Trang chủ

GDCD 7 Chân trời sáng tạo Bài 12: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình

Xuất bản: 30/09/2022 - Tác giả:

Hướng dẫn soạn GDCD 7 bài 12 Chân trời sáng tạo : Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình, gợi ý trả lời toàn bộ nội dung câu hỏi trang 61 - 66 SGK Giáo dục công dân 7 Chân trời sáng tạo

Đọc Tài Liệu hướng dẫn trả lời các câu hỏi soạn gdcd 7 Chân trời sáng tạo Bài 12: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình, giúp các em chuẩn bị tốt kiến thức trước khi đến lớp cho bài học tìm hiểu về quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân trong gia đình.

Soạn GDCD 7 bài 12 Chân trời sáng tạo

Nội dung chi tiết tài liệu tham khảo giải bài tập gdcd 7 bài 12 Chân trời sáng tạo:

Phần Mở đầu

Câu hỏi trang 61 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Em hãy đọc và cho biết người xưa muốn khuyên chúng ta điều gì qua các câu ca dao dưới đây:

1. Công cha như núi ngất trời,

Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông.

Núi cao biển rộng mênh mông

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

2. Anh em nào phải người xa

Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân

Yêu nhau như thể tay chân

Anh em hòa thuận hai thân vui vầy.

(Ca dao)

Trả lời:

- Câu ca dao 1. Nội dung câu ca dao nhằm ca ngợi công lao to lớn của đấng sinh thành - cha mẹ, đồng thời răn dạy con người phải biết ghi nhớ và báo đáp công ơn ấy, phải biết ơn công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, hiếu thảo với cha mẹ.

- Câu ca dao 2. Nội dung câu ca dao là bài ca răn dạy ý nghĩa, sâu sắc về tình thân, nhắn nhủ tới thế hệ chúng ta, đã là anh em một nhà, cùng do cha mẹ sinh ra chúng ta phải hòa thuận, yêu thương nhau, nương tựa lẫn nhau, che chở cho nhau vượt qua gian nan, trắc trở của cuộc sống.

Phần Khám phá

Câu hỏi 1 trang 61 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Em hãy đọc thông tin sau và trả lời câu hỏi.

- Gia đình là gì?

- Gia đình được hình thành từ những quan hệ nào?

Trả lời:

- Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của pháp luật.

+ Dưới góc độ xã hội học: gia đình là tế bào của xã hội, là một tổ chức thu nhỏ của xã hội, nơi có nhiều thế hệ cùng chung sống.

+ Dưới góc độ pháp lí: gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng.

- Gia đình được hình thành từ những quan hệ: quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng.

Câu hỏi 2 trang 62 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Em hãy đọc trường hợp sau và trả lời câu hỏi:

- Em có cảm xúc như thế nào khi đọc câu chuyện trên?

- Theo em, gia đình có vai trò như thế nào?

Trả lời:

- Sau khi đọc câu chuyện trên, em cảm thấy rất thương xót và đồng cảm với hoàn cảnh của gia đình T. Vốn dĩ anh em T có thể sống trong một gia đình đủ đầy và hạnh phúc, nhưng chỉ vì đại dịch COVID-19 đã cướp đi cả bố và mẹ khiến anh em T rơi và cảnh mồ côi. Không còn người thân bên cạnh nhưng anh trai đã hứa sẽ thay bố mẹ chăm sóc cho em gái.

- Theo em, gia đình có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, mang lại các giá trị hạnh phúc, sự hài hòa trong đời sống và là điểm tựa vững chắc để chúng ta phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, là nơi bình yên cho chúng ta tìm về.

Câu hỏi 3 trang 62 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Em hãy đọc các thông tin sau và thực hiện yêu cầu.

Thiết kế sơ đồ tư duy về quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Gợi ý:

Tham khảo mẫu sơ đồ tư duy sau đây về quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình:

Câu hỏi 4 trang 64 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Em hãy đọc các trường hợp sau và trả lời câu hỏi.

- T đã thực hiện nghĩa vụ của mình như thế nào đối với ông, bà?

- Đâu là những biểu hiện tốt hoặc chưa tốt trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong gia đình của bạn bè, người thân mà em biết?

- Theo em, con trai cụ M đã thực hiện tốt nghĩa vụ đối với mẹ của mình chưa? Vì sao?

- Em nên làm những việc gì để đảm bảo thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình?

Gợi ý trả lời:

* T đã thực hiện nghĩa vụ của mình đối với ông bà:

- Dậy sớm chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà mỗi sáng.

- Học tập tốt, đạt được thành tích đáng nể, nhiều năm liền là học sinh giỏi và đứng đầu khối

- Khi nhận được phần thưởng, T còn quan tâm, chia vui cùng ông bà.

* Những biểu hiện tốt hoặc chưa tốt trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong gia đình của bạn bè, người thân:

- Những biểu hiện tốt:

+ Chăm sóc bố mẹ khi bố hay mẹ bị bệnh.

+ Lắng nghe ý kiến của bố mẹ

+ Phụ giúp bố mẹ làm việc nhà

+ Vâng lời bố mẹ

+ Bố mẹ chăm lo cho con cái trong việc học, khuyến khích con tham gia các hoạt động tập thế của trường, lớp

+ Cứ đến cuối tuần hay dịp nghỉ lễ, cả gia đình lại sang thăm hỏi sức khỏe ông bà.

+ ...

- Những biểu hiện chưa tốt:

+ Không nghe lời bố mẹ, lười học, ham chơi.

+ Lười làm việc nhà

+ Không chăm sóc bố mẹ khi bố mẹ ốm đau.

+ Hỗn láo, nói trống không với bố mẹ.

+ Anh chị em trong gia đình tranh giành, bắt nạt nhau

+ ...

* Theo em, con trai cụ M chưa thực hiện tốt nghĩa vụ đối với mẹ của mình vì: Cụ M đã già, cần sự quan tâm, động viên, trò chuyện với con của mình nhưng con trai và con dâu vẫn rất thờ ơ khiến cụ buồn tủi. Hơn nữa, con trai của cụ M cũng không dặn dò các con của mình trò chuyện, thăm hỏi và động viên bà.

* Để đảm bảo thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình, em sẽ:

- Nghe lời yêu quý, kính trọng, biết ơn cha mẹ, ông bà

- Giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà

- Chăm sóc người thân khi họ bị ốm

- Thường xuyên thăm hỏi, động viên ông bà.

- Lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người thân.

- Không thực hiện các hành vi ngược đãi, xúc phạm ông bà, cha mẹ.

- Thương yêu, chăm sóc giúp đỡ anh chị em trong gia đình.

- ...

Phần Luyện tập

Câu hỏi 1 trang 65 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Em hãy kể lại những việc làm thể hiện sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình em.

Trả lời:

Những việc làm thể hiện sự quan tâm lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình em:

- Em thường chơi cùng em gái của em khi mẹ bận nấu cơm cho cả nhà.

- Bố mẹ em luôn khuyến khích, ủng hộ em và em trai trong việc học.

- Mỗi tối, gia đình em thường xuyên xum họp ngồi ăn cơm, chơi đùa rất vui vẻ.

- Mỗi khi mẹ đi làm về, em luôn ra cửa đón mẹ, chào mẹ và lấy nước cho mẹ uống.

- Cuối tuần, cả nhà em lại về nhà ông bà ăn cơm, hỏi thăm tình hình sức khỏe của ông bà.

- Em thường giúp mẹ nấu cơm, quét nhà và trông em.

- Em luôn cố gắng học tập tốt để bố mẹ vui lòng.

- Khi anh trai chuẩn bị chọn trường đại học, bố mẹ hỏi nguyện vọng của anh muốn thi vào trường nào và động viên anh cố gắng học tập thật tốt.

- Khi em bị ốm, mẹ nấu cháo và cho em uống thuốc.

- ...

Câu hỏi 2 trang 65 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Em hãy đọc các tình huống và trả lời câu hỏi:

- Gia đình đã đảm bảo thực hiện quyền của N chưa? N có thực hiện tốt bổn phận của mình không?

- Nếu là bạn của N, em sẽ góp ý với N như thế nào?

- Cách xử sự của ông H có đúng với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không? Vì sao?

- Nếu là bạn của con trai ông H, em sẽ chia sẻ với bạn ấy như thế nào?

Trả lời:

- Tình huống 1:

+ Gia đình đã đảm bảo thực hiện quyền của N. N chưa thực hiện tốt bổn phận của mình. Bởi vì gia đình lo lắng khi N chỉ quen bạn này trên mạng, chưa hiểu rõ về người ta.

+ Em sẽ góp ý với N: Bạn cũng chưa biết được người bạn kia như thế nào, nhỡ họ làm việc xấu thì sao. Mạng xã hội chính là con dao hai chiều, đôi khi thật ảo lẫn lộn ý. Cha mẹ lo lắng và quan tâm bạn nên mới không cho bạn đi chơi, hãy tôn trọng và nghe lời những người lớn.

- Tình huống 2:

+ Cách xử sự của ông H không đúng với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Bởi vì: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con.

+ Nếu em là bạn của con trai ông H, em sẽ khuyên bạn như sau: bố mẹ nào cũng đều yêu thương và quan tâm con của mình theo những cách khác nhau mà. Với bổn phận và nghĩa vụ làm con, mình cứ phụng dưỡng cha mẹ, sống có hiếu là được.

Phần Vận dụng

Câu hỏi 1 trang 66 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Em hãy tự nhận xét về việc thực hiện nghĩa vụ của bản thân đối với gia đình. Sau đó, xây dựng kế hoạch thực hiện nghĩa vụ của mình đối với gia đình trong thời gian tới.

Trả lời:

- Em nhận thấy, mình đã thực hiện khá tốt bổn phận và nghĩa vụ của bản thân đối với gia đình. Đó là biết vâng lời ông bà, cha mẹ, giúp đỡ ông bà, cha mẹ khi cần, cố gắng chăm ngoan học giỏi.

Tuy nhiên, cũng có một số việc cần phải khắc phục như nên biết tiết kiệm tiền cho bố mẹ thay vì cùng các bạn tổ chức đi chơi, nên giúp bố mẹ chỉ em học nhiều hơn, hạn chế đi chơi thay vào đó cố gắng giúp bố mẹ làm việc nhà và học tập…

- Kế hoạch thực hiện nghĩa vụ của mình đối với gia đình trong thời gian tới.

+ Mục tiêu: Đạt được danh hiệu học sinh giỏi.

+ Những lời nói, việc làm cụ thể đối với từng thành viên trong gia đình:

Từ thứ 2 đến thứ 7:

  • Buổi sáng: đi học
  • Buổi trưa: nghỉ ngơi
  • Buổi chiều: chăm em phụ mẹ hoặc tham gia các hoạt động xã hội của trường
  • Buổi tối: sum vầy cùng gia đình, sau đó ôn bài

Chủ nhật:

  • Buổi sáng: ôn lại các kiến thức đã học trong tuần qua
  • Buổi trưa: phụ mẹ dọn dẹp, nấu cơm, chăm em
  • Buổi chiều: cùng gia đình đi chơi ở công viên
  • Buổi tối: ôn bài, chuẩn bị bài cho tuần sau

+ Thời gian thực hiện: Học kì 2

+ Tiêu chí để đánh giá hiệu quả của kế hoạch

  • Điểm số từng môn
  • Điểm số các bài thi
  • Xin đánh giá của bố mẹ

=> Đánh giá hiệu quả, điểm nào đạt, điểm nào chưa đạt, từ đó rút ra bài học.

Câu hỏi 2 trang 66 SGK Giáo dục công dân 7 CTST

Em hãy thiết kế một sản phẩm có nội dung về bổn phận của con cháu đối với bố mẹ, ông bà.

Gợi ý:

Sản phẩm có thể dưới các hình thức như: tranh vẽ, áp phích, banner,…

Tham khảo một số mẫu dưới đây:


Trên đây là toàn bộ nội dung soạn gdcd 7 bài 12 Chân trời sáng tạo: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình do Đọc Tài Liệu biên soạn, tổng hợp. Các em có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong quá trình chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM