Trang chủ

GDCD 8 Cánh Diều Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Xuất bản: 28/04/2024 - Tác giả:

GDCD 8 Cánh Diều Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Hướng dẫn trả lời câu hỏi trong nội dung bài học giúp học sinh chuân bị tốt bài học GDCD

Cùng Đọc tài liệu chuẩn bị tốt bài học Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên trước khi tới lớp với nội dung giải bài tập sgk Giáo dục công dân 8 sách Cánh Diều sau đây.

GDCD 8 Cánh Diều Bài 5

Mở đầu trang 24 Bài 5: Em hãy chia sẻ một thông điệp về chủ đề: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên với các bạn trong lớp.

Trả lời:

(*) Tham khảo: Một số thông điệp về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

+ Bảo vệ rừng là bảo vệ lá phổi của chính mình.

+ Tiết kiệm điện vì một hành tinh xanh.

+ Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

+ Giữ môi trường trong lành để có một tương lai khỏe mạnh.

+ Bảo vệ đa dạng sinh học – xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống.

1. Sự cần thiết phải bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Khám phá 1 trang 26: Em hãy nêu những hậu quả của tình trạng ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên trong các thông tin và hình ảnh trên.

Trả lời:

- Hậu quả của ô nhiễm môi trường:

+ Đối với con người: ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người. Ví dụ: Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh, như: nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp dưới, đột quỵ, đau tim, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính và ung thư phổi; Ô nhiễm nguồn nước gây nên một số bệnh như: các bệnh về đường tiêu hoá, bệnh giun sán, các bệnh do muỗi truyền, các bệnh về mắt, ngoài da,...

+ Đối với các loài động, thực vật: ô nhiễm môi trường đã làm suy thoái, hủy hoại các hệ sinh thái; ảnh hưởng tiêu cực đến sự sinh trưởng và phát triển của các loài sinh vật, dẫn đến nhiều nguy cơ, như: bị biến đổi gen, bị suy giảm chức năng sinh sản,…

+ Đối với sự phát triển của các quốc gia: ô nhiễm môi trường gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến các vấn đề xã hội. Ví dụ: tiêu tốn ngân sách nhà nước cho việc khắc phục môi trường,…

- Tài nguyên thiên nhiên vơi cạn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sự sự phát triển kinh tế - xã hội của các cá nhân và đất nước.

Khám phá 2 trang 26: Vì sao chúng ta cần phải bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên?

Trả lời:

Chúng ta cần bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, vì:

+ Môi trường và tài nguyên thiên nhiên có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống của con người, sinh vật và sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước.

+ Việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên giúp cho môi trường trong lành, đảm bảo cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên cho sự phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai.

+ Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

2. Một số quy định cơ bản của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Khám phá 1 trang 29: Em hãy chỉ ra các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên được nhắc đến trong mỗi hình ảnh trên.

Trả lời:

Hành vi vi phạm pháp luật trong mỗi ảnh:

- Ảnh 1: Chôn lấp chất thải trái phép ⇒ Hành vi này đã vi phạm quy định tại khoản 1 điều 6 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

- Ảnh 2: Nhà máy xả thải trái phép ra sông ⇒ Hành vi này đã vi phạm quy định tại khoản 2 điều 6 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

- Ảnh 3: Chặt phá rừng phòng hộ ⇒ Hành vi này đã vi phạm quy định tại khoản 1 điều 9 Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Khám phá 2 trang 29: Em hãy nêu các quy định khác của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Trả lời:

Nêu các quy định khác về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên:

- Khoản 4 điều 6 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nghiêm cấm thực hiện hành vi: gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kĩ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.

- Khoản 12 điều 6 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nghiêm cấm thực hiện hành vi: phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên.

- Khoản 4 điều 9 Luật Lâm nghiệp năm 2017 nghiêm cấm thực hiện hành vi: hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng.

- Khoản 1 điều 9 Luật tài nguyên nước năm 2012 nghiêm cấm thực hiện hành vi: đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại vào nguồn nước và các hành vi khác gây ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước.

3. Một số biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Khám phá 1 trang 31: Em hãy nêu những biện pháp để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên được thể hiện ở hình ảnh và thông tin trên.

Trả lời:

Những biện pháp để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

- Trong ảnh:

+ Sử dụng năng lượng sạch từ gió, ánh nắng Mặt Trời.

+ Tiết kiệm điện (rút phích cắm, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; mua những sản phẩm tiết kiệm điện năng).

+ Sử dụng sản phẩm tái chế.

+ Sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

+ Từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilong khó phân hủy.

+ Sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên.

+ Giữ gìn cây xanh

- Trong đoạn thông tin 1:

+ Vườn Quốc gia Cúc Phương đang thực hiện nhiều chương trình, dự án bảo tồn động vật hoang dã, gồm: Bảo tồn linh trưởng quý hiếm của Việt Nam, bảo tồn các loài thú ăn thịt nhỏ và tê tê, bảo tồn rùa.

+ Vườn Quốc gia Cúc Phương cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên cho cộng đồng và học sinh.

- Trong đoạn thông tin 2:

+ Nhà nước ban hành các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

+ Xử lí nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Khám phá 2 trang 31: Theo em, còn có những biện pháp cụ thể nào mang lại hiệu quả trong việc bảo vệ môi trưởng và tài nguyên thiên nhiên?

Trả lời:

Một số biện pháp cụ thể để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên:

+ Không xả rác bừa bãi;

+ Hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa;

+ Tiết kiệm điện, nước,...

+ Nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên;

+ Phê phán, đấu tranh, góp ý với những hành vi gây ô nhiễm môi trường và phá hoại tài nguyên thiên nhiên (phá rừng, săn bắt động vật trái phép,...).

+ Tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương. Ví dụ: hưởng ứng phong trào Ngày Trái Đất; tham gia các hoạt động dọn dẹp rác thải tại địa phương; tham gia Ngày hội “Môi trường Xanh – Nếp sống xanh”,…

4. Trách nhiệm của học sinh trong việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Khám phá 1 trang 32: Nếu học cùng lớp với Hùng, em sẽ làm gì để các bạn thay đổi thói quen làm ảnh hưởng xấu đến môi trường?

Trả lời:

Nếu học cùng lớp với Hùng, em sẽ:

+ Phân tích để các bạn hiểu những hậu quả của việc vứt rác bừa bãi và không tắt các thiết bị điện trước khi ra về. Từ đó, khuyên các bạn nên sửa đổi hành vi, có ý thức tốt hơn trong việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

+ Nếu các bạn không nghe theo lời khuyên, em sẽ báo cáo sự việc với thầy cô giáo để nhờ sự can thiệp, hỗ trợ từ phía thầy, cô.

Khám phá 2 trang 32: Em hãy nhận xét về việc làm của Bích và cho biết ý nghĩa của các việc làm đó.

Trả lời:

- Nhận xét: bạn Bích đã có thái độ và hành vi đúng đắn trong việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta nên khuyến khích, động viên và học tập theo bạn Bích.

- Ý nghĩa từ các việc làm của Bích:

+ Tiết kiệm một phần kinh phí cho gia đình.

+ Bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

+ Góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Khám phá 3 trang 32: Em hãy liệt kê các việc nên làm và không nên làm để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Trả lời:

- Những việc nên làm:

+ Không xả rác bừa bãi;

+ Hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa;

+ Tiết kiệm điện, nước,...

+ Đi bộ hoặc sử dụng xe đạp hay phương tiện giao thông công cộng khi di chuyển.

+ Tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương.

+ Nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

+ …

- Những việc không nên làm:

+ Xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định.

+ Sử dụng nhiều túi ni-lông khó phân hủy, đồ nhựa,…

+ Lãng phí điện, nước, thức ăn...

+ Từ chối hoặc tỏ thái độ thiếu tích cực khi tham gia các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương.

+ Vi phạm hoặc bao che cho những những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

+ …

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 33: Em đồng tình hay không đồng tình với việc làm nào dưới đây? Vì sao?

A. Các hộ gia đình nơi K đang sống luôn giữ gìn vệ sinh môi trường, đổ rác đúng nơi quy định.

B. Bạn X thường hạn chế dùng các chất khó phân huỷ như túi ni-lông, đồ nhựa sử dụng một lần.

C. Bạn E thường xuyên tham gia hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao hoạt động của cộng đồng về bảo vệ các loài động hoang dã, nguy cấp và quý hiếm.

D. Gia đình bạn G sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định khi trồng rau xanh.

Trả lời:

- Ý kiến a) Đồng tình. Vì:  các hộ gia đình nơi K đang sống đã có ý thức bảo vệ môi trường và thực hiện đúng quy định của pháp luật.

- Ý kiến b) Đồng tình. Vì: hạn chế dùng các chất khó phân huỷ như túi ni-lông, đồ nhựa sử dụng một lần cũng là một biện pháp bảo vệ môi trường.

- Ý kiến c) Đồng tình. Vì: tham gia hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên là trách nhiệm của mọi công dân trong đó có học sinh.

- Ý kiến d) Không đồng tình. Vì: việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, như: khiến cây trồng bị nhiễm độc; ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, gây ô nhiễm môi trường.

Luyện tập 2 trang 33: Theo em, mỗi người nên hay không nên làm những việc nào dưới đây? Vì sao?

A. Sử dụng lượng nước vừa đủ để rửa bát, làm sạch thực phẩm.

B. Thực hiện việc phân loại rác tại nguồn (rác thải hữu cơ, vô cơ, rác tái chế).

C. Không mở tủ lạnh quá lâu.

D. Tham gia câu lạc bộ tuyên truyền viên bảo vệ môi trường ở địa phương.

E. Đi bộ, đi xe đạp khi có thể hoặc sử dụng phương tiện công cộng.

Trả lời:

- Hành vi a) Sử dụng lượng nước vừa đủ để rửa bát, làm sạch thực phẩm.

⇒ Nên làm. Vì: hành vi này là một biện pháp giúp tiết kiệm tài nguyên nước.

- Hành vi b) Thực hiện việc phân loại rác tại nguồn (rác thải hữu cơ, vô cơ, rác tái chế).

⇒ Nên làm. Vì: việc phân loại rác thải đem lại nhiều lợi ích lớn, như:

+ Giúp giảm đi lượng rác thải ra môi trường, từ đó góp phần làm giảm tỉnh trạng ô nhiễm môi trường.

+ Giúp tiết kiệm thêm nhiều khoản chi phí khác như: thu gom, vận chuyển và xử lý.

+ Có thể tận dụng nguồn rác thải vào việc tái chế thành các sản phẩm có ích khác.

- Hành vi c) Không mở tủ lạnh quá lâu.

⇒ Nên làm. Vì: hành vi này là một biện pháp giúp tiết kiệm điện.

- Hành vi d) Tham gia câu lạc bộ tuyên truyền viên bảo vệ môi trường ở địa phương.

⇒ Nên làm. Vì: tham gia hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên là trách nhiệm của mọi công dân trong đó có học sinh.

- Hành vi e) Đi bộ, đi xe đạp khi có thể hoặc sử dụng phương tiện công cộng.

⇒ Nên làm. Vì: hành động này sẽ giúp giảm một phần lượng khí thải ra môi trường; tiết kiệm nguồn năng lượng (ví dụ: xăng, dầu,…).

Luyện tập 3 trang 33: Em hãy đọc tình huống sau và trả lời câu hỏi

Tình huống. Trong quá trình hoạt động. Công ty chế biến thực phẩm X thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lí ra môi trường, làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh.

Câu hỏi:

a) Em hãy nhận xét việc làm của Công ty X.

b) Nếu gia đình em đang sinh sống gần Công ty X, biết việc làm này em sẽ ứng xử như thế nào?

Trả lời:

- Yêu cầu a) Hành vi xả chất thải chưa qua xử lí ra môi trường của công ty X đã vi phạm quy định tại khoản 2 điều 4 Luật bảo vệ môi trường năm 2020. Đây là hành vi đáng bị lên án và xử lí theo đúng quy định của pháp luật.

- Yêu cầu b) Nếu gia đình em đang sinh sống gần Công ty X, biết việc làm này em sẽ:

+ Bí mật thu thập bằng chứng (hình ảnh/ video) về những sai phạm của công ty X.

+ Tố cáo, gửi những bằng chứng đó tới cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Luyện tập 4 trang 33: Hãy kể về một tấm gương tích cực tham gia hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên mà em biết.

Trả lời:

(*) Tham khảo: Một số tấm gương tích cực tham gia hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

- Nhóm bạn Nguyễn Lưu Ngọc Hân, Nguyễn Đỗ Nhật Minh, Trần Thị Bảo Ngân ở thành phố Đà Nẵng nổi tiếng với các dự án bảo vệ môi trường, như: làm sạch biển, thu gom rác trên bán đảo Sơn Trà hay phục hồi và nuôi dưỡng các rạn san hô; vận động các quán café trên địa bàn thành phố thay thế ống hút nhựa bằng các loại ống hút thân thiện với môi trường.

- Em Phạm Trọng Đạt, học sinh lớp 6/1, Trường THCS Long An, xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã dùng tay không dọn các bọc rác chắn cống thoát nước dưới mưa, giúp đường không bị ngập úng.

- Anh Giàng Quốc Hưng – Bí thư tỉnh đoàn Lào Cai đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, như:

+ cùng Đoàn viên thanh niên của mình xây dựng được nhiều công trình bảo vệ môi trường như: nhà tắm, nhà tiêu, lò đốt rác, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh,…

+ Đấu tranh, tố giác lên án các hành vi buôn bán và tiêu thụ trái phép các loài động, thực vật quý hiếm, các hành vi sử dụng lãng phí tài nguyên, đốt phá rừng…

+ Chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức được nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường cho đoàn viên thanh niên toàn tỉnh nói riêng và cộng đồng dân cư nói chung.

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 33: Em hãy vẽ tranh/viết truyện sáng tác nhạc,... về chủ đề: Bảo vệ môi trường.

Trả lời:

(*) Sản phẩm tham khảo 1:

Vận dụng 2 trang 33: Em hãy viết lại những điều em thấy cần thay đổi trong cách sinh hoạt hằng ngày để có thể tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Trả lời:

- Những điều em cần thay đổi trong cách sinh hoạt hằng ngày để có thể tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên:

+ Rút phích cắm và tắt các thiết bị điện khi không sử dụng.

+ Sử dụng lượng nước vừa đủ để rửa bát và làm sạch thực phẩm.

+ Hạn chế sử dụng túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần.

+ Tăng cường sử dụng các loại túi đựng được làm từ nguyên liệu: giấy, vải,…

+ Tận dụng rác thải từ nhà bếp để ủ phân xanh, bón cho cây trồng.

+ Tái chế các phế liệu thành những đồ vật dùng trong sinh hoạt.

+ Đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng (xe bus, tàu điện,…) khi di chuyển.

+ Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn (rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ, rác tái chế).

-//-

Trên đây là toàn bộ nội dung câu hỏi, bài tập GDCD 8 Cánh Diều Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Chúc các em học tập tốt với tài liệu này!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM