Trang chủ

5 đoạn văn thể hiện cảm xúc của em về một đoạn trong bài Chuyện cổ tích về loài người

Xuất bản: 01/10/2021 - Cập nhật: 18/10/2021 - Tác giả:

Top 5 đoạn văn khoảng 5-7 câu thể hiện cảm xúc của em về một đoạn thơ mà em yêu thích trong bài Chuyện cổ tích về loài người chuẩn yêu cầu về nội dung và cấu trúc.

Yêu cầu viết đoạn văn thể hiện cảm xúc của em về một đoạn trong bài Chuyện cổ tích về loài người nằm trong phần Viết kết nối với đọc thuộc nội dung Soạn bài Chuyện cổ tích về loài người. Để có thể làm được đoạn văn một cách đầy đủ các nội dung chỉ trong vỏn vẹn 5 -7 câu, các em nên tham khảo hướng dẫn dưới đây.

Đề bài

Viết đoạn văn khoảng 5-7 câu thể hiện cảm xúc của em về một đoạn thơ mà em yêu thích trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người

Hướng dẫn cách làm bài

1. Để viết được đoạn văn đoạn văn thể hiện cảm xúc của em về một đoạn trong bài Chuyện cổ tích về loài người, các em cần xác định được cho mình đoạn thơ bản thân em yêu thích.

Sau khi xác định được đoạn thơ yêu thích trong bài Chuyện cổ tích về loài người, các em cần xác định tiếp các yếu tố sau:

- Nội dung chính của đoạn thơ,

- Các yếu tố nghệ thuật nổi bật trong đoạn thơ,

- Cảm xúc của em khi đọc đoạn thơ đó.

2. Các yêu cầu đối với một đoạn văn thể hiện cảm xúc của em về đoạn thơ cần có:

- Câu đầu giới thiệu được tên bài thơ, tên tác giả, nội dung đoạn thơ, cảm xúc của em về đoạn thơ đó.

- Các câu tiếp theo thể hiện cảm xúc đối với các khía cạnh nội dung, nghê thuật của đoạn thơ.

5 đoạn văn mẫu thể hiện cảm xúc của em về một đoạn trong bài Chuyện cổ tích về loài người

Đoạn văn mẫu 1

Đoạn văn ghi lại cảm xúc của em về đoạn thơ nói về sự ra đời của mẹ

Trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người, em cảm thấy thích nhất đoạn thơ nói về sự ra đời của mẹ:

“Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc
Mẹ mang về tiếng hát
Từ cái bống cái bang
Từ cái hoa rất thơm
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng…”

Từ những dòng thơ mà tác giả viết, người đọc có thể hình dung được tình yêu thương vô bờ của người mẹ dành cho đứa con của mình. Những lời ru tiếng hát đem đến cho con những giấc ngủ yên bình, những hiểu biết đầu tiên về thế giới. Tác giả đã liệt kê hình ảnh, hương vị, màu sắc mà người mẹ mang đến cho con. Ý nghĩa của việc xuất hiện của mẹ đó là vì đứa trẻ cần tình yêu thương, sự chăm sóc. Với giọng thơ tự nhiên, ngọt ngào, người đọc có thể hình dung được ý nghĩa của người mẹ đối với trẻ con thật đặc biệt, thiêng liêng, kì diệu và tràn ngập màu sắc.

Đoạn văn mẫu 2

Đoạn văn thể hiện cảm xúc của em về đoạn thơ nói về sự ra đời của mẹ

Khi đọc “Chuyện cổ tích của loài người”, tôi cảm thấy ấn tượng nhất với đoạn thơ nói về sự ra đời của mẹ:

“Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc
Mẹ mang về tiếng hát
Từ cái bống cái bang
Từ cái hoa rất thơm
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng…”

Tình mẫu tử vốn là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc sống. Người mẹ đã dành cho trẻ con sự chăm sóc từ khi mới sinh ra, cho đến khi lớn lên, trưởng thành. Người mẹ nâng niu con trong bàn tay, chăm sóc con từ bữa ăn đến giấc ngủ với lời ru. Những lời ru đã mở ra cho trẻ con những hiểu biết về thế giới xung quanh. Tác giả đã liệt kê ra các hình ảnh, màu sắc, hương vị xuất hiện từ lời ru của mẹ. Chỉ bằng những câu thơ ngắn gọn, Xuân Quỳnh đã giúp cho người đọc hiểu được ý nghĩa của người mẹ đối với trẻ con thật là sâu sắc.

Đoạn văn mẫu 3

Đoạn văn ghi lại cảm xúc của em về đoạn thơ nói về sự thay đổi của Trái Đất khi trẻ con được sinh ra

“Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh là một bài thơ giàu ý nghĩa, đặc biệt là khổ thơ nói về sự thay đổi của Trái Đất khi trẻ con được sinh ra. Trước đó, Trái Đất thật là trần trụi: không một dáng cây ngọn cỏ, cũng như không có ánh sáng hay màu sắc. Thì sau khi trẻ con ra đời, Trái Đất đã hoàn toàn thay đổi: mặt trời xuất hiện giúp trẻ con nhận biết màu sắc. Tiếng chim hót, tiếng gió thổi cho trẻ con cảm nhận âm thanh. Sông xuất hiện giúp trẻ con tắm rửa sạch sẽ; biển lại giúp trẻ con suy nghĩ, cung cấp cá tôm và phương tiện là tàu thuyền để khám phá khắp nơi. Khi trời nắng, những đám mây đem bóng mát cho trẻ em. Và khi trẻ em bắt đầu tập đi thì con đường xuất hiện. Mọi sự việc xuất hiện trên Trái Đất đều xoay quanh trẻ em để giúp người đọc hiểu hơn về tầm quan trọng của trẻ em trong cuộc sống.

Đoạn văn mẫu 4

Đoạn văn ghi lại cảm xúc của em về đoạn thơ nói về sự thay đổi của Trái Đất khi trẻ con được sinh ra

Đọc bài thơ Chuyện cổ tích về loài người của nhà thơ Xuân Quỳnh, em rất ấn tượng với khổ thơ đầu tiên. Ở khổ thơ đầu tiên này, tác giả vẽ nên một khung cảnh, khi mà cả Trái Đất chỉ mới có trẻ con mà thôi. Trẻ con chính là sinh vật đầu tiên xuất hiện, như một ngôi sao sáng, như một đốm lửa màu nhiệm. Thế giới xung quanh lúc này xám xịt và lạnh lẽo, trụi trần, chẳng có gì cả. Tác giả đã khắc họa Trái Đất lúc ấy không cây cỏ, không muông thú, chim chóc, không có màu sắc, không có ánh sáng. Và trẻ con chính là nét bút tươi mới đầu tiên của nơi đây, là mầm non, là hi vọng về một tương lai khác của Trái Đất. Những hình ảnh thơ ấy, đã gợi lên sự tò mò về những điều mới lạ trên Trái Đất từ khi có trẻ con. Đó là một cách mở đầu thú vị và hấp dẫn, gợi sự tò mò cho người đọc mong chờ sự thay đổi của Trái Đất sau đó.

Đoạn văn mẫu 5

Đoạn văn thể hiện cảm xúc của em về đoạn thơ nói về sự ra đời của bố

Đến với bài thơ “Chuyện cổ tích của loài người” của Xuân Quỳnh, tôi cảm thấy yêu thích nhất là khổ thơ nói về sự ra đời của bố:

“Muốn cho trẻ hiểu biết
Thế là bố sinh ra
Bố bảo cho biết ngoan
Bố dạy cho biết nghĩ
Rộng lắm là mặt bể
Dài là con đường đi
Núi thì xanh và xa
Hình tròn là Trái Đất…”

Khi xã hội văn minh hơn, còn trẻ em bắt đầu trưởng thành hơn, bố chính là người dạy cho trẻ những hiểu biết về cuộc sống. Không giống như bà đem đến những câu chuyện cổ tích về bài học đạo đức. Hay mẹ dành tình yêu bằng sự chăm sóc trong cuộc sống hàng ngày. Thì bố là người giúp trẻ em biết suy nghĩ và ngoan ngoãn hơn. Nhờ sự dạy dỗ của bố mà trẻ em trở nên trưởng thành hơn. Bố còn là người dạy cho trẻ biết khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống: đâu là mặt bể, đâu là con đường, núi như thế nào và Trái Đất ra sao… Nhờ có sự dạy dỗ của bố mà trẻ con có thêm được những kiến thức thật bổ ích. Như vậy, đoạn thơ đã giúp người đọc hiểu hơn về vai trò của bố với một đứa trẻ.

-/-

Trên đây là 5 đoạn văn thể hiện cảm xúc của em về một đoạn trong bài Chuyện cổ tích về loài người chuẩn nhất về cả nội dung và cấu trúc. Hi vọng tài liệu này hữu ích cho các em

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM