Giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật không chỉ là việc chia sẻ thông tin mà còn là cách để chúng ta cùng nhau khám phá và trân trọng những giá trị tinh thần sâu sắc. Một bài giới thiệu hay có thể truyền cảm hứng và khơi gợi trí tò mò cho nhiều người, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của tác phẩm. Bài viết này sẽ cung cấp cho các em những bí quyết để hoàn thành bài giới thiệu một cách tốt nhất, từ việc lựa chọn tác phẩm, xây dựng bố cục cho đến việc sử dụng ngôn ngữ như thế nào sao cho sinh động.
Lựa chọn tác phẩm để giới thiệu
- Tác phẩm văn học: Em có thể chọn một cuốn sách, một bài thơ, một truyện ngắn mà mình yêu thích.
Ví dụ: "Dế Mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài, "Chiếc lá cuối cùng" của O. Henry, "Bức tranh của Dorian Gray" của Oscar Wilde...
- Tác phẩm nghệ thuật: Em có thể chọn một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc, một bản nhạc, một bộ phim... mà em ấn tượng và yêu thích.
Ví dụ: "Tượng David" của Michelangelo, "Bản giao hưởng số 9" của Beethoven, bộ phim "Spirited Away" của Hayao Miyazaki...
Dàn ý giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật
Dàn ý chung
1. Mở bài
- Giới thiệu tên tác phẩm, thể loại, tên tác giả
- Nêu lí do lựa chọn tác phẩm
- Nhận xét khái quát về tác phẩm.
2. Thân bài
a) Giới thiệu tóm tắt về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
- Đặc điểm về nội dung
- Đặc điểm về hình thức nghệ thuật
b) Giới thiệu về chủ đề, thông điệp của tác phẩm
- Chủ đề chính của tác phẩm
- Thông điệp mà tác phẩm muốn gửi gắm
c) Trình bày ý kiến nhận xét, đánh giá về tác phẩm
- Điều thích hoặc không thích về tác phẩm
- Tình cảm, cảm xúc khi đọc/ xem / nghe tác phẩm.
3. Kết bài
- Tóm tắt nội dung trình bày về tác phẩm
- Khuyến khích người nghe thưởng thức tác phẩm.
Dàn ý chi tiết giới thiệu tác phẩm Chữ người tử tù
1. Mở bài
- Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ, một nhà văn lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam với phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác.
- Chữ người tử tù là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám.
- Tác phẩm được đánh giá là một tác phẩm đạt gần tới sự toàn thiện, toàn mĩ, ca ngợi cái đẹp, cái tài, cái thiên lương.
2. Thân bài
a) Tóm tắt nội dung và nghệ thuật của tác phẩm:
- Nội dung:
+ Huấn Cao - nhân vật trung tâm của tác phẩm - là một tử tù của triều đình nhưng đặc biệt nổi tiếng khắp vùng với biệt tài viết chữ. Đó là một con người trọng nghĩa khí, là hiện thân của cái tài, cái đẹp, cái thiên lương.
+ Không chỉ có nhân vật Huấn Cao mà tấm lòng trong sáng, biết thưởng thức và giữ gìn cái đẹp còn được thể ở nhân vật thầy thơ lại và viên quản ngục. Đặc biệt, tấm lòng của viên quản ngục được Nguyễn Tuân coi là “một thanh âm trong trẻo chen vào một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.
- Nghệ thuật:
+ Nghệ thuật tạo tình huống truyện thật độc đáo: cuộc gặp gỡ chốn lao tù giữa Huấn Cao và viên quản ngục, góp phần khắc họa rõ nét tính cách nhân vật và tô đậm chủ đề của tác phẩm.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc: Nhân vật được xây dựng từ cái nhìn tài hoa của người nghệ sĩ với bút pháp lãng mạn, đặt nhân vật trong mối liên hệ tương phản và cách miêu tả gián tiếp.
+ Nghệ thuật tạo dựng cảnh cho chữ: tác giả đã sử dụng triệt để thủ pháp đối lập để miêu tả cảnh cho chữ “xưa nay chưa từng có”, từ đó góp phần khắc họa rõ nét tính cách nhân vật.
+ Sử dụng một loạt các từ Hán Việt rất đắt giá tạo nên màu sắc lịch sử, cổ kính và bi tráng.
b) Giới thiệu về chủ đề, thông điệp của tác phẩm
- Chủ đề: Ca ngợi cái đẹp, cái tài, cái thiên lương.
- Thông điệp:
+ Cái đẹp có thể sinh ra, tỏa sáng giữa chốn hôi hám, nhơ bẩn nhưng cái đẹp không thể chung sống cùng cái xấu, cái ác.
+ Con người xứng đáng được thưởng thức cái đẹp chỉ khi giữ được thiên lương.
+ Cái đẹp có thể cảm hóa được con người.
c) Trình bày ý kiến nhận xét, đánh giá về tác phẩm
- Em ấn tượng nhất với nhân vật nào? Cảnh nào? Chi tiết nào?
- Em rút ra được những bài học gì từ tác phẩm?
- Có thể so sánh "Chữ người tử tù" với các tác phẩm khác mà em đã đọc để thấy được những điểm tương đồng và khác biệt.
3. Kết bài
- Đánh giá về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Chữ người tử tù.
- Chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân khi đọc tác phẩm.
Văn mẫu giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật theo lựa chọn cá nhân
Giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật mẫu số 1
Nguyễn Tuân, với ngòi bút tài hoa và tinh tế, đã để lại cho đời những tác phẩm văn học giá trị. Trong đó, "Chữ người tử tù" được xem là một viên ngọc sáng ngời, tỏa sáng vẻ đẹp của tâm hồn con người.
Truyện ngắn kể về cuộc gặp gỡ giữa một viên quản ngục và Huấn Cao, một tử tù tài hoa. Qua cảnh cho chữ trong nhà tù, Nguyễn Tuân đã vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp về cái đẹp của tâm hồn và sự đối lập giữa thiện và ác.
Huấn Cao hiện lên như một tượng đài về vẻ đẹp tâm hồn. Dù đối mặt với án tử hình, ông vẫn giữ được phong thái ung dung, tự tại. Những nét chữ của ông không chỉ là những đường nét trên giấy mà còn là biểu hiện của một tâm hồn cao quý, một nhân cách lớn. Viên quản ngục, ban đầu chỉ là một kẻ thực hiện nhiệm vụ, nhưng sau khi tiếp xúc với Huấn Cao, tâm hồn ông đã dần thay đổi. Ông nhận ra giá trị của cái đẹp, của nghệ thuật và sự cao thượng của con người.
Cảnh cho chữ trong nhà tù là một trong những cảnh tượng đẹp đẽ và ám ảnh nhất trong văn học Việt Nam. Ánh trăng chiếu rọi vào nhà lao tối tăm, làm nổi bật lên vẻ đẹp của những nét chữ. Cái đẹp ấy như một ngọn đèn soi sáng tâm hồn con người, giúp họ vượt qua những khó khăn, gian khổ của cuộc sống.
Qua tác phẩm, Nguyễn Tuân không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của nghệ thuật mà còn khẳng định giá trị của con người. Dù trong hoàn cảnh nào, con người vẫn có thể giữ gìn được phẩm giá và vẻ đẹp tâm hồn của mình. "Chữ người tử tù" là một lời nhắc nhở chúng ta về sự tồn tại của cái thiện, cái đẹp trong cuộc sống và tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tâm hồn.
"Chữ người tử tù" là một tác phẩm văn học có giá trị nhân văn sâu sắc. Qua câu chuyện về Huấn Cao và viên quản ngục, Nguyễn Tuân đã gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, về con người và về cái đẹp. Tác phẩm này xứng đáng là một kiệt tác của văn học Việt Nam và sẽ còn tiếp tục chinh phục nhiều thế hệ độc giả.
Giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật mẫu số 2
Tài sản về vật chất có thể nhanh đến và nhanh đi nhưng tài sản về tinh thần thì sẽ luôn luôn được lưu giữ. Người ta cũng không thể đem tài sản tinh thần ra để định giá bởi vì nó là vô giá. Đối với tất cả người dân Việt Nam, chúng ta có nhiều khối tài sản tinh thần chung và trong số đó không thể không nhắc đến đó chính là Truyện Kiều. Tác phẩm giống như một viên ngọc sáng mà tất cả các nhà văn, nhà thơ đều ao ước mình có thể làm nên một tác phẩm như vậy.
Kiệt tác vĩ đại Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm theo thể loại truyện thơ. Toàn bộ tác phẩm gồm 3254 câu thơ lục bát, thể thơ truyền thống của dân tộc. Mặc dù được viết dựa theo cốt truyện cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng Nguyễn Du đã có sự sáng tạo để tạo nên một Đoạn Trường Tân Thanh phù hợp với văn hoa của người Việt và thể hiện được những tinh hoa trong ngôn ngữ của người Việt.
Cốt truyện xoay quanh cuộc đời của Thúy Kiều, một người con sinh ra trong gia đình trung lưu lương thiện. Thúy Kiều vốn có cuộc sống êm đềm bên cha mẹ và hai người em là Thúy Vân và Vương Quan cho đến trước khi sóng gió ập đến.
Cả thiên truyện được chia làm ba phần với phần một có tên là Gặp gỡ và đính ước. Vào ngày hội Đạp Thanh, ba chị em Thúy Kiều cùng nhau đi tảo mộ. Tại đây, Kiều đã gặp nấm mồ của Đạm Tiên và tỏ lòng thương xót cho thân phận của người con gái hồng nhan, bạc mệnh. Lúc chuẩn bị ra về, Kiều lại gặp gỡ Kim Trọng và dường như hai người đã cảm mến nhau ngay từ giây phút đầu gặp gỡ. Sau đó, hai người đã bí mật gặp nhau và cùng nhau đính ước.
Phần hai có tên gọi Gia biến và lưu lạc. Sau khi đính ước, Kim Trọng phải về quê hộ tang chú. Đúng lúc này gia đình Kiều bị vu oan, cha và em Kiều là Vương Quan bị bắt. Để cứu cha và em, Kiều đã phải bán mình để có tiền chuộc. Trước khi ra đi, Kiều đã trao lại mối duyên tình của mình cho em gái Thúy Vân. Sau khi bán mình, Kiều bị Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh lừa vào chốn lầu xanh. Tại đây, Kiều đã được Thúc Sinh cứu ra để làm vợ lẽ. Thúc Sinh là một khách làng chơi hào phóng nhưng vợ của hắn là Hoạn Thư có tính ghen điên cuồng. Hoạn Thư đã bày mưu tính kế để bắt Kiều về đày đọa. Sau khi trốn thoát, Kiều đã đến nương nhờ nơi cửa Phật và được sư Giác Duyên giúp đỡ. Nhưng sư Giác Duyên vì tin lời Bạc Bà, Bạc Hạnh nên đã giao lầm Kiều vào tay kẻ xấu.
Thêm một lần nữa Kiều bị rơi vào chốn lầu xanh. Tại đây, Kiều gặp được Từ Hải, một vị anh hùng đầu đội trời chân đạp đất. Không chỉ chuộc Kiều về làm vợ, Từ Hải còn giúp Kiều báo ân, báo oán. Nhưng nàng Kiều thật thà lại một lần nữa bị kẻ xấu lừa. Tin lời Hồ Tôn Hiến, Kiều đã đẩy Từ Hải vào chỗ chết. Sau đó, Kiều bị bắt phải hầu rượu, đánh đàn trong tiệc mừng công của quân triều và sau cùng bị ép gả cho một viên quan thổ. Vì quá đau xót và tủi nhục cho chính mình, khi đi qua sông Tiền Đường nàng đã nhảy xuống tự vẫn nhưng may mắn được sư Giác Duyên cứu giúp. Kiều lại tiếp tục sống nương nhờ cửa Phật.
Phần ba có tên gọi là Đoàn tụ. Sau khi hộ tang chú, Kim Trọng đã trở lại để tìm người yêu. Lúc này biết được sự việc Kim Trọng vô cùng đau đớn. Chàng kết duyên với Thúy Vân theo như lời dặn của Kiều nhưng trong lòng vẫn không nguôi nhớ về nàng. Kim Trong đã đi tìm Kiều ở khắp nơi và may mắn đã cho hai người gặp lại nhau. Ngày đoàn viên của gia đình, Kiều đã quyết định “Duyên đối lứa cũng là duyên bạn bầy” để tỏ lòng kính trọng người yêu cũng như bảo vệ danh tiết của mình.
Về nội dung, Truyện Kiều mang đến giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo vô cùng to lớn. Đó là một bức tranh khắc họa chân thực xã hội trước đây đầy rẫy những sự bất công và tàn bạo. Ở đó, con người bị vùi thập, bị tha hóa chỉ vì đồng tiền. Ở xã hội đó xuất hiện quá nhiều những con buôn giáo dở, nhà chứa nhơ nhớp và cả những tên quan tham ô lại. Người phụ nữ sống trong xã hội ấy bị đối xử một cách tàn nhẫn, bất công, bị chà đạp lên nhân phẩm khiến cho họ sống không bằng chết. Thế nhưng họ vẫn giữ được nhân phẩm, vẫn thể hiện được tài năng và khát vọng tự do, khát vọng tình yêu.
Về nghệ thuật, Truyện Kiều đã cho thấy được tinh hoa trong ngôn ngữ cũng như thể loại văn học của dân tộc. Tác phẩm đã sử dụng thể thơ lục bát một cách quá xuất sắc. Khi đọc tác phẩm, ta thấy một sự gần gũi, thân thuộc nhưng vẫn rất bác học. Có thể nói, nghệ thuật tự sự của tác phẩm đã có bước phát triển vượt bậc. Cho đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và có hàng ngàn công trình nghiên cứu về tác phẩm này. Truyện Kiều không chỉ đưa văn học Việt Nam vươn xa ra thế giới mà còn giúp đất nước và con người Việt Nam ra xa hơn phạm vị quốc gia.
Truyện Kiều hoàn hảo cả về mặt nội dung và nghệ thuật. Những nhân vật trong tác phẩm như là con người thật ngoài đời. Đó là những điều làm nên giá trị tuyệt vời cho tác phẩm này.
Giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật mẫu số 3
Nguyễn Trãi là một nhà thơ kiệt xuất của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ông để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị lớn. Nếu như "Bình Ngô đại cáo" của ông mang đầy nhiệt huyết, lòng tự tôn dân tộc thì bài thơ "Cảnh ngày hè" là một bức tranh về vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi.
Mở đầu bài thơ "Cảnh ngày hè" là sáu câu thơ miêu tả cảnh ngày hè:
"Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Lao xao chợ cá làng Ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương"
Tác giả đã đón nhận cảnh ngày hè trong tư thế ung dung thoải mái nhất khi ở ẩn, lúc nhà vua không còn trọng dụng tới nữa. Bức tranh cảnh ngày hè được vẽ lên thật rực rỡ và tươi đẹp với nhiều màu sắc. Đó là màu xanh của cây hòe, màu đỏ của hoa lựu, màu hồng của hoa sen, màu vàng lung linh của ánh nắng chiều. Tất cả hòa quyện lại với nhau. Tạo nên cảnh vật đặc trưng của mùa hè. Không chỉ cảm nhận bằng thị giác, Nguyễn Trãi còn cảm nhận cảnh vật bằng thính giác khướu giác và tâm hồn của một người nghệ sĩ. Ông thấy mùi hương của ao sen, thấy âm thanh "lao xao" của làng chài, "dắng dỏi" của tiếng ve. Bức tranh cảnh ngày hè đã trở nên sinh động hơn, đặc sắc hơn với âm thanh và mùi vị. Mặc dù khung cảnh mà tác giả miêu tả là cuối ngày, khi mặt trời lặn nhưng mọi vật vẫn tràn đầy sức sống với những từ ngữ "đùn đùn", "giương", "phun", "tiễn", "lao xao", "dắng dỏi". Những từ ngữ đó cũng góp phần thể hiện những điều trong lòng tác giả - ước mong được cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Nhiệt huyết đó như muốn phun ra, trào ra và lan tỏa đi khắp nơi. Trong sáu câu thơ này, tác giả đã không đi theo tính quy phạm của văn học phong kiến nữa. Ông miêu tả cảnh ngày hè với những sự vật vô cùng thân thuộc gần gũi với cuộc sống hằng ngày.
Hai câu cuối của bài thơ đã được Nguyễn Trãi gửi gắm trọn vẹn tâm tư và suy nghĩ:
"Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương"
Tuy tác giả đón nhận cảnh ngày hè với tư thế ung dung trong một ngày nhàn rỗi nhưng ông vẫn luôn suy nghĩ, lo lắng cho nhân dân, cho đất nước. Cảm nhận cảnh ngày hè nhưng tác giả vẫn quan tâm tới cuộc sống của nhân dân. Thế nên ông nghe thấy âm thanh tấp nập, lao xao của làng chài. Ông quan tâm tới nhân dân, lo cho dân cho nước. Chính vì vậy, ông ước mong mình có cây đàn của vua Ngu Thuấn. Với cây đàn đó, Nguyễn Trãi có thể mang tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và đất nước.
Bài thơ "Cảnh ngày hè" được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật có chen hai câu thơ lục ngôn. Tuy vậy, nhà thơ lại không tuân theo bố cục: Đề - Thực - Luận - Kết của thể thơ Đường luật. Chính vì thế, bài thơ mang nét đặc sắc riêng của một nhà thơ kiết xuất của dân tộc Việt Nam. Không chỉ thế, bài thơ còn có hình ảnh hoa lựu khiến ta liên tưởng tới hai câu thơ của Nguyễn Du:
"Đầu tường hoa lựu lập lòe đơm bông"
Câu thơ của Nguyễn Du mang đậm chất tạo hình nhưng câu thơ của Nguyễn Trãi lại thể hiện được cá tính về nhiệt huyết của mình. Điều đó cho thấy rõ hơn tài năng của Nguyễn Trãi về thơ văn.
Bài thơ "Cảnh ngày hè" đặc sắc về cả nội dung và nghệ thuật. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi. Ông là người yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước. Nhưng trên hết, ông là một người vừa có tài, vừa có tâm bởi ông luôn lo lắng cho nhân dân, cho đất nước. Ông muốn cống hiến nhiệt huyết của mình để nhân dân hạnh phúc, ấm no, đất nước giàu mạnh. Tư tưởng của Nguyễn Trãi như một bài học gửi gắm cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, ước mong cống hiến cho đất nước.
Giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật mẫu số 4
Thạch Lam cây bút văn xuôi lãng mạn tiêu biểu của văn học 1930 – 1945, các sáng tác của ông tập trung đi sâu khai thác vào cuộc sống đời thường, bình dị. Với những tác phẩm thường “truyện không có truyện” nhưng lại để lại những dư âm sâu sắc trong lòng người đọc về vẻ đẹp cuộc sống, tâm hồn con người. Một trong những tác phẩm được đánh giá “truyện không có truyện” của Thạch Lam, không thể không kể đến truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan”.
Câu chuyện kể về Thanh – một chàng trai mồ côi cha mẹ, sống cùng bà. Chàng lên tỉnh đi làm rồi hằng năm có dịp nghỉ phép sẽ về thăm quê. Lần trở về lần này đã cách kỉ nghỉ trước 2 năm, vì vậy Thanh mang trong mình nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết.
Quê hương đối với mỗi con người là mái ấm không bao giờ có thể quên. Và Thanh cũng vậy! Dù xa nhà 2 năm nhưng khi trở về, chàng cảm thấy bình yên và quen thuộc đến lạ. Căn nhà với thửa vườn như một nơi mát mẻ và hiền lành luôn sẵn sàng dang tay đón chờ Thanh. Có thể nói, dù lên tỉnh làm việc nhưng cuộc sống chốn phồn hoa đô thị không khiến chàng trai ấy thay tính đổi nết. Vẫn là một con người hiền lành, trân quý những điều giản dị và yêu thương mái ấm gia đình mình dù còn nghèo khó. Đó chính là phẩm chất cao đẹp của Thanh. Quê hương không chỉ là nơi con người “đi để trở về” mà còn là như một làn suối thanh mát làm thanh sạch tâm hồn.
Hơn hết, vì mồ côi cha mẹ từ bé, Thanh rất yêu và hiếu thảo với bà của mình. Với bà, Thanh vẫn như một chàng trai bé bỏng, để bà săn sóc, vỗ về. Nghe tiếng bà đi vào. Thanh nằm yên giả vờ ngủ. Thanh nằm yên cảm nhận bà ở bên mình quạt nhẹ trên mái tóc, cảm giác như được trở về những ngày thơ ấu. Chàng không dám động đậy, có lẽ để tận hưởng thêm những giây phút hạnh phúc ấy. Được bà yêu thương vỗ về, Thanh cảm động gần ứa nước mắt. Với Thanh, bà là tất cả. Chàng cố gắng học tập, làm việc cũng chỉ mong được báo đáp những tình cảm bag dành cho mình.
Ở quê hương, dưới bóng hoàng lan, không chỉ có bà, Thanh còn có một mối tình trong sáng, đơn sơ, giản dị. Đó là những tình cảm trong sáng đầu đời dành cho Nga – cô gái hàng xóm. Thấy Nga, Thanh vui vẻ gọi. Chàng nhìn cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen lánh buông trên cổ nhỏ. Đối với chàng, Nga như một người thân mật. Thanh rủ Nga đi nhặt hoàng lan rơi, hai người có không gian riêng tư để hoài niệm những kí ức tươi đẹp. Thanh thấy quả tim đập nhẹ nhàng. Trước sự bày tỏ của Nga, Thanh chẳng biết nói gì, chàng vít một cành lan hái cho Nga như thay cho lời muốn nói. Đoá hoa ấy phải chăng như một lời ước hẹn thầm kín giữa hai người? Thế nhưng, cuộc đoàn tự không được bao lâu, Thanh sớm phải quay lại thành phố. Khi rời đi, chàng còn đứng lại nhìn cây hoàng lan và các cây khác trong vườn đầy lưu luyến. Chàng không trực tiếp chào Nga, có lẽ vì sợ sự lưu luyến khiến chàng không làm chủ được lòng mình. Chàng bước đi nửa buồn mà nửa vui. Buồn vì phải xa bà, xa quê và xa người con gái ấy. Nhưng cũng vui vì một chút tình cảm đã được nhen nhóm trong lòng. Thanh nghĩ đến căn nhà như một nơi mát mẻ và sung sướng để chàng thường về nghỉ sau việc làm. Nơi ấy có bà, có Nga và có cây hoàng lan của hai người. Và Thanh biết rằng Nga sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước. Đó là tình yêu và niềm tin mà Thanh dành cho Nga.
Bên cạnh nhân vật chính là Thanh, hình ảnh người bà trong truyện ngắn hiện lên mang theo bóng hình người phụ nữ Việt Nam. Một con người tần tảo, hi sinh, vị tha, hết lòng vì gia đình. Bà không chỉ là bà mà còn là cha, là mẹ, là trụ cột gia đình đối với Thanh. Trong mắt bà, Thanh vẫn luôn bé bỏng như ngày nào. Một mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc nhưng đã nuôi Thanh khôn lớn trưởng thành. Bà săn sóc Thanh từng chút một, thấy chàng ngủ, bà nhẹ buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi. Thanh có lẽ chính là động lực sống của bà.
Còn Thanh – một cô bé hàng xóm hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng là người đã thay Thanh ở bên bà những lúc Thanh vắng nhà. Nga dành cho Thanh một tình yêu chân thành mà kín đáo. Trong bữa cơm cùng bà và Thanh, cô gái ấy chỉ ăn nhỏ nhẹ, cầm chừng và buông đũa luôn để sới cơm cho Thanh. Người con gái ấy hồi hộp, căng thẳng như lần đầu về nhà chồng. Thỉnh thoàng, nàng nhìn Thanh mang theo bao yêu thương, trìu mến. Khi cùng Thanh đi nhặt hoa lan, Nga thẹn thùng nhưng cũng mạnh mẽ mà bày tỏ tình cảm của mình: “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá”. Mỗi lời bày tỏ nỗi nhớ nhưng cũng như một lời tỏ tình đối với Thanh. Nga nâng niu đoá hoa mà Thanh hái cho mình, khoe bà: “Anh con hái đấy ạ” đầy vui sướng, hạnh phúc. Đoá hoa ấy như chan chứa sự kết trái cho mối tình của Nga và Thanh. Để rồi, mỗi mùa hoa hoàng lan, cô lại giắt hoa trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương. Cũng là để nhớ về người mình yêu thương.
Về thành công nghệ thuật của Thạch Lam, có lẽ không thể không nhắc đến cách xây dựng “truyện không có cốt truyện”. Truyện ngắn của ông được nhận xét là đậm chất trữ tình. Ông không đi sâu vào khai thác những mâu thuẫn của hiện thực, không tạo dựng những tình huống kịch tính mà tập trung khám phá tâm hồn con người. “Dưới bóng hoàng lan” là một truyện ngắn như vậy. Câu chuyện diễn ra yên bình, nhẹ nhàng như chính bức tranh thiên nhiên trong sáng được diễn tả trong tác phẩm. Không có sự kiện nổi bật, không có biến cố, các nhân vật xuất hiện một cách tự nhiên, một cuộc sống sinh hoạt đời thường hiện ra không có gì độc đáo. Thế nhưng, nó lại có sức hút đến lạ. Sức hút đến từ dòng cảm xúc của các nhân vật. Thanh – một chàng trai trở về quê sau 2 năm xa với niềm mong nhớ khôn nguôi. Quê hương như dòng nước thanh khiết gột rửa tâm hồn chàng tránh xa khỏi chốn phồn hoa đô thị. Và bà của Thanh mang bóng hình người phụ nữ Việt Nam – một con người tần tảo, hi sinh, chịu thương chịu khó. Nga – một cô bé hàng xóm xinh xắn, hồn nhiên, dễ thương mang trong mình mối tình sâu kín đầu đời với Thanh. Mạch truyện diễn ra chậm rãi, nhẹ nhàng cùng những cảm xúc của nhân vật khiến bạn đọc như được hoà mình trong khung cảnh thanh bình, yên ả ấy.
Như vậy, chúng ta thấy rằng cách xây dựng nhân vật của Thạch Lam không quá nổi bật, nhưng lại mang những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Đó là câu chuyện về tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước. Bóng hoàng lan là không gian quen thuộc nơi con người bộc lộ tình cảm chân thành cho nhau, là không gian mát mẻ, tĩnh lặng, đối lập với cuộc sống phồn thị ngoài kia và cũng là nơi ươm mầm mối tình trong sáng, đẹp đẽ.
Giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật mẫu số 5
Tượng David, tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch của thiên tài Michelangelo, là một trong những biểu tượng nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới. Được hoàn thành vào năm 1504, tác phẩm này không chỉ là một kiệt tác về mặt kỹ thuật mà còn mang trong mình những giá trị nghệ thuật và nhân văn sâu sắc.
David được miêu tả là một chàng thanh niên trẻ tuổi, cơ bắp cuồn cuộn, đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ánh mắt của David hướng về phía xa xăm, thể hiện sự tập trung cao độ và quyết tâm chiến thắng. Tác phẩm này lấy cảm hứng từ câu chuyện trong Kinh thánh về David, một chàng mục đồng trẻ tuổi đã đánh bại gã khổng lồ Goliath. Tuy nhiên, Michelangelo đã đi xa hơn khi ông không chỉ tái hiện lại một câu chuyện mà còn tạo ra một biểu tượng cho sức mạnh, sự tự do và tinh thần dân tộc của thành phố Florence.
Michelangelo đã thể hiện một kỹ năng điêu khắc điêu luyện khi tạo ra bức tượng David. Từng đường nét trên cơ thể David đều được tỉ mỉ, tinh xảo. Từ những bắp thịt căng tròn đến những gân guốc nổi lên, tất cả đều toát lên vẻ đẹp hoàn hảo của một cơ thể con người. Đặc biệt, đôi tay của David được miêu tả một cách sinh động, với những ngón tay thon dài, mạnh mẽ, sẵn sàng cầm lấy cây ná.
Bức tượng David không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà còn mang trong mình những ý nghĩa sâu xa. Ở thời kỳ Phục hưng, khi Florence đang đối mặt với nhiều khó khăn, bức tượng David được xem như một biểu tượng cho sức mạnh và sự kiên cường của thành phố. Hình ảnh David chống lại gã khổng lồ Goliath đã trở thành nguồn cảm hứng cho người dân Florence trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Tượng David của Michelangelo đã trở thành một biểu tượng của nghệ thuật Phục hưng và có ảnh hưởng sâu rộng đến các nghệ sĩ sau này. Bức tượng này đã định hình lại tiêu chuẩn về vẻ đẹp nam tính và trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà điêu khắc.
Tượng David của Michelangelo là một kiệt tác nghệ thuật bất hủ, là sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật điêu khắc điêu luyện, nội dung sâu sắc và giá trị nhân văn. Tác phẩm này không chỉ là một biểu tượng của nghệ thuật Phục hưng mà còn là một biểu tượng của sức mạnh, sự tự do và tinh thần dân tộc.
Giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật mẫu số 6
Mona Lisa, hay còn được biết đến với tên gọi khác là La Gioconda, là một bức chân dung sơn dầu trên gỗ của danh họa Leonardo da Vinci, được hoàn thành vào khoảng giữa năm 1503 và 1519. Tác phẩm hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp và là một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất thế giới.
Điều làm cho Mona Lisa trở nên đặc biệt và thu hút sự chú ý của hàng triệu người trên thế giới chính là nụ cười bí ẩn của người phụ nữ trong tranh. Nụ cười ấy vừa dịu dàng, ấm áp lại vừa mang một chút gì đó khó nắm bắt, khiến người xem không khỏi tò mò và muốn khám phá. Đôi mắt của Mona Lisa hướng thẳng về phía người xem, tạo cảm giác như cô đang nhìn thấu tâm hồn của bạn. Ánh mắt ấy vừa thân thiện lại vừa mang một chút xa lạ, khiến người ta không thể rời mắt. Leonardo da Vinci đã sử dụng kỹ thuật sfumato để tạo ra những lớp màu chuyển tiếp mềm mại, làm cho khuôn mặt của Mona Lisa trở nên sống động và chân thực đến kinh ngạc. Bức tranh không có một bối cảnh cụ thể, chỉ có một khung cảnh thiên nhiên mờ ảo phía sau. Điều này càng tăng thêm vẻ bí ẩn và kích thích trí tưởng tượng của người xem.
Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều bí ẩn xung quanh bức tranh Mona Lisa. Mặc dù có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng danh tính chính xác của người phụ nữ trong tranh vẫn chưa được xác định một cách chắc chắn. Tại sao nụ cười của Mona Lisa lại có sức hấp dẫn đến vậy? Các nhà khoa học và nghệ thuật đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng vẫn chưa có một lời giải đáp cuối cùng. Các nhà khoa học cũng đã sử dụng nhiều công cụ hiện đại để phân tích bức tranh, nhưng vẫn chưa khám phá hết được tất cả những bí mật mà Leonardo da Vinci đã ẩn giấu trong đó. Mona Lisa không chỉ là một bức tranh, mà còn là một biểu tượng của vẻ đẹp, sự bí ẩn và sự bất tử. Tác phẩm này đã vượt qua giới hạn thời gian và không gian, trở thành một trong những biểu tượng văn hóa phổ quát nhất trên thế giới.
Mona Lisa là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và đầy bí ẩn. Bức tranh không chỉ là một kiệt tác về mặt kỹ thuật mà còn mang trong mình những giá trị nhân văn sâu sắc. Dù đã trải qua hàng trăm năm, Mona Lisa vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của mọi người và khơi gợi những cảm xúc khác nhau.
Giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật mẫu số 7
Giao hưởng số 9 cung Rê thứ, Opus 125, thường được biết đến với tên gọi "Giao hưởng Niềm vui", là tác phẩm giao hưởng cuối cùng và cũng là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của Ludwig van Beethoven. Hoàn thành vào năm 1824, khi nhà soạn nhạc đã hoàn toàn điếc, Giao hưởng số 9 được xem như đỉnh cao của nghệ thuật giao hưởng và là một trong những bản giao hưởng được biểu diễn và ghi âm nhiều nhất trên thế giới.
Điều đặc biệt của Giao hưởng số 9 là sự kết hợp giữa quy mô hoành tráng, cấu trúc phức tạp và những giai điệu đầy cảm xúc. Bản giao hưởng này được chia thành bốn chương, mỗi chương mang đến những trải nghiệm âm nhạc khác nhau. Chương cuối, với lời ca "Ode to Joy" (Ngợi ca niềm vui) của Friedrich Schiller, đã trở thành một biểu tượng của tình đoàn kết và hòa bình của nhân loại.
Giao hưởng số 9 không chỉ là một tác phẩm âm nhạc mà còn là một thông điệp về tình yêu, niềm tin và hy vọng. Beethoven đã sử dụng âm nhạc để thể hiện những suy tư sâu sắc về cuộc sống, về con người và về thế giới. Qua tác phẩm này, ông muốn gửi gắm thông điệp về sự đoàn kết, tình bằng hữu và niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Giao hưởng số 9 đã có ảnh hưởng sâu sắc đến nền âm nhạc thế giới. Bản giao hưởng này đã mở ra một chương mới trong lịch sử âm nhạc, đánh dấu sự chuyển đổi từ thời kỳ Cổ điển sang thời kỳ Lãng mạn. Nhiều nhà soạn nhạc sau này đã lấy cảm hứng từ Giao hưởng số 9 để sáng tác những tác phẩm của mình.
Giao hưởng số 9 của Beethoven là một kiệt tác âm nhạc bất hủ, là một di sản quý báu của nhân loại. Bản giao hưởng này không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một thông điệp về tình yêu, hy vọng và niềm tin vào tương lai. Giao hưởng số 9 sẽ mãi mãi là một nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ nghệ sĩ và khán giả yêu nhạc.
-/-
Trên đây là những gợi ý cơ bản và một số bài văn mẫu giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật theo lựa chọn cá nhân do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn. Hy vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm những ý văn hay cho bài làm văn của mình. Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 11 để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các em học tốt!