giáo, cường quyền;... Tất cả đã tạo nên một hệ thống các nhân vật điển hình với những màu sắc rõ ràng, riêng biệt. Ngôn ngữ kịch cũng được Sếch-xpia sử dụng vô cùng điêu luyện. Nhìn vào những cuộc đối thoại trong văn bản, ta thấy rất rõ sự biến chuyển linh hoạt: từ đau đớn, tự vấn đến giễu cợt, gay gắt, mỉa mai. Bên cạnh đó, ngôn ngữ độc thoại đặc sắc đã góp phần quan trọng thể hiện tư tưởng, góc nhìn của nhân vật cũng như của tác giả. Không chỉ vậy, những xung đột trong kịch cũng được gắn liền với xung đột nội tâm nhân vật Hăm-lét. Từ niềm tin mãnh liệt vào con người, Hăm-lét dần chuyển sang hoang mang, lo sợ trước thực tại đổ vỡ. Từ đó, có thái độ hoài nghi, chán nản với nhân sinh. Sau cùng, trải qua bao sóng gió, chàng đã nhận thức lại thế giới và nảy sinh nghị lực phản kháng.

Như vậy, có thể nói tác phẩm "Sống hay không sống - đó là vấn đề" đã thể hiện vô cùng rõ nét tài năng cũng như tầm nhìn mang tính vĩ mô của đại văn hào Sếch-xpia. Qua đó, để lại cho nhân loại một kiệt tác mà đến tận bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Bài số 3

Xã trưởng - Mẹ Đốp là đoạn trích được trích từ vở chèo Quan Âm Thị Kính, bằng ngôn ngữ đực trưng của chèo và các vai nhân vật, người đọc thấy được cuộc trao đổi giữa xã trưởng (người quản lí xã) với mẹ Đốp (vợ của người mõ làng) về việc đi rao mõ, thông báo cho cả làng biết tin Thị Mầu mang thai khi chưa có chồng. Qua đó thấy sự phê phán đối với những tầng lớp chức dịch như xã trưởng nhưng lại có tính trêu ghẹo, đùa cợt người khác, ham sắc và khinh người, tự cao và không có đạo đức.

Mở đầu đoạn trích là thông tin Thị Mầu mang thai khi chưa có chồng, bị rêu rao khắp làng xóm và bị phạt. Thông tin hết sức ngắn gọn được xã trưởng nêu lên để triệu tập bố Đốp ra làm việc. Thông tin ấy phần nào thể hiện xã hội cổ hủ, lạc hậu xưa với những giáo điều, quy định khắt khe.

Tiếp theo là màn đối đáp giữa xã trưởng (người quản lí xã) với mẹ Đốp (vợ của người mõ làng) về việc đi rao mõ, các màn kịch lần lượt được hiện lên. Đầu tiên là màn kịch phơi bày bộ mặt gian trá, dốt nát, kém hiểu biết của xã trưởng, sự tinh lanh, nhanh nhẹn hoạt ngôn của mẹ Đốp: “Một mình tôi cả xã ngóng trông/ Điều phải trái tôi nay trước bảo”. Rồi khi mẹ Đốp đọc thơ, xã trưởng cũng lấy làm hay thì mẹ Đốp bảo thầy chép về mà treo…

Tiếp đó là màn kịch của một tên háo sắc, nhũng nhiễu dân lành. Đường đường là người đứng đầu một làng một xã, lẽ ra phải là người ăn nói chỉn chu, lịch sự nhã nhặn với dân. Nhưng không, xã trưởng ở đây ngang nhiên gạ gẫm dân lành “nhà Đốp lớp này coi ra bảnh gái dễ coi lắm nhỉ… hôm nào mát trời tao sang gửi một đứa nhỉ”. Những ngôn ngữ “bảnh gái, gửi đứa” chỉ phù hợp với lứa trẻ đang tán tỉnh, trêu đùa nhau, không hề phù hợp với người cán bộ, người đứng đầu.

Và màn kịch cuối là màn kịch sử dụng ngôn ngữ đối thoại của hài kịch để khắc họa nổi bật tính cách của các nhân vật, cùng với sự dẫn dắt mâu thuẫn khéo léo, bất ngờ, hành động giàu kịch tính. Yếu tố hài hước được tạo nên từ những thủ pháp như sử dụng từ đồng âm ''bằng'' (“Bố cháu trẩy tỉnh lĩnh bằng rồi ạ/ Làm cái thứ mõ thì bằng với sắc cái gì/ Bố cháu cắp tráp theo hầu cụ Bá lên tỉnh lĩnh bằng rồi”); sử dụng âm vận “ôi” (Thánh đế lên ngôi/ Chẳng giấu gì mẹ đốp là tôi; giấy quan về là phải báo với tôi/ tôi chưa ra là làng chửa được ngồi)… cùng những từ ngữ dân dã, xưng hô xuồng xã: con mẹ Đốp, con này, bảnh gái, mộc đạc… Qua đó nhân vật hiện lên rõ nét: mẹ Đốp là nhân vật nhân vật hài hước, gây cười, là người nhanh nhẹn, hoạt bát, mồm năm miệng mười. Còn xã trưởng là người tự hào khi mình được chọn làm lí trưởng, ra oai với dân làng, khinh bỉ, coi thường những người có địa vị thấp kém hơn mình. Sự xuất hiện hai nhân vật đối lập trong kịch bản chèo: giúp thể hiện rõ tư tưởng, triết lí dân gian bởi lời nói cử chỉ của nhân vật vừa gây cười nhưng rất thâm thúy, sâu sa, thể hiện rõ tư tưởng của tác giả dân gian.

Đoạn trích tiêu biểu cho nghệ thuật chèo truyền thống. Xây dựng xung đột kịch lôi cuốn, hấp dẫn. Xây dựng nhân vật tiêu biểu, đại diện cho giai cấp tầng lớp trong xã hội (xã trưởng - quan lại kém hiểu biết, lố lăng háo sắc; mẹ Đốp - nông dân khéo ăn khéo nói). Những làn điệu chèo phù hợp, giúp diễn tả tâm trạng, tính cách nhân vật. Nhân vật mang tính quy ước, thiện - ác phân chia làm hai tuyến rõ ràng. Qua việc xây dựng nhân vật và xung đột kịch hấp dẫn góp phần thể hiện văn hóa dân gian, thể hiện rõ tư tưởng của tác giả dân gian.

Bài số 4

"Parasite", một kiệt tác điện ảnh đến từ Hàn Quốc, đã tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu và giành được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có giải Oscar. Bộ phim không chỉ gây ấn tượng bởi cốt truyện hấp dẫn mà còn bởi những thông điệp sâu sắc về xã hội và những kỹ thuật làm phim độc đáo.

"Parasite" kể câu chuyện về gia đình Kim, một gia đình nghèo sống trong một căn hầm ẩm thấp, và gia đình Park, một gia đình giàu có sống trong một biệt thự sang trọng. Qua những âm mưu, những cuộc đối đầu giữa hai gia đình, bộ phim đã phơi bày một cách chân thực và sâu sắc những bất công xã hội, khoảng cách giàu nghèo và sự đấu tranh sinh tồn của con người.

Nội dung của phim xoay quanh chủ đề về sự phân tầng xã hội. Tác giả đã xây dựng hai gia đình với hoàn cảnh sống đối lập nhau để làm nổi bật sự chênh lệch giàu nghèo. Gia đình Kim, đại diện cho tầng lớp lao động nghèo khổ, luôn phải vật lộn để kiếm sống. Trong khi đó, gia đình Park lại sống trong nhung lụa, không phải lo nghĩ về bất cứ điều gì. Sự đối lập này đã tạo ra những tình huống hài hước, trớ trêu nhưng cũng đầy bi kịch.

Hình thức nghệ thuật của "Parasite" cũng là một điểm sáng. Đạo diễn Bong Joon-ho đã sử dụng một cách tài tình các yếu tố hình ảnh, âm thanh và màu sắc để tạo nên một không gian đầy ám ảnh và căng thẳng. Căn hầm ẩm thấp của gia đình Kim đối lập hoàn toàn với biệt thự sang trọng của gia đình Park. Màu sắc tối tăm, u ám trong những cảnh quay ở căn hầm tạo cảm giác ngột ngạt, bức bối. Ngược lại, màu sắc tươi sáng, ấm áp trong biệt thự lại mang đến cảm giác giàu sang, xa hoa.

Âm nhạc cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên không khí của phim. Những bản nhạc nền đầy ám ảnh, hồi hộp đã góp phần tăng thêm sự căng thẳng cho các tình huống. Bên cạnh đó, đạo diễn còn sử dụng rất nhiều chi tiết ẩn dụ, biểu tượng để làm giàu thêm cho nội dung của phim. Ví dụ như chiếc thang, cánh cửa, hay những con ký sinh trùng.

"Parasite" không chỉ là một bộ phim giải trí mà còn là một tác phẩm nghệ thuật mang tính phê phán xã hội sâu sắc. Bộ phim đã đặt ra những câu hỏi về sự công bằng, về ước mơ và hy vọng của con người. Qua đó, người xem có cơ hội suy ngẫm về cuộc sống và xã hội xung quanh mình.

Bài số 5

Biệt động Sài Gòn là một bộ phim tái hiện lịch sử những năm đấu tranh giải phóng miền Nam. Bộ phim với nhiều tập kịch tính, hấp dẫn, dàn diễn viên ấn tượng đã thực sự để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Dù thời gian kể từ ngày công chiếu đầu tiên của bộ phim đã lùi xa. Ngày nay cũng có rất nhiều những tác phẩm phim mì ăn liền nổi tiếng ra đời, song bộ phim này vẫn là một tác phẩm ấn tượng khiến tôi không thể nào quên.

Biệt động Sài Gòn gồm có 4 phần: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em, do Lê Phương và Nguyễn Thanh viết kịch bản, đạo diễn Long Vân. Bộ phim bắt đầu bấm máy từ năm 1982, không lâu sau ngày hoà bình độc lập. Thực hiện các cảnh quay cuối cùng vào năm 1986. Đây là một bộ phim màu và có nội dung duy nhất phản ánh về lực lượng biệt động Sài Gòn. Vượt trên tất cả những cái đầu tiên ấy bộ phim vẫn mang về doanh thu lớn cho phòng vé và trở thành một trong những bộ phim nổi tiếng nhất về đề tài biệt động lúc bấy giờ. Hơn 10 triệu lượt quan tâm đón xem của khán giả trên màn ảnh rộng, bộ phim này đã tạo nên một cú hích cho lịch sử của phim Việt Nam thời kỳ bấy giờ.

Phải nói đầu tiên của bộ phim này chính là một kịch bản chất lượng, kịch tính. Tiếp đến là tài năng đạo diễn của Long Vân. Bằng tài năng và tư duy nhạy bén Long Vân đã khai thác chân thực trên từng góc quay, với tư cách là người ở giữa hai chiến tuyến. Ông không đứng về bên nào mà chủ yếu chỉ muốn tái hiện lịch sử đấu tranh, hiện thực cuộc chiến để phơi bày cho người xem. Sau đó chính là tài năng diễn xuất xuất thần của dàn diễn viên thực lực như Thanh Loan, Thương Tín, Thúy An, Quang Thái… họ đều là những diễn viên trẻ đẹp, được tuyển chọn casting kỹ càng. Nhân vật mà họ được chọn mặt gửi vàng như được đo ni đóng giày cho họ. Họ đã lột tả được trọn vẹn cái thần thái, tư tưởng của nhân vật, tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng độc giả.

Cho đến bây giờ tôi vẫn ấn tượng với phân cảnh diễn viên Ngọc Mai do Hà Xuyên đóng ngồi trước gương, dùng chai nước hoa đập vỡ gương trước mặt. Trên gương mặt của cô là hai hàng nước mắt rưng rưng rơi xuống và chỉ còn sót lại những mảnh gương vỡ. Nhưng cần đó đã đủ để lột tả gương mặt đau khổ của nhân vật khi tình cảm không được đáp lại. Có thể nói diễn viên Hà Phương đã lột tả ấn tượng sự đau khổ, dồn nén của nhân vật, gây ấn tượng đậm nét trong lòng độc giả.

Song ám ảnh hơn chính là phân đoạn Ni cô Huyền Trang bị bắt vào nhà tù và bị tra tấn dã man. Phân đoạn bọn giặc xung điện áp vào người cô, cô run lên từng tiếng bần bật, đau đớn da thịt, tiếng kêu rên thảm thiết, đau đớn vô cùng nhưng không hề khuất phục. Trước sự tra tấn dã man của kẻ thù trước sau cô chỉ hé một lời “Không biết”, “Tôi không biết” Bọn giặc hoàn toàn bất lực, không thể làm gì được cô gái bé nhỏ, mỏng manh nhưng trái tim kiên trung và bất khuất. Chúng trả cô ra ngoài với bộ dạng tàn tạ, trên người đầy những vết thương, thật xót xa vô cùng.

Biệt động Sài Gòn không giống như bộ đội hay đặc công được đào tạo chính quy, bài bản mà họ làm việc một cách tự nguyện, nương náu trong dân, nhận nhiệm vụ từ cấp trên. Dạng vai khó nhập vì đa phần diễn viên không được đào tạo bài bản về công việc này. Vì thế diễn viên phải có sự tìm tòi, nhập vai và hoá thân vào nhân vật để có thể lột ra được cái thần của các nhân vật trong tác phẩm. Tác phẩm ca ngợi chiến thắng nhưng không hề vụng về mà rất khách quan. Bộ phim như đứng giữa chiến tuyến, ghi lại sự thật một cách chân thành, xúc động

Có thể nói bộ phim kinh điển này đã lột tả chân thực về quá trình hoạt động quả cảm, quên mình của nhóm biệt động trong thành phố Sài Gòn. Đây là một trong những tác phẩm đáng đã làm nên tên tuổi của đạo diễn cùng dàn diễn viên.

-/-

Các em vừa tham khảo những gợi ý cơ bản cho bài văn nghị luận nhận xét về nội dung và hình thức nghệ thuật của một kịch bản văn học hoặc bộ phim mà bạn yêu thích do Đọc tài liệu sưu tầm và biên soạn. Hy vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm những ý văn hay cho bài làm văn của mình. Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 11 để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các em học tốt!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM