Trang chủ

Giải KHTN 7 Bài 35 Chân trời sáng tạo : Các nhân tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật

Xuất bản: 18/10/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn giải KHTN 7 bài 35 Chân trời sáng tạo : Các nhân tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật, gợi ý trả lời các câu hỏi trong nội dung bài học trang 159 - 163 SGK Khoa học Tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo

Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời các câu hỏi bài tập giải KHTN 7 Chân trời sáng tạo bài 35: Các nhân tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật, giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi đến lớp cho nội dung bài học tìm hiểu về các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật, ứng dụng và giải thích một số hiện tượng thực tiễn.

Giải KHTN 7 bài 35 Chân trời sáng tạo

Nội dung chi tiết tài liệu tham khảo giải bài tập Khoa học tự nhiên 7 bài 35 Chân trời sáng tạo:

Câu hỏi mở đầu trang 159 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Khi trồng cây trong nhà hoặc các phòng làm việc, tại sao người ta thường đặt chậu cây ở vị trí gần cửa sổ?

Trả lời:

Khi trồng cây trong nhà hoặc các phòng làm việc, người ta thường đặt chậu cây ở vị trí gần cửa sổ nhằm giúp cây có thể hấp thụ được ánh sáng để quang hợp, đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển bình thường.

1. Ảnh hưởng của một số nhân tố chủ yếu đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật

Câu 1 trang 159 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Quan sát Hình 35.1, hãy cho biết:

- Giới hạn nhiệt độ của cá rô phi ở Việt Nam.

- Khoảng nhiệt độ thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cá rô phi.

Trả lời:

Quan sát kĩ hình 35.1, ta thấy:

- Giới hạn nhiệt độ của cá rô phi ở Việt Nam: 5,6oC và 42oC.

- Khoảng nhiệt độ thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cá rô phi: 23oC đến 37oC.

Câu 2 trang 159 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Từ bảng 35.1, nêu ảnh hưởng của nhiệt độ đến tỉ lệ sống, số lá, độ dài, bề rộng của tán cây lan hồ điệp.

Trả lời:

Ảnh hưởng của nhiệt độ đến tỉ lệ sống, số lá, độ dài, bề rộng của tán cây lan hồ điệp: Khoảng nhiệt độ từ 25oC - 31oC là khoảng nhiệt độ mà lan hồ điệp có tỉ lệ sống cao nhất, cây có số lá nhiều nhất, chiều dài lá dài nhất, độ rộng của lá lớn nhất. Trên 31oC và dưới 25oC, các chỉ số này sẽ giảm dần.

Câu 3 trang 160 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Quan sát Hình 35.2, cho biết ý nghĩa của sự phân tầng thực vật trong rừng mưa nhiệt đới đối với thực vật.

Trả lời:

Ý nghĩa của sự phân tầng thực vật trong rừng mưa nhiệt đới đối với thực vật:

- Sự phân tầng của thực vật trong rừng mưa nhiệt đới được thể hiện khá rõ nét: tầng vượt tán, tầng tán rừng, tầng dưới tán, tầng thảm xanh,…

- Sự phân tầng này giúp đáp ứng nhu cầu khác nhau về ánh sáng giữa các loài thực vật, đảm bảo cho thực vật tận dụng được nguồn sống chủ yếu là ánh sáng một cách tối ưu: thực vật ưa sáng sẽ ở tầng cao, tầng vượt tán còn thực vật ưa bóng sẽ ở tầng sàn rừng, dưới tán và tầng thảm xanh.

Câu 4 trang 160 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Cho biết dấu hiệu của trẻ bị còi xương do thiếu ánh sáng.

Trả lời:

Dấu hiệu của trẻ bị còi xương do thiếu ánh sáng: trán dô, cong cột sống lưng, lồi rõ các xương sườn, phình to ở cổ tay, khửu tay (các khớp), bụng trướng, chân cong.

Câu hỏi củng cố trang 160 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Tại sao khi trồng các cây ngày dài ở miền Bắc vào mùa đông thường cho năng suất thấp hơn khi trồng ở miền Nam của Việt Nam?

Trả lời:

Khi trồng các cây ngày dài ở miền Bắc vào mùa đông thường cho năng suất thấp hơn khi trồng ở miền Nam là bởi vì: Các cây dài ngày là loại cây thích nghi với điều kiện nhiều ánh sáng, trong khi mùa đông ở miền Bắc thường nhanh tối nên cây sẽ không có đủ ánh sáng để quang hợp dẫn đến năng suất sẽ thấp hơn miền Nam. Ngoài ra, mùa đông ở miền Bắc có khí hậu khắc nghiệt (nhiệt độ thấp, sương muối,…) cũng làm kìm hãm sinh trưởng, phát triển của cây.

Câu hỏi vận dụng trang 160 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Vì sao việc tắm nắng vào sáng sớm có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của trẻ nhỏ?

Trả lời:

Việc tắm nắng vào sáng sớm có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của trẻ nhỏ vì:

- Giúp trẻ hấp thụ, tổng hợp vitamin D từ ánh sáng mặt trời để xương phát triển chắc khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, phát triển hệ thần kinh,... tuy nhiên tia UVA có nhiều vào khoảng nắng gắt sau 8h sáng đem đến nhiều nguy cơ gây bỏng, ung thư da.

- Làm tăng lượng bạch cầu và các kháng thể tăng cường hệ miễn dịch.

- Giúp trẻ có giấc ngủ ngon hơn, cải thiện tâm trạng và cảm xúc.

- Ngăn ngừa tình trạng vàng da.

- Cải thiện quá trình đông máu.

Câu 5 trang 160 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Quan sát các Hình từ 34.4 đến 35.7, hãy cho biết những hậu quả xảy ra đối với thực vật, động vật và con người khi thiếu nước?

Trả lời:

Những hậu quả xảy ra đối với thực vật, động vật và con người khi thiếu nước: Khi thiếu nước, cả thực vật, động vật và con người đều không thể thực hiện được các hoạt động sống bình thường, hậu quả là cây bị héo, hạt đậu không nảy mầm; con người có dấu hiệu mệt mỏi, sốt,… Thiếu nước nghiêm trọng sẽ đe dọa đến sự sống của các sinh vật.

Câu 6 trang 160 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Em hãy lấy ví dụ về vai trò của nước đối với thực vật.

Trả lời:

Ví dụ về vai trò của nước đối với thực vật:

- Nếu không có đủ nước, hạt của cây đậu sẽ không thể nảy mầm.

- Khi hạn hán kéo dài, cây lúa thiếu nước sẽ bị héo khô và chết.

Câu 7 trang 161 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Quan sát Hình 35.7, 35.8, 35.9, cho biết sự khác nhau về hình thái giữa cây thiếu dinh dưỡng, cây thừa dinh dưỡng và cây đủ dinh dưỡng.

Trả lời:

Sự khác nhau về hình thái giữa cây thiếu dinh dưỡng, cây thừa dinh dưỡng và cây đủ dinh dưỡng:

- Cây thừa dinh dưỡng: cây sinh trưởng và phát triển quá mạnh, vượt trội về chiều cao, số lá nhưng thân bị yếu, dễ gãy, lá dễ gãy rụng.

- Cây thiếu dinh dưỡng: cây sinh trưởng và phát triển kém, thân còi cọc, lá ít và nhạt màu.

- Cây đủ chất dinh dưỡng: Cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, đầy đủ lá, lá xanh mượt.

Câu 8 trang 161 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Chế độ dinh dưỡng có liên quan đến sự phát triển về thể trạng của các em bé trong Hình 35.10 như thế nào?

Trả lời:

Chế độ dinh dưỡng có liên quan đến sự phát triển về thể trạng của các em bé:

(a) Chế độ dinh dưỡng không đủ chất có thể khiến trẻ chậm phát triển, còi xương, cổ tay và khủy tay phình to, chân cong,…

(b) Chế độ dinh dưỡng hợp lí, đầy đủ sẽ giúp trẻ đạt đến sự phát triển toàn diện, cân đối, khỏe mạnh.

(c) Chế độ dinh dưỡng quá nhiều, dẫn đến hiện tượng béo phì, kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe như gây ra nhiều bệnh như gan nhiễm mỡ, tiểu đường, huyết áp,…

Câu hỏi củng cố trang 161 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Hãy phân tích một ví dụ để chỉ ra sự ảnh hưởng của chất dinh dưỡng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật.

Trả lời:

Ví dụ về sự ảnh hưởng của chất dinh dưỡng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật: Gà Đông Tảo khi được chăm sóc tốt, đủ dinh dưỡng, không cần dùng thuốc tăng trọng, gà mái có thể nặng tới 5 – 6 kg trong thời gian khoảng 5 – 6 tháng, tuy nhiên, nếu chăm sóc không tốt, gà mái chỉ có thể đạt tối đa 3 kg/con.

2. Ứng dụng sinh trưởng và phát triển trong thực tiễn

Quan sát Hình 35.11, trả lời các yêu cầu sau:

Câu 9 trang 162 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Quan sát Hình 35.11, trả lời các yêu cầu sau: Mô hình xen canh có ý nghĩa gì đối với người nông dân?

Trả lời:

Ý nghĩa của mô hình xen canh đối với người nông dân:

- Trồng xen canh các loại cây khác nhau vừa hạn chế được sâu bệnh, vừa có tác dụng cải tạo, không làm cho đất trồng bị suy thoái.

- Giúp tận dụng nguồn ánh sáng, dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với các đặc tính sinh trưởng và phát triển của mỗi loại cây trồng khác nhau.

- Sử dụng tối đa diện tích đất trồng, không có chỗ cho cỏ dại mọc làm nơi trú ngụ cho các loại sâu hại trưởng thành.

- Làm tăng tính đa dạng của các loại cây trồng, cản trở sự phát triển, lây lan của các loài dịch gây hại (những loài chỉ dùng một loại cây nhất định để làm thức ăn).

- Tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm chi phí và thu về lợi nhuận khả quan.

Câu 10 trang 162 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Hãy cho biết ý kiến của em về việc sử dụng các chất kích thích trong điều hòa sinh trưởng và phát triển ở sinh vật.

Trả lời:

Việc sử dụng các chất kích thích trong điều hòa sinh trưởng và phát triển ở sinh vật sẽ giúp nâng cao năng suất nhưng không nên quá lạm dụng. Khi sử dụng chất kích thích cần được tư vấn và tuân thủ đúng quy trình kĩ thuật của nhà sản xuất và các chuyên gia về nông nghiệp để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phát triển bền vững, tránh gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Vì thế trong trồng trọt, chăn nuôi chúng ta nên hạn chế sử dụng các loại chất kích thích tăng trưởng, hoặc có hiểu biết nhất định về sản phẩm và sử dụng an toàn.

Câu hỏi củng cố trang 162 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Hãy kể tên một số ứng dụng sinh trưởng và phát triển trong chăn nuôi, trồng trọt

Trả lời:

Một số ứng dụng sinh trưởng và phát triển trong chăn nuôi, trồng trọt:

- Trồng xen canh mía với bắp cải, ngô với cây đậu tương,…

- Dùng GA3B (Gibberelline) trong công nghệ lúa lai, phun lên bông của cây mẹ, để bông lúa vươn dài ra, dễ tiếp nhận phấn hoa

- Dùng NAA (Naptithaline acetic acid) và IAA (Indol acetic acid) để kích thích cho cây trồng giai đoạn sinh trưởng và phát triển như giúp cành giâm nhanh ra rễ,…

- Sử dụng chất kích thích sinh trưởng cho cây trồng, các chế phẩm sinh học (trộn gừng tỏi vào thức ăn, lên men cám gạo,...) trong chăn nuôi lợn

- Kĩ thuật chiếu sáng luân phiên 2 lần một ngày khi nuôi vịt giúp tăng sản lượng trứng

- Nuôi chim trĩ phân chuồng tỉ lệ 1 trống 3 mái.

- ...

Câu 11 trang 162 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Quan sát Hình 35.12 và 35.13, hãy cho biết một số ứng dụng được sử dụng nhằm nâng cao năng suất vật nuôi.

Trả lời:

Một số ứng dụng được sử dụng nhằm nâng cao năng suất vật nuôi:

- Xây dựng chuồng trại theo mô hình khép kín, có máng ăn uống tự động, quạt thông khí.

- Tạo giống lai: mướp đắng với mướp, lợn đen (lai giữa lợn bản địa với lợn ngoại nhập),...

- Điều chỉnh nhiệt độ buồng nuôi tằm, chuồng nuôi gà,...

- Sử dụng thức ăn tổng hợp kích thích tăng trưởng cho gia súc, gia cầm.

- Sử dụng chất kích thích sinh trưởng, sinh sản, chất tạo nạo.

Câu 12 trang 163 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Quan sát Hình 35.14, hãy chỉ ra giai đoạn muỗi gây hại cho con nguời.

Trả lời:

Giai đoạn muỗi gây hại cho con người: giai đoạn muỗi trưởng thành. Ở giai đoạn này, muỗi có thể là vật trung gian truyền một số bệnh gây nguy hiểm cho con người như sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng da, viêm não,…

Câu 13 trang 163 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Trong Hình 35.15 ở giai đoạn nào trong vòng đời bướm có khả năng phá hoại mùa màng?

Trả lời:

Trong vòng đời của bướm, sâu bướm là giai đoạn có khả năng phá hoại mùa màng vì ở giai đoạn này, bướm cần rất nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng để trải qua nhiều lần lột xác và đạt được hình thái nhộng.

Câu hỏi củng cố trang 163 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Hai bạn lớp em đang tranh luận về cách diệt trừ muỗi. Bạn thứ nhất cho rằng chỉ nên diệt muỗi trưởng thành vì chỉ ở giai đoạn này chúng mới gây hại. Còn bạn thứ hai cho rằng nên diệt chúng cả ở các giai đoạn khác. Hãy cho biết ý kiến của em về vấn đề này.

Trả lời:

Theo ý kiến cá nhân của em, chúng ta nên diệt muỗi ở tất cả các giai đoạn vì không chỉ muỗi trưởng thành mà trong các giai đoạn khác, muỗi cũng có khả năng gây hại gián tiếp cho con người (các bể chứa nước, thùng, xô, lu đựng nước trong nhà là nơi lí tưởng cho ấu trùng muỗi sốt xuất huyết sinh trưởng và phát triển,...)

Câu hỏi vận dụng trang 163 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Vì sao khi nuôi cá trong bể kính, mỗi khi thay nước mới người ta chỉ thay khoảng 2/3 lượng nước, giữ lại 1/3 lượng nước cũ trong bể?
Để tăng năng suất cho cây thanh long, người ta thường thắp đèn chiếu sáng cho cây vào ban đêm, em hẫy cho biết cơ sở khoa học của việc làm này là gì?

Trả lời:

- Khi nuôi cá trong bể kính, mỗi khi thay nước mới thì người ta thường chỉ thay khoảng 2/3 lượng nước, giữ lại 1/3 lượng nước cũ trong bể nhằm giữ lại môi trường sống quen thuộc cho các sinh vật trong bể cá, đảm bảo sự thay đổi các nhân tố môi trường diễn ra từ từ, tránh hiện tượng sốc ở sinh vật do thay đổi môi trường đột ngột.

- Cơ sở khoa học của phương pháp thắp đèn chiếu sáng cho cây thanh long vào ban đêm để tăng năng suất: Thanh long là cây ra hoa trong điều kiện ngày dài (thời gian chiếu sáng dài). Người nông dân trồng thanh long thường xuyên thắp đèn vào ban đêm nhằm cung cấp đủ thời gian chiếu sáng cần thiết kích thích cho cây thanh long ra hoa, kết quả.

Giải KHTN 7 Chân trời sáng tạo bài 35 phần Bài tập

Tằm là động vật biến nhiệt, thích nghi với điều kiện ánh sáng yếu, nhiệt độ cơ thể phụ thuộc vào môi trường. Khoảng nhiệt độ cực thuận cho sinh trưởng và phát triển của tằm là 24 - 26oC, khoảng giới hạn nhiệt là 15 - 35oC.

Câu 1 trang 163 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Hãy cho biết sự phụ thuộc sinh trưởng của tằm vào nhiệt độ.

Trả lời:

Sự phụ thuộc sinh trưởng của tằm vào nhiệt độ: Khoảng nhiệt độ tối ưu giúp tằm sinh trưởng tốt nhất là 24 - 26oC, khoảng nhiệt độ để tằm sống sót là 15 - 35oC, dưới 15oC hoặc trên 35oC tằm sẽ chết.

Câu 2 trang 163 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Cho biết giới hạn trên, giới hạn dưới về nhiệt độ của tằm.

Trả lời:

- Giới hạn trên về nhiệt độ của tằm là: 35oC.

- Giới hạn dưới về nhiệt độ của tằm là: 15oC.

Câu 3 trang 163 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Khi nuôi tằm, người ta thường để tằm trong chỗ tối và kín gió. Em hãy giải thích lí do vì sao.

Trả lời:

Khi nuôi tằm, người ta thường để tằm trong chỗ tối và kín gió vì: Tằm là côn trùng máu lạnh, nhiệt độ cơ thể phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường, nên cần môi trường có nhiệt độ ổn định, kín gió để nuôi dưỡng.

-/-

Các bạn vừa tham khảo toàn bộ nội dung soạn KHTN 7 bài 35 Chân trời sáng tạo: Các nhân tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật do Đọc Tài Liệu biên soạn, tổng hợp. Các em có thể dùng làm tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM