Trang chủ

Kể về người có ý chí nghị lực mà em biết hoặc được nghe kể

Xuất bản: 03/01/2019 - Cập nhật: 18/11/2019 - Tác giả:

Văn tham khảo lớp 4 chủ đề kể về một người có ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống mà em biết hoặc đã từng được nghe kể.

Bạn đang tìm hiểu cách làm bài văn kể về người có ý chí nghị lực? Vậy thì không thể bỏ qua những bài văn mẫu tuyển chọn hay nhất của Đọc Tài Liệu sau đây kể về những tấm gương người có ý chí, nghị lực vượt lên trên khó khăn trong cuộc sống. Tài liệu sẽ giúp em hiểu và nắm được cách làm, sưu tầm được những ý văn hay góp phần cho bài viết của mình thêm hấp dẫn.

  Tham khảo ngay...

Đề bài: Kể một câu chuyện về người có ý chí nghị lực trong cuộc sống mà em biết hoặc đã được nghe kể.

***

Câu chuyện cảm động về người có ý chí nghị lực phi thường: Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký

Ý chí và nghị lực là rất cần thiết giúp mỗi người chúng ta vượt qua khó khăn và những thử thách trong cuộc sống. Và em muốn muốn kể cho các bạn nghe về một tấm gương với ý chí và nghị lực của mình đã vượt lên trên số phận để thành công. Đó là tấm gương của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký sinh ra đã có hoàn cảnh kém may mắn khi thầy bị liệt cả hai tay, mọi hoạt động và sinh hoạt đều rất khó khăn chứ chưa nói gì đến chuyện đi học. Những tưởng con người ấy sẽ chấp nhận đầu hàng số phận, nhưng không, số phận kém may mắn không những không trở thành rào cản mà còn là động lực để thầy cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Thầy vẫn khát khao được đi học như những bạn cùng trang lứa nhưng điều này thực sự rất khó khăn vì đôi tay ấy làm sao có thể cầm được bút để viết nên những con chữ như những bạn bình thường.

Và rồi thầy quyết định tập viết bằng chân, điều này tưởng như không tưởng nhưng lại trở thành hiện thực với thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Những ngày đầu tập viết bằng chân của thầy vô cùng khó khăn, nhưng chưa lúc nào thầy nghĩ đến chuyện từ bỏ vì với thầy thất bại lớn nhất của một người là chấp nhận từ bỏ mà không nghĩ đến việc sẽ cố gắng hết sức, những nét chữ nó không theo ý muốn của thầy cứ nguệch ngoạc không thành chữ. Nhưng rồi với sự kiên trì chịu khó của mình, ngày nào thầy cũng luyện tập, tập viết mọi lúc mọi nơi, có khi thầy tập viết bằng những mẩu gạch thay cho bút và phấn, những mẩu gạch kẹp vào chân rất khó khăn và còn đau nữa nhưng điều đó không khuất phục được tinh thần học tập của thầy.

Và cuối cùng, thầy đã thành công, mặc dù viết bằng chân nhưng chữ của thầy rất đẹp, thậm chí còn đẹp hơn nhiều chữ của những bạn viết bằng tay. Tất cả là nhờ vào sự chăm chỉ luyện tập không quản ngại khó khăn gian khổ của thầy. Năm học nào thầy cũng đạt thành tích cao trong học tập, các bạn bè trong lớp trước đây từ thái độ xem thường, miệt thị thầy bao nhiêu thì giờ đây lại khâm phục thầy bấy nhiêu. Để rồi sau này thầy trở thành một thầy giáo giỏi tâm huyết với sự nghiệp trồng người của mình như bây giờ chúng ta vẫn nhắc đến tên của thầy với một sự khâm phục và kính trọng.

Nhắc đến tên của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký thì không một ai của đất nước Việt Nam không biết. Ở thầy chúng ta thầy được sự cố gắng, ý chí và nghị lực của một người đã vượt lên trên số phận bất hạnh để thành công.

>>> Đọc thêm văn mẫu: Nghị luận xã hội về ý chí nghị lực

Một số bài văn mẫu đạt điểm cao kể về những tấm gương giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống

Bài mẫu 1:

Hoài Nam là một học sinh nghèo có tinh thần vượt khó ham học ở trường Ngô Gia Tự, tỉnh Bạc Liêu.

Hoàn cảnh của Nam thật tội nghiệp. Cha mất sớm, mẹ bệnh tật triền miên, gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, Nam lại là con trai lớn. Sau Nam còn một em gái nữa. Tuổi còn nhỏ mà Nam đã phải kiếm tiền để phụ giúp mẹ và tự lo cho việc học hành. Điều ngạc nhiên đối với chúng tôi là Nam học rất giỏi, luôn luôn đứng đầu lớp, thầy cô yêu mến, bạn bè nể trọng. Thời gian học thì ít, cuộc sống lại thiếu thốn mọi bề. Thế mà Nam không bao giờ than vãn với ái một lời, bạn bè lúc nào cũng thấy Nam vui vẻ lạc quan.

Sáng nào cũng vậy, khi mọi người đi ngang qua tiệm cà phê Hải Châu sẽ luôn nghe tiếng rao lanh lảnh quen thuộc của Nam: “Vé số! Vé số chiều trúng đây!”. Lúc nào cũng thấy cậu mặc chiếc quần đùi xanh đã cũ và chiếc áo sơ mi cộc tay có nhiều chỗ vá, đội một cái mũ vải bạc màu để lộ mái tóc rễ tre bờm xờm lâu ngày chưa cắt. Khác với thân hình gầy nhom, khuôn mặt cậu khá tròn trĩnh và rất sáng sủa. Đặc biệt, đôi mắt của cậu ánh lên vẻ thông minh, lanh lợi nên bao giờ Nam cũng bán hết vé số trước mọi người. Nhờ vậy mà cậu đã tranh thủ được thời gian học bài, đọc sách và làm bài tập tại ghế đá ở công viên. Thời gian buổi tối Nam tranh thủ bán vé số ở những quán cá phê đông khách kiếm thêm ít tiền. Ngoài ra, Nam còn là một người hết mình vì bạn. Thường ngày vào những giờ giải lao, Nam thường ngồi lại hướng dẫn thêm cho những bạn tiếp thu còn chậm cách làm những bài toán mới học. Cậu luôn coi việc giúp đỡ bạn là một niềm vui của mình.

Hoài Nam xứng đáng là một tấm gương sáng, một con ngoan trò giỏi được Tỉnh đoàn trao tặng suất học bổng “Học sinh nghèo vượt khó” trong năm qua.

Bài mẫu 2: Câu chuyện về những nhà khoa học đã phát minh ra que diêm

Cách đây gần hai thế kỉ, loài người đã chế tạo được mấy loại công cụ làm ra lửa, rất cần cho đời sống hàng ngày. Chúng ta đã biết người nguyên thủy từng đập đá lấy lửa, từng truyền giữ lửa như báu vật.

Và thực tế thần lửa luôn luôn được mọi người tôn thờ. Đến xã hội văn minh, người ta không phải đập đá lấy lửa theo kiểu thô sơ nữa mà chế tạo ra diêm và các loại bật lửa. Bật lửa hiện đại nhất ngày nay là bật lửa ga. Còn diêm thì cách đây hai thế kỉ vẫn còn rất lôi thôi, phiền phức. Có loại phải nhúng vào axít mạnh, lại có loại phải lấy kìm kẹp nát mới ra lửa. Phiền phức thế nên lúc đi xa người ta thường ngại mang theo.

Hồi ấy có bốn sinh viên chơi với nhau rất thân, mỗi người một nết; Xô-li-a mê làm thí nghiệm hóa học, Gi-rê-vi thích đọc truyện, Gi-rin-sơ khó tính mà tốt bụng, Cam-mê-ra chăm học và cũng mê môn hóa học.

Một buổi đi cắm trại trong rừng, họ mang theo thức ăn sống, định sẽ nấu cho nóng sốt. Nhưng họ quên mang theo diêm, thế là đành phải nhịn đói trở về. Bốn người rất bực mình. Gi-rin-sơ bèn bảo hai ông bạn say mê môn hóa học:

- Các cậu đọc bao nhiêu sách, làm bao nhiêu là thí nghiệm. Vậy mà chẳng chế ra được lửa thì đọc sách, làm thí nghiệm để làm gì?

Xô-li-a mỉm cười:

- Chế ra lửa thì khó gì! Chỉ cần cậu kiếm cho mình một căn phòng yên tĩnh.

Gi-rin-sơ mừng rỡ nói:

- Chế được ra lửa mới cần! Chứ một căn phòng để mình bảo bà cô mình giúp cho.

Từ ngày có căn phòng, Xô-li-a ngày đêm miệt mài với mấy quyển sách và mấy lọ hóa chất. Anh vùi đầu vào nghiên cứu. Một hôm anh chợt nhớ ra có lần thầy giáo đã làm thí nghiệm một vài thứ thuốc nổ do ông tự chế lấy. Anh nghĩ: đã tóe lửa ra thì có thể đốt cháy một chất dễ bắt lửa. Mày mò mãi, anh mới chế được phốt pho. Thế rồi một hôm trong phòng anh bỗng có tiếng nổ, mọi người vội chạy vào thì thấy phòng đầy khói, Xô-li-a từ màn khói dầy đặc bước ra hớn hở nói với Gi-rin-sơ:

- Tớ đã tìm ra diêm tự cháy được rồi.

Gi-rin-sơ mừng rỡ nói:

- Thế thì tốt quá, nhưng xin nhà phát minh đừng có gây ra tiếng nổ nữa nhé.

Xô-li-a gật đầu nói:

- Nhưng mà từ tìm ra đến làm ra, còn cả khoảng thời gian nữa đấy.

Sau đó, anh lại tiếp tục vùi đầu vào nghiên cứu. Anh lấy phốt pho bôi một vệt dài trên tường tiếp đến anh lấy cây rễ khô, đầu tẩm diêm sinh, nhúng vào dung dịch ka-li-clo-rát, rồi quệt mạnh lên vệt phôt pho trên tường. Đầu que diêm bùng cháy. Anh sung sướng quá, mải mê ngắm nhìn đến nỗi đánh rơi cả thuốc vào cối thuốc nổ để trên sàn nhà. Thế là một tiếng "sét" nổ vang. Khi mọi người kéo đến thì căn phòng đã tan hoang. Mùi hóa chất nồng nặc. Anh bị thương, máu đỏ lòm, quần áo thì rách tươm. Gi-rin-sơ sợ quá bèn gọi bác sĩ đến cấp cứu, anh ái ngại hỏi bạn:

- Thôi, sau này chắc cậu thôi chứ? Coi như thành công rồi mà!

Xô-li-a chìa hai bàn tay quấn bông băng ra và nói:

- Thôi thế nào được. Đó mới là biết cách làm, đâu đã coi là thành công được. Khỏi tay mình lại tiếp tục”.

Ít lâu sau, Xô-li-a đến gặp Giáo sư nói về phát minh của mình. Giáo sư chưa tin. Anh làm lại thí nghiệm cho Giáo sư xem. Nhìn que diêm tự cháy trên bàn tay nhà phát minh, Giáo sư cảm động ôm lấy Xô-li-a khen ngợi:

- Anh thật là một học trò giỏi, dũng cảm.

Sau đó, trong lúc Xô-li-a chạy vạy để xin nhà nước Pháp cấp bằng phát minh thì anh bạn hóa học tồi tệ của anh là Cam-mê-ra đã ăn cắp phát minh của anh chuồn sang Đức bán cho một nhà kĩ nghệ ở Béc-lanh. Biết có lợi lớn, tên này bèn xin cấp bằng phát minh trước cả Xô-li-a.

Nhìn các bao diêm Đức tràn ngập thị trường Pháp, Xô-li-a nói với Gi-rin-sơ:

- Dù sao thì tớ cũng là người đầu tiên chế ra diêm tự cháy, còn lời lãi đối với tớ không quan trọng lắm.

Câu chuyện đề cao những người làm công việc nghiên cứu, phát minh khoa học chân chính. Dù chỉ là một que diêm bình thường, con đường tìm ra nó cũng đòi hỏi biết bao ý chí và nghị lực phải không các bạn.

Bài mẫu 3: Câu chuyện về thiên tài âm nhạc Bết- tô-ven

Nhạc sĩ thiên tài Lút-vít-van Bết-tô-ven là một người có nghị lực phi thường. Cuộc đời ông từ lúc sinh ra, sống, học tập, sáng tác nhạc là chuỗi ngày dài luôn chiến đấu với mọi hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Câu chuyện em kể sau đây minh chứng cho nhận định đó.

Bết-tô-ven sinh năm 1770, tại Bon, nước Đức, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Từ bốn tuổi, Bết-tô-ven đã được học tập, rèn luyện các loại đàn piano và violon. Quá trình học tập, sinh sống của ông rất vất vả. Vì gia đình của ông nghèo, ông phải bỏ học từ mười tuổi. Kiến thức ông có được đều do ông tự học. Năm mười bảy tuổi, ông đến Viên và theo học nhạc sĩ Bach, cũng năm này, người mẹ thân yêu của ông qua đời. Chịu tang mẹ xong, ông quay lại Viên và tiếp tục học nhạc. Năm hai mươi hai tuổi, Bết-tô-ven đã thu hút được sự chú ý của mọi người bằng sự thể hiện độc đáo những tư tưởng âm nhạc và phong cách biểu diễn. Tưởng rằng tài năng nở rộ thì cuộc đời của ông sẽ tươi sáng hơn. Nhưng không, năm hai mươi sáu tuổi, ông bị điếc tai nặng. Bệnh của ông không có khả năng chữa khỏi. Bị điếc nghĩa là không nghe được tiếng nhạc nữa, điều này thật đáng sợ đối với một nhạc sĩ. Nó như giết chết cuộc đời nghệ thuật của ông. Tuy nhiên, ông không chịu đầu hàng số phận. Ông ngồi vào ghế, cầm lấy giấy và bút, viết thật nhanh, cho đến lúc trăng lên cao, ông đã viết xong bản hợp tấu đàn piano, ông lướt tay lên phím đàn đầy hào hứng, sôi nổi. Tuy ông không nghe tiếng đàn nhưng ông nhìn thấy các phím đàn cùng với sức tưởng tượng dồi dào, mạnh mẽ, ông như nghe được tiếng nhạc êm tai, quyến rũ, tăng thêm sức mạnh để ông sống tiếp. Bệnh phát triển, dày vò ông đau đớn, tiều tụy nhưng ông vẫn kiên trì chống chọi và sáng tác nhạc. Ông không thể nghe thấy âm thanh nhạc của ông khi người ta diễn tấu nhưng ông đánh giá được mức độ thành công thông qua thái độ hưởng ứng, thưởng thức của công chúng.

Ngày 26 tháng 3 năm 1827, trái tim nhạy cảm và giàu yêu thương của nhạc sĩ ngừng đập. Thế giới mất đi một thiên tài âm nhạc. Ba mươi năm dài chiến đấu với bệnh tật, ông để lại cho đời những bản giao hưởng công-xéc-tô nổi tiếng. Hạt ngọc sinh ra từ trong vỏ trai bệnh tật, những năm tháng đau buồn lận đận giúp thêm sức cho Bết-tô-ven cống hiến cho đời những bản nhạc bất hủ.

Khép sách lại, em nghe tim mình dâng lên niềm thương cảm và tôn kính một bậc tài hoa. Em ngưỡng mộ và khâm phục nghị lực phi thường của nhạc sĩ. Bet-tô-ven là tấm gương sáng chói lọi cho chúng ta sống, học tập và làm việc. Ngày nay, dù tình cờ nghe được một đoạn nhạc của ông, em hiểu rằng em đang được thưởng thức tác phẩm nghệ thuật của bậc tinh anh, tài hoa kiệt xuất.

» Xem thêm:

Trên đây là một số mẫu bài văn hay nhất kể về tấm gương người có ý chí nghị lực trong cuộc sống. Xung quanh em còn rất nhiều những câu chuyện, tấm gương phi thường như vậy mà em có thể lựa chọn để kể lại theo cách của em hoặc tham khảo cách thức của những bài mẫu trên. Chúc các em làm bài tốt và đạt điểm cao !

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM