Nghị luận về biển đảo quê hương - Sưu tầm, tuyển chọn top 5+ bài văn mẫu và đoạn văn ngắn hay về tình yêu biển đảo quê hương của thanh niên Việt Nam hiện nay.
Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về vấn đề biển đảo quê hương.
***
Một số mẫu đoạn văn ngắn viết về tình yêu biển đảo
Đoạn văn mẫu 1:
Trước tình hình an nguy tới vận mệnh quốc gia, chủ quyền dân tộc; đồng hành với dân tộc Việt Nam; thế hệ trẻ chúng ta cần nâng cao ý thức trách nhiệm đối với đất nước bằng những việc làm thiết thực.
Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, trước hết thanh niên và thanh niên học sinh nói riêng phải xác định phải giữ biển đảo bằng tri thức về chủ quyền biển đảo. Chúng ta cần nghiên cứu và nhận thức sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng chủ quyền biển đảo và giá trị to lớn chủ quyền mà ông cha ta đã đổ xương máu để xây dựng; về lịch sử Việt Nam đặc biệt là lịch sử địa lý liên quan đến chủ quyền biển đảo, về lịch sử hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… tìm hiểu rõ chính sách ngoại giao nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề biển Đông. Thanh niên cần hưởng ứng và tích cực tham gia các diễn đàn hợp pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên các diễn đàn, đồng thời kịch liệt lên án và đấu tranh tham gia ngăn chặn các hành vi xâm phạm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Thanh niên là hậu phương chỗ dựa tình cảm vững chắc đối với các lính biển đảo, bằng những việc làm thiết thực như gửi thư đến các lính hải đảo để chia sẻ động viên và tiếp sức cho các anh thêm nghị lực để trông giữ biển đảo. Điều quan trọng, thanh niên cần không ngừng tu dưỡng phẩm chất người Việt Nam mới, tích cực tham gia xây dựng đất nước giàu mạnh, có định hướng lý tưởng yêu nước và đoàn kết để tạo nên sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó, mỗi người chúng ta cần sẵn sàng chuẩn bị tinh thần tham gia trực tiếp vào công cuộc giữ gìn biển đảo quê hương bằng tất cả những gì mình có thể.
Biển đảo Việt Nam là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc được cha ông truyền lại. Trách nhiệm của tuổi trẻ nói riêng là ra sức gìn giữ toàn vẹn phần lãnh thổ này như lời Bác Hồ năm xưa đã dặn ”các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.
Đoạn văn mẫu 2:
Hoàng Sa và Trường Sa - hai quần đảo oai hùng - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam đã là chứng nhân của bao thời kỳ lịch sử dân tộc. Đường bờ biển nước ta dài trên 3260km, kéo dài từ Móng Cái đến Hà Tiên, có trên 3000 hòn đảo lớn nhỏ. Từ thuở đội hùng binh Lý Sơn mang gươm vẽ biển ta có Hoàng Sa, Trường Sa với bao đảo nổi đảo chìm. Biển như lòng mẹ bao la mang đến cho ta bao nguồn lợi hải sản, nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Biển chứa chan tình yêu thương vẫn ngày đêm vỗ sóng vào bờ. Đã từng có trận chiến ở Đảo Gạc Ma năm 1988, trận hải chiến mà ông cha ta đã dốc hết sức lực, dùng tất cả sức mạnh để đấu tranh chống kẻ thù. Ở nơi hải đảo xa xôi ấy các anh đã dâng hiến tuổi xuân xanh của mình vì độc lập chủ quyền của dân tộc. Các anh đã hy sinh nhưng trên tay vẫn ôm trọn lá cờ Tổ quốc, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay.
Ngày nay, đất nước đã hòa bình và phát triển nhưng biển đảo vẫn canh cánh mối lo xâm lấn của các thế lực thù địch. Nên nhiệm vụ của tuổi trẻ, nhiệm vụ của mỗi thanh niên với tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển đảo lại được đặt lên trên hết. Nơi hải đảo xa xôi những chàng trai lính đảo, những ngư dân Việt Nam cùng lực lượng kiểm ngư đang ngày đêm bám biển, với lòng nhiệt huyết và trái tim yêu nước nhiệt thành, đang kiên cường bảo vệ biển đảo quê hương. Trước những cơn giông tố, mỗi người con đất Việt dù trong nước hay ở nước ngoài đã thể hiện tình yêu nước bằng những việc làm cụ thể hướng về biển đảo. Tất cả đều có một mẫu chung đó là trái tim nồng nàn, mãnh liệt, thiết tha. Đó là vẻ đẹp muôn đời của dân tộc Việt Nam: "Đứng vững chãi 4000 năm sừng sững/Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/ Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng/ Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa".
Với lòng biết ơn và ngưỡng mộ tiền nhân, thanh niên Việt Nam hôm nay đứng dưới ngọn cờ hòa bình cần ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Trước hết mỗi thanh niên cần tranh bị cho mình đầy đủ nhận thức và hiểu biết về tình hình biển Đông theo chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta: cần phải lên tiếng đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, nhận thức đúng đắn về vai trò của mỗi cá nhân đối với vận mệnh của đất nước. Chung tay bảo vệ Trường Sa, Đoàn viên thanh niên cần nêu cao tinh thần tổ chức, kỷ luật, phát động các phong trào hướng về Trường Sa quyên góp ủng hộ đóng góp công sức nhỏ bé của mình với biển đảo quê hương.
Tham khảo thêm: Nghị luận bàn về trách nhiệm của mỗi người với quê hương
Top 3 bài văn được đánh giá cao nghị luận về tình yêu biển đảo quê hương
Nghị luận về biển đảo quê hương - Mẫu 1:
“Biển trời của chúng ta, đảo gọi ngàn tiếng ca
Từng ngày con sóng vỗ, một màu xanh bao la
Biển trời biết mấy yêu thương, đảo là gấm vóc quê hương
Ngàn năm cha ông mở cõi, giờ đây ta quyết giữ gìn”
Đây chính là những lời ca trong bài hát “Biển đảo quê hương”, đúng như bài hát nói, biển trời, đảo chính là gấm vóc quê hương. Cha ông ta đã dựng xây, mở mang bờ cõi, và nhiệm vụ của thế hệ chúng ta chính là giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển đảo cho dân tộc.
Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có địa chính trị và địa kinh tế rất quan trọng không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có. Với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Việt Nam có một không gian biển rộng lớn, không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống cho các thế hệ người Việt mà còn là nơi hình thành nên các cơ tầng văn hóa Việt và cũng là nơi lưu giữ các trầm tích văn hóa Việt tự bao đời nay.
Biển đảo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử phát triển dân tộc. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, biển đảo đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập không gian sinh tồn, hình thành nền văn hóa biển, thiết lập quan hệ giao thương với lân bang và xác lập chủ quyền và an ninh biển quốc gia. Biển đảo là nhà của rất nhiều ngư dân, những người phải đi mây về gió, chống chọi với bão tố. Đây cũng là nguồn lợi du lịch của những thành phố như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu… Với một hệ sinh thái biển đặc sắc, Việt Nam tự hào là một điểm đến kỳ thú đối với bạn bè năm châu.
Thế nhưng, hiện nay, biển đảo đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trước tiên là từ vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Các số liệu thống kê cho thấy, hàng năm có khoảng 70% chất thải đổ ra biển có nguồn gốc từ đất liền khi các nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư, bệnh viện, thuốc bảo vệ thực vật…. mà lượng lớn chất thải này chưa được xử lý, thông qua hệ thống thoát nước xả thẳng ra các sông, trăm sông đổ về biển hoặc xả trực tiếp ra biển, mang theo một lượng lớn các chất bồi lắng, nhựa, hóa chất, kim loại, cặn dầu, thậm chí cả những chất phóng xạ. Tiếp theo là do ý thức của người dân khi đi tắm biển, đi tham quan, họ vô tư vứt rác, vứt chai nhựa xuống biển mà không quan tâm đến hệ sinh thái. Ngoài ra, vấn đề nghiêm trọng hơn cả đó là sự mất an ninh của biển đảo, sự đe dọa của các nước đến vấn đề chủ quyền. Ngoài kia, những người chiến sĩ hải quân nơi hải đảo xa xôi đang ngày đêm bảo vệ độc lập chủ quyền cho đất nước, cho giấc ngủ của chúng ta.
Để có thể giữ gìn, bảo vệ biển đảo cho đất nước, em nghĩ cá nhân mỗi học sinh cần phải trang bị cho bản thân những kiến thức về biển đảo, cập nhật tình hình thời sự về vấn đề môi trường, an ninh chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Tích cực học tập kiến thức quốc phòng, an ninh, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ quốc phòng; Tích cực tham gia các phong trào của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phong trào mùa hè xanh, phong trào thanh niên tình nguyện hướng đến vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Nhà trường nên tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về biển đảo, thông qua đó giáo dục các bạn học sinh về tình yêu quê hương, đất nước.
Mỗi cá nhân là một cánh tay góp sức vào công cuộc bảo vệ đất nước. Tình yêu quê hương không phải thứ để ép buộc, mà là tình cảm của mỗi người trong quá trình trưởng thành, phát triển. Như nhà thơ Đỗ Trung Quân từng viết:
“Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”
Có thể bạn cũng quan tâm: Bàn về trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước dân tộc
Nghị luận về biển đảo quê hương - Mẫu 2:
“Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn”
Mỗi lần đọc bài thơ này của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, tôi lại thao thức về biển về Hoàng Sa – Trường Sa. Trong tôi lại hiện lên thật kiêu hãnh dáng đứng của những người lính đảo xa giữa mênh mông đại dương đang canh giữ cho quê hương yên bình giấc ngủ.
Khi sinh ra tôi đã sống trong thời bình, bom đạn chiến tranh, những ngày đói khổ dường như tôi chưa từng biết đến và trải qua. Tôi chỉ biết lịch sử, quá khứ đáng tự hào của dân tộc qua những trang sách sử, qua báo đài. Từ những trang sách ấy tôi đã lớn lên chan chứa một tinh thần biết ơn với tiền nhân, với quá khứ. Bởi nếu không có thế hệ cha anh đã ngã xuống trong biết bao nhiêu cuộc chiến vệ quốc vĩ đại thì chắc chắn tôi không có mặt trên đời. Ngày nay, dù chiến tranh đã đi qua, đất nước đã hòa bình và phát triển, nhưng biển xa vẫn canh cánh mối lo hiểm họa xâm lăng của các thế lực thù địch. Nên nhiệm vụ của tuổi trẻ, nhiệm vụ của mỗi công dân lại được đặt lên trên hết.
Và ở đó, nơi cách chúng ta hàng trăm hải lý, những chàng trai lính đảo, những con người đầy nhiệt huyết có trái tim yêu nước nhiệt thành luôn biết hi sinh và cống hiến đang ngày đêm đương đầu với sóng dữ. Họ chính là biểu tượng cao đẹp của Tổ Quốc hôm nay:
Yêu biết mấy những con người đi tới
Hai cánh tay như hai cánh bay lên
Ngực dám đón những phong ba dữ dội
Chân đạp bùn không sợ những loài sên!
Đường bờ biển nước ta dài trên 3260 km kéo dài từ Móng Cái đến mũi Cà Mau. Vươn trải ra hướng đông, ta có trên 3000 hòn đảo lớn nhỏ. Từ thuở đội hùng binh Lý Sơn mang gươm vẽ biển ta có Hoàng Sa, Trường Sa với bao đảo nổi đảo chìm. Biển như lòng mẹ bao la mang đến cho ta bao nguồn lợi thủy hải sản, nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Biển chứa chan tình yêu thương vẫn ngày đêm vỗ sóng vào bờ. Khi nhắc đến đây tôi lại thoáng nhớ về kí ức cùng với ông, ông tôi cũng đã run run giọng khàn mà kể với tôi những kí ức còn sót lại mà ông biết về trận chiến ở Đảo Gạc Ma năm 1988. Đó là trận hải chiến mà ông cha ta đã dốc hết sức lực, dùng tất cả sức mạnh để đấu tranh chống kẻ thù Trung Quốc hiểm độc. Ở nơi đó các anh đã dâng hiến tuổi xuân xanh của mình vì độc lập chủ quyền của dân tộc. Các anh hi sinh nhưng trên tay vẫn ôm trọn lá cờ tổ quốc, quyết chiến một lòng một dạ. Hằng năm, những chuyến tàu vẫn đều đặn chở đoàn công tác từ đất liền ra Trường Sa. Mỗi lần đi qua Gạc Ma, những người con đất Việt không quên thả vòng hoa tưởng niệm. Các anh đã dâng hiến tuổi 20 cho Tổ quốc, nhân dân cả nước sẽ đời đời ghi nhớ công ơn của các anh. Ông tôi nhắm đôi mắt lại khẽ lâu rồi mở ra lặng buồn nhìn về phía xa xăm, và hình như tôi thấy trong ánh nhìn xa xăm ấy của ông tôi là cả một tình yêu không nói nổi nên lời: tình yêu Biển Đảo quê hương.
Nay trong thời bình, hàng trăm ngàn những người lính đã gác lại đời tư, tạm biệt những vùng quê, tạm biệt những thành phố phồn hoa đô hội để đến với biển đảo canh giấc ngủ bình yên cho nhân dân. Giữa bao nhiêu thiếu thốn và cô đơn, những người lính ấy vẫn quyết bám đảo, bám biển để bảo vệ vùng trời biển thiêng liêng mà bao liệt sĩ đã ngã xuống khi cuộc đời còn rất trẻ. Mặc dù chiến tranh tàn khốc đã thôi không trở lại, nhưng những âm mưu độc chiếm, âm mưu muốn tranh giành lãnh thổ của các nước "láng giềng" vẫn còn sôi sục đó đây. Biển vẫn ngày đêm sóng dữ chưa nguôi.
Các anh, những người lính trẻ không màng khó khăn, ngày đêm và ngày đêm chiến đấu. Các anh mang trong mình tư thế sẵn sàng, tay cầm súng, đầu mang chí lớn đối mặt với hiểm nguy nhưng can trường và vững chãi, hiên ngang giữa mênh mông biển cả. Tôi cũng chợt nhớ đến nhà văn Nguyễn Thành Long, người đã đưa bạn đọc đến với hình tượng anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh núi Yên Sơn. Mặc dù chịu nhiều gian khổ nhưng anh vẫn tích cực làm việc góp phần vào công việc lao động sản xuất và chiến đấu. Điều đó cho thấy dù có bao nhiêu chông gai, bao nhiêu khó khăn thử thách trước mắt, anh thanh niên nói chung cũng như toàn bộ thế hệ trẻ ngày nay – những người lính biển đảo cao cả đó vẫn ngày đêm rèn luyện, vẫn nung nấu ý chí, dũng khí để bảo vệ quê nhà. Đó là vẻ đẹp muôn đời của dân tộc Việt Nam, một dân tộc:
Đứng vững chãi bốn ngàn năm sừng sững
Lưng đeo gươm hay mềm mại bút hoa.
Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang và nhân ái chan hoà.
(Huy Cận)
Tôi, dù mang trong mình lòng ngưỡng mộ biết ơn nhưng như thế vẫn là chưa đủ, tôi vẫn khao khát được một lần mang trên vai bộ quân phục của những người lính hải đảo, sẽ hành quân trên vùng biển đảo xa xôi đó. Vâng! Khi tổ quốc cần, ta phải biết hi sinh.
Nghị luận về biển đảo quê hương - Mẫu 3:
Giá trị của biển đảo với cuộc sống của người Việt Nam
Biển đảo Việt Nam là phần lãnh thổ đất nước Việt Nam, qua nghìn đời nó luôn gắn chặt với đời sống của cư dân nước Việt cả về vật chất và tinh thần. Bởi vậy, biển đảo trong tâm thức người Việt là đất nước, là cuộc sống; và thực tế hàng ngàn năm lịch sử người Việt đã ra sức khai phá dựng xây sẵn sàng đổ cả máu xương cho chủ quyền biển đảo.
Việt Nam có bờ biển dài, thềm lục địa rộng lớn trên một triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền; có hơn 3.000 hòn đảo. Biển nước ta có nguồn tài nguyên tiềm tàng, khoáng sản nổi bật là dầu khí (với trữ lượng khoảng 3-4 tỷ tấn), và nhiều loại khoáng sản như: than, sắt, ti tan, cát thủy tinh..., hải sản có tổng trữ lượng khoảng 3-4 triệu tấn. Đặc biệt đáng chú ý là vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch có giá trị như những cánh cửa rộng mở để chủ động hội nhập kinh tế với thế giới.
Vùng biển nước ta còn có vị trí đặc biệt quan trọng về quân sự, là biên giới phía Đông, là đường tiếp cận, bàn đạp tiến công, các thế lực xâm lược. Lịch sử cho thấy rằng trong 14 cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta, thì có 10 cuộc bắt đầu từ hướng biển.
Biển nước ta luôn gắn với những giá trị thiêng liêng tâm linh và lịch sử: truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ, những chiến công lịch sử Bạch Đằng, Vân Đồn xưa, Cồn cỏ, đường huyền thoại Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ... đã cấu thành những thành tố thuộc về dân tộc nâng đỡ sức mạnh tinh thần cho muôn thế hệ.
Tuy nhiên, trong một thời kỳ lâu dài, chúng ta vẫn chưa nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của biển. Hiện nay còn nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương và các lực lượng hoạt động trên biển chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò chiến lược của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chưa thấy hết được tiềm năng to lớn của biển trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác nghiên cứu khoa học về biển còn hạn chế...
Để biển phát huy tiềm năng, chúng ta cần nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo; cũng như tôn vinh những giá trị của nó với sự sống cộng đồng. Nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển, hải đảo.
Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại cần xây dựng ý thức vươn ra biển, làm giàu từ biển trong cộng đồng người Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế Việt Nam là một quốc gia mạnh về biển trong khu vực. Và song song với đó là xây dựng lực lượng quân sự hùng hậu đủ sức bảo vệ chủ quyền.
Biển nước ta giàu tài nguyên thiên nhiên, là nơi nương tựa của hàng chục triệu người dân đất Việt, là không gian sinh tồn của dân tộc, là địa bàn chiến lược trong bảo vệ và phát triển đất nước. Do vậy bảo vệ chủ quyền và phát huy tiềm năng biển đảo là mệnh lệnh của Tổ quốc cho mỗi người Việt Nam.
-/-
Trên đây là top 5 bài văn và đoạn văn ngắn nghị luận về vấn đề biển đảo quê hương được đánh giá cao trong các bài thi và kiểm tra Văn lớp 9. Các em có thể tham khảo để rút kinh nghiệm cho bài nghị luận của mình cũng như có thêm những ý văn hay, sáng tạo.
Đừng quên tham khảo nhiều bài văn mẫu hay lớp 9 khác tại thư mục tài liệu Văn mẫu 9 do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tuyển chọn. Chúc các bạn luôn học tốt !