Trang chủ

Lý thuyết Quang hợp ở các nhóm thực vật C3, C4 và CAM

Xuất bản: 14/02/2020 - Cập nhật: 17/02/2020

Tổng hợp lý thuyết Sinh 11 bài 9, kiến thức cần nhớ về Quang hợp ở các nhóm thực vật C3, C4 và CAM giúp em học tốt môn Sinh lớp 11 phần Chuyển hóa vật chất và năng lượng.

Nếu đang tìm kiếm một tài liệu học tập về phần quang hợp của thực vật, các em hãy tham khảo ngay tài liệu dưới đây với hệ thống lý thuyết quang hợp ở các nhóm thực vật C3, C4 và CAM bài 9 Sinh 11 cùng một số bài tập trắc nghiệm cơ bản (có đáp án), giúp các em nắm được trọn vẹn phần kiến thức này. Các thầy cô cũng có thể sử dụng bài tổng hợp này như một tài liệu hữu ích phục vụ quá trình dạy học của mình.

Cùng tham khảo nhé!

Kiến thức cần nắm bài 9 Sinh 11: Quang hợp ở các nhóm thực vật C3, C4 và CAM

Quá trình quang hợp được chia thành 2 pha: pha sáng và pha tối. Quang hợp ở các nhóm thực vật C₃, C₄ và CAM chỉ khác nhau ở pha tối.

I. THỰC VẬT C₃

Thực vật C₃ gồm các loài rêu đến các cây gỗ lớn phân bố rộng khắp mọi nơi trên Trái Đất.

Các pha của quang hợp ở thực vật C₃

a. Pha sáng:

- Khái niệm: Pha sáng là pha chuyển hóa năng lượng ánh sáng đã được diệp lục hấp thụ thành năng lượng của các liên kết hóa học trong ATP và NADPH. Pha sáng diễn ra trong lục lạp tại tilacôit.

- Trong pha sáng, năng lượng ánh sáng được sử dụng để thực hiện quá trình quang phân li nước → Giải phóng oxi, bù lại electron cho diệp lục a, các proton H+ đến khử NADP+ thành NADPH:

2H₂O  → 4H+ + 4e- + O₂

- ATP và NADPH của pha sáng được sử dụng trong pha tối để tổng hợp các hợp chất hữu cơ.

Hình 1: Quá trình quang hợp ở thực vật

b. Pha tối:

- Pha tối ở thực vật C₃ chỉ có chu trình Canvin, diễn ra trong chất nền của lục lạp:

Chu trình Canvin gồm 3 giai đoạn:

Hình 2 : Chu trình Canvin

* Giai đoạn cố định CO:

+ Chất nhận CO₂ đầu tiên và duy nhất là hợp chất 5C (Ribulozo- 1,5- điphotphat (RiDP))

+ Sản phẩm đầu tiên là hợp chất 3C (Axit photphoglyxeric - APG)

* Giai đoạn khử

+ APG (axit phosphoglixeric) → AlPG (aldehit phosphoglixeric), ATP, NADPH

+ Một phần AlPG tách ra khỏi chu trình và kết hợp với 1 phân tử triozo khác để hình thành C₆H₁₂O₆ từ đó hình thành tinh bột, axit amin …

* Giai đoạn tái sinh chất nhận ban đầu Rib – 1,5 diP (ribulozo- 1,5 diphosphat).

+ Phần lớn AlPG qua nhiều phản ứng cần ATP → tái tạo nên RiDP để khép kín chu trình.

II. THỰC VẬT C₄

Gồm một số loài ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như: mía, ngô, cao lương… sống trong điều kiện nóng ẩm kéo dài, nhiệt độ, ánh sáng cao

Chu trình quang hợp ở thực vật C₄

- Diễn ra tại 2 loại tế bào là tế bào mô giậu và tế bào bao bó mạch

* Tại tế bào mô giậu diễn ra giai đoạn cố định CO₂ đầu tiên

+ Chất nhận CO₂ đầu tiên là 1 hợp chất 3C (phosphoenl piruvic - PEP)

+ Sản phẩm ổn định đầu tiên là hợp chất 4C ( axit oxaloaxetic - AOA), sau đó AOA chuyển hóa thành 1 hợp chất 4C khác là axit malic (AM) trước khi chuyển vào tế bào bao bó mạch.

* Tại tế bào bao bó mạch diến ra giai đoạn cố định CO₂ lần 2

+ AM bị phân hủy để giải phóng CO₂ cung cấp cho chu trình Canvin hợp chất 3C là axit piruvic

+ Axit piruvic quay lại tế bào mô giậu để tái tạo lại chất nhận CO₂ đầu tiên là PEP.

+ Chu trình Canvin diễn ra như ở thực vật C₃

Thực vật C4 ưu việt hơn thực vật C₃ :

- Cường độ quang hợp cao hơn, điểm bù CO₂ thấp hơn, điểm bảo hòa ánh sáng cao hơn, nhu cầu nước thấp → thực vật C₄ có năng suất cao hơn thực vật C₃

- Chu trình C₄ gồm 2 giai đoạn: giai đoạn đầu theo chu trình C₄ diễn ra ở lục lạp của tế bào nhu mô lá, giai đoạn 2 theo chu trình Canvin diễn ra trong lục lạp của tế bào bao bó mạch.

III. THỰC VẬT CAM

- Gồm những loài mọng nước, sống ở vùng hoang mạc khô hạn như: xương rồng, dứa, thanh long …

Chu trình quang hợp ở thực vật CAM

- Để tránh mất nước, khí khổng các loài này đóng vào ban ngày và mở vào ban đêm và cố định CO₂ theo con đường CAM.

- Vào ban đêm, nhiệt độ môi trường xuống thấp, tế bào khí khổng mở ra, CO₂ khuếch tán qua lá vào

+ Chất nhận CO₂ đầu tiên là PEP và sản phẩm ổn định đầu tiên là AOA

+ AOA chuyển hóa thành AM vận chuyển vào các tế bào dự trữ

- Ban ngày, khi tế bào khí khổng đóng lại:

+ AM bị phân hủy giải phóng CO₂ cung cấp cho chu trình  Canvin và axit piruvic tái sinh chất nhận ban đầu PEP

- Chu trình CAM gần giống với chu trình C₄, điểm khác biệt là về thời gian: cả 2 giai đoạn của chu trình C₄ đều diễn ra ban ngày; còn chu trình CAM thì phân chia thực hiện vào ban đêm và ban ngày.

>> Tham khảo hướng dẫn soạn Sinh 11 bài 9 chi tiết

Một số bài tập trắc nghiệm về quang hợp ở các nhóm thực vật C3, C4 và CAM

Câu 1. Trật tự đúng các giai đoạn trong chu trình Canvin là:

A. khử APG thành AlPG→ cố định CO₂→ tái sinh RiDP (ribulôzơ - 1,5 - điP).

B. cố định CO₂ → tái sinh RiDP (ribulôzơ - 1,5 - điP)→ khử APG thành AlPG.

C. khử APG thành AlPG → tái sinh RiDP (ribulôzơ - 1,5 - điP) → cố định CO₂.

D. cố định CO₂ → khử APG thành AlPG → tái sinh RiDP (ribulôzơ - 1,5 - điP)→ cố định CO₂.

Câu 2. Nhóm thực vật C₃ được phân bố

A. hầu khắp mọi nơi trên Trái Đất.

B. ở vùng ôn đới và á nhiệt đới.

C. ở vùng nhiệt đới.

D. ở vùng sa mạc.

Câu 3. Thực vật C₄ được phân bố

A. rộng rãi trên Trái Đất, chủ yếu ở vùng ôn đới và á nhiệt đới.

B. ở vùng ôn đới và á nhiệt đới.

C. ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

D. ở vùng sa mạc.

Câu 4. Những cây thuộc nhóm thực vật CAM là

A. lúa, khoai, sắn, đậu.

B. ngô, mía, cỏ lồng vực, cỏ gấu.

C. dứa, xương rồng, thuốc bỏng.

D. lúa, khoai, sắn, đậu.

Câu 5. Sản phẩm quang hợp đầu tiên của chu trình Canvin là

A. RiDP (ribulôzơ - 1,5 - điP).

B. AlPG (alđêhit photphoglixêric).

C. AM (axit malic).

D. APG (axit photphoglixêric).

Đáp án:

Câu 1: D

Câu 2: A

Câu 3: C

Câu 4: C

Câu 5: D

Tham khảo thêm:

-----------------------------------------

Trên đây là những kiến thức cơ bản mà em cần nắm trong tiết học Sinh 11 bài 9 về quang hợp ở các nhóm thực vật C3, C4 và CAM. Ngoài ra bạn hãy tham khảo thêm phần Soạn Sinh 11 với nội dung hướng dẫn trả lời câu hỏi thảo luận và bài tập SGK ở phía dưới đây nhé!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM