Trang chủ

Nghị luận Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?

Xuất bản: 03/03/2023 - Tác giả:

Nghị luận Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên, gợi ý dàn bài và văn mẫu nghị luận bàn về vấn đề nên hay không nên ham mê trò chơi điện tử

Tài liệu hướng dẫn chi tiết cách làm bài văn nghị luận về vấn đề Không thầy đố mày làm nên và Học thầy chẳng tày học bạn câu nào là chân lí? kèm theo một số bài văn mẫu hay giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình làm bài.

Dàn ý Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?

Đề bài: Viết bài văn nghị luận về vấn đề Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?

1. Mở bài

- Nêu vấn đề nghị luận: Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?

2. Thân bài

a. Giải thích vấn đề nghị luận

- Trò chơi điện tử: Trò chơi điện tử là trò chơi sử dụng thiết bị điện tử để tạo ra một hệ thống tương tác với người chơi nhằm mục đích chính là giải trí. Đối tượng của trò chơi điện tử là: trẻ em, thanh thiếu niên và cả người trưởng thành.

- Ham mê là ưa thích tới mức say mê.

=> Ham mê trò chơi điện tử là ưa thích, say mê những trò chơi có sử dụng thiết bị điện tử.

b. Bàn luận:

* Lợi ích của trò chơi điện tử

- Là phương tiện giải trí thú vị giúp thư giãn, giải tỏa căng thẳng mệt mỏi

- Dễ dàng giao lưu, trò chuyện, kết bạn, tạo sự gắn kết giữa người chơi với nhau, mở rộng các mối quan hệ với nhiều người xung quanh.

- Nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức, rèn luyện lại các nội dung đã học hoặc thêm trải nghiệm về đời sống.

* Tác hại của trò chơi điện tử

- Tiếp xúc với môi trường mới lạ của thế giới ảo khiến giới trẻ dễ “nghiện” trò chơi điện tử

- Quá say mê với trò chơi có thể khiến kết quả học tập của học sinh ngày càng giảm sút (trốn học, bỏ tiết, lơ đễnh trong giờ học,...)

- Nguy cơ khi chơi nhiều và chơi không để ý thời gian:

+ Gây ảo giác, nhầm lẫn giữa trò chơi và đời thực.

+ Ảnh hưởng sức khỏe, độ minh mẫn do thường xuyên thức khuya, ngồi hàng giờ trước máy tính chơi game

- Học sinh dễ bị lôi kéo, học thói xấu, sa vào tệ nạn xã hội (môi trường trò chơi đôi khi tạo ra nhiều mối quan hệ phức tạp, học sinh dễ tiếp xúc với các yếu tố kém lành mạnh, ý thức tự chủ ở giới trẻ còn kém,...)

- Các bạn trẻ dễ mất kiểm soát về tiền bạc, thời gian (nhu cầu cạnh tranh, khẳng định bản thân trong trò chơi yêu cầu các em bỏ nhiều tiền vào game để nâng cấp trang bị, mua sắm, dành nhiều thời gian cày game để dạt thứ hạng cao,...)

* Giải pháp để trò chơi điện tử là một công cụ có ích cho con người

- Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho việc quan tâm, chăm sóc, quản lý con cái.

- Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh giúp học sinh bớt căng thẳng sau giờ học.

- Các cơ quan, tổ chức cần có các biện pháp quản lí các trò chơi điện tử, kiểm soát nghiêm ngặt hơn trước khi đưa trò chơi điện tử ra thị trường, nâng cao phát triển các trò chơi lành mạnh.

- Phát triển các hình thức giải trí khác bên cạnh trò chơi điện tử.

- Các cơ quan chức năng cần quản lý chặt về thời gian hoạt động của các quán game internet, đặc biệt những cửa hàng trò chơi điện tử mọc quanh khu vực các trường học.

- Bản thân học sinh, sinh viên nên tự xây dựng ý thức cá nhân trong việc phân chia hợp lý quỹ thời gian học tập và chơi trò chơi điện tử.

3. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận: Ham mê trò chơi điện tử không xấu, ham mê mà làm ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống, học tập mới xấu.

- Đưa ra ý kiến mở rộng, lời bình luận hoặc phương hướng giải quyết vấn đề theo ý của em.

Top 3 bài văn nghị luận Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?

   Dưới đây Đọc Tài Liệu đã sưu tầm, tổng hợp gửi đến các em tham khảo một số bài văn mẫu nghị luận về vấn đề Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên? Hi vọng sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cũng như mở rộng vốn từ ngữ cho bài văn sắp viết.

Nghị luận Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên bài số 1

Hiện nay, vấn đề về lồi sống, đạo đức của giới trẻ đang được cả xã hội quan tâm. Đất nước ta ngày càng hội nhập vào quốc tế và internet đang trở nên phổ biến. Thế nhưng, cùng với internet thì game online cũng phát triển nhanh chóng, dẫn đến một bộ phận học sinh vì mãi chơi mà xao nhãng việc học tập và còn phạm phải những sai lầm khác.

Game online hay trò chơi điện tử là một hình thức giải trí hấp dẫn. Đó là một phần mềm được cài vào máy tính, nhà sản xất đã khéo léo phối hợp, giữa hình ảnh và âm thanh để tạo độ chân thực sắc nét, để lôi cuốn người chơi. Trò chơi điện tử mang tính kích thích cao, mới lạ và bí ẩn nên phù hợp với sở thích của giới trẻ, đặc biệt là học sinh. Theo một kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số những người sử dụng mạng internet thì có tới 61.4% là để chơi game. Một bộ bộ phận nguời chơi đã trở thành những “game thủ” và bị nghiện game. Đây đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm.

Công bằng mà nói, những trò chơi điện tử lành mạnh không hề gây hại cho người chơi nếu ta biết chơi một cách điều độ. Trái lại nó còn giúp ta thư giãn, giảm stress, luyện phản ứng nhanh,… Tuy nhiên, vì lợi nhuận mà các nhà sản xuất đã tìm đủ mọi cách để lôi cuốn người chơi, ngay cả việc đưa vào game những hình ảnh “mát mẻ” thiếu lành mạnh, biến game online trở thành thứ độc địa giết đi đầu óc trong sáng của học sinh.

Học sinh là đối tượng chính của game online. Với hình ảnh sắc nét, âm thanh sống động cùng với những thay đổi không ngừng, game online đã trở thành thú tiêu khiển hấp dẫn của học sinh. Một số bạn vì quá mải mê với trò chơi điện tử dẫn đến “nghiện game”. Nhiều bạn có thể chơi liên tục 4 - 5 tiếng đồng hồ mà không cần nghỉ ngơi, cá biệt, có nhiều bạn có thể chơi đến 12 tiếng một ngày! Đối với các bạn nghiện game thì việc chơi game được để lên hàng đầu, xao nhãng việc học, quên cả sức khoẻ bản thân, quên cả cuộc sống xung quanh. Thậm chí có bạn vì cần tiền đi chơi mà sẵn sàng làm trái pháp luật.

Gần đây rộ lên những vụ án cướp của, giết người mà thủ phạm là những trẻ vị thành niên bị nghiện game online. Những vụ án ấy đã thổi lên một hồi còi báo động cho xã hội về thực trạng nghiện game online của giới trẻ ngày nay. Như đã nói ở trên, game online có tính khích thích cao, dễ nghiện và một khi đã nghiện thì sẽ dẫn đến những hậu quả, tác hại khôn lường cho người chơi, gia đình và xã hội. Trước hết là những tác hại cho sức khoẻ người chơi. Khi chơi game không điều độ dễ đẫn đến một số bệnh lí liên quan đến mắt như cận thị, loạn thị,… Không chỉ thế, ngồi chơi game liên tục còn đưa đến tình trạng ảnh hưởng đến cột sống do tư thế ngồi sai hoặc ngồi quá lâu trước màn hình vi tính. Khi người chơi game quá mê chơi bỏ ăn uống thì có thể dẫn đến việc sụt cân nhanh chóng, sức đề kháng của cơ thể trở nên yếu ớt.

Ở Đài Loan đã có trường hợp một anh thanh niên hai mươi lăm tuổi chết do kiệt sức vì chơi game suốt 24 tiếng đồng hồ không nghỉ ngơi! Không chỉ có vấn đề về sức khoẻ nghiện game còn khiến người chơi quá đắm trong thế giới “ảo” mà quên đi thế giới thực. Người chơi còn bỏ ra quá nhiều thời gian để chơi điện tử mà quên mất công việc, gia đình. Từ đó dễ dẫn đến sự sa sút trong công việc, trong học tập. Không dừng lại ở đó, game online gây ảnh hưởng đến nhân cách người chơi, đặc biệt là học sinh. Game dễ dẫn đến các bạn ảo tưởng về cuộc sống, những hình ảnh bạo lực như chém giết lẫn nhau dễ gây ảnh hưởng tới tâm sinh lý còn non nớt của học sinh, khiến cho các bạn coi thường luật pháp và dễ vi phạm pháp luật. Nghiện game cũng gây nguy hại như nghiện ma túy.

Ở nước ta, game online phát triển nhanh chóng vì có điều kiện thuận lợi. Việc học sinh nghiện game có rất nhiều nguyên nhân khách quan. Để đáp ứng nhu cầu chơi game của giới trẻ, hiện nay nhiều tiệm net mọc lên nhanh chóng và lúc nào cũng xôm tụ, gây sự ham thích cho người chơi. Gia đình còn chưa thực sự quan tâm đến con em do guồng quay vội vàng của cuộc sống. Nhiều bạn bị nghiện game đã lâu mà gia đình không biết, cứ tưởng con mình đang học bài, đến khi xảy ra chuyện mới tá hỏa, ân hận thì đã muộn. Ở lứa tuổi học sinh, nhu cầu hoạt động vui chơi là rất cao. Đó là một nhu cầu rất chính đáng. Thế nhưng, nước ta lại thiếu sân chơi cho thanh thiếu niên, nhà trường còn quá chú trọng vào dạy chữ mà quên dạy người, không dạy cho học sinh những kĩ năng cần thiết để chống lại những cám dỗ trong cuộc sống, không tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh cho học sinh. Như một điều tất yếu, học sinh tìm đến game online để giải trí.

Về yếu tố chủ quan, nghiện game còn là do chính bản thân học sinh. Do các bạn đang ở tuổi dậy thì, tâm sinh lí chưa phát triển đầy đủ, nhận thức còn non nớt nên khó cưỡng lại sức hấp dẫn của game online. Hơn nữ, các bạn còn chơi game để khẳng định bản thân mình, xem trò chơi chơi điện tử như một nơi thể hiện “đẳng cấp”, cá tính riêng của mình. Một bộ phận học sinh còn chơi game online vì đua đòi, không muốn thua kém các bạn, số khác là do bị chấn thương tâm lý, bị coi thường ngoài cuộc sống, bị cô lập,… tìm đến game như để giải toả tâm lý.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiện game, do đó, muốn xoá hẳn thực trạng nghiện game ta phải giải quyết cho thấu đáo những nguyên nhân trên. Nhưng trước hết là về gia đình và xã hội. Gia đình phải có sự quan tâm đặc biệt cho con em mình, kiểm soát giờ chơi của các bạn. Gia đình còn phải hướng dẫn các bạn chơi sao cho lành mạnh. Xã hội phải tạo điều kiện cho các bạn học sinh tham gia vào các hoạt động tập thể, các hoạt động văn hoá - xã hội. Nhà nước cần kiểm soát các trò chơi điện tử và tiệm net, không để cho các trò chơi thiếu lành mạnh lưu hành trên thị trường và đương nhiên phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội để tạo môi trường tốt nhất cho học sinh. Và riêng bản thân học sinh cần phải có ý thức, không sa đà vào game, tham gia tích cực các hoạt động văn hoá – xã hội để rèn luyện bản thân, không vì game mà xao nhãng học tập và cuộc sống.

Tóm lại, game online là một thói tiêu khiển rất hấp dẫn, nhưng đừng vì mê chơi game mà xao nhãng học tập cuộc sống. Nghiện game cũng như nghiện ma túy, gây ra những tác hại khôn lường. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình nhà trường và xã hội để đẩy lùi thực trạng nghiện game. Riêng học sinh phải có tinh thần trách nhiệm, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội để tự rèn luyện mình thành người có ích cho xã hội. Dẹp bỏ nạn nghiện game cũng chính là mở đường cho xã hội phát triển tốt đẹp hơn.

Nghị luận Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên bài số 2

Những trò chơi điện tử càng ngày càng có sức hút đối với con người hơn những trò chơi trực tiếp truyền thống vì tính đa dạng, phong phú cũng như tiện ích của nó. Có người cho rằng chơi trò chơi điện tử là tốt. Những cũng có người cho rằng chơi trò chơi điện tử dễ dẫn khiến ta ham mê, từ đó trở nên nghiện và như thế là không tốt. Vậy, ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên?

Điều đầu tiên, để đưa ra được câu trả lời là nên hay không nên ham mê trò chơi điện tử, chúng ta cần hiểu được thế nào là ham mê trò chơi điện tử. Trò chơi điện tử là những trò chơi mà người chơi phải sử dụng đồ điện tử mới có thể chơi được. Nó thường mang tính giải trí và có đối tượng người chơi phổ biến nằm ở độ tuổi thanh thiếu niên. Bản thân trò chơi điện tử, bên cạnh tính giải trí của nó, còn cả tính giáo dục, rèn luyện … Trong khi đó, ham mê lại là một trạng thái ưa thích tới mức say mê, có thể dẫn tới nghiện. Như vậy, ham mê trò chơi điện tử là một cụm từ để chỉ những người chơi rất ưa thích, say mê trò chơi mà phải sử dụng đồ điện tử mới có thể chơi được.

Đến đây, ta thấy, mặt khái niệm của vấn đề đã được giải quyết. Nhưng để đưa ra được câu trả lời thỏa đáng, ta vẫn cần phải phân tích tác dụng/ lợi ích cũng như tác hại của trò chơi điện tử.

Vì đâu mà trò chơi điện tử được sinh ra và tồn tại? Đó chắc chắn xuất phát từ thực tế nhu cầu của con người. Con người bên cạnh làm việc, học tập, cần có những phút giây nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí. Vậy là các trò chơi được ra đời. Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật mà trò chơi điện tử dần đã hình thành và chiếm một vị thế quan trọng. Nó giúp con người giải tỏa căng thẳng cũng như tạo niềm vui cho con người. Khi chơi, chúng ta được khám phá, trải nghiệm, được hồi hộp, bực tức, được la hét, và được vui khi giành chiến thắng. Đó là chưa kể những trò chơi điện tử cũng là những tương tác xã hội trên không gian ảo và nó hoàn toàn có khả năng gắn kết con người. Tôi đã có những người bạn từ các trò chơi điện tử mà mình tham gia, và chúng tôi vẫn thường dành chút thời gian rảnh để thi đấu với nhau.

Không những thế, trò chơi điện tử còn có tính giáo dục và rèn luyện con người. Chúng ta có thể kể đến các trò chơi như cờ vua, cờ tướng, liên minh… giúp nâng cao tư duy và sự nhẫn nại của con người. Những trò chơi điện tử trong các giờ học do giáo viên tạo ra cũng thường mang tính giáo dục, củng cố kiến thức, giúp các bạn học sinh vừa chơi vừa học, nâng cao và tiếp thu kiến thức tốt hơn. Vậy thì ham mê điện tử đâu có gì là không tốt?

Chúng ta đều biết bất cứ một vấn đề nào cũng đều có hai mặt. Ham mê trò chơi điện tử cũng vậy. Ta đã nhìn ra được tác dụng hay lợi ích của nó, và giờ đây, chúng ta cần phải nhìn ra mặt trái của vấn đề này. Tôi đã được biết những câu chuyện về việc các nam thanh niên nghiện game dẫn đến giết người, giết hàng xóm, láng giềng và cả người thân mà mới đây nhất là vụ án cậu Vũ Tiến Long giết hai ông bà cùng thôn bằng 43 nhát dao đâm. Đó chính là một phần hậu quả của việc nghiện trò chơi điện tử.

Theo những nghiên cứu chỉ ra, việc chơi trò chơi điện tử quá 3 tiếng/ ngày cho thấy người chơi đã bị nghiện game. Dễ dàng nhận thấy, việc nghiện trò chơi điện tử sẽ khiến con người giảm thị lực, giảm miễn dịch và rối loạn tiêu hóa. Người nghiện game sẽ cảm thấy mệt mỏi, mất năng lượng, nghỉ ngơi khó lại sức khi chơi trò chơi điện tử nhiều. Cảm giác buồn chán, bi quan, cô đơn, bất an cũng là một cảm giác thường trực. Đó là chưa kể tâm tính của con người có thể thay đổi, dễ trở nên cáu gắt, bực dọc, gây gổ với người khác dù chỉ là những chuyện rất nhỏ. Đến đây, chúng ta cũng có thể đoán được phần nào nguyên nhân của những vụ thảm án giết người mà các tội phạm đều là người nghiện game. Vậy phải chăng chúng ta không nên ham mê các trò chơi điện tử?

Tất cả những gì đã chỉ ra ở trên đây đã cho thấy được mặt lợi cũng như mặt hại của việc ham mê trò chơi điện tử. Việc nên hay không nên, theo tôi, sẽ là một câu trả lời, một lựa chọn mang tính cá nhân. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần có sự can thiệp để quản lí các trò chơi điện tử để chúng trở thành một công cụ hữu ích cho con người. Những trò chơi mang tính giáo dục, nhân văn nên được đề cao. Những trò chơi mang tính bạo lực nên được hạn chế. Bên cạnh đó, nếu chỉ nhằm mục đích giải trí, ta cũng có thể tính đến các kênh, các phương tiện khác để phục vụ nhu cầu của con người như các trò chơi trải nghiệm thực tế, các khu du lịch, các phòng phim, kịch, v.v…

Trò chơi điện tử đã ra đời và phát triển mạnh mẽ. Tôi tin là nó sẽ tiếp tục tồn tại, phát triển, phục vụ cho những nhu cầu và mục đích của con người. Ham mê điện tử không có gì là xấu. Chỉ cần ta biết chừng mực để ham mê đó giúp bản thân ta tốt hơn thay vì làm hại chính bản thân mình.

Nghị luận Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên bài số 3

Thế kỉ XXI là thời đại của khoa học công nghệ. Hiện nay, mạng Internet đã phủ sóng toàn cầu tạo điều kiện cho những người trẻ được tiếp cận với những tiến bộ của nhân loại. Công nghệ càng phát triển kéo theo những trò chơi điện tử cũng ngày càng tràn lan, đa dạng phong phú về thể loại, độ tuổi. Trò chơi điện tử cũng là một vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của mọi người hiện nay

Trò chơi điện tử là những trò chơi giải trí trên mạng. Đó là một thú vui tiêu khiển rất phổ biến của người trẻ hiện nay, chỉ cần có một máy tính có kết nối mạng là có thể chơi bất cứ trò gì mình thích.Trò chơi điện tử mang tính giải trí rất cao, vì thế nó đã cuốn hút không ít bạn trẻ. Không thể phủ nhận mặt tích cực của trò chơi điện tử đã giúp học sinh giải tỏa căng thẳng sau những giờ học mệt mỏi ở trường, giảm stress, lấy lại tinh thần, năng lượng để học tập và làm việc. Trò chơi điện tử lại là một phương tiện giải trí không tốn nhiều tiền, người chơi ở bất kì độ tuổi nào cũng có thể tìm cho mình trò chơi phù hợp với các mức độ khó dễ khác nhau. Hơn nữa, trò chơi điện tử cũng yêu cầu chúng ta phải vận dụng đầu óc một cách linh hoạt. Nếu biết chơi một cách hợp lí, trò chơi điện tử sẽ phát huy đúng tác dụng của nó, là một công cụ hữu ích giúp chúng ta giải tỏa áp lực, căng thẳng.

Tuy nhiên, nếu chơi vượt quá mức độ phù hợp, chúng ta dễ dàng trở thành những con nghiện của trò chơi điện tử. Giống như con dao hai lưỡi, trò chơi điện tử cũng có những mặt hại khó lường được hậu quả. Trò chơi điện tử có ở khắp mọi nơi, từ máy tính đến điện thoại, ipad... Trước sức cám dỗ ghê gớm của nó, nhiều học sinh đã không thể kháng cự. Những quán net mọc lên nhiều như nấm sau mưa, đi qua có thể dễ dàng bắt gặp những học sinh đang say mê với trò chơi của mình, nhìn màn hình máy tính như có một sức hút lạ kỳ. Các bạn chơi đến quên ăn quên ngủ nên thường mệt mỏi, chán nản, hậu quả là bỏ bê học hành. Một số học sinh còn trốn học đi chơi điện tử, ảnh hưởng đến các bạn khác và làm cha mẹ, thầy cô buồn lòng. Một khi đã quá sa đà vào trò chơi điện tử thì sẽ không có lối ra.

Trò chơi điện tử không chỉ làm tốn thời gian tiền bạc mà còn đạo đức của học sinh suy tồi. Nhiều bạn vì để có tiền chơi điện tử mà nói dối, ăn trộm tiền của bố mẹ. Chúng ta đã chứng kiến trên tivi, báo đài tin tức những bạn học sinh độ tuổi chỉ từ mười ba đến mười tám, nghiện trò chơi điện tử đến mức giết người cướp của, thậm chí để có tiền, các bạn còn nỡ xuống tay với cả những người thân yêu bên cạnh mình. Hiện trạng đó làm cho toàn xã hội phải bức xúc, nhà trường, phụ huynh, thầy cô và những người làm công tác giáo dục phải trăn trở, suy nghĩ. Vậy là từ mục đích chỉ để giải trí, trò chơi điện tử đã hủy hoại sức khỏe cùng đạo đức của học sinh, trở thành một vấn đề cấp thiết khiến toàn xã hội quan tâm.

Để trò chơi điện tử không ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân, chúng ta cần biết sắp xếp thời gian chơi một cách hợp lý: chỉ chơi sau giờ học, mỗi lần từ 30 phút đến một tiếng. Các bạn cũng nên đặt học tập nên hàng đầu, tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp. Nhà trường cũng nên tổ chức những sân chơi bổ ích cho học sinh, có sự kết hợp giữa giáo viên và phụ huynh để theo dõi giờ giấc học tập của con em. Bản chất của trò chơi điện tử không xấu, nó ảnh hưởng như thế nào phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta.

Trò chơi điện tử là một món ăn tinh thần quen thuộc với bất kì người học sinh nào. Mỗi chúng ta hãy biết khai thác những điểm tốt của trò chơi điện tử để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

-/-

Trên đây Đọc Tài Liệu đã giới thiệu đến các em các bước để làm được một bài nghị luận Ham mê trò chơi điện tử, nên hay không nên đầy đủ ý nhất. Ngoài ra, để củng cố thêm kĩ năng làm văn của mình, các em có thể tìm đọc thêm những bài viết khác trong mục Văn mẫu lớp 7 tại website Doctailieu.com. Chúc các em học tốt môn Văn !

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM