Trang chủ

Đoạn văn 200 chữ suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế

Xuất bản: 10/04/2020 - Cập nhật: 22/06/2020 - Tác giả:

[Văn mẫu 9] Tham khảo cách viết, dàn ý và một số đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn.

Làm thế nào để hoàn thành một đoạn văn 200 chữ nêu suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế? Tài liệu hướng dẫn dưới đây của Đọc tài liệu sẽ giúp bạn hoàn thành bài làm của mình một cách dễ dàng và đầy đủ nhất.

Đề bài: Viết đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống.

****

Phân tích yêu cầu đề bài:

- Đảm bảo về hình thức đoạn văn: Có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống.

- Triển khai vấn đề nghị luận: có thể lựa chọn thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề theo nhiều cách nhưng cần làm rõ ý nghĩa của những việc tử tế đối với con người và xã hội.

Có thể theo những hướng sau:

+ Việc tử tế là những việc làm đúng đắn, tích cực, tốt đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

+ Việc tử tế đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc chính đáng cho những người sống quanh mình và cho chính mình.

+ Việc tử tế làm phục hồi các giá trị đạo đức chân chính, hướng tới xây dựng một cộng đồng xã hội tốt đẹp, văn minh

- Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt

- Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận

Để đoạn văn có sức thuyết phục, việc lấy dẫn chứng hoặc dùng ngôn từ để lý giải vô cùng quan trọng. Thông thường đề tài thường được ra trong đề thi đều liên quan tới phần Đọc - hiểu trước đó, câu hỏi thuộc phần 2 làm văn như sau:

Câu hỏi: Từ nội dung đoạn trích phân đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống.

Vì vậy bạn hoàn toàn có thể lấy chính ví dụ được xây dựng ở phần Đọc hiểu làm dẫn chứng hoặc là lời mở đầu để bạn đi vào đề tài nghị luận. Cùng Đọc tài liệu tham khảo dàn ý và một số đoạn văn mẫu dưới đây:

Dàn ý chi tiết

*Giải thích vấn đề

- Tử tế: chữ “tử” có nghĩa là những chuyện nhỏ bé, chữ “tế” có nghĩa là những chuyện bình thường. -> Hai chữ “tử tế” có nghĩa là cẩn trọng từ những việc nhỏ bé.

Việc tử tế là gì?

- Việc tử tế là những việc làm đúng đắn, tích cực, tốt đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

- Việc tử tế là một chuẩn mực đạo đức quan trọng trong cuộc sống, là một giá trị đẹp và nhân văn.

- Việt tử tế không phải là có tiền bạc mà mua được hoặc muốn là có ngay, mà phải được học hành, được rèn luyện, kế thừa và giữ gìn.

*Bàn luận, mở rộng vấn đề:

- Ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống:

+ Giúp bản thân ta sống vui vẻ, hạnh phúc hay coi niềm vui của những người được ta giúp đỡ thành niềm vui của bản thân.

+ Giúp tăng thêm cảm quan giữa quan hệ giữa người với người từ đó giúp xã hội trở nên văn minh hơn. (Tăng thêm đồng cảm và sẻ chia với nhau hơn).

+ Giúp xã hội phát triển lành mạnh, thế giới không còn bạo lực, chiến tranh.

- Việc lan tỏa những việc tử tế trong xã hội hiện nay là một điều cần thiết:

+ Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học – kĩ thuật, cuộc sống con người ngày càng bộc lộ rõ nhiều mặt trái của nó: bạo lực, chiến tranh…

+ Những việc tử tế giúp con người nhận thức lại hành động của bản thân, kiểm soát bản thân và đối nhân xử thế một cách đàng hoàng.

- Làm cách nào để lan tỏa những việc tử tế?

+ Việc tử tế bắt đầu từ sự giáo dục. Đầu tiên là sự giáo dục từ gia đình – cái nôi hình thành nhân cách cá nhân, nhà trường – nơi hoàn thiện nhân cách, xã hội – nơi đấu tranh để bảo vệ những giá trị tử tế đã được lên hình lê hài thời niên thiếu,…

+ Nó bắt đầu từ ý thức cá nhân. Mỗi con người sẽ có những lựa chọn ứng xử khác nhau. Những việc tử tế cũng là một sự lựa chọn. Có những người bị môi trường bên ngoài tác động mà có những phản ứng tiêu cực, những hành động xấu.

* Kết thúc vấn đề: Liên hệ bản thân

Xem thêmDàn ý nghị luận xã hội về người tử tế

Sau khi tìm hiểu đề và dàn ý, các em hãy tham khảo một số đoạn văn hay nêu suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống mà Đọc tài liệu sưu tầm và chọn lọc:

Văn mẫu tham khảo: Một số đoạn văn 200 chữ nêu suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế

Đoạn văn 1

Trong cuộc sống, mỗi con người đều có một số phận riêng, có người hạnh phúc, nhưng cũng có người lại bất hạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Trước những số phận đó, sự giúp đỡ, sẻ chia đến từ người thân, bạn bè hay cả những người xa lạ chính là việc tử tế mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Vậy việc tử tế là gì? Đó là những việc làm được xuất phát từ lòng yêu thương, đùm bọc, đồng cảm giữa người với người và nhằm hướng đến xây dựng xã hội văn minh, tốt đẹp, nhân văn. Những người có hành động, việc làm tử tế luôn được xã hội đề cao, tuyên truyền và nêu gương. Bằng chứng cụ thể chính là chương trình “Việc tử tế” được sản xuất và phát sóng trên kênh truyền hình VTV nhằm ca ngợi và lan tỏa những việc làm tử tế với hành động giúp đỡ, cưu mang người có số phận bất hạnh cả về vật chất, thể xác lẫn tinh thần. Việc tử tế có ý nghĩa vô cùng lớn đối với xã hội bởi nó chính là sợi dây kết nối tình thương giữa người với người. Làm việc tử tế cũng là cách để trao đi yêu thương, giúp ta cảm thấy thanh thản và hạnh phúc hơn. Như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Xem thêm: Đoạn văn nghị luận về tình yêu thương

Đoạn văn 2

Tử tế luôn được coi là một giá trị đẹp và nhân văn trong cuộc sống đời thường. Việc tử tế chính là sự tốt bụng, là một phẩm chất vô cùng cao quý và vô cùng đáng trân trọng của con người. Người tử tế là người sống lương thiện, không bao giờ nghĩ xấu về ai và cũng không bao giờ làm hại ai, hơn hết người tử tế còn là người luôn sử dụng lòng tốt của mình để giúp đỡ người khác, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn xung quanh. Từ những việc nhỏ nhặt nhất như lễ phép với người lớn, yêu thương trẻ em, người già, không nghi kỵ người thấp kém hơn mình, … đã là những khía cạnh của những việc tử tế. Hay đến những hành động lớn lao hơn một chút nữa như quyên góp tiền bạc, vật chất giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, luôn đứng về lễ phải, biết đấu tranh chống lại cái ác, không chịu an phận thủ thường, bàng quang lãnh đạm với cái xấu…thì những việc tử tế nho nhỏ đó càng đáng quý biết bao. Như những việc tử tế ở nước ta trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19 là một minh chứng tuyệt vời nhất, mỗi người đều góp một chút công, chút sức dù nhỏ bé như mớ rau, kí gạo để ủng hộ chính phủ, các đơn vị thực hiện công tác chống dịch… Đó đều là những việc tử tế có sức lan tỏa trong cộng đồng hiện nay. Và để có được điều đó đều phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người. Những việc tử tế là nguồn cội cho những điều tốt đẹp, ta cần phải trân trọng và phát huy nó.

Xem thêm: Đoạn văn nghị luận về Covid-19

Đoạn văn 3

Những việc tử tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là đối với những người trong hoàn cảnh khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Những việc tử tế được biểu hiện bằng hành động giúp đỡ, sẻ chia, cưu mang những người gặp khó khăn, thiếu thốn, dù đó có thể là người thân, bạn bè hay thậm chí là chỉ là những người xa lạ cần sự giúp đỡ lúc này. Việc tử tế hoàn toàn xuất phát từ lòng yêu thương, cảm thông, đùm bọc giữa người với người. Từ xưa đến nay, việc tử tế luôn được cả xã hội đề cao và nêu gương. Chương trình “Việc tử tế” được sản xuất và phát sóng trên kênh truyền hình VTV đã ghi lại hàng trăm, hàng nghìn việc làm tử tế trên khắp các mọi miền đất nước với mong muốn ca ngợi và lan tỏa những việc tử tế đến toàn xã hội. Sức lan tỏa của chương trình đã giúp chúng ta có thêm nhiều cái nhìn khác nữa về việc tử tế, nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Mỗi việc tử tế, hành động hay lối sống tử tế đều giúp ta cảm thấy thanh thản và hạnh phúc hơn khi ta trao đi yêu thương và đón nhận trở lại. Thế nhưng, trong xã hội hiện nay, những việc tử tế đã bị biến tướng đi khi một bộ phận người cố tình đi từ thiện nhằm đánh bóng tên tuổi cá nhân, khoe mẽ tài sản và coi thường người khác. Nếu bạn muốn làm việc tử tế, nó sẽ xuất phát từ chính lòng yêu thương con người, từ sự chân thành, đồng cảm của bạn, có như vậy, việc tử tế mới thật sự có ý nghĩa với chính bản thân mình và cộng đồng.

Xem thêm: Đoạn văn 200 chữ trình bày về lòng tự tin

****

Trên đây là dàn ý và một số đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế trong cuộc sống. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu lớp 9 khác được cập nhật thường xuyên tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM