Trang chủ

Giải thích câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Xuất bản: 03/12/2019 - Cập nhật: 27/04/2020 - Tác giả:

Giải thích câu tục ngữ: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, hướng dẫn làm bài văn bàn luận về ý nghĩa của câu tục ngữ thể hiện truyền thống biết ơn của dân tộc ta.

Giải thích câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây với hệ thống dàn ý chi tiết cùng những mẫu bài văn hay tham khảo sẽ giúp các em nắm được cách làm và triển khai bài viết một cách hoàn chỉnh và hay nhất. Cùng tham khảo ngay nhé!

Đề bài: Em hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ sau: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

***********

Hướng dẫn làm bài giải thích câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

1. Phân tích đề

- Yêu cầu đề bài: Giải thích câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây qua đó rút ra bài học về lòng biết ơn

- Đối tượng làm bài: câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

- Phương pháp làm bài: giải thích, chứng minh

2. Các luận điểm chính cần triển khai

Luận điểm 1: Giải thích câu tục ngữ theo nghĩa đen và nghĩa bóng

Luận điểm 2: Chứng minh, giải thích ý nghĩa câu tục ngữ

Luận điểm 3: Rút ra kinh nghiệm, bài học

3. Lập dàn ý

1. Mở bài:

- Giới thiệu câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" với ý nghĩa sâu xa là đạo lí tốt đẹp của nhân dân và nó là truyền thống quý báu của dân tộc về lòng biết ơn.

2. Thân bài

a) Giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng

+ Nghĩa đen của câu: Mượn hình ảnh quen thuộc là “quả” là thành quả, vật chất, tinh thần. Quả là thứ trái ngon nhất của cây, là thành quả cuối cùng sau một thời gian lao động mà người trồng cây có được.

=> Câu tục ngữ muốn nhắc chúng ta: Khi ăn, hưởng những trái ngon thì phải nhớ đến người đã làm ra, trồng ra cây đó. Họ là những người đã bỏ công sức vất vả có khi cả xương máu để tạo ra thành quả đó. Còn “Nhớ” là thái độ, tình cảm của mỗi người.

+ Nghĩa bóng của câu: nhắn nhủ chúng ta phải luôn biết ơn, nhớ đến công lao của những người đi trước, những người đã cho ta hưởng được thành quả như bây giờ.

=> Tóm lại câu tục ngữ muốn giáo dục chúng ta về truyền thống biết ơn.

b) Chứng minh, giải thích ý nghĩa câu tục ngữ

- Vậy tại sao “Ăn quả“ phải “nhớ kẻ trồng cây”?

+ Bởi lẽ không phải tất cả những thành quả mà chúng ta đã hưởng tự nhiên mà có. Nó là những thành quả của mồ hôi, công sức, trí tuệ, có khi xương máu của lớp lớp người đi trước.

+ Chúng ta hưởng sự hòa bình, tự do là nhờ công lao, công sức, xương máu của các vị anh hùng, các chiến sĩ. Chúng ta được lớn lên, đầy đủ, học hành là nhờ công lao trời bể của cha mẹ, thầy cô.

+  Ý nghĩa của câu tục ngữ còn được đúc kết quả những câu tục ngữ, ca dao khác như : “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng”. Chúng ta có thể thấy hai câu tục ngữ này đều cùng nội dung với câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” có nghĩa là chúng ta phải nhớ đến nguồn gốc, cội nguồn là con dân đất Việt. Đó là lòng nhớ ơn, biết ơn tổ tiên của mình. Trong gia đình, con cháu biết ơn ông bà, tổ tiên. Điều đó đã được thể hiện trong câu ca dao ngọt ngào thấm đẫm tình cảm:

“Con người có cố có ông

Như cây có cội như sông có nguồn”

-> Những câu tục ngữ, ca dao này đã phản ánh một truyền thống vô cùng tốt đẹp của ông cha ta. Thế hệ trẻ chúng ta cần giữ gìn, phát huy những truyền thống ấy

c) Rút ra kinh nghiệm, bài học

- Vì đó truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chúng ta không chỉ nói bằng miệng mà phải thể hiện qua hành động để giữ gìn và phát huy.

+ Những hành động thiết thực như thờ cúng tổ tiên, làm cơm ngày giỗ đều thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà tổ tiên...

+ Cho đến ngày nay nhân dân ta vẫn tiếp tục truyền thống đạo lí của cha ông.

+ Thế hệ trẻ Việt Nam vẫn luôn phát huy và tiếp nối.

3. Kết bài

- Câu tục ngữ này đã mang một đạo lí có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Nó không chỉ có ý nghĩa giáo dục giới trẻ ngày nay mà còn để thế hệ trẻ mai sau. Chúng ta phải luôn giữ gìn và phát huy đạo đức tốt đẹp này.

4. Sơ đồ tư duy


5. Kiến thức bổ sung: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là gì?

Theo nghĩa đen, "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" nghĩa là khi ta ăn quả tức là hưởng thụ những tinh hoa, những trái thơm quả ngọt, ta không thể quên đi những người trồng cây, những người đã có công vun xới, cuốc đất để tạo ra nó. Từ đó, ông cha ta đã đúc rút ra một bài học đạo lý về lòng biết ơn vô cùng sâu sắc: Chúng ta luôn phải nhớ ơn thế hệ đi trước và những người đã vất vả làm ra thành quả để ta có được một cuộc sống đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần như ngày hôm nay.

Văn mẫu tham khảo giải thích câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Giải thích câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây - Bài mẫu 1:

Từ xưa đến nay, ông cha vẫn thường căn dặn chúng ta sống phải biết ơn, tôn trọng những người đã tạo ra thành quả cho ta hưởng. Điều đó thể hiện rõ trong câu tục ngữ:

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Câu tục ngữ như một lời khuyên đối với chúng ta. Xét về nghĩa đen, “quả” là cái thơm ngon nhất của cây, kết tinh sự tinh khiết qua thời gian. Vì vậy khi ăn một trái quả thơm ngon thì ta phải nhớ tới những người đã trồng ra cây đó. Nhưng ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ lại muốn khuyên chúng ta khi được hưởng một thành quả nào đó thì phải nhớ ơn những người đã tạo ra thành quả ấy. “Ăn quả” là hình ảnh nói về những người hưởng thành quả, còn “trồng cây” là hình ảnh nói về những người làm ra thành quả cho người hưởng thụ.

Vậy vì sao “ăn quả” phải nhớ “kẻ trồng cây” ? Vì tất cả những thành quả mà chúng ta đang hưởng thụ không phải tự nhiên mà có được. Những thành quả đó là mồ hôi, nước mắt, công sức, trí tuệ và cả xương máu của biết bao lớp người tạo nên để đem lại cuộc sống hạnh phúc cho chúng ta. Đã bao giờ ta tự hỏi: Tại sao ta lại có mặt trên đời này? Đó là công ơn của cha mẹ. Cha mẹ luôn ở bên cạnh ta ngay cả những lúc ta buồn vui, san sẻ, nuôi dưỡng những ước mơ của chúng ta. Còn thầy cô giáo là những người cha, người mẹ thứ hai luôn gần gũi chỉ bảo, mở ra cho chúng ta những kho tàng kiến thức của nhân loại, để rồi chắp cánh ước mơ cho chúng ta. Bên cạnh đó, công ơn của các chú bộ đội, các cô thanh niên xung phong cũng rất to lớn. Không có họ, làm sao chúng ta được hưởng sự bình yên, hạnh phúc như ngày hôm nay, được cắp sách tới trường vui đùa với bạn bè. Rồi những người công nhân, kĩ sư, bác sĩ không tiếc mồ hôi, công sức, trí tuệ lao động của mình. Họ đều là những người dám hi sinh cuộc đời mình để cống hiến cho đất nước. Chúng ta phải nhớ ơn họ, vì đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay: “Uống nước nhớ nguồn”, “Chim có tổ, người có tông”.

Hiểu vấn đề trên ta phải hành động như thế nào ? Hằng năm, nhà nước ta vẫn luôn nhớ đến công ơn của những người đã tạo ra thành quả cho chúng ta được hưởng thụ, điều đó rất hợp với tình người. Đối với cha mẹ, cũng có những người con hết lòng thương yêu, kính trọng cha mẹ vì họ hiểu cha mẹ chính là người tạo ra cuộc sống cho họ ngày hôm nay. Thật đúng với lời khuyên của câu tục ngữ. Chúng ta, mỗi người ai cũng cần phải có ý thức bảo vệ và phát huy đạo lí đó. Thực hiện tốt bổn phận làm con trong gia đình, bổn phận người học trò trong nhà trường, biết ơn những thế hẹ đi trước là những điều chúng ta phải ghi nhớ.

Câu tục ngữ đã để lại một bài học thật quý giá. Chúng ta những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cần chăm chỉ học tập để giữ gìn những thành quả mà ông cha đã tạo dựng và luôn nhắc nhở nhau sống theo đạo lí tốt đẹp mà câu tục ngữ đã dạy.

Xem thêm:

Giải thích câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây - Bài mẫu 2:

Từ xưa đến nay, ông cha ta luôn để lại những câu ca dao, tục ngữ gửi gắm những lời dạy, khuyên răn con cháu nên biết hành xử, biết đối nhân xử thế, những mẹo hay trong trồng trọt, chăn nuôi mà ông cha ta đã tổng kết rút kinh nghiệm. Dù chỉ là những câu tục ngữ ngắn gọn, súc tích nhưng nó lại ẩn chứa biết bao nhiêu hàm ý sâu xa. Cũng giống như câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Câu tục ngữ này chỉ với 6 từ nhưng những điều răn dạy mà ông cha ta đã dạy thì nó sẽ được lưu truyền mãi mãi với thời gian. Không có tác giả rõ ràng, không biết nó xuất hiện vào thời gian nào, nhưng mỗi chúng ta khi đi học hay ngoài thực tế cuộc sống đều thường xuyên nghe câu tục ngữ này.

Nếu giải thích theo đúng nghĩa đen của câu tục ngữ, thì nôm na có thể hiểu rằng, mỗi loại quả, mỗi loại trái cây khi chúng ta ăn đều có mồ hôi, công sức của những người nông dân, đã một nắng hai sương, đã bán mặt cho đất bán lưng cho trời để tạo ra sản phẩm của ngày hôm nay. Nếu không có họ thì làm sao chúng ta không mất công sức, không chăm chút mà vẫn có quả cho chúng ta ăn. Nhiều người đã nói rằng, họ bỏ tiền ra thì chẳng phải nhớ công những người trồng, nhưng ai trong chúng ta có thể chăm chút, bỏ công sức ra để có thể trồng được những cây đó? Đó mới là vấn đề đáng nói. Những sản phẩm mà chúng ta có được hay nói chính xác hơn là chúng ta có thể lựa chọn trong siêu thị, hàng quán một cách dễ dàng thì đối với người nông dân lại không dễ dàng gì? Bạn đã bao giờ phải đối mặt với mất mùa chưa? Bạn đã bao giờ phải thức đêm, đày ngoài nắng để chăm cây chưa? Vậy, với bất kể những thứ gì bạn có được thì hãy luôn nhớ và biết ơn những người đã trồng chúng.

Đó là hiểu theo nghĩa đen, còn đối với nghĩa bóng thì sao? Trong sự phát triển của xã hội hiện đại, thì bất kỳ những gì mà chúng ta đang có đều có những người đã phải bỏ công, bỏ sức ra để ta có được những thành quả như ngày hôm nay. Vậy hãy đừng chỉ biết hưởng thụ mà hãy biết ơn, nhờ tới những người đã hy sinh cho ta. Đó là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, biết bao nhiêu chiến sỹ đã ngã xuống, bao nhiêu người đã nằm lại để ta có một cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay. Để bạn được sinh ra và lớn lên trong một xã hội hòa bình, những hình ảnh quá khứ dù có tái hiện lại thì trong chúng ta chắc hẳn cũng không thể nào hình dung ra hết được. Chính vì vậy hãy biết ơn và luôn nhớ tới những vị anh hùng, những chiến sỹ đã sẵn sàng hy sinh để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho chúng ta như bây giờ.

Không chỉ là với quốc gia, dân tộc, nó còn là sự biết ơn công ơn dưỡng dục của cha mẹ, ông bà tổ tiên, là chính những người đã sinh ra chúng ta. Bố mẹ sinh ra và nuôi dạy chúng ta lên người. Vì vậy, chúng ta phải luôn biết ơn cha mẹ. Không được làm cho cha mẹ hay ông bà phiền lòng. Luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng để mỗi chúng ta có thể xây dựng một xã hội phát triển lớn mạnh hơn nữa.

Giải thích câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây - Bài mẫu 3:

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, một câu thành ngữ vô cùng quen thuộc với chúng ta. Đây là một trong những truyền thống đạo lý tốt đẹp nhất mà ông bà ta đã đúc kết và truyền đạt lại qua bao thế hệ.

Nghe từng từ trong câu thành ngữ này là chúng ta có thể hiểu được nghĩa đen của nó một cách đơn giản nhất. “Ăn quả” – thưởng thức quả ngon, trái ngọt... nhớ “kẻ trồng cây” – người đã vun trồng chăm sóc cây. Không chỉ dừng lại ở nghĩa đen bình dị đó, câu thành ngữ còn mang theo cả một giá trị tốt đẹp đó là lòng biết ơn.

Bằng hình ảnh ẩn dụ đặc biệt “ăn quả” là sự thừa hưởng kế thừa những thành quả, những giá trị vật chất hoặc tinh thần. “Kẻ trồng cây” chính là hình ảnh ẩn dụ cho những người đã cống hiến sức lao động, đã tạo ra những giá trị, những thành quả đó, hay xa hơn là những thế hệ đi trước đã xây dựng tạo nên nền tảng cho thế hệ chúng ta đang kế thừa.

Thật vậy,  bất kỳ thứ gì chúng ta sử dụng hàng ngày đều được tạo nên từ sức lao động mà có được, từ bát cơm dẻo thơm, nước uống sạch tinh khiết, quần áo dày dép, xe cộ đi lại, công nghệ thông tin… tất cả đều là thành quả của quá trình lao động, nghiên cứu để tạo nên. Ngay cả khi chúng ta có mặt trên đời đến khi trưởng thành thì chúng ta đã chịu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, công ơn này lớn tựa trời biển. Mỗi giây phút thanh bình, cuộc sống ấm no chúng ta đang tận hưởng ngày nay đều do các vị anh hùng dân tộc, các thế hệ cha anh đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Dù rằng những người này không bao giờ đòi hỏi chúng ta phải biết ơn, đền ơn, nhưng lòng biết ơn là thước đo giá trị đạo đức, nhân cách của một con người. Khi chúng ta biết trân trọng những giá trị mà chúng ta đang thừa hưởng, khi biết nhớ về nguồn cội, chúng ta sẽ ý thức được trách nhiệm, bổn phận của mình để sống thực sự có ý nghĩa.

Có thể bằng những hành động đơn giản nhất như: kính trọng cha mẹ, thầy cô, biết làm gương cho con em chúng ta những hành động về lòng biết ơn đó. Ngày xưa vua Thuấn vì có lòng hiếu thảo với đấng sinh thành nên được phong làm Vua của một nước. Ngày nay thời đại mới, chúng ta có nhiều mối quan hệ xung quanh hơn nữa, thì lòng biết ơn được nâng tầm hơn nữa không chỉ dừng lại ở chữ hiếu, nếu áp dụng được lòng biết ơn vào cuộc sống hàng ngày thì nhất định chúng ta sẽ được mọi người xung quanh yêu quý, tôn trọng.

Có thể chúng ta sẽ không thể quên công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ khi hàng năm đều có những dịp lễ Vu lan báo hiếu, Ngày Của Cha, Ngày Của Mẹ. Chúng ta biết ơn những thế hệ ông cha vào ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 hay tưởng nhớ đến các vị anh hùng liệt sĩ ngày 27/7 Thương binh liệt sĩ hàng năm, nhớ đến công ơn dạy dỗ của thầy cô vào ngày 20/11 Nhà giáo Việt Nam…

Nhưng có những điều gần gũi nhất với chúng ta hằng ngày, những thứ bình dị nhất mà có thể rất nhiều trong chúng ta không nhớ đến, đôi khi không có những thứ bình dị đó chúng ta không thể tồn tại. Có thể do nhịp sống quá vội vàng, chúng ta quên đi rằng mỗi con người tồn tại trên cuộc đời đều đang nhận rất nhiều thứ về mình mà. Chúng ta nhận được rất nhiều thứ từ thiên nhiên: những tia nắng ấm áp, khí trời trong veo, những giọt nước trong lành, những làn gió mát, hay bầu khí quyển mà chúng ta luôn cần để hít thở từng giây phút.

Những điều thiên nhiên đã ban cho chúng ta là vô số kể, vì vậy đối với mẹ thiên nhiên chúng ta cũng cần phải thể hiện lòng biết ơn đó là tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống. Lòng biết ơn này chỉ cần thể hiện bằng những việc làm nhỏ nhất hàng ngày: không xả rác bừa bãi, hạn chế sử dụng rác thải nhựa để bảo vệ bầu không khí trong lành, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng vừa đủ tránh lãng phí, và sử dụng đi đôi với bảo vệ môi trường.

Có thể nói “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một bài học về đạo lý làm người sâu sắc và ý nghĩa của dân tộc Việt Nam ta. Nó được đúc kết bằng câu tục ngữ hết sức mộc mạc và giản dị. Thế nhưng lòng biết ơn không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi đất nước Việt Nam ta. Ở xa hơn những đất nước phát triển chúng ta cũng đã nghe đến lòng biết ơn của những người nổi tiếng như: Hoa Hậu Thái Lan Mint Kanistha – cô đã về nhà quỳ lạy để cảm ơn người mẹ nhặt ve chai của mình sau khi được đăng quang. Hay phong tục rửa chân cho cha mẹ để thể hiện lòng biết ơn của những sinh viên Hàn Quốc, hay hành những hày động Vì Môi Trường mà cả thế giới đang hưởng ứng.

Dù chúng ta đang là ai, đang có những thành tựu, danh vọng gì thì cũng đừng quên đi người đã sinh ra, nuôi dưỡng, dạy dỗ ta để có được những điều đó. Nếu ta quên đi những người đã có công ấy, chúng ta sẽ dễ dàng trở thành một người mất tư cách đạo đức, không được xã hội trân quý.

Bài học “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” chắc chắn sẽ là một bài học vô cùng quý giá trên con đường của mỗi chúng ta sau này. Bất kể con đường nào, với hành trang ấy, chúng ta sẽ trở thành một con người hoàn thiện hơn về mặt tư tưởng đạo đức và văn minh hơn về mặt ứng xử với mọi người, môi trường xung quanh.

>> Tham khảoNghị luận về ý nghĩa bài ca dao Công cha như núi Thái Sơn

-/-

    Trên đây là hướng dẫn chi tiết giải thích câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây cùng các bài văn mẫu hay tham khảo giúp em nắm được cách làm và có thêm nhiều ý văn hay cho mình. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 7 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM