Trang chủ

Tuyển tập đề đọc hiểu Viếng lăng Bác

Xuất bản: 18/05/2020 - Cập nhật: 20/05/2020 - Tác giả: Giangdh

Cùng tham khảo các đề đọc hiểu Viếng lăng Bác của Viễn Phương để làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu về bài thơ này trong các kì thi em nhé!

Viếng lăng Bác là bài thơ thể hiện lòng thành kính cùng niềm xúc động sâu sắc của tác giả nói riêng và mọi người nói chung khi đến viếng lăng Bác. Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến bài thơ, cùng Đọc Tài Liệu tham khảo soạn bài Viếng lăng Bác cùng một số đề đọc hiểu dưới đây và xem gợi ý đáp án của từng đề bạn nhé:

Đề đọc hiểu Viếng lăng Bác - Viễn Phương

Đề số 1

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu bên dưới

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng

(Ngữ văn 9, tập 2, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam)

Câu 1: Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm nào? Của ai? Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ ấy.

Câu 2: Nêu đại ý của đoạn thơ trên

Câu 3: Chỉ và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.

Câu 4: Em hãy trình bày ngắn gọn mạch cảm xúc của bài thơ. Từ những hiểu biết của em về bài thơ, hãy giải thích tác dụng của từ “thăm” trong câu thơ và cụm từ “giấc ngủ bình yên”.

Đáp án đề đọc hiểu Viếng lăng Bác số 1

Câu 1:  Đoạn thơ trên trích trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được viết năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành, Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ. Bài thơ “Viếng lăng Bác” được sáng tác trong dịp đó và in trong tập thơ Như mây mùa xuân (1978).

Câu 2: Đại ý của đoạn thơ trên là: Cảm xúc bồi hồi của tác giả khi lần đầu tiên được tới thăm Bác.

Câu 3: Phép tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên là: Ẩn dụ (cây tre).

- Tác dụng của biện pháp tu từ đó là: ví cây tre như biểu tượng sức sống bền bỉ, kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Câu 4:

- Mạch cảm xúc của tác giả gói gọn trong một lời thông báo: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” nhưng lại gợi ra tâm trạng xúc động của những người từ miền Nam sau bao nhiêu năm mong mỏi bây giờ được ra viếng lăng Bác.

- Tác dụng của từ “thăm” trong câu thơ và cụm từ “giấc ngủ bình yên” là: cách dùng từ xưng hô “con” gần gũi, thân thiết tình thân diễn ra tâm trạng thăm cha sau nhiều năm mong mỏi. Tác giả sử dụng từ “thăm” để thay cho từ viếng dù tiêu đề “Viếng lăng Bác”. Từ “thăm” là từ nói giảm nói tránh của tác giả để giảm đi nỗi đau thương mất mát. Qua đây cũng gợi lên sự yêu thương, kính mến của tác giả dành cho Bác.

Có thể bạn quan tâm: Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác

Đề số 2

Đọc đoạn thơ dưới đây và trả lời câu hỏi

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

Câu 1: Đoạn thơ trên trích trong bài thơ nào? Của ai? Giới thiệu đôi nét về tác giả.

Câu 2: Đại ý của đoạn thơ trên là gì? Chỉ ra những biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.

Câu 3: Cho hai câu thơ sau:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

- Hình ảnh mặt trời nào là ẩn dụ? Hãy phân tích ý nghĩa hình ảnh đó trong việc thể hiện lòng tình cảm gì của tác giả.

Câu 4: Tác giả đã dùng hình ảnh gì để diễn tả nỗi niềm cũng như cảm xúc của người dân thông qua hai câu thơ cuối của đoạn thơ trên.

Đáp án đề đọc hiểu Viếng lăng Bác số 2

Câu 1: Đoạn thơ trên trích trong bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương

- Đôi nét về tác giả: Nhà thơ Viễn Phương sinh năm 1928, quê ở tỉnh An Giang. Ông là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời kì chống Mỹ cứu nước. Thơ Viễn Phương thường nhỏ nhẹ, giàu tình cảm, khá quen thuộc với bạn đọc thời kháng chiến chống đế quốc Mĩ.

Câu 2: Đại ý của đoạn thơ trên là: cảm xúc của con dân khi vào thăm lăng Bác.

- Những biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên là:

  • Hai câu thơ đầu: Ẩn dụ, nhân hóa, từ láy
  • Hai câu sau: Ẩn dụ, điệp từ

Câu 3:

- Hình ảnh “mặt trời trong lăng” là ẩn dụ. Đây là hình ảnh sáng tạo, độc đáo – hình ảnh Bác Hồ. Giống như “mặt trời”, Bác Hồ cũng là nguồn sáng, nguồn sức mạnh. “Mặt trời” – Bác Hồ soi đường dẫn lỗi cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. “Mặt trời” – Bác Hồ tỏa hơi ấm tình thương bao la trong lòng mỗi con người Việt Nam.

- Tác giả xây dựng hình ảnh ẩn dụ để nói lên sự vĩ đại của Bác, thể hiện được sự tôn trọng, kính mến của tác giả và toàn dân đối với Bác - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta.

Câu 4: Những hình ảnh được tác giả sử dụng để diễn tả nỗi niềm của con dân qua hai câu thơ cuối là:

  • Hình ảnh “dòng người đi trong thương nhớ” là hình ảnh thực, còn hình ảnh thực diễn tả hình ảnh những dòng người đi trong sự bồi hồi, xúc động trong lòng nặng trĩu tiếc thương. Nhịp thơ như trầm xuống, nghẹn ngào.
  • Hình ảnh ẩn dụ “kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” là hình ảnh đẹp, sáng tạo của tác giả thể hiện tấm lòng thành kính của người dân với Bác.
  • Bảy mươi chín mùa xuân” là hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng cho số tuổi của Bác, hình ảnh về cuộc đời đẹp như những mùa xuân đã hòa nhập vào mùa xuân độc lập, tự do của dân tộc.

Đề số 3

Đọc bài thơ Viếng lăng Bác sau đó trả lời câu hỏi

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.

Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này...

Câu 1: Sự lặp lại hình ảnh cây tre trong khổ thơ đầu và khổ thơ cuối có ý nghĩa gì?

Câu 2: Trong khổ thơ thứ 3, Viễn Phương lại viết “Nghe nhói ở trong tim” là có ý gì?

Câu 3: Nhận xét về giọng điệu của bài thơ và cho biết giọng điệu đó được tạo nên từ những yếu tố nào và có quan hệ như thế nào với cảm xúc của tác giả?

Câu 4: Hãy nên nhận xét của em về đặc sắc nghệ thuật của bài thơ?

Tham khảo: Cảm nhận bài thơ Viếng lăng Bác

Đáp án đề đọc hiểu Viếng lăng Bác số 3

Câu 1: Sự lặp lại hình ảnh cây tre trong khổ thơ đầu và khổ thơ cuối có ý nghĩa là: hình ảnh cây tre cuối bài lặp lại theo cấu trúc đối ứng như một sự khẳng định trung hiếu là phẩm chất cốt lõi của con người trong thời kì đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là ấn tượng sâu sắc của tác giả về hình ảnh hàng tre quanh lăng Bác. Ở đây, hình ảnh cây tre đã mang nét nghĩa mới so với hình ảnh cây tre ở khổ thơ thứ nhất. Trong phần mở đầu, hình ảnh hàng tre xuất hiện với dáng đứng thẳng cho dù phải đương đầu với bão táp mưa sa. Thì tới cuối bài thơ tác giả lại khao khát trở thành cây tre trung hiếu để có thể được đứng canh gác cho Người, đây chính là ước nguyện chân thành, tha thiết của tác giả Viễn Phương.

Câu 2: Câu thơ “Mà sao nghe nhói ở trong tim” là một cách viết lạ, tưởng chừng như vô lí nhưng lại có lí khi bộc lộ tâm trạng đau xót và tiếc nuối không nguôi trước sự ra đi của Bác. Sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, Viễn Phương đã thể hiện cảm xúc đau xót tới đỉnh điểm. “Nhói” là từ ngữ biểu cảm trực tiếp, biểu hiện nỗi đau đột ngột, quặn thắt.

Cách viết ấy đã bộc lộ nỗi đau mất mát ở tận trong đáy sâu tâm hồn nhà thơ – nỗi đau uất nghẹn tột cùng không thể nói nên lời.

Câu 3: Giọng điệu của bài thơ vừa trang nghiêm, sâu lắng vừa tha thiết, đau xót, tự hào, thể hiện tâm trạng xúc động khi tác giả vào lăng viếng Bác.

Giọng điệu được tạo nên bởi nhiều yếu tố: thể thơ, nhịp điệu, từ ngữ, hình ảnh. Thể thơ 8 chữ nhưng có đan xen những dòng thơ 7 chữ hoặc 9 chữ. Cách gieo vần bằng, vần trắc.

Những vần bằng liên tiếp diễn tả dòng cảm xúc dâng trào, các vần trắc thể hiện sự nuối tiếc, xót xa.

Với nhịp thơ chậm, bài thơ lột tả được sự nghiêm trang, thành kính.

Riêng với khổ cuối, nhịp thơ có nhanh hơn cùng với điệp từ muốn làm được lặp đi lặp lại ba lần như thể hiện mong ước thiết tha và lưu luyến của tác giả.

Câu 4: Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ là:

– Giọng điệu bài thơ phù hợp với tình cảm, cảm xúc. Đó là giọng vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết, đau xót, vừa tự hào, thể hiện đúng tâm trạng xúc động khi vào lăng viếng Bác. Giọng điệu ấy được tạo bởi nhiều yếu tố như: thể thơ, nhịp điệu, từ ngữ, hình ảnh.

– Thể thơ và nhịp điệu: Thể thơ 8 tiếng (có dòng 7 hoặc 9 tiếng). Cách gieo vần linh hoạt: vần liền và vần cách. Nhịp thơ nhìn chung chậm, diễn tả sự trang nghiêm, thành kính và những suy ngẫm sâu xa. Khổ cuối nhịp nhanh hơn với điệp ngữ “muốn làm”, thể hiện tình cảm lưu luyến và ước vọng tha thiết của nhà thơ. Bài thơ giàu nhạc điệu nên đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát.

– Hình ảnh có nhiều sáng tạo,kết hợp giữa thực và ảo nhờ ý nghĩa biểu tượng, ẩn dụ. Hệ thống biểu tượng, ẩn dụ: mặt trời, trời xanh, vầng trăng gợi về Bác, có hình ảnh hàng tre, tràng hoa gợi về tình cảm của nhân dân với bác, tất cả đều vừa gần gũi vừa có giá trị biểu cảm, có ý nghĩa sâu xa.

------------

Trên đây là một số đề đọc hiểu Viếng lăng Bác của Viễn Phương mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM