Bằng lời văn của mình, kể lại một câu chuyện truyền thuyết mà em đã biết, đã được học hay được đọc như những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích nhằm giúp các em hoàn thiện cách làm bài văn kể chuyện, chuẩn bị tốt cho bài tập làm văn số 1
Đề bài: Kể lại câu chuyện truyền thuyết hoặc cổ tích mà em đã biết bằng lời văn của mình
Dàn ý 1: Kể lại một câu chuyện truyền thuyết Con Rồng cháu tiên
1. Mở bài:
- Giới thiệu nhân vật Lạc Long Quân và Âu Cơ.
2. Thân bài:
- Âu Cơ và Lạc Long Quân gặp nhau, đem lòng yêu thương và trở thành vợ chồng.
- Âu Cơ có mang, sinh ra một cái bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con.
- Lạc Long Quân từ biệt Âu Cơ và đưa 50 con trở về biển.
- Âu Cơ đưa 50 con lên rừng.
- Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương.
3. Kết bài:
- Cũng bởi sự tích này mà về sau người Việt Nam ta thường xưng là con Rồng cháu Tiên.
Dàn ý 2: Kể lại câu chuyện truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh
A. Mở bài
- Giới thiệu truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh”.
B. Thân bài (diễn biến sự việc)
- Mở đầu: Vua Hùng Vương có con gái tên Mị Nương.
- Thắt nút: Vua tìm gả chồng cho con.
- Phát triển: Sơn Tinh, Thủy Tinh đến tranh tài.
- Mở nút: Sơn Tinh đến trước lấy được Mị Nương.
- Kết thúc: Thủy Tinh đánh Sơn Tinh.
C. Kết bài: Ý nghĩa câu chuyện: hiện tượng lũ lụt.
Các em vừa tham khảo qua một số dàn ý kể về câu chuyện truyền thuyết mà em đã được học mà Đọc tài liệu biên tập. Với dàn ý này các em đã có thể triển khai cho mình thành những ý văn riêng để hoàn thành được một bài văn hoàn chỉnh. Và nếu muốn bổ sung thêm cho mình nội dung vào bài được phong phú hơn thì tham khảo top 4 bài văn mẫu của chúng tôi ở dưới đây nhé.
----------
Top 4 bài văn mẫu kể lại câu chuyện truyền thuyết hoặc cổ tích mà em biết
Bài văn mẫu 1
Kể lại câu chuyện Con Rồng cháu tiên bằng lời văn của em
Các bạn có biết vì sao nhân dân ta tự xưng là con Rồng cháu Tiên hay không? Điều đó có liên quan đến câu chuyện sau đây:
"Ngày xưa, ngày xửa từ lâu lắm rồi, ở vùng đất Lạc Việt, nay là Bắc Bộ nước ta có một vị thần. Thần là con của Thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân. Thần mình rồng sức khỏe vô địch, thường sống ở dưới nước. Thần giúp dân diệt trừ yêu quái như Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh... Thần còn dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và dạy dân cách ăn ở sao cho đúng nghĩa.. Khi làm xong thần trở về Thủy cung sống với mẹ lúc có việc cần mới hiện lên.
Bấy giờ, ở vùng núi cao phương Bắc, có vị tiên xinh đẹp tuyệt trần là con gái Thần Nông tên là u Cơ. Nàng nghe nói ở vùng Lạc Việt có nhiều hoa thơm cỏ lạ bèn tìm đến thăm. Lạc Long Quân và u Cơ gặp nhau đem lòng yêu nhau rồi trở thành vợ chồng chung sống ở Long Trang. Chung sống với nhau được chừng một năm, u Cơ mang thai. Đến kì sinh nở, u Cơ sinh ra một cái bọc trăm trứng, trăm trứng nở ra một trăm đứa con da dẻ hồng hào. Không cần bú mớm mà vẫn lớn nhanh như thổi mặt mũi khôi ngô tuấn tú, đẹp đẽ như thần. Cuộc sống hai vợ chồng đã hạnh phúc lại càng hạnh phúc hơn.
Một hôm, Lạc Long Quân chợt nghĩ mình là dòng giống nòi rồng sống ở vùng nước thẳm không thể sống trên cạn mãi được. Chàng bèn từ giã vợ và và con về vùng nước thẳm. u Cơ ở lại chờ mong Lạc Long Quân trở về, tháng ngày chờ đợi mỏi mòn, buồn bã. Nàng bèn tìm ra bờ biển, cất tiếng gọi:
- Chàng ơi hãy trở về với thiếp.
Lập tức, Lạc Long Quân hiện ra. u cơ than thở:
- Sao chàng bỏ thiếp mà đi, không ở lại cùng thiếp nuôi dạy các con nên người?
Lạc Long Quân bèn giải thích:
- Ta vốn dĩ rất yêu nàng và các con nhưng ta là giống nòi Rồng, đứng đầu các loài dưới nước còn nàng là giống tiên ở chốn non cao. Tuy âm dương khí tụ mà sinh con nhưng không sao đoàn tụ được vì hai giống tương khắc như nước với lửa. Nay đành phải chia lìa. Ta đem năm mươi người con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Khi có việc cần phải giúp đỡ lẫn nhau, đừng bao giờ quên lời hẹn này.
Rồi Lạc Long Quân đưa năm mươi người con xuống nước còn u Cơ đưa năm mươi người con lên núi.
Người con trai trưởng đi theo u Cơ sau này được tôn lên làm vua và đặt tên nước là Văn Lang, niên hiệu là Hùng Vương. Mỗi khi vua chết truyền ngôi cho con trai trưởng. Cứ cha truyền cho con tới mười mấy đời đều lấy niên hiệu là Hùng Vương."
Do vậy, cứ mỗi lần nhắc đến nguồn gốc của mình Người Việt chúng ta thường tự xưng là con Rồng cháu Tiên và thân mật gọi nhau là đồng bào vì ai cũng nghĩ mình là cùng một bọc sinh ra cho nên người trong một nước phải thương yêu nhau như vậy. Câu chuyện còn suy tôn nguồn gốc cao quý thiêng liêng của cộng đồng người Việt và tự hào về nguồn gốc của dân tộc mình.
Bài văn mẫu 2
Bằng lời văn của em kể lại câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh
“ Ầm... ầm...ầm”. Từng đợt sóng biển đập vào vách đá gợi cho em nhớ đến cuộc giao tranh ác liệt giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Đây là một truyện rất hay mà em luôn nhớ từ thuở ấu thơ. Câu chuyện này đã được bà ngoại em kể vào những đêm trăng sáng khi mọi người ngồi xúm xít trước sân nhà.
Bà kể rằng vào thuở xa xưa, thời vua Hùng Vương thứ mười tám, vua có một người con gái tên là Mị Nương sắc đẹp như tiên giáng trần. Nhà vua rất thương con nên muốn tìm gả cho nàng một người chồng tài ba, tuấn tú
Lệnh vua vừa ban ra, các chàng trai từ khắp nơi đều đổ về cầu hôn. Trong số đó, nổi bật nhất là hai chàng trai Sơn Tinh và Thủy Tinh. Sơn Tinh dời núi Ba Vì. Chàng vừa tuấn tú lại vừa tài giỏi khác thường: chỉ tay về phía đông, phía đông biến thành đồng lúa xanh; chỉ tay về phía tây, phía tây mọc lên hàng dãy núi. Còn Thủy Tinh ở tận miền biển Đông, tài giỏi cũng không kém: gọi gió, gió đến; hô mưa, mưa về. Cả hai cùng ngang sức ngang tài và đều xứng đáng với Mị Nương.
Vua Hùng rất băn khoăn không biết chọn ai, bỏ ai. Vua liền triệu tập các quan vào bàn bạc nhưng cũng chẳng có ai nghĩ ra một kế gì hay. Cuối cùng, vua nghĩ ra được một cách và cho vời hai chàng trai vào mà phán rằng:
- Ta đều vừa ý cả hai người nhưng ta chỉ có một người con gái. Vậy vào rạng sáng ngày mai ai mang lễ vật đến trước thì ta gả con gái cho. Lễ cưới phải có đủ: một trăm ván cơm nếp, hai trăm tệp bánh chưng voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.
Mới sáng sớm tinh mơ, Sơn Tinh đã đem đầy đủ lễ vật đến trước. Vua Hùng giữ đúng lời hứa liền gả Mị Nương cho Sơn Tinh và hai vợ chồng đưa nhau về núi.
Thủy Tinh mang lễ vật đến sau nên không cưới được vợ. Tức giận vô cùng, Thủy Tinh liền đùng đùng mang quân đuổi theo quyết cướp dược Mị Nương. Khi thây vợ chồng Sơn Tinh lên núi, Thủy Tinh hô mưa, gọi gió, làm thành giông bão, sấm sét rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn. Nước ngập lúa ngập đồng, ngập nhà, ngập cửa..
Sơn Tinh không nao núng một chút nào. Một mặt, chàng dùng phép bốc cao từng quả đồi, dời từng dẫy núi để ngăn chặn dòng nước lũ. Nước dâng cao bao nhiêu, Sơn Tinh lại làm cho đồi núi mọc cao lên bấy nhiêu. Mặt khác, chàng tung ra đội quân sư tử, voi, cọp báo... để chống lại đoàn quân thuồng luồng, cá, tôm, cua... của Thủy Tinh. Hai bên đánh nhau ác liệt hết ngày này qua ngày khác ròng rã suốt mấy tháng liền. Thiệt hại người và của vô số kể. Cuối cùng, Thủy Tinh cũng đành thua trận rút quân về biển.
Với lòng hận thù triền miên nên từ đó về sau không năm nào Thủy Tinh không làm mưa bão, dâng nước lên để đánh Sơn Tinh, gây nên cảnh lụt lội, phá hoại nhà cửa, mùa màng của nước ta. Song, lần nào cũng vậy, Thủy Tinh lua thua trận và đành phải rút lui.
Kể xong câu chuyện, bà âu yếm xoa đầu em và nói: “Cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh thật ác liệt phải không các cháu? Hình ảnh này đã giải thích hiện tượng bão lụt xảy ra hằng năm suốt mùa mưa ở khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra, truyện còn nói lên ước mơ của người dân muốn chiến thắng bão lụt để bảo vệ cuộc sống lao động của mình. Các cháu có hiểu không?”
Còn rất nhiều những mẫu văn thuộc chuyên mục văn kể chuyện khác như văn mẫu kể chuyện đời thường hay văn kể chuyện tưởng tượng để các em tham khảo. Chỉ cần truy cập vào trang doctailieu.com là thấy ngay nhé.
Bài văn mẫu 3
Kể lại câu chuyện cổ tích Bánh chưng, bánh giày bằng lời văn của em lớp 6
Trong chương trình học lớp 6 của mình, em đã được biết thêm nhiều truyền thuyết cũng như truyện cổ tích rất hay và lý thú. Thường ngày trước khi đi ngủ, mẹ vẫn là người kể truyện cổ tích cho em nghe. Nhưng hôm ấy, sau khi vừa học xong Sự tích Bánh chưng bánh giày em đã kể lại cho mẹ nghe.
Truyện kể rằng vào thời vua Hùng Vương thứ 6, sau khi nhà vua đã đánh đuổi được giặc n, người quyết định nhường lại ngôi báu cho những người con của mình. Để tìm ra người xứng đáng kế vị, nhà vua đã ban lệnh cho các hoàng tử mỗi người phải làm một món ăn ngon dâng lên vua. Người có món ngon nhất sẽ được truyền ngôi báu.
Các vị hoàng tử nghe xong ai nấy đều tất bật chuẩn bị món ngon dâng vua. Chỉ có vị hoàng tử thứ 18 tên là Tiết Liêu vì mẹ mất sớm, không có người chỉ bảo nên chàng vô cùng lo lắng. Chàng nghĩ mãi mà không biết làm món gì để dâng lên vua kính yêu. Đêm hôm ấy, Tiết Liêu nằm mơ thấy một vị thần xuất hiện và nói: “Trên đời này không có gì quý giá hơn gạo vì gạo chính là nguồn thực phẩm nuôi sống con người. Con hãy dùng gạo làm nguyên liệu chính cho món ăn của hình. Hãy làm những chiếc bánh hình tròn và hình vuông để tượng trưng cho trời và đất. Hãy lấy thịt làm nhân bánh, lấy lá bọc bên ngoài để tượng trưng cho cha mẹ sinh thành”.
Tiết Liêu tỉnh dậy, nhớ lại điềm báo mộng của vị Thần đêm hôm qua thì liền làm theo. Chàng chọn loại gạo nếp ngon nhất để làm thành bánh hình vuông. Những chiếc bánh này đặt trong một cái chõ đem chưng lên nên được gọi là bánh chưng. Tiếp theo, chàng lại giã xôi làm bánh hình tròn và gọi là bánh dầy. Theo đúng lời Thần dặn, chàng cũng lấy lá bọc ngoài và đặt nhân ở bên trong bánh để tượng trưng cho cha mẹ đùm bọc con cái.
Đúng theo ngày đã hẹn, các hoàng tử đều mang đến toàn là các món ăn sơn hào hải vị. Vua tuy có hài lòng nhưng đây đều là những món mà ông đã ăn quá nhiều. Không có món ăn nào khiến ông thấy hấp dẫn. Đến phần Tiết Liêu dâng vua món ăn do mình làm. Vua thấy đây chỉ là những chiếc bánh rất bình dị nhưng vua chưa thấy chúng bao giờ. Vua bèn hỏi Tiết Liêu về nguồn gốc của bánh. Chàng đem câu chuyện giấc mơ ra kể cho vua nghe. Đức vua nghe xong thì gật gù. Khi nếm thử bánh, vua thấy bánh rất ngon lại có ý nghĩa. Vậy là vua Hùng đã ban lệnh truyền ngôi cho Tiết Liêu.
Kể từ đó, cứ mỗi năm đến Tết Nguyên Đán là người dân cả nước lại làm bánh chưng, bánh giày để tưởng nhớ trời đất. Sau khi nghe em kể chuyện, mẹ khen em kể rất hay và truyền cảm. Mẹ còn khen câu chuyện rất có ý nghĩa nữa. Em vui lắm, tự nhủ mình phải biết thêm nhiều câu chuyện hay như thế nữa. Hai mẹ con em cười rúc rích với nhau một lúc rồi dần chìm vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, dường như em đã ngửi được hương vị của chiếc bánh chưng, bánh giày màn Tiết Liêu đã làm.
Bài văn mẫu 4
Văn mẫu 6 kể lại câu chuyện cổ tích bằng lời văn của em: Truyện Cây khế
Ngày xửa, ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm. Người anh tham lam, khi chia gia tài liền chiếm hết nhà cửa, ruộng vườn cha mẹ để lại, chỉ cho người em một túp lều nhỏ và mảnh vườn, trong đó có cây khế ngọt. Người em không chút phàn nàn, ngày ngày chăm bón cho mảnh vườn và cây khế.
Năm ấy, cây khế trong vườn nhà người em ra quả rất sai. Từng chùm quả chín vàng nhưng nặng lúc lỉu trên cành. Người em nhìn cây khế mà vui mừng, tính đem bán để lấy tiền mua gạo. Một hôm, có con chim lạ từ đâu bay đến ăn khế. Thấy cây khế bị chim ăn xơ xác người em ôm mặt khóc. Chim bỗng cất lời:
"Ăn một quả trả một cục vàng
May túi ba gang, mang đi mà đựng"
Người em nghe chim nói tiếng người lấy làm kinh ngạc, bèn về kể cho vợ nghe. Hai vợ chồng may một chiếc túi vừa đúng ba gang, chờ chim đến. Hôm sau, chim bay đến, bảo người em ngồi lên lòng mình. Chim bay rất xa, dên một hòn đảo đầy vàng bạc giữa biển khơi bao la. Người em lấy vàng bỏ đầy túi ba gang rồi lại theo chim trở về nhà. Từ đó, người em trở nên giàu có.
Người anh nghe thấy em giàu liền sang chơi và lân la hỏi chuyện. Em không giấu giếm kể lại cho anh tường tận mọi điều. Người anh nằng nặc đòi đổi nhà cửa ruộng vườn của mình lấy mảnh vườn và cây khế, người em dù không muốn nhưng thấy anh cương quyết quá cũng đành đổi cho anh.
Mùa năm sau, cây khế lại sai trĩu những quả vàng chín mọng, người anh khấp khởi mừng thầm, ngày ngày ngóng chờ con chim lạ tới. Thế rồi một hôm, chim tới ăn khế, người anh giả vờ khóc lóc, chim cũng nói:
"Ăn một quả trả một cục vàng
May túi ba gang, mang đi mà đựng"
Người anh nghe vậy, mừng như mở cờ trong bụng, vội vã cùng vợ may một chiếc túi to thật là to. Hôm sau chim tới đưa người anh đi lấy vàng ở hòn đảo xa lạ nọ. Nhìn thấy vàng bạc châu báu trên đảo, người anh vội vàng nhét đầy túi to, lại còn giắt khắp người. Khi người anh leo lên lưng chim, chim phải vỗ cánh mấy lần mới bay lên được. Vì quá nặng nên chim bay chậm, mãi vẫn ở trên biển. Chim bảo người anh vứt bớt vàng bạc đi nhưng anh ta không chịu. Chim nặng quá, nghiêng cánh, thế là người anh tham lam cùng túi vàng rơi xuống biển sâu, không bao giờ trở về được nữa.
Trên đây Đọc tài liệu vừa gửi đến các em top 4 bài văn mẫu kể lại câu chuyện truyền thuyết hoặc cổ tích bằng lời văn của em với những câu chuyện quen thuộc để các em dễ nhớ lại nội dung và kể lại nội dung được chính xác nhất. Hy vọng đã giúp các em hoàn thành tốt được bài học của mình. Chúc các em học tốt môn văn mẫu lớp 6