Nghị luận về lối sống chạy theo vật chất của giới trẻ hiện nay

Xuất bản: 30/03/2019 - Cập nhật: 17/05/2019 - Tác giả:

[Văn mẫu 12] Những bài nghị luận xã hội hay bàn về lối sống chạy theo vật chất của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Đề bài: Suy nghĩ của em về lối sống chạy theo vật chất của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

***

Một số bài viết hay bàn về vấn đề lối sống chạy theo vật chất của giới trẻ

Bài viết số 1: Lối sống vật chất bệnh của giới trẻ

Ngày nay, đối với một số bạn trẻ, việc sở hữu một chiếc điện thoại đắt tiền, đi xe xịn hay đi ăn uống, mua sắm tại những địa điểm “có tiếng” giúp họ cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống.

Điều này chứng minh hiện này một bộ phận giới trẻ đang chạy theo đời sống vật chất.  Hơn nữa việc phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cũng là một tác động lớn cho lối sống này. Phải có xe, có điện thoại đẹp để “khoe” thì mới là đẳng cấp. Nó nghiêm trọng tới mức khi các bạn trẻ không được đáp ứng đầy đủ sẽ cảm thấy “thiếu tự tin”.

Họ đâu biết rằng tất cả những thứ đó chỉ là giả tạo bên ngoài, che giấu cái thiếu thốn thật sự chỉ nhằm mục đích… góp mặt với đời, tạo đẳng cấp phù phiếm.

Các bạn trẻ đa phần là sinh viên các bạn vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được tài chính của mình, tiền học tiền sinh hoạt phí hằng tháng đều do bố mẹ chu cấp. Mỗi đồng tiền các bạn tiêu đều là mồ hôi nước mắt của các bạn làm ra. Đồng tiền không phải dễ kiếm, khi bạn phải tự kiếm tiền bạn mới biết quý trọng nó như thế nào. Thay vì tiêu xài phung phí cho những thứ vật chất tầm thường sao kông dành nó cho những kế hoạch lớn lao hơn có ích cho cuộc đời bạn. Tiết kiệm cũng là một trong những yếu tố quyết định thành công của con người.

Bố mẹ thương con cái, không muốn con cái thua kém bạn bè cho nên con cái muốn gì bố mẹ cũng thắt lưng buộc bụng mà mua cho con. Tự bản thân mỗi người phải có ý thức về giá trị bản thân của mình. Gía trị bản thân của bạn phải được thể hiện từ trí tuệ, cách đối nhân xử thế, những thành công trong cuộc sống chứ không phải thông qua xe hay điện thoại…

Một người trên người toàn hàng hiệu những chỉ là một kẻ lông bông, cả ngày chỉ biết ăn chơi thì giá trị của họ mãi mãi cũng không bằng người xài “cục gạch” nhưng biết rèn luyện bản lĩnh, đi lên bằng chính đôi chân của mình đâu. Gạt bỏ sĩ diện ảo đi mà hãy tập sống thật ngay từ bây giờ. Chúng ta nên trân trọng những gì chúng ta đang có và phấn đấu để xây dựng nó ngày càng tốt hơn, đừng mãi mê chạy theo những thứ phù phiếm trên cuộc đời này…

»» Nghị luận về ý nghĩa của tinh thần lạc quan trong cuộc sống

Bài viết số 2: Ảnh hưởng của vật chất đối với thanh niên thời nay

Có thể nói thế hệ thanh thiếu niên hôm nay là một thế hệ chú trọng về vật chất nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Trong ba thập niên qua, những sự tiến bộ phi thường về kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực, và việc áp dụng kỹ thuật vào các công nghệ đã làm cho đời sống của thanh thiếu niên càng bị lệ thuộc vào vật chất nhiều hơn. Chẳng những thế, sự phát triển về công nghệ thật sự đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách suy nghĩ về cuộc sống của con em chúng ta; từ đó dẫn đến cách hành xử trong các mối quan hệ với những người thân cận, bạn bè và những cộng đồng nơi các em sinh sống.

Bài viết này được trình bày với mục đích giúp chúng ta nhận định những ảnh hưởng của vật chất trong cuộc sống của giới trẻ hôm nay, và đề nghị một ít phương pháp nhằm giúp giới trẻ đối phó với những thách đố do áp lực của vật chất thúc đẩy, hầu mang lại một sự quân bình trong đời sống.

Dựa theo nhận xét ngắn gọn trên, chúng ta hãy cùng nhau khảo sát những áp lực của xã hội với khuynh hướng tiêu thụ rất cao, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Một cách nhìn chung, chúng ta nhìn nhận những giá trị vật chất của kỹ thuật hiện đại được tiêu biểu từ các máy vi tính đến những phương tiện truyền thông thực dụng cho đại chúng.

Máy vi tính thật là một phương tiện để làm việc, buôn bán, thông tin một cách hữu hiệu, và cũng là nơi mà giới trẻ dùng làm phương tiện giải trí. Ngày nay ở bất cứ nơi nào trên thế giới, chỉ cần một chiếc máy vi tính, giới trẻ có thể tìm được những sản phẩm thịnh hành nhất trên thế giới, như iPod, iPhone, Wii, Nintendo DS,… Ngoài ra, người trẻ còn có thể tìm những xu hướng thời trang từ y phục, giày dép cho đến những sản phẩm thẩm mỹ. Theo một cuộc khảo sát ở cấp quốc gia mới nhất, thì 95% các bậc phụ huynh cho biết thanh thiếu niên thời nay tin rằng những loại games họ có trong tay, quần áo với các thương hiệu họ ăn mặc sẽ xác định địa vị xã hội của giới trẻ. Ngày nay, giới trẻ đã quá tập trung vào việc mua sắm các sản phẩm tiêu thụ. Những giá trị vật chất đã gây kích động đến đời sống của thanh thiếu niên trong nhiều cách. Thêm vào đó, những hệ thống truyền thông trên mạng như Facebook, Tweeter là phương tiện gặp gỡ của thanh thiếu niên để nhập cuộc với tiến trình hiện đại hoá.

Có thể nói truyền hình là sản phẩm thông dụng nhất. Hàng triệu người đã có ít nhất một truyền hình trong nhà, và còn mua bao hệ thống cable hay satellite. Từ tin tức, kiến thức, thể thao, văn hoá, cho đến các phương tiện giải trí, tất cả đều được phát ra từ chiếc máy tivi. Ngoài ra còn có những máy tivi di dộng như iphone đã mang lại cho một cá nhân những sinh hoạt trên tivi ở bất cứ nơi nào. Mặc dầu truyền hình đã được xem như là một vật dụng cần thiết của mỗi nhà, hệ thống truyền hình và truyền thanh đã có những ảnh hưởng rất tiêu cực một cách gián tiếp, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Những hình ảnh bạo lực, những hành động về phái tính cũng như đồng tính, những ngôn ngữ thô tục, cách ăn mặc lố lăng mỗi ngày một gia tăng trong các chương trình của truyền hình. Lối suy nghĩ và cách sống của các nhân vật trong phim ảnh đã vô tình làm giao động và đảo lộn hệ thống giá trị của một thiếu niên vừa mới lớn.

Rất nhiều nghiên cứu và khảo sát đã chứng minh giới trẻ ngày nay đã bắt chước những hành động không lành mạnh từ những chương trình truyền hình bạo lực, và đã lạm dụng bạo lực nơi gia đình, học đường, cũng như những nơi công cộng. Nhiều em đã có những ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý. Hiện nay, bạo lực là một phần chính của các chương trình truyền hình và phim ảnh với mục tiêu nhắm vào giới trẻ. Theo nhà văn John Leo của Manhattan Institute, thanh thiếu niên xem truyền hình nhiều thường có tâm tính muốn tấn công kẻ khác. Cảm nghiệm cá nhân của người viết cho thấy có những em trước đây có một cuôc sống đạo đức, hiền hoà, nhưng đột nhiên thay đổi và cho rằng em có thể tự mình lèo lái cuộc sống của mình mà không cần phải học hỏi, hay trau dồi thêm kiến thức nào nữa.

Điện thoại di động ngày nay đã trở thành một phương tiện không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Chúng ta không phủ nhận lợi ích thiết thực của điện thoại di động, nhưng những tiện nghi này đã làm cho con người bị ràng buộc vào kỹ thuật công nghệ. Có người khi không có điện thoại di động cảm thấy bứt rứt, đứng ngồi không yên và tất nhiên mọi suy nghĩ và việc làm đều bị chi phối. Một nhà nghiên cứu Thuỵ Điển đã xác nhận rằng “những thanh thiếu niên nào xử dụng điện thoại di động thường xuyên thì luôn ở trong tình trạng bất ổn, không yên. Chúng cũng có lối sống phóng túng hơn, hay bị mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc và dễ bị trầm cảm, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ và mất khả năng tập trung”.

Khi con em của chúng ta đã đi vào khuynh hướng “phải có” những vật dụng này, hay những phương tiện kia, thì cũng là lúc vật chất đã gây ảnh hưởng đến tinh thần, cùng những hệ thống giá trị của các em.

Xã hội tiêu thụ thúc đẩy giới trẻ cần phải giống như chúng bạn chưa bao giờ áp lực của xã hội tiêu thụ có sức mạnh đáng sợ như hiện nay. Tôi còn nhớ, khoảng đầu thập niên 1990, con của một người bạn của chúng tôi đã vòi vĩnh bố mẹ phải mua cho cậu một đôi giày giá 120USD để được bạn bè chấp nhận hội nhập vào cùng nhóm thân hữu. Tuy không vui, nhưng vợ chồng chị bạn của tôi cũng chiều theo ý của con mình. Xã hội tiêu thụ đã thúc đẩy giới trẻ cần phải giống như chúng bạn, phải nghe cùng một loại nhạc, phải có cùng lối thời trang, phải đi đứng và ăn nói sao cho phù hợp với nhóm bạn của mình.

Xã hội càng phát triển, đời sống vật chất càng cao thì mãnh lực của đồng tiền và áp lực của mức tiêu thụ càng có vị thế. Tại các quốc gia tiên tiến, hầu như mọi thứ trong đời sống vật chất đều có thể đánh đổi bằng tiền, từ trang phục, thực phẩm, những phương tiện giải trí, thông tin truyền thông và mọi tiện nghi của đời sống, cho đến những dịch vụ sửa sắc đẹp, những phương thuốc thần giúp trẻ mãi không già… Đồng tiền đã tạo nên áp lực rất lớn đối với con người và đã khiến cho thế hệ trẻ tin rằng tiền bạc là trung tâm điểm buộc con người phải xoay quanh nó. Trong khi tiền bạc là phương tiện cần thiết cho sự sinh tồn, thì nó cũng là nguyên nhân dẫn đến trộm cướp, chiếm đoạt, những hành vi bất chính, phi đạo đức, phi nhân bản; các tệ nạn từ gia đình cho đến xã hội. Việc làm ra tiền và sử dụng tiền một cách hợp lý, tích cực luôn là một thách đố rất lớn đối với thanh thiếu niên. Nếu không được chỉ dẫn, giới trẻ sẽ luôn nghĩ trong đầu óc ý niệm chật hẹp là làm sao để có thật nhiều tiền và sử dụng theo ý muốn. Đây chính là sự sai lầm trong cách suy nghĩ về tiền bạc và đã dẫn đưa bao nhiêu trẻ đi vào ngõ cụt của cuộc đời.

Ngày nay, những phát minh và khám phá của khoa học, đặc biệt trong ngành y khoa, đã đem lại biết bao giải pháp cho nhiều chứng bệnh nan y. Nhưng khoa học lại vô tình tạo một ảo tưởng là con người có thể nắm giữ mọi thứ. Ví dụ như y khoa ngày nay có khả năng tạo nên một con người qua phương pháp nhân tạo bằng sự thụ tinh trong ống nghiệm. Y học còn đem lại những kỹ thuật tinh xảo để có thể thay tim, thay lá gan, thêm một cái thận, thay thế các cơ phận khác trong thân thể, và giúp kéo dài tuổi thọ… Trong khi khoa học mang lại cho nhân loại những giải đáp kịp thời, thì kết quả của những khả năng này đưa con người đến việc tự mãn và tự nắm lấy vận mạng của chính mình. Xu hướng này biến con người thành trung tâm của mọi việc và không còn biết quan tâm đến ai kể cả ông bà, cha mẹ, xóm giềng, chính phủ, tôn giáo hay xã hội.

Đối với giới tiêu thụ, có tiền là có tất cả. Người Việt Nam chúng ta có thành ngữ: “Có tiền mua tiên cũng được”. Nhiều thanh thiếu niên thời nay, thay vì tiếp tục con đường thăng tiến công danh sự nghiệp qua các đại học, thì lại muốn đi làm để kiếm cho thật nhiều tiền, để tiêu xài nhiều hơn. Thống kê năm 2009 cho thấy 80% các thanh thiếu niên đã sở hữu những sản phẩm thịnh hành nhất trên thế giới như chiếc iPod mới nhất, các máy Wii, Nintendo DS, hay Blackberry. Kế đến là các xu hướng thời trang mới nhất, từ quần áo, giày dép, cho đến những vật dụng giúp làm nổi bật cuộc sống thoải mái về mọi sự.

Lối sống tiêu thụ quá đáng này đã vô tình gieo một thông điệp sai lầm cho giới trẻ rằng có tiền là trên hết, rằng tiền bạc là cứu cánh, là cùng đích của cuộc sống. Một ví dụ điển hình về sự đảo lộn các giá trị đạo đức là đã có rất nhiều những cuộc án mạng và những vụ bắn giết nhau xảy ra tại các trường học, công sở, và nhiều tư gia chỉ vì áp lực của xã hội tiêu thụ.

Sư hiện diện của các minh tinh màn ảnh, tài tử danh tiếng, các ca sĩ, những vua hề, và những ban nhạc trứ danh đã đem lại một ảo tưởng mới cho giới trẻ. Nhiều cô cậu mới lớn đã chạy theo các mốt lố lăng trên màn ảnh. Thậm chí nhiều trẻ còn có xu hướng sống như những người nổi tiếng và các ngôi sao trên truyền hình qua cách ăn mặc và cách tiêu xài. Một số thanh niên khác đã bị lôi cuốn vào vòng xoáy của những ảo tưởng. Họ bắt chước các thần tượng nghệ sĩ của họ, và đã phản ứng theo cách thức giống như trong phim ảnh. Họ không biết rằng những gì trên màn ảnh chỉ là kịch bản và hoàn toàn khác biệt với cuộc sống thực tế. Và khi mọi thứ không diễn tiến như họ mong muốn, họ trở nên thất vọng hay giận dữ với chính mình. Đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi một số thanh thiếu niên tìm cách hãm hại những người chung quanh và rồi tự sát.

Âm nhạc đã thay đổi rất nhiều theo thời gian từ tiếng nhạc cho đến âm điệu. Âm nhạc ngày nay mang nặng chiều hướng thả lỏng, hỗn loạn về xác thịt, tình dục và còn dung chứa bạo lực. Một ví dụ điển hình đó là các thể nhạc rap đã gây ảnh hưởng đồi trụy đến giới trẻ. Đề tài của những bản nhạc thường là những gì đang thực sự xảy ra trong thế giới hiện đại. Ngoài ra nội dung của nhiều lời nhạc mang tính chất tiêu cực, phản đối, tranh cãi và thiếu phần thanh tao. Những bài hát đầy tính chất bạo lực dễ dàng khuyến khích giới trẻ áp dụng sự thô bạo, từ lời nói cho đến hành động. Chúng ta đã từng nghe về những án mạng xảy ra tại các trường trung học vì những lý do gây hấn giữa các thanh thiếu niên. Giới trẻ đã quá quen thuộc với loại nhạc buông thả này nên không có sự nhạy bén để phân biệt phải trái.

Khi đón nhận những giá trị đến từ một xã hội chỉ biết tiêu thụ và hưởng dùng, dĩ nhiên các em thanh thiếu niên sẽ mang những hậu quả do xã hội tiêu thụ và các bậc thang giá trị của xã hội này mang lại.

Thái độ “Mọi sự đều quy về tôi” là một trong những kết quả hiển nhiên nhất. Từ đó mối tương quan với gia đình trở nên lỏng lẻo. Những gì giới trẻ cần chỉ là sự tài trợ của cha mẹ. Ngoài ra, việc đua đòi cũng làm cho học lực của các em sa sút. Thêm vào đó, đời sống tinh thần và đạo đức bị thiên lệch vì bị ảnh hưởng bởi chúng bạn và các thần tượng phim ảnh.

Cha mẹ của thanh thiếu niên ngày nay cần kiểm duyệt những chương trình truyền hình của con em, và nên thận trọng về những tác động xấu của phương tiện truyền thông đối với giới trẻ. Hãy hạn chế giới trẻ tiếp xúc với những phương tiện truyền thông. Hãy giải thích cho thanh thiếu niên nhận biết những điều phải, điều quấy. Phụ huynh phải phản đối và cấm giới trẻ xem những đài truyền hình hoặc phim ảnh vô luân, thiếu đạo đức; những chương trình dâm ô trên mạng Internet và những tờ báo khiêu dâm. Ngoài ra, cha mẹ nên đề ra những kỷ luật như chỉ cho phép con cái xem truyền hình hoặc xem phim ảnh trong máy vi tính vào những ngày cuối tuần. Nếu thanh thiếu niên vi phạm, cha mẹ nên thi hành kỷ luật đã đề ra như không cho con em sử dụng máy trong một tuần lễ.

Để giúp giới trẻ tránh bị những ảnh hưởng tiêu cực của các phương tiện truyền thông, cha mẹ nên tham gia vào các khía cạnh cuộc sống của thanh thiếu niên. Giáo dục con cái không chỉ bằng lời nói nhưng bằng hành động và lối sống mẫu mực. Cách tốt nhất, cha mẹ nên giao tiếp thường xuyên với các con và thảo luận các vấn đề chung một cách trung thực trong gia đình. Phụ huynh cũng nên khuyến khích thanh thiếu niên trình bày ý kiến của mình và đôi bên tôn trọng ý kiến của nhau. Bổn phận của cha mẹ là hướng dẫn và sống mẫu mực về đạo đức để làm gương cho con cái.

Trên thực tế, có hàng trăm cách để cha mẹ truy cập những ảnh hưởng tiêu cực của các phương tiện truyền thông đối với giới trẻ. Phụ huynh có thể khuyến khích, thúc đẩy thanh thiếu niên tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh khác nhau, như tham gia vào môn thể thao, các sinh hoạt động của Hướng Đạo và cộng đồng. Cha mẹ cũng có thể khắc sâu trong tâm trí của con cái giá trị của việc đọc sách và tính đam mê đọc những cuốn sách tốt, hữu ích. Bằng cách này, thanh thiếu niên sẽ phát triển một số vốn từ vựng tốt.

Ngày nay rất nhiều thanh thiếu niên đang gặp khó khăn vì cha mẹ quá bận kiếm sống, thường xuyên vắng nhà, hoặc chỉ đơn giản là không biết gì về những hiểm nguy mà giới trẻ đang bị áp lực và đang cần sự giúp đỡ của cha mẹ. Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm cha mẹ cần thẩm định lại những giá trị của cuộc sống. Hãy dành thời giờ với con cái, yêu thương chăm sóc, thông cảm và dạy cho thanh thiếu niên hiểu tầm quan trọng của các giá trị đạo đức. Điều thiết yếu là dạy cho giới trẻ biết chống lại những áp lực của xã hội và những suy nghĩ tiêu cực. Giáo dục cho trẻ biết chọn lọc những điều chúng nghe và nhìn thấy qua các phương tiện truyền thông. Một gia đình gắn bó trong yêu thương là nền tảng trong việc hướng dẫn các thanh thiếu niên nên người.

Tóm lại, ngày nay trước sự phát triển chung của xã hội, thanh thiếu niên dễ bị áp lực của vật chất vào đời sống truỵ lạc, phóng khoáng. Áp lực của bạn bè luôn là một thách thức mà thanh thiếu niên ngày nay phải đối phó. Vì vậy, Trung tâm An toàn AMW (American Most Wanted) đã thường xuyên nhắc nhở các bậc phụ huynh hãy luôn gần gũi, chăm sóc, yêu thương và tạo điều kiện để thanh thiếu niên phát triển trong những môi trường lành mạnh. Khi giới trẻ cảm thấy những điều tốt về bản thân họ, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc và ít lệ thuộc vào của cải vật chất hơn.

Người xưa có câu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Khi thanh thiếu niên sống trong một môi trường lành mạnh và được rèn luyện để có được những giá trị của đời sống tinh thần làm căn bản thì kết quả là những chuỗi ngày hạnh phúc và hài hoà giữa cha mẹ và con cái.

» Tham khảo thêmNghị luận về thái độ sống tích cực

Bài viết số 3:

Xã hội càng phát triển thì cũng kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cũng như con người. Trong đó, có một thực trang đang là vấn đề báo động, cần lên án - lối sống thực dụng, chạy theo vật chất. Xuất hiện ngày càng nhiều và nó phổ biến nhất không chỉ trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay, mà đang là một gánh nặng, trở nên tiêu cực đối với toàn xã hội.

Thế nào là lối sống thực dụng và tại sao nó ngày càng phát triển rộng rãi? Đó là một câu hỏi đang nhức nhối cả cộng đồng. Đây là một lối sống mà người mắc phải là những người luôn coi nặng giá trị vất chất, luôn chạy theo những nhu cầu trước mắt, đặt cao lợi ích bản thân lên trên tất cả mà quên đi những người xung quanh, những giá trị tinh thần. Họ gần như trở thành một con người ích kỉ, sẵn sàng làm mọi việc để trục lợi. Điều này, đã làm băng họa đạo đức con người, trở thành một căn bệnh nguy hiểm, khiến cho họ dễ dàng trở nên bị cô lập, dễ dàng bị mọi người tránh xa. Nhưng tại sao nó lại càng trở nên phổ biến khi xã hội hiện đại và phát triển? Đặc biệt là trong giới trẻ?

Trước tiên chúng ta hãy nhìn vào biểu hiện của lối sống thực dụng. Nó là một cuộc sống buông thả, thờ ơ và có những hành xử thô bạo, làm trái với phạm pháp luật nhà nước. Bên cạnh đó, người có lối sống thực dụng thì đối với họ những giá trị đạo đức, nhân cách, hay tâm hồn chỉ là một màng tơ mỏng manh mà cái được họ coi trọng và chú tâm đó là “lợi ích”, những thứ mà họ có thể đong đếm tính toán được bằng tiền bạc, vật chất nhằm thỏa mãn bản thân. Mà hiện nay, do nhu cầu hội nhập, nên công nghệ phát triển, nên càng ngày càng có nhiều bạn trẻ dễ dàng rơi vào những cạm bẫy, rơi vào những thói hư tật xấu, những phong trào mà có thể coi là “vớ vẩn”. Họ sẵn sàng chọn một công việc theo thị hiếu xã hội, một công việc có thể kiếm ra tiền chứ không phải theo sở thích hay khả năng của bản thân. Không coi trọng pháp luật, không coi trọng đạo đức nên dễ dàng có những hành vi như bạo lực, cướp bóc,…ở lứa tuổi thanh thiếu niên, hay dễ dàng sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, bỏ bê việc học hành để cắm đầu vào những trò chơi vô bổ như game, đua xe, tụ tập đi bar, đi vũ trường. Đây chính là một lối sống hưởng thụ, hưởng lạc quá mức.

Việc xuất hiện lối sống thực dụng ở giới trẻ hiện nay trước tiên là do ý thức của bản thân sau đó chính là do môi trường giáo dục còn chưa đề cao đến đạo đức, nhân cách hay dạy cho giới trẻ những kĩ năng sống, và một nữa chính là nằm ở nền móng gia đình, bố mẹ quá bận rộn, chỉ lo kiếm tiền mà thiếu đi sự quan tâm, sự lo lắng, sát sao với con cái. Cũng nằm ở một phần ở xã hội chưa tạo ra được một sân chơi lành mạnh, không tổ chức được những hoạt động hữu ích để thu hút được giới trẻ. Hậu quả để lại khiến bao người phải ngao ngán bởi tác hại của nó đã làm tha hóa đi con người, giới trẻ hiện nay là tương lai của đất nước nhưng khi bị tha hóa đi liệu rằng….Sống thực dụng khơi dậy cho con người những ham muốn bản năng, làm họ chỉ mong muốn, có cơ hội để chạy theo lối sống hưởng lạc, chạy theo những lợi ích trước mắt mà quên đi bản thân của mỗi người cần phải phấn đấu, cần phải có mục tiêu, ước mơ và nghị lực. Nếu nhìn vào mối quan hệ giữa người với người của giới trẻ hiện nay nói riêng và những người sống thực dụng nói chung ta sẽ thấy mối quan hệ luôn mang bản chất vụ lợi, coi vật chất là thứ đánh giá chứ không để tình cảm lành mạnh chứng minh. Và ở trong cuộc sống cũng vậy, họ luôn vô trách nhiệm, bàng quang trước mọi việc, vô cảm trước những mảnh đời bất hạnh, không biết đấu tranh chống lại cái sai, cái xấu cũng như không bao giờ họ ủng hộ cái đúng cái tốt.

Vì vậy cần phải lên án và loại trừ đi lối sống thực dụng. Nhưng bằng cách nào, để có một cuộc sống lành mạnh hãy sống biết khát khao, có khát vọng, lí tưởng, có những hoài bão và mục đích sống để mình biết phấn đấu, mình có động lực. Còn các bạn, tuổi còn rất trẻ cho nên hãy cứ sống và biết ước mơ, rồi cố gắng biến ước mơ thành hiện thực từ những hành động cụ thể trở thành một người năng động, dám nghĩ dám làm. Khi đó bạn sẽ cảm thấy từng khắc, từng giờ đáng để trân trọng thì làm sao có thể bị cám dỗ bởi những lối sống ích kỉ, đời thường. Bên cạnh đó, gia đình, cha mẹ, nhà trường và cả xã hội hãy quan tâm hơn, sát sao hơn, giáo dục đào tạo để tạo được động lực phấn đấu cũng như có thể thu hút, hướng giới trẻ đến những việc làm có ích.

Chúng ta hãy tự rút ra cho mình bài học nhận thức và hãy hành động. phải đấu tranh với chính bản thân mình để loại trừ lỗi sống thực dũng. Hãy làm những hành động tích cực, hãy chủ động tìm và nắm bắt cơ hội, hãy hướng tới tương lai tốt đẹp cho chính mình. Và hãy nhớ rằng “việc hội nhập với cuộc sống hiện đại là rất cần thiết nhưng không phải vì thế mà đánh mất đi những giá trị truyền thông tốt đẹp”.

Tôi và bạn đều cần đứng lên để “Lối sống thực dụng cần lên án, cần xóa bỏ như một căn bệnh nguy hiểm của đời sống xã hội”.

Bài viết số 4: Vật chất và tinh thần

Cuộc sống của mỗi chúng ta đều tồn tại nhờ vào sự kết hợp của hai giá trị vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, có một khuynh hướng sai lầm rất phổ biến là không thấy được sự gắn bó và tương quan giữa hai giá trị này. Chính vì thế, đôi khi chúng ta quá xem trọng yếu tố vật chất, lại có đôi khi quá đặt nặng về mặt tinh thần. Nhưng sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố này lại chính là nền tảng thiết yếu nhất để có được một cuộc sống an vui, hạnh phúc.

Khuynh hướng sai lầm này thật ra đã có mặt cùng với loài người từ rất xa xưa. Nhiều nhà hiền triết thời cổ đại được kể lại là đã chọn cách sống khắc khổ, xa rời mọi tiện nghi đời sống và không bao giờ thỏa mãn những nhu cầu vật chất của bản thân mình. Họ làm như thế vì tin rằng nhờ đó mà sẽ có được một đời sống tinh thần tốt đẹp hơn. Chính đức Phật Thích-ca trước khi thành đạo cũng đã từng trải qua 6 năm đi theo con đường khổ hạnh, hạn chế tối đa mọi nhu cầu vật chất. Nhưng sau đó ngài đã nhận ra sự sai lầm này và tìm ra hướng đi đúng đắn để đạt được sự giác ngộ. Và vì thế, con đường do ngài chỉ dạy là con đường duy nhất dẫn đến một đời sống thực sự an vui và hạnh phúc.

Mặt khác, quanh ta luôn có rất nhiều những con người chạy theo các giá trị vật chất. Đôi khi, nhìn vào cách sống của họ ta có cảm giác rằng chính những giá trị vật chất là tất cả những gì họ có. Họ tích lũy tiền bạc, của cải để trở nên giàu có, sung túc. Họ lao vào hưởng thụ những khoái lạc của đời sống, bất chấp mọi nguyên tắc đạo đức, luân lý. Họ sử dụng những giá trị vật chất có được để cố đổi lấy niềm vui trong cuộc sống, vì họ tin rằng đó là cách duy nhất để họ có thể làm được điều đó. Nhưng hầu hết những người như thế sớm muộn gì rồi cũng sẽ nhận ra sai lầm của mình. Bởi vì họ không bao giờ có thể thực sự có được niềm vui sống. Cái mà họ có được chỉ là những khoảnh khắc thỏa mãn thoáng qua, tạo cảm giác hài lòng trong phút chốc, nhưng kèm theo đó bao giờ cũng là vô số những hệ lụy khổ đau.

Sự thật là những giá trị vật chất và tinh thần vốn dĩ không bao giờ có thể tách rời nhau như hai phạm trù riêng biệt. Vật chất có được giá trị của nó phụ thuộc vào tinh thần, và các giá trị tinh thần bao giờ cũng chỉ tồn tại trên cơ sở những biểu hiện vật chất nhất định. Cái đẹp của một bức tranh không chỉ hoàn toàn do nơi những đường nét, màu sắc trong tự thân nó, mà còn tùy thuộc vào nhận thức, năng lực thẩm mỹ và thậm chí cả trạng thái tinh thần của người ngắm tranh.

Những niềm vui, nỗi buồn, sự thương yêu hay oán ghét, kính trọng hay khinh miệt... nảy sinh trong lòng ta là do nơi phản ứng của ta trước những biểu hiện vật chất mà ta tiếp xúc. Ngay cả tâm trạng của ta trong một lúc nào đó cũng luôn có sự phụ thuộc nhất định vào các yếu tố vật chất của môi trường bao quanh. Ngược lại, khi lòng ta đang tràn ngập một cảm xúc mạnh mẽ nào đó thì toàn bộ thế giới vật chất chung quanh đều sẽ thay đổi trong nhận thức của ta, như thi hào Nguyễn Du đã từng viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”

Vì thế, việc tách rời hoặc đối lập các giá trị vật chất và tinh thần là một nhận thức sai lầm, không đúng thật. Và vì đó là một nhận thức sai lầm nên chúng ta chẳng bao giờ có thể dựa vào đó để có được một thái độ sống đúng đắn dẫn đến niềm vui và hạnh phúc.

Thái độ của chúng ta trong cuộc sống phụ thuộc vào nhận thức, nên khi nhận thức sai lầm phân biệt giữa các giá trị tinh thần và vật chất thì đồng thời chúng ta cũng nảy sinh thái độ chọn lựa, thiên lệch. Sự phán đoán của ta về những giá trị được, mất trong cuộc đời cũng dựa trên thái độ chọn lựa, thiên lệch đó. Khi tài sản tích lũy của ta gia tăng, ta cho rằng đó là được, nhưng thường không cân nhắc đến những giá trị tinh thần có thể đã suy giảm đi vì những hành động không chính đáng khi ta cố giành lấy những giá trị vật chất ấy từ người khác.

Lịch sử Trung Hoa ghi lại việc vua Đường Thái Tông là Lý Thế Dân ngay khi vừa lên ngôi đã giết hai người anh là Kiến Thành và Nguyên Cát để củng cố ngôi vua của mình. Hẳn nhiên ông ta cho rằng việc ngồi vững trên ngôi vua là một cái được, nhưng lại không biết rằng việc ra tay giết hại cả hai người anh ruột để đạt mục đích ấy là một cái mất quá lớn lao!

Lịch sử Việt Nam ghi nhận một trường hợp ứng xử hoàn toàn ngược lại. Khi vua Lý Thái Tổ vừa băng hà vào năm 1028, thái tử Phật Mã (tức vua Lý Thái Tông sau này) còn chưa kịp lên ngôi thì ba vị hoàng tử là Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương cùng nhau làm phản, muốn giết thái tử. Nhờ sự giúp sức của dũng tướng Lê Phụng Hiểu cùng sự tận trung của triều thần và tướng sĩ, cuộc nổi loạn được dẹp yên. Vũ Đức Vương bị Lê Phụng Hiểu chém chết ngay giữa trận, Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương đều bị bắt giam. Dù vậy, ngay sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tông đã ban lệnh đại xá cho tội nhân khắp nước, và tha thứ cả tội phản loạn của hai người em, lại cho phục hồi chức tước như cũ. Bằng cách ứng xử này, rõ ràng là vua Lý Thái Tông đã có một nhận thức hoàn toàn khác biệt so với vua Đường Thái Tông. Và điều này cũng tiếp tục được thể hiện trong suốt những năm trị vì của ông vua nhân ái này.

Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều việc mà sự chọn lựa ứng xử của chúng ta luôn phụ thuộc vào khái niệm được hay mất. Khi buông bỏ một giá trị vật chất, chúng ta thường cho là mất, nhưng kỳ thật còn phải cân nhắc mục đích của sự buông bỏ ấy như thế nào mới có thể xác định đó là được hay mất. Khi có thêm một phần giá trị vật chất, chúng ta thường cho là được, nhưng kỳ thật cũng cần xét đến những giá trị tinh thần tương quan mới có thể xác định đó là được hay mất. Và chỉ khi nhận thức đúng về sự được, mất trong cuộc sống thì chúng ta mới có thể có một cuộc sống an vui và thực sự có ý nghĩa.

Người xưa nói: “Làm người giàu sang thì đánh mất nhân nghĩa.” (Vi phú bất nhân.) Thật ra, câu nói ấy chỉ đúng khi sự giàu có được tạo ra bằng những thủ đoạn gian trá và sự áp bức, bóc lột người khác. Ngày nay, có rất nhiều người làm giàu một cách chính đáng bằng tài năng và công sức của chính họ, những người ấy không hề đánh mất nhân nghĩa.

Vì vậy, câu nói trên cũng có thể xem là đã phản ánh phần nào thái độ cực đoan trong sự lựa chọn giữa các giá trị vật chất và tinh thần. Ở đây, chúng ta thấy rõ sự đối nghịch và loại trừ nhau giữa hai giá trị, trong khi thực tế là chúng cần phải được nhìn nhận trong mối tương quan gắn bó không tách rời. Vì thế, có thể nói rằng sự nhận biết và thay đổi quan điểm sai lầm này là một điều rất quan trọng và cũng không phải dễ dàng.

Thật ra, với bản năng yêu thương sẵn có, mỗi người chúng ta đều muốn làm những điều tốt đẹp cho người khác, đều muốn giúp đỡ những người khốn khó. Nhưng chính ý tưởng không muốn mất đi các giá trị vật chất nhiều khi đã ngăn cản chúng ta làm những việc tốt đẹp như thế. Nếu thấy được mối tương quan giữa vật chất và tinh thần, chúng ta sẽ thấy rằng việc sử dụng đúng đắn một phần giá trị vật chất nào đó để làm được những điều tốt đẹp không bao giờ là mất đi, vì nó luôn mang lại cho chúng ta những giá trị tinh thần nhiều lần hơn thế nữa.

Điều này không hề mang tính triết lý suông, mà là một thực tế, nhưng cần đến sự sáng suốt, tinh tế mới có thể nhận ra được. Khi bạn có thể làm được những điều tốt đẹp thuận theo bản năng yêu thương của mình, bạn sẽ có được nhiều niềm vui và nghị lực trong cuộc sống. Vì thế, điều chắc chắn là bạn sẽ có được sự sáng suốt và nguồn cảm hứng tốt hơn trong mọi công việc. Và điều này sẽ mang lại cho bạn những kết quả tốt đẹp hơn, những giá trị vật chất lớn lao hơn. Như vậy, kết thúc chu kỳ tương quan này, bạn không những chẳng hề mất đi mà còn thường là có được nhiều hơn bạn tưởng.

Người đang giữ danh hiệu giàu có nhất thế giới, ông Bill Gates, đã từng có cách nói rất hay khi diễn đạt mối tương quan này. Khi được hỏi về những khoản tiền kếch sù hàng tỷ đô-la mà ông đã bỏ ra cho các quỹ từ thiện xã hội, ông nói: “Tôi chỉ trả lại cho thế giới những gì mà thế giới này đã cho tôi.” Con đường đi của các giá trị vật chất là như thế. Chúng không hề mất đi khi được sử dụng vào những công việc tốt đẹp, chỉ có điều là sự trở lại của chúng thường không được ta nhận biết một cách rõ ràng mà thôi.

Sự thật là nếu chúng ta chỉ biết bo bo giữ chặt lấy những giá trị vật chất mà mình đang có, thì chính điều đó sẽ làm cho tâm hồn ta trở nên hẹp hòi, ích kỷ. Chính sự hẹp hòi đó sẽ ngăn không cho ta có được sự sáng suốt và cảm hứng sáng tạo trong công việc, cũng như khiến cho ta phải mất dần đi những mối quan hệ tốt đẹp trong công việc. Kết quả là ta sẽ không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Như vậy là, thay vì có thể tạo ra được những giá trị vật chất lớn hơn, ta lại đang lãng phí thời gian trong việc cố giữ lấy phần vật chất nhỏ nhoi đang có được.

Vì thế, nếu bạn có thể nhận biết được mối tương quan giữa các giá trị tinh thần và vật chất, bạn sẽ thấy cuộc sống trở nên đơn giản hơn và có rất nhiều sự tính toán so đo của chúng ta trong cuộc sống thật ra là sai lầm và hoàn toàn không cần thiết!

/***/

Trên đây là tuyển tập những bài viết hay bàn về  lối sống chạy theo vật chất của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Tham khảo thêm những bài văn hay lớp 12 khác tại thư mục tài liệu Văn mẫu 12 do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tuyển chọn. Chúc các bạn luôn học tốt !


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BackToTop