Trang chủ

Phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong mười dòng thơ cuối

Xuất bản: 13/05/2024 - Tác giả:

Phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong mười dòng thơ cuối Trao duyên đi qua nhiều cảm xúc khác nhau, từ nghĩ cách cứu cha và em, trao lại mối duyên của mình

Tài liệu hướng dẫn phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong mười dòng thơ cuối Trao duyên do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn sau đây sẽ giúp các em hình dung được phương pháp làm bài chi tiết theo từng bước một cách sâu sắc và toàn diện nhất.

Diễn biến tâm lí của Kiều đi qua nhiều cảm xúc khác nhau, từ nghĩ cách cứu cha và em, trao lại mối duyên của mình, đến việc nghĩ cho người mình yêu thương và đến cuộc sống bấp bênh của nàng sau này.

Hướng dẫn phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong 10 dòng thơ cuối Trao duyên

1. Tìm hiểu đoạn trích Trao duyên và 10 dòng thơ cuối

Đọc và phân tích kỹ đoạn trích "Trao duyên", đặc biệt là 10 câu thơ cuối, chú ý các từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ và xác định nội dung chính.

a) Đoạn trích Trao duyên

- Vị trí: từ câu 723 đến câu 756 phần Gia biến và Lưu lạc trong Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh).

- Nội dung chính: Lời của Thúy Kiều nói với Thúy Vân khi muốn nhờ Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng còn nàng thì bán mình để chuộc cha.

b) 10 dòng thơ cuối

- Nội dung chính: Mười dòng thơ cuối là lời của Thúy Kiều nói với Thúy Vân hay với chính bản thân mình rằng sau này dù nàng có đang sống, hay khổ đau đều sẽ chúc phúc cho hai người, hi vọng em gái thay mình kết duyên với Kim Trọng sẽ được hạnh phúc và sẽ nhớ tới nàng.

- Tâm trạng của Thúy Kiều: Đau đớn đến cùng cực khi hướng về tình yêu của mình và Kim Trọng.

- Đặc sắc nghệ thuật: sử dụng từ ngữ biểu cảm, thành ngữ, câu cảm thán, các điệp từ.

2. Xác định nội dung trọng tâm

Diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong 10 câu thơ cuối:

- Kiều âm thầm nhắn nhủ đến Kim Trọng “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây” sau khi trao duyên cho Thúy Vân. Tấm lòng của một người sắp chia xa nhưng bởi tình cảm vẫn còn mặn nồng khiến họ thêm đau xót, buồn thương. Tuy nhiên, không đơn giản chỉ là lời xin lỗi thầm lặng, đau xót gửi đến chàng Kim mà lời nhắn nhủ độc thoại đó còn là suy tư về cuộc sống tăm tối phía trước, lời oán trách số phận bạc bẽo của Kiều. Dòng thơ cuối như một lời tự trách cũng như lời kết lại mối tình của Kim Kiều rằng nó đã chấm dứt và người phụ chính là Thúy Kiều.

- Diễn biến tâm lí của Kiều khiến chúng ta không khỏi đau xót khi trải qua bao cảm xúc khác nhau, từ nghĩ cách cứu cha và em, trao lại mối duyên của mình, đến việc nghĩ về người mình yêu thương và đến cuộc sống bấp bênh sau này.

Xem lại nội dung soạn bài Trao duyên để xác định đúng nội dung trọng tâm của 10 câu thơ cuối Trao duyên.

3. Lập dàn ý phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong mười dòng thơ cuối Trao duyên

a) Mở bài

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều

- Giới thiệu đoạn trích Trao duyên

- Khái quát nội dung 10 câu thơ cuối: Tâm trạng đau đớn đến cùng cực của Thúy Kiều khi hướng về tình yêu của mình và Kim Trọng.

b) Thân bài: Phân tích diễn biến tâm trạng Kiều trong 10 dòng thơ cuối

* Sau khi trao duyên cho Vân, Kiều trở về thực tại đau xót khi nhớ tới Kim Trọng

- Lời thơ chuyển từ đối thoại sang độc thoại

- Kiều ý thức rõ về cái hiện hữu của mình: “trâm gãy gương tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”, “phận bạc như vôi”, “nước chảy hoa trôi lỡ làng”

-> Hình ảnh gợi tả số phận đầy đau khổ, dở dang, bạc bẽo, lênh đênh trôi nổi.

- Nghệ thuật đối lập: quá khứ - hiện tại

+ Quá khứ hạnh phúc, tươi đẹp: "muôn vàn ái ân"

+ Hiện tại đau xót, tan vỡ, cay đắng: "trâm gãy bình tan, tơ duyên ngắn ngủi, phận bạc như vôi, nước chảy hoa trôi"

=> Kiều càng đau đớn, tuyệt vọng khi hình dung về quá khứ tươi đẹp.

- Hành động của Kiều:

+ Lạy tạ lỗi, nhận hết phần lỗi về mình, nhận mình là "người phụ bạc" -> đức hi sinh cao cả và giàu lòng vị tha.

+ Hai lần gọi tên chàng Kim: tức tưởi, nghẹn ngào, đau đớn đến mê sảng.

  • Đoạn đầu gọi là “chàng”
  • Ở đoạn này thì gọi “Kim lang” tức là chồng -> Kiều đã thực sự nên duyên phận với Kim Trọng bằng tình yêu mãnh liệt.

=> Đức hy sinh cao quý của Kiều khi quên đi nỗi đau của mình mà nghĩ nhiều đến người khác.

=> Mười câu thơ cuối là diễn biến tâm trạng đau đớn đến cùng cực của Thúy Kiều khi hướng về tình yêu của mình với Kim Trọng.

* Đặc sắc nghệ thuật:

- Sử dụng từ ngữ biểu cảm, thành ngữ, câu cảm thán, các điệp từ.

c) Kết bài

- Khái quát diễn biến tâm trạng của Kiều trong 10 câu thơ cuối Trao duyên: Diễn biến tâm trạng của Kiều đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau khi từ nghĩ cách cứu cha và em, trao lại mối duyên của mình, đến việc nghĩ cho người mình yêu thương và đến cuộc sống bấp bênh của bản thân sau này.

- Suy nghĩ, cảm nhận của bản thân.

4. Viết bài

- Dựa vào dàn ý đã lập, triển khai thành bài văn hoàn chỉnh.

- Sử dụng ngôn ngữ trong sáng, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc.

- Chú ý cách diễn đạt, phân tích, chứng minh.

- Trích dẫn thơ chính xác, phù hợp.

5. Kiểm tra và sửa chữa

- Đọc lại bài viết, kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp, diễn đạt.

- Đảm bảo bài viết bám sát dàn ý, nội dung trọng tâm, luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ.

Đoạn văn ngắn về diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong mười dòng thơ cuối

“Trăm nghìn gửi lạy tình quân

.......

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

Sau khi trao duyên cho Thúy Vân, Kiều âm thầm nhắn nhủ đến Kim Trọng: nàng đã phụ tình chàng từ đây. Đó không chỉ là câu nói đau xót khi phải chia tay người yêu khi tình cảm vẫn còn mặn nồng sâu sắc mà còn là suy tư về cuộc sống tăm tối phía trước đang chờ đón Kiều. Tơ duyên của Kiều và Kim chỉ ngắn ngủi có từng ấy, xin gửi lại chàng mối duyên này cho người em là Thúy Vân.

Kiều đã phải thốt lên: “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!” đây vừa là lời xin lỗi Kiều gửi đến Kim, vừa là lời oán trách vì phận mình sao bạc bẽo. Kiều không chỉ suy nghĩ về việc cứu cha và em, trao lại mối duyên của mình cho Vân mà còn suy nghĩ cho người mình hết lòng yêu thương. Khi nhờ cậy và thuyết phục Thúy Vân nhận lời trao duyên, Kiều đã mong muốn chu toàn cả bên tình, bên hiếu. Nàng hi vọng có thể bớt được đau đớn khi nhờ em “thay lời nước non”. Nhưng kết thúc cuộc trao duyên, tình yêu, nỗi đau còn trào dâng mãnh liệt hơn. Một cô gái nhỏ bé vốn sống bình an nay phải suy tư rất nhiều, không chỉ thế, cuộc sống trôi nổi phía trước của nàng cũng khiến người ta vô cùng đau xót về kiếp hồng nhan bạc phận.

Diễn biến tâm lí của Kiều đi qua nhiều cảm xúc khác nhau, từ nghĩ cách cứu cha và em, trao lại mối duyên của mình, đến việc nghĩ cho người mình yêu thương và đến cuộc sống bấp bênh của nàng sau này khiến người ta không khỏi đau xót.

Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân

Bài văn mẫu phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong 10 dòng thơ cuối Trao duyên

Trong nền văn học Việt Nam, đã từng có rất nhiều tác phẩm nói về hình tượng của người phụ nữ. Điển hình có thể kể đến bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương, “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ và còn rất nhiều tác phẩm nổi bật khác nữa. Trong kho tàng văn học đó, tôi đã bắt gặp một tác phẩm cũng nói về người phụ nữ Việt Nam với cuộc đời và số phận vô cùng bi đát, đó là tác phẩm “Truyện Kiều” của tác giả Nguyễn Du. Và để hiểu rõ hơn về hình ảnh người con gái mà Nguyễn Du khắc họa, ta sẽ cùng nhau phân tích và tìm hiểu diễn biến tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều trong mười dòng thơ cuối của đoạn trích “Trao duyên”.

Trước hết, ta hãy tìm hiểu một chút về tác giả Nguyễn Du. Ông sinh năm 1765 tại Thăng Long, có tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Thơ của Nguyễn Du thường đề cập đến những vấn đề rất mới, nhưng cũng rất quan trọng của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học, thể hiện tình cảm chân thành cùng sự cảm thông sâu sắc đối với cuộc sống cũng như số phận éo le của những người phụ nữ hay trẻ em bất hạnh. Phong cách thơ vô cùng phong phú, giàu ngôn từ cùng với lối diễn đạt tinh tế, khéo léo. Về đoạn trích “Trao duyên” được trích trong “Truyện Kiều” (Đoạn trường tân thanh). Đoạn trích thuộc phần Gia biến và lưu lạc, đây cũng là lời nói của Thúy Kiều với Thúy Vân khi cô muốn nhờ Thúy Vân trả nghĩa cho Kim trọng giúp mình, còn cô thì sẽ đi bán mình để chuộc cha. Dưới đây là mười câu thơ cuối trong đoạn trích Trao duyên, bộc lộ nỗi đau đớn, dằn vặt trong nội tâm của nhân vật Thúy Kiều:

“Dạ đài cách mặt, khuất lời,

Rày xin chén nước cho người thác oan.

Bây giờ trâm gãy bình tan,

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

Phận sao phận bạc như vôi?

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!"

Như đã biết ở những câu thơ trước, Thúy Kiều nhờ Thúy Vân trả nghĩa giúp mình cho Kim Trọng. Sau đó cô đã phải trao những tín vật tình yêu của mình cho Vân và thật lòng mong hai người họ hạnh phúc. Dù vậy, sao có thể nói là không đau lòng hay buồn bã, nhưng chỉ đành chấp nhận số phận đã an bài. Kiều chấp nhận ra đi, xa người thân, xa gia đình, xa người mình thương. Thậm chí cô còn đã nghĩ trước đến cái chết của chính mình và căn dặn Thúy Vân nếu linh hồn của cô có quay trở về nhà thì hãy “Rày xin chén nước cho người thác oan”. Đến đây, nỗi đau của cô như được nhân lên ngàn lần, sự xót xa, đau đớn dày xé tâm hồn người con gái ấy. Vốn dĩ là một cô gái bình thường sống một cuộc sống bình thường, vui vẻ, hạnh phúc bên cạnh gia đình, bên cạnh người yêu, nhưng bây giờ lại lâm vào tình cảnh éo le như vậy.

Sau khi đã nhắn nhủ và gửi gắm hết mọi thứ cho Thúy Vân thì giờ đây là lúc những lời tâm sự sâu thẳm trong lòng Kiều về cuộc tình dở dang của mình cùng với đó là nỗi đau đớn, dằng xé của nội tâm. “Bây giờ trâm gãy bình tan” - Kiều ý thức được thực tại rằng chuyện tình của cô không còn có thể tiếp tục được nữa và mãi mãi cũng không còn cơ hội để quay lại. “Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân” có thể thấy những kỉ niệm tươi đẹp của Thúy Kiều bên cạnh người cô yêu là rất nhiều. Những kỉ niệm ấy là một phần kí ức hạnh phúc của cô, có lẽ nhớ về nó cũng là cách duy nhất để cô cảm thấy an ủi hơn một phần nào trong tình cảnh hiện tại. Đồng thời, hai câu thơ cũng cho thấy nỗi buồn xé lòng của Thúy Kiều, nhiều kỉ niệm đẹp như thế thì có ích gì khi bây giờ mọi thứ đều phải kết thúc. Giờ đây, những kỉ niệm đó chỉ còn cách cất lại trong kí ức của người con gái ấy.

Đọc đến đây, người đọc không khỏi tiếc nuối cho cuộc tình của Thúy Kiều và Kim Trọng, xót thương cho cuộc đời của Kiều, cho những việc Kiều đã làm, đã phải hi sinh. Nhưng bên trong thâm tâm người con gái ấy lại luôn cảm thấy có lỗi với người mình yêu. Vì vậy, cô đã quỳ gối và lạy người mình yêu “Trăm nghìn gửi lạy tình quân” đây có lẽ là điều cuối cùng Kiều có thể làm cho Kim Trọng, bằng cả tấm lòng của mình, cô muốn gửi lời xin lỗi vì đã thất hứa, không thể thực hiện những lời hứa hẹn trước đây của mình. Cô sợ Kim Trọng sẽ đau lòng sẽ oán trách cô, nhưng giờ phút này cô là người đau lòng hơn bất cứ ai, tự trách, tự dằn vặt sao tình duyên của mình lại ngắn ngủi như vậy. Tự biết cuộc đời mình bất hạnh, hạnh phúc mỏng manh nên Kiều chỉ đành rời xa người mình yêu để Kim Trọng có thể tìm được một hạnh phúc mới. Tiếc thương và đau lòng cho người con gái bạc phận, bản thân đã đi đến đường cùng nhưng vẫn lo nghĩ cho người khác. Ta có thể thấy, bằng những từ ngữ của mình Nguyễn Du đã khắc họa tâm trạng của Thúy Kiều một cách rõ nét và sống động.

Bằng cách sử dụng câu hỏi tu từ “Phân sao phận bạc như vôi?”, tác giả đồng cảm, xót thương cho số phận người con gái ấy. Cuộc đời của Kiều bạc bẽo, tẻ nhạt như vôi nhưng cũng chẳng biết phải than trách với ai chỉ biết cam chịu mà sống tiếp. Hình ảnh “hoa trôi lỡ làng” còn tượng trưng cho số phận của Thúy Kiều, lững lờ, vô định, không biết tương lai của bản thân sẽ đi về đâu. Đến giây phút này thì Kiều đã hoàn toàn tuyệt vọng với cuộc đời bất hạnh của chính mình. Ta nhận thấy rằng, Thúy Kiều không phải là người duy nhất có số phận éo le như vậy trong thời đao kiếm loạn lạc, cô đại diện cho số kiếp của rất nhiều phụ nữ đáng thương khi ấy, phải cam chịu và chấp nhận thực tại khắc nghiệt một cách yếu ớt và bất lực.

Đứng trước tình cảnh hiện tại, Kiều đau đớn đến mức chỉ biết thốt lên trong sự bất lực “Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!”. Câu nói chứa đựng bao nỗi niềm, tâm sự của người con gái đáng thương, Kiều ý thức được số phận của mình giờ đây như chiếc lá lìa cành, không biết sẽ trôi dạt về đâu. Vì thế  Kiều chỉ đành từ bỏ tình yêu của mình “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!” câu nói cất lên trái tim của Kiều cũng tan nát. Dù trong hoàn cảnh khốn khổ nhưng cô vẫn nghĩ cho người mình yêu, không muốn họ vì minh mà khổ sở, thà bản thân tự rời đi chỉ mong đối phương được hạnh phúc, vui vẻ. Sự hi sinh của Kiều chính là điển hình cho tấm lòng của rất nhiều người phụ nữ thời bấy giờ, chấp nhận số phận của bản thân và tự chịu đựng chứ không muốn những người mình yêu thương phải chịu khổ.

Qua những gì ta đã tìm hiểu về đoạn trích trên, ta có thể thấy Nguyễn Du đã sử dụng ngôn từ của mình để thể hiện một cách rõ nét những nỗi đau mà Thúy Kiều đã trải qua và đang phải chịu đựng. Kết hợp với những biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, sử dụng câu hỏi tu từ với lối viết thơ như đang kể chuyện đã giúp người đọc thấm thía và thấu hiểu với số phận của Thúy Kiều. Đồng thời, nhà thơ đã làm nổi bật lên hình ảnh điển hình của những người phụ nữ thời loạn lạc, họ đã phải sống và đối mặt với những bất công, bất hạnh như thế nào, đã phải gánh chịu và hi sinh những gì, từ đó đã tạo nên vẻ đẹp cao cả, quật cường của người phụ nữ lúc bấy giờ.

Qua tác phẩm, tôi càng đồng cảm hơn với những tổn thương những mất mát mà Thúy Kiều nói riêng hay những người phụ nữ thời xưa nói chung. Càng cảm thấy biết ơn và trân trọng với cuộc sống hiện tại của chúng ta. Chúng ta cần hỏi học và đóng góp thật nhiều hơn nữa cho đất nước của mình.

Các bài viết khác cùng chủ đề:

Trên đây là những gợi ý cơ bản cho nội dung phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều trong mười dòng thơ cuối Trao duyên do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn. Truy cập mục tài liệu Văn mẫu 11 để cập nhật thêm nhiều bài văn mẫu hay và đặc sắc giúp em học tốt môn Văn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM