Trang chủ

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Khánh Hoà 2024 - 2025

Xuất bản: 03/06/2024 - Tác giả:

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Khánh Hoà 2024 - 2025 chi tiết cùng tuyển tập đề thi vào 10 môn văn Khánh Hoà có đáp án các năm trước.

Cập nhật Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn tỉnh Khánh Hoà năm học 2024-2025 nhanh nhất cùng đáp án chi tiết. Mời các bạn xem ngay dưới đây.

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Khánh Hoà 2024

Đề thi và đáp án môn Văn kỳ thi vào lớp 10 năm 2024 tại tỉnh Khánh Hòa sẽ được Đọc Tài Liệu cập nhật ngay khi môn thi kết thúc.

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1.

Thể thơ tự do

Câu 2.

Phép liệt kê: nắng, gió và tím.

Câu 3.

Cảm xúc, tình cảm của nhân vật trữ tình: cô đơn, khắc khoải và phảng phất nỗi buồn.

Câu 4.

HS đưa ra quan điểm cá nhân (đồng tình/ không đồng tình/ đồng tình một phần) và đưa ra lí giải phù hợp. Gợi ý:

- Đồng tình với quan điểm của tác giả bởi những điều giản dị thường nhỏ bé, bình dị nên đôi khi chúng ta vô tình mà bỏ qua mất.

- Không đồng tình với quan điểm vì những điều giản dị thường đơn giản nên ai cũng có thể hiểu được.

- Đồng tình một phần vì những điều giản dị xung quanh ta dễ hiểu, tuy nhiên vì nhỏ bé nên chúng ta vô tình bỏ qua dẫn đến không thể hiểu hết ý nghĩa, giá trị của nó. Bởi vậy, chúng ta cần có con mắt tâm hồn nhạy cảm để hiểu, để cảm nhận hết những điều giản dị xung quanh mình.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Yêu cầu về hình thức: Đoạn văn khoảng 200 chữ, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ. Đảm bảo đủ 3 phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

Yêu cầu về nội dung: Làm sáng tỏ được ý nghĩa của việc biết trân trọng những điều bình dị.

Bài làm có thể triển khai theo nhiều cách, sau đây là gợi ý

1. Giới thiệu vấn đề: ý nghĩa của việc biết trân trọng những điều bình dị.

2. Giải thích:

- Bình dị là những giản dị, nhỏ bé trong cuộc sống nhưng có ý nghĩa tích cực, lớn lao đối với con người.

3. Bàn luận

- Ý nghĩa của việc trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống:

+ Những điều tốt đẹp bình dị sẽ khơi dậy và bồi đắp cho chúng ta tình yêu và nghị lực vượt lên trên khó khăn

Trong cuộc sống.

+ Những điều tốt đẹp bình dị sẽ thức tỉnh chúng ta về những giá trị sống mà mình đeo đuổi. Thành công, hạnh phúc không chỉ là những điều lớn lao, vĩ đại mà có khi bắt đầu từ những điều tốt đẹp nhỏ bé, bình dị.

+ Những điều tốt đẹp bình dị sẽ ươm mầm, vun đắp nên những giá trị lớn lao, góp phần làm cho cuộc sống

thêm tươi đẹp.

HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.

- Nêu phản đề: Có những người không biết trân trọng, nâng niu,... không biết tạo ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống, cần phải giáo dục, uốn nắn, thức tỉnh...

4. Kết đoạn: Bài học nhận thức và hành động

Câu 2.

Dàn ý tham khảo

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả: Nguyễn Quang Sáng (1932 - 2014), ông từng tham gia kháng chiến và giữ nhiều trọng trách quan trọng. Cuộc đời nhà văn trải qua biết bao nhiêu năm tháng kháng chiến của cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

- Giới thiệu tác phẩm: Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” sáng tác năm 1966 ca ngợi tình cha con, tình đồng chí trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Đặc biệt, nhân vật ông Sáu đã để lại cho người đọc rất nhiều ấn tượng.

II. Thân bài

* Phân tích hình tượng ông Sáu trong Chiếc lược ngà:

1. Tâm trạng của ông Sáu

- Khi đi bộ đội thì con gái ông mới được 1 tuổi, niềm yêu thương con và nhớ con da diết

- Khi về đến nhà bé Thu không nhận ra mình vì vết thẹo không giống người trong hình. Con bé chạy đi, xa lánh, không nhận ông Sáu là cha, thậm chí còn hỗn, nói trổng khiến ông cảm thấy buồn tủi.

- Trong khi ăn cơm ông đã nóng vội, không kiềm chế được mà đánh bé Thu, ông cảm thấy rất hối hận nhưng cũng chỉ vì ông thương con quá mà thôi.

- Khát khao lớn nhất của ông hiện giờ là được nghe con gái gọi một tiếng Ba, chính tình cha con sâu nặng đã khiến ông kiên trì đến tận bây giờ

- Trước khi ông Sáu lên đường, bé Thu đã khiến anh và mọi người vô cùng bất ngờ khi cất tiếng gọi anh Sáu là ba. Ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

- Ở chiến trường ông rất nhớ con, muốn được ôm con, hôn con. Ông dồn hết tình cảm để làm một cây lược bằng ngà voi tặng con.

=> Ông Sáu là một người cha trên cả tuyệt vời, vĩ đại, yêu thương con cái hết mực.

2. Cảm nhận về nhân vật ông Sáu

- Hình ảnh giản dị, bình thường nhưng tình yêu thương của ông dành cho con là vô bờ bến

- Hình ảnh người chiến sĩ, người cha đã làm nổi bật lên tình cảm cha con của con người

- Ông Sáu luôn dành tình cảm yêu thương sâu sắc nhất dành cho con và gia đình mình

- Ông Sáu là một người chiến sĩ uy nghiêm trên chiến trường nhưng ông rất tình cảm đối với con.

3. Nghệ thuật

- Nhà văn đã đặt nhân vật vào tình huống truyện bất ngờ để từ đó bộc lộ nội tâm nhân vật.

- Nghệ thuật xây xựng nhân vật tài tình, miêu tả tâm lý sâu sắc, chân thực.

III. Kết bài

- Nhân vật ông Sáu đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

- Nhân vật ông Sáu - người cha giàu tình yêu thương con, ông là hình ảnh tiêu biểu của con người Việt Nam sẵn sàng hi sinh tất cả vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

- Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa sinh động mà không kém phần chân thực hình ảnh người cha vĩ đại cùng với tình yêu to lớn dành cho con của mình.



Xem thêm thông tin:

Tham khảo đề thi và đáp án môn Văn Khánh Hòa các năm trước bên dưới:

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Khánh Hoà 2023

Đề thi và đáp án môn Văn kỳ thi vào lớp 10 năm 2023 tại tỉnh Khánh Hòa sẽ được Đọc Tài Liệu cập nhật ngay khi môn thi kết thúc.

ĐÁP ÁN THAM KHẢO

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm):

Câu 1

Từ mượn ngôn ngữ châu Âu: shipper, app

Câu 2

Theo đoạn trích, nguyên nhân dẫn đến sự tranh cãi giữa anh shipper và cô gái nhận hàng là vì không có tiền lẻ trả lại, anh shipper tự động làm tròn 1 nghìn khi thanh toán với khách, khách hàng đã cho rằng đó là hành động không thành thật.

Câu 3

- Biện pháp tu từ so sánh: “1 nghìn” được so sánh với “một mồi lửa kích thích sự tự ái của cả hai phía”

- Tác dụng: Nhằm nhấn mạnh giá trị như một chất xúc tác của 1 nghìn. 1 nghìn ở đây không lớn về mặt vật chất, nhưng nó lại khiến cho cuộc tranh cãi không đáng có nổ ra.

Câu 4

- Theo em, trong mối quan hệ ứng xử giữa người với người, việc phân định rạch ròi đúng - sai là cần thiết nhưng đôi khi sự phân định ấy lại không quan trọng bằng những tình cảm đáng có hơn.

- Ví dụ như trong đoạn trích trên, vì 1 nghìn mà anh shipper bị khóa tài khoản và mất việc, hay cũng chỉ vì 1 câu nói lúc nóng giận mà làm mất tình hàng xóm xây dựng mấy chục năm,... Trong những trường hợp đó, chỉ cần chúng ta bình tĩnh lại, nói chuyện một cách chân thành thì mọi chuyện sẽ không đi đến chiều hướng gây tổn hại nhiều đến như vậy. Khi đó, chuyện rạch ròi đúng – sai ở đây hoàn toàn không cần thiết.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1:

a. Mở đoạn:

- Giới thiệu vấn đề: Ý nghĩa của sự bao dung

b. Thân đoạn:

- Giải thích: Bao dung là sự chấp nhận và tôn trọng con người, đồng thời là lối sống yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh.

- Biểu hiện của sự bao dung:

+ Cử xử một cách chân thành, không vụ lợi, dùng sự vị tha, rộng lượng để đối đáp với mọi người.

+ Có thái độ khoan hồng độ lượng với những người sai lầm, giúp họ nhận ra lỗi lầm và sửa chữa lỗi của họ.

- Ý nghĩa của sự bao dung:

+ Là một trong những đức tính tốt, là biểu hiện của lối sống đẹp, vị tha.

+ Bao dung giúp con người ta xây dựng được nhiều mối quan hệ xã hội lành mạnh, tốt đẹp. Sự bao dung khiến các mối quan hệ giữa con người trở nên gắn kết, gần gũi hơn. Góp phần xây dựng và phát triển một xã hội tốt đẹp, văn minh...

- Bao dung là cách để an ủi động viên người khác và bản thân sau mỗi lần vấp ngã.

+ Nhờ có lòng bao dung, ta mới có thể sống thanh thản, thư giãn.

....

- Điều cần làm để có sự bao dung: Luôn học cách tha thứ và mỉm cười trước khó khăn. Suy nghĩ theo hướng tích cực, lạc quan. Luôn lắng nghe, thấu hiểu cho hoàn cảnh của người khác...

- Phản đề: Một số người sống trong sự thù ghét khiến chính họ trở nên ích kỷ, nhỏ nhen => cần mở lòng để tinh thần, cuộc sống thoải mái hơn. Lại có những người quá bao dung khiến bản thân dễ bị kẻ xấu lợi dụng => cần tỉnh táo để bao dung một cách đúng đắn.

c. Kết đoạn:

- Liên hệ bản thân: Bao dung là một đức tính tốt, em cần nhận thức rõ ý nghĩa của sự bao dung mà cố gắng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của chính mình.

Câu 2:

I. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm:

+ Y Phương là một nhà thơ đặc trưng cho người dân tộc, thơ ông là tiếng nói được phát từ sâu thẳm trái tim, vừa gần gũi, giản dị nhưng cũng chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

+ “Nói với con” là một bài thơ hay của Y Phương nói lên tình cảm thiêng liêng giữa cha và con. Bài thơ giống như lời chia sẻ, trò chuyện của một người đi trước với người đi sau, của một người cha dành cho đứa con máu mủ của mình, những kỷ niệm khó quên.

- Khái quát nội dung khổ 1: Người cha nói với con về cội nguồn sinh dưỡng: Con lớn lên trong tình yêu thương, sự nâng đỡ của cha mẹ, trong cuộc sống lao động nên thơ của quê hương.

II. Thân bài

a. Luận điểm 1: Tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái là sâu sắc và vô hạn

- Ngay từ những câu đầu tiên lời thơ đã giống như một lời tự sự:

“Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười”

- Một đứa trẻ ngay từ khi được hình thành lên từ trong bụng mẹ đã mang rất nhiều tâm sự, yêu thương, bao bọc của những người thân yêu, của cha mẹ.

- Mở rộng lời bài hát “Nhật ký của mẹ” do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác có những câu sau: “Bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông, bao ngày mẹ mong con chào đời...” → Đó chính là nỗi lòng yêu thương của bậc làm cha, làm mẹ dành cho hải nhi bé bỏng của mình.

- Hình ảnh một em bé chập chững biết đi những bước chân đầu tiên trên đường đời luôn được sự cổ vũ động viên từ những người thương yêu chính là cha mẹ.

→ Không khí gia đình tuy nhỏ bé nhưng thật ấm áp, êm đềm, hạnh phúc.

b. Luận điểm 2: Con lớn lên trong cuộc sống lao động nên thơ của quê hương.

- Tác giả lại gieo vào lòng người đọc những tình cảm thân thuộc, tình cảm đồng bảo, tình làng nghĩa xóm đầy quý mến, trân trọng.

“Người đồng mình thương lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”

- Tác giả kể về những kỷ niệm, những cánh rừng đầy hoa, những con đường thân thuộc gần gũi, giản dị, nhưng sâu sắc chứa đựng biết bao tình nghĩa.

“Đan lờ cài nan hoa.

Vách nhà ken câu hát”

- Động từ “ken, cài” ngoài nghĩa miêu tả còn nói lên tình cảm gắn bó quấn quýt trong lao động, làm ăn của đồng bảo quê hương.

“Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng"

- Rừng núi quê hương đẹp, thơ mộng, trữ tình đã che chở nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn và lối sống.

→ Tác giả muốn qua những câu thơ này để gợi nhớ cho con phải biết yêu thương xóm làng, yêu thương những con người gắn bó với mình, những người tuy không cùng chung dòng máu nhưng lại thân thiết hơn cả ruột thịt.

→ Đoạn thơ khẳng định con lớn lên trong sự nuôi dưỡng của cha mẹ và sự đùm bọc của quê hương bản làng.

c. Đặc sắc nghệ thuật

- Từ ngữ giàu hình ảnh, sức gợi cảm.

- Cách nói phù hợp với người miền núi.

- Thể thơ tự do phóng khoáng, cụ thể, giàu sức khái quát, vừa mộc mạc nhưng giàu chất thơ.

- Các phép tu từ so sánh, điệp ngữ.

III. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung khổ 1 bài Nói với con

- Nêu cảm nhận của em.

ĐỀ THI

I. ĐỌC HIỂU (3,00 điểm)

Đọc đoạn trích:

Câu chuyện của anh shipper và cô gái nhận hàng cũng chỉ xoay quanh 1 nghìn đồng. Vì không có tiền lẻ trả lại, anh shipper tự động làm tròn 1 nghìn khi thanh toán với khách. Cô gái cho rằng đấy là hành động không thành thật. Cả hai tranh cãi qua lại và kết thúc bằng việc cô gái thông báo cho app giao hàng, người shipper bị khóa tài khoản.

[...] 1 nghìn đứng ở trong câu chuyện này như một mồi lửa kích thích sự tự ái của cả hai phía. Người thì không chấp nhận vì 1 nghìn mà bị coi như kẻ gian dối. Người lại không chấp nhận việc mình đúng nhưng bị coi là kẹt xin. Đứng giữa lằn ranh lý - tình, 1 nghìn quá nhỏ để phân định đúng - sai, nhưng lại quá lớn để làm tổn thương đến lòng tự trọng của mỗi người.

(Trích Lý lẽ của 1 nghìn đồng, Hik, https://phunuvietnam.vn/, 22/05/2023)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Chỉ ra hai từ mượn của ngôn ngữ châu Âu được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo đoạn trích, nguyên nhân dẫn đến sự tranh cãi giữa anh shipper và cô gái nhận hàng là gì?

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong câu sau:

1 nghìn đứng ở trong câu chuyện này như một mồi lửa kích thích sự tự ái của cả hai phía.

Câu 4. Theo em, trong mối quan hệ ứng xử giữa người với người, sự phân định rạch ròi đúng - sai có cần thiết không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,00 điểm)

Câu 1 (2,00 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của sự bao dung.

Câu 2 (5,00 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

(Trích Nói với con, Y Phương, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2022, tr.72)

-HẾT-

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Khánh Hoà 2022

Đề thi

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KHÁNH HÒA

KÌ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT NĂM HỌC: 2022 2023

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

Môn thi: NGỮ VĂN

Ngày thi: 03/6/2022

Thời gian: 120 phút (không kể thời gian phát đề)

I. ĐỌC HIỂU (3,00 điểm) 

Đọc đoạn trích:

Không có bầu trời những sắc màu thành vô nghĩa

Không có bầu trời

Trái đất không nhà

Trái đất mồ côi!

Những lá cờ ơi

Lửa cháy nhiều rồi

Hãy nhìn trời cao

Mây không biên giới

Những cánh chim cũng không biên giới bao giờ!

Hãy nhìn đôi mắt trẻ thơ

Bao nhiêu sao sáng thắp bờ nhân gian!

(Trích Thơ viết bên những lá cờ ở Liên hợp quốc – Trường Anh Tú, theo vannghequandoi.com.vn, ngày 15/11/2017)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo đoạn trích, nếu không có bầu trời, điều gì sẽ xảy ra?

Câu 3. Em hiểu nội dung hai dòng thơ sau như thế nào?

Hãy nhìn đôi mắt trẻ thơ.

Bao nhiêu sao sáng thắp bờ nhân gian!

Câu 4. Nếu là sứ giả hòa bình, em sẽ gửi đến thế giới thông điệp gì để cuộc sống tốt đẹp hơn? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,00 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về những việc cần làm để xóa bỏ ngăn cách giữa người với người.

Câu 2. (5,00 điểm) Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long).

Đáp án đề văn vào 10 Khánh Hòa 2022

I. ĐỌC HIỂU: 

1. Phương thức biểu đạt chính là: Biểu cảm.

2. Theo đoạn trích, nếu không có bầu trời thì: màu sắc thành vô nghĩa, trái đất không không nhà, trái đất mồ côi.

3. Hãy nhìn đôi mắt trẻ thơ. - Bao nhiêu sao sáng thắp bờ nhân gian!" có thể hiểu: đôi mắt trẻ thơ chất chứa tương lai, niềm hi vọng của nhân loại. Đôi mắt ấy cũng như những vì sao sáng thắp lên niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai tốt đẹp.

4. Học sinh lựa chọn thông điệp khiến cuộc sống tốt đẹp hơn và đưa ra lí giải phù hợp.

Gợi ý:

- Thông điệp em muốn đưa ra để có cuộc sống tốt đẹp hơn đó là thế giới không còn chiến tranh.

- Vi: Khi thế giới không còn chiến tranh con người, đặc biệt là trẻ em sẽ được quan tâm và phát triển mọi mặt về y tế, giáo dục. Những trẻ em sẽ được sống trong cuộc sống yên bình, sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, thầy cô, bạn bè. ....

II. Làm văn

Câu 1.

a. Yêu cầu hình thức: Viết đúng một đoạn văn 200 chữ.

b. Yêu cầu nội dung:

* Xác định đúng vấn đề nghị luận: Những việc cần làm để xóa bỏ ngăn cách giữa người với người.

* Bàn luận:

- Khoảng cách giữa người với người là gì? Khoảng cách giữa người với người được hiểu là những khoảng trống giữa con người với nhau mà ở đó, con người không tìm được sự tương đồng, tiếng nói chung, sự gần gũi hay sự thông cảm.

- Khoảng cách giữa người với người được tạo ra do đâu?

+ Khoảng cách giữa người với người được tạo ra do sự xa cách về thời gian, không gian.

+ Khoảng cách giữa người với người được tạo ra từ khoảng cách thế hệ.

+ Khoảng cách giữa người với người được tạo ra từ giai cấp, mức sống, địa vị xã hội,...

- Làm thế nào để xóa bỏ khoảng cách giữa người với người?

+ Đối với những người thân yêu, chúng ta hãy cố gắng yêu thương nhiều hơn, cố gắng chia sẻ, cảm thông để xóa đi khoảng cách thế hệ, gắn kết những người thân lại với nhau.

+ Đối với các mối quan hệ xã hội, chúng ta hãy biết cách đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ từ đó thấu hiểu và chia sẻ với họ. Điều ấy sẽ giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách giữa người với người.

+ Con người hãy học cách cho đi yêu thương, đặt cái tôi vị kỉ xuống để thu hẹp khoảng cách giữa con người với nhau.

+ Biết trân trọng những giá trị tinh thần, không vì vật chất mà có sự phân biệt, xa cách với người khác.

+ Sống bao dung, tích cực, trân trọng các mối quan hệ trong cuộc sống. Thường xuyên giữ liên lạc với người thân, bạn bè. Không để công việc bận rộn cuốn đi mà quên mất những người xung quanh mình.

- Bàn luận mở rộng:

+ Hiện nay trong cuộc sống có rất nhiều người vì cuộc sống bộn bề mà dần tạo ra khoảng cách giữa những người thân bạn bè. Dần dần sẽ đánh mất những mối quan hệ quý giá. Điều đó sẽ khiến cuộc sống chúng ta trở nên vô vị, tẻ nhạt và không có ý nghĩa.

Câu 2. Gợi ý:

a) Mở bài

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa

- Khái quát về nhân vật anh thanh niên : đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của những con người lao động với công việc thầm lặng.

b) Thân bài

* Khái quát về công việc của anh thanh niên

- Anh thanh niên làm kĩ sư khí tượng thủy văn trên đỉnh Yên Sơn cao 2.600m.

- Nhiệm vụ của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày để phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu.

=> Công việc đầy gian khổ, thách thức, đáng sợ hơn cả là phải đối diện với nỗi cô đơn "thèm người".

*Vẻ đẹp thể hiện trong công việc

- Anh làm việc một mình trên đỉnh núi cao, chấp nhận cuộc sống cô đơn, xa cách với cộng đồng.

- Mỗi ngày đều phải báo cáo số liệu cụ thể vào 4 mốc thời gian là 4 giờ sáng, 11 giờ trưa, 7 giờ tối và 1 giờ sáng.

- Anh làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt:

+ có mưa tuyết, trời tối đen, "gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới"

+ “gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung... Những lúc im lặng lạnh cánh mà lại hừng hực như cháy. Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ được".

-> Nghệ thuật so sánh, liệt kê, nhân hóa được dùng hiệu quả, giúp người đọc cảm nhận thật rõ về sự khắc nghiệt của thời tiết Sa Pa.

- Thái độ của anh với công việc:

+ Vui vẻ, hồ hởi chia sẻ về công việc của mình rất chi tiết, tỉ mỉ, đầy hào hứng.

+ Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn chăm chỉ, cần mẫn, đều đặn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

=> Anh thanh niên là một người yêu công việc, say mê lao động; có tinh thần trách nhiệm cao, có lí tưởng sống đẹp và tinh thần vượt khó, sẵn sàng chấp nhận thử thách.

*Vẻ đẹp trong lẽ sống, lý tưởng sống cao cả đáng trân trọng

- Sống giữa những năm tháng chống Mĩ, anh luôn khát khao được cầm súng ra mặt trận, anh đã cùng bố viết đơn xin ra lính...

- Ý thức được ý nghĩa thiêng liêng của công việc, anh sẵn sàng vượt bao thử thách, gian khổ, đặc biệt là nỗi cô đơn để hoàn thành nhiệm vụ.

- Cũng vì ý thức trách nhiệm ấy mà anh không những không cảm thấy chán, không cảm thấy sợ mà còn đặc biệt yêu nghề, say mê với công việc của mình: "Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi..."

*Vẻ đẹp trong tâm hồn trẻ trung, yêu đời, yêu cuộc sống

- Là thanh niên, lại sống nơi heo hút, vắng người, nhưng anh không sống buông thả mà đã biết tổ chức cho mình một cuộc sống khoa học, văn hóa:

+ Căn phòng, nhà cửa gọn gàng ngăn nắp;

+ Trồng hoa tô điểm cho cuộc sống của mình

+ Nuôi gà tăng gia sản xuất, phục vụ cho cuộc sống của chính mình

+ Thỉnh thoảng xuống núi tìm gặp lái xe cùng hành khách để trò chuyện cho vơi nỗi nhớ nhà.

-> Anh thanh niên có tinh thần lạc quan, yêu đời, sống khoa học.

=> Anh thanh niên đã chiến thắng nỗi cô đơn và tạo cho mình một cuộc sống đẹp đẽ đầy ý nghĩa với một niềm yêu đơi, yêu cuộc sống say mê.

*Vẻ đẹp trong sự cởi mở, chân thành, hiếu khách, chu đáo.

- Niềm vui được đón tiếp khách dào dạt trong anh, bộc lộ qua từng cử chỉ, nét mặt, lời nói:

+ Biếu bác lái xe củ tam thất

+ Tặng bó hoa cho cô gái

+ Tặng giỏ trứng gà cho ông họa sĩ

- Anh thanh niên đã bộc bạch nỗi lòng, sẻ chia tâm sự với các vị khách một cách rất cởi mở, không hề giấu giếm

=> Sự cởi mở, những lời tâm sự chân thành của anh thanh niên đã giúp xóa bỏ khoảng cách giữa họ, tạo mối tâm giao đầy thân tình, cảm động.

*Vẻ đẹp trong sự khiêm tốn, giản dị, lễ phép.

- Khi ông họa sĩ bày tỏ ý muốn phác họa chân dung mình, anh từ chối vì tự thấy mình không xứng đáng với niềm cảm mến và sự tôn vinh ấy

- Anh giới thiệu cho ông họa sĩ về ông kĩ sư ở vườn rau, nhà khoa học nghiên cứu sét...

-> Anh chỉ dám nhận phần nhỏ bé, bình thường so với bao nhiêu người khác.

* Đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật

- Nhân vật được lí tưởng hóa từ nhiều điểm nhìn, nhiều góc nhìn

- Nhân vật được đặt trong tình huống đặc sắc:

+ Là thanh niên trẻ trung, sôi nổi, yêu đời nhưng lại làm việc ở một nơi heo hút, hẻo lánh và cô đơn.

+ Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa anh với ông họa sĩ, cô kĩ sư trên đỉnh Yên Sơn đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của anh.

- Không gọi nhân vật bằng tên cụ thể mà bằng đặc điểm giới tính, nghề nghiệp

- Khắc họa nhân vật qua những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, giàu sức gợi.

c) Kết bài

- Cảm nhận của em về vẻ đẹp nhân vật anh thanh niên trong tác phẩm.

- Liên hệ thế hệ trẻ hiện nay.

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Khánh Hoà năm học 2021-2022

    I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau

    Mẹ vẫn luôn ở đây như mọi khi

    con vấp ngã, con ốm đau, con khóc quấy

    mẹ biết rất nhiều lần con ghét

    mẹ đến mức không thèm nhìn mà vẫn thấy

    trái tim của một đứa con, mẹ biết vẫn luôn là vậy

    tìm cách từ chối những ân cần...

    Mẹ vẫn luôn ở đây lúc con mỏi gối chồn chân

    nhìn ra chung quanh biết cuộc đời xa lạ

    con không cần làm gì và cũng không cần phải mặc cả

    mẹ sinh ra con giống như thân cây nảy mầm một chiếc lá

    đã có gốc rễ lo vun trồng...

    Mẹ vẫn luôn ở đây ôm con, con biết không! "

    (Trích Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con.... Nguyễn Phong Việt, Sao con phải đau đến như vậy, NXB Văn hoá - Văn nghệ, 2017, tr64-65)

    Thực hiện các yêu cầu sau:

    Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

    Câu 2: Chỉ ra phép liệt kê được sử dụng trong khổ thơ thứ nhất của đoạn trích.

    Câu 3: Em hiểu thế nào về nội dung của hai dòng thơ sau:

    mẹ sinh ra con giống như thân cây nảy mầm một chiếc lá

    đã có gốc rễ lo vun trồng...

    Câu 4. Trong cuộc sống, có những đứa con đôi khi tìm cách từ chối ân cần ủa cha mẹ. Ở vị trí của một người con, theo em điều đó đáng chê trách hay có thể cảm thông? Vì sao?

    II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

    Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc-hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về cách thể hiện tình yêu thương của bản thân đối với gia đình.

    Câu 2. Cảm nhận của em về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)

    Hết

    Đáp án đề thi văn vào lớp 10 Khánh Hòa 2021

    I. ĐỌC - HIỂU

    Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo thể thơ tự do

    Câu 2: Phép liệt kê: con vấp ngã, con ốm đau, con khóc quấy

    Câu 3:

    Hai câu thơ nói về tình yêu thương vô điều kiện của mẹ dành cho con, là sự chở che, vun đắp từ khi người con được sinh ra.

    Câu 4.

    Trình bày quan điểm riêng của em, lý giải hợp lý

    II. LÀM VĂN

    Câu 2.

    Giới thiệu về tình yêu thương của bản thân đối với gia đình. (là nền tảng của một gia đình hạnh phúc...)

    Bàn luận

    Giải thích:

    Tình yêu thương là gì?  Tình yêu thương là một khái niệm chỉ phẩm chất tình cảm, vẻ đẹp tâm hồn của con người. Đó là tình cảm thương yêu, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau.

    Tình yêu thương của bản thân đối với gia đình là tình cảm của bạn dành cho những thành viên trong gia đình của mình.

    - Biểu hiện

    + Yêu thương, kính trọng, hiếu thảo với ông bà cha mẹ

    + Là khi bản thân cố gắng học tập có thành tích tốt để ông bà cha mẹ vui

    + Biết trách nhiệm và vai trò của mình để tạo niềm vui cho ông bà, cha mẹ trong cuộc sống.

    + Anh chị em trong nhà yêu thương nhau, không tranh đua, không ganh ghét nhau
    ......

    - Ý nghĩa của tình cảm gia đình

    + Gia đình hòa thuận, đầm ấm, hạnh phúc

    + Được mọi người xung quanh thương yêu, quý mến và tôn trọng

    + Ông bà cha mẹ tự hào về con cháu hiếu thuận

    - Rút ra bài học, nhận thức: Em cần làm gì để duy trì tình cảm trong gia đình:

    - Cố gắng học tập và rèn luyện: chăm ngoan học giỏi, tránh xa thói hư tật xấu

    - Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ: giúp làm việc nhà, nghe ông bà kể chuyện, xoa bóp tay chân cho ông bà bố mẹ

    Câu 3.

    Dàn ý tham khảo

    a) Mở bài

    - Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Quang Sáng và truyện ngắn Chiếc lược ngà

    + Nguyễn Quang Sáng (1932 - 2014) là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn học cách mạng Việt Nam, tác giả của nhiều tác phẩm văn chương và kịch bản phim nổi tiếng.

    + Truyện ngắn "Chiếc lược ngà" (1966) được tác giả viết khi đang hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, nội dung kể về câu chuyện cảm động về tình cha con trong hoàn cảnh éo le, khốc liệt của chiến tranh.

    - Giới thiệu khái quát nhân vật bé Thu:

    + Bé Thu là nhân vật chính trong tác phẩm với những nét tính cách vô cùng đáng yêu, cá tính, là biểu tượng cho tình cảm cha con sâu nặng, thiêng liêng.

    b) Thân bài

    * Khái quát về tác phẩm

    - Tình huống truyện:

    + Cuộc gặp gỡ giữa hai cha con ông Sáu sau 8 năm xa cách: chỉ biết nhau qua tấm hình, trong lúc người cha mong mỏi được nghe tiếng con gọi ba thì người con lại không nhận cha, đến lúc nhận ra và biểu lộ tình cảm thì người cha phải ra đi.

    + Trở lại đơn vị, người cha dồn tất cả tình yêu thương vào việc làm cây lược ngà tặng con, nhưng chưa kịp trao cho con thì ông đã hi sinh trong một trận càn lớn của Mĩ - Ngụy.

    - Cảnh ngộ của bé Thu: Ba đi chiến đấu từ khi bé còn rất nhỏ, nên hình ảnh người ba trong bé vô cùng ít ỏi. Gia đình chỉ cho bé xem hình ba mà thôi. Chính điều này đã gây ra những bi kịch giằng xé khi ba cô bé trở về thăm nhà mấy ngày sau tám năm xa cách.

    * Bé Thu trong ngày đầu gặp cha

    - Khi mới gặp, ông Sáu đưa tay ra đón Thu:

    + Thu đã giật mình, tròn mắt nhìn, ngơ ngác, lạ lùng, rồi hoảng sợ, mặt tái đi

    + Khi thấy ba em bỏ chạy vụt vào trong nhà và cầu cứu má

    -> Hồn nhiên, ngây thơ hòa chút sợ hãi.

    => Thu không chấp nhận sự thật vì người ba mà mình xem trong hình không giống như ông Sáu ở ngoài thực.

    * Bé Thu trong khoảng thời gian ông Sáu ở nhà

    - Khi ba muốn gần gũi và vỗ về thì bé Thu xô ra, xem ông Sáu như người lạ

    - Thu quyết không chịu gọi ông là ba, nói trống không, bất chấp sự trách móc của mẹ.

    - Lúc phải chắt nước nồi cơm vừa to, vừa nặng quá sức mình, con bé cũng không chịu nhờ ông Sáu. Nó tự xoay sở để không phải gọi ông là ba, thậm chí gọi còn ông là "người ta".

    - Khi ông Sáu gắp cho miếng trứng cá, nó liền hất luôn ra, làm đổ cả bát cơm.

    - Lúc ông Sáu không kìm được nỗi đau khổ nên đánh nó, nó lập tức bỏ sang nhà bà ngoại.

    => Bé Thu phản ứng rất quyết liệt, thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh song cũng rất cá tính.

    * Bé Thu khi nhận ra cha

    - Khi bỏ sang nhà bà ngoại, Thu đã được ngoại giải thích, lí giải vì sao ba lại có vết thẹo dài đó, cuộc sống của ba gian khổ như thế nào, và chính chiến tranh đã khiến cho ba có một vết thương như thế.

    -> Cô bé đã vô cùng buồn và áy náy, trằn trọc mãi không ngủ được, “nằm im, lăn lộn, thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn…”.

    - Con bé đã thay đổi hoàn toàn thái độ trong sự ngỡ ngàng của ông Sáu và mọi người:

    + Không còn bướng bĩnh và lạnh lùng hay nhăn mày cau có như trước

    + "vẻ mặt nó sám lại buồn rầu... nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa".

    + Khi bắt gặp cái nhìn trìu mến, buồn bã của ba, đôi mắt nó bỗng xôn xao.

    -> Đó là cái xôn xao của sự đồng cảm, nhận ra những tiếc nuối, xót xa, yêu thương trong ánh mắt của ba.

    - Khi ông Sáu cất lời từ biệt:

    + Con bé bỗng cất lên tiếng gọi ba xé lòng - tiếng gọi bị kìm nén suốt tám năm, tiếng gọi chất chứa bao tình yêu thương thắm thiết.

    + "Nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó”

    + Nó "ôm chặt lấy cổ ba", "nói trong tiếng khóc" để giữ không cho ba đi.

    + Nó khóc nức nở, hôn ba, hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả lên vết thẹo của ba.

    -> Tiếng khóc vừa là tiếng khóc của sự ân hận, vừa là tiếng khóc của tình yêu thương, của nỗi buồn xa cách.

    => Dường như lúc này mọi khoảng cách giữa Thu với ba đã bị xóa bỏ. Cô bé không giấu giếm tình cảm của mình dành cho ba, nó lo sợ ba sẽ đi mất, cố mọi cách để giữ ba ở lại.

    => Tình yêu thương mãnh liệt Thu dành cho ba đã khiến tất cả mọi người xung quanh đều xúc động.

    * Đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật

    - Tạo dựng tình huống truyện đầy éo le, bất ngờ;

    - Lựa chọn thời gian ngắn ngủi ba ngày để tạo độ nén về thời gian, độ căng của cảm xúc;

    - Miêu tả tâm trạng nhân vật qua cử chỉ, hành động, lời nói thể hiện sự quan sát tỉ mỉ và am hiểu tâm lí trẻ thơ của nhà văn.

    - Nghệ thuật liệt kê được sử dụng hiệu quả.

    c) Kết bài

    - Khẳng định lại giá trị của truyện, của hình ảnh nhân vật.

    - Nêu cảm nhận của em về nhân vật bé Thu.

    -/-

    Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh sẽ diễn ra trong thời gian vào ngày 03/6/2021, vì vậy đề thi vào lớp 10 môn toán tỉnh Khánh Hoà 2021 chính thức sẽ được cập nhật ngay lập tức khi kết thúc thời gian thi. 

    Trong thời gian ôn luyện, các em có thể thử sức thêm với bộ đề thi thử vào 10 môn văn Khánh Hoà của các trường trên địa bàn tỉnh để củng cố kiến thức. Ngoài ra, Doctailieu mời các em tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 Khánh Hoà cùng điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 Khánh Hoà qua các năm.

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn tỉnh Khánh Hoà các năm trước

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Khánh Hoà 2020

    I. ĐỌC HIỂU (3,00 điểm) Đọc văn bản sau:

    NHÀ LÀ NƠI ĐỂ VỀ

    Nhà, một tiếng gọi thân thương với rất nhiều tình yêu và sự quan tâm, chia sẻ. Hai tuần cách ly giúp chúng con thấu hiểu rằng chúng ta luôn có nhiều hơn một Mái nhà, nơi luôn dang rộng vòng tay chào đón, chân thành yêu thương và cùng chung bước đi qua những thăng trầm cuộc sống.

    Sau bao nhiêu khát vọng bay nhảy của tuổi trẻ, những biến cố cuộc sống giúp chúng con càng thêm yêu và trân quý sự thiêng liêng, ấm áp của hai tiếng “Gia đình”, “Tổ quốc” và sự biết ơn dành cho những người đã yêu thương chúng con vô điều kiện.

    (Con đã về nhà, Tăng Quang, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020, tr. 71)

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1. Chỉ ra thành phần phụ chú trong câu văn sau:

    Hai tuần cách ly giúp chúng con thấu hiểu rằng chúng ta luôn có nhiều hơn một Mái Nhà, nơi luôn dang rộng vòng tay chào đón, chân thành yêu thương và cùng chung bước đi qua những thăng trầm cuộc sống.

    Câu 2. Theo văn bản, sau những biến cố cuộc sống, tác giả hướng tình cảm đến những đối tượng nào?

    Câu 3. Theo em, việc viết hoa từ “Mái Nhà” trong văn bản trên có ý nghĩa gì?

    Xem thêm chi tiết đáp án đề thi văn vào 10 năm 2020 tỉnh Khánh Hoà

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Khánh Hoà 2019

    I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    Tri thức giống như ngọn đèn trong đêm tối, soi sáng con đường chông gai phía trước. Trí tuệ giống như chiếc chìa khóa diệu kì, mở ra cánh cửa tâm hồn. Trí tuệ giống như tia nắng mặt trời ấm áp xua tan bóng tối lạnh giá. Đấng tạo hóa có trí tuệ thì mới tạo ra một thế giới diệu kì, nhân loại có trí tuệ chỉ đường sẽ bước sang thế giới hiện đại văn minh. Khi có trí tuệ bạn sẽ dễ dàng gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Bảy trăm năm trước, Giovanni Boccaccio đã nói: “Trí tuệ là cội nguồn hạnh phúc của con người”. Thật vậy, có trí tuệ, bạn sẽ có nhiều niềm vui và mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh.”

    (Trích Lời nói đầu, Kĩ năng sống dành cho học sinh, sự kiên cường - Ngọc Linh, NXB Thế giới, 2019)

    Câu 1. Chỉ ra hai phép liên kết câu trong đoạn văn trên.

    Câu 2. Theo tác giả, tại sao Giovanni Boccaccio nói "Trí tuệ là cội nguồn hạnh phúc của con người”?

    Câu 3. Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ so sánh trong câu: “Trí tuệ giống như chiếc chìa khóa diệu kỳ, mở ra cánh cửa tâm hồn”.

    Xem thêm chi tiết đáp án đề thi văn vào 10 năm 2019 tỉnh Khánh Hoà

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Khánh Hoà 2018

    Đang cập nhật...

    Xem thêm chi tiết đáp án đề thi văn vào 10 năm 2018 tỉnh Khánh Hoà

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn 2017 tỉnh Khánh Hoà

    Câu 1: (2,0 điểm)

    Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu nêu bên dưới:

    “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh.”

    (Trích Tiếng nói của văn nghệ - Nguyễn Đình Thi, theo Ngữ văn 9 tập hai, NXB Giáo dục, 2005, trang 12-13)

    a) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên. (0,5 điểm).

    b) Chỉ ra các phép liên kết câu trong đoạn văn. (1,0 điểm)

    c) Nội dung chính của đoạn văn là gi? (0,5 điểm)

    Câu 2: (3,0 điểm)

    Viết bài văn nghị luận (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của bàn thân về vấn đề tự học.

    Xem thêm chi tiết đáp án đề thi văn vào 10 năm 2017 tỉnh Khánh Hoà

    Trên đây là nội dung đáp án đề thi tuyển sinh vào 10 môn văn tỉnh Khánh Hoà năm 2023 và các năm trước đó để các em đối chiếu, thử sức với các đề khác nhau. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 này.

    Xem thêm: Điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023

    CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM