Để học tốt môn Ngữ văn lớp 12, mời các em tham khảo bài tổng hợp những kiến thức cơ bản Mùa lá rụng trong vườn - Ma Văn Kháng được tổng hợp bởi Đọc Tài Liệu:
Hệ thống kiến thức Mùa lá rụng trong vườn - Ma Văn Kháng
I. Tác giả
1. Tiểu sử
- Ma Văn Kháng tên khai sinh là Đinh Trọng Đoàn, sinh năm 1936, quê gốc ở phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Năm mười bốn tuổi, Ma Văn Kháng tham gia tổ chức thiếu sinh quân rồi được cử đi học ở khu học xá Việt Nam tại Trung Quốc. Năm 1960, ông học Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học, ông lên dạy học ở tỉnh Lào Cai và bắt đầu viết văn.
- Ma Văn Kháng thuộc thế hệ những người cầm bút trưởng thành trong công cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông đã có những đóng góp cho sự vận động của văn học nghệ thuật. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.
>> Ôn lại: Soạn bài Mùa lá rụng trong vườn
2. Văn nghiệp
- Ma Văn Kháng là nhà văn có bút lực dồi dào. Ông sáng tác rất nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn. Tiêu biểu là những tác phẩm sau:
- Đồng bạc trắng hoa xoè (tiểu thuyết, 1979), Vùng biên ải (tiểu thuyết, 1983), Mùa lá rụng trong vườn (tiểu thuyết 1985), Ngày đẹp trời (tập truyện ngắn 1986), Đám cưới không có giấy giá thú (tiểu thuyết 1989), Trăng soi sân nhỏ (tập truyện ngắn, 1994), Một chiều dông gió (tập truyện ngấn, 1998)...
3. Phong cách
- Ma Văn Kháng là nhà văn có khả năng xử lí nhiều mảng đề tài khác nhau. Văn phong ông nhẹ nhàng, chú trọng cốt truyện và các tình huống li kì hấp dẫn.
- Ông từng phát biểu về phong cách của mình: “Nhiều người vẫn bảo rằng sở trường của tôi là truyện ngắn, về miền núi, truyện ngắn của tôi có yếu tố lạ. Về mảng đời sống đô thị, từ những năm 80 trở lại đây, truyện của tôi đậm đà chất liệu đời thường. Tôi khai thác được hai mảng đề tài này. Về nghệ thuật, truyện ngắn của tôi ít nhiều thành công trong việc vận dụng thể loại. Tôi nghĩ mình có duyên với truyện ngắn. Tôi cũng yêu tiểu thuyết của mình, không phải là “văn mình” đâu. Nếu viết truyện ngắn là bắn vài con chim thì viết tiểu thuyết là một cuộc đi săn hổ dữ. Nó cần một vốn sống tổng hợp lớn, một tư tưởng đặc sắc, một sức viết bền và một kho chữ nghĩa phong phú”.
II. Tác phẩm:
1. Vài nét về tác phẩm
- Song hành với những đổi mới của đất nước, văn học Việt Nam trong thập niên tám mươi của thế kỉ XX có những chuyển động mạnh mẽ.
- Mùa lá rụng trong vườn là tác phẩm ra đời trong giai đoạn xã hội chuyển mình xoá bỏ dần mô hình kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp để sang nền kinh tế thị trường. Tác phẩm thể hiện sự quan sát và cảm nhận tinh tế của nhà văn đối với những biến động, những thay đổi trong tư tưởng và tâm lí của con người Việt Nam trong giai đoạn giao thời giữa mới và cũ với những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Chọn gia đình ông Bằng, một gia đình được coi là nền nếp, luôn giữ gia phong nay trở nên chao đảo trước những biến động của cuộc sống bên ngoài chi phối, Ma Văn Kháng bày tỏ niềm lo âu sâu sắc trước những thay đổi về quan niệm sống, về sự đi xuống của các giá trị truyền thống.
- Mùa lá rụng trong vườn là cuốn tiểu thuyết được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986.
>> Tham khảo: Tóm tắt truyện Mùa lá rụng trong vườn
2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Nội dung
- Đoạn trích trong SGK Ngữ Văn 12, rút từ chương 2 của tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn.
- Chủ đề của đoạn trích viết về một cái Tết sum họp. Chị Hoài, dù hiện tại đã có một gia đình riêng, ít còn liên quan đến gia đình người chồng đầu đã hi sinh trong chiến tranh nhưng chị vẫn luôn quan tâm sâu sắc đến những người thân trước đây. Sự xuất hiện của chị Hoài trong thời điểm này đã đem dến những chuyển biến quan trọng đối với mọi thành viên trong gia đình ông Bằng.
- Nét đẹp toả rạng từ chị Hoài là hai phẩm chất đáng trân trọng: tình nghĩa và thuỷ chung. Mọi người trong gia đình ông Bằng, tuy mỗi người mỗi tính cách khác nhau nhưng ai cũng nhận thấy và hết sức yêu quý chị ớ tấm lòng nhân hậu.
- Những phẩm chất tốt đẹp của chị Hoài thể hiện qua việc chị đột ngột trở về sum họp với gia đình người chồng cũ trong buổi chiều cuối năm, dự buổi cơm cúng tất niên. Chị mang theo những món quà quê giản dị mà chứa chan những tình cảm chân thành.
- Điều quan trọng nhất là chị xuất hiện trong thời điểm gia đình bố chồng trước đây của chị đang có nhiều rạn vỡ, chính tấm lòng của chị, chính sự quan tâm của chị đã góp phần gắn kết mọi thành viên trong gia đình, đánh thức tình cảm thiêng liêng về gia tộc.
b. Nghệ thuật
Văn bản khắc hoạ rất thành công bầu không khí Tết cổ truyền của dân tộc. Một mặt, tác giả cho thấy sự đổi thay của đất nước một mặt vẫn gợi lên sự mất mát xót xa của con người trong chiến tranh và những nỗ lực vượt thoát để xây dựng cuộc sống mới.
III. Đọc - hiểu tác phẩm
1. Nhân vật chị Hoài
- Chị Hoài mang vẻ đẹp đằm thắm của người phụ nữ nông thôn: "người thon gọn trong cái áo lông trần hạt lựu. Chiếc khăn len nâu thắt ôm khuôn mặt rộng có cặp mắt hai mí đằm thắm và cái miệng cười rất tươi".
- Nét đằm thắm, mặn mà toát lên từ tâm hồn chị, từ tình cảm đôn hậu, từ cách ứng xử, quan hệ với mọi người. Từng là dâu trưởng trong gia đình ông Bằng, bây giờ chị đã có một gia đình riêng với những quan hệ riêng, lo toan riêng, mọi thứ vẫn nhớ, vẫn quý, vẫn yêu chị. Bởi vì "người phụ nữ tưởng đã cắt hết mối dây liên hệ với gia đình này, vẫn giao cảm, vẫn chia sẻ buồn vui và cùng tham dự cuộc sống của gia đình này" (biết chuyện cô Phượng đã chuyển công tác, nhận được thư bố chồng cũ, sợ ông buồn nên phải lên ngay; chu đáo xởi lởi chuẩn bị quà, hỏi thăm tất cả mọi người lớn, bé; sự thành tâm của chị trước bàn thờ tổ tiên chiều 30 tết…). Trong tiềm thức mỗi người "vẫn sống động một chị Hoài đẹp người đẹp nết".
- Nhân vật chị Hoài là mẫu người phụ nữ vẫn giữ được nét đẹp truyền thống quý giá trước những "cơn địa chấn" xã hội.
>> Những bài phân tích truyện Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng) hay nhất
2. Cảnh sum họp trước giờ cúng tất niên
- Ông Bằng: "nghe thấy xôn xao tin Hoài lên", "ông sững khi nhìn thấy Hoài, mặt thoáng một chút ngơ ngẩn. Rồi mắt ông chớp liên hồi, môi ông bật không thành tiếng, có cảm giác ông sắp khóc oà", "giọng ông bỗng khê đặc, khàn rè: Hoài đấy ư, con?" Nỗi vui mừng, xúc động không giấu giếm của ông khi gặp lại người đã từng là con dâu trưởng mà ông rất mực quý mến.
- Chị Hoài: "gần như không chủ động được mình lao về phía ông Bằng, quên cả đôi dép, đôi chân to bản…kịp hãm lại khi còn cách ông già hai hàng gạch hoa". Tiếng gọi của chị nghẹn ngào trong tiếng nấc "ông!".
- Cảnh gặp gỡ vui mừng nhuốm một nỗi tiếc thương đau buồn, ê nhức cả tim gan.
- Khung cảnh tết: khói hương, mâm cỗ thịnh soạn "vào cái buổi đất nước còn nhiều khó khăn sau hơn ba mươi năm chiến tranh…" mọi người trong gia đình tề tựu quây quần…Tất cả chuẩn bị chu đáo cho khoảnh khắc tri ân trước tổ tiên trong chiều 30 tết.
- Ông Bằng "soát lại hàng khuy áo, chỉnh lại cà vạt, ho khan một tiếng, dịch chân lại trước bàn thờ", "Thoáng cái ông Bằng nhưng quên hết xung quanh và bản thể. Dâng lên trong ông cái cảm giác thiêng liêng rất đỗi quen thân và tâm trí ông bỗng mờ nhoà…Thưa thầy mẹ đã cách trở ngàn trùng mà vẫn hằng sống cùng con cháu. Con vẫn hằng nghe đâu đây lời giáo huấn…".
- Những hình ảnh sống động gieo vào lòng người đọc niềm xúc động rưng rưng, để rồi "nhập vào dòng xúc động tri ân tiên tổ và những người đã khuất".
- Bày tỏ lòng tri ân trước tổ tiên trước những người đã mất trong lễ cúng tất niên chiều 30 tết, điều đó đã trở thành một nét văn hoá truyền thống đáng trân trọng và tự hào của dân tộc ta. Tổ tiên không tách rời với con cháu. Tất cả liên kết một mạch bền chặt thuỷ chung". Dù cuộc sống hiện đại muôn sự đổi thay cùng sự thay đổi của những cách nghĩ, cách sống, những quan niệm mới, nét đẹp truyền thống văn hoá ấy vẫn đang và rất cần được gìn giữ trân trọng.
>> Xem thêm: Phân tích cuộc gặp gỡ giữa chị Hoài với mọi người trong Mùa lá rụng trong vườn
********
Hy vọng hệ thống kiến thức Mùa lá rụng trong vườn - Ma Văn Kháng mà Đọc Tài Liệu đã tổng hợp trên đây sẽ là tài liệu ngữ văn lớp 12 bổ ích giúp các em dễ dàng tiếp thu kiến thức để học tập tốt hơn. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao nhé!