Trang chủ

GDCD 8 Cánh Diều Bài 10: Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân

Xuất bản: 30/04/2024 - Tác giả:

GDCD 8 Cánh Diều Bài 10: Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân. Hướng dẫn trả lời câu hỏi trong nội dung bài học giúp học sinh chuân bị tốt bài học GDCD

Cùng Đọc tài liệu chuẩn bị tốt bài học Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân trước khi tới lớp với nội dung giải bài tập sgk Giáo dục công dân 8 sách Cánh Diều sau đây.

GDCD 8 Cánh Diều Bài 10

Mở đầu trang 62 Bài 10: Em hãy chia sẻ ý nghĩa của câu ca dao sau đây: “Muốn no thì phải chăm làm/ Một hạt thóc vàng, chín hạt mồ hôi”.

Trả lời:

- Câu ca dao “Muốn no thì phải chăm làm/ Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi”, muốn khuyên con người nên chăm chỉ lao động; chỉ khi lao động, chúng ta mới tạo ra được sản phẩm vật chất để nuôi sống bản thân và gia đình.

1. Tầm quan trọng của lao động đối với đời sống của con người

Khám phá 1 trang 63: Em hãy cho biết hoạt động của con người trong từng hình ảnh, trường hợp trên đã tạo ra những sản phẩm nào? Các sản phẩm đó có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống của con người?

Trả lời:

Sản phẩm và ý nghĩa từ hoạt động lao động của con người:

+ Ảnh 1: hoạt động sản xuất, thu hoạch lúa của các bác nông dân có thể: tạo ra lương thực phục vụ cho cuộc sống của con người và có thể là hàng hóa để phục vụ cho hoạt động trao đổi - buôn bán; tạo ra nguồn thu nhập cho người nông dân.

+ Ảnh 2: hoạt động giảng dạy của giáo viên có thể: đào tạo, giáo dục con người, giúp con người phát triển, hoàn thiện bản thân và góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội; tạo ra nguồn thu nhập cho người giáo viên.

+ Ảnh 3: hoạt động khám, chữa bệnh của bác sĩ có thể: giúp người bệnh cải thiện các vấn đề về sức khỏe; góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội; tạo ra thu nhập cho bác sĩ.

+ Ảnh 4: hoạt động sản xuất giày da của công nhân, có thể: tạo ra sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng ở trong và ngoài nước; đem lại thu nhập để người công nhân có thể nuôi sống bản thân và gia đình.

+ Trường hợp. hoạt động sản xuất, kinh doanh của anh M giúp: người dân có công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định; góp phần thúc đẩy sự phát triển của quê hương, đất nước.

Khám phá 2 trang 63: Theo em, lao động có ý nghĩa gì đối với cá nhân và xã hội?

Trả lời:

Lao động tạo ra sản phẩm, thu nhập cho con người; quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội.

2. Pháp luật về quyền, nghĩa vụ lao động của công dân và lao động chưa thành niên

Khám phá trang 64: Căn cứ vào thông tin trên, em hãy nhận xét ở trường hợp 1 và 2, K và M đã thực hiện quyền, nghĩa vụ lao động của mình như thế nào.

Trả lời:

- Trường hợp 1. Bạn K đã thực hiện quyền: tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc (được quy định tại khoản 1 Điều 35 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013).

- Trường hợp 2. Bạn M đã tỏ thái độ lười biếng, ỷ lại, trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ lao động của công dân.

Khám phá trang 66: Căn cứ vào thông tin, em hãy nhận xét việc thực hiện quy định của pháp luật về lao động chưa thành niên của các chủ thể trong từng trường hợp trên.

Trả lời:

- Trường hợp 1. Giám đốc công ty đã thực hiện đúng các quy định về thời giờ làm việc của lao động chưa thành niên, tại điều 146 Bộ luật Lao động năm 2019

- Trường hợp 2. Ông H có hành vi ép buộc bạn M (14 tuổi) làm các công việc khuân vác nặng nhọc, tiếp xúc với hoá chất và phải làm thêm 02 giờ. Như vậy, ông H đã vi phạm các quy định về: thời giờ làm việc; công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động chưa thành niên (tại điều 146 và 147 Bộ luật Lao động năm 2019).

- Trường hợp 3. Công ty P đã thực hiện đúng các quy định về nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên (tại điều 144 Bộ luật Lao động năm 2019).

3. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên tham gia hợp đồng lao động và nội của hợp đồng lao động

Khám phá 1 trang 68: Em hãy xác định quyền và nghĩa vụ lao động của các chủ thể trong trường hợp trên.

Trả lời:

* Quyền và nghĩa vụ của người lao động (chị G, anh C) trong trường hợp trên:

- Quyền:

+ Lựa chọn việc làm và nơi làm việc.

+ Thoả thuận các nội dung của hợp đồng lao động;

+ Không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động;

- Nghĩa vụ:

+ Cung cấp các thông tin; thực hiện hợp đồng lao động;

+ Chấp hành kỉ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự quản lí, điều hành và giám sát của người sử dụng lao động.

* Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động (bà N) trong trường hợp trên:

- Quyền: Tuyển dụng, quản lí, điều hành lao động;

- Nghĩa vụ: Thực hiện hợp đồng lao động

Khám phá 2 trang 68: Nếu là bạn của anh A trong tình huống trên, em hãy giải đáp băn khoăn của anh A?

Trả lời:

Nếu là bạn của anh A, em sẽ giải thích để anh A hiểu: theo quy định tại khoản 2 điều 161 Bộ Luật Lao động năm 2019, người lao động có nghĩa vụ: phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kĩ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và các vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động.

Khám phá 2 trang 68: Theo em, khi tham gia hợp đồng lao động, các bên có quyền và nghĩa vụ nào?

Trả lời:

Quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia  hợp đồng lao động

* Người lao động:

- Người lao động có quyền:

+ Thoả thuận các nội dung của hợp đồng lao động;

+ Không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động;

+ Hưởng lương phù hợp với trình độ, được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động, nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương;

+ Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ trong quá trình thực hiện công việc.

- Người lao động có nghĩa vụ:

+ Cung cấp các thông tin; thực hiện hợp đồng lao động;

+ Chấp hành kỉ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự quản lí, điều hành và giám sát của người sử dụng lao động.

* Người sử dụng lao động:

- Người sử dụng lao động có quyền:

+ Tuyển dụng, bố trí, quản lí, điều hành, giảm sát lao động;

+ Khen thường và xử lí vi phạm kỉ luật lao động.

- Người sử dụng lao động có nghĩa vụ:

+ Thực hiện hợp đồng lao động

+ Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động

+ Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kĩ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động.

Khám phá trang 69: Dựa vào thông tin trên, em hãy giúp anh K lập được hợp đồng lao động với Công ty A.

Trả lời:

(*) Tham khảo:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

………., ngày.........tháng.......năm.......

HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Chúng tôi, một bên là Ông (bà): ….T            Chức vụ: Giám đốc

Quốc tịch: Việt Nam                                      CMND số:……….

Đại diện cho: Công ty A                                Địa chỉ: ……….

Điện thoại: ……….                                       Fax: ……….

Và một bên là Ông (bà): …… K

Sinh ngày: ……….                                        Nơi cư trú: ……….

Nghề nghiệp: công nhân                                Hộ chiếu số: ……….

Cùng thỏa thuận ký kết hợp đồng lao động và cam kết làm đúng theo những điều khoản sau đây:

Điều 1: Ông …… K được tuyển dụng vào vị trí công nhân lắp ráp linh kiện điện tử tại công ty A, theo loại hợp đồng lao động với thời hạn xác định từ ngày.................... đến ngày...................

Điều 2: Giờ làm việc, điều kiện làm việc

- Giờ làm việc là 8 giờ/ ngày; từ thứ 2 đến hết ngày thứ 7 hàng tuần.

- Thiết bị và công cụ làm việc sẽ được cấp phát theo nhu cầu công việc.

- Điều kiện an toàn và vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 3: Nghĩa vụ, quyền hạn và các quyền lợi của người lao động.

3.1. Nghĩa vụ:

- Trong công việc, chịu sự điều hành trực tiếp của ông (bà) ………………..

- Hoàn thành những công việc đã cam kết trong hợp đồng lao động: Chấp hành nghiêm túc kỷ luật lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động và nội quy của đơn vị.

3.2. Quyền: Người lao động có quyền đề xuất, khiếu nại với một cơ quan thứ ba để thay đổi, tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Pháp luật hiện hành.

3.3. Tiền lương và quyền lợi:

- Mức lương cơ bản của người lao động là: 5.000.000 đồng/ tháng và được trả lần 01 vào ngày …….. của mỗi tháng.

- Công ty cung cấp các thiết bị an toàn lao động theo yêu cầu của công việc.

- Số ngày nghỉ hàng năm được hưởng lương (nghỉ phép, lễ, việc riêng) không được quá 20 ngày.

- Được hưởng các phúc lợi gồm: ..................................................

- Người lao động được hưởng các chế độ ngừng việc, trợ cấp thôi việc hoặc bồi thường theo quy định của Pháp luật hiện hành.

Điều 4: Người sử dụng lao động có nghĩa vụ và quyền hạn sau:

4.1. Nghĩa vụ:

Thực hiện đầy đủ những điều kiện cần thiết đã cam kết trong hợp đồng lao động để người lao động đạt hiệu quả. Bảo đảm việc làm cho người lao động theo hợp đồng đã ký. Thanh toán đầy đủ và dứt điểm các chế độ và quyền lợi của người lao động.

4.2. Quyền hạn:

Có quyền chuyển tạm thời người lao động, ngừng việc, thay đổi, tạm thời chấm dứt hợp đồng lao động và áp dụng các biện pháp kỷ luật theo quy định của Pháp luật hiện hành.

Điều 5: Điều khoản chung:

Bản hợp đồng này có hiệu lực từ ngày..........................

Điều 6: Các thoả thuận khác

Hợp đồng này làm thành 02 bản. Một bản do người sử dụng lao động giữ. Một bản do người lao động giữ.

Người lao động

(Ký, ghi rõ họ tên)

Người sử dụng lao động

(Ký, ghi rõ họ tên)

4. Trách nhiệm của học sinh trong tham gia lao động

Khám phá 1 trang 70: Em có đồng tình với ý kiến của bạn Hà trong tình huống 1 không?Vì sao?

Trả lời:

Em đồng ý với ý kiến của bạn Hà. Vì: lao động là quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân, trong đó có học sinh. Khi tham gia lao động, học sinh nên lựa chọn những công việc phù hợp với năng lực, lứa tuổi và điều kiện sức khỏe của bản thân.

Khám phá 2 trang 70: Em hãy nhận xét thái độ, hành vi của các bạn trong lớp D và bạn B ở tình huống 2. Nếu là D em sẽ giải thích như thế nào để B tích cực tham gia các hoạt động lao động.

Trả lời:

+ Nhận xét: các bạn trong lớp của D đã thể hiện thái độ tích cực, tự giác trong lao động. Trong khi đó, bạn B lại tỏ thái độ ỷ lại, lười biếng và trốn tránh hoạt động lao động tập thể.

+ Nếu là D, em sẽ khuyên B rằng: việc tham gia hoạt động lao động tập thể cũng là một cách để học sinh chúng ta thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ lao động của mình. Mặt khác, khi tham gia hoạt động này, tình cảm và sự gắn kết giữa các thành viên trong lớp sẽ tăng thêm. Vì vậy, B hãy tích cực tham gia hoạt động lao động tập thể nhé!

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 70: Khẳng định nào sau đây không đúng về tầm quan trọng của lao động đối với đời sống của con người? Vì sao?

A. Lao động tạo ra thu nhập góp phần nâng cao đời sống của con người.

B. Lao động không phải là yếu tố quyết định sự phát triển của xã hội.

C. Lao động tạo ra các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của con người.

D. Lao động chỉ mang lại giá trị cho mỗi bản thân mỗi con người.

Trả lời:

- Các ý kiến không đúng là: B và D

- Vì: Lao động tạo ra sản phẩm, thu nhập cho con người; quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội.

Luyện tập 2 trang 70: Theo em, hành vi nào sau đây là thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ lao động của công dân? Vì sao?

A. Bố mẹ bắt T phải làm việc ở nhà máy gần nhà.

B. Công ty cho anh P được nghỉ phép hằng năm.

C. Chị H luôn tích cực lao động để tăng thu nhập cho bản thân.

D. Bạn M luôn chủ động tham gia các công việc lao động cùng gia đình.

E. Anh G bị phân công làm làm các công việc nặng với lí do là lao động mới.

Trả lời:

- Các hành vi thực hiện đúng quy định của pháp luật là: C và D

- Vì: chị H và bạn M đã chủ động và tích cực thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động của công dân (được quy định tại điều 35 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013)

Luyện tập 3 trang 71: Bố mẹ V kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ngoài thời gian học tập, tham gia các hoạt động của trường, V thường phụ giúp bố mẹ bán hàng và giao đồ ăn cho khách. Là con trong gia đình, V nhận thức được bổn phận giúp đỡ bố mẹ các công việc trong nhà. Nhờ chăm chỉ làm việc, V đã góp phần làm cho kinh tế gia đình ổn định hơn.

Em hãy nhận xét thái độ, hành vi của V trong trường hợp trên

Trả lời:

- Bạn V đã có thái độ và hành vi đúng, thể hiện trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động. Đồng thời, hành động của bạn V cũng cho thấy, V biết cách yêu thương, quan tâm, phụ giúp bố mẹ. Chúng ta nên khuyến khích, cổ vũ và học tập theo việc làm của bạn V.

Luyện tập 4 trang 71: Từ khi thuê được G (15 tuổi) vào làm trong xưởng cơ khí của mình, ông D luôn bắt G đứng ở khu vực máy kéo nguy hiểm, không trang bị đồ bảo hộ lao động và thậm chí bắt G làm thêm giờ mà không trả lương.

a) Theo em, ông D đã vi phạm quy định nào của pháp luật về quyền và nghĩa vụ lao động của công dân?

b) Nếu là G, em sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Trả lời:

- Yêu cầu a) Ông D đã vi phạm quy định tại điều 146 và 147 Bộ luật Lao động năm 2019 vì ông đã có hành vi: bắt bạn D (15 tuổi) làm việc ở khu vực máy kéo nguy hiểm, không trang bị đồ bảo hộ lao động và thậm chí bắt G làm thêm giờ mà không trả lương

- Yêu cầu b) Nếu là G, em sẽ:

+ Giải thích để ông D hiểu, các hành vi của ông D đang vi phạm quy định của pháp luật về sử dụng lao động chưa thành niên. Từ đó, yêu cầu ông D chấm dứt hành vi này.

+ Nếu ông D không nghe theo lời khuyên, em sẽ từ chối làm việc và nhờ sự trợ giúp của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Luyện tập 5 trang 71: Trong quá trình trao đổi về hợp đồng lao động, anh Q yêu cầu Công ty C phải cung cấp rõ các thông tin về địa điểm làm việc. Tuy nhiên, công ty lại từ chối với lí do công ty có nhiều chi nhánh nên không cần cung cấp cụ thể.

a) Em có đồng ý với việc làm của Công ty C không?

b) Nếu là anh Q, em có tiếp tục tham gia hợp đồng lao động với Công ty C không? Vì sao?

Trả lời:

- Yêu cầu a) Em không đồng ý với việc làm của công ty C. Vì: hành động từ chối cung cấp thông tin của công ty C đã vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật Lao động năm 2019.

- Yêu cầu b) Nếu là anh Q, em sẽ không tiếp tục tham gia hợp đồng lao động với công ty C. Vì:

+ Công ty C đã thực hiện hành vi sai với quy định của pháp luật.

+ Công ty C không cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng đồng nghĩa với việc, trong quá trình làm việc, bản thân người lao động sẽ phải đối mặt với nguy cơ không được đảm bảo đúng quyền lợi.

Luyện tập 6 trang 71: Em hãy tự mình lập một bản hợp đồng lao động về một công việc phù hợp với lứa tuổi và chia sẻ với các bạn.

Trả lời:

(*) Hướng dẫn: Học sinh tự lập bản hợp đồng lao động, trong đó, có các nội dung sau:

+ Thông tin cơ bản của: người lao động và người sử dụng lao động

+ Vị trí, nhiệm vụ

+ Thời gian làm việc

+ Tiền lương

+ Điều kiện làm việc

+ Quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 71: Em hãy lập kế hoạch thực hiện các hoạt động lao động của bản thân ở gia đình và nhà trường theo gợi ý sau:

NgàyCông việc cần làmĐánh giáCách khắc phục

Trả lời:

(*) Tham khảo

NgàyCông việc cần làmĐánh giáCách khắc phục
5/1/2024- Làm các công việc nhà: dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, rửa bát,…Hoàn thành
6/1/2024- Tham gia hoạt động trồng và chăm sóc cây xanh, vệ sinh khuôn viên lớp học, trường học.Hoàn thành
….….….….

Vận dụng 2 trang 71: Em hãy tham gia hoạt động tuyên truyền của địa phương về quyền và nghĩa vụ lao động của công dân. Từ đó, ghi lại ý nghĩa của hoạt động đó đối với bản thân và mọi người xung quanh.

Trả lời:

(*) Hướng dẫn

- Học sinh tham gia hoạt động tuyên truyền của địa phương

- Ghi lại cảm xúc:

+ Vui vì bản thân đã có ý thức thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động của công dân

+ Tình cảm giữa mọi người trong khu phố được gắn kết hơn.

+ Trân trọng thành quả lao động của bản thân và người khác.

+ ….

-//-

Trên đây là toàn bộ nội dung câu hỏi, bài tập GDCD 8 Cánh Diều Bài 10: Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân. Chúc các em học tập tốt với tài liệu này!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM