Trang chủ

Hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt

Xuất bản: 04/05/2019 - Cập nhật: 13/06/2019 - Tác giả:

Nghị luận xã hội về ý nghĩa của câu văn: Hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt.

Đề bài: Trình bày suy nghĩ về ý nghĩa câu văn: Hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt.

***

Gợi ý những nội dung chính cần đưa vào bài phân tích:

- Giải thích ý nghĩa câu văn: Sự hi sinh của hạt lúa (nát tan trong đất) lại đem đến sự hồi sinh, mang lại cho đời vô số những hạt lúa mới; từ đó liên tưởng đến sự dấn thân, chấp nhận gian khó, thử thách, dám sống và hành động vì mục đích cao cả, tốt đẹp của con người.

- Lí giải, bàn luận về tính đúng đắn của lối sống chấp nhận thử thách, hành động vì mục đích cao cả, tốt đẹp cho con người.

- Phê phán lối sống ích kỉ, thu mình trong vỏ bọc khép kín, chỉ biết nghĩ đến những quyền lợi của bản thân.

- Bài học nhận thức và hành động: Câu chuyện đã mang đến một bài học nhân sinh sâu sắc: sống phải biết vươn lên chấp nhận thử thách, khó khăn để làm mới mình và đóng góp cho đời. Từ đó, mỗi chúng ta phải không ngừng học tập và rèn luyện ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Hướng dẫn lập dàn ý nghị luận về vai trò của khát vọng trong cuộc sống

Một số bài viết hay và ý nghĩa về câu chuyện hai hạt lúa

Bài viết số 1: Cho là nhận, chết đi để sống lại

Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.

Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:

“Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ”. Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.

Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới...

Trước hết ta có thể cảm nhận rằng: Hạt lúa thứ nhất là hình ảnh của lòng ích kỷ. Hạt lúa thứ hai là hình ảnh cho lòng vị tha. Với cảm nhận của tôi theo quan điểm của Phật giáo, con người sinh ra cõi đời này, đều bình đẳng thể tánh (Phật tính): “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”. Có nghĩa là con người khi mới sinh ra không có bản tánh xấu xa, tính vốn thiện. Tâm thiện nghĩa là bản thể tâm thanh tịnh trong sáng, không nhiễm phiền não.

Cái tâm như là một sợi dây để kết nối giữa đời này và đời sau, nếu cũng từ cái tâm này chúng ta biết trau dồi tu tập tích lũy phước đức phát huy năng lực Phật tính vốn có của mình thì lúc đó chúng ta được sinh về cảnh giới an lành, còn không biết tu hành sinh khởi phiền não tham, sân, si… tạo nghiệp chướng sẽ làm hoen ố bản tâm thanh tịnh.

Với giáo lý của Công giáo, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn mà dạy rằng: "Hạt giống rơi xuống đất có mục nát và chết đi, mới nảy mầm và phát sinh hoa trái". Từ đó chúng ta thấy rằng, chung quy lại là “cho để nhận lại”, “chết đi để được sống lại”. Mọi vật được sinh ra không phải để chôn chặt trong vỏ ích kỷ của mình mà để cống hiến cho mọi loài xung quanh. Càng cống hiến thì bản thân mới càng giá trị và cuộc sống mới tròn đầy ý nghĩa. Không cống hiến mà chỉ sống trong vỏ bọc của ích kỷ, thụ động thì sẽ dần héo khô và mất tác dụng với đời như hạt lúa thứ nhất mà thôi.

Trong cuộc sống đời thường, ai cũng có những lúc tối lửa tắt đèn, ai cũng có lúc lá rách cần lá lành, có lúc chị ngã em nâng…. Sống ở đời, ai mà không cần tới tình yêu, cần tới sự cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ của anh em. Người Kitô hữu cũng chỉ có ý nghĩa khi biết sống nhân ái, yêu thương. Tình yêu thương không dừng lại ở sự xót thương những mảnh đời bất hạnh mà còn phải làm điều gì đó để xoa dịu nỗi đau cho anh em, đó là luôn biết dấn thân phục vụ, giúp đỡ anh em cả về vật chất và tinh thần. Vì cuộc đời người Kitô hữu không có yêu thương thì cũng như hạt lúa thứ nhất sẽ chết dần chết mòn.

Tình yêu thương, sự chia sẻ còn làm cho tình người thêm khăng khít với nhau hơn, làm cho con người thêm gần gũi nhau và hợp nhất với nhau. Tình yêu mời gọi chúng ta dấn thân phục vụ nhau, không phân biệt giai cấp, không phân biệt tôn giáo, không so đo tính toán thiệt hơn như hạt lúa thứ hai sẵn sàng chịu mục nát để làm nên những hạt lúa mới, như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“…Nếu là con chim chiếc lá

Thì chim phải hót chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho đâu phải chỉ riêng mình….”

Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai.

Xem thêm Top 10+ bài nghị luận Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình hay nhất

Bài viết số 2:

Cuộc sống là chuỗi ngày mỗi con người tự hoàn thiện mình. Mỗi ngày là một bài học vô giá ta nhận được từ cuộc sống. Quá trình hoàn thiện mình này chính là gạt bỏ đi những cái xấu và vun đắp thêm những cái tốt dù là rất nhỏ. Và bài học mà tôi nhận ra được sau khi đọc câu chuyện "Hai cây lúa" là về sự ích kỉ cùng với khát khao cống hiến trong lòng mỗi người.

Có người đã từng nói: "Đừng để sự ích kỉ trở thành con rắn độc luồn vào trong tim, ăn mòn lí trí của bạn". Đúng như vậy, sự ích kỉ đem lại rất nhiều tác hại, không chỉ bản thân ta mà còn ảnh hưởng đến cả những người xung quanh, gia đình, xã hội.

Vậy bạn hiểu "ích kỉ là gì? Còn đối với tôi, "ích kỉ" là lối sống lệch lạc, chỉ biết suy nghĩ và hành động cho lợi ích của bản thân mình mà không màng đến lợi ích của người khác. Thậm chí sẵn sàng giẫm đạp lên lợi ích của người khác để đạt được mục đích của mình.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, càng ngày có càng nhiều người sống với suy nghĩ tiêu cực như trên. Nguy hiểm hơn, là trong số họ, chiếm đa số là những người trẻ tuổi - là thành phần nòng cốt trong xã hội.

Biểu hiện của sự ích kỉ trong lòng mỗi người rất rõ nét. Họ sẽ sống trong tư thế không chịu mở lòng, hành động theo sự toan tính hơn thua với người khác. Nếu thấy cái lợi về mình thì mới làm. Ích kỉ là một lối sống tiêu cực, bào mòn đi tâm hồn và lí trí của ta. Họ luôn sống trong lớp vỏ bọc mà chính mình tạo ra, để rồi phải "chết dần chết mòn" trong đó, như hạt lúa thứ nhất trong câu chuyện trên. Nó vì lợi ích của bản thân, không muốn thân mình phải "tan nát trong đất" như hạt lúa thứ hai nên đã sống trong lớp vỏ bọc của mình. Đến khi sử dụng hết chất dinh dưỡng mà nó có thì đành phải sống trong bóng tối đến suốt quãng đời ngắn ngủi còn lại… Trong cuộc sống của con người cũng vậy, khi tham gia một hoạt động tập thể, trong khi đa số mọi người đều năng nổ, tham gia nhiệt tình thì còn có một bộ phận không ít người chỉ nghĩ đến mình, ngại khó, ngại khổ…

Vậy theo bạn, nguyên nhân nào dẫn đến "hội chứng ích kỉ" trên? Có nhiều nguyên do khiến một con người trở nên ích kỉ, vị kỉ như vậy, nhưng có lẽ nguyên nhân chính và lớn nhất là nằm ở suy nghĩ và nhận thức của mỗi người. Nhận thức của họ bị sai lệch, họ nghĩ cho đi là thiệt thòi là sự mất mát… cũng như cây lúa thứ nhất, nó nghĩ rằng "Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng mà ta đang có, ta sẽ cứ ở khuất trong kho lúa thôi". Chính vì suy nghĩ lệch lạc, sai lầm đó mà dẫn đến những hành động ích kỉ, vị kỉ đáng lên án trong xã hội…

Nó ảnh hưởng rất lớn đến bản thân, gia đình và xã hội. Một người ích kỉ là cho bản thân họ có những hành động và suy nghĩ chỉ hướng đến mình mà sẵn sàng hy sinh lợi ích vốn có của người khác thì dần dần mọi người sẽ xa lánh ta, ta không còn giữ được những mối quan hệ trong xã hội, thậm chí là trong gia đình. Bởi lẽ, không ai muốn giữ "một con rắn độc", sẵn sàng làm hại mình bên cạnh. Không chỉ dừng lại ở đó, sự ích kỉ của một người còn làm cho những người khác thiệt thòi, xã hội mất tính công bằng, đoàn kết… Như hạt lúa thứ nhất, nó đã "hy sinh" đi lợi ích – làm mất đi năng suất lao động của chính người đã tạo ra nó, cho nó "cuộc sống" này. Còn sự mất công bằng ở chỗ, trong khi hạt lúa thứ nhất chỉ nằm trong kho, hưởng thụ cuộc sống nhàn hạ thì hạt lúa thứ hai phải "tan mình trong đất", chịu đựng cái khắc nghiệt của môi trường bên ngoài để "từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt "…" mang đến cho đời những hạt lúa mới…".

Trái ngược với hạt lúa thứ nhất - luôn giữ khư khư lợi ích của bản thân, thì hạt lúa thứ hai lại "hào hứng", sẵn sàng hy sinh "cuộc đời" mình để một thế hệ mới ra đời, mở ra cho đời nhiều sự sống tươi đẹp hơn nó...

Nhắc đến khát khao cống hiến, tôi liền nhớ đến bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải:

"Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc."

Khát khao cống hiến là không có giới hạn… Dù là hạt lúa hay con người, dù già hay trẻ, dù giàu hay nghèo, dù nam hay nữ… tất cả đều có thể cống hiến cho đời, cho người… Trong thực tế, sự hy sinh, cống hiến thể hiện rõ nhất ở những cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do dân tộc của những con người dũng cảm, can trường… Họ hy sinh thân mình để đổi lấy hòa bình, đổi lấy cuộc sống ấm no hạnh phúc cho thế hệ mai sau… Tất cả họ đều là những con người vĩ đại, là tấm gương kì vĩ mà chúng ta cần học hỏi… Vậy ta nhận được gì khi cống hiến?

Đừng nghĩ cho đi là mất mát, mà khi cho đi nghĩa là ta đang nhận lại, ta nhận được gì? Ta nhận được sự yêu mến, kính trọng từ những người xung quanh, ta nhận được sự thanh thản, yên bình trong tâm hồn, trong lí trí của ta sẽ tràn ngập hạnh phúc… Hẳn là vậy, khi cho đi, hạt lúa thứ hai sẽ vô cùng tự hào khi nó đã tạo ra những mầm xanh mới, mở ra nhiều cuộc đời mới, như chính những điều mà những "hạt lúa mẹ" đã làm với nó… Nếu trong cuộc đời này, ai ai cũng "hào hứng" cho đi như cây lúa thứ hai thì có lẽ, cuộc đời này sẽ tràn ngập tình yêu thương, niềm hạnh phúc…Nhưng nếu, tất cả những người trong xã hội đều ích kỉ như hạt lúa thứ nhất thì có lẽ cuộc sống này sẽ trở nên khô khan, đầy rẫy những hiểm nguy mà chính những con người ích kỉ gây ra cho nhau.

Vậy để làm mất đi sự ích kỉ và thay vào đó là khát khao được cống hiến thì ta cần phải là những gì? Trước tiên, hãy thay đổi suy nghĩ của bản thân mình theo hướng tích cực bằng cách tích cực tham gia những hoạt động tập thể để nhận ra lợi ích của cống hiến đem lại.

Tuyên truyền, tổ chức các hoạt đông ngoại khóa về chủ đề "ích kỉ" trong xã hội đặc biệt là trong ngành giáo dục. Biết lên án, tố cáo những hành vi nguy hiểm xuất phát từ sự ích kỉ.

Còn đối với tôi, là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường sẽ giữ cho mình suy nghĩ đúng đắn về "sự ích kỉ" như chính những điều mà hôm nay tôi đã nói với các bạn. Tích cực tham gia các hoạt động tập thể của trường lớp địa phương tổ chức để góp một phần nhỏ bé nào đó giúp cho xã hội ngày càng công bằng tốt đẹp như chính lời của nhà thơ Tố Hữu:

"Nếu là con chim, chiếc lá

Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không có trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"

/***/

Với những gợi ý và bài làm tham khảo trên đây, các bạn hoàn toàn có thể tự triển khai một bài văn hoàn chỉnh nghị luận về ý nghĩa câu văn: Hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Tìm đọc và tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu hay khác tại thư mục Văn mẫu 12 để nâng cao kĩ năng làm văn chuẩn bị tốt cho các kì thi và kiểm tra sắp tới. Chúc các bạn làm bài tốt !

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM