Để làm được yêu cầu này, cùng tham khảo dàn ý sau đây:
Dàn ý ghi lại tâm trạng của em sau khi để xảy ra một chuyện có lỗi với ba mẹ
1. Mở bài
- Giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp đến câu chuyện xảy ra khiến em có lỗi với bố mẹ.
- Đó là một kỉ niệm mà em không thể nào quên.
2. Thân bài
a. Nguyên nhân, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện
- Dẫn dắt vào hoàn cảnh, nguyên nhân xảy ra câu chuyện đó: là cố ý, vô tình hay do hiểu lầm?
- Câu chuyện đó bắt đầu như thế nào? Thái độ, tâm trạng của em lúc đó ra sao?
- Nêu sơ qua phản ứng của bố mẹ: ngạc nhiên, sững sờ,…
b. Kể diễn biến câu chuyện
- Câu chuyện diễn ra với những hành động, diễn biến như thế nào?
- Kể lại chi tiết những sự việc đã xảy ra trong buổi ngày hôm đó; chú ý đến diễn biến tâm trạng của bản thân mình và của bố mẹ
c. Tâm trạng của em sau những gì đã xảy ra? Bài học mà em rút ra được.
- Câu chuyện xảy ra như thế có kết cục ra sao? Bố mẹ có tha thứ cho em không? Mối quan hệ hiện tại của hai phía như thế nào?
- Cảm nghĩ của em về sự việc đó:
+ Nhận ra lỗi lầm của mình, thấy ân hận, day dứt vì làm bố mẹ buồn.
+ Xúc động trước sự khoan dung của bố mẹ
+ Tự nhủ không bao giờ tái phạm chuyện như vậy một lần nữa.
3. Kết bài
Khái quát lại câu chuyện và đưa ra bài học mà em rút ra được.
Cùng Đọc tài liệu tham khảo các bài văn ghi lại tâm trạng của em sau khi để xảy ra một chuyện có lỗi với ba mẹ để hoàn thiện bài làm văn của mình em nhé:
Top 3 bài văn mẫu
Văn mẫu ghi lại tâm trạng của em sau khi để xảy ra một chuyện có lỗi với ba mẹ số 1
Ai cũng có lần mắc lỗi và tôi cũng vậy. Lỗi lầm ấy đã trở thành một kỉ niệm khiến tôi không bao giờ quên.
Mấy hôm ấy, bố tôi đi công tác nên mẹ ở nhà chăm lo, yêu thương tôi hết mực. Một hôm, mẹ dẫn tôi đi chợ để sắm quần áo mới. Đi qua một quầy hàng bán đồ chơi, tôi thấy một bé gấu bông rất dễ thương. Tôi định xin tiền mẹ mua nhưng rất ngại. Về nhà,hình ảnh bé gấu lúc nào cũng ở trong tâm trí tôi. Tôi mơ thấy mình đang chơi với gấu, chải lông cho gấu, âu yếm gấu. Hai ngày sau, tôi quyết định lấy trộm tiền mẹ để mua bé gấu. Đã quyết thì làm, ngày hôm sau, khi mẹ đang nấu ăn, tôi lén lấy trộm của mẹ một trăm ngàn và chạy ra chợ mua bé gấu về. Lúc ấy, tôi vui sướng biết bao! Tan học, tôi chơi đùa vui vẻ với bé gấu. Còn trước khi đi học thì tôi cất gấu vào tủ quần áo và cắp sách đến trường. Bỗng nhiên một hôm tôi đi học về, mở tủ ra thì bé gấu không còn nữa. Tôi hốt hoảng đi tìm khắp nơi và khi vào bếp, tôi thấy bé gấu đang nằm trong tay mẹ. Tôi thở phào nhẹ nhõm nhưng bỗng giật mình: “Trời ơi, mẹ phát hiện ra bé gấu rồi, làm sao bây giờ?” Mẹ hỏi tôi:
- Con gấu bông này ở đâu ra vậy con? Bạn con cho con hả? Hay là con ăn trộm của ai?
Tôi lúng túng trả lời:
- Dạ…dạ…vâng ạ! Bạn… bạn Lan cho con đó mẹ! Bạn ấy tốt quá nhỉ!
Mẹ trả gấu lại cho tôi rồi bảo tôi về phòng. Tôi gật đầu rồi chạy một mạch vào phòng. Từ đó, ngày nào, mắt mẹ cũng đỏ hoe cả lên. Một tối nọ, tôi bỗng giật mình thức giấc khi nghe tiếng ai đó khóc. Tôi nhìn ra cửa sổ thấy mẹ vừa khóc vừa than rằng:”Mình ơi, em có lỗi với mình quá! Khi mình đi vắng, ở nhà em đã dạy con không tốt. Cái Vân nó đã nói dối em, mình ơi!” Ôi trời, thì ra mẹ đã biết hết mọi chuyện rồi ư? Sao mẹ không trách mắng, đánh đập con mà lại cố gắng chịu đựng một mình? Mẹ có biết rằng khi nhìn mẹ rơi lệ, con đau xót lắm không! Ôi, tội nghiệp mẹ của con.
Hôm sau, tan học về, tôi chạy vào bếp và ôm chầm lấy mẹ. Tôi khóc, hai hàng nước mắt chảy dài và nói:
- Con xin lỗi mẹ. Con thật có lỗi với mẹ. Lẽ ra, con không nên lấy trộm tiền mẹ để mua con gấu bông ấy. Con xin lỗi mẹ. Mẹ tha thứ cho con nhé!
Mẹ gật đầu. Hai mẹ con ôm lấy nhau mà khóc.
Tôi rất yêu quý và biết ơn mẹ. Tôi sẽ không bao giờ lấy trộm tiền của mẹ nữa và sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ vui lòng. Trong tâm trí tôi, tôi luôn biết rằng tình yêu mà mẹ dành cho tôi là vô bờ bến.
Tham khảo thêm một đề tài liên quan: Đoạn văn kể lại tâm trạng của em sau khi mắc lỗi với bạn
Văn mẫu ghi lại tâm trạng của em sau khi để xảy ra một chuyện có lỗi với ba mẹ số 2
Tuổi thơ bồng bột nông nổi đã để lại cho chúng ta nhiều kỷ niệm và cũng là những lần phạm lỗi rất ngây thơ và đáng nhớ, bởi chúng ta luôn nghĩ người lớn không biết nhưng thực tế chỉ cần liếc sơ họ đã biết chúng ta làm sai rồi. Bản thân tôi cũng đã từng như thế, tôi đã từng phạm phải một lỗi mà đến giờ nghĩ lại thấy bản thân sao ấu trĩ và trẻ con thế.
Ngày ấy, tôi đang học lớp 4 tuy gia đình chưa được coi là khá giả nhưng tôi cũng được mẹ cho đi học thêm ở nhà cô. Tôi đi học được vài tháng đầu tiên, ngày nào tôi cũng đến lớp đầy đủ, tuần ba buổi, mỗi buổi hai tiếng. Tôi vốn có tiếng là đứa chăm chỉ, ngoan và học giỏi, nên rất được thầy cô bạn bè yêu quý, kể cả cô giáo dạy thêm cũng quý tôi lắm, thế nên mẹ lại càng tin tưởng tôi hơn, tôi biết mẹ tự hào vì tôi nhiều lắm. Thế nhưng tôi lại có lỗi với cả mẹ và cô, tôi đã phụ sự tin tưởng của họ dành cho tôi. Nhà tôi nghèo thế nên tôi không có được những thú vui như chúng bạn, tôi không bao giờ có tiền tiêu vặt, những lúc tôi ở lại trường để học cả ngày mẹ sắm cho tôi chiếc cặp lồng để mang cơm ở nhà đi theo.
Nhìn những đứa bạn trưa trưa được đi ra quán ăn vặt, mua này mua nọ, đôi lúc tôi thấy tủi thân lắm, tôi càng thu mình lại hơn. Đỉnh điểm là việc tôi rất thích đọc truyện, những cuốn truyện tranh Đô-rê-mon mà mấy đứa trẻ chúng tôi ham vô cùng, một đứa có là chuyền tay nhau đọc đến cũ mèm. Và vì quá thích, tôi đã lén lấy tiền đóng học thêm mẹ cho tôi, khi ấy là 150 ngàn đồng, để đi mua những cuốn truyện mà tôi hằng ao ước, tôi muốn một lần được hãnh diện với bè bạn. Thế nhưng khi cầm những cuốn sách mới coóng trên tay, và số tiền lẻ còn thừa tôi thấy hối hận vô cùng, và cũng sợ hãi nữa, rồi tiền đâu để đóng học, rồi lỡ mẹ biết thì phải làm sao,... Bao nhiêu câu hỏi hiện lên trong đầu khiến tôi vô cùng hoang mang và mệt mỏi. Sự thay đổi thái độ của tôi đã khiến mẹ tôi nghi ngờ, bởi mẹ tôi vô cùng nhạy cảm, một buổi tối tôi đang ngồi học bài mẹ nhẹ nhàng bước đến rồi đặt cuốn truyện mà tôi mua lên bàn.
Tôi giật nảy mình, nghĩ rằng đợt này kiểu gì cũng ăn một trận đòn nên thân, tôi chỉ biết cúi gằm mặt xuống bàn. Nhưng mẹ tôi không quát tháo, cũng không nói gì, tôi chỉ thấy mắt mẹ đỏ lên và hình như có những giọt nước mắt mẹ đang chảy trên đôi gò má đã sạm đi vì nắng gió, rớt trên đôi tay thô sần vì quanh năm làm lụng vất vả. Tôi biết tôi sai thật rồi, tôi có lỗi với mẹ nhiều lắm, tôi bật khóc hu hu vì tủi thân vì thương mẹ, nghĩ ghét cái sự ngu xuẩn của mình, khiến mẹ đau lòng. Những đồng tiền ấy không phải để tôi phung phí, không phải để tôi làm mẹ tôi buồn như vậy, miệng tôi lí nhí xin lỗi mẹ trong tiếng sụt sùi. Mẹ nhìn tôi, rồi nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Mẹ vẫn luôn tin tưởng con như vậy, mẹ chỉ mong con học thật tốt mà chưa nghĩ đến việc con cũng có những thú vui và sở thích, nhưng gia đình mình…”, rồi mẹ không nói tiếp.
Chuyện đã qua thật lâu nhưng tôi vẫn nhớ mãi, nó là một bài học vô cùng sâu sắc khiến tôi nhớ mãi không quên, vì vậy tôi càng cố gắng học tập để bù đắp lại những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Tôi luôn nghĩ rằng lỗi lầm là để khiến chúng ta trưởng thành chứ không phải là để khiến chúng ta phải sống trong tội lỗi, tương lai còn ở phía trước mong rằng các bạn đã từng phạm lỗi hãy sống tốt hơn, đừng bao giờ để cha mẹ phải khóc vì bạn nhé, vì học đã quá cực khổ rồi.
Văn mẫu ghi lại tâm trạng của em sau khi để xảy ra một chuyện có lỗi với ba mẹ số 3
Là đứa trẻ sống xa sự chăm sóc của cha và được mẹ bù đắp tình yêu thương đã khiến tôi lớn nhanh hơn các bạn cùng trang lứa. Nhưng có một lần phạm lỗi khiến mẹ đau lòng làm tôi nhớ mãi không quên.
Từ lúc sinh ra tôi đã được vòng tay của mẹ che chở. Tôi quen dần với sự vắng mặt của cha và tự nhủ mình phải mạnh mẽ hơn để có thể bảo vệ mẹ. Dường như tôi đã làm được điều đó nên cha cũng yên tâm công tác nơi xa. Nhưng có một lần tôi đã làm mẹ buồn phiền.
Lần đó sắp đến sinh nhật mẹ, tôi suy nghĩ, băn khoăn về những món quà. Cuối cùng, tôi nghĩ đến chùm điểm mười ý nghĩa tặng mẹ. Suốt cả tháng đó, tôi miệt mài, ra sức học tập. Tôi muốn dành cho mẹ sự bất ngờ lớn nhất. Và cố gắng của tôi đã được đền bù. Những điểm chín, mười lần lượt được các thầy cô ghi tặng vào tập vở. Trong tôi dâng lên niềm vui hạnh phúc. Gần ngày sinh nhật mẹ, tôi có một bài kiểm tra văn một tiết. Hôm trước, tôi đã có kế hoạch ôn tập. Nhưng chiều hôm đó, bạn tôi đến rủ đi chơi với rất nhiều trò hấp dẫn. Không thể cưỡng lại, tôi tự nhủ tối về ôn bài vẫn kịp. Thế là tự cho mình một buổi chiều, tôi vô tư đi chơi cùng bạn. Buổi đi chơi vui quá, biết bao trò thú vị, nó khiến tôi dần quên hẳn đi bài kiểm tra vào ngày hôm sau. Tối hôm đó về nhà, bỗng tôi bị sốt. Mẹ lo lắng chăm sóc tận tình, từng li từng tí một. Năm sốt trên giường, bỗng tôi thấy lo lắng về bài kiểm tra. Cố gượng mình ngồi dậy học bài nhưng không thể, tỏi thấy mình bất lực quá. Thế là cơ hội có thêm điểm cao tặng mẹ của tôi không những không còn nữa mà nguy cơ bị điểm kém là rất lớn.
Nỗi lo ấy càng lớn hơn khi tôi phải đối diện với đề bài. Cô ra đề bài rất hay nhưng cũng khá khó. Giá như ôn bài rồi thì có lẽ tôi đã không ngồi cắn bút như thế này. Tôi bắt đầu thấy sốt ruột. Nếu bị điểm kém mẹ tôi sẽ buồn lắm mà cô giáo cũng sẽ rất thất vọng bởi tôi vôn là cô học trò khá văn. Thời gian lặng lẽ trôi đi, chậm rãi mà khiến tôi không sao bình tĩnh được. Quay sang bên cạnh thấy bạn bè cắm cúi làm bài, cô giáo ngồi trên bục giảng đọc sách. Bất chợt, tôi nảy ra ý định xem trộm tài liệu. Đó là điều tôi chưa bao giờ làm cả nên thật khó khăn. Giằng co giữa hai suy nghĩ, trung thực và nhận điểm kém hay quay bài để được điểm cao, mang về tặng mẹ.... Trong giây lát, tôi liều lấy tập vở trong ngăn bàn ra xem.
Những dòng chữ trong mắt tôi bỗng dưng nhảy múa, tôi không nhìn rõ chúng nữa, có lẽ vì quá hồi hộp. Nhưng một lúc sau vẫn không có ai để ý nên tôi yên tâm hơn, dần định thần trở lại. Bỗng... bộp... cuốn vở trên đùi như muôn tố cáo tôi rơi ngay xuống đất. Không gian yên tĩnh trong lớp bị phá vỡ, mọi người quay lại nhìn tôi. Tôi ngẩng đầu lên vừa kịp bắt gặp ánh mắt thất vọng của cô giáo. Không ai nói gì cả lại càng khiến mặt tôi nóng bừng lên. Thế là thời gian còn lại của buổi kiểm tra tôi ngồi lặng thinh suy nghĩ miên man...
Ngày sinh nhật của mẹ cuối cùng đã đến. Tôi vui mừng tặng mẹ tất cả chùm điểm cao của mình. Nhìn khuôn mặt rạng ngời của mẹ tôi thấy thật hạnh phúc. Nhưng sâu thẳm trong ánh mắt mẹ tôi thoáng thấy mẹ buồn. Dù vui nhưng những lời nói của mẹ khiến tôi thật sự suy nghĩ. Phải chăng mẹ đã biết tất cả. Tôi không biết phải làm sao, định thú nhận với mẹ chuyện bài kiểm tra nhưng tôi cũng không muốn mẹ buồn trong ngày sinh nhật.
Những ngày sau đó, lúc nào tôi cũng thấy mẹ buồn. Tôi dần ít thấy những nụ cười tươi tắn nở trên môi mẹ. Trong lòng tôi cũng không thoải mái, một cảm giác nặng nề như đè nén lên lồng ngực. Tôi thương mẹ vô cùng nhưng chưa đủ dũng khí để nói thật với mẹ. Tôi chỉ mong có một vị thần hiện ra giúp tôi bày tỏ được với mẹ, giúp tôi nói với mẹ lời xin lỗi.
Nhưng điều ước mong của tôi chỉ là ước mong mà thôi, chẳng có vị thần nào có thể giúp được. Bởi lỗi lầm là do tôi gây ra. Chỉ vì mải chơi mà tôi đã quên mất việc học của mình. Vì không kiên quyết với chính mình nên tôi đã không trung thực. Vì không dũng cảm tôi đã không thành thật với mẹ, thành thật với bản thân. Từ những sai lầm đầu tiên tôi đã để mình trượt dài trên những lỗi lầm sau, khiến mẹ càng buồn lòng. Có lẽ mẹ mong đợi nhiều lắm ở tôi một lời nhận lỗi vì mẹ luôn dạy tôi dù có chuyện gì xảy ra thì lòng trung thực cũng phải được giữ gìn để nó luôn trong sạch, bền vững. Nhớ đến lời dạy của mẹ, tôi hối hận vô cùng. Tôi muốn chạy thật nhanh về nhà nói với mẹ, mong mẹ tha thứ và cũng tự hứa với bản thân không bao giờ mắc lại sai lầm đó nữa.
Một lần mắc lỗi đã giúp tôi nhận ra được rất nhiều. Cảm ơn mẹ, cảm ơn tấm lòng bao dung của mẹ đã giúp con vượt qua được tất cả khó khăn. Con hứa sẽ không bao giờ mắc lỗi nữa đâu mẹ ạ. Con đã biết lòng trung thực quan trọng thế nào rồi.
Nguồn văn mẫu: Sưu tầm & tổng hợp.
Hết
Trên đây là 3 bài văn mẫu ghi lại tâm trạng của em sau khi để xảy ra một chuyện có lỗi với ba mẹ dành cho các em học sinh lớp 6, 7, 8, 9 tham khảo.
Chúc các em hoàn thành tốt bài làm văn của mình!