Trang chủ

Các đề đọc hiểu Nếu biết trăm năm là hữu hạn

Xuất bản: 21/03/2023 - Tác giả:

Tổng hợp đề đọc hiểu Nếu biết trăm năm là hữu hạn - Phạm Lữ Ân để làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu về tác phẩm này trong các kì thi em nhé!

Cuốn sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn của tác giả Phạm Lữ Ân là một trong tài liệu khá hay về cuộc sống, đưa tới cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc. Đây là một trong những nội dung được thầy cô yêu thích và đưa vào phần Đọc hiểu của các đề thi, đề kiểm tra.

Để giúp các em hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến tác phẩm này, cùng Đọc Tài Liệu tham khảo một số đề đọc hiểu và xem gợi ý đáp án của từng đề bạn nhé:

Tổng hợp đề đọc hiểu Nếu biết trăm năm là hữu hạn

Đề số 1

“Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn. Và chính bạn, hơn ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó.”

(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn...- Phạm Lữ Ân)

Câu 1. Gọi tên phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Xác định câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn.

Câu 3. Chỉ ra điểm giống nhau về cách lập luận trong 4 câu đầu của đoạn trích.

Câu 4. Đặt nhan đề cho đoạn văn?

Câu 5. Thông điệp tác giả muốn gửi gắm qua đoạn văn là gì?

Câu 6. Cho mọi người biết giá trị riêng (thế mạnh riêng) của bản thân bạn. Trả lời trong khoảng một đoạn văn ngắn.

Câu 7. Em hãy viết một đoạn văn ngắn (200 chữ) bàn về giá trị bản thân trong cuộc sống.

Đáp án đọc hiểu Nếu biết trăm năm là hữu hạn số 1

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: Phương thức nghị luận.

Câu 2. Câu khái quát chủ đề đoạn văn là: Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn. Có thể dẫn thêm câu: Và chính bạn, hơn ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó.

Câu 3. Điểm giống nhau về cách lập luận: lập luận theo hình thức đưa ra giả định về sự không có mặt của yếu tố thứ nhất để từ đó khẳng định, nhấn mạnh sự có mặt mang tính chất thay thế của yếu tố thứ hai.

Câu 4. Nhan đề:  Giá trị bản thân, Giá trị của mỗi con người,...

Câu 5. Thông điệp tác giả muốn gửi gắm: Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn. Và chính bạn, hơn ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó.

Câu 6. Đề có đáp án mở

Đối với yêu cầu này, các bạn có thể tùy theo ý kiến của bản thân để đưa ra lựa chọn.

- Phải nêu được giá trị riêng (thế mạnh riêng) của bản thân là gì?

- Nó được thể hiện như thế nào?

Câu 7. 

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn, đúng ngữ pháp, chính tả

Học sinh có thể trình bày đoạn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Giá trị bản thân trong cuộc sống.

Gợi ý: Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách. Có thể theo hướng sau:

- Mỗi người đều có giá trị của riêng mình, giá trị là điều cốt lõi tạo nên con người bạn.

- Giá trị của bản thân là ưu điểm, điểm mạnh vượt trội của mỗi người so với những người khác khiến mình có một cá tính riêng, dấu ấn riêng không trộn lẫn với đám đông.

- Giá trị của bản thân không đơn thuần là điểm mạnh của bản thân mà còn là sự đóng góp, là vai trò của mỗi người với mọi người xung quanh. (VD: Bạn không cần là một đứa trẻ xuất sắc mọi mặt, nhưng bạn vẫn là niềm tự hào, là nguồn động lực của cha mẹ. Đấy chính một phần giá trị con người của bạn)

- Giá trị của mỗi con người luôn được soi chiếu trên những trục giá trị chung của nhân loại, mà trong đó trục giá trị mang ý nghĩa quyết định chính là nhân cách. Nghĩa là điều kiện tiên quyết để khẳng định giá trị là bạn phải sống đúng với nghĩa một con người.

- Biết được giá trị bản thân sẽ biết được điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để hạn chế, như vậy sẽ đạt nhiều thành công trong cuộc sống.

- Cần nỗ lực học tập rèn luyện để làm tăng giá trị bản thân, trở thành người có ích cho xã hội.

- Không được định giá người khác khi chưa thấu hiểu họ bởi giá trị là sự tích lũy dài lâu, không phải ngày một ngày hai mà tạo ra.

Xem thêm: Nghị luận xã hội về giá trị bản thân

Đề số 2: Đọc hiểu Nếu biết trăm năm là hữu hạn

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày.

Nếu vậy, sao bạn không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ?

Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.

Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức…

(Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012, tr. 43 – 44)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2: Theo tác giả, nếu không theo đuổi ước mơ, con người sẽ rơi vào trạng thái tâm lý nào?

Câu 3: Xác định và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Sống một cuộc đời cũng như vẽ một bức tranh vậy.”

Câu 4: Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn”?

Câu 5. Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 10-15 dòng) nói về ý nghĩa của ước mơ đối với cuộc đời mỗi con người.

Câu 6. Hãy viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần đọc hiểu: “Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức…”

Đáp án đọc hiểu Nếu biết trăm năm là hữu hạn số 2

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích đó là: nghị luận

Câu 2:

Theo tác giả, nếu không theo đuổi ước mơ, con người sẽ rơi vào trạng thái tâm lí: luôn cảm thấy dằn vặt, day dứt vì đã từ bỏ ước mơ của đời mình.

Lưu ý:

Chép trọn vẹn câu: Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày.

Câu 3:

- So sánh: “Sống một cuộc đời” với “vẽ một bức tranh”

- Tác dụng: tạo thêm điểm nhấn giúp lối diễn đạt cụ thể, sinh động; chỉ ra sự tương đồng giữa một cuộc đời với vẽ một bức tranh giúp người đọc dễ hình dung ra cách sống chủ động để biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Câu 4: Đề mở, các em đưa ra suy nghĩ của bản thân mình

Gợi ý:

- Ước mơ là những khát khao mong đợi hoặc những ý tưởng đẹp đẽ mà con người muốn biến thành hiện thực

- Con người cần biết giữ gìn bảo vệ không để những thử thách khó khăn trong cuộc sống làm thui chột ước mơ và cũng không để người khác ngăn cản việc chúng ta thực hiện ước.mơ của mình.

Câu 5:

Yêu cầu: một đoạn văn nghị luận về chủ đề ước mơ đối với cuộc đời mỗi con người. Kết cấu đoạn phải chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; bảo đảm dung lượng.

Gợi ý 

- Giới thiệu vấn đề: ước mơ đối với cuộc đời mỗi con người

- Giải thích: Ước mơ: là điều tốt đẹp ở phía mà con người tha thiết, khao khát, ước mong hướng tới, đạt được

- Vai trò của ước mơ đối với cuộc đời mỗi con người:

+ Giúp bản thân xác định phương hướng, mục tiêu tương lai

+ Là động lực tinh thần để con người có ý chí phấn đấu vượt qua khó khăn

+ Sống lạc quan, vui vẻ; cuộc sống có ý nghĩa hơn khi có ước mơ.

- Kết thúc vấn đề: khẳng định tầm quan trọng của ước mơ đối với cuộc đời mỗi con người.

Xem thêm: Nghị luận về theo đuổi ước mơ

Câu 6:

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn nghị luận: Có đủ phần mở đoạn, phát triển đoạn và kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. “Hãy tìm ra ước mơ… đợi chờ được đánh thức”

c. Triển khai vấn đề được nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động

Giải thích:

- “Ước mơ cháy bỏng”: là khát vọng, là mục đích cao đẹp của cuộc sống mà mỗi con người tha thiết hướng tới và mong ước đạt được

- “nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức…” : Biết lắng nghe và khích lệ những ước mơ của chính bản thân

– Nội dung ý kiến: Hãy biết ước mơ và hiện thực nó bằng ý chí, nghị lực, niềm tin và khả năng của bạn.

Đề số 3: Đọc hiểu Nếu biết trăm năm là hữu hạn

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

…Có thể, chúng ta vẫn nghĩ hạnh phúc là vấn đề “riêng tư” và “cá nhân”. Nhưng không phải vậy. Nếu bạn lo buồn hay gặp bất trắc thì ít nhất, thầy cô, cha mẹ, bạn bè đều cảm thấy xót xa, lo lắng cho bạn. Còn nếu bạn vui tươi, hạnh phúc thì ít nhất cũng làm cho chừng đó người cảm thấy yên lòng, lạc quan và vui vẻ khi nghĩ về bạn.

Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác. Và người khác ấy lại có ảnh hưởng đến những người khác nữa. Tôi thích nghĩ về mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc đời như mạng thể kim cương. Mỗi người là một nguyên tử cacbon trong cấu trúc đó, có vai trò như nhau và ảnh hưởng đến bốn nguyên tử khác, và cứ thế mà nhân rộng ra. Chúng ta cũng có thể vô tình tác động đến cuộc đời một người hoàn toàn xa lạ theo kiểu như vậy.

(Trích Đơn giản chỉ là hạnh phúc, sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn,

Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn, năm 2016)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Chỉ ra và nêu hiệu quả của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 3. Anh/Chị hiểu thế nào về câu văn “Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác”?

Câu 4. Từ nội dung đoạn trích, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về hạnh phúc.

Đáp án đọc hiểu Nếu biết trăm năm là hữu hạn số 3

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2:

Biện pháp nghệ thuật:

- Điệp từ: hạnh phúc

- Liệt kê: bạn lo buồn hay gặp bất trắc thì ít nhất, thầy cô, cha mẹ, bạn bè đề cảm thấy xót xa, lo lắng cho bạn hoặc bạn vui tươi, hạnh phúc thì ít nhất cũng làm cho chừng đó người cảm thấy yên lòng, lạc quan và vui vẻ khi nghĩ về bạn.

- So sánh: “Mỗi con người là một mắt xích hoặc mối quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc đời như mạng thể kim cương” hoặc “Mỗi người là một nguyên tử cacbon”.

Tác dụng:

- Làm cho đoạn văn hấp dẫn, xây dựng hình ảnh đặc sắc và khơi gợi cảm xúc.

- Làm rõ được vấn đề trong đoạn trích: Hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân, riêng tư mà còn ảnh hưởng, tác động đến nhiều người khác, từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè tới cả những người xa lạ.

Câu 3:

Câu văn “Mỗi con người là một mắt xích, dù rất nhỏ nhưng đều gắn kết và ảnh hưởng nhất định đến người khác”: Mỗi cá nhân đều có sự gắn kết trên một phương diện nào đó nên mọi cảm xúc, hành động của bản thân sẽ tác động ít nhiều đến những người xung quanh. Vì vậy mỗi người cần lan truyền cảm xúc tích cực và hạn chế cảm xúc tiêu cực để tránh ảnh hưởng đến những người khác.

Câu 4

Yêu cầu

- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Gợi ý: Học sinh cần triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động:

- Hạnh phúc là cảm giác hân hoan, vui sướng khi đạt được mong muốn, khát khao của mình.

- Hạnh phúc là điều ai cũng muốn có, là mục tiêu hướng tới cuối cùng, có ý nghĩa lớn đối với mỗi người.

- Hạnh phúc không phải là một điều gì quá xa xôi, cao cả mà hạnh phúc đến từ những điều rất đỗi bình thường, biết quý trọng hiện tại cũng là hạnh phúc.

- Hạnh phúc không chỉ mang lại cảm xúc cho bản thân mà còn tác động đến những người xung quanh. Bản thân hạnh phúc thì những người bên cạnh cũng cảm thấy vui vẻ và ngược lại.

- Vì thế, mỗi người cần phải biết nhận ra và trân quý hạnh phúc ngay bên mình.

Đề số 4: Đọc hiểu Nếu biết trăm năm là hữu hạn

Đọc văn bản thực hiện các yêu cầu

Tôi có đọc bài phỏng vấn Ngô Thị Giáng Uyên, tác giả cuốn sách được nhiều bạn trẻ yêu thích “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương”. Trong đó cô kể rằng khi đi xin việc ở công ti Unilever, có người hỏi nếu tuyển vào không làm marketing mà làm sales thì có đồng ý không. Uyên nói có. Nhà tuyển dụng rất ngạc nhiên bởi hầu hết những người được hỏi câu này đều trả lời không. “Tại sao phỏng vấn marketing mà lại làm sales ?”. Uyên trả lời: “Tại vì tôi biết, nếu làm sales một thời gian thì bộ phận marketing sẽ muốn đưa tôi qua đó, nhưng đã quá muộn vì sales không đồng ý cho tôi đi.”

Chi tiết này khiến tôi nhớ đến câu chuyện về diễn viên Trần Hiểu Húc. Khi đó cô đến xin thử vai Lâm Đại Ngọc, đạo diễn Vương Phù Lâm đã đề nghị cô đóng vai khác. Hiểu Húc lắc đầu “Tôi chính là Lâm Đại Ngọc, nếu ông để tôi đóng vai khác, khán giả sẽ nói rằng Lâm Đại Ngọc đang đóng vai một người khác.” Đâu là điều giống nhau giữa họ? Đó chính là sự tự tin. Và tôi cho rằng, họ thành công là vì họ tự tin.

Có thể bạn sẽ nói: “Họ tự tin là điều dễ hiểu. Vì họ tài năng, thông minh, xinh đẹp. Còn tôi, tôi đâu có gì để mà tự tin”  Tôi không cho là vậy. Lòng tự tin thực sự không bắt đầu từ gia thế, tài năng, dung mạo… mà nó bắt đầu từ bên trong bạn, từ sự hiểu mình. Biết mình có nghĩa là biết điều này: Dù bạn là ai thì bạn cũng luôn có trong mình những giá trị nhất định.

(Theo Phạm Lữ Ân – Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012)

Câu 1: Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính ?.

Câu 2: Xác định nội dung chính mà văn bản đề cập.

Câu 3: Tại sao tác giả cho rằng: Lòng tự tin thực sự không bắt đầu từ gia thế, tài năng, dung mạo… mà nó bắt đầu từ bên trong bạn, từ sự hiểu mình ?

Câu 4: Rút ra thông điệp cho bản thân.

Câu 5. Trình bày về nghĩ của anh/chị về lòng tự tin trong một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ).

Đáp án đọc hiểu Nếu biết trăm năm là hữu hạn số 4

Câu 1. Phương thức biểu đạt nào là chính của văn bản trên: Nghị luận

Câu 2. Nội dung chính mà văn bản đề cập: Bàn về lòng tự tin

Câu 3. Bời vì: Lòng tự tin xuất phát từ bên trong, từ sự hiểu mình: Biết ưu thế, sở trường… bản thân sẽ phát huy để thành công trong công việc, cuộc sống; biết mình có những hạn chế, khuyết điểm sẽ có hướng khắc phục để trở thành người hoàn thiện, sống có ích

Câu 4. HS chỉ ra thông điệp sống ý nghĩa nhất đối với bản thân một cách ngắn gọn, thuyết phục

Ví dụ:

- Tự tin xuất phát từ chính bản thân bạn.

- Nếu bạn muốn thành công, trước hết bạn phải có sự tự tin cho chính mình.

Câu 5. 

Gợi ý:

a. Giải thích vấn đề:

- Tự tin: tin vào bản thân mình, là bạn phải rèn cho mình một thói quen khẳng định bản thân trước người khác.

b. Bàn luận vấn đề

- Lòng tự tin là một phẩm chất tốt đẹp của con người. Khi có sự tự tin con người dễ gặt hái thành công trong cuộc sống

- Biểu hiện của lòng tự tin: luôn tin tưởng vào bản thân, chủ động trước mọi tình huống, không lấy làm hổ thẹn trước những khuyết điểm của bản thân, nỗ lực khắc phục điểm yếu để trở thành người hoàn thiện

- Mở rộng: Tự tin không đồng nghĩa với tự cao, tự đại

- Phê phán những người sống tự ti, không nhận thấy giá trị của bản thân

c. Bài học nhận thức, hành động

- Luôn lạc quan, vui vẻ, tự tin rằng mình có những giá trị sẵn có

- Phấn đấu, nỗ lực không ngừng trước những khó khăn, thất bại để luôn tự tin trong cuộc sống.

Xem thêm: Nghị luận về lòng tự tin

Đề đọc hiểu Nếu biết trăm năm là hữu hạn số 5

Đọc đoạn trích sau đây:

Chẳng có ai ngủ một đêm thức dậy bỗng hoá ra độc ác, bạo lực, hay xấu xa. Luôn luôn có một quá trình. Luôn luôn có những biểu hiện trong quá trình đó dù rất nhỏ. Điều đáng buồn là dường như chúng ta luôn tặc lưỡi lướt qua những điều rất nhỏ. Và rồi, những điều tồi tệ diễn ra là bởi chúng ta đã bỏ qua những điều rất nhỏ đó. Những điều tốt nho nhỏ chúng ta đã không làm, như một cái mỉm cười, một lời thăm hỏi, một hành động giúp đỡ... Và những điều xấu nho nhỏ chúng ta đã làm, như một lời xúc xiểm bâng quơ, một ánh nhìn khinh rẻ tình cờ... Làm sao để loại trừ cái ác? Câu trả lời thường thấy là hãy tránh xa nó, và nếu bắt gặp thì trừng phạt nó thích đáng. Nhưng còn một cách nữa, đó là đừng để người khác có cơ hội trở thành người xấu. Tôi không dám nói rằng cái thiện luôn mạnh hơn cái ác. Tôi không biết chắc. Đôi khi tôi nhìn thấy cái thiện bị đánh nốc ao trên sàn đấu trong cuộc chiến đơn độc. Nhưng tại sao chúng ta lại để nó trở thành cuộc chiến đơn độc? Tôi biết chúng ta đông hơn. Những người mong muốn điều tốt đẹp cho cuộc sống này, luôn luôn đông hơn. Vậy thì hãy làm cho chúng ta mạnh hơn. Hãy tìm đến nhau, bạn bè, người thân, đồng nghiệp, đồng hương, đồng loại... Hãy giúp đỡ và xin được giúp đỡ, hãy siết chặt lại những mối dây liên hệ và đừng để ai thành kẻ lạc loài. Những kẻ lạc loài, thường dễ trở thành thủ phạm, hoặc trở thành nạn nhân.

(Phạm Lữ Ân – Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội nhà văn, 2016, tr.178-179)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Chỉ ra nguyên nhân của cái ác được nêu trong đoạn trích.

Câu 2. Theo anh/chị, những kẻ lạc loài được nhắc đến trong đoạn trích là những ai?

Câu 3. Việc tác giả khẳng định:“Tôi biết chúng ta đông hơn. Những người mong muốn điều tốt đẹp cho cuộc sống này, luôn luôn đông hơn” có tác dụng gì?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với việc: để loại trừ cái ác thì hãy tránh xa nó, và nếu bắt gặp thì trừng phạt nó thích đáng không? Vì sao?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu:

Câu 1

Nguyên nhân của cái ác: chúng ta luôn tặc lưỡi lướt qua những điều rất nhỏ. Và rồi, những điều tồi tệ diễn ra là bởi chúng ta đã bỏ qua những điều rất nhỏ đó.

Câu 2

những kẻ lạc loài được nhắc đến trong đoạn trích là những , bạn bè, người thân, đồng nghiệp, đồng hương, đồng loại...

Câu 3

Tác giả khẳng định sức mạnh tập thể của những người mong muốn điều tốt đẹp. Đó có thể làm nên chiến thắng

Câu 4

HS tự bày tỏ quan điểm cá nhân và lý giải hợp lý.

Gợi ý: Em đồng tình với quan điểm đó. Bởi muốn cái ác không tồn tại, không phát triển  thì con người trước hết phải tránh xa nó, trước khi trở thành thủ phạm hay nạn nhân. Hơn nữa, nếu bắt gặp thì phải có những biện pháp trừng phạt để có thể dập tắt ngay khi nó còn đang nhen nhóm, để quá lâu, cái ác càng lớn mạnh thì càng khó.

Đề số 6: Đọc hiểu Nếu biết trăm năm là hữu hạn

Cho đoạn trích sau:

Mỗi người đều phải leo lên những bậc thang đời mình. Có những ước mơ xa: đến đỉnh cao nhất. Có những ước mơ gần: Một hai bậc, rồi sau đó, một hai bậc tiếp theo. Có người cứ lặng lẽ tiến

bước theo mục tiêu của mình, gạt bỏ mọi thị phi. Có người chu du một vòng thiên hạ, nếm đủ đắng cay rồi mới chịu trở về với ước mơ ban đầu. Nhưng cũng có người lỡ bay xa quá và không thể điểu khiển đời mình nữa, chỉ còn buông xuôi và tiếc nuối. Tôi nhận ra rằng, ước mơ chẳng đưa ta đến đâu cả, chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.

Có lẽ chúng ta cần một cái nhìn khác. Rằng chẳng có ước mơ nào tầm thường. Và chúng học không phải để thoát khỏi nghề rẻ rúng này, để được làm nghề danh giá kia. Mà học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào.

Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng đươc ghi nhận. Đó là lí do để chúng ta không thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác.(...)

Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. Bởi luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường.

(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn- Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn; 2017; tr160)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Theo tác giả, vì sao “chúng ta không thèm khát vị trí cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác” ?

Câu 3.  Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào?

Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan niệm: Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. Bởi luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường. Vì sao?

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1: Nghị luận/Phương thức nghị luận.

Câu 2: Theo tác giả “chúng ta không thèm khát vị trí cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác” vì mỗi người đều có vai trò trong cuộc đời này và đáng được ghi nhận

Câu 3: Câu "học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào" được hiểu là:

- Học là con đường tốt nhất để mỗi chúng ta có được công việc yêu thích và mong muốn

- Khi tích lũy đủ kiến thức, lại có thêm những kĩ năng khác tất yếu ta sẽ nhận được mức thu nhập cao nhất, xứng đáng với công sức mình bỏ r

Câu 4: Các em đưa ra quan điểm của mình, đồng tình hoặc không đồng tình sau đó đưa ra lập luận để bảo vệ cho quan điểm đó

Ví dụ:

Mỗi nghề đều có một vị trí ý nghĩa xã hội

Phải có tâm huyết, nỗ lực với nghề mà mình đã chọn.

Đề số 7: Đọc hiểu Nếu biết trăm năm là hữu hạn

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

“Mỗi người đều leo lên những nấc thang của đời mình. Có người mơ ước xa: đến đỉnh cao nhất. Có người mơ ước gần: một hai bậc, rồi sau đó một hai bậc tiếp theo. Có người cứ lặng lẽ tiến bước theo mục tiêu của mình, gạt bỏ thị phi. Có người đi chu du một vòng thiên hạ, nếm đủ đắng cay rồi mới chịu trở về ước mơ ban đầu. Cũng có những người lỡ bay quá xa và không thể điều khiển đời mình được nữa, chỉ còn buông xuôi và đầy tiếc nuối. Tôi nhận ra rằng, thực ra ước mơ chẳng đưa ta đến đâu cả, chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn.

Có lẽ chúng ta cần một cái nhìn khác. Rằng chẳng có ước mơ nào là tầm thường. Và chúng ta học không phải để thoát khỏi nghề rẻ rúng này, để được làm nghề danh giá kia. Mà học để có thể làm điều mình yêu thích một cách tốt nhất và từ đó mang về cho bản thân thu nhập cao nhất có thể, một cách xứng đáng và tự hào.

Mỗi người đều có một vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận. Đó là lí do để ta không thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác. Cha mẹ ta phần đông đều làm những công việc rất bình thường. Và đó là thế lực mà ta cần nhìn thấy để trân trọng không phải để mặc cảm, để bình thản tiến bước không phải để tự ti. Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên đường phố? Nếu tất cả là bác sĩ nổi tiếng thế giới thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả là kĩ sư phần mềm thì  ai sẽ gắn những con chip vào máy tính.
Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày. Bởi luôn luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường”

(Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội nhà văn, 2013, tr 98-99)

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1. Trong văn bản, tại sao tác giả cho rằng “Thực ra ước mơ chẳng đưa ta đến đâu cả, chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn”?

Câu 2. Xác định và phân tích hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn sau: “Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên đường phố? Nếu tất cả là bác sĩ nổi tiếng thế giới thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả là kĩ sư phần mềm thì  ai sẽ gắn những con chip vào máy tính”.

Câu 3. Anh/Chị có đồng tình với quan điểm “Luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường” không? Vì sao?

Câu 4. Từ đoạn trích, anh/ chị hãy viết về ước mơ và cách thức thực hiện ước mơ của mình bằng một đoạn văn ngắn.

Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. 

Trong văn bản, tác giả cho rằng “Thực ra ước mơ chẳng đưa ta đến đâu cả, chỉ có cách thức mà bạn thực hiện ước mơ mới đưa bạn đến nơi bạn muốn” là vì ước mơ chỉ nằm trong suy nghĩ còn nếu muốn biến nó thành sự thật phải thực hiện nó.

Câu 2. “Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên đường phố? Nếu tất cả là bác sĩ nổi tiếng thế giới thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả là kĩ sư phần mềm thì  ai sẽ gắn những con chip vào máy tính”.

Câu trên sử dụng biện pháp nghệ thuật câu hỏi tu từ và liệt kê.

→ Tác dụng: Nhấn mạnh vào tầm quan trọng của mỗi nghê nghiệp khác nhau đồng thời làm cho câu văn có tính biểu cảm, có nhịp điệu và sinh động hơn.

Câu 3. 

Em đồng tình với quan điểm “Luôn có một đỉnh cao cho mỗi nghề bình thường”. Vì:

+ Đối với người khác, nghề nghiệp đó chỉ là một nghề bình thường những nó lại là cuộc sống, ước mơ của nhiều người khác.

+ Nghề nào cũng cao cả và quan trọng. Có thể nó không cao quý bằng những nghề khác nhưng nó đều là đỉnh cao trong lòng người làm việc.

Câu 4. 

Một trong những thứ quan trọng nhất của con người chính là sức khỏe. Có sức khỏe sẽ có tất cả. Tuy nhiên, không phải ai cũng có sức khỏe tốt và trên thế giới này có rất nhiều loại bệnh oái ăm và khó chữa. Do đó, ước mơ của em là trở thành một bác sĩ thật giỏi để chữa bệnh được cho nhiều người. Và để thực hiện ước mơ đó, em phải học hành cần chăm chỉ và cẩn thận. vì đây là một nghề nghiệp liên quan đến tính mạng con người nên không thể lơ là và chủ quan được. Em cũng cần rèn luyện trong mình sự tự tin, bình tĩnh, minh bạch, rèn luyện những kĩ năng sống phù hợp với ngành nghề này. Và điều quan trọng hơn cả là em phải chăm rèn luyện thể thao và thân thể để có một sức khỏe thật tốt.

Đề số 8: Đọc hiểu Nếu biết trăm năm là hữu hạn

Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi:

Làm sao để loại trừ cái ác? Câu trả lời thường thấy là hãy tránh xa nó, và nếu bắt gặp thì trừng trị thích đáng. Nhưng còn một cách nữa, đó là đừng để người khác có cơ hội trở thành người xấu. Đừng bỏ rơi, đừng ép uổng, đừng khinh bỉ. Đừng lừa gạt, đừng lợi dụng, đừng phản bội. Đừng gây tổn thương. Đừng dồn ai vào đường cùng...

Tôi không dám nói rằng cái thiện luôn mạnh hơn cái ác. Tôi không biết chắc. Đôi khi tôi nhìn thấy cái thiện bị đánh nốc ao trên sàn đấu trong cuộc chiến đơn độc. Nhưng tại sao chúng ta lại để nó trở thành cuộc chiến đơn độc? Tôi biết chúng ta đông hơn. Những người mong muốn điều tốt đẹp cho cuộc sống này, luôn luôn đông hơn.

Vậy thì hãy làm cho chúng ta mạnh hơn. Hãy tìm đến nhau, bạn bè, người thân, đồng nghiệp, đồng hương, đồng loại… Hãy giúp đỡ và xin được giúp đỡ, hãy xiết chặt những mối dây liên hệ và đừng để ai thành kẻ lạc loài. Những kẻ lạc loài thường dễ thành thủ phạm, hoặc trở thành nạn nhân.

Thế cho nên, giữa cuộc sống bộn bề đôi khi cũng cần nhìn lại, để tự hỏi lòng xem, phải chăng ngay bên cạnh đời ta vẫn còn ai đó lạc loài?

(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn, 2016)

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,25 điểm)

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ trong những câu văn: Đừng bỏ rơi, đừng ép uổng, đừng khinh bỉ. Đừng lừa gạt, đừng lợi dụng, đừng phản bội. Đừng gây tổn thương. Đừng dồn ai vào đường cùng. (0,75 điểm)

Câu 3. Theo đồng chí, tại sao tác giả lại cho rằng: Những kẻ lạc loài thường dễ thành thủ phạm, hoặc trở thành nạn nhân ? (0,5 điểm)

Câu 4. Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất với đồng chí? Vì sao? (0,5 điểm)

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính là nghị luận

Câu 2:

Biện pháp tu từ trong câu là: liệt kê

Tác dụng: liệt kê những hành vi không nên làm để chỉ rõ, nhấn mạnh chúng, giúp bản thân và những người xung quanh biết cách không trở thành người ác

Câu 3:

Vì họ thường ngăn cách với mọi người xung quanh, vì thế, họ không thể chia sẻ, giãi bày mọi việc với người khác, dần dần, bản tính lương thiện, biết chia sẻ, yêu thương của họ bị phai nhạt, mờ dần.

Câu 4:

Thông điệp có ý nghĩa nhất: có thể tự chọn một thông điệp và phân tích thông điệp ấy (sức mạnh đoàn kết, không để ai phải lạc loài, một mình,.....)

Hết

Trên đây là một số đề Đọc hiểu Nếu biết trăm năm là hữu hạn mà Đọc tài liệu đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM