Trang chủ

Lý thuyết Tuần hoàn máu

Xuất bản: 20/02/2020

Tài liệu tổng hợp lý thuyết Sinh 11 bài 18, kiến thức cần nắm về tuần hoàn máu giúp em học tốt môn Sinh lớp 11 phần Chuyển hóa vật chất và năng lượng.

Đừng bỏ qua tài liệu lý thuyết Sinh 11 bài 18 Tuần hoàn máu dưới đây do Đọc Tài Liệu biên soạn để nắm được toàn bộ kiến thức sách giáo khoa Sinh học lớp 11 về tuần hoàn máu, đồng thời tham khảo một số dạng câu hỏi trắc nghiệm thường gặp liên quan đến phần kiến thức này.


Tổng hợp lý thuyết bài 18 Sinh 11: Tuần hoàn máu

I. Cấu tạo và chức năng của hệ tuần hoàn

1. Cấu tạo chung

Hệ tuần hoàn được cấu tạo chủ yếu bởi các bộ phận sau đây:

- Dịch tuần hoàn : máu hoặc hỗn hợp máu – dịch mô

- Tim : là một cái máy bơm hút và đẩy máu chảy trong mạch máu

- Hệ thống mạch máu : gồm hệ thống động mạch, hệ thống mao mạch và hệ thống tĩnh mạch.

2. Chức năng chủ yếu của hệ tuần hoàn

Hệ tuần hoàn có chức năng vận chuyển các chất từ bộ phận này đến bộ phận khác để đáp ứng cho các hoạt động sống của cơ thể.

II. Các dạng hệ tuần hoàn ở động vật

- Động vật đơn bào và động vật đa bào có cơ thể nhỏ, dẹp không có hệ tuần hoàn, các chất được trao đổi qua bề mặt cơ thể.

- Ở động vật đa bào có kích thước cơ thể lớn, do trao đổi chất qua bề mặt cơ thể không đáp ứng được nhu cầu của cơ thể dẫn đến các động vật đó có hệ tuần hoàn.

- Hệ tuần hoàn ở động vật có các dạng sau:

1. Hệ tuần hoàn hở

- Hệ tuần hoàn hở có ở đa số động vật thân mềm (ốc sên, trai,…) và chân khớp (côn trùng, tôm…)

Hệ tuần hoàn hở có đặc điểm:

- Máu được tim bơm vào động mạch và sau đó tràn vào khoang cơ thể. Ở đây máu trộn lẫn với dịch mô tạo thành hỗn hợp máu – dịch mô (gọi chung là máu). Máu tiếp xúc và trao đổi chất trực tiếp với các tế bào, sau đó trở về tim.

- Máu chảy trong động mạch dưới áp lực thấp, tốc độ máu chảy chậm.

2. Hệ tuần hoàn kín

- Hệ tuần hoàn kín có ở mực ống, bạch tuộc, giun đốt và động vật có xương sống

- Hệ tuần hoàn kín có đặc điểm:

+ Máu được tim bơm đi lưu thông liên tục trong mạch kín, từ động mạch qua mao mạch, tĩnh mạch và sau đó về tim. Máu trao đổi chất với tế bào qua thành mao mạch.

- Máu chảy trong động mạch dưới áp lực cao hoặc trung bình, tốc độ máu chảy nhanh.

- Hệ tuần hoàn kín của động vật có xương sống là hệ tuần hoàn đơn hoặc hệ tuần hoàn kép. Hệ tuần hoàn đơn có ở cá. Hệ tuần hoàn kép có ở nhóm động vật có phổi như lưỡng cư, bò sát, chim và thú.


Bảng. So sánh hệ tuần hoàn đơn và hệ tuần hoàn kép

Đặc điểm so sánhHệ tuần hoàn đơnHệ tuần hoàn kép
Đại diệnLớp cáLớp Lưỡng cư, Bò sát, Chim, Thú
Cấu tạo của timTim 2 ngănTim 3 ngăn hoặc 4 ngăn
Số vòng tuần hoànChỉ có 1 vòng tuần hoànCó 2 vòng tuần hoàn
Máu đi nuôi cơ thểĐỏ thẫmMáu pha hoặc máu đỏ tươi
Tốc độ của máu trong động mạchMáu chảy với áp lực tế bàoMáu chảy với áp lực cao

>>> Xem thêm hướng dẫn soạn Sinh 11 bài 18 chi tiết và đầy đủ

Một số bài tập trắc nghiệm về tuần hoàn máu

Câu 1. Trật tự đúng về đường đi của máu trong hệ tuần hoàn hở là

A. Tim → Động mạch→ khoang cơ thể→ trao đổi chất với tế bào→ hỗn hợp máu - dịch mô→ tĩnh mạch→ tim

B. Tim→ động mạch→ trao đổi chất với tế bào→ hỗn hợp máu→ dịch mô→ khoang cơ thể→ tĩnh mạch→ tim

C. Tim→ động mạch→ hỗn hợp máu - dịch mô→ khoang cơ thể → trao đổi chất với tế bào→ tĩnh mạch→ tim

D. Tim→ động mạch→ khoang cơ thể→ hỗn hợp máu - dịch mô→ trao đổi chất với tế bào → tĩnh mạch→ tim

Câu 2. Trật tự đúng về đường đi của máu trong hệ tuần hoàn kín là

A. Tim → Động mạch→ tĩnh mạch→ mao mạch→ tim

B. Tim → động mạch→ mao mạch→ tĩnh mạch→ tim

C. Tim → mao mạch→ động mạch→ tĩnh mạch→ tim

D. Tim → động mạch→ mao mạch→ động mạch→ tim

Câu 3. trong các loài sau đây:

(1) tôm        (2) cá        (3) ốc sên

(4) ếch        (5) trai        (6) bạch tuộc        (7) giun đốt

Hệ tuần hoàn hở có ở những động vật nào?

A. (1), (3) và (5)       B. (1), (2) và (3)

C. (2), (5) và (6)       D. (3), (5) và (6)

Câu 4. Hệ tuần hoàn của đa số động vật thân mềm và chân khớp được gọi là hệ tuần hoàn hở vì

A. giữa mạch đi từ tim ( động mạch) và các mạch đến tim ( tĩnh mạch) không có mạch nối

B. tốc độ máu chảy chậm

C. máu chảy trong động mạch gâydưới áp lực lớn

D. còn tạo hỗn hợp máu - dịch mô

Đáp án:

Câu 1: D

Giải thích:

Tim → động mạch → khoang cơ thể → hỗn hợp máu-dịch mô → trao đổi chất với tế bào → tĩnh mạch → tim.

Câu 2: B

Câu 3: A

Câu 4: A

Tham khảo thêm:

-------------------------

Hy vọng với hệ thống kiến thức lý thuyết tuần hoàn máu trên đây, các em sẽ có thêm một tài liệu học tập hữu ích để học tốt hơn môn Sinh 11. Ngoài ra đừng quên xem thêm những kiến thức khác trong phần Soạn Sinh 11 được cập nhật liên tục tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM