Mời bạn đọc tham khảo Đề thi tuyển sinh vào 10 môn Văn Hải Dương 2024. Cập nhật nhanh nhất đề chính thức của Sở Giáo dục và Đào tạo kèm đáp án chi tiết bên dưới.
Đề thi vào lớp 10 môn Văn Hải Dương 2024
Đề thi và đáp án môn Văn kỳ thi vào lớp 10 năm 2023 tại tỉnh Hải Dương sẽ được Đọc Tài Liệu cập nhật ngay khi môn thi kết thúc.
Đáp án tham khảo:
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1.
Thể thơ 4 chữ
Câu 2.
Từ ngữ, hình ảnh chỉ các yếu tố có trong hạt gạo làng ta: vị phù sa, hương sen thơm, lời mẹ hát
Câu 3.
Tác dụng của phép điệp:
- Tạo tính nhịp điệu cho bài thơ, khiến cho câu thơ như tuôn trào theo từng đợt cảm xúc mãnh liệt. -Miêu tả hương vị của hạt gạo - kết tinh của những gì thuần thúy, tinh túy nhất: mang trong mình sự chắt chiu của đồng quê, thấm đượm tình yêu của tình mẫu tử, của sự chăm chút từ con người
- Từ đó khẳng định: hạt gạo vô cùng quý giá, thiêng liêng.
Câu 4.
Thái độ cần có với những người đã làm ra hạt gạo:
Người nông dân đã phải vất vả quanh năm, chân lấm tay bùn để làm nên được hạt gạo như lời ca " dẻo thơm từng hạt- đắng cay muôn phần". Vì vậy, khi hưởng thụ thành quả lao động ấy, bản thân mỗi người phải có thái độ trận trọng, biết ơn người đã đổ mồ hôi, dầm sương dãi nắng. Hạt gạo là hạt ngọc của trời, kết tinh những gì tinh túy nhất của thiên nhiên, của đất trời và cả công sức của người lao động.
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1.
Yêu cầu về hình thức: Đoạn văn khoảng 200 chữ, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ. Đảm bảo đủ 3 phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.
Yêu cầu về nội dung: Làm sáng tỏ được ý nghĩa việc đọc sách đối với cuộc sống mỗi người.
Bài làm có thể triển khai theo nhiều cách, sau đây là gợi ý của Tuyensinh247.com
1. Giới thiệu vấn đề: Ý nghĩa của việc đọc sách đối với những người trẻ tuổi
2. Bàn luận: Ý nghĩa của việc đọc sách đối với những người trẻ tuổi:
- Ý nghĩa tác dụng của sách:
+ Sách là tài sản vô giá, là người bạn tốt. Bởi sách là nơi lưu trữ toàn bộ sản phẩm tri thức của con người, giúp ích cho con người về mọi mặt trong đời sống xã hội.
+ Nhất là đối với những người trẻ tuổi – là tương lai của đất nước thì sách lại càng trở thành nguồn tri thức cần có, là chìa khóa để đưa người trẻ ra thế giới
- Chứng minh tác dụng của việc đọc sách:
+ Đọc sách giúp ta có thêm tri thức, mở rộng hiểu biết, thu thập thông tin một cách nhanh nhất (nêu dẫn chứng).
+ Sách bồi dưỡng tinh thần, tình cảm cho chúng ta, để chúng ta trở thành người tốt (dẫn chứng)
+ Sách là người bạn động viên, chia sẻ làm vơi đi nỗi buồn (dẫn chứng)
HS lấy dẫn chứng minh hòa phù hợp.
- Tác hại khi không đọc sách: Hạn hẹp về tầm hiểu biết, tâm hồn cằn cỗi.
Câu 2
I – Mở bài
*Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận:
- Nhân vật anh thanh niên – một con người lao động bình thường, giản dị với những nét đẹp sáng ngời trong cách sống , cách nghĩ. Điều đó được thể hiện đặc biệt rõ nét qua đoạn văn ghi lại lời tâm sự của anh với bác họa sĩ và cô kĩ sư trẻ : “Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều……. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.”
II – Thân bài
1. Khái quát chung
Lặng lẽ Sa Pa là kết quả của chuyến công tác ở Lào Cai của tác giả trong mùa hè năm 1970, sau này được in trong tập Giữa trong xanh ( 1972). Đây là truyện ngắn tiêu biểu ở đề tài viết về cuộc sống mới hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc. Truyện kể về cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa nhân vật anh thanh niên với cô kĩ sư và bác họa sĩ để từ đó ca ngợi những con người với những công việc thầm lặng.
2. Cảm nhận về vẻ đẹp của anh thanh niên trong đoạn trích
a. Giới thiệu về hoàn cảnh sống và công việc của anh thanh niên.
Đoạn trích đưa ta đến vùng đất Sa pa để gặp một chàng thanh niên 27 tuổi làm công tác khí tượng khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Qua lời kể của bác lái xe cũng như qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi trên đỉnh Yên Sơn giữa anh thanh niên với cô kĩ sư và bác họa sĩ, ta phần nào hiểu được hoàn cảnh sống, công việc và con người anh. Anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét, quanh năm làm bạn với thiên nhiên, cây cỏ, mây mù lạnh lẽo, hoàn toàn vắng bóng con người. Khó khăn lớn nhất không phải là thiên nhiên khắc nghiệt mà chính là nỗi cô đơn. Hoàn cảnh sống ấy quả là một thử thách đối với tuổi trẻ vốn sung sức, khát khao hành động. Tuy nhiên cũng chính hoàn cảnh sống đó đã làm cho những vẻ đẹp của anh tỏa sáng lung linh.
b. Nói về anh thanh niên trong đoạn trích này, trước hết ta nhận ra ở anh là tình yêu nghề và niềm đam mê với công việc.
Anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn với công việc bình dị: đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất. Anh quan niệm: “Khi làm việc ta với công việc là đôi sao gọi là một mình được”.Một quan niệm thật giản dị nhưng thể hiện một lẽ sống đẹp. Với anh, khi lao động con người với công việc là đôi, là bạn bởi thế anh không cảm thấy lẻ loi, cô độc. Hơn nữa “ công việc của cháu còn gắn với việc của bao anh em ,đồng chí dưới kia”, bên cạnh anh còn biết bao anh em đồng chí cùng đồng hành với anh, cùng anh âm thầm làm việc phấn đấu hết mình vì việc chung nên không thể gọi là “1 mình được”
Anh tiếp tục lời tâm sự chân tình, cởi mở “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi , cháu buồn đến chết mất”. Thực tế công việc vào giờ “ốp” đầy gian nan và vất vả. Chỉ một mình anh đúng một giờ sáng, phải đậy đúng giờ, phải đi ra ngoài trời giá lạnh “gió tuyết và lặng im”, núi non trùng điệp lạnh lẽo , hoang vu. Đó là một thử thách lớn không phải ai cũng dễ dàng vượt qua.Nhưng lạ lùng làm sao” cất nó đi cháu buồn đến chết mất”. Lời tâm sự chân thành làm ta khâm phục biết bao.. Không biết tự bao giờ anh đã yêu công việc đầy gian khổ ấy. Được sống nơi này để làm việc, được cống hiến với anh là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời. Nhân vật anh thanh niên đã giúp ta hiểu hơn về thế hệ cha ông trong những năm đầu của thập niên 70 ở thế kỉ XX, về tinh thần xây dựng CNXH của nhân dân ta ở miền Bắc.
c. Không chỉ yêu nghề, anh thanh niên trong đoạn trích này còn là một người sống có lý tưởng, có trách nhiệm.
Anh ý thức một cách rất rõ ràng: Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?. Nhận thức đó cho thấy anh trẻ nhưng không hời hợt. Anh sống một mình nhưng không cô đơn vì lúc nào trong tư tưởng của anh mục đích sống, lẽ sống vẫn luôn luôn tồn tại và nhắc nhở. Làm một công việc đơn độc, phải dậy vào lúc nửa đêm, phải ra ngoài trời lúc mưa bão, lạnh lẽo, anh có thể nằm ở trong nhà, lấy số liệu cũ mà gọi bộ đàm về để báo cáo. Nhưng anh không làm điều đó. Vì anh có trách nhiệm và anh hiểu rõ việc anh làm ở đây có liên quan, có ảnh hưởng đến cuộc sống lao động và chiến đấu của rất nhiều người lúc bấy giờ. Một con người như anh thật đáng để ta trân trọng và cảm phục!
d. Cùng với vẻ đẹp của tình yêu nghề, của tinh thần trách nhiệm, anh thanh niên còn là một người sống cởi mở, chân thành và rất quý trọng tình cảm.
Chỉ gặp họa sĩ và cô kĩ sư một cách tình cờ, trong thời gian rất ngắn ngủi – 30 phút, thế nhưng anh đã tâm tình cởi mở biết bao điều về công việc của mình với họ. Anh cứ thủ thỉ, tâm tình trò chuyện như đã quen thân tự bao giờ. Bởi với anh, được gặp người, trò chuyện với mọi người là một niềm hạnh phúc . Anh khẳng định nỗi khao khát của mình: Còn người thì ai mà chả“thèm ”hở bác? Nỗi thèm người của anh là một nhu cầu chính đáng, đáng quí. Điều đó cho thấy nỗi khát khao giao cảm được trò chuyện của một con người sống cởi mở , nồng nhiệt. Chính bởi sống cởi mở quí trọng tình cảm mà “ Không vào giờ “ốp” là cháu xuống chơi, lâu thành lệ”. Nghĩa là gặp người, giao cảm trò chuyện với mọi người đã trở thành nhu cầu, thành niềm hạnh phúc của anh. Sự chân thành ,cởi mở , quí trọng tình cảm của anh khiến ta xúc động và trân trọng vô cùng.
Sống một mình trên đỉnh núi, anh không cảm thấy cô đơn vì lúc nào bên cạnh anh cũng có sách. Ngoài giờ làm việc, ngoài lúc phải chăm sóc vườn hoa, đàn gà, anh dành thời gian để đọc sách. Vậy là sống nơi Sa Pa lặng lẽ , anh không cô đơn, buồn tẻ vì đã có sách làm bạn . Sách giúp đỡ đời sống tinh thần của anh thêm phong phú, giúp anh mở rộng tri thức, vốn sống để không ngừng theo kịp thời đại. Sách không chỉ giúp anh nâng cao hiểu biết, nâng cao kiến thức, sách còn giúp anh khuây khoả trong những phút giây rảnh rỗi. Say mê đọc sách là một thói quen, một đức tính đáng quý ở anh.
2. Đánh giá chung
Như vậy, bằng cách kể chuyện tự nhiên, chân thực, đoạn trích trên đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên. Dù anh thanh niên chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc, nhưng bằng cách đặt nhân vật vào tình huống gặp gỡ tình cờ, qua cảm xúc và đánh giá của mọi người xung quanh , những chi tiết tiêu biểu… tác giả đã phác họa chân dung nhân vật với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa công việc. Và đằng sau những tình huống ấy, ta nhận ra sự trân trọng, niềm cảm phục của nhà văn dành cho anh thanh niên trong câu chuyện này và cũng là cho tất cả những con người đang cống hiến hết mình vì đất nước.
III – Kết bài:
Đoạn văn ngắn nhưng đã biểu hiện được đầy đủ những nét tiêu biểu cho nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, của nhân vật anh thanh niên. Trong cái “lặng lẽ” của Sa Pa, trên đỉnh Yên Sơn bốn mùa mây phủ, có những chàng trai trẻ như anh thanh niên đang sống và âm thầm dâng hiến tuổi xuân của mình cho hạnh phúc con người, cho Tổ quốc thân yêu. Đó là một mẫu người lý tưởng tiêu biểu cho tuổi trẻ Việt Nam Nam của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ, hi sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ. Vẻ đẹp tâm hồn và những suy nghĩ nghĩ của nhân vật anh thanh niên trong truyện đã gieo vào lòng ta niềm khâm phục, ngưỡng mộ và định hướng cho ta cách sống đẹp, thôi thúc ta khát khao được sống và làm những việc có ích cho cuộc đời.
Xem thêm thông tin:
- Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn
- Điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 Hải Dương
- Điểm chuẩn lớp 10 năm 2024 Hải Dương sẽ được cập nhật khi tỉnh công bố
- Đề thi vào 10 môn Toán tỉnh Hải Dương
- Đề thi vào 10 môn Anh tỉnh Hải Dương
Đề thi vào lớp 10 môn Văn Hải Dương 2023
Đề thi và đáp án môn Văn kỳ thi vào lớp 10 năm 2023 tại tỉnh Hải Dương sẽ được Đọc Tài Liệu cập nhật ngay khi môn thi kết thúc.
Đáp án tham khảo
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1 (0.5 điểm):
Phương thức biểu đạt tự sự
Câu 2 (0.5 điểm):
Theo đoạn trích, Hành tinh thứ năm lạ lẫm hết sức vì đó là hành tinh bé nhất trong tất cả, nơi đó chỉ vừa đủ chỗ cho một cột đèn đường và một người thắp đèn.
Câu 3 (0.5 điểm):
- Biện pháp tu từ: liệt kê (hay ông hợm hĩnh, hay ông nhà buôn, hay ông nát rượu)
- Tác dụng: Nhấn mạnh điều mà người nói muốn khẳng định: “ông ta không kì quặc”, đồng thời đưa ra dẫn chứng chứng minh lời nói của mình là đúng.
Câu 4 (0.5 điểm):
- Em đồng tình với suy nghĩ của Hoàng tử bé vì:
+ Công việc của người thắp đèn là công việc làm đẹp cho đời, đem ánh sáng đến cho hành tinh tối tăm không chút ánh sáng, cũng là đem lại niềm hy vọng, ấm áp đến cho hành tinh.
+ “Khi ông ấy thắp đèn lên thì cũng như thể là ông ấy khai sinh thêm một vì sao, một bông hoa” tức là ông đã mang đến những vẻ đẹp, giá trị cho cuộc sống.
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1
a. Giới thiệu vấn đề: “Vì sao chúng ta không nên cãi nhau, đánh nhau”
b. Giải thích vấn đề:
- Cãi nhau, đánh nhau: Là dùng lời lẽ, hành vi bạo lực để bác bỏ ý kiến người khác nhằm bảo vệ ý kiến hoặc việc làm của mình.
=> Đây là hành vi mang tính chất tiêu cực, gây ra hậu quả xấu.
c. Bản luận vấn đề
- Nguyên nhân gây ra cãi nhau, đánh nhau: Do khác biệt về lối sống, suy nghĩ, quan điểm. Bản thân không kìm nén được sự giận dữ, không có sự kiên nhẫn trước ý kiến, lập luận của người khác.
- Tác hại của cãi nhau, đánh nhau.
+ Ảnh hưởng xấu đến tâm lý, tinh thần.
+ Gây hại, gây thương tích đến cơ thể của đối phương và của chính bản thân
+ Gây rạn nứt các mối quan hệ, phá vỡ sự đoàn kết, yêu thương giữa gia đình, cộng đồng, xã hội.
- Biện pháp ngăn chặn hành vi cãi nhau, đánh nhau:
+ Học thói quen cư xử một cách văn minh, phản biện mang tính chất đóng góp, tích cực.
- Suy nghĩ kĩ trước khi hành động. Tôn trọng ý kiến cá nhân, thân thể của mỗi người
d. Liên hệ bản thân: Nhận thức được vì sao chúng ta không nên cãi nhau, đánh nhau, cần cố gắng rèn luyện thể lực, nâng cao tinh thần, trau dồi phẩm chất đạo đức...
Câu 2: Dàn ý tham khảo.
1. Mở bài
- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm
- Giới thiệu 2 khổ thơ: Đấy là hai khổ đầu và cuối của bài thơ, miêu tả cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi và trở về đầy niềm vui và hứng khởi.
2. Thân bài
a) Khổ 1 - cảnh ra khơi
Thời gian nghệ thuật là một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp.
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa.
Các hình ảnh mặt trời, sóng, đêm được nhân hóa, cùng hình ảnh so sánh độc đáo ở câu thơ thứ nhất "như hòn lửa" đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, tráng lệ. Ngày đã tắt nhưng không hề ảm đạm. Sự Vận động của thời gian được diễn tả qua các động từ "xuống biển”, "cài then", "sập cửa".Những con sóng cài ngang như chiếc then cửa của vũ trụ. Bóng đêm "sập cửa"gợi khoảnh khắc ánh ngày vụt tắt và màn đêm bất ngờ buông xuống, bao trùm lên tất cả. Vũ trụ rộng lớn, mênh mỏng, kì vĩ mà vẫn gần gũi, ấm áp như ngôi nhà của con người vậy!
Lẽ thường, khi ngày tàn, con người sẽ tạm ngừng mọi công việc để trở về nghỉ ngơi bên gia đình nhưng trên biển có một cuộc sống khác khi đó mới bắt đầu...
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi
- Chữ “lại"đả gợi ra vòng tuần hoàn trong hoạt động của những người dân biển, gợi nhịp sống thanh bình của quê hương, đất nước. Sau bao năm tháng chiến tranh, con người Việt Nam mới có một cuộc sống lao động bình yên đến thế!
- Đoàn thuyền ra khơi với khí thế tươi vui, hào hứng, phấn khởi: "Câu hát căng buồm cùng gió khơi": Sự kết hợp giữa "câu hát" và "gió khơi" đã tạo nên sức mạnh lớn đưa con thuyền mạnh mẽ vượt sóng ra khơi. Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trong câu thơ cũng tái hiện vẻ đẹp tâm hồn và niềm vui trong lao động của người dân chài.
b) Khổ cuối - cảnh trở về
- Đoàn thuyền trở về trong khúc hát mê say: Nếu mở đầu bài thơ tác giả dùng chữ "cùng" (Câu hát căng buồm cùng gió khơi) thể hiện sự hài hòa giữa con thuyền và ngọn gió, hứa hẹn chuyến đi biển thuận lợi, bình yên thì đến cuối bài ông viết "Câu hát căng buồm với gió khơi" thể hiện niềm vui phơi phới của những người dân chài khi trở về trên những con thuyền đầy ắp cá.
- Đoàn thuyền trở về trong cuộc chạy đua với mặt trời: Hình ảnh nhân hóa "Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời" khiến con thuyền thành một sinh thể sống, gợi khí thế hăm hở, niềm hân hoan đón chào ngày mới của cả thiên nhiên và con người.
Đoàn thuyền cũng trở về trong ánh sáng rực rỡ, huy hoàng của buổi bình minh và muôn ngàn mắt cá lấp lánh dưới ánh mặt trời.
=> Đoạn thơ mang âm hưởng của một bản anh hùng ca lao động, thể hiện niềm vui phơi phới của những con người làm chủ đất trời.
c) Cảm nhận chung về hai khổ thơ
Cả hai khổ đều thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên biển và con người ở cả hai thời điểm: hoàng hôn và bình minh. Thiên nhiên luôn tươi sáng, kì vĩ, tráng lệ. Con người luôn căng tràn sức sống và niềm say mê lao động.
Cảm hứng bao trùm lên hai khổ là cảm hứng vũ trụ.
Bút pháp thơ khoáng đạt, âm hưởng thơ vừa khoẻ khoắn, sỏi nổi lại vừa phơi phới bay bổng; lời thơ dõng dạc, điệu thơ như khúc hát say mê, hào hứng, cách gieo vần có nhiều biến hoá linh hoạt, vấn trắc xen lẫn vần bằng; hình ảnh thơ giàu vẻ đẹp lãng mạn; nhiều biện pháp tu từ đặc sắc (so sánh, nhân hoá); kết cấu đầu cuối tương ứng (lặp lại hình ảnh" mặt trời/ gió khơi/ câu hát").
d) Liên hệ
Thí sinh tự chọn một tác phẩm khác cũng viết về sự gắn bó của con người và biển quê hương để liên hệ với hai khổ thơ trên. Ví dụ: "Quê hương"của Tế Hanh.
Có thể liên hệ với thực tế đời sống để thấy được người dân Việt Nam luôn có những hành động thiết thực, cụ thể thể hiện tình yêu, sự gắn bó với biển: chống ô nhiễm biển, bảo vệ cảnh quan biển, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật hướng về biển...
=> Khẳng định biển quê hương luôn ở trong trái tim của con người Việt Nam.
3. Kết bài
Khẳng định sự trưởng thành và đổi mới trong phong cách thơ Huy Cận: từ một “nhà thơ cả vạn lí sầu" nhưng sau Cách mạng tháng Tám, thơ ông đã gần gũi, đi sát với thực tế đời sống của nhân dân, ngợi ca cuộc sống mới, con người mới.
ĐỀ THI
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HẢI DƯƠNG
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2023 – 2024
Môn thi: NGỮ VĂN Ngày thi: 02/06/2023
Thời gian làm bài: 120 phút, không tính thời gian phát đề
(Đề thi có 01 trang)
ĐỀ CHÍNH THỨC
I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau:
Hành tinh thứ năm lạ lẫm hết sức. Đó là hành tinh bé nhất trong tất cả. Nơi đó chỉ vừa đủ chỗ cho một cột đèn đường và một người thắp đèn. Hoàng tử bé không sao hiểu được tác dụng của một cột đèn đường và một người thắp đèn trên một hành tinh không có nhà cửa và cũng chẳng có dân cư ở đâu đó trên bầu trời. Song le, cậu vẫn thầm nhủ trong lòng: “Có thể là người này rất kì quặc. Nhưng ông ta không kì quặc bằng ông vua, hay ông hợm hĩnh, hay ông nhà buôn, hay ông nát rượu. Bởi ít ra công việc của ông ấy còn có một ý nghĩa nào đó. Khi ông ấy thắp đèn lên thì cũng như thể là ông ấy khai sinh thêm một vì sao, một bông hoa. Khi ông ấy tắt đèn đi thì đó là để bông hoa hoặc vì sao đi ngủ. Đấy là một công việc rất chi đẹp đẽ. Và vì việc đó đẹp đẽ nên cũng rất mực có ích."
(Trích Hoàng tử bé, Antoine De Saint - Exupéry, NXB Hội Nhà Văn, 2017, trang 53)
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Câu 2 (0,5 điểm). Theo đoạn trích, vì sao Hành tinh thứ năm lạ lẫm hết sức?
Câu 3 (1,0 điểm). Chỉ ra và nêu ý nghĩa của một biện pháp tu từ trong những câu văn sau: “Có thể là người này rất kì quặc. Nhưng ông ta không kì quặc bằng ông vua, hay ông hợm hĩnh, hay ông nhà buôn, hay ông nát rượu.”
Câu 4 (1,0 điểm). Em có đồng tình với suy nghĩ của Hoàng tử bé khi cậu cho rằng công việc của người thắp đèn là một công việc rất chi đẹp đẽ không? Vì sao?
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Trong bài thơ Sớm mai con vào lớp ba (Tập Đàn Then, NXB Hội Nhà Văn 1996, tr.38), nhà thơ Y Phương đã viết lời người cha khuyên con như sau:
“Đừng cãi nhau đừng đánh nhau nghe con”
Bằng hiểu biết của cá nhân mình, em hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) làm rõ vì sao chúng ta không nên cãi nhau, đánh nhau?
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của em về hai khổ thơ sau, từ đó làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn người lao động:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
(...)
Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
(Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận, Ngữ văn 9, Tập một, NXBGD Việt Nam, 2017, trang 139, 140)
Tham khảo đề thi và đáp án môn Văn Hải Dương các năm trước bên dưới đây.
Đề thi vào lớp 10 môn Văn Hải Dương 2022
Mời các bạn tham khảo
I. ĐỌC HIỂU.
Câu 1. Đoạn thơ là lời của người cha nói với anh nói con.
Câu 2. Từ thể hiện tình cảm của người cha với “người đồng mình": "yêu lắm"
Câu 3.
- Nhân hóa :
+ Rừng cho hoa
+ Con đường cho những tấm lòng
Tác dụng : Khẳng định một sự hào phóng, bao dung của thiên nhiên, của quê hương. Nhằm làm nổi bật vẻ đẹp rừng núi, quê hương đã nuôi dưỡng tâm hồn con người. Qua đó, tác giả đã miêu tả tinh tế, ngôn ngữ thơ giàu tính hình tượng và gợi cảm.
Câu 4.
Người đồng mình đáng yêu bởi sự giản dị và tài hoa:
- Trên quê hương thơ mộng nghĩa tình, người đồng mình hiện lên trong cuộc sống lao động cần cù mà tươi vui:
"Người đồng mình yêu lắm, con ơi!
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát".
+ Giọng thơ vang lên đầy thiết tha và tự hào. “Người đồng mình” là người bản mình, người quê mình – Y Phương có cách gọi rất độc đáo, rất gần gũi và thân thương về những con người quê hương.
+ Với hình thức câu cảm thán, người đọc cảm nhận lời tâm tình được cất lên tự đáy lòng thương mến của người cha về người đồng mình.
+ Họ đáng yêu bởi họ là những con người yêu lao động. Với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, họ đã “đan”, “cài”, “ken”… cuộc sống như nở hoa dưới đôi bàn tay cần cù, sáng tạo của họ…
=> Chỉ với những câu thơ ngắn gọn, nhà thơ giúp ta hình dung được hình ảnh đáng yêu của người đồng mình giữa núi rừng thơ mộng, hiền hòa. Vẻ đẹp của họ được gợi ra từ cuộc sống lao động bình dị, từ bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo. Họ có niềm vui giản dị, tinh tế ngay trong cuộc sống mộc mạc đời thường.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
* Yêu cầu hình thức: Viết đúng một đoạn văn khoảng 200 chữ.
* Yêu cầu về nội dung:
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của khó khăn thử thách trong hành trình để một con người trưởng thành.
- Khó khăn thử thách: là những điều không mong muốn mà mỗi chúng ta đều sẽ gặp phải trên hành trình trưởng thành.
- Ý nghĩa của những khó khăn thử thách trong hành trình trưởng thành của con người:
+ Khó khăn, thử thách tôi luyện ý chí của con người.
+ Khó khăn thử thách giúp con người rèn luyện được sự kiên nhẫn, bản lĩnh vượt qua trở ngại.
+ Khó khăn thử thách giúp con người bước ra khỏi vùng an toàn, dám đối diện với chông gai của cuộc đời.
+ Khó khăn thử thách giúp con người tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm sống, những bài học quý giá trên hành trình trưởng thành.
+ ...
- Liên hệ bản thân, mở rộng.
+ Nếu không có sự cố gắng, tìm ra những bài học thì khó khăn thử thách sẽ trở thành những tảng đá ngáng chân chúng ta.
+ Khi gặp khó khăn thử thách không nản chí mà luôn tìm tòi, học hỏi từ những khó khăn ấy thì nhất định sẽ đạt được thành công.
Câu 2
1. Mở bài:
- Giới thiệu chung về tác giả Kim Lân, tác phẩm Làng.
- Giới thiệu nội dung nghị luận: tâm trạng ông Hai khi nghe làng theo giặc.
2. Thân bài
* Hoàn cảnh sống và tình yêu làng của ông Hai:
- Ông Hai phải đi tản cư, sống ở một nơi khác.
- Ông tha thiết yêu làng Chợ Dầu và rất tự hào về làng mình. Ở nơi tản cư, ông luôn nhớ về làng:
+ Luôn nhớ về làng và muốn về lại làng Chợ Dầu
+ Thói quen sang bác Thứ để kể chuyện làng => kể để nguội đi nỗi nhớ làng.
+ Tự hào vì làng Chợ Dầu tham gia chiến đấu ủng hộ cách mạng (chòi gác, đường hầm bí mật...)
* Diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.
- Lúc mới nghe tin, ông ngạc nhiên đến bàng hoàng, sững sờ:
+ Đúng lúc ông Hai đang phấn khởi trước những tin tức thời sự thì nghe những người tản cư bàn về làng Chợ Dầu. Ông quay phắt lại hỏi: “ta giết được bao nhiêu thằng?”
-> Câu hỏi cho thấy niềm tin vững chắc vào tỉnh thần cách mạng của làng mình.
+ Vì thế, tin làng theo giặc khiến ông chết lặng vì đau đớn, tủi thẹn: Cổ nghẹn đắng. /Da mặt tê rần rận. /Giọng lạc hẳn đi. /Lặng đi như không thở được...
=> Đau đớn đến mức như không điều khiển được thân thể của chính mình.
- Từ giây phút đó, ông chìm vào tâm trạng hoang mang, đau khổ, sợ hãi:
+ Ông lảng ra chỗ khác rồi về thẳng nhà, nằm vật ra giường chứ không chạy sang hàng xóm khoe làng như thường lệ.
+ Ông lo lắng, xót xa, trằn trọc cả đêm:
+ Cho số phận của những đứa con sẽ bị khinh bỉ, hắt hủi vì là trẻ con làng Việt gian;
+ Cho bao nhiêu người làng ở nơi tản cư.
+ Cho tương lai cả gia đình.
- Rồi ông lại đi kiểm điểm từng người một, tự nói với chính mình làm sao những người ấy có thể thao Tây.
=> Nỗi đau đớn, xấu hổ, nhục nhã cứ thế lan tràn, gặm nhấm tâm can ông.
3. Kết bài
- Đoạn trích đã diễn tả lại được nỗi đau đớn, tủi hổ của ông Hai khi nghe làng theo giặc. Đồng thời cũng thể hiện tình yêu làng, yêu nước sâu sắc của ông.
- Nghệ thuật miêu tả tâm lí xuất sắc.
Đề thi vào lớp 10 môn Văn Hải Dương 2021
I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
“Gian khổ nhất là lần ghi và bảo vệ lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Giữa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung...”
(Trích Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, Tập I, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, trang 183)
Câu 1. (1,0 điểm): Đoạn văn trên là lời của nhân vật nào, nói với ai?
Câu 2. (1,0 điểm): Chỉ ra và nêu ngắn gọn tác dụng của 01 biện pháp tu từ trong câu văn: “Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chội lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung...”.
Câu 3. (1,0 điểm): Nhận xét ngắn gọn về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trong đoạn văn trên.
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm):
“Lời khen là một món quà tặng.”
(Theo Cuộc sống thay đổi khi chúng ta thay đổi, Andrew Matthews, NXB Thời đại, Hà Nội, 2013, trang 24)
Từ câu nói trên, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) bàn về ý nghĩa của lời khen với lực lượng tuyển đầu trong công tác phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta hiện nay.
Câu 2. (5,0 điểm): Phân tích cảm xúc về mùa xuân thiên nhiên, đất nước trong đoạn thơ sau:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao...
(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải, Ngữ văn 9, Tập II, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, trang 55, 56)
Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn Hải Dương 2021
I. PHẦN ĐỌC - HIỂU
Câu 1. Đoạn văn trên là lời của nhân vật anh thanh liên nói với ông họa sĩ
Câu 2. Các em có thể lựa 1 trong 2 biện pháp tu từ:
Câu văn sử dụng biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa:
+ So sánh: nó như bị gió chăt ra tùng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả.
+ Nhân hóa: chăt, quét.
Tác dụng: Nhấn mạnh hoàn cảnh làm việc đầy khó khăn, vất vả của anh thanh niên. Qua đó làm nổi bật sự hy sinh thầm lặng của nhân vật này.
Câu 3. Nêu nhận xét ngắn gọn mà em suy nghĩ.
- Là một người có tâm hồn đẹp. yêu đời.
- Là một người có tinh thần trắc nghiệm.
Gợi ý: Anh thanh niên yêu đời và hoàn thành tốt nhiệm vụ có lẽ là tinh thần trách nhiệm, tình yêu que hương đất nước, ước muốn đóng góp sức mình dựng xây đất nước.
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1.
I. Mở đoạn
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Lời khen là một quà tặng
II. Thân đoạn
1. Giải thích
- Khái niệm: Lời khen là lời ngợi ca, tán thưởng, khâm phục, là lời ghi nhận, động viên, khích lệ tinh thần của người khác khi họ làm được điều gì đó tốt đẹp.
- Khẳng định ý nghĩa của lời khen với lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch COVID 19 ở nước ta hiện tay.
2. Bình luận
* Biểu hiện:
+ COVID-19 là đại dịch đặc biệt nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh, diễn biến khó lường đã và đang gây ra cuộc khủng hoảng y tế và những hậu quả về kinh tế - xã hội rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, tác động mạnh đến hầu hết mọi mặt đời sống xã hội của nước ta.
+ Hình ảnh những bác sĩ, nhân viên y tế, công an,.. chấp nhận những hy sinh cá nhân, tận tình, chu đáo chăm sóc người bệnh, chiến đấu với dịch bệnh, tất cả vì sức khỏe của người dân, của cộng đồng ...
* Ý nghĩa:
- Lời khen tốt sẽ tạo ra niềm vui, niềm hạnh phúc, sự tự tin, hăng hái .... (dẫn chứng).
+ Tiếp thêm sự tự tin, tự hào cho người khác, để họ biết họ đang đi đúng hướng và nên duy trì, tiếp tục.
+ Tăng sự hưng phấn, tiếp thêm động lực để người khác tiếp tục cố gắng và gặt hái nhiều thành công hơn nữa.
- Lời khen tốt như thế thuốc thần dược tạo nên sức mạnh, thắp sáng niềm tin khiến điều hay của người được khen trở thành điều hay của mọi người, nó làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Nó chính là quà tặng cuộc sống.
+ Chứng tỏ việc làm của họ được quan tâm, được theo dõi. Họ sẽ cảm thấy hạnh phúc, thấy mình không đơn độc và muốn cố gắng nhiều hơn.
+ Nếu sự nỗ lực và thành quả không được ghi nhận và ghi nhận kịp thời, có thể làm người ta buồn tủi, nản chi, cảm thấy sự cố gắng của mình không có giá trị hoặc trở nên tự ti và dễ buông xuôi.
+ Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những cống hiến, nỗ lực không mệt mỏi, tận tâm tận lực, không quản ngại vất vả, gian nan và hiểm nguy của đội ngũ cán bộ y tế chống dịch thời gian qua.
* Phản biện: Lời khen xấu sẽ tạo ra sự mất mát, sự đau đớn, xót xa, cay đắng.... (dẫn chứng).
3. Bài học nhận thức và hành động
- Tâm lý của con người là rất thích được khen bởi vậy không nên tiết kiệm lời khen nhưng cũng không được lạm dụng lời khen.
- Hãy học cách khen chân thành và thông minh. Hãy sử dụng lời khen như món quà cuộc sống
- Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, luôn thường trực nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào, đe dọa thành quả phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta, vì vậy các cán bộ, nhân viên y tế, cùng nhân dân cả nước và các lực lượng chức năng sẽ phát huy tinh thần, khí thế và những kinh nghiệm quý báu trong thời gian qua, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn và sự hy sinh có thể phải nhiều hơn nữa để cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh.
III. Kết đoạn
- Đừng ngại sử dụng lời khen kịp thời, đúng lúc, đúng người, đúng sự việc.
- Bên cạnh lời khen, cuộc sống vẫn rất cần những lời góp ý chân thành, mang tính chất xây dựng để giúp mỗi người khắc phục điểm yếu, hoàn thiện mình hơn. Liên hệ với bản thân người viết.
Câu 2.
a) Mở bài
- Giới thiệu tác giả và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là thi phẩm đặc sắc cuối đời của nhà thơ Thanh Hải
+ Thanh Hải là nhà thơ cách mạng, hoạt động văn nghệ từ cuối cuộc kháng chiến chống Pháp
+ Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là nỗi lòng của tác giả về niềm yêu mến tha thiết với cuộc đời, đất nước mong muốn cống hiến góp mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân của đất nước, dân tộc.
b) Thân bài
* Mùa xuân thiên nhiên đất nước và con người
- Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp trong tưởng tượng của tác giả (lưu ý, tác giả viết bài thơ 11/1980 - lúc này đang là mùa đông)
+ Hình ảnh vẻ đẹp của mùa xuân xứ Huế được khắc họa qua: hoa tím, sông xanh, bầu trời cao rộng
+ Âm thanh tiếng chim chiền chiện báo xuân về như kết tinh thành “từng giọt long lanh”
+ Vẻ đẹp của mùa xuân thể hiện qua góc nhìn của tác giả cũng như tấm lòng trân trọng của tác giả trước thiên nhiên, cuộc đời
+ Lời trò chuyện thân mật cùng tự nhiên và sự trân trọng sự sống được thể hiện qua hành động “đưa tay hứng” của tác giả
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
+ Giọt long lanh được hiểu theo nghĩa ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, từ chỗ âm thanh được cảm nhận bằng thính giác chuyển sang cảm nhận bằng thị giác và xúc giác “đưa tay hứng”.
=> Tác giả say đắm trong mùa xuân của thiên nhiên đất trời với tâm thế đón nhận trân trọng.
* Cảm xúc của tác giả trước mùa xuân của đất nước
- Sáng tạo của tác giả thể hiện qua việc dùng từ “lộc” và hình ảnh “người cầm súng”, “người ra đồng”
+ Hình ảnh lộc xuân trên “nương mạ” là hình ảnh đẹp về cuộc sống lao động kiến thiết đất nước của lực lượng sản xuất
+ Hình ảnh người cầm súng trên đường ra trận mang trên vai cành lá ngụy trang, và niềm tin vào ngày mai hòa bình
+ Tác giả sử dụng hai từ láy “hối hả” và “xôn xao” để chỉ nhịp sống lao động khẩn trương vội vã nhưng nhộn nhịp, vui vẻ kết hợp hài hòa với nhau.
c) Kết bài
- Với giọng trầm lắng có lúc nhộn nhịp, hối hả, bài thơ không những diễn đạt được vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước mà còn thể hiện được sự mê say với cuộc sống và khát vọng chân thành đẹp đẽ của tác giả.
Đọc tài liệu sẽ cập nhật đề thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn chính thức của tỉnh Hải Dương năm học 2021-2022 ngay khi kỳ thi diễn ra ngày 15/06/2021 tới đây.
Cùng ôn tập chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới với đề thi tuyển sinh lớp 10 các năm trước và nhé:
Tuyển tập đề thi tuyển sinh lớp 10 Hải Dương môn Văn các năm trước
Đề thi vào 10 môn Văn năm 2020
I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau:
"Phan nói:
- Nhà cửa tiên nhân của nương tử, cây cối thành rừng, phần mộ tiên nhân của nương tử, có gai rợp mắt. Nương tử dù không nghĩ đến, nhưng tiên nhân còn mong đợi nương tử thì sao?
Nghe đến đây, Vũ Nương ứa nước mắt khóc, rồi quả quyết đổi giọng mà rằng:
- Có lẽ không thể gửi hình ấn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Và chăng, ngựa Hổ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày.”
(Theo Ngữ văn 9, NXBGD Việt Nam, 2017)
Câu 1. (0,5 điểm) Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?
Câu 2. (0,5 điểm) Cuộc đối thoại của Vũ Nương với Phan Lang diễn ra trong hoàn cảnh nào?
Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 Hải Dương
Đề Văn tuyển sinh lớp 10 năm 2019
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới:
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh.
Không lo cực nhọc”(SGK Ngữ văn 9, tập II, NXB GD Việt Nam, trang 72)
Câu 1. Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm nào? Do tác giả nào sáng tác? (0,5 điểm)
Câu 2. Em hiểu “Sống như sông như suối” là sống như thế nào? (0,5 điểm)
Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2019 Hải Dương
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2018
Câu 1 (2.0 điểm)
Cho đoạn thơ sau:
"Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.”
(Theo SGK Ngữ Văn 9, tập I, NXB Giáo dục Việt Nam)
1. Đoạn thơ trên trích trong văn bản nào? Do ai sáng tác?
2. Trình bày hoàn cảnh ra đời của văn bản ấy.
3. Nêu ngắn gọn vẻ đẹp của người lính trong đoạn thơ trên.
Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn tỉnh Hải Dương năm 2018
Trên đây là toàn bộ nội dung của đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn các năm được chúng tôi tổng hợp chia sẻ nhằm giúp các em nắm được các thông tin về kỳ thi này.
Mong rằng những tài liệu của chúng tôi sẽ là người đồng hành giúp các bạn hoàn thành tốt bài thi của mình.
Xem thêm: Điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023