Trang chủ

Đề văn thi thử THPT quốc gia 2024 mẫu số 20 có đáp án

Xuất bản: 16/03/2024 - Tác giả:

Đề văn thi thử THPT quốc gia 2024 mẫu số 20 có đáp án với bài đọc hiểu Hãy hướng sự quan tâm của bạn tới những việc bạn có thể làm thay vì nghi hoặc

Gửi các em học sinh lớp 12 thân mến,

Nhằm hỗ trợ các em hoàn thiện hơn trong việc nâng cao kỹ năng làm đề thi, chúng tôi đã bổ sung thêm một mẫu đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn mới cho kỳ thi năm nay. Dưới đây là đề thi thử môn văn 2024 mẫu đề 20.

Cùng đi vào tham khảo chi tiết nội dung đề thi:

Đề thi thử tốt nghiệp Văn mẫu số 20 năm 2024

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu sau:

Hãy hướng sự quan tâm của bạn tới những việc bạn có thể làm thay vì nghi hoặc khả năng của bản thân. Thực tế cho thấy, chúng ta sẽ chẳng đạt được bất cứ điều gì nếu cứ luôn miệng nói rằng mình không làm được.

Khi phải đối mặt với khó khăn, hãy tự nhủ rằng mọi rắc rối rồi sẽ được giải quyết, từ đó nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề. Đó chính là cách tạo ra sự khởi đầu tốt đẹp. Hãy nhớ rằng thành công trong cuộc sống luôn đi kèm với những câu khẳng định như “Tôi có thể” hoặc “Tôi sẽ làm được”, và hành động bao giờ cũng tạo ra điều kì diệu. Đừng ngồi đó chờ đợi mộng tưởng biến thành sự thật. Khi đã nỗ lực hết mình, dù có thất bại, bạn cũng không phải tiếc nuối. Thất bại không chỉ giúp bạn rút ra bài học kinh nghiệm mà còn hiểu được giá trị của thành công: Bạn chỉ thực sự thất bại khi chưa thử mọi cơ hội mà bạn đang có. Khi thực sự muốn làm một điều gì đó, chắc chắn sẽ có cách để bạn làm được

Điều quan trọng là bạn phải xem xét các khả năng để tạo ra cơ hội chứ không phải lãng phí thời gian để mổ xẻ những trách nhiệm của mình.

(Tian Dayton, Quên hôm qua sống cho ngày mai, Công ty First News- Trí Việt giữ bản quyền xuất bản và ấn hành, tr.106, 107 )

Câu 1: Theo tác giả cách tạo ra sự khởi đầu tốt đẹp là như thế nào? (0,5 điểm)

Câu 2: Trong câu “Thực tế cho thấy, chúng ta sẽ chẳng đạt được bất cứ điều gì nếu cứ luôn miệng nói rằng mình không làm được.”, tác giả ngầm phê phán những người có thái độ sống như thế nào? (0,5 điểm)

Câu 3: Tại sao tác giả nói “Thất bại không chỉ giúp bạn rút ra bài học kinh nghiệm mà còn hiểu được giá trị của thành công” (1,0 điểm)

Câu 4: Anh/ Chị có đồng tình với quan điểm: “Bạn chỉ thực sự thất bại khi chưa thử mọi cơ hội mà bạn đang có” không? Vì sao? (1,0 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh /chị về phương châm sống: Thử sức với cơ hội và dám đối mặt với khó khăn.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong đoạn trích “ Việt Bắc” (Tố Hữu), người ở lại hỏi người về xuôi:

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

Mình về, còn nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật, thưở còn Việt Minh

Mình đi, mình có nhớ mình

Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa?

Đáp lại tấm chân tình ấy, người về xuôi đã thổ lộ nỗi lòng:

-Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu…

Cảm nhận của anh/ chị về tâm trạng kẻ ở - người đi. Từ đó, nhận xét về tính dân tộc thể hiện trong hai đoạn thơ trên.

__Hết__

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp Văn mẫu 20 năm 2024

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1 

Khi phải đối mặt với khó khăn, hãy tự nhủ rằng mọi rắc rối rồi sẽ được giải quyết, từ đó nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề. Đó chính là cách tạo ra sự khởi đầu tốt đẹp.

Câu 2 

Trong câu “Thực tế cho thấy, chúng ta sẽ chẳng đạt được bất cứ điều gì nếu cứ luôn miệng nói rằng mình không làm được.”, tác giả ngầm phê phán những người có thái độ sống nhu nhược, thụ động…

Câu 3 Tại sao tác giả nói “Thất bại không chỉ giúp bạn rút ra bài học kinh nghiệm mà còn hiểu được giá trị của thành công”

HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải hợp lí, phù hợp với yêu cầu câu hỏi. Gợi ý

- Thất bại là không hoàn thành mục tiêu đề ra

- Khi ta đặt ra mục tiêu mà ta không đạt được khi đó ta rút ra bài học kinh nghiệm để lần sau ta không mắc phải và khi đạt được thành công thì ta sẽ thấy giá trị của nó…

Câu 4 

- Đồng tình/ không đồng tình/ vừa đồng tình vừa không đồng tình.(0,25 điểm)

- Lí giải: sâu sắc, hợp lí, thuyết phục.(0,75 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến: Thử sức với cơ hội – một yếu tố không thể thiếu của người thành công.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Suy nghĩ về ý kiến: Thử sức với cơ hội – một yếu tố không thể thiếu của người thành công.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ yêu cầu của đề bài. Có thể theo hướng sau:

- Giải thích: Cơ hội là hoàn cảnh thuận lợi gặp được để thực hiện điều mong muốn,dự định. Thử sức với cơ hội là cho ta cơ hội nắm bắt thời điểm hội tụ những điều thích hợp và tận dụng nó để tạo ra thành công.

- Bàn luận:

+ Thử sức với cơ hội là sẵn sàng đương đầu với khó khăn để tạo ra cơ hội cho bản thân, không ngần ngại thất bại để có được sự thành công.

+ Một người thành công sẽ không bao giờ thụ động chờ cơ hội đến với mình mà sẽ xông pha tìm kiếm nó.

+ Thử sức với cơ hội mang đến cho chúng ta niềm tin, niềm hi vọng để ta đạt được mục đích.Tạo ra cho chúng ta một sức mạnh to lớn và động lực để ta vượt qua những thử thách, khó khăn trong cuộc sống.

+ Khi đã nhận ra được cơ hội đang ở trước mắt, chúng ta phải chủ động và tận dụng nó một cách khéo léo để có thể vượt qua những thử thách. Khi đã có cơ hội trong tay, chúng ta phải biết chắt chiu, trân trọng vì cơ hội không có nhiều .

+ Phê phán những người không biết trân trọng và tận dụng những cơ hội mà cuộc đời mang lại cho họ.

- Bài học nhận thức và hành động: Thử sức với cơ hội – một yếu tố không thể thiếu của người thành công. Hãy cố gắng nắm bắt những cơ hội có thể thay đổi cuộc đời mình. Con người chỉ cần chịu khó học tập, có tinh thần cầu tiến, có đức tính kiên trì bền bỉ, chắc chắn họ sẽ thành công.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2. Cảm nhận của anh/ chị về tâm trạng kẻ ở- người đi trong hai đoạn thơ:

“ Mình đi có nhớ những nhà….. cây đa”, Ta với mình, mình với ta…nghĩa tình bấy nhiêu…”

Từ đó, rút ra nhận xét về tính dân tộc trong đoạn trích “ Việt Bắc” của Tố Hữu.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tâm trạng kẻ ở - người đi, người cán bộ cách mạng- người đồng bào Việt Bắc qua đó thấy rõ ân tình cách mạng – một cội nguồn sức mạnh quan trọng tạo nên thắng lợi của cách mạng và kháng chiến.

Từ đó, nhận xét về tính dân tộc trong hai đoạn thơ.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận.

* Cảm nhận tâm trạng kẻ ở - người đi trong hai đoạn thơ

- Tâm trạng người ở lại: Gợi nhắc những kỉ niệm kháng chiến.

+ Nghệ thuật tiểu đối -> trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ người Việt Bắc vẫn thủy chung, sắt son với cách mạng.

+ Liệt kê những hình ảnh, sự kiện lịch sử nổi bật -> nhắc người về xuôi nhớ đến cội nguồn cách mạng.

+ Câu hỏi tu từ + hình thức lặp từ “ mình đi”,“ mình về”, “ có nhớ”, nhịp thơ 2/2/2,4/4 đều đặn -> khắc sâu tô đậm những kỉ niệm gắn bó, diễn tả nỗi nhớ da diết, bộc lộ tình cảm yêu thương và tâm trạng bâng khuâng nhắc nhở người về xuôi đừng bao giờ đánh mất quá khứ và đánh mất chính mình

- Tâm trạng người đi

+ Nhịp 3/3 + điệp từ + đảo kết cấu -> khẳng định ta với mình tuy hai mà một, gắn bó thủy chung son sắt.

+ Đại từ “ mình” + lối so sánh ví von > khẳng định tình keo sơn, thiêng liêng lớn lao tràn ngập không bao giờ thay đổi

=> Thể thơ lục bát mang âm hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng; mượn lối đối đáp và lối xưng hô mình – ta -> Nhà thơ bộc lộ nỗi nhớ da diết với Việt Bắc, khẳng định nghĩa tình gắn bó thắm thiết với những người kháng chiến , với Việt Bắc, với nhân dân, đất nước.

** Tính dân tộc trong hai đoạn thơ

- Nội dung:

+ Thể hiện qua sự gắn bó nghĩa tình với mảnh đất quê hương cách mạng, gắn bó nghĩa tình giữa nhân dân và cách mạng trong truyền thống thủy chung “ Uống nước nhớ nguồn”

+ Đề cao những sự kiện lớn lao, liên quan đến vận mệnh đất nước nhưng cách thể hiện không phù phiếm, cố tạo ra vẻ hoành tráng mà rất nhẹ nhàng, sâu lắng.

- Về nghệ thuật:

+ Thể thơ lục bát + tiểu đối -> tạo sự cân xứng nhịp nhàng như một khúc hát ru.

+ Sử dụng lối đối đáp quen thuộc trong ca dao.

+ Sử dụng đại từ nhân xưng mình-ta -> tạo sự gắn bó giữa cách mạng và nhân dân.

+ Sử dụng hình ảnh gần gũi với cảm nghĩ dân tộc và các bieenju pháp tu từ nghẹ thuật quen thuộc…

* Đánh giá chung

- Khẳng định lại ý nghĩa, giá trị của hai đoạn thơ. Đánh giá tính dân tộc -> tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu.

- Nêu bài học liên hệ: ý thức phát huy truyền thống dân tộc; lối sống tình nghĩa, thủy chung; tình yêu thiên nhiên, lòng yêu nước...

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Nguồn tài liêu: Sưu tầm và tổng hợp.

Đừng quên tìm hiểu chi tiết các nội dung đề thi thử tốt nghiệp thpt 2024 mới nhất và luyện tập với các mẫu đề thi thử văn tốt nghiệp 2024 của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục. Chúc các em thành công!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM