Trang chủ

Đoạn văn bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều

Xuất bản: 04/03/2024 - Tác giả:

Bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều, TOP 5+ đoạn văn mẫu hay bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều trong một lần được Nguyễn Du miêu tả.

Truyện Kiều đã nhiều lần miêu tả cảnh Thúy Kiều đánh đàn, dưới đây là TOP 5+ đoạn văn mẫu hay bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều trong một lần được Nguyễn Du miêu tả do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp. Hi vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm nguồn tư liệu tham khảo hữu ích trong quá trình tìm hiểu tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Những lần Nguyễn Du miêu tả cảnh Thúy Kiều đánh đàn

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du nhiều lần nhắc đến việc Kiều đánh đàn, nhưng đặc tả tiếng đàn ấy thì trước sau có bốn lần ở bốn hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau, nhưng đều hay như nhau - yêu đương và đau khổ.

* Lần thứ nhất là Kiều đàn cho Kim Trọng nghe sau lần gặp gỡ trong đoạn thơ (18 câu):

So dần dây vũ dây văn

Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương
...

Khi tựa gối khi cúi đầu

Khi vò chín khúc khi chau đôi mày.

* Lần thứ hai là Kiều đàn cho Hoạn Thư nghe khi nàng bị bắt và hành hạ ở nhà họ Hoạn với sáu câu thơ:

Bốn dây như khóc như than

Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng

Cùng trong một tiếng tơ đồng

Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm

Giọt châu lã chã khôn cầm

Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương

* Lần thứ ba là Kiều bị ép hầu đàn cho Hồ Tôn Hiến sau khi Từ Hải lâm chung với bốn câu thơ:

Một cung gió thảm mưa sầu

Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay

Ve ngâm vượn hót nào tày

Lọt tay Hồ cũng nhăn mày rơi châu

* Lần thứ tư là Kiều lại đàn cho Kim Trọng nghe sau mười lăm năm tái hợp với 10 câu thơ:

Phím đàn dìu dặt tay tiên

Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa

...

Lọt tai nghe suốt năm cung

Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao

Ngoài ra, còn những lần khác, tuy Kiều có đánh đàn nhưng không có nhiều ấn tượng như: Khi bán mình chuộc cha (câu 639, 640), khi ở thanh lâu Tú Bà (câu 1245, 1246), khi gặp Thúc Sinh (câu 1294, 1295), khi về làm hầu gái Hoạn Thư (từ câu 1777 - 1780).

(Nguồn: Hồ Văn Chi - Đà Nẵng, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam)

TOP 5+ đoạn văn bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều trong một lần được Nguyễn Du miêu tả

Bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều mẫu số 1

Âm nhạc luôn có sức truyền tải mãnh liệt, và tiếng đàn bi ai của Thúy Kiều khi Từ Hải chết, nàng bị bắt phải hầu rượu cho lũ Hồ Tôn Hiến đã khiến người đọc đau lòng, thương xót trước hoàn cảnh nghiệt ngã của nàng. Đó là lúc Kiều gảy lên khúc “Bạc mệnh” như đang khóc thương cho số phận bất hạnh chồng chất của chính mình. Cảm hứng bi kịch thích hợp với tiếng đàn nên Từ Hải không được nghe đàn lần nào mặc dù Từ là tri âm tri kỷ. Sống với Từ Hải phần nạn nhân trong tâm hồn Kiều coi như bị tiêu vong nên khúc “Bạc mệnh” kia không còn lý do tồn tại. Từ Hải chết, con người nạn nhân trong Kiều sống lại dữ dội nên tiếng đàn cũng ùa trở về với một sắc thái bi thảm chưa từng thấy. Tiếng đàn là ngôn ngữ không biết nói dối. Tiếng đàn không hề có chức năng che dấu tâm trạng mà có chức năng giải tỏa tâm trạng. Ở đây, ta thấy được một khúc nhạc khóc thương cho cái chết của Từ Hải, căm giận Hồ Tôn Hiến xấu xa, hèn hạ vẫn sống nhở nhơ, và ai oán cho số kiếp định mệnh oan nghiệt của Kiều. Sự nhục nhã, đau đớn khiến âm thanh tiếng đàn vẳng lên như đang than khóc, nguyền rủa, tố cáo kẻ độc ác, ghê tởm. Đằng sau tiếng khóc oán vọng trong tiếng đàn của Thúy Kiều, ta lại thấy được nỗi xót xa, đau đớn cùng nhân vật của Nguyễn Du. Mỗi lời thơ của ông đều có sức mạnh to lớn trên con đường nói lên tiếng nói con người về sự bất công của xã hội phong kiến chèn ép, đẩy con người đến đường cùng.

Bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều mẫu số 2

Tiếng đàn là một ngôn ngữ đặc biệt biểu hiện trực tiếp tâm trạng nạn nhân của Kiều.Cảm hứng bi kịch thích hợp với tiếng đàn nên Từ Hải không được nghe đàn lần nào mặc dù Từ là tri âm tri kỷ. Sống với Từ Hải phần nạn nhân trong tâm hồn Kiều coi như bị tiêu vong nên khúc “Bạc mệnh” kia không còn lý do tồn tại. Từ Hải chết, con người nạn nhân trong Kiều sống lại dữ dội nên tiếng đàn cũng ùa trở về với một sắc thái bi thảm chưa từng thấy. Tiếng đàn là ngôn ngữ không biết nói dối. Tiếng đàn không hề có chức năng che dấu tâm trạng mà có chức năng giải tỏa tâm trạng, nó có một phép mầu nhiệm khiến cho ngay cả khi nó cất lên tiếng “ca vui đầm ấm dung hòa” mà một kẻ như Hồ Tôn Hiến cũng thấu hiểu được tâm trạng đó là “muôn oán nghìn sầu”, buồn thấm thía. Khi nó xuất hiện trước Kim Trọng, tính chất nạn nhân của nó bộc lộ theo một kiểu khác, không phải để nguyền rủa để tố cáo, để lên án, nên cái anh chàng Kim Trọng mới có lúc bị lừa:

Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?

Anh ta bị Nguyễn Du “tiêm” thứ thuốc mê lý tưởng hóa vào để lừa đấy thôi, lúc ấy mà anh ta còn nghe thấy tiếng nói nạn nhân nữa thì đoạn đoàn viên như thế là hỏng bét! Và có lẽ sự lạc quan của Kim Trọng cũng là một  cách “chiêu tuyết” cho Kiều chăng? Ngày xưa, anh ta là tri âm của Kiều, chính Kiều cũng công nhận (“Đã cam tệ với tri âm bấy chầy”), nhưng bây giờ đoàn viên thì anh ta không còn là tri âm nữa. Bởi vì đôi tai của con người kiểu Kim Trọng vốn là như thế, nó quá tinh đến nỗi nghe được những âm vang từ một cõi siêu hình mà tai trần không nghe thấy được, nhưng nó lại cố điếc đến nỗi không nghe thấy những âm vang từ cuộc đời “quằn quại vũng lầy” mà ai cũng thấy văng vẳng bên tai. Vì vậy, khi con người nạn nhân của Kiều đã nhiễm những kinh nghiệm thực tiễn thì nó mất đi một tri âm tự nguyện là Kim Trọng và thêm vào những kẻ tri âm bất đắc dĩ là Hoạn Thư và Hồ Tôn Hiến.

Bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều mẫu số 3

Từ khi đánh đàn cho Hoạn Thư nghe đến khi đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe, con người nạn nhân trong tâm trạng của Kiều đã thay đổi về chất, đã có kinh nghiệm về tội lỗi, về cái chết, nên tiếng đàn - tiếng nói của nó - cũng biến đổi theo. Tiếng nói nạn nhân lúc này đã thêm một nội dung mới: ý thức về tội lỗi, ý thức về sự mất mát không thể nào bù đắp:

Một cung gió thảm mưa sầu

Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay

Ve ngâm vượn hót nào tày

Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu

Một tâm trạng buồn não ruột, một nỗi niềm đắng cay, tủi nhục, đau đớn ê chề. Không có ai là tri âm nữa. Từ Hải chết rồi. Tiếng đàn còn đau đớn tột bậc vì ý thức mất tri âm. Trong tiếng đàn mà có ý thức mất tri âm thì nó mang nỗi đau tột cùng của sự tự phủ định, của một sự sống thừa, vô ích, cô độc và vô duyên đến ghê người:

Tơ lòng đã đứt dây đàn tiểu lân

Hồ Tôn Hiến là một tri âm bất đắc dĩ cho nên hắn phải nghe được tiếng nói nạn nhân trong đó. Nhưng làm sao mà hy vọng được vào thứ Tử Kỳ “mặt sắt” ấy! Bởi lẽ Hồ Tôn Hiến chỉ hiểu được con người nạn nhân chung chung trong tiếng đàn thôi, nên hắn mới hỏi gốc tích tiếng nói nạn nhân thống khổ ấy rằng:

... Này, khúc ở đâu?

Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay?

Hắn không nghe thấy tiếng nguyền rủa của con người nạn nhân tội lỗi và tuyệt vọng trong tiếng đàn kia nên Kiều phải dùng lời phàm để gợi ý đến nơi đến chốn:

Thưa rằng: “Bạc mệnh khúc này

Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ

Cung cầm lựa những ngày xưa

Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây!

Thế mà Hồ Tôn Hiến vẫn không hiểu được, vẫn không có phản ứng gì là tự ái hay xúc động, ân hận hay mủi lòng mà còn thản nhiên thưởng thức con người nạn nhân ấy như một thú vui:

Nghe càng đắm, ngắm càng say

Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình.

Tiếng đàn của Kiều đã bị mất tri âm tuyệt đối. Cái đểu giả của Hồ Tôn Hiến là ở chỗ đã coi con người nạn nhân trong tiếng đàn là tất yếu, là lẽ tự nhiên và bình thản biến con người nạn nhân ấy thành một trò tiêu khiển, mà lại là trò tiêu khiển thừa. Tiếng đàn của Kiều ở trường hợp này bị hai lần thừa nên nó bị hai lần phủ định, hai lần lạc lõng. Con người nạn nhân thể hiện qua tiếng đàn lần này đã nhận thức lại kinh nghiệm cái chết của Từ Hải để hình thành lý do cái chết của mình.

Bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều mẫu số 4

Nguyễn Du nhiều lần nhắc đến việc Kiều đánh đàn, nhưng đặc tả tiếng đàn ấy thì trước sau có bốn lần. Bốn lần Kiều đàn ở bốn hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau, nhưng đều hay như nhau - yêu đương và đau khổ. Lần thứ nhất “là những khúc nhạc yêu đương" với hình ảnh Kiều đàn cho Kim Trọng nghe sau lần gặp gỡ với mười tám câu thơ:

So dần dây vũ dây văn

Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương
...

Khi tựa gối khi cúi đầu

Khi vò chín khúc khi chau đôi mày.

Đây là khúc nhạc yêu đương và cũng là lần đầu tiên Kiều đàn cho người yêu tâm đầu ý hợp nghe và Kim Trọng là người yêu đầu tiên của Kiều. Trong mười tám câu thơ miêu tả tiếng đàn này, ta thấy tác giả hoàn toàn để cho nhân vật thể hiện một cách tự do, tình yêu bộc lộ một cách tràn trề mãnh liệt. Tiếng đàn của Kiều về cung bậc âm thanh khi thì bay bổng vút cao trong vắt như tiếng kêu của con chim hạc bay ngang bầu trời, khi thì xuống thấp trầm đục như tiếng nước suối đổ từ trên cao đến lưng chừng: Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời. Kiều đàn bằng cảm hứng thực thụ của trái tim nóng bỏng. Lấy thơ để tả nhạc là chuyện không hề đơn giản, nhưng ở đây ta thấy có đầy đủ âm sắc và rất đa giọng, lúc cao trong lúc trầm đục, lúc khoan lúc mau, lúc quyến luyến mềm mại tha thiết, lúc dữ dội kiêu hùng, lúc buồn thương trầm hồn ai oán. Qua tiếng đàn, ta có cảm giác như Kiều muốn thổ lộ hết trái tim mình với người yêu lý tưởng vậy. Tiếng đàn của Kiều về nhịp điệu khi thì khoan thai thoang thoảng  như tiếng gió thủ thỉ ngoài song cửa, khi thì nhanh mau sầm sập như tiếng trời đổ mưa:

"Tiếng khoan như gió thoảng ngoài

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.’’

Tiếng đàn đa nhịp, mang âm hưởng dìu dặt, có bố cục chặt chẽ như một bài nhạc cổ điển. Khúc đàn thứ nhất này còn nhắc đến nhiều điển tích, đó là những khúc nhạc nổi tiếng, vượt thời gian của những danh sĩ ngày xưa. Kỹ thuật đánh đàn đã tuyệt diệu mà cái tình trong tiếng đàn lại càng tuyệt diệu hơn. Tiếng đàn làm lay động cả không gian và lòng người. Tiếng đàn lay động ánh đèn làm cho nó khi tỏ khi mờ. Tiếng đàn đi vào cõi sâu thẳm lay động tâm hồn Kim Trọng khiến chàng ngơ ngẩn ngẩn ngơ:

"Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,

Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.’’

Tất cả được phối hợp với các từ láy “sầm sập, ngơ ngẩn, não nùng, dìu dặt” và các điệp từ “khúc đâu, này khúc, trong như, đục như, tiếng khoan, tiếng mau…” để tạo âm giai bất tuyệt, vang vọng của nhiều tiếng đàn khác nhau, để lột tả được tâm trạng của người con gái đang yêu, mang trong mình con tim thổn thức, sự đa cảm mãnh liệt của tình yêu thuở đầu đời. Và tiếng đàn ấy cũng đã được chàng Kim thưởng thức, đồng điệu một cách trọn vẹn “Ngọn đèn khi tỏ khi mờ/ Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu/ Khi tựa gối khi cúi đầu/ Khi vò chín khúc khi chau đôi mày”. Đàn mà huy động được toàn bộ tâm lý của người  nghe từ chú ý đến cảm xúc từ tưởng tượng đến tư duy thì quả là tiếng đàn tuyệt thế.

Bằng một con mắt tinh tường, một vốn sống dày dặn và một tài năng nghệ thuật trác tuyệt, Nguyễn Du đã để lại cho hậu sinh một hình tượng nghệ thuật thành công, độc đáo và giàu giá trị. Trong những giá trị của tiếng đàn nàng Kiều, giá trị lý luận về tính đa nghĩa, có thể là nhà thơ vô tình, ở một phương diện nào đó, xứng đáng được xem là một đóng góp của thi hào Nguyễn Du đối với lý luận văn học nghệ thuật của nước ta thời trung đại.

Bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều mẫu số 5

Trước khi gặp Thúc Sinh dưới trướng Hoạn Thư tiếng đàn Kiều mang sắc thái của một nạn nhân yên phận:

Lĩnh lời nàng mới lựa dây

Nỉ non thánh thót dễ say lòng người

Tâm trạng của Kiều có cái gì tự nguyện, bẽ bàng, cam chịu và không để lộ một chút gì chống đối. Nó phù hợp với cái nếp sống ngoan ngoãn phục tùng của Kiều lúc ấy:

Sớm khuya khăn mặt lược dầu

Phận con hầu giữ con hầu, dám sai

Cái nỉ non thánh thót ấy là cái nỉ non thánh thót của ý thức về thân phận con hầu, bất lực với thân phận, đau xót vì thân phận ấy.

Cái tiếng đàn nỉ non thánh thót khi giành cho Hoạn Thư và Thúc Sinh thì lại lóe lên ý thức về thân phận một người vợ bị sỉ nhục, bị đọa đày:

Bốn đây như khóc như than

Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng

Cùng trong một tiếng tơ đồng

Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm

Và người nghe cũng lĩnh hội hết cái chua chát xót xa của ý thức về địa vị người vợ ấy, nên Thúc Sinh bề ngoài làm ra vẻ ta đây nghe tiếng nói của con hầu trong tiếng đàn, nhưng trong lòng thì bị tiếng nói của người vợ  trách móc, vò xé. Vì thế, Thúc Sinh mà cũng:

Giọt châu lã chã khôn cầm

Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt tương

Còn Hoạn Thư, lần trước Hoạn Thư nghe thấy tiếng đàn mang ý thức đau khổ của thân phận con hầu nên “Tiêu thư cũng thương tài” và “khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân”. Nhưng lần này thì Hoạn Thư nghe thấy một tiếng đàn khác - tiếng đàn mang ý thức làm vợ, nên thị không chịu được và hét lên:

Cuộc vui gảy khúc đoạn trường ấy chi!

Tính chất độc ác trong sự hành hạ của Hoạn Thư chính là ở chỗ nó vùi dập ý thức người vợ trong Kiều, không cho ý thức đau khổ của người vợ được trỗi dậy và được bộc lộ qua tiếng đàn. Bí quyết của sự hành hạ kiểu Hoạn Thư là như vậy. Cho nên một khi tiếng đàn đã không thay đổi được tình thế, người vợ - nạn nhân vẫn cứ hiện ra, thì Thúc Sinh phải giải quyết bằng cách thay đổi thái độ của mình, làm như là tính chất của tiếng đàn đã thay đổi rồi vậy:

Sinh càng thảm thiết bồi hồi

Vội vàng gượng nói gượng cười cho qua

Hoạn Thư chỉ cần có thế thôi. Thị đã không cho Thúc Sinh được làm bạn tri âm của Kiều để rồi chính thị được chứng kiến những âm thanh nạn nhân bơ vơ bay lên trước mặt. Thị gây ra một khoảng cách giữa tính chất nạn nhân cao độ của tiếng đàn và thái độ bàng quan cười cợt của người nghe.Thị đã bố trí cho Kiều ý thức sâu sắc về vai trò nạn nhân của mình, về địa vị thấp kém và sự thất bại ê chề trong kế hoạch Thúc Sinh, sâu sắc đến nỗi nó hằn lên trong tâm hồn Kiều một dấu vết phủ định không thể nào xóa được. Hoạn Thư là người xúc phạm sâu sắc đến tiếng đàn của Kiều, là kẻ đạo diễn sự đối diện trực tiếp giữa Tài và Mệnh trong số phận Kiều.Hoạn Thư đã dùng “diễn biến hòa bình” để hạ nhục hình ảnh văn hóa của Kiều, làm  cho con người nạn nhân của Kiều phải chịu một nỗi đau văn hóa mà trước đó nó chưa từng trải nghiệm. Có lẽ vì thế mà Hoạn Thư trở thành chính danh thủ phạm chăng?

Bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều của một số nhà văn, nhà thơ, phê bình văn học (tài liệu tham khảo)

1. Thúy Kiều đàn 4 lần qua thơ Đường luật của Hồ Văn Chi

Xưa có câu “Thi trung hữu nhạc” (trong thơ có nhạc). Cụ Nguyễn Du đã lấy thơ tả nhạc, đã viết về tiếng đàn của Thúy Kiều với rất nhiều cung bậc cảm xúc, lay động lòng người. Trong truyện Thúy Kiều, thật sự Kiều phải gảy đàn tám lần tất cả. Thế nhưng có bốn lần tiếng đàn Kiều được mô tả kỷ, gây nhiều ấn tượng khi ta đọc thơ.

Hồi còn sống, cụ Nguyễn Du, hiệu là Thanh Hiên, tên tự là Tố Như đã viết “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” nghĩa là “Ba trăm năm nữa ta đâu biết?/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như”. Thế nhưng, mới 200 năm thôi, người khóc Tố Như thì không thấy, mà người tôn vinh ca tụng Tố Như thì rất nhiều trên đất. Trong số đó, có một nhà thơ tên Hồ Văn Chi đã có những cảm xúc vô vàn với truyện Kiều của cụ, đã trở thành niềm say mê mãnh liệt đeo đẳng, đánh thức nơi ông niềm  khao khát sáng tác cho Truyện Kiều để tôn vinh Tốn Như. Từ đó Hồ Văn Chi đã sáng tác ra tác phảm “Đọc Kiều” gồm 100 bài thơ theo thể Đường Luật. Trong khuôn khổ bài viết nầy tôi chí xin giới thiệu 4 bài thơ Hồ Văn Chi đã cảm tác cho 4 lần Thúy kiều đánh đàn mà Nguyễn Du mô tả trong kiệt tác văn học của mình.

Lần thứ nhất, Kiều đàn khi băng qua nhà Kim Trọng. Kim Trọng tự tay cầm cây đàn “Cầm Trăng”, dâng đàn lên ngang mày rất trân trọng, rồi đưa đàn cho Thúy Kiều khảy để mình nghe:

Rằng nghe nổi tiếng cầm đài

Nước non luống những lắng tai chung kỳ

Thưa rằng: “Tiện kỹ sá chi

Đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng”

Hiên sau treo sẳn cầm trăng

Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày.

Khúc nhạc đầu của thiên truyện được cụ Nguyễn Du mô tả như sau:

...Trong như tiếng hạc bay qua,

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,

Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.

Khi tựa gối khi cúi đầu.

Khi vò chín khúc khi chau đôi mày...

Nhà thơ Hồ Văn Chi đã cảm tác tiếng đàn lần thứ nhất của Thúy kiều qua bài thơ sau đây:

So dần dây vũ với dây văn

Trầm bổng cung thương thánh thót vần

Hán Sở tranh hùng, tàn cốt nhục

Chiêu Quân Luyến chúa, xót tình nhân

Trong như hạc gọi…bầy xa vợi

Đục tợ mưa sa…suối đỏ dần

Tựa gối, cúi đầu, vò chín khúc…

Đoạn trường điềm báo…não nùng thân!

Lần thứ hai Thúy Kiều đàn cho Hoạn Thư và Thúc Sinh nghe. Khi đó, Thuý Kiều bị Hoạn Thư bắt về làm con hầu và sai nàng phải đàn cho mình nghe: "Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày/ Lĩnh lời nàng mới lựa dây". Tiếng đàn của Kiều lúc bấy giờ ai oán:

Bốn dây như khóc như than

Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng

Cùng trong một tiếng tơ đồng

Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm

Giọt châu lã chã khôn cầm

Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương

Nhà thơ Hồ Văn Chi đã cảm tác tiếng đàn lần thứ hai của Thúy Kiều như sau:

Bốn dây như oán lại như than

Giọt đắng dòng cay quyện tiếng đàn

Lã chã hàng châu rầu tấc dạ

Bần thần vẻ mặt thắt buồng gan

Người cười nụ bởi... hay màn kịch

Kẻ khóc thầm do... xót nỗi nàng

Một tiếng tơ đồng phân hỷ nộ

Bi, hài... có lẽ nhất trần gian!

Và đây là khúc thứ ba, Kiều hầu đàn cho Hồ Tôn Hiến. Hồ Tôn Hiến sau khi phục binh giết được Từ Hải thì mở tiệc mừng chiến thắng và ép Thuý Kiều gảy đàn giúp vui trong buổi tiệc: "Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu". Khúc đàn này Thúy Kiều đàn trong đau đớn:

Một cung gió thảm mưa sầu,

Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay!

Ve ngâm vượn hót nào tày,

Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.

Nhà thơ Hồ Văn Chi đã cảm tác tiếng đàn lần thứ ba của Thúy Kiều như sau:

Hồ Công thị yến thưởng quân quan

Lệnh bắt nàng dâng mấy bản đàn

Vượn hót ve ngâm… dây máu đỏ

Mưa sầu gió thảm… mặt châu chan

Lòng tang quặn thắt bao chua xót

Mặt sắt đần ngây bất bẽ bàng

Người nát buồng tim ôm mối hận

Kẻ cười khoái trá thỏa mưu gian!

Lần thứ tư, Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe lúc hai bên tái ngộ đoàn viên, "Phím đàn dìu dặt tay tiên/ Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa".
Cũng là người đàn ấy, cũng là người nghe ấy, nhưng mười lăm năm sau vật đổi sao dời, khúc đàn thứ tư vẫn hay nhưng đã khác xưa rất nhiều:

Khúc đâu đầm ấm dương hòa

Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh

Khúc đâu êm ái xuân tình

Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên

Trong sao châu dỏ duềnh quyên

Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông

Lọt tai nghe suốt năm cung

Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao

Nhà thơ Hồ Văn Chi đã cảm tác tiếng đàn lần thứ tư của Thúy Kiều như sau:

Nhớ ngón đàn xưa lại ngỏ lời

Nể tình, nàng gảy mấy chương chơi

Trang Sinh - Hồ Điệp… mơ hình bướm

Thục Đế - Đỗ Quyên… lánh sự đời

Trước thảm sầu vì… lo mệnh bạc

Giờ vui vầy bởi… được tâm thơi

Đoạn trường bản ấy từ nay dứt

Hỷ nộ tùy duyên, mệnh tại trời!

Theo giáo sư Trần Văn Khê, Thúy Kiều đã sử dụng cây đàn nguyễn cầm có thùng đàn tròn như mặt trăng và có 4 dây. Bốn lần Kiều đàn ở bốn hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau, nhưng đều hay như nhau - yêu đương và đau khổ.

Đọc những vần thơ lục bát của Nguyễn Du tả Thúy Kiều đánh đàn, không ai không cảm nhận sự tuyệt vời của nó. Thế nhưng, để thẩm thấu cái hay của nó vào tâm hồn, không phải ai cũng hiểu hết. Bốn bài thơ cảm tác của nhà thơ Hồ Văn Chi cho ta biết thêm những ẩn chứa trong tiếng đàn của Thúy Kiều, như ngọn đèn soi thêm vào những ngóc ngách của hang động hóa thạch, để ta nhìn thấy thêm thứ ánh sáng lung linh mà ánh mặt trời không chiếu tới. Thơ Hồ Văn Chi đủ sự lôi cuốn mời gọi, khiến cho ta dừng lại lâu hơn, cho ta thưởng thức nhiều hơn những đoạn thơ lý thú mà nhà thơ Nguyễn Du, bằng tuyệt tác văn chương, đã hiển thị trên sân khấu của Truyện Kiều, trong tập cảo thơm của mình.

(Nguồn: Châu Thạch)

2. Tiếng đàn Thúy Kiều và tính đa nghĩa của tác phẩm văn học

Có thể người xưa chỉ điểm qua đâu đó mà chưa xây dựng thành hệ thống lí luận về tính đa nghĩa của tác phẩm văn học như ngày nay, nhưng qua nhiều hình tượng văn chương trong văn học cổ, ta thấy được điều này. Tiếng đàn của Thúy Kiều trong Đoạn trường tân thanh là một điển hình như vậy.

Trong Truyện Kiều, nàng Kiều họ Vương đánh đàn bốn lần, hai lần cho chàng Kim Trọng (đầu và cuối truyện), một lần cho vợ chồng Hoạn Thư và một cho “quan tổng đốc trọng thần” Hồ Tôn Hiến. Nói như nhà thơ Tế Hanh trong bài viết Bốn lần Kiều đánh đàn (Tạp chí Văn học, 12/1965), lần thứ nhất và thứ tư “là những khúc nhạc yêu đương”, hai lần còn lại “là những khúc nhạc đau khổ”. Ở mỗi thời điểm, tiếng đàn nàng Kiều có những sắc thái, cung bậc khác nhau nhưng đều có điểm chung là xúc động lòng người, khiến mỗi người nghe không “não nùng xôn xao” thì “cũng tan nát lòng”, “khi vò chín khúc khi chau đôi mày”, ngay cả kẻ “mặt sắt” Hồ Tôn Hiến cũng phải “nhăn mày rơi châu”. Hình tượng tiếng đàn Thúy Kiều mang nhiều tầng ý nghĩa. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ tìm hiểu một phương diện là tính đa nghĩa của tác phẩm nghệ thuật nói chung, tác phẩm văn học nói riêng thông qua hình tượng độc đáo này.

Nguyễn Du đã rất dụng công khi xây dựng hình tượng tiếng đàn nàng Kiều, “bốn lần đều khác nhau và hay như nhau” bởi nói như Tế Hanh (tài liệu đã dẫn trên), “lấy thơ tả nhạc là một điều khó. Tả nhiều lần mà khác nhau mà hay như nhau thì khó đến đâu!” và “cái khó mà Nguyễn Du vượt qua một cách vinh quang như chúng ta đã thấy”. Có lẽ khi dành nhiều tâm huyết xây dựng hình tượng này, cụ Nguyễn cũng đã cảm nhận được vấn đề tính đa nghĩa của tác phẩm nghệ thuật, nhất là tác phẩm thơ ca.

Bản nhạc mà nàng Kiều đánh có tên “Bạc mệnh”, được “pho vào đàn ấy những ngày còn thơ” vì “quen mất nết đi rồi”. Đây là bản nhạc hay nhưng buồn, cái tên của nó đã nói lên điều đó. Kim Trọng, Chung Tử Kỳ của tiếng đàn Thúy Kiều, cũng phải thốt lên khi nghe Kiều đánh lần đầu: “Rằng: "Hay thì thật là hay / nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào"…”. Bản đàn của Kiều là một tác phẩm âm nhạc (cung thương lầu bậc ngũ âm / nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương), hiểu rộng ra là một tác phẩm nghệ thuật. Trong cái nhìn tương quan với lĩnh vực văn chương, có thể xem bản đàn ấy như là một tác phẩm văn học xuất sắc. Vậy, những biểu hiện nào của tính đa nghĩa trong tác phẩm ngôn từ được thể hiện qua hình tượng tiếng đàn Thúy Kiều?

Tính đa nghĩa của tác phẩm văn học có thể hiểu là “khả năng tác phẩm cho phép được hiểu, được cắt nghĩa và đánh giá theo những cách khác nhau trong quá trình tiếp nhận của công chúng độc giả” (Trần Thanh Bình, Bài giảng Một số vấn đề về tính đa nghĩa của tác phẩm văn học, ĐH Quy Nhơn). Dĩ nhiên, cách hiểu, cách cắt nghĩa, đánh giá ấy phải có cơ sở từ tác phẩm. Nói một cách dễ hiểu, tính đa nghĩa thể hiện ở tác phẩm có từ hai cách hiểu trở lên, tất nhiên, đó không phải là nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn mà là những ý nghĩa hàm ẩn được gợi mở từ nghĩa tường minh. Nếu xem tiếng đàn Thúy Kiều là một tác phẩm văn học thì qua những cung bậc cảm xúc, những tác động của nó đến người nghe, ta thấy được những nét cơ bản nhất về tính đa nghĩa của tác phẩm văn chương.

Trước hết, dù là “cùng trong một tiếng tơ đồng” nhưng bản nhạc nàng Kiều mang trong mình nhiều nội dung khác nhau. Đó là những khúc “Hán, Sở chiến trường”, khúc “Tư Mã Phượng Cầu”, khúc “Quảng Lăng”, khúc “Chiêu Quân”. Bản đàn ấy cũng mang nhiều sắc thái không giống nhau, lúc “trong như tiếng hạc bay qua”, lúc lại “đục như tiếng suối mới sa nửa vời”, lúc “khoan như gió thoảng ngoài”, lúc lại “mau sầm sập như trời đổ mưa” sau này lại “đầm ấm dương hòa”, “êm ái xuân tình”… Tương quan so sánh với tác phẩm văn học, ta thấy, một tác phẩm mang tính đa nghĩa phải có khả năng gợi mở nhiều nội dung, nhiều cách hiểu khác nhau, đem lại những màu sắc, hiệu ứng thẩm mỹ không giống nhau. Một tác phẩm lúc mà lúc nào cũng chỉ là “khúc Chiêu Quân”, từ đầu đến cuối chỉ “đục như tiếng suối mới sa nửa vời” thì chắc chắn sẽ rất hạn chế tính nhiều nghĩa. Như vậy, yếu tố đầu tiên và quyết định đến tính đa nghĩa của một tác phẩm chính là tự thân tác phẩm đó. Bản đàn Thúy Kiều rất tiêu biểu cho yếu tố này nếu xem nó là một thực thể nghệ thuật sống động, có sức sống nội tại của nó.

Trong những tiền đề của tính đa nghĩa của tác phẩm văn chương, mơ hồ, nhòe về nghĩa là một yếu tố quan trọng. Chính sự mơ hồ này mà ranh giới của những cách hiểu bị làm mờ, nhòe đi, tạo những “khoảng trống” để người đọc đồng hành cùng tác giả trong quá trình lao động nghệ thuật xây dựng lâu đài ngôn từ bằng cách chọn cho mình những cách hiểu phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ, sở thích… Mỗi người đọc sẽ có cách hiểu riêng của mình, dĩ nhiên những cách hiểu ấy phải có cơ sở từ tác phẩm. Từ đó, ý nghĩa của tác phẩm sẽ trở nên dồi dào, bất tận. Sự mơ hồ về nghĩa là một ưu thế trong việc gợi mở, vẫy gọi nhiều cách hiểu của tác phẩm văn học mà không một loại hình nào theo kịp. Tiếng đàn Thúy Kiều khi đánh lần đầu cho chàng Kim nghe nói lên điều này.

Cùng một tiếng đàn ấy thôi mà có đến bốn khúc nhạc được thể hiện với nhiều màu sắc khác nhau. Điều đặc biệt, các khúc nhạc ấy không hề tách bạch mà dường như có sự đan xen, chồng xéo lên nhau, rất khó phân biệt. Nguyễn Du dùng đến hai lần cụm “khúc đâu” đủ thấy sự mơ hồ, nhập nhằn ấy. Thậm chí, trong một khúc có tên “Chiêu Quân”, nội dung của nó cũng khó phân định rạch ròi. Nhà thơ miêu tả “nửa phần nhớ chúa, nửa phần tư gia” cũng chỉ là cách nói hết sức ước lệ mà thôi. Không dễ dàng để phân biệt trong khúc “Chiêu Quân” này đâu là “nhớ chúa”, đâu là “tư gia”. Như vậy, tính mơ hồ, nhòe về nghĩa rất quan trọng trong việc tạo nên tính đa nghĩa cho tác phẩm. Có thể nói, tác phẩm càng nhòe, mờ về nghĩa bao nhiêu càng dễ tạo nên nhiều cách cắt nghĩa bấy nhiêu. Tất nhiên, sự mơ hồ này phải do tác giả cố tình tạo nên như là một thủ pháp nghệ thuật, chứ không phải là sự mơ hồ do rối rắm, vụng về.

Cùng với bản thân tác phẩm, người đọc là yếu tố quan trọng tạo nên tính đa nghĩa cho tác phẩm. Lý thuyết tiếp nhận văn học ngày nay rất đề cao, thậm chí nhiều trường phái còn độc tôn vai trò của độc giả. Nếu truyền thống xem người đọc là “tri âm, tri kỷ” của tác giả, là người khám phá những gì nhà văn kí thác vào tác phẩm một cách thụ động, thì trong tiếp nhận văn học hiện đại, độc giả được xem là người đưa sáng tác của nhà văn từ phạm trù “văn bản” đến “tác phẩm”, là người quyết định đến số phận tác phẩm. Người đọc được xem là tác giả thứ hai với vai trò đồng sáng tạo, chủ động tích cựu trong việc làm giàu ý nghĩa cho tác phẩm văn chương. Mỗi độc giả tùy vào lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình độ học vấn…; tùy vào kinh nghiệm, năng lực, thị hiếu thẩm mỹ… sẽ tìm được cho mình những cách hiểu, cách cảm khác nhau về tác phẩm văn học, từ đó mở rộng biên độ nội dung cho tác phẩm, làm cho ý nghĩa của tác phẩm không ngừng phát sinh.

Trong Truyện Kiều, cùng là một bản “Bạc mệnh” mà Kiều đánh, nhưng mỗi người nghe lại có những biểu hiện của sự tiếp nhận khác nhau. Kim Trọng thì “ngơ ngẩn sầu / khi tựa gối, khi cúi đầu / khi vò chín khúc, khi chau đôi mày”. Thúc Sinh thì “giọt châu lã chã khôn cầm/ cúi đầu chàng những gạt thầm giọt sương”. Còn tên “quan tổng đốc trọng thần” thì “lọt tai, Hồ cũng nhăn mày rơi châu”. Dù rằng cùng một cảm xúc buồn nhưng phản ứng của mỗi người không giống nhau. Ở những vị địa vị, quan hệ, tâm thế khác nhau, mỗi người trong họ có những cảm nhận về tiếng đàn nàng Kiều không như nhau. Tính đa nghĩa của bản nhạc, hay suy ra là tác phẩm văn chương, có một phần rất quan trọng do người tiếp nhận quyết định. Khái quát điều này, cụ Nguyễn Du đã viết: “Cùng trong một tiếng tơ đồng/ kẻ ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”. Dĩ nhiêu, người tiếp nhận không phải là yếu tố duy nhất quyết định tính đa nghĩa của một tác phẩm. Nói cách khác, những ý nghĩa mà người đọc xa rời văn bản, tự ý suy diễn, áp đặt, xuyên tạc cho tác phẩm đều không được chấp nhận.

Không chỉ đối với nhiều đối tượng tiếp nhận khác nhau mà ngay cả trong một người đọc, tính đa nghĩa của tác phẩm cũng có thể phát sinh. Một độc giả lúc còn nhỏ, khi trưởng thành, khi bước vào tuổi “tri thiên mệnh”; lúc còn học tập, khi giảng dạy, nghiên cứu; lúc buồn, lúc vui, lúc khổ đau, hạnh phúc… sẽ tiếp nhận tác phẩm không giống nhau. Đây là điều dễ hiểu bởi tác phẩm có một “năng lượng nghĩa khổng lồ”, một tiềm năng ý nghĩa bất tận mà trong mỗi chặng đường của cuộc đời, mỗi hoàn cảnh sống, mỗi bước trưởng thành… người ta sẽ chiêm nghiệm, khám phá, thẩm định không giống nhau. Trong Truyện Kiều, Kim Trọng tiêu biểu cho điều này. Chàng Kim là người duy nhất được nghe Kiều đánh đàn hai lần một cách tự nguyện. Bản nhạc mà Kim được thưởng thức cũng “đầm ấm”, “êm ái” nhất trong bốn lần Kiều đánh đàn. Vậy mà giữa hai lần nghe, đầu và cuối truyện, hạnh ngộ và tái ngộ, cảm nhận của chàng về ý nghĩa tiếng đàn không hoàn toàn giống nhau.

Nếu đầu truyện là “Rằng: hay thì thật là hay/ nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào/ lựa chi những khúc tiêu dao/ cực lòng mình, cũng nao nao lòng người” thì cuối truyện, trong đêm hợp cẩn muộn màng, “khúc đâu đầm ấm dương hòa/ ấy là Hồ Điệp hay là Trương Sinh/ khúc đâu êm ái xuân tình/ ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên”. Rõ ràng, ý nghĩa, sắc thái cảm xúc bản đàn của Kiều trong sự tiếp nhận của Kim “xưa sao sầu thảm, này sao vui vầy”, nghĩa là có sự thay đổi rất lớn. Bởi lúc này, Kim Trọng không còn “là người ngày xưa”, Thúy Kiều cũng đã không còn là nàng Kiều của buổi ban đầu nữa. Cũng là một bản “Bạc mệnh” đó thôi, nhưng ý nghĩa của nó trong sự tiếp nhận của người nghe ở hai hoàn cảnh khác nhau sẽ không giống nhau. Ý nghĩa của tác phẩm phụ thuộc rất nhiều tâm trạng, vốn sống, trình độ thẩm mỹ… của người đọc mà chính cụ Nguyễn đã nói: “Tẻ, vui bởi tại lòng này”.

Tất nhiên, vấn đề tính đa nghĩa của tác phẩm nghệ thuật nói chung, tác phẩm nghệ thuật ngôn từ nói riêng hết sức phức tạp. Một hình tượng bản đàn không đủ để khái quát được những khía cạnh, phương diện của nó. Tuy vậy, bằng một con mắt tinh tường, một vốn sống dày dặn và một tài năng nghệ thuật trác tuyệt, Nguyễn Du đã để lại cho hậu sinh một hình tượng nghệ thuật thành công, độc đáo và giàu giá trị. Trong những giá trị của tiếng đàn nàng Kiều, giá trị lý luận về tính đa nghĩa, có thể là nhà thơ vô tình, ở một phương diện nào đó, xứng đáng được xem là một đóng góp của thi hào Nguyễn Du đối với lý luận văn học nghệ thuật của nước ta thời trung đại.

(Nguồn: P.T.V, Tạp chí sông Hương 12/2017)

-/-

Các em vừa tham khảo gợi ý và một số đoạn văn bình luận về tiếng đàn của Thúy Kiều trong một lần được Nguyễn Du miêu tả do Đọc tài liệu sưu tầm và biên soạn. Hy vọng bài viết sẽ giúp các em có thêm những ý văn hay cho bài làm văn của mình. Tham khảo thêm các bài văn hay khác tại mục tài liệu Văn mẫu 11 để tự rèn luyện kỹ năng làm văn. Chúc các em học tốt!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM