Trang chủ

Soạn bài Thạch Sanh lớp 6

Xuất bản: 21/09/2020 - Cập nhật: 20/10/2021 - Tác giả: Hiền Phạm

Soạn bài Thạch Sanh lớp 6 theo nội dung học của bộ sách mới Cánh Diều, sách Kết nối tri thức và nội dung chương trình sách cũ, giúp các em nắm rõ hơn về nội dung và ý nghĩa truyện cổ tích Thạch Sanh

Thông qua bài soạn, Đọc Tài Liệu mong muốn các em hiểu được nội dung, ý nghĩa của truyện Thạch Sanh và một số đặc điểm tiêu biểu của nhân vật người dũng sĩ trong truyện. Sau khi nắm rõ được nội dung cốt truyện, các em cũng có thể dễ dàng kể lại được câu chuyện cho người khác nghe.

Với những hướng dẫn chi tiết trả lời câu hỏi sách giáo khoa dưới đây các em không chỉ soạn bài tốt mà còn nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học này.

Cùng tham khảo...


Kiến thức cơ bản

1. Truyện cổ tích

- Là một loại truyện dân gian phản ánh cuộc sống hằng ngày của nhân dân ta.

- Trong truyện có một số kiểu nhân vật chính: nhân vật bất hạnh (người mồ côi, con riêng, người em út, người có hình dạng xấu xí,…), nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật thông minh, nhân vật ngốc nghếch, nhân vật là động vật (các con vật biết nói năng, có hoạt động và tính cách như con người,…).

- Trong truyện cổ tích thường có những yếu tố hoang đường, kì ảo, đóng vai trò cán cân công lí, thể hiện khát vọng công bằng, mơ ước và niềm tin của nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt với cái xấu…

2. Truyện Thạch Sanh

- Là truyện cổ tích về người dũng sĩ diệt chằn tinh, tiêu diệt đại bàng cứu người bị hại, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa và chống quân xâm lược. Truyện thể hiện ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí xã hội và lí tưởng nhân đạo, yêu hòa bình của nhân dân ta

- Truyện có rất nhiều chi tiết tưởng tượng thần kì độc đáo và giàu ý nghĩa.

3. Tóm tắt truyện Thạch Sanh

Thạch Sanh vốn là thái tử (con Ngọc Hoàng), được phái xuống làm con vợ chồng người nông dân nghèo khổ nhưng tốt bụng. Chàng sớm mồ côi cha mẹ, sống lủi thủi dưới gốc đa, hái củi kiếm sống qua ngày.

Lí Thông – một người hàng rượu thấy Thạch Sanh khoẻ mạnh bèn giả vờ kết nghĩa anh em để lợi dụng. Đúng dịp Lí Thông đến lượt phải vào đền cho chằn tinh hung dữ ăn thịt, hắn bèn lừa Thạch Sanh đến nộp mạng thay cho mình. Thạch Sanh đã giết chết chằn tinh. Lí Thông lại lừa cho Thạch Sanh bỏ trốn rồi đem đầu chằn tinh vào nộp cho vua để lĩnh thưởng, được vua phong làm Quận công.

Trong ngày hội lớn, công chúa bị đại bàng khổng lồ quắp đi. Sau khi bắn đại bàng bị thương Thạch Sanh lần theo vết máu, biết được chỗ đại bàng ở. Lí Thông lại nhờ Thạch Sanh cứu công chúa rồi lừa nhốt chàng dưới hang sâu và nhận công lao về mình để được vua gả công chúa cho.

Thạch Sanh giết đại bàng, lại cứu luôn thái tử con vua Thuỷ Tề bị đại bàng bắt giam trong cũi cuối hang từ lâu. Theo chân thái tử, chàng xuống thăm thuỷ cung, được vua Thuỷ Tề khoản đãi rất hậu, tặng nhiều vàng bạc nhưng chàng chỉ xin cây đàn thần rồi lại trở về gốc đa.

Từ khi được cứu về, công chúa không cười không nói. Hồn chằn tinh và đại bàng trả thù, vu vạ cho Thạch Sanh khiến chàng bị nhốt vào ngục. Chàng đánh đàn, công chúa nghe thấy liền khỏi bệnh câm. Thạch Sanh được vua cho gọi lên. Chàng kể lại rõ mọi việc. Vua giao cho chàng xử tội mẹ con Lí Thông. Được chàng tha bổng nhưng hai mẹ con trên đường về đã bị sét đánh chết, hoá kiếp thành bọ hung.

Thạch Sanh được nhà vua gả công chúa cho khiến hoàng tử các nước chư hầu tức giận đem quân sang đánh. Thạch Sanh lại lấy đàn ra gảy khiến quân địch quy hàng và xin một bữa cơm nhưng ăn mãi không hết, quân sĩ mười tám nước kính phục rồi rút hết về. Nhà vua không có con trai đã nhường ngôi báu cho Thạch Sanh.

Tham khảo thêm: Kể tóm tắt truyện Thạch Sanh

Soạn bài Thạch Sanh lớp 6 sách mới

Soạn bài Thạch Sanh Sách Cánh Diều

*Câu hỏi giữa bài

Câu 1. Nguồn gốc xuất thân của Thạch Sanh có gì đặc biệt?

Câu 2. Tính cách nào của Thạch Sanh được tác giả dân gian tập trung thể hiện trong phần 2? Hãy tìm một từ được lặp lại hai lần trong phần này để nói về tính cách ấy?

Câu 3. Thạch Sanh có những hành động dũng cảm nào trong phần (3)?

Câu 4. Khi xin cây đàn, Thạch Sanh có biết đó là cây đàn thần không?

Câu 5. Thạch Sanh đã làm gì khiến cho quân chư hầu không còn nghĩ đến chuyện đánh nhau và phải cúi đầu lạy tạ?

*Câu hỏi cuối bài

Câu hỏi trang 23 SGK Ngữ Văn 6 tập 2 Cánh Diều

- Theo em, Thạch Sanh thuộc kiểu nhân vật nào (người bất hạnh, người thông minh, người dũng sĩ, người khờ khao)?

- Truyện cổ tích Thạch Sanh có những sự kiện chính nào? Em thích sự kiện nào nhất?

- Theo em, Thạch Sanh là người có tính cách gì? Tìm một số chi tiết trong truyện để khẳng định nhận xét ấy của em.

- Hãy chỉ ra các chi tiết hoang đường, kì ảo trong truyện. Những chi tiết này có tác dụng gì trong việc khắc hoạ nhân vật Thạch Sanh?

- Các chi tiết kết thúc truyện: “Nhà vua gả công chúa cho Thạch Sanh. Lễ cưới của họ tưng bừng nhất kinh kì, chưa bao giờ và chưa ở đâu có lễ cưới tưng bừng như thế.” và “Về sau, vua không có con trai, đã nhường ngôi cho Thạch Sanh.” cho thấy nhân dân ta muốn thể hiện ước mơ gì?

Câu hỏi trang 24 SGK Ngữ Văn 6 tập 2 Cánh Diều

- Đoạn thơ sau đã nhấn mạnh thêm ý nghĩa nào của truyện Thạch Sanh?

Trả lời chi tiết câu hỏi Soạn bài Thạch Sanh sách Cánh Diều

Soạn bài Thạch Sanh Sách Kết nối tri thức

*Trước khi đọc

Câu 1. Trong thế giới tưởng tượng, những con vật kì ảo thường được hình dung là có nhiều đặc điểm kì lạ, biết nói tiếng người, có nhiều phép thần thông, biến hóa, có thể hại người hoặc giúp ích cho người.

Việc sáng tạo ra những con vật kì ảo thường đem lại sự hấp dẫn, thú vị cho câu chuyện. Hãy tưởng tượng, vẽ một con vật kì ảo và giới thiệu về con vật đó.

Câu 2. Em cũng có thể làm tương tự với việc tưởng tượng ra các đồ vật kì ảo. Trình bày về đặc điểm và chức năng của đồ vật đó

*Đọc văn bản

Theo dõi: Chú ý thời gian, không gian bắt đầu câu chuyện.

Dự đoán: Điều gì sẽ xảy ra tiếp sau đó?

Theo dõi: Chú ý hành động của Thạch Sanh và Lý Thông sau khi Thạch Sanh bị Lý Thông lừa.

Tưởng tượng: Thế giới do vua Thủy Tề cai trị có những đặc điểm gì?

Tưởng tượng: Cảnh mấy vạn tướng sĩ các nước chư hầu ngồi ăn cơm quanh chiếc niêu bé xíu.

*Sau khi đọc

Câu 1. Em có thích truyện Thạch Sanh không? Vì sao?

Câu 2. Gia cảnh của Thạch Sanh có gì đặc biệt?

Câu 3. Truyện Thạch Sanh có những con vật kì ảo nào? Chúng có đặc điểm gì khác thường?

Câu 4. Sau khi được Lý Thông kéo lên từ hang của đại bàng và đưa trở lại cung, công chúa đã bị câm. Theo em, điều gì sẽ xảy ra nếu công chúa không bị như vậy?

Câu 5. Truyện Thạch Sanh có nhiều đồ vật kì ảo. Hãy liệt kê các đồ vật đó và nêu đặc điểm, tác dụng của chúng.

Câu 6. Trong truyện, hai nhân vật Thạch Sanh và Lý Thông luôn đối lập nhau về hành động. Lập bảng so sánh để thấy rõ sự đối lập đó. Qua đó, em có nhận xét gì về đặc điểm của hai nhân vật này?

Câu 7. Kết thúc truyện, Thạch Sanh được nhà vua gả công chúa và nhường ngôi. Qua cách kết thúc này, tác giả dân gian muốn thể hiện điều gì?

Câu 8. Về kết cục của mẹ con Lý Thông, ở văn bản do Huỳnh Lý và Nguyễn Xuân Lân kể có chi tiết: “Mẹ con Lý Thông về quê đến nửa đường thì bị Thiên Lôi giáng sấm sét đánh chết, rồi bị hoá kiếp làm con bọ hung”. Bản của Anh Động (và nhân dân một số vùng Nam Bộ) kể: “Lý Thông được tha nhưng y về dọc đường mưa to, sấm sét đánh tan thây ra từng mảnh, mỗi mảnh hoá thành một con ễnh ương. Cho nên bây giờ mỗi khi có mưa to sấm sét, ễnh ương sợ, kêu lên những tiếng man dã....”. Em có nhận xét gì về những cách kết thúc này?

Trả lời chi tiết câu hỏi Soạn bài Thạch Sanh sách Kết nối tri thức

Soạn bài Thạch Sanh sách cũ

Soạn bài Thạch Sanh lớp 6 chi tiết nhất, hướng dẫn soạn văn 6 bài Thạch Sanh ngắn nhất qua các câu hỏi phần đọc hiểu, luyện tập trang 66, 67 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Hướng dẫn Soạn bài Thạch Sanh chi tiết

Đọc - hiểu

Bài 1 trang 66 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh có gì khác thường? Kể về sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh như vậy, theo em, nhân dân muốn thể hiện điều gì?

Trả lời

Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh rất khác thường. Chàng là thái tử, được Ngọc Hoàng sai xuống đầu thai. Bà mẹ mang thai nhiều năm mới sinh ra Thạch Sanh. Sau đó, Thạch Sanh lại được các vị thần xuống truyền cho võ nghệ và các phép thần thông.

Sự ra đời và lớn lên như vậy của Thạch Sanh đã cho thấy nhân dân rất thông cảm với hoàn cảnh nghèo khổ và mồ côi của chàng. Tuy nhiên điều đó không làm người ta hèn nhát mặc cảm mà Thạch Sanh đã mang trong mình dòng máu nam nhi của người dũng sĩ. Nghèo khổ vẫn nghĩa hiệp là điều nhân dân muốn gửi gắm ở Thạch Sanh.

Bài 2 trang 66 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Trước khi được kết hôn với công chúa, Thạch Sanh đã phải trải qua những thử thách như thế nào? Thạch Sanh bộc lộ phẩm chất gì qua những lần thử thách ấy?

Trả lời

Trước khi được kết hôn với công chúa, Thạch Sanh đã trải qua nhiều thử thách: đi canh miếu và giết chết chằn tinh, xuống hang diệt đại bàng cứu công chúa rồi lại bị Lí Thông lừa nhốt trong hang, hồn chằn tinh và đại bàng trả thù, vu vạ khiến Thạch Sanh bị bắt nhốt trong ngục.

Qua thử thách, Thạch Sanh đã bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp. Đó là sự chất phác, thật thà, vị tha, đặc biệt là sự dũng cảm và tài năng khác người.

Bài 3 trang 66 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Trong truyện, hai nhân vật Thạch Sanh và Lí Thông luôn đối lập nhau về tính cách và hành động. Hãy chỉ ra sự đối lập này.

Trả lời

Sự đối lập giữa Thạch Sanh và Lí Thông thể hiện ở các chi tiết: về tính cách, Thạch Sanh vô tư, thật thà, vị tha, dũng cảm trong khi Lí Thông lừa lọc, xảo trá, vụ lợi (kết nghĩa với Thạch Sanh chỉ để lợi dụng) và vô cùng độc ác; về hành động, Thạch Sanh giết chằn tinh, đại bàng, cứu công chúa, Lí Thông hèn nhát đẩy Thạch Sanh thế mạng cho mình nhưng khi Thạch Sanh lập được công lớn thì lại tìm cách cướp công.

Đó là sự đối lập giữa thiện và ác, chính nghĩa và gian tà. Sự chiến thắng của Thạch Sanh đối với Lí Thông là sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện đối với cái ác, cái xấu.

Bài 4* trang 67 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Truyện Thạch Sanh có nhiều chi tiết thần kì, trong đó đặc sắc nhất là chi tiết đàn và niêu cơm đãi quân sĩ mười tám nước chư hầu. Em hãy nếu ý nghĩa của những chi tiết đó.

Trả lời

Chi tiết thần kỳ:

(1): Tiếng đàn

+ Giải oan cho mình và nên duyên với công chúa.

+ Khiến quân 18 nước chư hầu phải bãi binh.

– Ý nghĩa:

+ Giải thoát cho Thạch Sanh khỏi cảnh tù tội và cứu được công chúa, tiếng đàn tượng trưng cho công lý.

+ Khát vọng hòa bình. Muốn giải quyết chiến tranh bằng hòa bình, bằng lẽ phải của chính nghĩa.

(2): Niêu cơm đất

+ Đãi hàng binh.

+ Ăn mãi không hết.

– Ý nghĩa:

+ Sự chân tình một mạc của lòng người.

+ Tình người, lòng nhân đạo của Thạch Sanh không bao giờ vơi cạn.

Bài 5 trang 67 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Thảo luận: Trong phần kết thúc truyện, mẹ con Lí Thông phải chết, còn Thạch Sanh thì được kết hôn cùng công chúa và lên ngôi vua. Qua cách kết thúc này, nhân dân ta muốn thể hiện điều gì? Kết thúc ấy có phổ biến trong truyện cổ tích hay không? Hãy nêu một ví dụ.

Trả lời

Truyện kết thúc: Lý Thông chết, Thạch Sanh hạnh phúc là cái kết có hậu trong hầu hết các truyện cổ tích. Qua cách kết thúc câu chuyện, nhân dân ta đã thể hiện khát vọng về một cuộc sống công bằng (ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác), những người hiền lành sẽ được sung sướng, hạnh phúc; những kẻ ác tất yếu sẽ bị trừng trị.

Kết thúc này thường rất phổ biến trong các câu truyện cổ tích. Ví dụ như: truyện cổ tích Tấm Cám (Tấm được sống lại và hưởng hạnh phúc bên nhà vua, còn mẹ con Cám thì phải chết trong đau đớn).

Soạn bài Thạch Sanh phần Luyện tập

Bài 1* trang 67 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Nếu vẽ một tranh minh họa cho truyện Thạch Sanh, em chọn chi tiết nào trong truyện để vẽ? Vì sao? Em sẽ đặt cho bức tranh minh hoạ ấy tên gọi như thế nào?

Trả lời

Nếu vẽ một bức tranh minh hoạ cho truyện Thạch Sanh (ngoài những bức tranh trong sách – hãy tự suy nghĩ về ý nghĩa và tên gọi cho các bức tranh này), có thể chọn chi tiết Thạch Sanh đánh chằn tinh để vẽ. Đây là một trong những chi tiết quan trọng trong tác phẩm. Nó cho thấy sự dũng cảm của nhân vật Thạch Sanh, cũng như thể hiện ước mơ về sự chiến thắng của con người trước những thế lực đại diện cho cái ác. Có thể đặt tên cho bức vẽ là Thạch Sanh đánh chằn tinh.

Bài 2 trang 67 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Hãy kể diễn cảm truyện Thạch Sanh.

Trả lời

Căn cứ vào tình tiết truyện, giọng kể thể hiện sự hấp dẫn bất ngờ.

– Mở đầu các đoạn, kể bằng giọng trầm.

– Giọng sôi nổi, mạnh mẽ và dồn dập khi thể hiện không khí của cuộc giao tranh, tả cảnh Thạch Sanh đánh chằn tinh, Thạch Sanh giết đại bàng cứu công chúa…

– Đoạn kể công chúa nghe tiếng đàn khỏi câm, Lý Thông bị kết tội, được Thạch Sanh tha nhưng lại bị sét đánh chết cần kể bằng giọng hào hứng, vui vẻ vì công lí đã được thực hiện.

– Khi thuật lại những lời Lý Thông nói với Thạch Sanh cần thay đổi giọng điệu để diễn tả sự xảo trá, giả dối trong lời nói của Lý Thông.

Ngữ văn 6: Soạn văn bài Thạch Sanh

Nếu các em không có nhiều thời gian soạn bài trước mà giờ học đang đến gần, có thể tham khảo nhanh nội dung soạn bài Thạch Sanh ngắn nhất dưới đây:

Soạn văn 6 bài Thạch Sanh ngắn nhất

Đọc - hiểu

Câu 1 trang 66 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh:

- Nguồn gốc thần tiên (con Ngọc Hoàng), người mẹ mang thai mấy năm.

- Được các thần truyền võ nghệ và phép thần.

--> nhân vật lí tưởng thêm kì lạ và đẹp đẽ, hé mở một nhân vật sẽ lập nên nhiều chiến công phi thường, mang tính thần linh nhưng vẫn rất gần gũi nhân dân.

Câu 2 trang 66 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Thạch Sanh đã phải trải qua những thử thách: bị lừa canh miếu và giết chằn tinh, cứu công chúa, diệt đại bàng, bị vu vạ nhốt trong ngục --> bộc lộ sự chất phác, thật thà, sự khoan dung, đặc biệt là lòng dũng cảm và tài năng.

Câu 3 trang 66 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Sự đối lập Thạch Sanh và Lí Thông:

Phương diện đối lậpThạch SanhLí Thông
Tính cáchvô tư, thật thà, vị tha, dũng cảmlừa lọc, xảo trá, vụ lợi
Hành độnggiết chằn tinh, giết đại bàng, cứu công chúalừa dối và cướp công của Thạch Sanh

Câu 4* trang 67 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Ý nghĩa chi tiết thần kì:

- Tiếng đàn: giải oan, vạch mặt Lí Thông, khiến quân lính không còn muốn đánh nhau nữa --> tượng trưng cho công lí, cho sức mạnh chính nghĩa.

- Niêu cơm: sự khoan dung, tấm lòng nhân đạo, chuộng hòa bình.

Câu 5 trang 67 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Kết truyện thể hiện khát vọng cuộc sống công bằng cái thiện – cái ác, ước mơ người tài năng xứng đáng được những gì đáng có. Đây là kết thúc phổ biến trong truyện cổ tích. Ví dụ như truyện Tấm Cám, Sọ Dừa, Cây bút thần, ...

Soạn bài Thạch Sanh phần Luyện tập ngắn nhất

Câu 1* trang 67 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Một số chi tiết tiêu biểu trong truyện Thạch Sanh có thể chọn khi vẽ minh họa:

- Thạch Sanh sống ở gốc đa, mình trần, đóng khố với chiếc búa.

- Thạch Sanh đánh nhau với chăn tinh.

- Thạch Sanh đánh nhau với đại bàng dưới hang và cứu công chúa.

- Thạch Sanh gảy đàn trong ngục.

- Niêu cơm Thạch Sanh.

Câu 2 trang 67 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Hãy kể diễn cảm truyện Thạch Sanh (học sinh tự làm)

-/-

Trên đây là nội dung chi tiết soạn bài Thạch Sanh do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn văn 6 bài Thạch Sanh này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của bài học. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.

Ngoài ra các em có thể tham khảo thêm các bài soạn khác trong mục soạn văn lớp 6 để chuẩn bị bài học được tốt hơn trước khi đến lớp.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM