Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về hành trang cần có của thanh niên Việt Nam trong thời đại ngày nay để có thể vững bước vào thế kỉ mới, đưa đất nước phát triển đi lên.
***
Những bài văn nghị luận hay suy nghĩ về thanh niên hiện nay cần trang bị những gì để bước vào thế kỉ mới
Bài văn số 1:
Đứng trước thách thức và những cơ hội của việc giao lưu, mở rộng quan hệ ngoại giao giữa các nước trong khu vực và trên thế giới, thanh niên Việt Nam cũng như thanh niên nước ngoài cần trau dồi và tích lũy những đức tính như chăm chỉ, sáng tạo và đoàn kết để phát huy được tinh hoa văn hóa dân tộc và những giá trị thâm sâu của văn hóa nước ngoài.
Xã hội luôn luôn phát triển và vận động theo khuynh hướng đi lên, tiến tới thời kì văn minh, tiến bộ, công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngày càng phát triển như vũ bão. Đứng trước những thách thức và cơ hội mới của việc mở rộng quan hệ giao lưu, đối ngoại thì thanh niên Việt Nam cần phải chuẩn bị cho mình một hành trang vững chắc và thông minh để bước vào thế kỉ mới.
Thanh niên là những người trẻ tuổi, trẻ lòng chính vì thế hơn ai hết họ cần biết cồng hiến và hi sinh để đóng góp sức lực xây dựng đất nước, xã hội văn minh tiến bộ. Nhưng con người không ai là hoàn hảo, vì thế bản thân mỗi người trẻ cũng cần trau dồi và phát huy những điểm mạnh của bản thân và hạn chế những điểm yếu. Trước nhất là cần có thái độ và tinh thần trách nhiệm cho công việc mình làm. Chỉ khi có một tinh thần trách nhiệm cao thì sản phẩm làm ra mới đạt được năng suất hiệu quả, thu hút được vốn đầu tư của nước ngoài, khẳng định được uy tín của nước mình trên thị trường thế giới. Tiếp nữa là phải có óc sáng tạo, tính tự lập và bản lĩnh dám nghĩ dám làm. Sự sáng tạo là bởi cuộc sống phát triển luôn luôn đòi hỏi sự ra đời của những phát minh, những cống hiến mưới phục vụ mục đích và nhu cầu thiết yếu ngày càng cao của con người. Cũng cần óc tác phong làm việc chuyên nghiệp để thể hiện bản lĩnh và phong cách của người làm việc có tầm. Đấy là những yếu tố mà thiết nghĩ thế hệ trẻ cần phát huy và nâng cao.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần hạn chế những điểm yếu. Bản chất con người vốn không ai hòan hảo từ trong trứng cả, nhưng con người cũng hơn con vật ở chõ biết tư duy và cảm xúc. Vậy nên tư duy ấy là để ta biết phân tích và phán đoán mặt tích cực để phát huy, đào thải dần những mặt hạn chế. Như lòng ích kỉ, tinh thần đoàn kết chưa cao hay thái độ làm việc chưa nghiêm túc, cẩn thận. Đó là những yếu tố mà một con người trong xã hội văn minh, hiện đại cần trau dồi cho bản thân để đáp ứng nhu cầu thời đại. Sở dĩ người Nhật nổi tiếng trên thế giới như vậy là bởi thái độ và tác phong làm việc cũng như cách hành sử nhân văn, lịch sử của họ khiến cả thế giới cũng phải ngả mũ bái phục.
Khi chuẩn bị được một hành trang vững mạnh thì bạn sẽ có lợi thế hơn trong việc đi tới thành công. Những điều lớn lao đầu bắt nguồn từ sự nhỏ bé, bình dị. Những thành công đều đi lên từ thất bại, chẳng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vô vàn những vui gai. Vì thế nền tảng cho tương lai và hành trang quý báu cả về nhân cách và trí tuệ là điều không thể thiếu, những yếu tố ấy sẽ là điều kiện cần và đủ để phát triển và tỏa sáng, để khẳng định được giá trị sự tồn tại của bản thân mình.
Càng trong xu hướng phát triển như vũ bão hiện nay thì con người, đặc biệt là thanh niên-thế hệ trẻ, nguồn lực cốt cán cho sự phát triển của dân tộc và nhân loại càng cần trau dồi để chuẩn bị hành trang vững chãi khi bước vào thế kỉ mới.
Bài văn số 2:
Ông cha ta từng nói rằng: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", thanh niên chính là nguồn nhân lực dồi dào đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Vậy thanh niên cần trang bị những gì để bước vào thế kỉ mới?
"Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ". Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước như bác Hồ từng nói: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu...". Qua câu nói ấy, Bác đã khẳng định vai trò của thanh niên, của thế hệ mang non của đất nước. Vì vậy, việc thế hệ trẻ hiện nay cần có hành trang tốt đẹp để bước vào thế kỉ mới, một thế kỉ với sự hội nhập cao. "Trang bị" ở đây được hiểu là những kiến thức cần thiết về các lĩnh vực: công nghệ, kĩ thuật, xã hội,.. bên cạnh đó là những phẩm chất, đạo đức chuẩn mực của con người.
Trước hết, mỗi thanh niên cần có ý thức ,cần phải rèn luyện, nỗ lực hết mình để khẳng định giá trị của bản thân. Hơn hết, thanh niên phải ý thực được trách nhiệm và nghĩa vụ đối với xã hội. Ta sinh ra là để sống và cống hiến cho cuộc đời mà không màng những điều nhỏ nhặt và hèn nhát. Với lí tưởng cao đẹp ấy, thanh niên dựa vào đó mà học tập, trau dồi, bồi dưỡng để hướng đến những điều tốt đẹp. Hãy từ việc rèn luyện mà tìm kiếm cho mình một đam mê, một khát vọng, một mục đích sống để phấn đấu và phát triển. Trong hành trình cống hiến cho xã hội, thế hệ trẻ không thể thiếu đi óc sáng tạo. Sự sáng tạo là ngọn nguồn của những điều khác biệt, của những kiệt tác, phát minh vĩ đại của nhân loại. Vì vậy, thanh niên chúng ta không thể khuyết đi tính sáng tạo, cứ mải làm theo một lối mòn như một cái máy được mặc định sẵn, chúng ta sẽ trở thành những con robot bị thui chột mất một tài năng to lớn.
Trong cuộc sống, không ai là hoàn hảo, nên chúng ta cần khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại như "bệnh lười", "bệnh vô cảm", ... Trong Tony buổi sáng từng viết rằng: "Có một thế hệ trẻ mở miệng ra thốt "đam mê" nhưng vẫn dậy muộn, đói ăn ,lười đọc sách và mãi không kiếm ra tiền". Chính vì vậy mà thế hệ trẻ chúng ta cần nghiêm khắc với bản thân, tìm đam mê nhưng đừng coi nó là một mỹ từ bao biện cho sự lười nhác của mình. Hãy đặt cho đam mê một kế hoạch, một dự định để thực hiện, biến những đam mê thành hành động thiết thực nhất.
Trong xã hội, không phải thanh niên nào cũng có cho mình một hành trang tốt đẹp, họ vẫn còn mắc phải những thiếu sót, những sai lầm của tuổi trẻ. Nhưng có lẽ những sai lầm ấy cũng sẽ trở thành một phần trong hành trang của con người. Khi ta còn trẻ ta được phép mắc lỗi, cứ sai đi vì cuộc đời cho phép, qua những sai lầm ấy ta lại học hỏi được nhiều điều hay, nhiều kinh nghiệm quý báu.
Khi những kĩ năng, hiểu biết và nhận thức được trang bị đầy đủ, những khó khăn trong cuộc sống ta cũng nếm trải đủ vị, lúc ấy thanh niên đã trưởng thành, không còn những bồng bột, hấp tấp khi đối diện với sóng gió cuộc đời. Ta nhìn lại tuổi trẻ, một thời tươi đẹp ta không hồi hận hay nuối tiếc về những hành trang ta mang đi để vượt khơi xa.
» Tham khảo thêm: Nghị luận về tuổi trẻ và tương lai đất nước
Bài văn số 3:
“Thế giới ngày mai thuộc về những người có tầm nhìn hôm nay”.
Vũ Khoan từng là Phó Thủ tướng Chính phủ nước ta. Ông đã từng viết bài “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” để khuyên lớp trẻ Việt Nam bước vào thế kỉ mới cần nhận ra những điểm mạnh, từ bỏ những điểm yếu. Trong bài viết có những lời nhắc nhở chân tình sau đây: “Cái mạnh của con người Việt Nam là sự thông minh và nhạy bén với cái mới … nhưng bên cạnh cái mạnh đó vẫn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối họ chay, học vẹt nặng nề …”.
Vậy hành trang là gì? Hành trang là đồ dùng mang theo và các thứ trang bị khi đi xa. Ở đây dùng với nghĩa là hành trang tinh thần như tri thức, kĩ năng, thói quen … để bước vào một thời kì mới. Thế nào là thế kỉ mới? Đây là cụm từ chỉ thế kỉ XXI, thế kỉ của khoa học, của thế giới mạng. Thế kỉ mới (thế kỉ XXI) là thời kỳ đất nước ta đi vào công nghiệp hóa, điện đại hóa, hơn thế nữa “hội nhập càng sâu vào nền kinh tế thế giới”.
Tại sao phải chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới? Vì muốn định hướng cho tương lai thì trước hết chúng ta phải bắt tay vào chuẩn bị và cải thiện lại bản thân mình. Đây là khâu quan trọng mở đầu cho các khâu tiếp theo. Nó mở ra hướng đi trong việc chuẩn bị các hành trang tiếp theo. Dù là thời kì đồ đá hay đồ đồng, kể cả thời hiện đại, dù ở nước Mỹ hay ở Việt Nam thì bản thân con người bao giờ cũng là trung tâm của sự phát triển. Vì từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỉ tới, nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ, vai trò của con người càng nổi trội. Muốn chuẩn bị cho bản thân thì phải nhận ra cái mạnh và cái yếu của chính mình.
Cái mạnh của con người Việt Nam là gì? Cái mạnh của con người Việt Nam là sự thông minh và nhạy bén với cái mới. Sự thông minh nhanh nhạy là một mặt mạnh mà không ai có thể phủ nhận. Nhờ vậy mà dân tộc ta có thể tồn tại và phát triển qua 4000 năm lịch sử đầy thăng trầm biến động bởi thù trong, giặc ngoài; mới vượt qua được bao thử thách nghiệt ngã, vận nước ngàn cân treo sợi tóc. Nhiều tấm gương thành công của con người Việt Nam đã chứng minh điều này. Ngày xưa, Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đã làm cho vua Trung Quốc phải nể phục … Giáo sư Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh đất nước với giải Fields Toán học.
Cái yếu của con người Việt Nam là gì? Cái yếu của người Việt Nam là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề … Vậy học vẹt là gì? Học vẹt là học mà không hiểu bài, không nắm rõ kiến thức của bài mà chỉ cố học thuộc lòng từng câu chữ một cách máy móc. Học vẹt là thuộc làu làu những khái niệm, những định nghĩa, những kiến thức nhưng không hề hiểu gì về kiến thức, định nghĩa, khái niệm đó. Biểu hiện của nó là lý thuyết thì thuộc nhưng không biết áp dụng kiến thức đó vào thực hành. Học sinh cố học thuộc để lấy điểm miệng hay kiểm tra nhưng rốt cục chẳng hiểu vấn đề. Còn thế nào là học tủ? “Học tủ” là chọn một phần kiến thức trong vô vàn kiến thức để học và nghĩ rằng kiến thức đó sẽ có trong kỳ thi. Học tủ là cách học cầu may, đoán đề và chỉ học những phần mình đoán đề sẽ ra. Cách học này mang tính chất may rủi rất cao và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhất là khi các bạn học sinh đoán sai đề thi – kiểm tra mà không trúng “tủ” thì sẽ nhận được điểm kém. Trong Luận văn thị phạm, Nghiêm Toản đã viết: “Sự học mà đã hạ xuống là “học tủ” thù chúng tôi cũng không còn cần làm việc cùng các bạn nữa”.
Vậy chúng ta phải làm gì để chuẩn bị bước vào thế kỉ mới? Chúng ta phải lấp đầy túi hành trang của mình bằng những điểm mạnh và vứt bỏ điểm yếu. Chúng ta đang sống, sinh hoạt, học tập trên đất nước Việt Nam; chúng ta thừa hưởng, sự thông minh, nhạy bén của cha ông. Và giờ đây, chúng ta phải biến thế mạnh ấy thành kho tàng riêng của mình bằng cách ra sức học tập để bồi dưỡng cho kho tàng ấy ngập tràn kiến thức. Bởi lẽ “kiến thức là sức mạnh”, chỉ có kiến thức, tuổi trẻ mới có sức mạnh xây dựng đất nước phát triển. Nhưng để làm được điều đó chúng ta phải học những gì, học ra sao? Có lẽ không phải là học vẹt, học tủ …. Mà phải thay đổi phương pháp học tập, “học đi đôi với hành” …. “Học kiến thức phải giỏi suy nghĩ, suy nghĩ, lại suy nghĩ. Chín nhờ cách ấy tôi đã trở thành nhà khoa học” (Einstein).
Trong một thế giới đang phát triển, nước ta lại phải cùng lúc giải quyết ba nhiệm vụ; thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đồng thời phải tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức. Để hoàn thành sự nghiệp ấy con người Việt Nam phải hiểu rõ những điểm mạnh và điểm yếu của mình. Bước chân vào thế kỉ mới, đất nước Việt Nam, con người Việt Nam có rất nhiều cơ hội; hòa nhập, mở rộng giao lưu về kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ … nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn, thử thách. Vấn đề làm sao tận dụng những cơ hội, ứng phó với thách thức do tiến trình hội nhập đem lại là vấn đề hết sức to lớn, là mối quan tâm của tất cả mọi người.
Tóm lại, bước vào thế kỉ mới, muốn “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thì con người chính là yếu tố đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành bại của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Con người phải chuẩn bị những hành trang cần thiết để bước vào thế kỉ XXI bằng cách trang bị tri thức khoa học công nghệ, có nhận thức đúng về bản thân, xã hội, thời đại, có tâm hồn trong sáng, lành mạnh, giàu tính nhân văn, có lí tưởng, có niềm tin. Còn học sinh chúng ta cần phải tập trung ý chí và xác định thật đúng đắn mục đích của học tập của mình, mục đích học tập như tổ chức Unesco đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.
Bài văn số 4:
“Lớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới” - Phó Thủ Tướng Vũ Khoan đã nhấn mạnh trong bài viết “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” của mình. Lần đầu được giới thiệu trên báo Tia sáng năm 2001.
Trong những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất. Từ cổ chí kim bao giờ con người vẫn là động lực phát triển của lịch sử. Trong thế kỷ tới mà ai ai cũng thừa nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò của con người lại càng nổi trội.
Cần chuẩn bị những cái cần thiết trong hành trang mang vào thế kỷ mới, trong khi chúng ta đã chứng kiến sự phát triển như huyền thoại của khoa học và và công nghệ, làm cho tỷ trọng trí tuệ trong một sản phẩm ngày một lớn. Chắc rằng chiều hướng này sẽ ngày càng gia tăng. Một phần dưới tác động của những tiến bộ về khoa học và công nghệ, sự giao thoa, hội nhập giữa các nền kinh tế chắc chắn sẽ sâu rộng hơn nhiều.
Trong một thế giới như vậy, nước ta lại phải cùng một lúc giải quyết ba nhiệm vụ: thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đồng thời lại phải tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức. Làm nên sự nghiệp ấy đương nhiên là những con người Việt Nam với những điểm mạnh và điểm yếu của nó.
Cái mạnh của con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận là sự thông minh, nhạy bén với cái mới. Bản chất trời phú ấy rất có ích trong xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu. Nhưng bên cạnh cái mạnh đó cũng còn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề. Không nhanh chóng lấp những lỗ hổng này thì thật khó bề phát huy trí thông minh vốn có và không thể thích ứng với nền kinh tế mới chứa đựng đầy tri thức cơ bản và biến đổi không ngừng.
Cái mạnh của người Việt Nam ta là sự cần cù, sáng tạo. Điều đó thật hữu ích trong một nền kinh tế đòi hỏi tinh thần kỷ luật rất cao và thái độ rất nghiêm túc đối với công cụ và quy trình lao động với những máy móc, thiết bị rất tinh vi. Tiếc rằng ngay trong mặt mạnh này của chúng ta cũng lại ẩn chứa những khuyết tật không tương tác chút nào với một nền kinh tế công nghiệp hoá chứ chưa nói tới nền kinh tế tri thức. Người Việt nam ta cần cù thì cần cù thật nhưng lại thiếu đức tính tỉ mỉ. Khác với người Nhật vốn cũng nổi tiếng cần cù lại thường rất cẩn trọng trong khâu chuẩn bị công việc, làm cái gì cũng tính toán chi ly từ đầu, người Việt Nam ta thường dựa vào tính tháo vát của mình, hành động theo phương châm “nước đến chân hãy nhảy”, “liệu cơm gắp mắm”. Do còn chịu ảnh hưởng nặng nề của phương thức sản xuất nhỏ và cách sống ở nơi thôn dã vốn thoải mái và thanh thản nên người Việt Nam chưa có được thói quen tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc là cường độ khẩn trương. Ngay bản tính “sáng tạo’ một phần nào đó cũng có mặt trái ở chỗ ta hay loay hoay “cải tiến”, làm tắt, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ. Trong một xã hội công nghiệp và “hậu công nghiệp” những khuyết tật ấy sẽ là những vật cản ghê gớm.
Trong một “thế giới mạng’, ở đó hàng triệu người trên phạm vi toàn cầu gắn kết với nhau trong một mạng Internet thì tính cộng đồng là một đòi hỏi không thể thiếu được. Nhân dân ta có truyền thống lâu đời đùm bọc, đoàn kết với nhau theo phương châm “nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Bản sắc này thể hiện mạnh mẽ nhất trong cảnh đất nước lâm nguy, ngoại bang đe doạ. Nhưng tiếc rằng phẩm chất cao quý ấy thường lại không đậm nét trong việc làm ăn, có thể do ảnh hưởng của phương thức sản xuất nhỏ, tính đố kỵ vốn có của lối sống theo thứ bậc không phải theo năng lực và lối nghĩ “trâu buộc ghét trâu ăn” đối với người hơn mình ở làng quê thời phong kiến. Ta có thể quan sát thấy điều đó ngay trong cả những việc nhỏ nhặt: ví dụ vào thăm bảo tàng thì người Nhật túm tụm vào với nhau ch chăm chú nghe thuyết minh, còn người Việt Nam ta lại lập tức tản ra xem những thứ mình thích; người Hoa ở nước ngoài thường cưu mang nhau, song người Việt lại thường đố kỵ nhau…
Bước vào thế kỷ mới, nước ta sẽ hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới. Bản tính thích ứng nhanh sẽ giúp dân ta tận dụng những cơ hội, ứng phó với thách thức do tiến trình hội nhập đem lại. Nhưng thái độ kỳ thị đối với sự kinh doanh, thói quen ảnh hưởng sự bao cấp, nếp nghĩ sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức đều sẽ cản trở sự phát triển của đất nước. Thói quen ở không ít người thích tỏ ra “khôn vặt”, ”bóc ngắn cắn dài”, không coi trọng chữ “tín” sẽ gây tác hại khôn lường trong quá trình kinh doanh và hội nhập.
Bước vào thế kỷ mới, muốn “sánh vai các cường quốc năm châu” thì chúng ta sẽ phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu. Muốn vậy thì khâu đầu tiên, có ý nghĩa quyết định là hãy làm cho lớp trẻ – những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỷ tới – nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.
Một số đoạn văn ngắn 200 chữ bàn về hành trang cần có của thanh niên Việt Nam trong thời đại ngày nay
Đoạn văn 1:
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Tuổi hai mươi làm sao không tiếc?
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc?
(Trường ca “Những người đi tới biển” – Thanh Thảo)
Những câu thơ trên của Thanh Thảo đã thể hiện lí tưởng cao đẹp của thế hệ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Qua đó tác giả nhắc nhở thế hệ trẻ chúng ta hôm nay: Bất cứ thời đại nào, mỗi con người chúng ta nhất là thế hệ thanh niên cũng luôn phải ý thức vai trò trách nhiệm của mình đối với đất nước. Trước tiên thế hệ trẻ phải xác định tư tưởng, tình cảm, lí tưởng sống của mình: yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc; lao động, học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần. Thời đại ngày nay, xu thế toàn cầu là xu thế hội nhập, khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ cao, vậy thế hệ trẻ cần phải học tập tích lũy tri thức để góp phần phát triển đất nước theo kịp thời đại, hội nhập với xu thế phát triển chung của quốc tế. Bên cạnh đó, phải rèn luyện sức khỏe để có khả năng cống hiến và bảo vệ đất nước. Đồng thời thanh niên cũng cần quan tâm theo dõi đến tình hình chung của đất nước, tỉnh táo trước hành động của mình không bị kẻ xấu lợi dụng. Về vấn đề chủ quyền biển đảo, thanh niên cần hưởng ứng và tích cực các diễn đàn hợp pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Internet, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên các diễn đàn, đồng thời kịch liệt lên án và đấu tranh tham gia ngăn chặn các hành vi vi phạm xâm phạm chủ quyền biển, hải đảo thiêng liêng của Tổ Quốc, phải luôn có “trái tim nóng, cái đầu lạnh”. Như vậy, xây dựng và bảo vệ tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng của thanh niên nói riêng và của mỗi con người Việt Nam nói chung.
Đoạn văn 2:
Đất nước ta đang bước vào một thế kỷ mới, một thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới mới, vì vậy mỗi người đều phải chuẩn bị hành trang cho mình để vững vàng hơn khi bước vào thế kỷ này, trong đó, sự chuẩn bị của thanh niên là vô cùng quan trọng vì thanh niên là những thế hệ tương lai của đất nước.
Hành trang là những trang bị, vật dụng cần thiết của mỗi người trong một chuyến đi xa. Nhưng hành trang ở đây được hiểu là tri thức, kỹ năng, thói quen, được coi là điều kiện cần và đủ để thanh niên có thể tự tin trước sự phát triển một cách chóng mặt của khoa học – kỹ thuật, của sự hội nhập kinh tế thế giới với tính kỷ luật và cường độ lao động cao. Việc chuẩn bị hành trang như vậy sẽ giúp cho chúng ta có thêm nhiều kiến thức, bổ sung thêm tri thức, kỹ năng cho mỗi người, bên cạnh đó giúp ta vững vàng hơn và không bị bỡ ngỡ khi bước vào thế kỷ mới. Đối với đất nước và xã hội, việc chuẩn bị hành trang sẽ là một bước đệm để đưa đất nước phát triển, giúp đất nước hòa nhập với nền kinh tế thế giới, thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu để sánh vai với các cường quốc năm Châu.
Là thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta phải là những người đi đầu tiên phong trong học tập, học tập một cách có hiệu quả. Biết mở rộng vốn kiến thức của mình bằng việc thu thập các thông tin trên sách báo, ti vi, internet,… Nhanh chóng thu nhận thông tin từ các nước bạn bè để đưa ra các biện pháp giúp đất nước phát triển bằng hoặc hơn các nước bạn, nắm vững tri thức và kịp thời vận dụng các tri thức ấy vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Có như vậy thì đất nước ta mới phát triển trong thời kỳ nền kinh tế tri thức này.
Chuẩn bị hành trang bước vào thế kỷ mới của thanh niên là vô cùng cần thiết. Nó giúp cho đất nước thoát khỏi tình trạng đói nghèo, lạc hậu và có thể hội nhập với kinh tế thế giới một cách bình đẳng. Vì vậy mà chúng ta – thế hệ tương lai của đất nước hãy chuẩn bị hành trang thật tốt để bước vào thế kỷ mới một cách vững vàng nhất có thể.
» Xem thêm bài văn mẫu: Nghị luận về Tuổi trẻ trước những cơ hội mới
Đoạn văn 3:
Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân vĩnh cửu của nhân loại và tuổi trẻ bao giờ cũng hướng tới tương lai.
Tương lai - đó là những gì chưa có trong hôm nay, nhưng chính vì thế mà nó lại có sức hấp dẫn ghê gớm đối với con người, nếu không nói rằng nhờ có niềm hi vọng vào tương lai mà con người có thể vượt qua mọi khó khăn trở ngại để tiếp tục sống một cách có ích hơn. Con người ta, nhất là thanh niên không thể thụ động chờ đợi tương lai, càng không thể đi tới tương lai với hai bàn tay trắng, nghĩa là phải chuẩn bị cho mình một hành trang cần thiết, đặc biệt là hành trang tinh thần để có thể vững bước tới tương lai. Hành trang - đó là tri thức, kĩ năng, thói quen, được coi là điều kiện cần và đủ để thanh niên có thể tự tin trước sự phát triển của khoa học kĩ thuật, của sự hội nhập kinh tế thế giới với tính kỉ luật và cường độ lao động cao. Muốn có hành trang như vậy để bước vào thế kỉ mới, thì hơn bao giờ hết thanh niên phải là những người đi tiên phong trong học tập, học tập có hiệu quả. Nhanh chóng nắm vững tri thức và kịp thời vận dụng các tri thức ấy vào sự nghiệp cộng hoá, hiện đại hoá đất nước. Chỉ có như vậy thì đất nước chúng ta mới nhanh chóng thoát khỏi tình trạng đói nghèo, lạc hậu để hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới một cách bình đẳng, phát triển đất nước một cách bền vững. Và cũng chỉ có như vậy, thanh niên mới xứng đáng là những người chủ tương lai của đất nước.
Đoạn văn 4:
Từ thuở xa xưa thanh niên Việt Nam đã ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với đất nước. Trong thời chiến họ luôn là lực lương tiên phong trong các phong trào đánh giặc cứu nước, luôn là lực lượng nòng cốt của cách mạng,xả thân vì tổ quốc mà không tiếc thời tuổi trẻ. Vậy chúng ta những thanh niên may mắn được sinh ra trong thời bình, chúng là phải có trách nhiệm như thế nào để gìn giữ và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng đã được đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ đi trước, phải làm gì để xứng đáng hưởng được những thành quả ngày hôm nay. Mỗi chúng ta phải xác định cho mình một lí tưởng sống cao đẹp, phải có ước mơ và hoạch định ra cho mình một kế hoạch cụ thể, phải rèn đức luyện tài, phải hiểu được vai trò đất nước đối với chúng ta, có như vậy chúng ta mới xác định được đúng đắn được nhiệm vụ của mình đối với đất nước. Chúng ta ra sức học tập cũng là đang thực hiện nhiệm của của mình với đất nước, nó không phải là một cái gì đó sâu xa như các bạn nghĩ nó chỉ đơn giản là làm tốt bổn phận của mình để phấn đấu trở thành một công dân tốt góp phần xây dựng một đất nước giàu đẹp vững mạnh. Như vậy trách nhiệm của thanh niên ở thời chiến hay thời bình đều do ý thức mỗi con người tuy nhiên nó lại được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau.
Đoạn văn 5:
Đất nước ta đang bước vào một thế kỉ mới, một thời kì hội nhập kinh tế mới, một thời kì toàn cầu hóa để phát triển cùng các nước láng giềng. Vì vậy mỗi người, mỗi cá nhân chúng ta cần phải góp phần vào việc giúp đất nước phát triển, và trách nhiệm của những thanh niên hiện nay là rất quan trọng, những người thanh niên cần phải chuẩn bị hành trang của mình đầy đủ, để có thể đi tới một nơi thật xa mà gần trong tương lai chúng ta.
Hành trang ở đây không phải là những vật dụng cần thiết cho một chuyến đi, mà là những tri thức, kĩ năng, thói quen được coi là những điều kiện cần và đủ để thanh niên có thể đi đến một nơi thật xa mà gần trong tương lai của họ, và cũng chính là điều kiện để họ có thể giúp cho đất nước phát triển hơn hoặc bằng so với các nước láng giềng. Vì vậy trách nhiệm của thanh niên hiện nay là rất quan trọng có thể quyết định tương lai của đất nước sau này. Thế mà, có những thanh niên đã không ý thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước hiện nay là quan trọng như thế nào, mà chỉ việc lo ăn chơi mà không cố gắng học tập để có thể giúp cho tương lai của mình và đất nước. Về trách nhiệm của mỗi chúng ta thì phải ra sức cố gắng học tập thật tốt và không tham gia vào các tệ nạn của xã hội mà làm cho đất nước bị thụt lùi so với các nước bạn bè. Thanh niên phải xác định được lý tưởng sống của mình và tương lai của mình để có thể giúp cho đất nước phát triển tốt hơn trong tương lai.
/***/
Trên đây là tổng hợp những bài văn, đoạn văn ngắn hay nhất chủ đề nghị luận về hành trang cần có của thanh niên Việt Nam trong thời đại ngày nay. Các bạn có thể đọc và tham khảo để bổ sung những ý văn hay cho nội dung bài viết của mình kết hợp với những kiến thức hiểu biết quan sát xã hội của mình. Chúc các bạn làm bài tốt !
Tuyển tập Văn mẫu lớp 12 hay nhất chọn lọc / Đọc Tài Liệu