Trang chủ

Nghị luận Chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn

Xuất bản: 03/05/2019 - Cập nhật: 31/05/2024 - Tác giả:

Những bài văn nghị luận hay suy nghĩ về hậu quả của việc chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn.

Tài liệu tham khảo làm bài văn nghị luận Chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn giúp các em bàn luận và có những hiểu biết đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của việc kết nối, giao tiếp giữa con người với nhau trong cuộc sống.

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về hậu quả của việc chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn.

Câu nói "Chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn" được nhắc đến trong đề bài là lời than thở về sự suy giảm giao tiếp trực tiếp giữa con người trong xã hội hiện đại. Nó thể hiện mối quan ngại về việc chúng ta ngày càng phụ thuộc vào các hình thức giao tiếp gián tiếp như tin nhắn, email, mạng xã hội, thay vì dành thời gian trò chuyện trực tiếp với nhau.

Dàn ý nghị luận Chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Chúng ta có ngày càng ít nói với nhau hơn?

- Khẳng định vai trò của giao tiếp trong cuộc sống và nêu thực trạng hiện tại: Dùng mạng xã hội nhiều hơn, giao tiếp trực tiếp ít đi.

2. Thân bài bàn luận về vấn đề chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn

a) Giải thích vấn đề

- "Chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn" muốn đề cập đến sự suy giảm giao tiếp trực tiếp giữa con người với nhau trong xã hội hiện đại. Chúng ta ngày càng phụ thuộc vào các hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ như tin nhắn, email, mạng xã hội, thay vì dành thời gian trò chuyện trực tiếp với nhau.

- Thông điệp: Hãy giao tiếp với nhau nhiều hơn thay vì sử dụng thiết bị công nghệ. Việc giao tiếp sẽ kéo các mối quan hệ gần nhau hơn, chân thật và có ý nghĩa hơn. Đừng trao đổi với nhau qua những kênh mạng xã hội mà hãy gặp gỡ trực tiếp để hiểu thấu những tâm tư, tình cảm và để có được sự gắn bó khi nhìn thấy nhau.

b) Bàn luận

* Nguyên nhân khiến chúng ta ngày càng ít nói với nhau hơn

- Sự phát triển của công nghệ, giao tiếp trực tiếp được thay thế bằng mạng xã hội.

- Cuộc sống bận rộn, ít thời gian dành cho giao tiếp, thay vì dành thời gian gặp gỡ, trò chuyện, chúng ta thường chọn cách liên lạc qua tin nhắn hoặc gọi điện thoại để tiết kiệm thời gian.

- Một số người ngại giao tiếp trực tiếp vì lo lắng về kỹ năng giao tiếp của bản thân. Họ cảm thấy thoải mái hơn khi giao tiếp qua tin nhắn hoặc mạng xã hội vì có thể suy nghĩ kỹ trước khi nói.

- Trong xã hội hiện đại, con người có xu hướng sống cô lập hơn, ít kết nối với nhau hơn, họ ngại chia sẻ và trò chuyện với người khác.

* Hậu quả

- Gây ảnh hưởng đến chất lượng các mối quan hệ, khó khăn trong việc hiểu rõ cảm xúc, suy nghĩ và nhu cầu của nhau, dẫn đến những mâu thuẫn và hiểu lầm.

- Gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần: cảm thấy cô đơn, lo lắng, mất kết nối và thậm chí là lo âu, trầm cảm.

- Suy giảm kỹ năng giao tiếp, khó khăn trong việc truyền tải thông điệp.

- Ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp, trở nên lúng túng và thiếu tự tin khi giao tiếp với người khác.

(Dẫn chứng: Đưa ra các nghiên cứu thực tế, thống kê về tình trạng sử dụng mạng xã hội và giao tiếp trực tiếp, chia sẻ các ví dụ thực tế về hậu quả của việc ít nói với nhau)

* Giải pháp

- Dành thời gian cho gia đình, bạn bè và những người thân yêu, tắt điện thoại và tivi để có thể tập trung vào cuộc trò chuyện.

- Tham gia các hoạt động tập thể để gặp gỡ và trò chuyện với những người mới.

- Sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách tích cực, mỉm cười và duy trì giao tiếp bằng mắt để thể hiện sự quan tâm và cởi mở.

- Sử dụng công nghệ một cách thông minh, đừng để nó thay thế cho giao tiếp trực tiếp.

- Khuyến khích giao tiếp trực tiếp, hạn chế sử dụng mạng xã hội.

- Rèn luyện kỹ năng giao tiếp qua các tài liệu, khóa học giao tiếp, học cách lắng nghe, thấu hiểu người khác.

- Xây dựng văn hóa giao tiếp tích cực, tôn trọng lẫn nhau.

- ...

3. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề: Chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn.

- Bài học thông điệp: Cần thay đổi để cuộc sống ấm áp và giàu kết nối hơn.

Một số bài nghị luận hay về việc chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn

Bài viết số 1:

Công nghệ phát triển, con người càng xa nhau?

Công nghệ phát triển thì xã hội ngày một văn minh, tiến bộ. Nhờ thế con người có thể kết nối, giao lưu với nhau dù cách xa hàng trăm thậm chí là hàng triệu cây số. Cớ sao công nghệ càng phát triển thì nhân loại lại xa nhau, càng ít nói với nhau hơn?

Không ai có thể phủ nhận những tiện ích to lớn mà công nghệ đã mang lại trong cuộc sống ngày nay. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, một máy tính bảng hay laptop có kết nối mạng thì mọi thứ đều “nằm gọn” trong lòng bàn tay. Thông tin, tin tức được cập nhật liên tục, thoải mái tán ngẫu nói chuyện cùng bạn bè, người thân, thậm chí ngồi nhà vẫn có thể shopping như thường... tất cả chỉ gói gọn trong một thiết bị. Ngày nay, chỉ cần một số tiền vừa túi chúng ta đã có thể “tậu” cho mình một chiếc smartphone tầm trung với đầy đủ các chức năng: nghe nhạc, chơi game, lướt web, chat... Và xu hướng này càng phát triển, ai cũng cố gắng sở hữu một thiết bị công nghệ để bằng bạn bằng bè và không bị “lạc hậu”. Tuy nhiên, có ai đủ tỉnh táo để nhận ra rằng con người đang ngày càng bị phụ thuộc vào máy móc, thiết bị kĩ thuật số? Ngày xưa, điện thoại hay máy tính vẫn còn là một thứ xa xỉ đối với nhiều gia đình. Vì vậy, cha mẹ và con cái sau những giờ làm và giờ học căng thẳng lại quây quần bên mâm cơm gia đình hay cùng xem tivi. Ngày nay, chúng trở thành những phương tiện liên lạc vô cùng thuận tiện. Học xa nhà hay có chuyện gấp muốn liên lạc với người thân chỉ cần một cái chạm nhẹ vào màn hình, một cú click chuột thì có thể nhìn thấy mặt nhau dù xa hàng trăm km. Tuy nhiên, thuận tiện không có nghĩa là không có mặt trái.

Bây giờ, nếu gia đình khá giả thì học sinh tiểu học đã được trang bị một chiếc điện thoại “xịn” hay trẻ con đã biết cách sử dụng những chiếc máy tính bảng, máy vi tính... Thay vì tâm sự với cha mẹ, những đứa trẻ vừa về đến nhà đã cắm cúi vào chiếc máy vi tính để lướt web, online tán ngẫu với bạn bè hay chăm chú trước màn hình điện thoại để chơi game, nghe nhạc. Người trẻ ngày nay dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị công nghệ hiện đại mà quên đi việc trò chuyện, tâm sự cùng với cha mẹ, ông bà. Tình cảm gia đình vì thế mà không còn được gần gũi, thân thiết như ngày trước. Ra đường, không khó để bắt gặp những nhóm bạn trẻ đi cùng nhau đến những quán cafe, những hàng quán ăn vặt. Cứ tưởng sẽ là những cuộc trò chuyện, tán ngẫu vui vẻ râm ran một góc quán, nhưng không... Sau những đĩa thức ăn, những ly nước chóng vánh thì... việc ai người ấy làm. Họ chìm đắm trong thế giới của riêng mình với những chiếc smartphone trong tay. Tất cả chìm trong im lặng chỉ còn những ngón tay lướt trên màn hình điện thoại đang sáng.

Thay vì trò chuyện trực tiếp với nhau, họ cảm thấy dễ dàng hơn là những “comment” trên mạng xã hội. Thay vì tâm sự với nhau thì họ lại dành thời gian để đăng “status” hay địa chỉ “checkin”. Họ đi với nhau nhưng người ta chỉ cảm nhận được sự cô đơn giữa những con người tưởng như xa lạ, một đám đông “cô đơn”! Không thể quơ đũa cả nắm rằng tất cả mọi người đều bị lệ thuộc vào smartphone hay máy tính bảng. Nhưng không ai có thể phủ nhận rằng, hiện tượng này đang ngày càng phổ biến. Những hình ảnh ấy đang diễn ra hằng ngày và hầu như ở mọi nơi trên đất nước ta. Rõ ràng, con người đang ngày càng bị phụ thuộc vào máy móc. Trong vô thức, họ trở thành “nô lệ” của công nghệ. Smartphone hay máy tính bảng đang thực hiện một cuộc xâm lăng của riêng mình. Một cuộc xâm lăng âm thầm, lặng lẽ nhưng đủ để chi phối tất cả. Một chiếc máy vô tri vô giác nhưng lại có một sức mạnh vô cùng ghê gớm. Như vậy, công nghệ phát triển đã vô tình đẩy con người ra xa nhau hơn. Bởi thời gian đa phần họ dành cho máy móc, thiết bị điện tử nhiều hơn là những cuộc trò chuyện, hẹn hò đơn thuần.

Việc loại bỏ các công cụ công nghệ khoa học ra khỏi cuộc sống là không thể, bởi những tiện ích mà chúng đem lại vô cùng lớn. Bởi xã hội loài người là sự phát triển đi lên không ngừng nghỉ và khoa học kĩ thuật là bước đệm quan trọng cho sự phát triển ấy. Tuy nhiên, hãy biết sử dụng một cách có chừng mực để không bị lệ thuộc vào các thiết bị điện tử. Đừng để những chiếc smartphone hay máy tính bảng chen vào giữa chúng ta. Công nghệ phát triển nhưng phải đưa nhân loại đến gần nhau hơn theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!

Tham khảo thêm:

Bài viết số 2:

Thời đại công nghệ, con người ngày càng ít quan tâm đến nhau?

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, công nghệ đã và đang chi phối đời thực của con người rất nhiều dẫn đến mọi người ít quan tâm đến nhau. Không khó để nhận ra điều đó. Thử đến các quán ăn, quán cà phê. Dù ngồi cả nhóm 6, 7 thành viên nhưng mỗi người dán mắt vào điện thoại của riêng mình, làm chuyện riêng, chứ ít giao tiếp với nhau.

Không ít bạn trẻ cũng đưa ra những câu chuyện về sự phụ thuộc của con người vào công nghệ, để rồi khiến cuộc sống thay đổi hoàn toàn. Và theo đó, sự quan tâm dành cho nhau ngày càng ít đi. Không chỉ những mối quan hệ bạn bè cũng "nhạt" dần bởi bị phụ thuộc vào công nghệ, nhiều bạn trẻ còn đưa ra những câu chuyện của gia đình để minh chứng rằng mối quan hệ bố mẹ và con cái, những người thân trong gia đình... cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, mọi người ít quan tâm đến nhau hơn.

Trong nhiều bữa tiệc, nhiều người không cần nói chuyện hay mời người bên cạnh dùng món, hay nhận xét món ăn... mà chỉ lo lấy điện thoại, máy ảnh ra chụp món ăn. Sau đó khoe lên mạng xã hội, tiếp tục đắm chìm vào những lời bình luận. Nhiều học sinh cũng than vãn rằng đã thiếu thốn tình cảm của bố mẹ. Dù ở cùng nhà nhưng ít khi được gặp bố mẹ, ít khi được tâm sự, trò chuyện, chỉ vì lý do: "Bố lo chăm chú vào điện thoại, lướt mạng", "Mẹ lo tán gẫu với bạn bè, đồng nghiệp". Và những điều đó đã khiến nhiều bạn trẻ đồng tình, rằng thời đại công nghệ, con người ngày càng ít quan tâm đến nhau.

Tuy nhiên vẫn có nhiều bạn trẻ cho rằng đây là nhận định sai lầm. Bởi lẽ những câu chuyện sống vì cộng đồng, giúp đỡ người khác... vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống. Rất nhiều người trẻ, tận dụng trang cá nhân thu hút nhiều người theo dõi trên mạng xã hội để kêu gọi, vận động giúp đỡ các mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. Hiện nay, có vô số CLB, đội, nhóm tình nguyện, thường xuyên đến các vùng miền trên Tổ quốc để làm thiện nguyện, dù nơi đó có xa xôi, hẻo lánh. Vẫn còn đó những câu chuyện đầy tình người.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều người đã vô tình bị công nghệ chi phối, bị phụ thuộc vào công nghệ, nên khiến không ít bạn nhận định cho rằng thời đại công nghệ, con người ngày càng ít quan tâm đến nhau. Tuy nhiên, thực tế thì những sự quan tâm giữa người với người, cả những người thân thiết hay người lạ vẫn còn đó, không phải ít quan tâm hơn mà có thể nhiều hơn. Vấn đề là, mỗi người cần biết cách thoát khỏi sự "nô lệ" đối với công nghệ. Chỉ cần kiểm soát bản thân để không bị lệ thuộc vào công nghệ thì chắc chắn sự quan tâm dành cho nhau vẫn tồn tại, vẫn tiếp diễn và ngày càng nhiều hơn.

Khi ăn những bữa cơm gia đình, bố mẹ và con cái nên trò chuyện cùng nhau, hỏi han nhau sau một ngày học tập, làm việc căng thẳng, chứ đừng vừa ăn vừa bấm điện thoại nữa. Hay cùng bạn đi cà phê, đừng "mỗi người mỗi máy" làm việc riêng, mà hãy tận dụng để trao đổi, tâm sự cùng nhau... Có như vậy thì dù công nghệ có phát triển đến mấy cũng không khiến sự quan tâm dành cho nhau ít đi.

Tuyển tập Văn mẫu 10 hay nhất chọn lọc / Đọc Tài Liệu

Trên đây là một số nội dung có thể sẽ hữu ích cho các em trong quá trình làm đề văn nghị luận về hậu quả của việc chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn. Các em hãy tham khảo và chọn lọc những ý văn hay để bổ sung vào bài viết của mình. Chúc các em làm bài tốt và đạt điểm cao!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM