Qua bài Soạn bài Quá trình tạo lập văn bản trước đó các em đã làm quen các bước để có thể tạo lập được một văn bản cho mình, ở bài học luyện tập này các em dựa trên những tình huống có sẵn để xây dựng bài viết theo hướng dẫn.
Tình huống: Em cần viết một bức thư để tham gia cuộc thi viết thư do Liên minh Bưu chính quốc tế (UPU) tổ chức với đề tài: Thư cho một người bạn để bạn hiểu về đất nước mình.
Soạn bài Luyện tập tạo lập văn bản lớp 7
1. Chuẩn bị ở nhà
- Đặt mình vào trong tình huống cụ thể (viết thư tham dự cuộc thi viết thư do Liên minh Bưu chính quốc tế (UPU) tổ chức với mục đích: Thư cho một người bạn để bạn hiểu về đất nước mình;
- Tự chọn một trong các đề tài: truyền thống lịch sử, cảnh sắc thiên nhiên, những nét đặc sắc về văn hoá, phong tục,…;
- Lập dàn bài chi tiết cho bức thư của mình;
- Viết thành bức thư hoàn chỉnh;
- Kiểm tra lại văn bản bức thư về bố cục, liên kết, mạch lạc, hình thức ngôn ngữ, …;
- Có thể trao đổi dưới hình thức học nhóm để tự nhận xét cho nhau.
2. Thực hành trên lớp
a) Trao đổi theo tổ, đổi bài để đọc và nhận xét lẫn nhau;
b) Đọc văn bản tham khảo;
c) Tự điều chỉnh văn bản của mình.
3. Văn bản tham khảo
Soạn bài Luyện tập tạo lập văn bản - Bài văn tham khảo số 1:
Thư mời bạn ghé thăm đất nước của tớ
Chào bạn Kang Wook thân mến!
Mình vừa đọc bức thư của bạn xong, mình nhắm mắt lại và hít thật sâu suy nghĩ và tưởng tượng rằng. Đất nước của bạn thật tuyệt vời! Một hoàng,cung lộng lẫy! sang trọng và có những nét hoa văn thật đẹp . Và còn hòn đảo JeJu của nước cậu thì có đầy thiên nhiên, những thảm cỏ xanh mướt, êm ái. Và xứ sở kim chi, ngành điện ảnh cũng phong phú, phát triển. Con người ở đó rất thân thiện. Chắc cậu tự hào về đất nước của cậu nhỉ!
Tớ cũng như cậu, cũng tự hào về đất nước của mình. Tớ kể cho cậu nghe nhé! Đất nước của tớ có những danh lam, thắng cảnh rất nổi tiếng. Như là ở Hà Nội thì có Hồ Gươm. Mặt nước trong xanh, có những cái cây xoè rộng cánh tay để che chở cho mặt hồ, tháp Rùa thì đó là do con người tạo ra nhưng nó có sự hài hoà rất cao với thiên nhiên. Nó có về một sự tích của nó đấy! Tớ sẽ kể cho cậu nghe nha!
Hồi xưa thời Hùng Vương, khi bị giặc xâm phạm lãnh thổ, Long Vương sai rùa thần lên đưa gươm để đánh giặc. Sau khi giặc đã dẹp xong, đất nước yên bình, và có một ngày kia, khi vua đi giạo quanh hồ Tả Vọng thì rùa thần lại hiện lên để lấy lại thanh kiếm. Vì sự tích đó nên bây giờ người ta gọi thành Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm. Đó là ở Hà Nội.
Rồi còn nhiều truyền thuyết nữa như là Hạ Long, truyền thuyết nói rằng vào thời kỳ nọ khi đất nước có giặc ngoại xâm, một con rồng đã bay theo dọc sông, xuôi về phía biển và hạ cánh xuống ở vùng ven biển Đông Bắc làm thành bức tường thành chắn bước tiến của thủy quân giặc. Chỗ rồng đáp xuống che chở cho đất nước được gọi là Hạ Long.
Còn núi Sam, xưa kia nơi đây từng là hòn đảo giữa biển. Trên đảo có nhiều sam nên được gọi là "Học lãnh Sơn" - núi con Sam.
Và, thác Bà nằm gọn trong núi Ông và gắn với một truyền thuyết xưa về tình yêu son sắt của người vợ, sự ăn năn hối hận của người chồng. Chuyện kể rằng, ở đây có hai vợ chồng và một người con trai chung sống. Người chồng rất thương yêu vợ nhưng có một tật xấu là khi ngồi vào bàn cờ, thì không ai hay đều gì có thể khiến ông phân tâm. Một ngày kia, ông lên núi đánh cờ với tiên ông. Đều là những tay lão luyện, ván cờ của hai vị kéo dài từ ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng kia, năm này đến năm nọ. Người vợ ở nhà chờ chồng đến khi tóc bạc như mây vẫn không thấy chồng về. Bà qua đời, tóc xoã trắng bên sườn núi thành một ngọn thác. Sau khi kết thúc ván cờ, người chồng về nhà, thấy vợ đã mất. Vừa giận mình, vừa hối hận, ông hoá thành ngọn núi ôm thác trong lòng. Đến nay, đền thờ Ông và dinh Cậu vẫn còn trên đỉnh núi.
Còn rất nhiều danh lam thắng cảnh nữa, mình sẽ tiếp tục kể cho bạn ở những lá thư sau. Một lần nữa từ trái tim, mình xin gửi đến bạn tình cảm đẹp đẽ nhất. Mình hi vọng rằng một ngày nào đó, bạn có dịp sang Việt Nam thăm đất nước và con người của dân tộc VN.
Mình chờ thư của bạn!
Bạn của bạn
Soạn bài Luyện tập tạo lập văn bản - Bài văn tham khảo số 2:
Thư mời bạn về quê chơi nhân dịp nghỉ hè
Vàm Cỏ, ngày... tháng... năm...
Duy thân,
Chỉ không đầy một tháng nữa là bãi trường rồi. Tôi đang nghĩ đến bạn và nghĩ đến những cuộc vui ngày hè.
Duy ạ, tôi đã xin phép ba má tôi mời bạn về quê tôi chơi. Ba má tôi hài lòng lắm. Riêng tôi vui mừng và nôn nao khôn xiết. Vì có Duy, chúng sẽ cùng nhau “ngao du sơn thủy" và sẽ cùng nhau trao đổi học tập. Như vậy, dù nghỉ học gần chín mươi ngày nhưng bài vở khó mà quên đi. Phải không?
Tôi sẽ bơi xuồng đưa bạn dọc theo dòng sông sau nhà. Hai bên bờ, dừa nước mọc san sát, mát rượi. Ngồi trên xuồng, chỉ cần với tay lên là có thể hái được bần ổi ra ngoài. Bạn sẽ có dịp ngắm cảnh và thấy rằng quê mình nơi đâu cũng đẹp.
Duy có thích thả diều không? Ở đây, chiều đến, các bạn nhỏ thả nhộn nhịp lắm. Diều lượn bay nhấp nhô, thong thả giữa trời lộng trông chẳng khác gì những bông hoa trong ngày hội lớn.
Nhưng tuyệt nhất vẫn là đi câu. Mình cứ nghĩ đến lúc cá trì dây nằng nặng. Giựt lên: một con cá, giãy giãy là đã thấy sướng rồi. Tôi làm xong sản hai cây cần câu cho chúng mình.
Bạn về đây, chúng ta sẽ sống gần gũi với thiên nhiên. Những đêm trăng thanh gió mát lòng ta sẽ thanh thản hơn dưới ánh đèn điện. Hơn nữa, Duy sẽ thấy tâm tình bà con ở đây rất là chất phác, dễ làm cho chúng ta thêm yêu người, yêu đời.
Thôi, vài dòng báo tin cho Duy, mình mong rằng Duy sẽ không từ chối và có kế hoạch chuẩn bị trước nhé.
À quên, cho mình kính lời thăm hai bác được khỏe mạnh. Chúc luôn luôn học giỏi.
Bạn thân của Duy
Hồ Thanh Lãng
Soạn bài Luyện tập tạo lập văn bản - Bài văn tham khảo số 3:
Bức thư giới thiệu Tết cổ truyền của dân tộc
… Friendship thân mến!
Tôi viết bức thư này cho bạn trên ngưỡng cửa của thế kỉ 21 khi chỉ còn ít phút nữa thôi cả thế giới sẽ bước vào kỉ nguyên mới. Giờ phút chuyển giao sao mà thiêng liêng thế. Tôi muốn tình bạn của chúng ta được khởi đầu từ thời điểm thiêng liêng này.
Nếu giờ này ở đất nước bạn và nhiều nơi trên trái đất mọi người đang tưng bừng đón tết thì ở nước tôi, tết Nguyên Đán mới là mùa lễ hội. Tết Nguyên Đán là Tết tính theo âm lịch (quan niệm về thời gian của người phương Đông). Đấy là Tết cổ truyền mang đậm bản sắc và văn hoá dân tộc với những phong vị cốt truyện: “Thịt mỡ, dưa hàn, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” khiến ai đi xa đều hướng về quê hương mỗi độ xuân về. Chiều ba mươi thánh Chạp nhà nào cúng quây quần nấu bữa cơm tất niên, thắp hương cúng ông bà tổ tiên tỏ lòng thành kính biết ơn. Gần đến giao thừa, cả nhà tôi mặc đẹp, mẹ tôi lại mặc bộ áo dài tuyền thống thật duyên dáng cùng ra phố hoà vào dòng người đi đón giao thừa và hái lộc xuân bên bờ Hồ Hoàn Kiếm. Cành lộc xuân tượng trưng cho ước nguyện năm mới may mắn, có nhiều tài, lộc, phúc đức. Tôi rất thích cùng ba, mẹ và em gái đi hái lộc để tận hưởng hương xuân trong đêm thanh bình. Đi chơi Tết, người lớn thường cho ít tiền lẻ vào bao đỏ mừng tuổi trẻ con, mong chúng hay ăn chóng lớn, học hành tiến bộ. Số tiền mừng tuổi ấy tôi cho vào con lợn đất dành để mua quần áo, sách vở, riêng năm vừa rồi tôi đã ủng hộ tất cả cho các bạn học sinh miền Trung bị thiên tai, lũ lụt. Bạn có thích được mừng tuổi không khi tôi kể cho bạn biết điều này?
Mới chỉ kể riêng cái Tết thôi đã thấy phong tục văn hoá nước tôi và nước bạn khác nhau rất nhiều. Lịch sử nước tôi là lịch sử của hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, vì thế hơn ở bất cứ đâu, người dân nước tôi rất khao khát hoà bình, độc lập để xây dựng đất nước giàu đẹp, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Có lẽ cũng vì lẽ ấy mà thủ đô Hà nội – Thủ đô nghìn năm văn hiến của tôi vừa đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hoà bình” do UN trao tặng. Chúng ta là công dân của hai nước có hoàn cảnh sống khác nhau, có niềm tự hào riêng về đất nước mình, gia đình mình nhưng chắc chắn chúng ta cùng gặp nhau tại một điểm: Tình bạn. Tình bạn sẽ gắn kết chúng ta lại trong một mái nhà chung, mái nhà hoà bình trên trái đất. Khi đó, những sự khác biệt sẽ làm phong phú thêm cho cuộc sống của chúng ta. Duy có sự khác biệt của giàu nghèo, thiện ác là chúng ta phải phấn đấu và kiên quyết loại trừ để thế kỉ 21 là thế kỉ hoà bình – hữu nghị quốc tế.
Friendship ơi! Khi tôi định nói lời tạm biệt thì mới chợt nghĩ làm sao bạn đọc được thư của tôi nhỉ? Tiếng Việt rất giàu và đẹp, người dân nước tôi có tâm hồn thơ ca và giàu lòng nhân ái. Mong rằng một ngày nào đó không xa, tôi sẽ được đón bạn đến thăm đất nước Việt Nam để tôi có dịp giới thiệu bạn với những người yêu quý nhất của tôi.
Chúc tình bạn của chúng ta đơm hoa kết trái. Chờ hồi âm của bạn.
Chào thân ái!
Bạn của bạn
(Theo Trần La Thuỷ Trang, Những bức thư nối tình bạn bốn phương, NXB Bưu điện, 2001).
Trên đây là hướng dẫn soạn bài Luyện tập tạo lập văn bản với chi tiết những bài văn mẫu tham khảo cho đề tài tình huống đã nêu ra. Đừng quên tham khảo các bài tập khác trong soan ngu van lop 7 em nhé!
Xem thêm:
Bài trước: Soạn bài Đại từ
Bài sau: Soạn bài Sông núi nước Nam