Trang chủ

Giải KHTN 7 Bài 33 Chân trời sáng tạo : Tập tính ở động vật

Xuất bản: 17/10/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn giải KHTN 7 bài 33 Chân trời sáng tạo : Tập tính ở động vật, gợi ý trả lời các câu hỏi trong nội dung bài học trang 150 - 154 SGK Khoa học Tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo

Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời các câu hỏi bài tập giải KHTN 7 Chân trời sáng tạo bài 33: Tập tính ở động vật, giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi đến lớp cho nội dung bài học tìm hiểu về khái niệm tập tính ở động vật, vai trò của tập tính đối với động vật và vận dụng giải thích một số hiện tượng trong thực tiễn.

Giải KHTN 7 bài 33 Chân trời sáng tạo

Nội dung chi tiết tài liệu tham khảo giải bài tập Khoa học tự nhiên 7 bài 33 Chân trời sáng tạo:

Câu hỏi mở đầu trang 150 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Từ xa xưa đến nay, chuột luôn sợ mèo. Mỗi lần nhìn thấy hay nghe tiếng kêu của mèo, chuột thường có phản ứng lo sợ và bỏ chạy. Có phải ngay từ khi sinh ra chuột đã sợ mèo?

Trả lời:

Không phải ngay từ khi sinh ra chuột đã sợ mèo. “Mỗi lần nhìn thấy hay nghe tiếng kêu của mèo, chuột thường có phản ứng lo sợ và bỏ chạy” là một loại tập tính học được: Bản chất chuột sinh ra không sợ mèo nhưng trong quá trình sống, chuột bị mèo đuổi bắt hoặc quan sát các đồng loại khác mà dần hình thành nên tập tính này.

Câu 1 trang 150 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Tập tính ở động vật là gì? Cho ví dụ?

Trả lời:

Tập tính ở động vật là một chuỗi các phản ứng của cơ thể động vật trả lời kích thích từ môi trường bên trong hoặc bên ngoài cơ thể.

Ví dụ:

+ Nhện có tập tính giăng tơ.

+ Chim bồ câu chăm sóc chim non.

+ Hổ săn mồi.

+ Tập tính di cư của cá hồi.

+ Chim yến có tập tính xây tổ trên hang đá cheo leo

+ Rùa có tập tính vùi trứng trong cát

+ Con người khóc khi buồn, cười khi vui

...

Câu hỏi củng cố trang 150 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Hãy liệt kê các loại tập tính ở động vật mà em biết vào cột (1), (2), (3) trong bảng sau:

Trả lời:

Hãy liệt kê các loại tập tính ở động vật mà em biết vào cột (1), (2), (3) trong bảng sau:

Tập tínhBẩm sinhHọc đượcÝ nghĩa
Giăng tơ của nhệnx
Bú mẹ của chó conx
Rình con mồi của mèox
Bơi ở cáx
Ếch đực kêu vang để thu hút bạn tình vào mùa sinh sảnx

Câu 2 trang 151 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Hoàn thành cột thứ (4) trong bảng ở câu 1.

Trả lời:

Tập tínhBẩm sinhHọc đượcÝ nghĩa
Giăng tơ của nhệnxGiúp nhện di chuyển, săn bắt mồi và sinh sản.
Bú mẹ của chó conxGiúp chó con lấy được sữa từ mẹ.
Rình con mồi của mèoxGiúp mèo bắt được mồi.
Bơi ở cáxĐi tìm thức ăn
Ếch đực kêu vang để thu hút bạn tình vào mùa sinh sảnxGiúp ếch thực hiện chức năng sinh sản, duy trì nòi giống.

Câu hỏi vận dụng trang 151 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Trước kì ngủ đông, gấu thường có thói quen ăn thật nhiều để cơ thể béo lên nhanh chóng. Em hãy giải thích ý nghĩa của thói quen này ở gấu.

Trả lời:

- Bắt đầu từ mùa hè, gấu bắt đầu ăn nhiều để dần dần tích trữ chất dinh dưỡng, đặc biệt là mỡ. Khi kì ngủ đông sắp đến, chất dinh dưỡng tích trữ trong cơ thể tương đối nhiều khiến gấu béo hẳn lên. Những chất dinh dưỡng được tích trữ này đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể gấu trong cả quá trình ngủ đông.

- Đa số cơ chế ngủ đông ở động vật là làm chậm nhịp thở, giảm tốc độ đập của tim, giảm bớt số lần thở, hạ thấp thân nhiệt, tuần hoàn máu chậm, hoạt động trao đổi chất của cơ thể bị hạn chế. Nhờ chất dinh dưỡng được tích trữ đủ, cơ thể ngủ hết mùa đông, đến khi các chất dinh dưỡng này cạn kiệt thì cũng là lúc kì ngủ đông kết thúc.

2. Thực hành quan sát tập tính ở động vật

Mẫu phiếu quan sát thực hành:

Tập tính quan sát đượcLoại tập tínhÝ nghĩa đối với động vật
Bẩm sinhHọc được
Săn mồi (sư tử)xTìm kiếm thức ăn và sinh tồn
Múa thu hút bạn tình (chim thiên đường)xThu hút bạn tình, duy trì nòi giống
Leo cây (khỉ)xTìm kiếm thức ăn và sinh tồn
Bơi (vịt con)xTìm kiếm thức ăn và sinh tồn

3. Ứng dụng tập tính ở động vật trong thực tiễn

Câu 3 trang 152 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Quan sát Hình 33.2, 33.3, 33.4, hãy nêu một số ví dụ ứng dụng cảm ứng ở động vật trong chăn nuôi và giải thích cơ sở của những ứng dụng đó.

Trả lời:

Một số ví dụ ứng dụng tập tính ở động vật trong chăn nuôi và giải thích cơ sở của những ứng dụng đó:

- Dùng đèn bẫy côn trùng: dựa trên tập tính bị thu hút bởi ánh sáng của một số côn trùng như muỗi, bướm, mối,…

- Dùng tiếng kêu của chuông/kẻng để gọi động vật như gọi cá ngoi lên mặt nước để ăn, gọi trâu/ bò/ gà về chuồng khi trời tối: dựa trên tập tính hình thành thói quen ở động vật với một số tín hiệu nếu được lặp lại nhiều lần.

- Nhìn mật độ gà tập trung ở trung tâm chuồng để điều chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi cho phù hợp: dựa trên tập tính tản ra khi nhiệt độ chuồng nuôi gà quá cao hoặc gà dồn vào trung tâm đàn là khi nhiệt độ quá thấp. Khi đó, người chăn nuôi sẽ điều chỉnh nhiệt độ chuồng gà bằng hệ thống đèn chiếu sáng.

Câu hỏi củng cố trang 152 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Trong nuôi gà công nghiệp, người ta thấy khi các con gà tản ra khỏi trung tâm đàn là khi nhiệt độ chuồng gà quá cao, ngược lại khi các con gà dồn vào trung tâm đàn thì nhiệt độ chuồng đang quá thấp. Dựa vào điều đó, người ta điều chỉnh nhiệt độ chuồng gà cho thích hợp. Ứng dụng này có gì khác biệt so với ứng dụng trong Hình 33.2?

Trả lời:

Ứng dụng trên có gì khác biệt so với ứng dụng trong Hình 33.2 ở chỗ : Hình 33.2 là hình ảnh đèn bắt muỗi dựa theo đặc tính thích ánh sáng của muỗi chứ không phải là nhiệt độ

Câu 4 trang 153 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Dựa vào bảng, em hãy giải thích cơ chế hình thành một số thói quen bằng cách hoàn thành bảng theo mẫu sau:

Trả lời:

Thói quenCách thực hiệnHành động lặp lạiPhần thưởng
Ghi nhớ từ vựngDán ảnh từ vựng những nơi thường xuyên nhìn thấy.Đọc, viết, nhìn ảnh từ vựng cho đến khi thuộc.Thuộc được các từ vựng mới, được khen thưởng hoặc tiến bộ trong học tập và trong công việc.
Đi ngủ đúng giờNhờ người khác nhắc nhở hoặc để chuông báo đến giờ đi ngủ.Thực hiện kiên trì, lặp lại cho đến khi hình thành thói quen đến giờ đó là buồn ngủ và muốn đi ngủ.Có sức khỏe tốt, tinh thần sảng khoái để làm việc hiệu quả.
Đánh răng trước khi đi ngủDán giấy nhắc nhở trước cửa phòng ngủĐánh răng sáng tối, 2 lần mỗi ngàyGiữ được vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tự tin khi nói chuyện với mọi người
Rửa tay trước khi ănNhờ bố mẹ, người thân nhắc nhởThực hiện kiên trì cho đến khi hình thành thói quen đã ăn là phải rửa tay.Đảm bảo vệ sinh, tránh mắc các bệnh về đường tiêu hóa, được bố mẹ khen ngợi.
Dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ giao thôngHọc và hiểu về các quy định an toàn khi tham gia giao thôngĐi chậm lại khi đến khu vực có đèn tín hiệuTrở thành người gương mẫu, tuân thủ đúng luật giao thông
Cúi chào khi gặp người lớnĐược người lớn răn dạy để thực hiện.Mỗi lần gặp nhiều lớn đều cúi chào, lâu dần sẽ hình thành thói quen.Được khen ngoan, được người khác quý mến.
Ngủ dậy lúc 5h sáng để tập thể dụcĐặt đồng hồ báo thứcThực hiện kiên trì, lặp lại cho đến khi hình thành thói quen đến giờ đó là thức dậy và tập thể dục.Có sức khỏe tốt, tinh thần sảng khoái để học tập và làm việc.

Câu hỏi vận dụng trang 153 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Em có biết vì sao người nông dân đặt bù nhìn trên ruộng không? Giải thích.

Trả lời:

Người nông dân đặt bù nhìn trên ruộng để xua đuổi quạ, chim chóc,... đến phá hoại mùa màng. Việc làm này dựa trên cơ sở tập tính chạy trốn kẻ thù của các loài chim. Các loài chim đều có tập tính chạy thoát khỏi kẻ thù nguy hiểm và con người là một trong số những kẻ thù đó. Bù nhìn rơm được làm giống với hình dáng một người đang đứng giữa ruộng để xua đuổi chim chóc, không cho chúng đến gần phá hoại mùa màng.

Giải KHTN 7 Chân trời sáng tạo bài 33 phần Bài tập

Câu 1 trang 153 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Phân biệt cảm ứng ở động vật và cảm ứng ở thực vật bằng cách hoàn thành đoạn thông tin sau dựa vào các từ gợi ý: môi trường, thực vật, cơ thể, tiếp nhận, động vật, phản ứng, thích nghi.

Cảm ứng ở sinh vật là khả năng …(1)… kích thích và …(2)… lại các kích thích từ …(3)… bên trong hoặc bên ngoài …(4)…, đảm bảo cho sinh vật tồn tại và phát triển. Cảm ứng là một đặc trưng cơ bản của cơ thể sống, giúp sinh vật …(5)… với điều kiện sống. Cảm ứng ở …(6)… thường xảy ra chậm, khó nhận thấy, hình thức phản ứng kém đa dạng; cảm ứng ở …(7)… thường xảy ra nhanh, dễ nhận thấy, hình thức đa dạng.

Trả lời:

Cảm ứng ở sinh vật là khả năng tiếp nhận kích thích và phản ứng lại các kích thích từ môi trường bên trong hoặc bên ngoài cơ thể, đảm bảo cho sinh vật tồn tại và phát triển. Cảm ứng là một đặc trưng cơ bản của cơ thể sống, giúp sinh vật thích nghi với điều kiện sống. Cảm ứng ở thực vật thường xảy ra chậm, khó nhận thấy, hình thức phản ứng kém đa dạng; cảm ứng ở động vật thường xảy ra nhanh, dễ nhận thấy, hình thức đa dạng.

Câu 2 trang 154 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Những phát biểu nào dưới đây đúng khi nói về sự hình thành tập tính?

(1) Mọi kích thích đều làm xuất hiện tập tính;

(2) Không phải bất kì kích thích nào cũng làm xuất hiện tập tính;

(3) Kích thích càng mạnh càng dễ làm xuất hiện tập tính;

(4) Kích thích càng lặp lại càng dễ làm xuất hiện tập tính.

A. (1), (2).

B. (2), (3).

C. (3), (4).

D. (2), (4).

Trả lời:

Những phát biểu đúng khi nói về sự hình thành tập tính là:

(2) Không phải bất kì kích thích nào cũng làm xuất hiện tập tính;

(4) Kích thích càng lặp lại càng dễ làm xuất hiện tập tính.

=> Đáp án đúng D. (2), (4).

Câu 3 trang 154 SGK Khoa học tự nhiên 7 CTST

Kiến ba khoang có màu nâu đỏ, mình thon, giữa lưng có một vạch lớn màu đen tạo thành các khoang màu khác nhau trên cơ thể.

Kiến ba khoang thường ẩn nấp trong rơm rạ, bãi cỏ, ruộng, vườn. Chúng làm tổ và đẻ trứng trong đất. Khi ruộng lúa, vườn rau xuất hiện sâu cuốn lá hay rầy nâu, kiến tìm đến, chui vào các tổ sâu để ăn thịt sâu non. Sự xuất hiện của kiến ba khoang đã làm giảm thiểu số sâu cuốn lá đáng kể và bảo vệ hoa màu khỏi sự phá hoại của sâu, bệnh. Tuy nhiên gần đây, việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật đã làm giảm đáng kể số kiến ba khoang và làm cho chúng mất nơi ẩn nấp. Do đó, theo ánh sáng điện chúng bay vào các khu dân sinh và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi tiếp xúc với chất dịch từ cơ thể kiến tiết ra.

- Hãy cho biết đoạn thông tin nào nói về tập tính của kiến ba khoang?

- Theo em, có nên tiêu diệt kiến ba khoang không? Tại sao?

- Hãy đưa ra đề xuất hạn chế sự xuất hiện của kiến ba khoang trong gia đình.

Trả lời:

- Đoạn thông tin nói về tập tính của kiến ba khoang:

+ “Kiến ba khoang thường ẩn nấp trong rơm rạ, bãi cỏ, ruộng, vườn. Chúng làm tổ và đẻ trứng trong đất. Khi ruộng lúa, vườn rau xuất hiện sâu cuốn lá hay rầy nâu, kiến tìm đến, chui vào các tổ sâu để ăn thịt sâu non.”

+ “theo ánh sáng điện chúng bay vào các khu dân sinh.”

- Không nên tiêu diệt kiến ba khoang vì kiến ba khoang có ích cho hoa màu, bảo vệ hoa màu khởi sự phá hoại của sâu, bệnh.

- Biện pháp hạn chế sự xuất hiện của kiến ba khoang trong gia đình là:

+ Không nên lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật vì làm mất nơi ẩn náu của chúng.

+ Hạn chế bật ánh sáng hoặc bật ánh sáng thì nên đóng kín cửa sổ vào buổi tối để ngăn chặn kiến ba khoang vào nhà gây ảnh hưởng sức khỏe con người.

-/-

Các bạn vừa tham khảo toàn bộ nội dung soạn KHTN 7 bài 33 Chân trời sáng tạo: Tập tính ở động vật do Đọc Tài Liệu biên soạn, tổng hợp. Các em có thể dùng làm tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM