Trang chủ

Giới thiệu về lịch sử bánh mì hoặc một loại thức ăn, đồ uống

Xuất bản: 21/02/2024 - Tác giả:

15+ Đoạn văn mẫu giới thiệu về lịch sử bánh mì hoặc một loại thức ăn, đồ uống mà em yêu thích, trong đó có trích dẫn các tài liệu mà em tham khảo được.

Tham khảo 15+ đoạn văn mẫu ngắn Giới thiệu về lịch sử bánh mì hoặc một loại thức ăn, đồ uống mà em yêu thích do Đọc Tài Liệu sưu tầm và biên soạn. Hi vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để viết được một bài văn giới thiệu hay và sâu sắc.

Gợi ý dàn bài giới thiệu về lịch sử bánh mì hoặc một loại thức ăn, đồ uống

Dàn ý bài văn giới thiệu về lịch sử bánh mì

1. Mở bài:

- Bánh mì là một món ăn phổ biến trên thế giới, được yêu thích bởi hương vị thơm ngon và sự tiện lợi.

- Bánh mì có lịch sử lâu đời và đã trải qua nhiều biến đổi để trở thành món ăn như ngày nay.

2. Thân bài

a) Lịch sử

- Nguồn gốc xuất xứ:

+ Bánh mì được cho là xuất hiện từ thời cổ đại, khoảng 10.000 năm trước Công nguyên.

+ Ban đầu, bánh mì được làm từ ngũ cốc nghiền nát và nướng trên đá nóng.

- Quá trình phát triển:

+ Bánh mì được du nhập vào nhiều quốc gia và biến tấu theo nhiều cách khác nhau.

+ Bánh mì hiện đại mà chúng ta biết ngày nay bắt đầu xuất hiện ở Pháp vào thế kỷ 18.

+ Bánh mì Việt Nam có sự kết hợp độc đáo giữa bánh mì Pháp và nguyên liệu địa phương.

b) Ý nghĩa

- Giá trị dinh dưỡng và lợi ích của bánh mì:

+ Thành phần dinh dưỡng.

+ Lợi ích cho sức khỏe.

- Bánh mì là món ăn chủ lực của nhiều nền văn hóa, biểu tượng của văn hóa địa phương/quốc gia...

- Bánh mì tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của bánh mì: Bánh mì là món ăn quen thuộc và mang giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời.

- Bánh mì sẽ tiếp tục được yêu thích và phát triển trong tương lai.

Dàn ý bài văn giới thiệu về lịch sử một loại thức ăn, đồ uống

1. Mở bài

- Giới thiệu về loại thức ăn, đồ uống mà bạn muốn viết: tên gọi, đặc điểm chung.

- Nêu lý do chọn giới thiệu về loại thức ăn, đồ uống này.

2. Thân bài

a) Lịch sử ra đời

- Nguồn gốc xuất xứ:

+ Nơi ra đời.

+ Thời điểm xuất hiện.

+ Người / nhóm người sáng tạo.

- Quá trình phát triển:

+ Những thay đổi về hình thức, hương vị.

+ Sự lan truyền, phổ biến.

+ Những biến tấu, sáng tạo mới.

+ Những câu chuyện, giai thoại liên quan.

- Ý nghĩa của loại thức ăn, đồ uống đó

+ Giá trị văn hóa, lịch sử: thể hiện nét văn hóa đặc trưng của vùng miền, quốc gia.

+ Giá trị dinh dưỡng: lợi ích cho sức khỏe, tác động đến đời sống con người.

+ Giá trị kinh tế: đóng góp cho ngành du lịch, kinh tế địa phương.

+ Biểu tượng cho điều gì (nếu có).

+ Lưu ý khi sử dụng (nếu có).

3. Kết bài

- Khẳng định lại vị trí, tầm quan trọng của loại thức ăn/đồ uống.

- Nêu cảm nghĩ, suy nghĩ của bản thân và khuyến khích mọi người thưởng thức.

5 mẫu đoạn văn giới thiệu về lịch sử bánh mì

Giới thiệu về lịch sử bánh mì bài số 1

Bánh mì không chỉ là một loại thực phẩm phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phương Tây mà nó còn rất nổi tiếng ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về lịch sử của món ăn này. Bánh mì được cho là bắt nguồn từ miền Nam Á vào khoảng 15.000 năm trước. Tuy nhiên, bánh mì hiện đại mà chúng ta biết ngày nay bắt đầu xuất hiện ở Pháp vào thế kỷ 18. Bánh mì ở Pháp được làm từ bột mỳ mịn, có vỏ giòn và phần ruột mềm. Từ đó, bánh mì đã được đưa vào các nước khác trên thế giới, và ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực của nhiều quốc gia. Bánh mì Việt Nam được cho là không có nguồn gốc từ Pháp bởi sự tranh cãi của nhiều người, tuy nhiên thực tế là bánh mì đã bắt đầu được du nhập vào Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn, từ năm 1859 khi thực dân Pháp chiếm đóng thành Gia Định. Ban đầu, loại thực phẩm này được xem là món ăn vặt, không được xem là món ăn chính. Bánh mì chỉ được sử dụng để no bụng, không đầy đủ như cơm. Tuy nhiên, với thời gian, bánh mì đã trở thành một trong những đặc sản ẩm thực của Việt Nam.

Giới thiệu về lịch sử bánh mì bài số 2

Bánh mì là một món ăn quen thuộc và phổ biến ở Việt Nam. Bánh mì được du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc, nhưng đã được biến tấu để phù hợp với khẩu vị của người Việt. Bánh mì Việt Nam có vỏ giòn, ruột mềm, thường được ăn kèm với pate, thịt nguội, rau, dưa chuột, ớt,... Bánh mì được cho là du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ 19, do người Pháp mang đến. Ban đầu, bánh mì chỉ là món ăn dành cho người Pháp và tầng lớp thượng lưu Việt Nam. Tuy nhiên, dần dần, bánh mì trở nên phổ biến với mọi tầng lớp.

Bánh mì Việt Nam có nhiều loại, như bánh mì thịt nướng, bánh mì pate, bánh mì chảo,... Mỗi loại bánh mì đều có hương vị và cách chế biến riêng. Bánh mì Việt Nam thường được ăn vào buổi sáng, buổi trưa hoặc buổi tối. Bánh mì là một món ăn ngon, bổ dưỡng và tiện lợi. Bánh mì cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng và vitamin. Bánh mì cũng là một món ăn mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Giới thiệu về lịch sử bánh mì bài số 3

Bánh mì là một món ăn quen thuộc và phổ biến ở Việt Nam. Bánh mì không chỉ là món ăn sáng, ăn vặt mà còn có thể là món ăn chính trong ngày. Bánh mì Việt Nam có hương vị thơm ngon, độc đáo, được du khách quốc tế yêu thích. Bánh mì có nguồn gốc từ Pháp. Vào thế kỷ 19, khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, họ đã mang bánh mì theo. Ban đầu, bánh mì chỉ dành cho người Pháp, sau đó dần phổ biến đến người dân Việt Nam.

Bánh mì Việt Nam đã trải qua nhiều biến đổi để phù hợp với khẩu vị của người Việt. Bánh mì Việt Nam có nhiều loại khác nhau như: bánh mì thịt nướng, bánh mì pate, bánh mì chả lụa, bánh mì xíu mại,... Bánh mì Việt Nam có giá trị văn hóa cao. Bánh mì thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Pháp. Bánh mì cũng là một phần trong đời sống của người dân Việt Nam. Bánh mì Việt Nam có giá trị dinh dưỡng cao. Bánh mì cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất. Bánh mì cũng là một nguồn cung cấp chất xơ tốt. Bánh mì Việt Nam có giá trị kinh tế cao. Bánh mì là một món ăn được du khách quốc tế yêu thích. Bánh mì cũng góp phần thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam.

Bánh mì Việt Nam là một món ăn ngon, bổ, rẻ. Bánh mì là một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam. Chúng ta cần gìn giữ và phát huy giá trị của món ăn này.

Giới thiệu về lịch sử bánh mì bài số 4

Bánh mì là món ăn bình dân lại vô cùng ngon miệng và đủ chất cho buổi sáng, vì vậy không quá lạ khi bánh mì nằm trong top những món ăn đường phố ngon nhất thế giới.

Khoảng 30.000 năm trước tại châu Âu, có một bằng chứng khảo cổ học về bột mì được chế biến thành bánh mì không men. Lịch sử ghi nhận là có một lượng tinh bột được tìm thấy trên các hòn đá. Có thể là trong thời gian này, chiết xuất tinh bột từ rễ của các cây như cây dương xỉ đã được đặt trên một tảng đá bằng phẳng, sau đó được nướng trên lửa thành một dạng bánh mì cắt lát.

Như vậy, ngũ cốc và bánh mì đã trở thành thực phẩm chủ yếu trong thời kỳ đồ đá mới. Cụ thể, 10.000 năm trước, khi lúa mì và lúa mạch là 2 cây trồng đầu tiên được khai hóa ở Fertile Crescent, vùng Mesopotamia gần sông Nile. Các nơi khác trên thế giới thì khai hóa độc lập các loại ngũ cốc khác như: gạo ở Đông Á, ngô ở châu Mỹ, và chi cao lương ở châu Phi cận Sahara. Các quốc gia này đã làm bánh mì từ chúng và tạo nên cơ sở các hệ thống chuyển dịch nông nghiệp. Cây ngũ cốc đem đến nhiều cơ hội duy trì dân số cho xã hội nông nghiệp lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, bánh mì lên men còn xuất hiện trong thời tiền sử (trước thời kỳ đồ đá mới). Vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên ở Athens, bánh mì được làm trong các tiệm bánh cũng như ở nhà. Thợ làm bánh Hy Lạp xuất hiện ở Rome vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Ở châu Âu thời trung cổ, bánh mì được phục vụ như một loại thực phẩm thiết yếu và có một vai trò đặc biệt trong dịch vụ ăn uống tại bàn. Cụ thể là người Gauls (một nhóm các dân tộc Celtic của lục địa châu Âu trong thời kỳ La Mã) và người Iberes (một tập hợp các tộc người ở khu vực bờ biển phía đông và phía nam của bán đảo Iberia, ít nhất là từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên) đã sử dụng bọt tách kem làm từ bia như một món khai vị. Những người không uống bia thì sử dụng một hỗn hợp gồm nho lên men hoặc cám lúa mì để ngâm trong rượu. Các lò nướng đứng có chức năng làm nóng trước khi nướng, được thiết kế có một cửa lò, lần đầu tiên xuất hiện ở Hy Lạp cổ đại. Thậm chí, vào thời cổ đại, có rất nhiều loại bánh mì: bánh nướng, bánh mì mật ong, bánh mì hình nấm phủ hạt anh túc, và đặc sản quân sự bánh mì cuộn nướng trên cây sắt.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, quy trình chế biến bánh mì đã được cải thiện ít nhiều. Các nhà máy sản xuất bột bằng sức gió và nước bắt đầu chuyển sang năng lượng hơi nước, khí đốt, và đá xay lúa mì được thay thế bằng gốm và thép. Otto Frederick Rohwedder đã phát minh ra máy làm Bánh Mì Gối Cắt Lát vào năm 1912 và bắt đầu sử dụng nó vào năm 1928.

Năm 1961, quy trình làm bánh mì Chorleywood được phát triển. Quy trình này sử dụng các áp lực cơ khí có cường độ cao lên bột mì để làm giảm thời gian lên men. Phụ gia hóa học cũng được sử dụng để tăng tốc thời gian trộn, và rút ngắn thời gian lên men. Hiện nay quy trình này được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới trong các nhà máy lớn. Nhờ thế bánh mì có thể được sản xuất rất nhanh chóng với chi phí thấp, mang đến lợi ích thương mại cho nhà sản xuất cũng như sản phẩm giá rẻ cho người tiêu dùng.

Về cơ bản, bánh mì là một thực phẩm chế biến từ hỗn hợp bột mì trộn với nước, và được làm chín bằng cách nướng. Trong quá trình phát triển, nó đã được phổ biến trên toàn thế giới. Bánh mì có rất nhiều chủng loại, hình dạng, kích thước và kết cấu khác nhau theo từng vùng địa phương. Vì bánh mì có thể được lên men bằng nhiều quá trình khác nhau, từ việc sử dụng các vi sinh vật tự nhiên cho tới cách dùng phương pháp thông khí nhân tạo với áp lực cao, và có rất nhiều cách kết hợp và chia tỷ lệ giữa bột và các nguyên liệu.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm bánh mì sau này còn có loại không lên men. Nhiều thành phần không phải ngũ cốc có thể được đưa vào bánh mì: như trái cây, các loại hạt, và các chất béo khác. Ở thời đại công nghiệp, bánh mì thương mại thường chứa các chất phụ gia nhằm cải thiện hương vị, kết cấu, màu sắc, thời hạn sử dụng, hoặc để sản xuất dễ dàng hơn.

Tùy thuộc vào các phong tục tập quán, bánh mì có thể được ăn với các hình thức khác nhau tại bất kỳ bữa ăn nào trong ngày. Không những là một món ăn no, nó cũng được ăn như một món nhẹ, hoặc sử dụng như một thành phần trong chế phẩm ẩm thực khác, chẳng hạn như các món chiên được bọc trong những lớp bánh mì để không bị dính, hoặc để ăn kèm với các món tráng miệng ngọt ngào.

Cho đến hiện nay, bánh mì vẫn mãi luôn là nguồn thực phẩm thiết yếu của con người mà khó có một loại bánh nào có thể thay thế được. Bằng chứng là uớc tính khoảng 60% dân số thế giới đang tiêu thụ bánh mì hằng ngày.

(Nguồn tài liệu tham khảo: history.com; history of bread)

Giới thiệu về lịch sử bánh mì bài số 5

Bánh mì là một thực phẩm chế biến từ bột mì từ ngũ cốc được nghiền ra trộn với nước, thường là bằng cách nướng. Trong suốt quá trình lịch sử nó đã được phổ biến trên toàn thế giới và là một trong những loại thực phẩm nhân tạo lâu đời nhất, và rất quan trọng kể từ lúc ban đầu của ngành nông nghiệp.

Có nhiều cách kết hợp và tỷ lệ của các loại bột và các nguyên liệu khác, và cũng có các công thức nấu ăn truyền thống khác nhau và phương thức để tạo ra bánh mì. Kết quả là có rất nhiều chủng loại, hình dạng, kích thước và kết cấu của bánh mì khác nhau.

Bánh mì có thể được lên men bằng nhiều quá trình khác nhau, từ việc sử dụng các vi sinh vật tự nhiên (ví dụ như trong bột chua sourdough) cho tới cách dùng phương pháp thông khí nhân tạo với áp lực cao trong quá trình chuẩn bị hoặc nướng. Tuy nhiên, một số sản phẩm bánh mì lại không để lên men, hoặc vì sở thích của người ăn, hoặc vì lý do truyền thống hay tôn giáo. Nhiều thành phần không phải ngũ cốc có thể được đưa vào bánh mì: từ trái cây và các loại hạt đến các chất béo khác nhau. Bánh mì thương mại nói riêng thường chứa các chất phụ gia, một số trong số chúng không có dinh dưỡng nhằm cải thiện hương vị, kết cấu, màu sắc, thời hạn sử dụng, hoặc để sản xuất dễ dàng hơn.

Tùy thuộc vào các phong tục tập quán địa phương, bánh mì có thể được ăn với các hình thức khác nhau tại bất kỳ bữa ăn nào trong ngày. Nó cũng được ăn như một món ăn nhẹ, hoặc sử dụng như một thành phần trong chế phẩm ẩm thực khác, chẳng hạn như các món chiên được bọc trong những lớp bánh mì để không bị dính, hoặc làm thành phần chính của một bánh mì pudding, dùng làm chất độn để chèn vào răng sâu, hoặc giữ lại nước trái cây để chúng đỡ mất đi bằng cách nhỏ giọt.

Bánh mì là một trong những thực phẩm được sản xuất lâu đời nhất. Bằng chứng từ 30.000 năm trước tại châu Âu cho thấy có một lượng tinh bột trên các hòn đá được sử dụng để cắt xẻ cây.[1] Có thể là trong thời gian này, chiết xuất tinh bột từ rễ của các cây, như đuôi mèo và dương xỉ, đã được dán trên một tảng đá bằng phẳng, sau đó hòn đá được đặt trên một ngọn lửa và nấu thành một dạng bánh mì cắt lát nguyên thủy. Khoảng năm 10.000 TCN, với bình minh của Thời đại đồ đá mới và sự mở rộng của nông nghiệp, các loại ngũ cốc đã trở thành thành phần chính của bánh mì. Bào tử nấm men có mặt khắp nơi, kể cả trên bề mặt của cây lương thực, vì vậy bất kỳ bột mì nào để lâu sẽ được lên men tự nhiên.

Có nhiều nguồn sách vở cho thấy bánh mì thời gian đầu được lên men. Nấm men trong không khí có thể được dùng bằng cách để lại bột mì chưa nấu tiếp xúc với không khí một thời gian trước khi nấu. Pliny the Elder viết rằng người Gaul và Iberia sử dụng bọt từ bia để sản xuất "một loại bánh mì nhẹ hơn bánh mì của các dân tộc khác." Người thế giới cổ đại uống rượu vang thay bia đã sử dụng một hỗn hợp nước ép nho và bột mì đã được lên men, hoặc cám lúa mì để ngập trong rượu vang, như một nguồn cho nấm men. Cách lên men phổ biến nhất được dùng là giữ lại một phần bột từ ngày hôm trước để sử dụng như một sản phẩm lên men dùng làm mồi.

Năm 1961 quá trình làm bánh mì Chorleywood đã được phát triển, trong đó sử dụng các áp lực cơ khí lớn lên bột mì để làm giảm đáng kể thời gian lên men và thời gian thực hiện để tạo ra một ổ bánh mì. Quá trình này sử dụng quy trình trộn năng lượng cao cho phép sử dụng các hạt protein thấp hơn, hiện nay được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới trong các nhà máy lớn. Nhờ thế bánh mì có thể được sản xuất rất nhanh chóng và với chi phí thấp cho nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. Tuy nhiên, đã có một số chỉ trích của các hiệu ứng sản xuất này trên giá trị dinh dưỡng của bánh mì.

Gần đây, máy bánh mì trong nhà với việc tự động hóa quá trình làm bánh mì đã trở nên phổ biến.

10 đoạn văn mẫu giới thiệu về lịch sử một loại thức ăn, đồ uống mà em yêu thích

Giới thiệu về lịch sử một loại thức ăn, đồ uống mẫu 1: Bánh chưng

Bánh chưng là những món ăn truyền thống mang đậm nét văn hoá của người Việt. Giải thích về sự ra đời của bánh chưng, chúng ta có truyền thuyết bánh chưng, bánh dày: "Truyền thuyết “Bánh chưng, bánh dày” xuất hiện từ đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp giỗ tổ vua Hùng đã triệu tập các quan Lang (các con của nhà vua) đến và truyền rằng: vị quan Lang nào tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý với nhà vua nhất sẽ được nhà vua nhường ngôi. Các vị quan Lang lên rừng, xuống biển tìm châu ngọc và các sản vật quý để làm lễ vật dâng lên nhà vua. Riêng Lang Liêu là người con nghèo khó nhất trong số các vị quan Lang, chàng không tìm những sản vật quý hiếm về dâng vua cha, mà đã dùng ngay những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh tượng trưng cho trời tròn và đất vuông (còn được gọi là bánh chưng và bánh dày) để làm lễ vật dâng vua cha. Lễ vật của Lang Liêu hợp với ý vua Hùng nhất và nhà vua đã truyền ngôi cho Lang Liêu… Từ đó bánh Chưng, bánh dày đã trở thành lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng, để thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với tiên tổ, cha, ông." (Nguyễn Quyên (2021), Phong tục gói bánh chưng ngày Tết, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam). Truyền thuyết trên muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống hiếu kính; lời giải thích ý nghĩa cũng như nguồn cội của của bánh chưng, bánh dày là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

Giới thiệu về lịch sử một loại thức ăn, đồ uống mẫu 2: Chả giò

Một trong những món ăn nổi tiếng tại Việt Nam, đặc biệt là những ngày lễ tết không thể không nhắc đến là chả giò hay còn được gọi là nem rán ở miền Bắc và ram ở miền Trung, và chả ở Thanh Hóa. Theo nhiều tài liệu thì chả giò là món ăn ra đời trước tiên ở miền Nam. Cũng do đó nhà văn Tô Hoài đã từng viết trong cuốn Chuyện cũ Hà Nội: “Chả giò ra Hà Nội lúc nào, thời kỳ nào, không biết. Chỉ biết cái chả giò ở Sài Gòn ra Hà Nội đã tân trang”. Nguyên liệu chính cho món ăn này là thịt heo, miến, trứng gà, nấm hương, mộc nhĩ và gia vị như hành lá, tiêu, nước mắm. Sau khi cuốn bằng bánh đa nem, nem rán được chiên ngập dầu. Nem thường được ăn kèm với nước mắm pha, đồ chua và rau xà lách, và các loại rau thơm như rau mùi, húng quế, húng cây, diếp cá. Không chỉ ăn chơi, ăn với cơm mà nem rán còn đặc việt ngon khi kết hợp với bún chả Hà Nội. Ngoài chả giò truyền thống, còn có một số loại nem rán khác như nem rán hải sản và nem rán chay.

Giới thiệu về lịch sử một loại thức ăn, đồ uống mẫu 3: Phở

Văn hóa ẩm thực của Việt Nam luôn là niềm tự hào của nhân dân ta với vô vàn các món ăn ngon, tạo nên sự độc đáo riêng biệt thu hút sự quan tâm của du khác quốc tế, đặc biệt là Phở. Được xem như món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam nhưng nguồn gốc chính xác của phở lại không rõ ràng và vẫn còn đang gây tranh cãi lớn. Các học giả, các đầu bếp, các chuyên gia ẩm thực cho đến những người sành phở đều nhất trí phở có xuất xứ ở miền Bắc vào những năm đầu của thế kỷ 20. Một số giả thuyết cho rằng phở xuất hiện đầu tiên ở tỉnh Nam Định (nằm ở Tây Nam thủ đô Hà Nội). Do có nhiều người Pháp cư ngụ trong vùng vào thời điểm đó nên người dân địa phương đã chế biến món ăn này để làm thỏa mãn nhu cầu của cả hai. Nguyên liệu địa phương vẫn được dùng chủ yếu, kết hợp thêm một ít thịt bò để tạo nên một món súp mang bản sắc của địa phương nhưng có thêm hương vị nước ngoài. Theo một giả thuyết khác, bát phở đầu tiên có nguồn gốc ở Vân Cừ - một ngôi làng nghèo thuộc tỉnh Nam Định. Sau đó, người dân ở ngôi làng này đã gánh phở bán rong đến tận thủ đô Hà Nội để mưu sinh. Tuy không có cở sở để khẳng định tính xác thực của những phỏng đoán này nhưng có một điều chắc chắn là những người bán hàng rong ở Hà Nội đều đến từ làng Vân Cừ. Nhìn chung, phở phản chiếu rõ nét đời sống của người dân Việt cùng với những di sản phong phú, đặc sắc. Thông qua đó chúng ta thấy được một trong những truyền thống về ẩm thực đặc sắc gắn liền với lịch sử dân tộc của Việt Nam trong suốt thế kỷ qua.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Biết thêm về phở - Cục du lịch quốc gia Việt Nam. (https://vietnamtourism.gov.vn/post/22765)

Giới thiệu về lịch sử một loại thức ăn, đồ uống mẫu 4: Trà

Trà là loại thức uống có lịch sử lâu đời, được cho là bắt nguồn từ khu vực phía Bắc và Tây Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, có nhiều lý thuyết và chứng cứ lịch sử khác về trà, nhưng vẫn chưa được xác minh rõ ràng. Dữ liệu lịch sử ghi chép cho thấy trà được phát hiện từ thời nhà Thương (1600 TCN – 1048 TCN) và lịch sử trà bắt nguồn từ đó.

Ở châu Á, truyền thuyết xưa kể về Thần Nông – người đã phát hiện ra Trà và mang nó đến nhân gian. Ông là một trong ba vị Tam Hoàng nổi tiếng Trung Quốc, sở hữu kiến thức về y học và canh tác. Ông luôn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng trọt và canh tác hiệu quả hơn. Thần Nông còn có lòng nhân hậu, luôn khao khát tìm ra phương thuốc thảo dược chữa bệnh cho người dân lúc bấy giờ.

Thần Nông đã dành thời gian đi khắp nơi, thử nghiệm và nếm thử bất kỳ loại thảo dược quý hiếm nào để tìm ra công dụng của chúng. Một ngày nọ, gió vô tình thổi lá trà vào bình nước của ông và ông đã uống thử nước trà này. Vào lúc ông thử pha trà với nước nóng, ông đã cảm nhận được hương vị thơm ngon lạ thường. Từ đó, ông tiếp tục nghiên cứu và khám phá ra những công dụng tuyệt vời của Trà.

Nhờ những phát hiện này, lịch sử trà đã được ghi chép và truyền tay nhau. Người dân Trung Quốc thời đó coi trà như một loại thuốc thảo dược để giải độc và chữa bệnh. Tuy nhiên, chỉ đến thời nhà Đường (năm 618 – 907), cây trà mới được sử dụng rộng rãi như một loại nguyên liệu để pha chế đồ uống. Sau đó, trà bắt đầu xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Anh, Sri Lanka, Mỹ, và nhiều nơi khác.

Trà được lan tỏa đến các quốc gia châu Á khác, đặc biệt nổi bật là Nhật Bản. Văn hóa trà đạo Nhật Bản được hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ, đặc biệt sau khi những sư thầy của phái Thiền Tông sang nước láng giềng tu đạo. Ngày nay, trà đã trở thành một thức uống phổ biến có mặt ở hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Trong suốt mấy trăm năm phát triển ở khu vực châu Á, thế kỷ XVI là thời điểm quan trọng đánh dấu sự mở rộng của trà tới châu Âu. Trà không còn bị “buộc chặt” ở khu vực này mà đã được thương nhân đưa đến vùng đất châu Âu rộng lớn. Nhận được danh xưng độc tôn hiếm có, trà đã nhanh chóng trở thành một món quý phục vụ trong những bữa tiệc của giới quý tộc.

Năm 1660, khi công chúa Catherine de Braganza kết hôn với vua Charles II và trở thành hoàng hậu của nước Anh, bà đã mang văn hóa trà từ khu vực châu Á đến Anh và tổ chức những buổi trà chiều quy mô lớn tại cung điện. Điều này đã khởi nguồn cho sự phát triển của văn hóa trà chiều nổi tiếng tại quốc gia này. Vào thế kỷ XVIII, trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của châu Âu. Đặc biệt, đế quốc Anh đã đưa trà tới các thuộc địa của họ, đặc biệt là ở Mỹ và Ấn Độ. Nhờ sự lớn mạnh không ngừng của Anh, việc trồng trà đã lan rộng và trở thành một nguồn thu hút lớn đối với đế quốc này.

Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, cùng lao động có kinh nghiệm, Việt Nam trở thành vùng chuyên canh trà nổi tiếng. Trà Việt Nam qua nhiều công đoạn chế biến công phu, mang hương vị đặc biệt khiến giới sành trà kính phục. Địa hình đồi núi chiếm ¾ diện tích tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch khu đồn điền trà chất lượng. Điều này giúp tạo cơ cấu trà đa dạng hơn.  Trà Shan tuyết, trà thái nguyên, trà xanh, trà Sen, trà Nhài… đại diện cho hương vị tuyệt hảo của trà Việt Nam.

Trà luôn giữ vị trí độc tôn không thể thay thế trong dòng chảy văn hóa nhân loại. Lịch sử trà đa dạng với hàng ngàn chủng loại và hương vị, mang đến sự mới mẻ và không trùng lặp. Mỗi loại trà có dáng vẻ độc đáo, làm say mê người thưởng thức. Ngoài việc làm đồ uống, trà còn có tác dụng tốt cho sức khỏe. Trong văn hóa Việt, trà không chỉ là nguyên liệu pha chế, mà còn là đặc sản tạo nên sự giao tiếp và trao đổi, phản ánh tinh túy văn hóa phương Đông. Tất cả những điều này tạo nên sức hấp dẫn vượt thời gian của trà trong cuộc sống hiện đại.

Nhìn lại lịch sử trà phát triển, từ nguồn gốc tại châu Á cho đến những vùng đất xa xôi khắp thế giới, trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa con người. Qua hàng ngàn năm, trà đã chinh phục lòng tin và yêu mến của hàng triệu người. Quá trình trà đi từ vùng đất nhỏ để lan tỏa trên toàn cầu đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu của văn hóa trà. Đồng thời giữ vững những giá trị tinh túy và những câu chuyện đậm đà riêng biệt.

Giới thiệu về lịch sử một loại thức ăn, đồ uống mẫu 5: Cà phê

Cùng với trà, cà phê ngày nay trở thành loại thức uống phổ biến nhất trên thế giới. Ở Phần Lan, trung bình mỗi người tiêu thụ 12,5 kg cà phê/năm, tương đương với 5 cốc/ngày. Tính chung trên thế giới, tổng cộng 400 tỉ cốc được tiêu thụ mỗi năm. Cùng với sự phát triển của thức uống này, phong cách chế biến, thưởng thức cũng trở nên khá đa dạng.

Có rất nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của cà phê. Tuy nhiên, câu chuyện người đàn ông chăn dê tên Kaldi phát hiện ra cây cà phê ở khu rừng cổ của cao nguyên Ethiopia là phổ biến và được nhiều người tin nhất. Kaldi đã khám phá ra cà phê sau khi những con dê của anh ta ăn một loại quả màu đỏ từ cái cây có những bông hoa trắng và chúng trở nên hăng hái đến mức không đi ngủ vào ban đêm. Anh ta cũng đã ăn thử và nó giúp anh tỉnh táo trong suốt nhiều giờ cầu nguyện vào buổi tối. Sau đó, Kaldi đã báo cáo phát hiện của mình với giáo sĩ của tu viện địa phương. Vị giáo sĩ chia sẻ khám phá của Kaldi với nhiều người khác và kết quả là thông tin về một loại quả tràn đầy năng lượng nhanh chóng được lan truyền.

Tuy nhiên, không chỉ có truyền thuyết, những ghi chép và dấu tích còn lại cũng khiến người ta tin rằng Kaffa - Ethiopia chính là vùng đất khởi nguyên của cây cà phê từ thế kỷ thứ 9. Và đến thế kỷ 14, những người buôn nô lệ đã mang cà phê từ Ethiopia sang xứ Ả Rập. Cà phê trở thành thức uống phổ biến của người Ả Rập với cách chế biến đầu tiên chỉ đơn giản là tách lấy hạt và cho vào nấu trong nước sôi. Ả Rập đã trở thành nơi trồng cà phê độc quyền với trung tâm giao dịch cà phê là thành phố cảng Mocha, hay còn được gọi là Mokka, tức là thành phố Al Mukha thuộc Yemen ngày nay.

Người Ả Rập rất tự hào và giữ bí mật để bảo tồn độc quyền loại thức uống được chế biến từ hạt cà phê. Họ đưa ra những quy định rất chặt chẽ để gìn giữ sự độc quyền về cà phê của mình như chỉ được phép mang hạt cà phê đã rang ra khỏi xứ, cũng như không cho người ngoại quốc bén mảng đến các đồn điền cà phê. Thế nhưng, dù nghiêm ngặt đến mức nào thì cũng có người vượt qua được, những khách hành hương được thưởng thức nước cà phê đã lén lút mang hạt giống về trồng, chẳng bao lâu khắp khu vực Trung Đông đều có trồng và truyền đi mỗi lúc một xa hơn. Bước sang thế kỷ 15 thì cà phê đến Armenia, Persia, Thổ Nhĩ Kỳ và phía bắc Châu Phi, phổ biến trong thế giới Hồi giáo và lan tỏa đến Ý, sau đó là phần còn lại của Châu Âu, Indonesia, Mĩ.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chữ “Cà phê” có thể bắt nguồn từ chữ “Qahwa” (theo tiếng Ả Rập thì “Qahwa” có nghĩa là thức uống được tạo ra từ nước của hạt quả). Qua đến người Thổ Nhĩ Kỳ được đọc là “Kahve” và nó đã được sử dụng rộng rãi khắp nơi. Một số người khác thì lại cho rằng, chữ “Cà phê” được đặt theo tên của thị trấn “Kaffa” của Ethiopia. Tuy nhiên, một số khác lại nói thị trấn “Kaffa” được đặt theo tên “Cà phê”. Và từ “cà phê” mà Việt Nam ta vẫn hay dùng có gốc từ chữ Café trong tiếng Pháp, một loại thức uống màu đen có chứa chất caffeine.

Như vậy, có thể thấy cà phê đã xuất hiện từ rất lâu đời và có những thông tin còn hoài nghi chưa được xác thực. Thế nhưng, không còn quá quan trọng vì nó đã lan khắp thế giới và ngày càng hiện diện, hoà nhịp trong cuộc sống của tất cả chúng ta. Mỗi ngày, thế giới ước tính có 2,25 tỷ tách cà phê được bán ra và đối với nhiều người, cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu.

Đặc biệt, không thể phủ nhận những giá trị vô hình mà cà phê đang mang lại. Ngoài là một thức uống thú vị và yêu thích của rất nhiều người, nó là một sự khởi đầu của ngày mới, khởi đầu của những câu chuyện, sự gắn kết của những mối quan hệ, đưa chúng ta gần nhau hơn, sẻ chia và kết nối tình cảm. Và đó cũng chính là những giá trị mà The Coffee House luôn hướng đến và đem lại bên cạnh những tách cà phê tinh túy và chất lượng, những ly trà đượm hương cùng cảm hứng về lối sống hiện đại, năng động mà gần gũi.

Giới thiệu về lịch sử một loại thức ăn, đồ uống mẫu 6: Kim chi Hàn Quốc

Kim chi là một trong những món ăn truyền thống và phổ biến nhất của người Hàn. Ở Hàn, người yêu có thể thiếu nhưng kim chi thì không bao giờ thiếu được. Người Hàn Quốc sử dụng kim chi trong hầu hết các bữa ăn của mình. Đây là một trong những món banchan (món ăn phụ) không thể thiếu trong các bữa ăn của họ. Người Việt chúng ta thì khá thích kim chi bởi sự hài hòa của nhiều hương vị: chua, cay, mặn, ngọt…

Kim chi có một lịch sử rất lâu đời, một số nguồn cho rằng Kim chi có thể đã xuất hiện chừng 2600 - 3000 năm trước. Món ăn này được làm bằng cách lên men các loại rau củ chủ yếu như là: cải thảo, bắp cải, củ cải, hành lá, dưa chuột… Theo Bảo tàng về Kim chi ở Seoul, tính đến nay có khoảng 187 loại kim chi. Kimchi cũng được sử dụng trong nhiều loại canh.

Các thực phẩm muối rau đơn giản bắt nguồn từ thời Tam Quốc cổ đại. Trong “Tư liệu bản thảo Jeong Chang” có ghi chép về Susubolijeo, tương tự như kim chi hiện tại. Kim chi từ xưa được viết bằng tiếng Hán là “chimchae” - trầm thái. Rau ngâm trong nước muối và là món ăn được bảo quản lâu dài. “Dongchim” cũng là từ được biến dạng của “đông trầm” – rau củ được ngâm trong mùa đông. Vào thế kỷ 16, “chimchae” được biểu thị bằng tiếng Hàn là “dimchi”. Vào thế kỷ 17, được gọi là “jimchi”. Sau đó được gọi là “kimchae” và được đổi thành “kimchi” vào thế kỷ 19.

Vào thời đại Goryeo, hình thái ban đầu của kim chi nước, kim chi thái lát mỏng, kim chi củ cải đã xuất hiện. Những loại này được biết đến ở nhà Nguyên do ảnh hưởng của Goryeo và được giới thiệu trong cuốn sách “Gae Pil Yong”. Thông qua “Huấn Mông Tự Hội” do Choi Se-jin sáng tác năm 1527, có thể khẳng định rằng kim chi đã được công nhận là món rau ngâm muối tiêu biểu ở Joseon.

Sau khi ớt được nhập vào các quốc gia Đông Á, món kim chi đỏ được biết đến trên khắp thế giới như là món ăn đại diện của người Hàn Quốc hiện đại. Theo ghi chép trong “Chi Phong Loại Thuyết” (1613), ớt mới bắt đầu được trồng. Và trong “Kinh tế rừng tái bản” (1766), ớt được sử dụng trong chế biến kim chi.

Đầu những năm 1900, hoàng thất đế quốc Hàn Quốc đã đưa bắp cải của Trung Quốc vào sản xuất để gia tăng năng suất nông nghiệp. Đây chính là nguồn gốc của bắp cải được sử dụng để muối kim chi hiện nay. Trước đó, đã có nhiều loại bắp cải ở Hàn Quốc. Nhưng người dân thường coi đó là rau xanh hoặc nấm nên không biết bắp cải có thể sử dụng để muối kim chi.

Trong những năm 1950 – 1960 sau chiến tranh, bột ớt đỏ không được sử dụng nhiều do vấn đề kinh tế. Vì thế, những người lớn tuổi khi còn nhỏ chỉ có nước dùng và củ cải muối, thay vì kim chi cải đỏ như hiện đại.

Tạp chí Health Magazine của Mỹ đã từng gọi kim chi là 1 trong 5 thực phẩm có lợi cho sức khỏe nhất của thế giới. Bởi vì món ăn lên men tự nhiên với những nguyên liệu như rau củ này là một món ăn giàu vitamin, giúp tiêu hóa tốt. Và thậm chí còn có tác dụng trong việc phòng chống các bệnh ung thư. Không chỉ đơn thuần là món ăn mang lại cảm giác ngon miệng mà kim chi còn là một món ăn chứa ít calo, giàu chất xơ. Vì thế nó giúp cho quá trình tiêu hóa trong cơ thể diễn ra dễ dàng và nhanh hơn, và còn có hiệu quả trong việc giảm cân. Lượng men lactobacilli cao có mặt trong quá trình lên men kim chi, điều này dẫn đến lượng axit lactic trong sản phẩm cuối cùng còn cao hơn cả trong sữa chua.

Có hàng trăm loại kim chi được làm từ các loại rau khác nhau làm nguyên liệu chính. Theo truyền thống, kim chi được lưu trữ dưới mặt đất đựng trong đồ đất nung lớn để ngăn kim chi khỏi bị đóng băng trong những tháng mùa đông. Đó là cách chính để lưu trữ rau trong suốt các mùa. Vào mùa hè, việc bảo quản trong lòng đất giữ cho kim chi đủ mát để làm chậm quá trình lên men. Trong thời hiện đại, tủ lạnh đựng kim chi thường được sử dụng để lưu trữ kim chi.

Giới thiệu về lịch sử một loại thức ăn, đồ uống mẫu 7: Bia

Bia là một trong những đồ uống lâu đời nhất thế giới, lịch sử bia có niên đại đến 6000 năm TCN, nó đã được ghi lại trong văn bản lịch sử của vùng Lưỡng Hà. Các tài liệu sớm nhất của người Sumer cũng đề cập tới bia. Một lời cầu nguyện tới nữ thần Ninkasi còn được gọi là "Thánh ca cho Ninkasi" được dùng như một lời cầu nguyện cũng như phương pháp để ghi nhớ công thức làm bia trong một nền văn hóa có rất ít người biết chữ.

Tài liệu lịch sử cho thấy khoảng 6.000 năm trước, nền văn minh Trung Quốc cổ đại đã làm một loại đồ uống giống bia có tên gọi kyui. Sau những cải tiến đáng kể về hiệu suất động cơ hơi nước vào năm 1765, ngành công nghiệp bia đã hình thành. Các cải tiến mới trong quá trình sản xuất bia đã diễn ra với sự ra đời của nhiệt kế vào năm 1760 và phù kế vào năm 1770, cho phép các nhà sản xuất tăng hiệu quả và giảm tổn hao trong quá trình sản xuất.

Thời kỳ trước cuối thế kỷ 18, mạch nha chủ yếu được sấy khô bằng lửa do đốt gỗ, than củi, rơm rạ, và tới năm 1600 là dùng thêm than cốc. Nói chung, các loại mạch nha được sấy khô theo phương thức đốt này sẽ bị ám khói, do đó những loại bia thời kỳ đầu thường có mùi vị khói; có nhiều bằng chứng cho thấy người nấu bia đã cố gắng hết sức để hạn chế khói ám vào bia thành phẩm.

Năm 1817, Daniel Wheeler phát minh ra lò nướng hình trống đã cho phép tạo ra các loại mạch nha rang có màu rất sẫm, góp phần tạo nên hương vị cho bia đen và bia nâu nặng. Việc phát triển này đã được nhắc đến trong một đạo luật Anh năm 1816 cấm việc sử dụng bất kỳ các thành phần khác ngoài mạch nha và hoa bia. Những người nấu bia đen lại chủ yếu dùng mạch nha nhạt, nên họ cần khẩn cấp một loại giải pháp hợp pháp để cho bia có màu sẫm hơn. Sáng chế của Wheeler là một giải pháp như vậy.

Việc Louis Pasteur phát hiện ra vai trò của men trong quá trình lên men vào năm 1857 đã giúp người nấu bia có phương pháp sản xuất để ngăn bia chua do các vi khuẩn gây hại.

Nhiều quốc gia châu Âu có truyền thống sản xuất bia rất lâu đời. Bia là một thức uống đặc biệt quan trọng ở các nước như Bỉ, Đức, Áo, Ireland, và Anh; với các quốc gia như Pháp, các nước Bắc Âu, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha và các nước khác có truyền thống sản xuất bia độc đáo và lâu bền với lịch sử của riêng họ, các phương pháp sản xuất bia đặc trưng và nhiều loại bia khác nhau.

Các nhà máy bia hiện đại giờ sản xuất nhiều loại bia khác nhau, từ các loại bia cổ như bia lambic lên men một cách tự nhiên của Bỉ; bia vàng, bia đen, bia trắng (bia lúa mì) và nhiều loại khác của Đức; các loại bia ale như stout, mild, pale, bitter, golden của Anh; các loại bia mới của Mỹ như Chili Beer, Cream Ale và Double India Pale Ales

Ngày nay, ngành công nghiệp sản xuất bia là một ngành công nghiệp toàn cầu rất lớn, bao gồm một số công ty đa quốc gia, và hàng ngàn các nhà sản xuất nhỏ khác nhau, từ các quán bia nhỏ tới các nhà máy bia vùng. Những tiến bộ trong việc làm lạnh, vận chuyển xuyên lục địa và quốc tế, tiếp thị và thương mại có kết quả trong một thị trường quốc tế, nơi người tiêu dùng có hàng trăm sự lựa chọn giữa các loại bia khác nhau của địa phương, vùng, quốc gia và nước ngoài.

(Tài liệu tham khảo: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Giới thiệu về lịch sử một loại thức ăn, đồ uống mẫu 8: Coca-cola

Coca-Cola được phát minh bởi dược sĩ John Stith Pemberton, chủ một phòng thí nghiệm và hiệu thuốc tư nhân. Ban đầu, Pemberton chỉ định sáng chế ra một loại thuốc bình dân giúp chống đau đầu và mệt mỏi. Ông đã mày mò và thử nghiệm, pha chế thành công một loại siro có màu đen như cà phê. Loại siro này trộn với nước lạnh sẽ có thể được một thứ nước giảm nhức đầu và tăng sảng khoái.

Pemberton giữ lại công thức sáng chế này, chỉ biết rằng thành phần quan trọng nhất của loại thức uống này chứa một tỷ lệ nhất định tinh dầu được chiết suất từ quả và lá của cây Kola. Đây là loại cây chỉ có ở khu vực rừng nhiệt đới Nam Mỹ, thành phần chứa một lượng đáng kể cocain và caffeine. Vì thế thuốc có tác dụng làm sảng khoái, chống đau đầu, mệt mỏi. Cái tên Coca-Cola cũng bắt nguồn từ đó. Pemberton đã thay chữ "K" bằng chữ "C" để có vẻ dễ nhìn và quen thuộc hơn.

Sau khi sáng chế ra Coca-Cola, Pemberton rất vui sướng và đã đi khắp nơi chào bán loại nước uống này, đặc biệt tại các quán "Soda-bar" đang thịnh hành ở thành phố Atlanta. Tuy nhiên, Pemberton đã rất thất vọng vì không ai chịu uống thử Coca-Cola. Nó có màu nâu đen và mọi người đều coi đó là thuốc chứ không phải một loại nước giải khát đơn thuần. Công thức Coca-Cola chỉ thực sự trở thành nước giải khát nhờ một nhân viên trong quán bar "Jacobs Phamarcy" khi nhân viên này đã nhầm lẫn pha siro Coca-Cola với nước soda thay vì nước lọc bình thường theo công thức của Pemberton.

Loại Coca-Cola được pha nhầm đó lại ngon miệng hơn bình thường, làm sảng khoái khác thường và lúc đó Coca-Cola mới có thể phục vụ số đông người tiêu dùng. Từ đó quán bar này mỗi ngày pha và bán được từ 9 đến 15 ly Coca-Cola. Tuy nhiên, cả năm đầu tiên Pemberton mới chỉ bán được 95 lít siro Coca-Cola.

Xi rô Cola được bán dưới dạng một thực phẩm chức năng dùng luôn để điều trị bệnh đau dạ dày. Sau khoảng thời gian Coca-Cola xuất hiện được 50 năm, thức uống này đã trở thành một biểu tượng quốc gia của Hoa Kỳ. Vào năm 1935, Coca-Cola đã được chứng nhận kosher (tức là một thực phẩm phù hợp các yêu cầu về chế độ ăn uống của Đạo luật Do Thái) bởi Atlanta Rabbi Tobias Geffen, sau khi công ty có một sự thay đổi nhỏ về nguồn gốc một số thành phần trong đồ uống.

Vào ngày 23 tháng 4 năm 1985, Coca-Cola đã công khai việc thay đổi công thức đồ uống với sản phẩm mới có tên "New Coke". Các khảo sát sau đó cho thấy hầu hết người tiêu dùng yêu thích vị của New Coke hơn là Coke và Pepsi,[2] tuy nhiên quản lý của Coca-Cola lại không lường trước đến sự hoài niệm của công chúng đối với loại đồ uống cũ, dẫn đến việc người dân biểu tình phản đối rất nhiều. Ngày 10 tháng 7 năm 1985, Công ty Coca-Cola đã một lần nữa thay đổi trở lại công thức truyền thống với sản phẩm Coca-Cola Classic, sử dụng đường HFCS thay vì đường mía làm chất tạo ngọt chính.

Coca-Cola Life được ra mắt tại Argentina vào tháng 6 năm 2013, tại Chile vào tháng 11 năm đó, tại Thụy Điển vào tháng 6 năm 2014 và tại Anh vào tháng 9 năm 2014. Sau đó nó đã được tung ra ở nhiều quốc gia khác. Coca-Cola Life đã cố gắng cùng tồn tại với Diet Coke và Coca-Cola Zero tại thị trường Argentina và Chile, nhưng nó đã dần bị loại khỏi những thị trường đó do sự đón nhận của khách hàng thấp. Coca-Cola life ra đời để hướng đến những người lớn muốn hương vị coca truyền thống nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe bởi vì coca dùng lá stevia để tạo độ ngọt và giảm calories cho người sử dụng. Ngày nay, Coca-life đã được phân phối ở 42 nước trên toàn thế giới.

Thương hiệu Coca-Cola luôn là thương hiệu nước ngọt bán chạy hàng đầu và tất cả mọi người trên thế giới đều yêu thích Coca-Cola hoặc một trong những loại nước uống hấp dẫn khác của tập đoàn. Ngày nay, tập đoàn Coca-Cola đã thành công trong công cuộc mở rộng thị trường với nhiều loại nước uống khác nhau ban đầu là nước có gas, và sau đó là nước trái cây, nước tăng lực cho thể thao, nước suối, trà và một số loại khác.

(Tài liệu tham khảo: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Giới thiệu về lịch sử một loại thức ăn, đồ uống mẫu 9: Món cốm

Cốm là món ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang sau đó mang đi giã và được làm sạch bằng cách sàng sảy cho hết vỏ trấu, loại bỏ hết tạp chất, sau đó cũng có loại cốm mang đi hồ cốm bằng nước lá cốm. Món ăn này thường được thấy tại nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam và cũng là món ăn rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội.

Theo truyền thuyết cách đây hơn nhìn năm thì vào một mùa thu khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to, gió lớn, những ruộng lúa chìm trong nước. Người làng Vòng đành đi mò cắt những bông lúa còn non mang về rang khô để ăn dần, chống đói. Cái sản phẩm bất đắc dĩ ấy có hương vị riêng và hấp dẫn. Từ đó người làng Vòng thường hay làm để ăn chơi mỗi khi mùa thu đến.

Trải qua mỗi lần làm, rút kinh nghiệm và sáng tạo từ bông lúa non đã tạo nên hạt cốm ngày càng xanh, càng dèo, càng thơm và càng mỏng. Cùng với thời gian và sự phát triển, những gánh hàng cốm rong đã vượt qua lũy tre làng Vòng đến với với những người ăn sành điệu, trở thành đặc sản quý mang tiến vua các triều Lý (1009 - 1225). Từ đó món cốm trở thành món ăn tao nhã của người Tràng An.

Trong các dân tộc tại miền Bắc Việt Nam lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm thường sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Tại các quốc gia châu Á, cốm dẹp cũng được sử dụng phổ biến trong các món ăn khác nhau tùy thuộc vào khẩu vị và văn hóa từng quốc gia.

Trong cộng đồng người Việt tại miền Bắc Việt Nam cốm được làm từ lúa nếp non, ngon nhất là cốm làm từ nếp cái hoa vàng, trong cả hai mùa: lúa chiêm và lúa mùa, tuy thường dùng lúa mùa vào khoảng cuối hè đầu thu (từ khoảng rằm tháng 7 đến hết tháng 9 âm lịch). Vào tháng 4, tháng 5 âm lịch có nơi như ở cánh đồng Gôi (Dịch Vọng, Từ Liêm, Hà Nội) đã gặt lúa sớm nên đã có cốm bán gọi là cốm chiêm. Cốm chiêm không khác cốm mùa, nhưng có lẽ do thời tiết còn nóng bức nên người ăn không cảm thấy ngon như cốm mùa Thu.

Tại Hà Nội bên cạnh cốm Vòng là cốm Lũ và cốm Mễ Trì. Các bà, các mẹ bán cốm thường ăn mặc theo lối xưa với khăn xếp, áo cánh cổ lá sen, gánh đôi thúng với một bó lạt bằng rơm nếp nhuộm mạ xanh ngắt gắn trên đầu quang gánh, và chiếc mẹt đặt úp trên một bên thúng xếp vài chiếc lá sen để gói cốm.

Từ Đèo Ngang trở vào trong Nam, cốm hay bánh cốm thường được làm từ lúa nếp già tháng, gạo nếp, thậm chí là ngô, rang nở phồng sau đó ngào với đường.

Các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng có những loại cốm tương tự như cốm người Việt. Người Tày ở Yên Bái còn có lễ hội giã cốm mang tên Tăm Khảu Mau. Lễ hội tổ chức tổ chức vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch, là lúc lúa nếp vừa chớm vào trắc, hạt lúa ngả màu vàng nhạt là thời điểm người dân tập trung làm cốm. Cốm được làm từ thóc nếp. Để làm cốm thóc được chọn rất cầu kỳ, phải là thóc nếp hạt mẩy và có màu vàng nhạt đều. Cốm được làm theo hai cách, hoặc có thể luộc thóc hoặc rang thóc vừa chín tới, sau đó để nguội rồi đem giã, sàng sẩy để loại bớt vỏ trấu rồi đem bỏ vào đuống giã tiếp.

Tại Thái Lan, cốm được gọi là khẩu mẩu. Người Thái sử dụng khẩu mẩu tươi rang cho đến khi có mùi thơm rồi lọc bằng vải trắng mỏng. Đổ nước cốt dừa vào khao mao đã lọc, nước cốt dừa sẽ trộn đều gạo nếp. Sau đó lăn đi lăn lại trên lòng bàn tay để tạo thành một khối tròn như quả trứng. Chỉ với 3 nguyên liệu là khao mao, đường, dừa nạo, nước cốt dừa giống với người Khmer nên món khẩu mẩu xứ Chùa Vàng được coi như một món ăn vặt.

Tại Ấn Độ, cốm dẹp được gọi là poha. Người Ấn hay ăn cốm dẹp tươi bằng cách ngâm trong nước sôi để nguội hay sữa, thêm chút đường cho vừa khẩu vị hoặc rang chung với các loại hạt, nho khô, thảo quả và các loại gia vị khác. Tại tỉnh Chhattisgarh, cốm dẹp cũng được ăn tươi bằng cách trộn với đường thốt nốt. Món Indori poha từ Indore khá nổi tiếng trong nước và được ăn cùng với một món ăn vặt giòn gọi là sev.

Cũng như cộng đồng người Khmer Việt Nam, người dân Campuchia chế biến cốm dẹp bằng cách rang nếp trong vỏ tự nhiên, sau đó đập bằng chày cho đến khi mềm trước khi loại bỏ vỏ và trộn với chuối và nước cốt dừa để tạo hương vị. Hỗn hợp này được ăn khi đồng hồ điểm nửa đêm hoặc khi hương được dâng vào đầu buổi tụ họp đã tiêu hết. Cốm dẹp vẫn là một món ăn truyền thống phổ biến và nó được bán rộng rãi trong lễ hội Bon Om Touk.

(Tài liệu tham khảo: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Giới thiệu về lịch sử một loại thức ăn, đồ uống mẫu 10: Socola

Socola là một trong những món ăn có lịch sử lâu đời bậc nhất trên thế giới. Cây cacao, được người Maya, Aztec và Toltec trồng lần đầu tiên, ban đầu được sử dụng để làm đồ uống socola bằng hạt ca cao. Đồ uống được sử dụng theo nghi lễ hoặc làm thuốc. Đối với người Maya, chocolhaa hay "nước đắng" là thức uống dành riêng cho những người có cấp bậc cao hoặc được trao cho các chiến binh trước trận chiến để tiếp thêm sức mạnh cho họ.

Socola có lịch sử lâu đời và có nguồn gốc từ khu vực Trung Mỹ, khi mà người Aztec sử dụng socola như một loại đồ uống cổ truyền và coi đó như một món quà từ các vị thần. Các vị thần được tôn vinh trong văn hóa Aztec được mô tả là có thể đến từ vùng núi cao sô-cô-la-tl, nơi mà cacao được trồng.

Socola đã đến Tây Ban Nha vào những năm 1500. Món đồ uống có tên gọi xocolatl được làm ngọt bằng đường, quế và đôi khi là vani và dùng khi còn ấm. Thức uống này được yêu thích ở các tòa án Tây Ban Nha.

Socola đã được giới thiệu tới châu Âu vào thế kỷ 16 bởi nhà thám hiểm Tây Ban Nha Hernán Cortés. Ban đầu, socola được giới quý tộc châu Âu yêu thích và được xem là một món ăn xa xỉ.

Đến thế kỷ 17, cacao mới đến được các cảng châu Âu khác. Với món quà cưới là socola của Anna nước Áo cho vua Pháp, Louis XIII vào năm 1615, socola đã được du nhập tại Pháp. Năm 1650, cacao nóng du nhập vào Anh. Thức uống này vẫn được coi là xa xỉ cho đến những năm 1800 với sự ra đời của bột cacao và thanh socola vào năm 1830 ở Anh.

Trong suốt lịch sử của mình, socola đã trải qua nhiều thay đổi và phát triển. Trước đây, các sản phẩm socola chỉ được sản xuất bằng tay, nhưng hiện nay, với công nghệ sản xuất hiện đại, socola được sản xuất với quy mô lớn hơn và giá thành rẻ hơn. Ngoài ra, socola cũng đã trở thành một ngành công nghiệp lớn và quan trọng trên toàn thế giới. Các công ty socola lớn như Nestle, Cadbury, Hershey's và Lindt đã trở thành những thương hiệu nổi tiếng và được yêu thích trên toàn thế giới.

Socola được sử dụng trong nhiều món ăn và đồ uống khác nhau trên toàn thế giới. Ngoài việc ăn thẳng, socola còn được sử dụng để nấu các món tráng miệng, làm bánh, làm kem và đồ uống.

Ngoài việc là một loại thực phẩm ngon, socola cũng có nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể. Socola cũng được sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm và chăm sóc da. Socola có thể có tác động đến sức khỏe của bạn, tốt và xấu. Theo các nghiên cứu, socola đen chứa chất chống oxy hóa có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh tim và đột quỵ. Nó cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe não, tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung.

Ngoài ra, socola cũng có thể giúp giảm căng thẳng và tăng cường tâm trạng tích cực. Theo một nghiên cứu, việc tiêu thụ socola đen có thể giúp giảm đau và cải thiện tâm trạng của những người bị trầm cảm. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng socola chứa nhiều đường và chất béo, vì vậy việc tiêu thụ quá nhiều socola có thể gây tăng cân và các vấn đề sức khỏe khác. Do đó, nên đảm bảo rằng bạn tiêu thụ socola với mức độ hợp lý.

Socola đã trở thành một phần của cuộc sống của chúng ta và được ưa chuộng trên toàn thế giới. Trên thị trường hiện nay, có nhiều loại socola khác nhau được sản xuất với các thành phần và hương vị khác nhau. Tuy nhiên, nên tiêu thụ với mức độ hợp lý để tránh tăng cân và các vấn đề sức khỏe khác.

-/-

Trên đây là một số gợi ý và những mẫu đoạn văn giới thiệu về lịch sử bánh mì hoặc một loại thức ăn, đồ uống mà em yêu thích do Đọc tài liệu sưu tầm và biên soạn. Hy vọng các em đã có thêm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích để triển khai được những ý văn hay cho bài viết của mình. Xem thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 11 do Đọc Tài Liệu sưu tầm và biên soạn để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các em học tốt!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM