Trang chủ

Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A

Xuất bản: 26/05/2023 - Tác giả:

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 - 10 dòng) miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A (hào khí thời Trần) trong bài thơ Tỏ lòng.

Top 10 Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A

"Hào khí Đông A" là hào khí mạnh mẽ, oai hùng, hào sảng thời nhà Trần. Bài thơ Tỏ lòng đã khắc họa vẻ đẹp của trang nam nhi với "Hào khí Đông A". Trong bài viết này, Đọc tài liệu tổng hợp một số đoạn văn hay miêu tả về hình ảnh của trang nam nhi trong bài thơ Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão

Đề bài: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 - 10 dòng) miêu tả hình ảnh "trang nam nhi" với "hào khí Đông A" (hào khí thời Trần) trong bài thơ Tỏ lòng.

Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A trong bải thơ Tỏ lòng - Mẫu 1

Bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão vừa khắc họa sinh động hình tượng "trang nam nhi" thời Trần hiên ngang, bất khuất; vừa thể hiện khát vọng cao đẹp của chính tác giả. Hình tượng người tráng sĩ thời Trần hiện lên trong không gian bao la rộng lớn của núi sông với tư thế hiên ngang, anh dũng. Người tráng sĩ ấy cầm ngang ngọn giáo để bảo vệ đất nước. Tư thế ấy, tầm vóc ấy như sánh ngang cùng giang sơn hùng vĩ. Hình ảnh người trang sĩ ấy càng đẹp và đầy khí thế hơn khi được Phạm Ngũ Lão so sánh với đất trời, vũ trụ. Ông đã lấy không gian bao la đo lòng dũng cảm, dùng thời gian vô tận thử ý chí. Cuối bài thơ, tác giả bày tỏ niềm tiếc thương cho những tráng sĩ vang bóng một thời, nhưng nay cũng chỉ được nhắc đến với "hào khí Đông A", họ đã trở thành những người thiên cổ.

Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A trong bải thơ Tỏ lòng - Mẫu 2

Bài thơ "Tỏ lòng" của Phạm Ngũ Lão đã tái hiện hình ảnh trang nam nhi thời Trần anh dũng với lòng yêu nước thiết tha và ý thức trách nhiệm, ý chí nghị lực phi thường. Họ hiện lên trong tư thế hiên ngang và hành động kỳ vĩ, sánh vai cùng vũ trụ. Đấng nam nhi cầm trên tay ngọn giáo, biểu tượng cho sức mạnh và lòng yêu nước của nam nhi thời Trần. Nó được đo bởi chiều rộng của đất mẹ, chiều cao của bầu trời, giống như khẳng định chủ quyền dân tộc. Cầm ngang ngọn giáo trên tay, sánh ngang với vũ trụ, trang nam nhi chủ động đứng trong tư thế và tầm nhìn bao quát, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ giang sơn. "Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu", tác giả đã sử dụng hình ảnh so sánh cường điệu hóa, khắc họa và làm nổi bật vẻ đẹp sức mạnh của người nam nhi thời Trần. Trang nam nhi thời Trần không chỉ mạnh mẽ về thể chất mà còn sở hữu ý chí chiến đấu ngoan cường. Trong bài thơ "Tỏ lòng", Phạm Ngũ Lão đã khắc họa hình ảnh của những "trang nam nhi" với khí thế mạnh mẽ, hào sảng thể hiện đúng "hào khí Đông A" thời Trần. Họ trở thành những tượng đài bất tử về người anh hùng dân tộc.

Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A trong bải thơ Tỏ lòng - Mẫu 3

Hình ảnh "trang nam nhi" với "hào khí Đông A" trong bài thơ "Tỏ lòng" của Phạm Ngũ Lão hiện lên vô cùng oai phong, lẫm liệt. Hình ảnh người tráng sĩ được khắc họa với tư thế cầm ngang ngọn giáo thể hiện sự chủ động chiến đấu bảo vệ đất nước. Người tráng sĩ ấy đã trấn giữ non sông vừa chẵn mấy thu. Vẻ đẹp của người tráng sĩ được đặt trong không gian bao la với thời gian vô tận cho thấy sự quyết tâm chống lại kẻ thù. Mỗi "trang nam tử" là một mảnh ghép tạo nên sức mạnh của quân đội nhà Trần. Sức mạnh ấy được ví như loài mãnh hổ, khí thế át cả sao trên trời. Cũng có thể hiểu, người nam nhi tuy trẻ tuổi mà khí phách anh hùng. Hình ảnh trang nam nhi thời Trần không chỉ hiện lên với tư thế hiên ngang mà còn hiện lên với hoài bão, lí tưởng cao đẹp. Trang nam tử cảm thấy trăn trở với món nợ công danh nên cảm thấy thẹn khi lắng tai nghe chuyện Vũ Hầu.

Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A trong bải thơ Tỏ lòng - Mẫu 4

“Trang nam nhi” mà Phạm Ngũ Lão nhắc đến chính là một thể hiện hào khí Đông A thời Trần. Bởi ông cũng là một người dưới thời Trần, thời mà khí thế hào hùng với những con người luôn sôi sục nhiệt huyết, chí lớn trên mọi phương diện đặc biệt trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc. Những con người oai hùng, hào sảng, phóng khoáng đó, mang trong mình dòng máu của trang nam nhi, luôn theo đuổi giấc mộng lập công danh, đánh bại kẻ thù xâm lược, bảo vệ độc lập và hòa bình của dân tộc. Đó là tấm lòng khi chưa làm gì được cho đất nước thì cảm thấy “thẹn”, làm được rồi thì mong muốn làm được nhiều hơn… Một tấm lòng tận trung, tận nghĩa không bao giờ dừng mang theo hào khí Đông A của cả một triều đại.

Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A trong bải thơ Tỏ lòng - Mẫu 5

Trong lịch sử nước nhà, thời đại nhà Trần là một trong những thời đại lịch sử phát triển nhất. Không thể phủ nhận những thành tựu mà quân dân nhà Trần làm cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, chính trị, quân sự, kinh tế hay tôn giáo…Nhắc đến nhà Trần là nhắc đến hào khí Đông A. Đặc biệt hào khí ấy không chỉ được nhắc đến trong lịch sử mà nó còn được nhắc đến qua bài thơ Tỏ lòng của vị tướng quân tài ba Phạm Ngũ Lão. Đồng thời qua bài thơ này, nhà thơ cũng muốn thể hiện nỗi “thẹn” của mình. Xưa kia, sinh thời phận làm trai thì phải có công danh và sự nghiệp. Một người nam nhi chân chính là phải có danh với núi sông, có công với đất nước. Chỉ có như thế mới xứng đáng là phận nam tri đầu đội trời chân đạp đất. Cái nợ công danh của nhà thơ vẫn còn trong khi ông đã từng đánh nam dẹp bắc, chặn biết bao nhiêu con đường của giặc đi. Phạm Ngũ Lão – một vị tướng tài ba của nhà Trần thế nhưng ông vẫn khiêm tốn về công danh của mình với vua, với nước. Ông “thẹn” khi nghe chuyện Vũ Hầu bởi vì Vũ Hầu cũng là phận bề tôi như ông. Nhưng Vũ Hầu làm được nhiều việc có công lớn với đất nước với vua hơn. Chính vì thế mà dù Phạm Ngũ Lão tài giỏi và hết lòng vì đất nước nhưng bản thân nhà thơ vẫn không cảm thấy hài lòng với những gì mình đã làm. Theo nhà thơ, có lẽ bấy nhiêu thôi chưa đủ để gọi là công danh với đất nước.Qua đây ta có thể thấy rõ được hào khí Đông A thời nhà Trần và nỗi thẹn của người quân tử, người tướng quân hết lòng ra sinh vào tử vì vua vì nước. Có thể nói hào khí Đông A là yếu tố cơ bản làm nên ba lần chiến thắng giặc nguyên Mông. Đồng thời ta có thể thấy được tấm lòng của vị tướng quân tài ba với đất nước mình. Dẫu có bao nhiêu chiến công hiển hách, Phạm ngũ Lão vẫn thấy chưa đủ để phục vụ cho vua và cho đất nước.

Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A trong bải thơ Tỏ lòng - Mẫu 6

Qua “Tỏ lòng”, Phạm Ngũ Lão đã mở ra một không gian vũ trụ bao la, rộng lớn. Trung tâm nổi bật của không gian ấy là hình ảnh người tráng sĩ thời Trần trong tư thế cầm ngang ngọn giáo đầy hiên ngang, hùng dũng, oai phong, lẫm liệt. “Ngọn giáo” cầm ngang ấy không chỉ đỏ chiều rộng của không gian vũ trụ mà còn là thước đo chiều dài của suốt thời kì dựng nước và giữ nước. Quân và dân ta đã bền bỉ không biết bao nhiêu năm chống lại những mũi nhọn của kẻ thù. Người tráng sĩ được nâng tầm sánh ngang với trời đất vũ trụ như một cách đề cao con người kháng chiến thời bấy giờ. Dù là chiến sĩ trên mặt trận hay người dân trên đất nước đều là những tráng sĩ đồng lòng, đồng cam cộng khổ chiến đấu vì tự do nước nhà.

Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A trong bải thơ Tỏ lòng - Mẫu 7

Cả bài thơ "Tỏ lòng" của Phạm Ngũ Lão được bao trùm bởi lòng tự hào dân tộc, bởi hào khí của con người và thời đại nhà Trần. Được thể hiện thật cô đọng và súc tích, bài thơ đã toát lên cái hào khí oai thiêng của dân tộc Việt Nam, toát lên từ một tâm hồn cao đẹp, một tấm lòng yêu nước vô cùng sâu sắc. Đọc bài thơ, người đọc chúng ta càng cảm thấy tự hào về một triều đại hào hùng trong dòng lịch sử của dân tộc ta, mới có thể hiểu tại sao ở thời đại đó, chúng ta lại có thể ba lần đánh bại đội quân Mông - Nguyên đang tung hoành khắp thế giới. Cái hào khí mà thời đại ấy thể hiện, tuy nó đã trôi qua, nhưng cái tinh thần mà nó đã thể hiện thì còn vang vọng mãi tới tận ngày nay. Thế hệ chúng ta kế tiếp hào khí anh hùng ấy bằng những dấu son chói lọi trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Và chúng ta càng không thể quên hình ảnh người tráng sĩ chí lớn - Phạm Ngũ Lão, văn võ song toàn, biểu tượng cho bậc trai tráng, cho người chiến binh của thời đại mang hào khí Đông A quyết thắng ấy. "Tỏ lòng" sẽ mãi là bài ca, là tấm lòng của người tướng quân cả cuộc đời vì dân vì nước với lý tưởng và nhân cách cao cả. Thế hệ con cháu chúng ta phải luôn biết rèn luyện nhân cách sống có lý tưởng, có ý chí, quyết tâm thực hiện lý tưởng để không thẹn với thế hệ đi trước, với hào khí anh hùng mà dân tộc ta đã thể hiện qua bao tháng năm qua.

Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A trong bải thơ Tỏ lòng - Mẫu 8

Trong bài thơ "Tỏ lòng" của Phạm Ngũ Lão, hình ảnh "trang nam nhi" với hào khí Đông A được miêu tả với vẻ hùng dũng, oai nghiêm. Hình ảnh "trang nam nhi" được đặt trong không gian rộng lớn "non sông" và thời gian dài vô tận "chẵn mấy thu" với tư thế hiên ngang cầm ngọn giáo đã cho thấy tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước. Hình ảnh, tầm vóc của người tráng sĩ sánh ngang với núi, sông, với tầm vóc hùng vĩ của vũ trụ "Tam quân tì hổ khí thôn ngưu". Mỗi trang nam tử là một người góp phần làm nên sức mạnh quân đội nhà Trần. Những tráng sĩ ấy được ví như loài dũng mãnh, khí thế át cả sao trời. Hình ảnh "trang nam nhi" thời Trần còn gắn liền với hoài bão, lí tưởng cao đẹp. Người nam tử khi chưa trả xong nợ công danh sẽ cảm thấy thẹn khi nghe người đời kể chuyện Vũ Hầu. "Trang nam nhi" là hình ảnh biểu trưng cho quân đội và hào khí Đông A.

Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A trong bải thơ Tỏ lòng - Mẫu 9

Hình ảnh "trang nam nhi" trong bài thơ "Tỏ lòng" của Phạm Ngũ lão là hình ảnh biểu trưng cho hào khí Đông A dưới thời nhà Trần. Trang nam tử hiện lên vô cùng oai dũng với tư thế cầm ngang ngọn giáo "Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu". Người tráng sĩ đã trấn giữ non sông vữa chẵn mấy thu cho thấy tinh thần chiến đấu luôn sục sôi, sẵn sàng bảo vệ đất nước ở mọi thời điểm. Sức mạnh của quân đội nhà Trần vì thế cũng được củng cố và nuôi dưỡng bởi những trang nam tử hào hùng. Người nam nhi tuy trẻ tuổi mà khí phách oai hùng tạo nên khí thế lấn át cả sao trời. Vẻ đẹp của "trang nam nhi" thời Trần còn hiện lên với hoài bão, lí tưởng cao đẹp. Thân nam nhi mà chưa trả xong nợ công danh sẽ cảm thấy luống thẹn khi lắng tai nghe chuyện Vũ Hầu. Hình ảnh của "trang nam nhi" đã cho ta thấy được hào khí Đông A sục sôi dưới thời nhà Trần.

Đoạn văn miêu tả hình ảnh trang nam nhi với hào khí Đông A trong bải thơ Tỏ lòng - Mẫu 10

Thuật hoài (Tỏ lòng) là bài thơ thể hiện chí nam nhi của người trai thời loạn, muốn vươn tới chiến công hiển hách, lưu danh thiên cổ. Thời đại ra đời của hào khí Đông A, vua - tôi - dân thời trần đồng sức đồng lòng chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược. Hình ảnh người tướng sĩ “hoành sóc” (cầm ngang ngọn giáo) bảo vệ non sông, đất nước. Đó là hình ảnh một con người có tầm vóc kì vĩ, hiên ngang, hùng dũng phi thường. Con người này ý thức được trách nhiệm, trọng trách của mình là bảo vệ quê hương đất nước. Kích thước ngọn giáo đo bằng nhiều chiều dài non sông làm  nên tầm vóc vĩ đại của người tráng sĩ vệ quốc. Tác giả đã mở rộng không gian bát ngát mênh mông, trải khắp theo chiều rộng “non sông” để làm nổi bật lên tư thế hiên ngang, sánh vai cùng đất trời của người tráng sĩ. Người chiến sĩ “bình Nguyên” mang theo một ước mơ cháy bỏng: khao khát lập chiến công để đền ơn vua, báo nợ nước. Với đấng nam nhi, công danh là cái chí, khát vọng làm nên sự nghiệp lớn. Sự khẳng định tài năng và cống hiến, đưa con người thoát khỏi lối sống tầm thường, ích kỉ sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp lớn lao “cùng trời đất muôn đời bất hủ”.

-/-

Hy vọng những đoạn văn mẫu cho đề bài "Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 - 10 dòng) miêu tả hình ảnh "trang nam nhi" với "hào khí Đông A" (hào khí thời Trần) trong bài thơ Tỏ lòng." mà Đọc tài liệu tổng hợp giúp các em nắm được nội dung chính của tác phẩm. Cùng với trọn bộ văn mẫu lớp 10 là những tài liệu hữu ích giúp các em học tốt Ngữ Văn 10!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM