Trang chủ

Nghị luận xã hội Con người từng ngày thay đổi công nghệ nhưng chính công nghệ ...

Xuất bản: 18/04/2019 - Tác giả:

[Văn mẫu 12] Những bài nghị luận xã hội hay về ý kiến: Con người từng ngày thay đổi công nghệ nhưng chính công nghệ cũng đang thay đổi cuộc sống của con người.

Đề bài: Có ý kiến cho rằng “Con người từng ngày thay đổi công nghệ nhưng chính công nghệ cũng đang thay đổi cuộc sống con người”. Hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên bằng đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ).

***

Một số đoạn văn ngắn 200 chữ nghị luận về ý kiến công nghệ đang thay đổi cuộc sống con người

Đoạn văn mẫu 1:

Đã bao giờ bạn tự hỏi nếu một ngày không có điện thoại, laptop hay những đồ công nghệ khác, cuộc sống sẽ ra sao? Chúng ta vẫn thường coi công nghệ như một điều thiết yếu của cuộc sống và nghĩ rằng những sự thay đổi đó là do con người. Nhưng có ý kiến cho rằng “Con người từng ngày thay đổi công nghệ nhưng chính công nghệ cũng đang thay đổi cuộc sống con người”. Phải chăng công nghệ đang ngày ngày chi phối, định hướng hành vi, thói quen không chỉ của cá nhân mà cả cộng đồng hay nhiều thế hệ.

Thuật ngữ công nghệ có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp, hàm nghĩa về các công cụ, kĩ năng và mưu mẹo của con người trong các hoạt động sống. Ngày nay, công nghệ được xem là hệ thống các phương pháp, công cụ và năng lực giải quyết vấn đề hay quy trình tạo ra sản phẩm (vật thể và phi vật thể). Con người đang ngày càng phát triển công nghệ những cũng đồng thời lệ thuộc và nó, bị nó chi phối. Việc phát triển, biến đổi công nghệ là quy luật tất yếu, khi con người chủ động thay thế phần quan trọng (cơ bản, cốt lõi) hay toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn. Công nghệ hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống và đem đến cho chúng ta những lợi ích không thể phủ nhận. Cuộc sống chúng ta ngày một tốt hơn, tiết kiệm sức lao động,… Tuy nhiên, cũng có những ảnh hưởng tiêu cực khi sự lệ thuộc vào công nghệ ngày càng cao. Điều đó dẫn đến việc lười suy nghĩ, lười vận động, những mối quan hệ cũng trở nên lạnh lùng, khô cứng khi đa số lựa chọn việc duy trì việc gặp gỡ, trò chuyện, quan tâm chỉ qua những lời nhắn bằng mạng xã hội. Thế giới công nghệ còn khiến con người dễ rơi vào trạng thái ảo tưởng.

Trong thời đại hiện nay, vẫn cần thiết phát triển công nghệ. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ cần tiết chế, phù hợp. Các cơ quan chức năng cần tăng cường sự quản lý, sử dụng công nghệ để phục vụ cho mục đích lành mạnh, cộng đồng. Và mỗi người cũng cần cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, gia đình. Hãy để công nghệ trở thành công cụ một cách phù hợp và hiệu quả với cuộc sống của chúng ta.

Xem thêmVăn nghị luận điều bản thân cần thay đổi để có thể thành công trong cuộc sống

Đoạn văn mẫu 2:

Xã hội ngày một phát triển, thời kì khoa học công nghệ lên ngôi. Chỉ trong khoảng 2 thập kỉ gần đây, công nghệ đã ra đời và phát triển với một tốc độ chóng mặt. Có ý kiến cho rằng “Con người từng ngày thay đổi công nghệ nhưng chính công nghệ cũng đang thay đổi cuộc sống con người”. Có lẽ ý kiến này đã phản ánh đúng sự thật về ảnh hưởng của công nghệ với cuộc sống của con người hiện nay.

Công nghệ hiện đại được ứng dụng trong rất nhiều các thiết bị như máy tính, smartphone, đồng hồ, máy móc công nghệ cao… Dưới sự tìm tòi, nghiên cứu của con người, con người đang từng ngày đổi mới, phát minh ra nhiều tính năng, vật dụng máy móc công nghệ với kĩ thuật độ tinh vi cao cấp hơn. Chẳng hạn, mỗi năm những thương hiệu smartphone lớn lại cho ra đời những sản phẩm hiện đại với nhiều tính năng hơn. Trước đây, ai có thể nghĩ rằng một chiếc điện thoại bé bằng lòng bàn tay lại tích hợp nhiều chức năng to lớn như chụp hình, nghe nhạc, ghi âm, quay phim, kết nối với cả thế giới bằng internet… Ấy thế nhưng sự phát triển của công nghệ sẽ không dừng lại ở đó, bởi mỗi ngày lại có vô vàn những phát minh mới ra đời phục vụ cho con người cả trong lao động sản xuất và đời sống giải trí…

Mặt khác, công nghệ cũng đang từng bước thay đổi bộ mặt của cuộc sống con người. Sự thay đổi này bao gồm cả những mặt tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, công nghệ khiến cho cuộc sống của con người hiện đại hơn, tiện lợi hơn. Nhờ có ứng dụng công nghệ cao mà ngày nay chúng ta đang được sử dụng những sản phẩm của dịch vụ tiên tiến, phát triển: y tế, giáo dục, giao thông công cộng… Con người sử dụng tàu điện ngầm với vận tốc lên tới cả 500km/h, con người ứng dụng những kĩ thuật hiện đại trong khám chữa bệnh. Công nghệ khiến cho chúng ta sản xuất phân phối hàng hóa rộng khắp, đơn giản, dễ dàng hơn. Chỉ cần ngồi ở nhà bạn cũng có thể đặt mua hàng online ở bất cứ đâu, có thể theo dõi và cập nhật tin tức từ khắp các nơi trên thế giới mỗi ngày. Không thể phủ nhận, công nghệ là một công cụ đắc lực giúp cho cuộc sống của con người ngày một hiện đại, tiện ích hơn rất nhiều. Thế nhưng về mặt tiêu cực, công nghệ cũng làm cho con người lệ thuộc và gây ra nhiều ảnh hưởng về sức khỏe, tinh thần, và các mối quan hệ. Vì ngồi quá nhiều trước máy tính, điện thoại mà ít hoạt động, cơ thể con người trở nên nặng nề, ì ạch, dễ mắc các căn bệnh về mắt, tay, đốt sống. Vì dùng quá nhiều đồ công nghệ, con người không còn ra ngoài giao thiệp, tiếp xúc trực tiếp với mọi người, không còn trau dồi, bồi dưỡng các mối quan hệ. Con người phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ nên khi làm việc gì cần phải vận động thủ công, chân tay lại sinh ra lười nhác, ngại vận động. Chưa kể, công nghệ cao cũng đang khiến cho bộ phận giới trẻ, học sinh, sinh viên vô tình/cố ý tiếp xúc với những văn hóa phẩm đồi bại, không đúng lứa tuổi, những bài tuyên truyền, khích bác từ các đối tượng phản động mà ta khó kiểm soát. Tất cả những điều này gây khó khăn cho công tác quản lí và gây khó khăn cho cả ngành giáo dục.

Ứng dụng và phát triển công nghệ là tốt, nhưng bản thân mỗi người cần phải tự chủ động, ý thức, có những định hướng, mục đích rõ ràng trong sử dụng công nghệ. Có sự điều tiết để không lệ thuộc hay lạm dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần có những cơ chế chặt chẽ hơn trong quản lí phát minh, ra đời, giới thiệu một sản phẩm công nghệ để hạn chế tối đa những hệ lụy của nó, và phát huy được nhiều nhất những tác dụng đối với đời sống con người.

Top 3 bài văn hay bàn về vấn đề công nghệ đang thay đổi cuộc sống của con người

Bài văn số 1:

Trong những năm qua thế giới đang có sự thay đổi phát triển không ngừng nhờ có sự xuất hiện của khoa học công nghệ. Thế nhưng bên cạnh những mặt tích cực nó mang đến cho con người thì cũng còn đó rất nhiều vấn đề tồn tại. Chả vì thế mà có ý kiến cho rằng “Con người từng ngày thay đổi công nghệ nhưng chính công nghệ cũng đang thay đổi cuộc sống con người”.

Công nghệ vốn là một thuật ngữ có nguồn gốc từ Hy Lạp có nghĩa là công cụ kĩ năng. Thế nhưng trong cuộc sống hiện đại công nghệ có thể được hiểu là một hệ thống những phương pháp kĩ thuật tiên tiến hay quy trình tạo ra sản phẩm. Công nghệ đang ngày càng có vai trò quan trọng đối với đời sống của con người. Thế nhưng thay vì con người làm chủ công nghệ thì hiện nay chính công nghệ lại đang chi phối đời sống của chúng ta. Điều đó đặt ra một câu hỏi lớn cho con người và toàn xã hội.

Công nghệ không phải là một thuật ngữ mới mẻ mà nó đã ra đời khi con người xuất hiện trên trái đất. Mỗi thời điểm giai đoạn khác nhau thì công nghệ lại có một thành tựu khác nhau, cứ thế nó không ngừng phát triển và biến đổi không ngừng. Càng ngày càng trở nên tiên tiến và hiện đại hơn để phục vụ con người một cách toàn diện hơn. Thế kỉ thứ 21 loài người chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ. Chúng ta hoàn toàn không thể phủ nhận sức mạnh to lớn của nó đã thay đổi cuộc sống của con người. Chỉ bằng một cú click chuột bạn sẽ mang cả thế giới thu vào trong tầm mắt mình điều mà những tưởng không thể nào có được trong quá khứ. Công nghệ thay đổi mọi mặt của cuộc sống: từ những sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn, đi lại cho đến những ngành sản xuất cần công nghệ cao, hay quá trình chinh phục vũ trụ của loài người…. Sự ra đời của internet cho phép con người ta trở nên gần nhau hơn, từ đại dương này đến châu lục khác, những cuộc trao đổi thương mại giá hàng tỉ đô cũng từ internet mà ra.

Thế nhưng bên cạnh những điều nó mang đến cho loài người như giảm thiểu sức lao động, thời gian và cho ra đời một khối lượng hàng hóa vật chất lớn thì nó còn để lại cho xã hội rất nhiều vấn đề nan giải. Mà nặng nề nhât có thể nói đến là con người đang dần dần lệ thuộc vào công nghệ, ỷ lại đến mức đáng báo động.

Sự phát triển của các loại máy móc như nồi cơm điện, máy giặt, tủ lạnh…. vô tình khiến con người trở nên lười lao động hơn. Ngày xưa, thời còn nghèo nàn ông bà ta quanh năm sống bằng bếp rác, quạt nan thế nhưng hiện nay chỉ cần điện mất thì ngay lập tức cả nhà dẫn nhau ra hàng quán để giải quyết. Chưa kể việc tốn tiền thì an toàn thực phẩm cũng là vấn đề đáng báo động hiện nay. Ngoài ra, đáng nói nhất phải kể tới sự ra đời của mạng internet. Nó khiến con người trở nên xa cách nhau hơn. Căn bệnh vô cảm cũng vì thế mà “lây lan” với tốc độ chóng mặt. Các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, đua xe, bạo lực học đường cũng vì thế mà phát triển đến mức khó lòng kiểm soát được.

Vậy phải làm gì để ngăn chặn sự lệ thuộc quá mức vào công nghệ này? Đây là một vấn đề cần đến sự quan tâm của các cấp các ngành và toàn xã hội. Việc phát triển công nghệ là yêu cầu tất yếu để phát triển kinh tế đưa loài người tiến lên một kỉ nguyên mới. Thế nhưng ngay thời điểm này các cấp quản lí, cơ quan chức năng cần phải quản lí mạng internet, phát triển nó với mục đích lành mạnh để phục vụ cộng đồng. Đối với cá nhân con người cần phải có ý thức trong việc cân bằng giữa sử dụng công nghệ với thời gian làm việc. Tránh việc lạm dụng công nghệ rồi tách rời gia đình và xã hội. Hãy sử dụng công nghệ như một công cụ để phục vụ cuộc sống, chứ đừng nên để nó chi phối suy nghĩ hành động của con người.

Phát triển công nghệ là một yếu tố cần để nâng cao đời sống con người. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta hãy là những người tỉnh táo, để có thể tận dụng nó một cách có hiệu quả nhất cho quá trình sản xuất kinh tế. Đừng để công nghệ biến con người thành nạn nhân của sự phát triển.

» Một số bài nghị luận hay nêu suy nghĩ về giá trị thời gian

Bài văn số 2:

Con người là “một cây sậy có tư tưởng, có trí thức” nên có thể phát minh ra được những công nghệ tiên tiến giúp cải thiện cuộc sống của mình. Nhưng với sự lạm dụng và phụ thuộc khiến con người lệ thuộc vào nó và thậm chí nghĩ rằng chúng ta không thể sống nếu thiếu đi công nghệ. Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ cho tương lai của con người qua câu nói sau: “Con người đang từng ngày thay đổi công nghệ, nhưng chính công nghệ cũng đang thay đổi con người”.

Con người tạo ra công nghệ và đổi mới chúng không ngừng. Vậy “công nghệ” ở đây là gì? Nếu nói ra một đích danh cụ thể, người ta sẽ bảo rằng công nghệ là những máy móc tiên tiến, giới trẻ sẽ nói rằng nó chính là Facebook. Vậy thật ra công nghệ là gì? Công nghệ là toàn bộ những máy móc, phần mềm tiên tiến có chức năng hỗ trợ, cải thiện đời sống con người, giảm bớt việc nặng nhọc và rút ngắn thời gian làm việc của con người mà vẫn đem lại hiệu quả, chất lượng cho công việc. “Nhưng chính công nghệ đang thay đổi cuộc sống con người” là câu nói khiến ta suy ngẫm nhất. “Sự thay đổi” có lẽ sẽ nói về mặt lợi và hại, sự tích cực và tiêu cực đối với đời sống con người. Nếu hình tượng hóa ta sẽ nghĩ công nghệ chính là con dao hai lưỡi.

Câu nói đề cao trí tuệ, sự sáng tạo của con người, nhưng đồng thời cũng thức tỉnh con người về sự tiêu cực, để con người không bị ngã xuống hố sâu do chính mình tạo ra, rất đau đớn! Bằng sự thông minh, tìm tòi, con người đã sáng tạo ra các máy móc tiên tiến, phần mềm thông minh để hỗ trợ công việc và giản trí của con người. Nhưng công nghệ càng tiên tiến con người sẽ trở nên lệ thuộc vào công nghệ. Đó là hệ quả của việc sử dụng công nghệ.

Nói về sự “thay đổi”, đương nhiên chúng ta không nên chỉ chăm chăm nhìn vào sự đe dọa, sự tiêu cực của công nghệ đối với con người. Bởi có khi công nghệ có lợi con người mới tạo ra nó, biến nó trở thành một công cụ có ích cho mình. Công nghệ biến những điều trước đây không thể thành có thể, kết nối con người dù cách nửa vòng trái đất, gắn nối tất cả niềm tự hào trên thế giới. Nó biến những công việc nặng nề thành việc bấm nút và lướt quét nhẹ nhàng, khi đó con người có thể “ngồi mát ăn bát vàng”.

Nhưng nếu cứ khăng khăng, một mực công nghệ chỉ có lợi, con người sẽ thật sự sa lầy và lệ thuộc vào công nghệ. Câu hỏi đặt ra là: “Tại sao công nghệ sẽ biến ta thành “nô lệ”, là người phụ thuộc vào nó?”. Bởi sự tiên tiến của công nghệ khiến ta trở nên thụ động, những gì trước đây chúng ta làm bây giờ đều được công nghệ thay thế. Khiến “một cây sậy tư tưởng” phải lười suy nghĩ, đây là điều đáng sợ nhất khi bị công nghệ chi phối.

Facebook là một phần của công nghệ, nó trở thành “một loại thức ăn” không thể thiếu trong khẩu phần sống của con người hiện nay. Không chỉ là thế hệ thanh niên, giới trẻ mà những người lớn tuổi, bậc cha chú cũng đang hết sức “quan tâm” vào nó, hơn là quan tâm vào những cuộc trò chuyện như trước đây. Những phút giây vui vẻ, sum vầy bên gia đình, những lời tán gẫu đã thực sự vơi dần, khi giờ đây ở nơi đâu ta cũng bắt gặp hình ảnh con người chỉ “cắm mặt” vào điện thoại. Những cuộc họp lớp đầy nhạt nhẽo, những bữa cơm và ngày chủ nhật đầy thờ ơ khi có mặt của điện thoại. Đây là vấn nạn mà hầu hết chúng ta đều mắc phải.

Tự bản thân mình suy xét, tôi thấy mình dường như quên lãng đi phút giây trò chuyện cùng ba mẹ, quên đi lời cười đùa cùng bạn bè, quên đi những trò chơi ngu ngốc nhưng đầy thú vị. Tôi hiện nay chỉ biết nhìn vào status – dòng tâm trạng của bạn bè trên Facebook mà like – yêu thích và share – chia sẻ, là những thuật ngữ gần như quen thuộc với hầu hết mọi người, “chúi đầu” vào những trò chơi điện tử phức tạp mà quay lưng với ấm áp thường ngày. Câu nói là hồi chương thức tỉnh bản thân tôi, cũng là bài học quý giá mà bản thân sẽ không bao giờ quên.

Công nghệ là con dao hai lưỡi. Nói cách khác, công nghệ là điều tuyệt vời nhất, cũng là điều đáng sợ nhất. Nó khiến tôi lo sợ khi công nghệ đã biến bản thân thành một người bất hiếu, một người em thờ ơ và một người bạn vô tâm. Biết đâu khi đôi hoàn toàn mất đi ý thức của bản thân, tương lai tôi sẽ trở thành một người mẹ không quan tâm con, một người đồng nghiệp chỉ biết đến lợi ích riêng của mình và trở thành một công dân vô tâm, thờ ơ trước mọi sự chuyển biến của xã hội. Đó là điều tôi lo sợ nhất! Thật khủng khiếp, nếu điều đó xảy ra trong chính cuộc đời của tôi và mọi người xung quanh.

Công nghệ khiến chúng ta thông minh khi tạo ra nó, cũng khiến chúng ta phải khôn ngoan khi sử dụng nó. Sự chừng mực và điều tiết trong việc sử dụng công nghệ là điều cần thiết, nhưng trước hết chúng ta phải thay đổi về nhận thức. Khi nhận thức đúng thì chúng ta mới có thể hành động đúng. Quan tâm đến gia đình, chia sẻ vui buồn với bạn bè một cách thực sự, mà không cần thông qua một thế giới ảo nào. Đó là điều mà bản thân tôi đang hướng tới. Hãy bỏ điện thoại vào một nơi sâu thẳm nhất trong góc phòng, hướng mắt nhìn lên, chúng ta sẽ thấy sự ấm áp của tình người và bên trong chúng trước khi chúng mất đi.

Câu nói đã thức tỉnh chúng ta về sự cần thiết của công nghệ và sự khôn ngoan khi sử dụng, để không phụ thuộc vào chúng. Hãy luôn nhớ rằng, công nghệ mất đi không đáng sợ bằng sự biến mất của tình người và trí tuệ, ý thức của con người. Công nghệ được tạo ra bởi con người, nhưng nó sẽ “hủy diệt” chúng ta bằng sự lệ thuộc và thiếu khôn ngoan con người. Hãy thật khôn ngoan khi sử dụng công nghệ.

Bài văn số 3:

Con người và công nghệ đang ngày càng gắn bó khăng khít và phụ thuộc lẫn nhau. Có ý kiến cho rằng: “Con người từng ngày thay đổi công nghệ nhưng chính công nghệ cũng đang thay đổi cuộc sống của con người”.

Công nghệ bao gồm rất nhiều máy móc thiết bị, đồ vật dụng cụ hiện đại. Các thiết bị công nghệ hiện đại quen thuộc với cuộc sống của con người có thể dễ dàng thấy như điện thoại, máy tính, máy quay cùng nhiều thiết bị khác.

Công nghệ là một sản phẩm trong tư duy và sáng tạo của con người. Chính con người là những người đã tạo ra công nghệ và cải biến nó. Chỉ trong vài thập kỉ gần đây công nghệ đã ra đời và phát triển đến chóng mặt. Có thể thấy được điều đó qua những chiếc điện thoại mà chúng ta sử dụng. Nếu như những năm 2000, chiếc điện thoại di động xịn là một chiệc điện thoại đen trắng, bấm số với hai chức năng chính là nghe gọi thì đến nay chỉ trong khoảng 20 năm một chiếc điện thoại đã tiến bộ đến cấp thay đổi từ bàn phím bấm sang cảm ứng, với rất nhiều những tính năng mà người dùng thậm chí không khai phá hết. Những thương hiệu lớn như Apple, Samsung mỗi năm lại cho ra những sản phẩm mới hiện đại hơn, nhiều tính năng hơn. Hay đơn giản một chiếc tivi lúc trước màn hình nhỏ, mỏng thì nay đã xuất hiện nhiều loại với màn hình siêu mỏng, lớn, sắc nét… Đó là sự thay đổi về công nghệ mà con người dễ thấy nhất. Quả thật con người đang từng ngày thay đổi công nghệ, làm cho nó trở nên hiện đại hơn, tiện dụng hơn với giá cả cạnh tranh hơn.

Mặt khác, công nghệ cũng có tác động ngược lại đó là thay đổi cuộc sống của con người. Công nghệ xuất hiện và giúp con người rất nhiều trong mọi lĩnh vực của đời sống. Các nhà máy vận dụng công nghệ hiện đại để thay thế cho các dây chuyền sản xuất thủ công. Nếu trước kia mọi công đoạn của một sản phẩm đều do bàn tay con người trực tiếp làm ra thì ngày nay người ta có thể điều khiển máy móc, rô bốt, kĩ thuật hiện đại để thay thế, đảm bảo năng suất, chất lượng. Công nghệ giúp con người không phải lau nhà mà dùng rô bốt hút bụi. Công nghệ giúp con người rửa bát bằng máy, giặt đồ bằng máy… Việc mua sắm cũng trở nên dễ dàng thuận tiện khi con người chỉ cần ngồi một chỗ mà vẫn có thể mua đồ chỉ bằng một cú nhấp chuột, có thể thanh toán tiền, giao dịch… mà không cần đến tận cơ sở, chỉ cần ngồi với một chiếc máy tính có kết nối mạng. Đặc biệt, chiếc điện thoại di động có thể được coi như người bạn thứ 2 của con người khi có thể giúp con người hát để mua vui, có thể giúp con người xem phim, đọc sách, tin tức, cần biết bất cứ điều gì, người ta cũng chỉ cần lên mạng để search.

Chính vì vậy, có thể nói công nghệ đang từng bước thay đổi cuộc sống của con người. Công nghệ dần trở thành một công cụ không thể thiếu, giúp con người làm được nhiều việc trong cuộc sống. Nó vừa giúp ích cho mọi người nhưng cũng lại là một nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi con người quá phụ thuộc vào công nghệ, người ta có thể giảm tải tối đa thời gian vận động, vận động cả về tư duy và thể chất. Cần suy nghĩ điều gì, hay làm gì người ta cũng dựa vào máy móc, tra cứu cho nên dẫn đến con người trở nên lười biếng thụ động. Công nghệ cũng khiến cho các mối quan hệ trở nên khô khan, ảo hơn. Thay vì gặp gỡ, chuyện trò giao lưu, con người giờ đây chọn thăm hỏi, nhắn tin qua mạng xã hội. Các kĩ năng mềm, kĩ năng sống cũng vì vậy mà yếu kém, khả năng ngôn ngữ hạn chế. Chưa kể với đó là ở tầm vĩ mô, các cuộc chiến tranh công nghệ, sự thâm nhập virus, đánh cắp dữ liệu, an ninh mạng… đe dọa tới nhiều vấn đề bảo mật an toàn.

Còn rất nhiều tác hại khác mà công nghệ có thể gây ra đối với con người. Không thể phủ nhận những gì mà công nghệ đã đem lại cho cuộc sống của con người nhưng những tác hại mà nó mang lại cũng rất nghiêm trọng. Chính vì vậy, con người cần phải có những những hiểu biết sâu sắc về nó, hạn chế tối đa việc lạm dụng công nghệ gây ra những hậu quả tệ hại. Hãy để công nghệ đúng nghĩa là một công cụ giúp đỡ cho cuộc sống của con người.

Sưu tầm và tuyển chọn Văn mẫu lớp 12 hay nhất / Đọc Tài Liệu


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM