Trang chủ

Đề thi vào lớp 10 môn văn 2018 chuyên Lê Hồng Phong (có đáp án)

Xuất bản: 31/03/2021

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn văn 2018 chuyên Lê Hồng Phong chính thức từ trường và thang điểm giúp em dễ dàng thử sức ôn thi vào 10.

Đọc Tài Liệu giới thiệu chi tiết đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn năm học 2018 - 2019 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tỉnh Nam Định được cập nhật nhanh nhất giúp bạn tham khảo.

Đề thi văn vào lớp 10 chuyên Lê hồng Phong 2018

Đề thi môn Văn chung vào 10 2018 trường chuyên Lê hồng Phong gồm 3 phần 7 câu với thời gian làm bài 120 phút. Các kiến thức tập chung chủ yếu vào chương trình học môn Ngữ Văn lớp 9.

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NAM ĐỊNH

ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN

NĂM HỌC 2018-2019

Môn thi: NGỮ VĂN (chung)

Thời gian làm bài:120 phút.

Phần I. Tiếng Việt (2,5 điểm)

Câu 1 (1,0 điểm).

Trong các từ gạch chân sau, từ nào được dùng theo nghĩa gốc, từ nào được dùng theo nghĩa chuyển?

a. Ngang lưng thì thắt bao vàng,

Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài.

(Ca dao)

b. Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.

(Truyện Kiều, Nguyễn Du)

c. Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh.

(Lượm, Tố Hữu)

d. Đầu súng trăng treo.

(Đồng chí, Chính Hữu)

Câu 2 (1,5 điểm).

Chỉ ra và nêu tác dụng của phép lặp cấu trúc câu được sử dụng trong đoạn văn bản sau:

Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không phải là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn. Và chính bạn, hơn ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó.

(Theo Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân, NXB Hội Nhà văn, 2012)

Phần II. Đọc – hiểu văn bản (2,5 điểm).

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi nêu ở dưới:

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!

(Trích Bếp lửa, Bằng Việt, SGK Ngữ văn 9, tập 1, NXBGD, 2018)

Câu 1 (0,5 điểm). Phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên là gì?

Câu 2 (1,0 điểm). Biện pháp tu từ nào được sử dụng nhiều nhất trong đoạn thơ? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó?

Câu 3 (1,0 điểm). Viết một đoạn văn nghị luận ngắn (khoảng 15 dòng) với nội dung:

Tình cảm gia đình là cội nguồn của tình yêu quê hương đất nước.

Phần III. Tập làm văn (5,0 điểm)

Phân tích hai đoạn thơ sau:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

(Trích Đồng chí, Chính Hữu,

SGK Ngữ văn 9, tập 1, NXBGD, 2018)

Những chiếc xe từ trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

(Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật,

SGK Ngữ văn 9, tập 1, NXBGD, 2018)

Từ đó, chỉ ra điểm gặp gỡ trong cách thể hiện hình tượng người lính của hai nhà thơ.

-HẾT-

Xem thêm tài liệu cùng chủ đề: Đề thi Văn chung vào 10 Chuyên Lê Hồng Phong năm 2020

Dưới đây là đáp án đề thi văn vào 10 THPT chuyên Lê Hồng Phong năm 2018 của Đọc Tài Liệu. Mời các em cùng tham khảo:

Đáp án đề thi vào lớp 10 2018 môn văn chuyên Lê Hồng Phong

Phần I. Tiếng Việt (2,5 điểm)

Câu 1. (1,0 điểm)

- Đầu (a): Nghĩa gốc (0,25 điểm).

- Đầu (b): Nghĩa chuyển (0,25 điểm).

- Đầu (c): Nghĩa gốc (0,25 điểm).

- Đầu (d): Nghĩa chuyển (0,25 điểm).

Câu 2. (1,5 điểm)

- Chỉ ra phép lặp cấu trúc câu được sử dụng trong đoạn văn bản:

+ Bạn có thể không......nhưng bạn; Bạn có thể không......nhưng bạn (0,25 điểm)

+ Bạn không......nhưng bạn; Bạn không......nhưng bạn (0,25 điểm)

- Tác dụng (1,0 điểm):

+ Nhấn mạnh mỗi người có một giá trị riêng, khả năng riêng.

+ Khuyên mọi người phải luôn nhận ra giá trị riêng của bản thân để tự tin trong cuộc sống.

+ Tạo sự liên kết câu trong đoạn văn, tạo giọng điệu khẳng định, dứt khoát làm tăng sức thuyết phục trong bàn luận.

*Cách cho điểm:

Mức 1: : Nêu đúng 3/3 ý như đáp án trên : 1,0 điểm

Mức 2: Nêu đúng 2/3 ý như đáp án trên : 0,75 điểm

Mức 3 Nêu đúng 1/3 ý như đáp án trên : 0,5 điểm

Lưu ý: Chấp nhận lối diễn đạt khác nhưng nói được bản chất vấn đề. Trả lời sai hoặc không trả lời thì không cho điểm.

Phần II. Đọc – hiểu văn bản (2,5 điểm)

Câu 1 (0,5 điểm):

Phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ là: Phương thức biểu cảm/ Biểu cảm.

*Cách cho điểm:

Mức 1: Nêu đúng như 1 trong 2 cách trên : 0,5 điểm

Mức 2: Nêu sai hoặc không trả lời: 0 điểm

Câu 2 (1,0 điểm).

- Biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất trong đoạn thơ: Điệp từ “nhóm” (4 lần) (0,5 điểm).

- Tác dụng: Nhấn mạnh tình cảm thiêng liêng, cao cả mà gần gũi, giản dị, tràn đầy yêu thương mà bà đã “nhóm” lên trong tâm hồn người cháu, để cháu hiểu sâu sắc tình cảm gia đình, làng nghĩa xóm, quê hương, nguồn cội...; tạo nhịp điệu cho đoạn văn (0,5 điểm)

Câu 3. (1,0 điểm)

* Yêu cầu về hình thức: Đảm bảo hình thức của đoạn văn,trình bày theo một trong các cách: diễn dịch, quy nạp, tổng - phân- hợp...; sử dụng một hoặc một số thao tác lập luận; lý lẽ thuyết phục, dẫn chứng hợp lý; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ.

* Yêu cầu về nội dung: Sau đây là một số gợi ý mang tính định hướng:

- Giải thích: Ý kiến khẳng định giá trị của tình cảm gia đình là cơ sở của tình yêu quê hương đất nước.

- Bàn luận:

+ Khẳng định: Đây là một ý kiến đúng đắn vì:

  • Tình cảm gia đình là tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng, cao quý đầu tiên được ngợi ca. (dẫn chứng)
  • Những kỷ niệm thân thương về gia đình thường khơi nguồn cho những kỷ niệm về quê hương. Khi xa cách tình yêu, nỗi nhớ về gia đình thân thiết... cũng lan tỏa, làm thành nỗi nhớ quê hương, xứ sở.
  • Trong chiến tranh, con người sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc ; khi hòa bình, là xây dựng quê hương giàu đẹp... những điều này cũng có cội rễ sâu xa từ tình yêu, mong muốn dành cho gia đình thân yêu cuộc sống hòa bình.

- Bài học nhận thức và hành động, liên hệ với bản thân: Xây đắp, bảo vệ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, đất nước là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người.

* Cách cho điểm:

- Từ 0,75 -1,0 điểm: Đảm bảo đầy đủ các ý trên, triển khai ý một cách thuyết phục và diễn đạt trôi chảy.

- Từ 0,25 - 0,5 điểm: Đảm bảo được 1⁄2 ý trên, triển khai ý còn sơ lược, còn mắc ý diễn đạt.

- Không đảm bảo hình thức là một đoạn văn trừ 0,25 điểm.

Phần III. Tập làm văn (5,0 điểm)

*Yêu cầu chung: Học sinh biết cách vận dụng kiến thức, kĩ năng, sử dụng kết hợp các thao tác lập luận để giải quyết vấn đề nghị luận một cách hợp lý, thuyết phục.

*Yêu cầu cụ thể:

1. Yêu cầu về kĩ năng tạo lập văn bản: 0,25 điểm

- Vận dụng tốt các thao tác nghị luận: phân tích, chứng minh,... trong bài văn nghị luận văn học; trích dẫn thơ chính xác, bài viết đảm bảo bố cục 3 phần ; trình bày sạch sẽ; diễn đạt lưu loát, không sai hoặc chỉ sai dưới 3 lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm).

2. Về nội dung: 4,75 điểm

Bài viết cần đảm bảo các yêu cầu sau:

a. Giới thiệu ( 0,5 điểm): Khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận.

HS nêu đủ ý cho 0,5 điểm; ý không đầy đủ cho 0,25 điểm.

b. Cảm nhận về hai đoạn thơ (3,0 điểm)

b.1. Về đoạn thơ trong bài “Đồng chí” của Chính Hữu (1,5 điểm).

* Nội dung:

- Nằm ở vị trí cuối bài thơ, đoạn thơ là bức tranh tuyệt đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính trên chiến hào với hình ảnh của chiến trường, thiên nhiên, con người, tinh thần và tâm hồn của họ, với không gian núi rừng Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. (0,25 điểm)

- Hình ảnh người lính trên nền hiện thực “rừng hoang sương muối” với cái lạnh thấu xương nhưng vẫn gắn bó, kề vai sát cánh bên nhau tạo nên một tư thế vững chãi, hiên ngang, anh hùng. (0,5 điểm)

- Hình ảnh “vầng trăng” tạo nên chất lãng mạn. Hình ảnh người lính, cây súng, vầng trăng quyện hòa vào nhau tạo nên hình ảnh đẹp đẽ, thơ mộng “Đầu súng trăng treo”. Đó là tình đồng đội cao đẹp, tâm hồn lãng mạn, lạc quan, yêu đời của người lính. (0,5 điểm).

* Nghệ thuật: Ngôn ngữ giản dị; hình ảnh gợi cảm, cô đúc giàu ý nghĩa biểu tượng, bút pháp tài hoa. (0,25 điểm)

b.2. Về đoạn thơ trong bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật (1,5 điểm).

* Nội dung:

- Nằm ở nửa cuối bài thơ, đoạn thơ là hình ảnh đẹp về người lính lái xe Trường Sơn thời kỳ kháng chiến chống Mĩ trong những phút nghỉ ngơi với tình cảm chân tình gắn bó. (0,25 điểm).

- Những hình ảnh hiện thực của chiến tranh bom đạn khốc liệt “Chiếc xe từ trong bom rơi”, “cửa kính vỡ rồi” càng làm tôn thêm vẻ đẹp của những người lính coi thường khó khăn, gian khổ với một thái độ lạc quan, yêu đời. (0,5 điểm)

- Tâm hồn vui vẻ, trẻ trung, chan hòa trong tình đồng đội thắm thiết bình dị “họp thành tiểu đội”, “gặp bè bạn suốt dọc đường”, “bắt tay”. Đây là những hình ảnh rất thi vị, bộc lộ sự vô tư, hồn nhiên mang một nét rất riêng của người lính anh hùng thời chống Mĩ. (0,5 điểm)

* Nghệ thuật: Ngôn ngữ và giọng điệu giàu tính khẩu ngữ, tự nhiên, khỏe khoắn, giàu cảm xúc; hình ảnh độc đáo, thi vị. (0,25 điểm)

3. Điểm gặp gỡ trong cách thể hiện hình tượng người lính của hai nhà thơ. (0,75 điểm)

- Viết về đề tài người lính ở hai thời điểm khác nhau nhưng cả hai nhà thơ đều gặp nhau ở cách thể hiện, đó là bút pháp hiện thực kết hợp với bút pháp lãng mạn. (0,25 điểm)

- Hình tượng người lính hào hùng, hào hoa, bi tráng (0,5 điểm):

+ Họ chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, gian khổ, nghiệt ngã của chiến tranh; có chung một dòng máu yêu nước, dũng cảm, kiên cường, bất khuất trước mọi gian nan, nguy hiểm.

+ Họ luôn lạc quan, yêu đời, lãng mạn, coi thường cái chết; gắn bó trong tình đồng chí, đồng đội.

4. Mở rộng (0,5 điểm):

- Đây là những câu thơ hay, giản dị, xúc động đã thể hiện được một hiện thực chiến tranh khốc liệt và tâm hồn cao đẹp của con người. Đó là những nhân vật trung tâm của thời đại - anh bộ đội Cụ Hồ. (0,25 điểm)

- Suy nghĩ về vẻ đẹp phẩm chất của thế hệ cha anh và liên hệ bản thân (0,25 điểm).

* Cách cho điểm:

- Điểm từ 4,0 - 5,0: Phân tích có định hướng, đầy đủ các ý trên hoặc phân tích có định hướng, chưa thật đầy đủ nhưng sâu sắc, diễn đạt lưu loát.

- Điểm từ 2,75 - 3,75: Phân tích có định hướng, đảm bảo được 3/4 các yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi chính tả.

- Điểm 2,0 - 2,5: Phân tích có định hướng, đảm bảo được một nửa yêu cầu trên hoặc tính định hướng chưa rõ nhưng sâu sắc, còn mắc một số lỗi chính tả.

- Điểm 1,5 – 1,75: Phân tích có ý thức định hướng nhưng mức độ sơ sài, văn còn lủng củng, nhiều lỗi chính tả, dùng từ đặt câu.

- Điểm dưới 1,5: Không có ý thức định hướng, không phân tích hết đoạn thơ, mức độ sơ sài, văn viết sai nhiều lỗi, trình bày cẩu thả.

- Điểm 0: để giấy trắng hoặc sai lạc hoàn toàn.

Lưu ý chung:

- Sau khi chấm điểm từng câu, giám khảo cân nhắc để cho điểm toàn bài một cách hợp lí, đảm bảo đánh giá đúng trình độ thí sinh, khuyến khích sự sáng tạo.

- Điểm toàn bài lẻ đến 0,25 điểm, không làm tròn.

Có thể các em quan tâm:

Điểm thi tuyển sinh vào 10 Nam Định
Điểm chuẩn vào lớp 10 tỉnh Nam Định

Trên đây là toàn bộ nội dung của đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn 2018 của chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định được Đọc Tài Liệu thực hiện sau khi kì thi chính thức diễn ra. Với nội dung này các em có thể so sánh đối chiếu kết quả bài thi của mình!

Mong rằng đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 này của chúng tôi sẽ là người đồng hành hữu ích với bạn trong kỳ thi này.

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM