Trang chủ

Đoạn văn phân tích tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc

Xuất bản: 20/06/2024 - Tác giả:

Hướng dẫn viết đoạn văn phân tích tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong một bài thơ mà em đã học hoặc đã đọc (khoảng 8 - 10 dòng)

Lặp cấu trúc là một biện pháp tu từ phổ biến trong thơ ca, giúp nhấn mạnh ý nghĩa, tạo nhịp điệu và tăng sức biểu cảm cho tác phẩm. Bài viết này sẽ cung cấp cho em hướng dẫn chi tiết phân tích tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong một bài thơ cụ thể mà em đã học hoặc đã đọc.

Các bước viết đoạn văn phân tích tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong một bài thơ

1. Xác định đoạn thơ / câu thơ sử dụng biện pháp tu từ lặp cấu trúc

- Đọc kỹ bài thơ, nhận biết những câu thơ, đoạn thơ có cấu trúc tương tự nhau, lặp lại một cách có chủ ý.

- Xác định vị trí của cấu trúc lặp trong bài thơ (đầu, giữa hay cuối bài).

- Xác định yếu tố nào được lặp lại? (Cụm từ, hình ảnh, câu thơ, vần điệu,...)

- Ghi chú những câu thơ, đoạn thơ có cấu trúc lặp lại để dễ dàng phân tích.

2. Phân tích ý nghĩa của cấu trúc lặp

- Giải thích ý nghĩa của từ ngữ, hình ảnh hoặc cấu trúc được lặp lại.

- Liên hệ ý nghĩa của cấu trúc lặp với nội dung, chủ đề và thông điệp của bài thơ.

3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc

* Lặp cấu trúc (còn gọi là lặp cú pháp, điệp cú pháp) là biện pháp tu từ mà người viết (người nói) lặp lại cấu trúc của một cụm từ, một câu nhằm nhấn mạnh nội dung biểu đạt và tạo nhịp điệu, sự liên kết cho các câu văn, câu thơ.

* Tác dụng của biện pháp lặp cấu trúc:

- Cấu trúc lặp giúp nhấn mạnh ý nghĩa, thông điệp của bài thơ, khắc sâu vào tâm trí người đọc.

+ Lặp lại những từ ngữ, cụm từ, hình ảnh, câu thơ... giúp nhấn mạnh ý muốn truyền tải của tác giả.

+  Lặp lại các yếu tố liên quan đến đối tượng miêu tả, giúp người đọc hình dung rõ nét hơn về hình ảnh, cảnh vật, con người.

- Cấu trúc lặp lại nhưng với nội dung khác nhau, tạo sự đối lập, tương phản, làm nổi bật chủ đề, thông điệp của bài thơ.

- Sự lặp lại tạo nên âm hưởng, nhịp điệu cho bài thơ, giúp tăng tính nhạc và dễ ghi nhớ.

- Lặp cấu trúc tạo nên sự da diết, tha thiết, tăng sức biểu cảm cho ngôn từ: Lặp lại những từ ngữ, câu thơ mang tính biểu cảm, tạo hiệu quả nghệ thuật cao, khơi gợi cảm xúc cho người đọc.

- Lặp cấu trúc giúp liên kết các câu, các đoạn trong bài thơ, tạo sự mạch lạc cho bài thơ.

4. Dàn ý đoạn văn

Chọn một bài thơ mà mình đã học hoặc đã đọc để có thể phân tích một cách sâu sắc và chính xác nhất.

- Mở đoạn: Bắt đầu bằng câu chủ đề giới thiệu biện pháp tu từ lặp cấu trúc và bài thơ được phân tích.

- Thân đoạn:

+ Trình bày các cấu trúc lặp được sử dụng trong bài thơ (trích dẫn những câu thơ, đoạn thơ có cấu trúc lặp)

+ Phân tích ý nghĩa và tác dụng của từng cấu trúc lặp cụ thể.

+ Đánh giá chung về hiệu quả của biện pháp lặp cấu trúc trong việc thể hiện nội dung và chủ đề của bài thơ.

- Kết đoạn: Khẳng định lại giá trị của biện pháp tu từ này trong việc làm nổi bật ý nghĩa và tăng tính nghệ thuật cho bài thơ.

5. Viết đoạn văn

Bám sát nội dung dàn ý đã xây dựng ở phần trên và triển khai thành từng câu văn, đoạn văn đáp ứng các yêu cầu sau:

- Sử dụng câu chủ đề: Nêu rõ biện pháp tu từ lặp cấu trúc được sử dụng trong đoạn thơ/ câu thơ và tác dụng chung của nó.

- Lấy dẫn chứng cụ thể: Trích dẫn những câu thơ, đoạn thơ có cấu trúc lặp lại.

- Phân tích chi tiết: Giải thích cụ thể tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong mỗi dẫn chứng.

- Kết hợp với các yếu tố khác: Kết hợp với việc phân tích các biện pháp tu từ khác, các yếu tố nghệ thuật khác (nhịp điệu, vần điệu,...), giúp đoạn văn thêm phong phú, thuyết phục.

5 mẫu đoạn văn phân tích tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong một bài thơ

Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc mẫu số 1

Trong bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng, biện pháp tu từ lặp cấu trúc được sử dụng một cách tài tình, đặc biệt là ở đoạn thơ "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống". Cấu trúc "ngàn thước lên cao ngàn thước xuống" được lặp lại, nhấn mạnh sự hiểm trở, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. Sự lặp lại này không chỉ tạo nên âm hưởng mạnh mẽ, dồn dập mà còn khắc họa rõ nét hình ảnh đoàn quân Tây Tiến vượt qua những khó khăn gian khổ. Qua đó, người đọc cảm nhận được sự quả cảm, kiên cường của người lính và vẻ đẹp hào hùng của thiên nhiên Tây Bắc. Biện pháp tu từ lặp cấu trúc đã góp phần tạo nên thành công của bài thơ, giúp người đọc hình dung rõ nét và cảm nhận sâu sắc hơn về con người và cảnh vật trong tác phẩm.

Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc mẫu số 2

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Đoạn thơ sử dụng biện pháp tu từ lặp cấu trúc "Mùa xuân...". Cấu trúc này được lặp lại 2 lần, tạo nên nhịp điệu đều đặn, uyển chuyển, giúp người đọc dễ dàng ghi nhớ. Lặp lại cấu trúc "Mùa xuân" giúp tác giả nhấn mạnh sự tươi đẹp, sức sống của mùa xuân, đồng thời thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự thành kính, tự hào với những người lính đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc mẫu số 3

Thi sĩ Xuân Diệu yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp đến mãnh liệt nhưng bên trong những vần thơ của ông vẫn gây cho người đọc một cảm giác chênh vênh, hụt hẫng. Điều đó, được thể hiện rất sâu sắc qua biện pháp điệp từ trong bài thơ “Vội vàng” :

“Ta muốn ôm

 Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

 Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

 Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

 Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều…”

Biện pháp tu từ điệp từ cách quãng “Ta muốn” tạo nên cấu trúc câu đều đặn, hối hả như đang thúc giục mọi người hãy yêu quý tuổi trẻ, thanh xuân của mình, hãy làm những điều mình muốn mà chỉ có thể tuổi trẻ mới làm được, đầu tiên đó là yêu thiên nhiên. Tất cả đều thể hiện sự gấp gáp, cuống quýt, vồ vập. Xuân Diệu muốn ôm giữ lấy những vẻ đẹp non tươi của cuộc sống đang diễn ra: sự sống bắt đầu mơn mởn, mây đưa, gió lượn,… để nó khỏi trôi đi nhưng dù ôm chặt mà vẫn không thể giữ được trọn vẹn.

Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc mẫu số 4

Tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong bài Tôi yêu em

Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc mẫu số 5

"Nhìn thấy gió xoa vào mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái"

Bằng biện pháp lặp cấu trúc tài tình, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã thành công khắc họa sự khó khăn mà người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn phải trải qua. Những chiếc xe quân dụng mà lại không có kính - một điều vô cùng bất lợi đối với người sử dụng. Chính bởi lí do đó mà gió tạt làm "mắt đắng". Nhưng cũng nhờ vậy, người lính có thể thấy rõ hơn con đường phía trước, có thể ngắm nhìn được bầu trời sao rộng lớn cùng những cánh chim bay lượn phía trên. Cái bi đã được lãng mạn hóa bởi thi nhân đã nhìn nó dưới con mắt tinh tế cùng tâm hồn lạc quan. Phép lặp cấu trúc vừa nhấn mạnh sự gian khổ của hoàn cảnh, vừa làm nổi bật lên vẻ đẹp tinh thần đáng trân trọng của những người chiến sĩ ngoài mặt trận.

-/-

Các em vừa tham khảo nội dung gợi ý của Đọc tài liệu hướng dẫn cách viết đoạn văn phân tích tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc trong một bài thơ mà em đã học hoặc đã đọc. Ngoài ra, đừng quên tìm đọc các bài Văn mẫu lớp 11 khác do chúng tôi biên soạn để cải thiện kĩ năng viết văn nhé!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM