Trang chủ

Tập làm văn: Trả bài văn tả cảnh trang 109

Xuất bản: 15/07/2019 - Tác giả:

Gợi ý trả lời những câu hỏi trong tiết trả bài kiểm tra tập làm văn giữa học kì I về văn tả cảnh trang 109 tuần 11 sách giáo khoa Tiếng Việt 5.

Soạn bài Tập làm văn Trả bài văn tả cảnh trang 109 SGK Tiếng Việt 5 tập 1 bao gồm: kiến thức cần nhớ - nhắc lại về cách làm bài văn tả cảnh và gợi ý giải đáp bài tập SGK cho các em học sinh tham khảo.

Kiến thức cần nhớ

1. Cấu tạo của bài văn tả cảnh

Bài văn tả cảnh gồm có ba phần

Mở bài: Giới thiệu bao quát về cảnh sẽ tả.

Thân bài: Tả từng phần của cảnh hoặc sự thay đổi của cảnh theo thời gian.

Kết bài: Nêu nhận xét hoặc cảm nghĩ của người viết.

2. Các bước làm bài văn tả cảnh

Bước 1: Xác định đối tượng miêu tả
Bước 2: Quan sát, lựa chọn các chi tiết tiêu biểu để miêu tả
Bước 3: Sắp xếp các ý theo một thứ tự nhất định, lập dàn ý
Bước 4: Viết thành các đoạn văn, bài văn có đủ các phần Mở bài, Thân Bài, Kết bài
Bước 5: Đọc và sửa lại các lỗi sai

3. Cách viết mở bài, kết bài

* Cách viết mở bài

- Có hai cách viết mở bài là: Mở bài trực tiếp và Mở bài gián tiếp
- Mở bài trực tiếp: Kể ngay vào việc (bài văn kể chuyện) hoặc giới thiệu ngay đối tượng được tả (bài văn miêu tả)
- Mở bài gián tiếp: Nói chuyện khác để dẫn vào chuyện (hoặc vào đối tượng) định kể (hoặc tả)

* Cách viết kết bài

- Có hai cách viết kết bài là: Kết bài mở rộng và kết bài không mở rộng
- Kết bài mở rộng: Sau khi cho biết kết cục, có lời bình luận thêm.
- Kết bài không mở rộng: Cho biết kết cục, không bình luận thêm.

Gợi ý làm bài tập SGK

Câu 1 (trang 109 SGK Tiếng Việt 5): Dựa vào hướng dẫn của cô giáo (thầy giáo), em tự nhận xét về bài kiểm tra tập làm văn giữa học kì I của mình.

Gợi ý

- Em đã viết đúng thể loại bài văn miêu tả (tả cảnh) hay chưa?

- Bố cục của bài (mở bài, thân bài, kết bài) đã rõ ràng chưa? Trình tự miêu tả có hợp lí không?

- Cách diễn đạt và trình bày thế nào? (Dùng từ, đặt câu có rõ ý không? Câu văn có hình ảnh và cảm xúc không? Chữ viết có đúng chính tả không? Bài viết có sạch sẽ không?)

Câu 2 (trang 109 sgk Tiếng Việt 5): Chọn viết lại một đoạn văn tả cảnh ở phần thân bài (hoặc viết đoạn mở bài, đoạn kết bài theo kiểu khác) cho hay hơn.

Gợi ý

Gió nhè nhẹ thổi, ánh nắng ửng hồng, mang theo sự ấm áp mỗi khi xuân về. Em bước ra vườn khoan khoái hít thở không khí trong lành của buổi sớm mai. Trên những chậu kiểng trước sân, những giọt sương long lanh như hạt kim cương đọng trên những chiếc lá xanh mướt. Mưa xuân như rắc bụi, cây cỏ hoa lá hân hoan rạo rực đón mừng. Nhìn lên ngọn đồi trước mặt, em thấy cỏ non tua tủa mọc lên, chồi non trong vườn hé mắt khoe màu xanh nõn. Hoa hồng, hoa mẫu đơn, hoa thược dược thi nhau khoe sắc thắm. Trên những luống hoa có nhiều bướm vàng và chuồn chuồn bay lượn chập chờn. Đâu đâu cũng ngửi thấy hương hoa, hương của đất trời, thơm đến xao xuyến lòng. Trên các dòng sông, dòng kênh, lòng máng, nước trong vắt, dâng đầy như cùng mùa xuân đem phù sa tưới tắm cho những cánh đồng thêm xanh. Lúa, ngô, khoai xanh một màu trải rộng đón tận chân trời. Trên bầu trời xanh, én bay lượn từng đàn như dệt nắng xuân hồng. Cuối chân trời xa, những dãy núi xanh thẳm nhô lên như bức tường thành trập trùng tiến bước. Thôn xóm đông vui như ngày hội, tiếng hát, tiếng hò của các cô thôn nữ vọng lên sau luỹ tre làng; ngọt ngào sắc xuân.

***

Soạn bài Tập làm văn Trả bài văn tả cảnh trang 109 SGK Tiếng Việt 5 tập 1 của Đọc tài liệu biên soạn, hi vọng các em học sinh sẽ thêm nhớ và hiểu về cách làm bài văn tả cảnh sao cho ấn tượng nhất.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM