Trang chủ

Kể tóm tắt truyện Sự tích hồ Gươm

Xuất bản ngày 31/10/2018 - Tác giả:

Kể tóm tắt truyện Sự tích hồ Gươm, tổng hợp văn mẫu lớp 6 hay kể tóm tắt lại truyện Sự tích hồ Gươm chọn lọc, đầy đủ ý chính giúp các em tham khảo để học văn tốt hơn.

Hướng dẫn kể tóm tắt Sự tích hồ Gươm, lập dàn ý kể lại truyền thuyết Sự tích hồ Gươm ngắn gọn nhất và tham khảo một số bài tóm tắt mẫu hay kể về nguồn gốc cái tên hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm).

I. Tóm tắt Sự tích hồ Gươm - Hệ thống các ý chính của truyện

- Đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần để đuổi quân Minh.

- Lê Thận đã kéo được lưỡi gươm sau ba lần thả lưới. Sau khi tham gia nghĩa quân, Lê Lợi đến nhà Thận và thấy thanh gươm tự dưng sáng rực với hai chữ “Thuận thiên”.

- Lê Lợi bị giặc đuổi, thấy chuôi gươm thần phát sáng trên cây đa, ông lấy về tra vào lưỡi thì vừa khít.

- Từ đó nhờ gươm thần mà quân ta chiến thắng kẻ thù giòn giã, giải phóng được đất nước.

- Sau khi đuổi được giặc Minh, vua Lê Lợi đi dạo hồ Tả Vọng gặp Rùa Vàng hiện lên đòi lại gươm. Lê Lợi trả gươm, Rùa Vàng lặn xuống nước. Từ đó hồ được đổi tên là Hồ Gươm (hoặc hồ Hoàn Kiếm).

>>> Xem lại hướng dẫn chi tiết soạn bài Sự tích Hồ Gươm để hệ thống lại đầy đủ hơn.

II. Dàn ý bài văn kể tóm tắt truyền thuyết Sự tích hồ Gươm

1. Mở bài tóm tắt sự tích hồ Gươm

- Giới thiệu đôi nét về cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn, do Lê Lợi lãnh đạo.

+ Giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam, làm nhiều điều bạo ngược phi nhân, phi nghĩa.

+ Do nghĩa quân Lam Sơn ban đầu yếu thế, lực mỏng nên nhiều lần bị thua giặc

=> Đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn gươm thần để đánh giặc.

2. Thân bài tóm tắt sự tích hồ Gươm

Có thể kể tóm tắt diễn biến sự việc theo trình tự dưới đây:

- Lê Thận kéo lưới bắt cá nhưng cả ba lần kéo lưới lên đều có một lưỡi gươm.

- Lê Thận tham gia nghĩa quân Lam Sơn.

- Lê Lợi đến nhà Lê Thận thấy lưỡi gươm.

- Lê Lợi chạy vào rừng, vô tình thấy chuôi gươm nạm ngọc.

- Lê Lợi tra lưỡi gươm ở nhà Lê Thận vào chuôi gươm vừa như in.

- Có gươm thần, nghĩa quân Lam Sơn dâng cao khí thế đánh giặc Minh xâm lược.

- Cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thắng lợi, đất nước thanh bình, nhân dân chuyên lo việc ruộng đồng, xây dựng đất nước vững bền.

- Vua đi thuyền trên hồ Tả Vọng, Rùa nổi lên mạn thuyền, xin lại gươm thần.

3. Kết bài tóm tắt sự tích hồ Gươm

- Hồ Tả Vọng từ đó đổi tên thành Hồ Gươm hay bây giờ còn có tên khác là hồ Hoàn Kiếm.

- Hồ Gươm là nơi chứng giám sự giúp sức của tổ tiên, của thần linh cho cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta, ghi dấu những năm tháng thanh bình của đất nước.

II. Một số bài kể tóm tắt truyện Sự tích hồ Gươm ngắn gọn đủ ý

Dưới đây là 6 mẫu bài tóm tắt Sự tích hồ Gươm hay và ngắn gọn nhất do Đọc Tài Liệu sưu tầm, tổng hợp được gửi tới các em tham khảo để nắm được cách trình bày bài tóm tắt sao cho hấp dẫn, ngắn gọn mà vẫn đủ ý.

1. Bài tóm tắt 1: Kể tóm tắt Sự tích hồ Gươm ngắn nhất

Giặc Minh đô hộ nước ta, chúng gây ra nhiều bạo ngược, Lê Lợi dựng cờ tụ nghĩa tại Lam Sơn nhưng ban đầu yếu thế, lực mỏng nên thường bị thua. Đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để giết giặc.

Một người đánh cá tên là Lê Thận ba lần kéo lưới đều gặp một thanh sắt, nhìn kỹ hóa ra một lưỡi gươm. Sau đó ít lâu, Lê Lợi bị giặc đuổi, chạy vào rừng bắt được chuôi gươm nạm ngọc trên cây đa, đem tra vào lưỡi gươm ở nhà Lê Thận thì vừa như in, mới biết đó là gươm thần.

Từ khi có gươm thần, nghĩa quân đánh đâu thắng đấy, cuối cùng đánh tan quân xâm lược. Một năm sau khi thắng giặc, Lê Lợi đi thuyền chơi hồ Tả Vọng: Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi lại gươm thần. Từ đó, hồ Tả Vọng được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm.

2. Kể tóm tắt Sự tích hồ Gươm bài tóm tắt 2

Vào thời giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam, chúng coi dân ta như cỏ rác, làm nhiều điều bạo ngược.

Nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần chống giặc nhưng đều bị thua. Thấy vậy Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn Gươm thần để đánh giặc.

Lê Thận làm nghề đánh cá ở Thanh Hoá. Một đêm, Thận thả lưới trên bến vắng, ba lần kéo lưới lên đều thấy một thanh sắt, nhận ra đó là lưỡi gươm liền đem về cất ở xó nhà. Sau đó Lê Thận đã hăng hái gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Một hôm, chủ tướng Lê Lợi cùng tuỳ tùng đến nhà Thận, hôm đó thanh gươm tự nhiên sáng rực lên. Lê Lợi cầm lên xem thây có hai chữ “Thuận Thiên”.

Một lần đi qua khu rừng, thấy chuôi gươm nạm ngọc trên ngọn cây đa, Lê Lợi giắt vào lưng đem về. Ba ngày sau, Lê Lợi gặp lại mọi người đã kể lại chuyện bắt được chuôi gươm. Lê Thận đem gươm ra tra vào chuôi thì vừa như in. Lê Thận nâng gươm trao cho Lê Lợi và nói rằng đây là Trời có ý phó thác cho minh công làm việc lớn. Lê Lợi với gươm báu trong tay, cùng nghĩa quân nhuệ khí ngày một lớn mạnh. Trên các trận địa, quân Minh kinh hồn bạt vía. Uy danh của nghĩa quân vang khắp nơi. Chiến lợi phẩm thu về ngày càng nhiều. Đời sống của nghĩa quân khá hơn. Thế chủ động tấn công ngày một cao, chẳng mấy chốc đất nước ta sạch bóng quân thù.

Một năm sau khi đuổi giặc Minh, vua Lê Lợi cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng. Nhân đó Long Quân sai rùa vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Thuyền rồng tiến ra giữa hồ, thấy con rùa lớn xuất hiện, vua ban lệnh cho thuyền chậm lại. Rùa vàng tiến về phía nhà vua và nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”. Nghe Rùa vàng nói vua hiểu ý, rút gươm trả cho rùa vàng. Rùa vàng lập tức há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước.

Gươm và rùa đã chìm xuống nước, người ta thấy vật gì sáng loáng dưới mặt hồ xanh. Từ đó hồ Tả Vọng bắt đầu mang tên là hồ Gươm hay là hồ Hoàn Kiếm.

3. Kể tóm tắt Sự tích hồ Gươm bài tóm tắt 3

Đất nước ta lúc mà có giặc Minh đô hộ, giặc Minh cũng làm nhiều điều bạo ngược khiến cho dân chúng rơi vào cảnh lầm than.

Lúc bấy giờ thì Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại Lam Sơn nhưng thực sự lúc ban đầu thế yếu hơn so với giặc và thất bại là điều khó tránh. Thế rồi chính Đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi mượn thanh gươm thần để giết giặc mang lại thái bình cho đất nước ta.

Trong bối cảnh lúc bấy giờ thì một người đánh cá tên là Lê Thận thật lạ thay đã ba lần kéo lưới đều gặp một thanh sắt. Thận cứ thả xuống sông và kéo lên vẫn là thanh sắt này. Thấy lạ thì Thận nhìn kĩ hóa ra một lưỡi gươm. Thế rồi ít lâu sau đó thì Lê Lợi bị giặc đuổi, ông đã chạy vào rừng bắt được chuôi gươm nạm ngọc trên cây đa, lúc đó ông lại đem tra vào lưỡi gươm ở nhà Lê Thận thì vừa như in, mới biết đó là gươm thần.

Thế rồi ngay từ khi có gươm thần, nghĩa quân đánh đâu thắng đấy, cuối cùng đánh tan quân xâm lược khiến cho quân Minh lúc đó phải rút lui.

Một năm sau khi thắng giặc, đất nước ta lại được hưởng cuộc sống thái bình và cũng thật ấm no. Một hôm, Lê Lợi đi thuyền chơi hồ Tả Vọng thì Long Quân mới sai Rùa Vàng lên đòi lại gươm thần. Và cũng chính từ đó, hồ Tả Vọng được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm hay hồ Gươm.

4. Kể tóm tắt Sự tích hồ Gươm bài tóm tắt 4

Vào thời giặc Minh đô hộ, ở vùng Lam Sơn có một nghĩa quân nổi dậy chống giặc. Đức Long quân quyết định cho mượn gươm thần.

Lê Thận, trong ba lần đánh cá đều vớt được một thanh sắt, nhìn kĩ dưới ánh lửa nhận ra đó là lưỡi gươm. Một hôm Lê Lợi đến nhà Lê Thận, thấy lưỡi gươm phát sáng trên đó có khắc chữ “Thuận Thiên”, Lê Lợi tra vào chuôi gươm nạm ngọc mình nhặt được thì vừa vặn. Trong tay Lê Lợi có gươm thần làm cho quân Minh tan tác, bạt vía.

Một năm sau khi đuổi giặc Minh, vua Lê Lợi cưỡi thuyền quanh hồ Tả Vọng, Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi gươm thần. Vua nâng gươm trao trả gươm, Rùa Vàng ngậm gươm rồi lặn xuống đáy hồ, từ đó hồ Tả Vọng mang tên là hồ Hoàn Kiếm.

5. Kể tóm tắt Sự tích hồ Gươm bài tóm tắt 5

Nước ta vào thời giặc Minh bị đô hộ, tình cảnh đất nước lầm than. Thấy vậy Đức Long Quân vị thần cai quản biển cả quyết định cho nghĩa quân mượn gươm thần để đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Vùng Thanh Hóa có người đánh cá tên là Lê Thận thả lưới 3 lần đều kéo lên thanh gươm. Về sau Lê Thận tham gia nghĩa quân và trong lần tình cờ Lê Lợi thấy thanh gươm phát sáng lên 2 chữ Thuận Thiên.

Trong một lần bị giặc đuổi Lê Lợi thấy trên cây đa phát sáng mới biết đó là chuôi gươm. Về tra vào thanh gươm thì thấy vừa khít mới phát hiện đó là gươm thần. Thanh gươm thần trong tay Lê Lợi đánh đâu thắng đó, đánh tan quân Minh ra khỏi bờ cõi.

Sau khi lên ngôi vua Lê Lợi cưỡi thuyền rồng đi dạo hồ Tả Vọng gặp Rùa Vàng hiện lên đòi lại gươm thân. Lê Lợi trả gươm, Rùa Vàng nhanh chóng lấy gươm và lặn xuống nước. Bắt đầu từ đây hồ Tả Vọng được mang tên Hồ Gươm.

6. Bài tóm tắt 6: Kể tóm tắt Sự tích hồ Gươm qua lời của Lê Lợi

Ta không thể nào quên được cái ngày mà nghĩa quân Lam Sơn đi đến đâu thì thắng đến đó, làm cho lũ quân Minh tàn độc phải cuốn xéo trở về nước.

Để có được chiến thắng thì ta cũng những chiến sĩ cũng phải trải qua biết bao trận chiến chịu thua do thế yếu lại thêm lực mỏng. Chiến thắng này có được một phần là nhờ vào ý chí chiến đấu của những nghĩa sĩ Lam Sơn và là ân huệ mà Đức Long quân đã cho ta và toàn nhân dân.

Ta được Lê Thận - người đánh cá kể lại vào một ngày đi đánh cá kéo ba lần lưới đều kéo lên một thanh sắt, phải mất một lúc mới nhận ra được đó là một lưỡi gươm. Trùng hợp không lâu sau đó ta bị quân giặc truy đuổi, chạy vào rừng thì bắt được chuôi gươm nạm ngọc trên một cây đa. Lúc ta tra chuỗi vào thanh gươm thì mới nhận ra đó là gươm thần. Từ đó quân ta đi đến thắng đến đó.

Sau một năm chiến thắng, trong lúc đang chơi thuyền trên hồ Tả Vọng thì thần Rùa Vàng ngoi lên và đòi ta trả lại gươm thần cho Long Quân. Sau chuyện ngày hôm đó, hồ Tả Vọng cũng được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm.

-/-

Nhằm giúp các em học sinh học tốt Tập làm văn lớp 6, doctailieu.com đã tổng hợp tất cả các bài Văn mẫu lớp 6 tập 1, tập 2 hay nhất, chọn lọc với đủ các dạng bài: Văn kể chuyện và miêu tả, văn tóm tắt - diễn cảm - phát biểu cảm nghĩ cho các em học sinh có tham khảo.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM