Đọc Tài Liệu xin gửi tới các em đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Địa lý chuyên năm học 2020 - 2021 của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) được cập nhật nhanh nhất!
Đề thi vào 10 chuyên Địa Lê Hồng Phong năm 2020
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NAM ĐỊNH
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN
Năm học: 2020 - 2021
Môn: Địa lí (chuyên)
Thời gian làm bài:150 phút.
Câu 1. (1,5 điểm)
a. Trình bày và giải thích đặc điểm thời tiết, khí hậu trên các miền của nước ta trong mùa gió đông bắc.
b. Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh gây khó khăn như thế nào tới sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Nam Định?
Câu 2. (2,0 điểm)
a. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, nhận xét sự chuyển dịch cơ cấu lao động đang làm việc phân theo khu vực kinh tế của nước ta giai đoạn 1995 – 2007.
b. Tại sao tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của nước ta vẫn còn cao? Nêu một số giải pháp để giải quyết vấn đề việc làm trong giai đoạn hiện nay.
Câu 3. (2,0 điểm)
a. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, chứng minh công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm là ngành công nghiệp trọng điểm.
b. Giải thích tại sao Hà Nội là trung tâm công nghiệp lớn của nước ta.
Câu 4. (2,0 điểm)
a. Trình bày những thuận lợi về tự nhiên để phát triển ngành nông - lâm - ngư nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ.
b. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, chứng minh nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển.
Câu 5. (2,5 điểm)
Cho bảng số liệu:
DIỆN TÍCH, SẢN LƯỢNG CÀ PHÊ NHÂN CỦA NƯỚC TA GIAI ĐOẠN 2005 - 2017
Năm | 2005 | 2007 | 2012 | 2017 |
Diện tích (nghìn ha) | 497,4 | 509,3 | 623,0 | 677,6 |
Sản lượng (nghìn tấn) | 752,1 | 915,8 | 1260,4 | 1577,2 |
(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2018)
a. Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện diện tích và sản lượng cà phê nhân của nước ta giai đoạn 2005 – 2017.
b. Nhận xét và giải thích về sự thay đổi diện tích và sản lượng cà phê nhân của nước ta giai đoạn 2005 – 2017.
---------HẾT---------
Thí sinh được sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam của NXB Giáo dục Việt Nam từ năm 2009 đến nay.
Đáp án đề thi vào 10 chuyên Địa Lê Hồng Phong Nam Định năm 2020
Câu 1. (1,5 điểm)
a. Trình bày và giải thích đặc điểm thời tiết, khí hậu trên các miền của nước ta trong mùa gió đông bắc.
- Mùa gió đông bắc từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau với đặc trưng chủ yếu là sự hoạt động mạnh mẽ của gió đông bắc và xen kẽ là những đợt gió đông nam.
- Thời tiết - khí hậu trên các miền của nước ta khác nhau rõ rệt do ảnh hưởng của gió mùa
+ Miền Bắc: có mùa đông lạnh, đầu mùa đông lạnh khô, cuối mùa đông lạnh ẩm, có mưa phùn. Nhiệt độ hạ thấp, nhiệt độ trung bình tháng ở nhiều nơi hạ thấp xuống dưới 15°C; do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc từ áp cao lục địa phương Bắc tràn xuống, có tính chất lạnh khô đầu mùa, lạnh ẩm cuối mùa.
+ Nam Bộ và Tây Nguyên thời tiết nóng khô, ổn định suốt mùa; do gió mùa Đông Bắc suy yếu dần khi di chuyển xuống phía nam và hầu như bị chặn lại ở dãy Bạch Mã nên miền Nam không chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc.
+ Ở Duyên hải Nam Trung Bộ có mưa rất lớn vào thời kì thu đông; do gió Đông Bắc gặp địa hình dãy Trường Sơn chắn gió gây mưa lớn.
b. Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh gây khó khăn như thế nào tới sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Nam Định?
- Thời tiết khí hậu thay đổi thất thường, nhiều thiên tai gây khó khăn cho hoạt động canh tác, cơ cấu cây trồng, kế hoạch thời vụ, phòng chống thiên tai.
- Khí hậu nóng ẩm nên nhiều sâu bệnh, dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi.
Câu 2. (2,0 điểm)
a. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, nhận xét sự chuyển dịch cơ cấu lao động đang làm việc phân theo khu vực kinh tế của nước ta giai đoạn 1995 – 2007.
Giai đoạn 1995 – 2007, cơ cấu lao động đang làm việc phân theo khu vực kinh tế của nước ta có sự thay đổi
- Tỉ trọng lao động trong khu vực Nông, lâm, thủy sản giảm (từ 71,2% xuống 53,9%, giảm 17,3%), tuy nhiên vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất (53,9% năm 2007)
- Tỉ trọng lao động trong khu vực Công nghiệp và xây dựng tăng (từ 11,4% lên 20%, tăng 8,6%)
- Tỉ trọng lao động trong khu vực Dịch vụ tăng (từ 17,4% lến 26,1%, tăng 8,7%)
- Cơ cấu lao động đang làm việc phân theo khu vực kinh tế của nước ta đang có sự thay đổi tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tuy nhiên sự chuyển dịch còn diễn ra chậm.
b. Tại sao tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của nước ta vẫn còn cao? Nêu một số giải pháp để giải quyết vấn đề việc làm trong giai đoạn hiện nay.
- Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của nước ta vẫn còn cao do
+ Trình độ phát triển kinh tế: Việt Nam là nước đang phát triển, nông nghiệp vẫn chiếm vai trò chủ đạo, quá trình công nghiệp hóa đang ở giai đoạn đầu, cơ cấu kinh tế còn chuyển dịch chậm, cơ cấu ngành nghề chưa đa dạng nên khả năng giải quyết việc làm chưa cao.
+ Đặc điểm nguồn lao động còn nhiều hạn chế: đông, tăng nhanh hơn khả năng tạo ra việc làm của nền kinh tế; chất lượng lao động thấp hạn chế khả năng tìm việc làm.
(Nếu HS trả lời theo 2 ý: tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn cho điểm tối đa
- Tỉ lệ thất nghiệp: công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển; chất lượng lao động thấp
- Tỉ lệ thiếu việc làm: nông nghiệp có tính mùa vụ; hoạt động kinh tế chưa đa dạng)
- Giải pháp để giải quyết vấn đề việc làm
+ Phân bố lại dân cư và lao động giữa các vùng
+ Đa dạng hóa các hoạt động kinh tế ở nông thôn
+ Phát triển các hoạt động công nghiệp, dịch vụ ở các đô thị
+ Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm
(HS nêu được 4 giải pháp cho 0,5 điểm. Nếu có giải pháp khác hợp lí vẫn cho đủ số điểm)
Câu 3. (2,0 điểm)
a. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, chứng minh công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm là ngành công nghiệp trọng điểm.
- Chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp (23,7% năm 2007), có vai trò quan trọng.
- Có nhiều thế mạnh để phát triển
+ Nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú (sản phẩm từ ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản)
+ Thị trường tiêu thụ rộng lớn ở trong và ngoài nước.
- Đã đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tạo ra nguồn hàng xuất khẩu chủ lực (gạo, cà phê, cá tra, cá basa, vải thiều Bắc Giang...), thúc đẩy sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
b. Giải thích tại sao Hà Nội là trung tâm công nghiệp lớn của nước ta.
- Vị trí địa lí thuận lợi: ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, gần Trung du miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và vùng biển Đông rộng lớn.
- Dân cư đông, lao động dồi dào, có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao
- Cơ sở vật chất kĩ thuật, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và hiện đại hàng đầu nước ta; là đầu mối giao thông vận tải lớn của cả nước.
- Điều kiện khác: thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài, chính sách ưu tiên phát triển của Nhà nước, Hà Nội là thủ đô – trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội lớn nhất nước ta,...
Câu 4. (2,0 điểm)
a. Trình bày những thuận lợi về tự nhiên để phát triển ngành nông - lâm - ngư nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ.
- Phía tây: dải núi Trường Sơn Bắc có tài nguyên rừng phong phú. Diện tích rừng lớn, trong có rừng nhiều loại gỗ quý, nhiều lâm sản và chim thú có giá trị, thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp.
- Ở giữa là vùng trung du và đồng bằng ven biển: Vùng đồi gò phía tây có đồng cỏ thuận lợi chăn nuôi trâu, bò; đất feralit thuận lợi trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả. Vùng đồng bằng ven biển có đất cát pha duyên hải, đất phù sa thuận lợi cho trồng công nghiệp hàng năm, trồng lúa, chăn nuôi lợn.
- Phía đông: tất cả các tỉnh của vùng đều giáp biển. Vùng biển nhiều cá tôm, ven biển có vũng vịnh, đầm phá thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
b. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, chứng minh nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển.
- Khai thác, nuôi trồng thủy hải sản:
+ Tổng trữ lượng hải sản khoảng 4 triệu tấn. Có bốn ngư trường trọng điểm (dẫn chứng), nhiều loài có giá trị kinh tế cao (2000 loài cá, 100 loài tôm, nhiều loài đặc sản như hải sâm, bào ngư, sò huyết...)
+ Dọc bờ biển nhiều vũng vịnh, bãi triều, đầm phá, rừng ngập mặn thuận lợi nuôi trồng thủy sản (dẫn chứng)
- Du lịch biển - đảo: nhiều bãi tắm rộng, phong cảnh đẹp, nhiều vịnh, đảo (dẫn chứng). Đặc biệt vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
- Khai thác và chế biến khoáng sản biển:
+ Dầu mỏ và khí tự nhiên trong các bể trầm tích ở vùng thềm lục địa (dẫn chứng)
+ Nguồn muối biển vô tận, đặc biệt ở ven biển Nam Trung Bộ
+ Oxit titan ở dọc bờ biển, cát trắng làm thủy tinh, pha lê
- Giao thông vận tải biển:
+ Nằm gần nhiều tuyến đường biển quốc tế quan trọng
+ Ven biển có nhiều vũng, vịnh, cửa sông thuận lợi xây dựng cảng (dẫn chứng)
Câu 5. (2,5 điểm)
Cho bảng số liệu:
a. Biểu đồ thích hợp nhất thể hiện diện tích và sản lượng cà phê nhân của nước ta giai đoạn 2005 – 2017.
- Dạng biểu đồ: biểu đồ kết hợp (cột + đường). Các loại biểu đồ khác không cho điểm
- Yêu cầu:
+ Đúng: vẽ trên cùng một hệ trục tọa độ, trục tung thể hiện diện tích, sản lượng, trục hoành thể hiện thời gian (năm); khoảng cách năm chính xác, các số liệu trên trục tung được chia đều...
+ Đủ các yếu tố: gốc tọa độ, chú giải, số liệu các năm, tên biểu đồ.
+ Đảm bảo tính thẩm mĩ.
(Thiếu 2 trong các yếu tố: số liệu, đơn vị, năm, gốc tọa độ... trừ 0,25 điểm/ Thiếu tên, chú giải; sai tỉ lệ trên trục hoành hoặc trục tung trừ 0,25 điểm)
b. Nhận xét
* Nhận xét: Giai đoạn 2005 – 2017, diện tích và sản lượng cà phê nhân của nước ta tăng liên tục nhưng mức độ tăng khác nhau
- Diện tích trồng cà phê tăng từ 497,4 nghìn ha lên 677,6 nghìn ha, tăng 180,2 nghìn ha, gấp 1,36 lần.
- Sản lượng cà phê nhân tăng từ 752,1 nghìn tấn lên 1577,2 nghìn tấn, tăng 825,1 nghìn tấn, gấp 2,09 lần.
* Giải thích
- Diện tích trồng cà phê tăng do thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, khả năng mở rộng diện tích còn lớn.
- Sản lượng cà phê tăng do cả diện tích và năng suất đều tăng, trong đó chủ yếu là do tăng năng suất (áp dụng giống chất lượng cao, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật...).
-/-
Trên đây là toàn bộ nội dung của đề thi vào lớp 10 chuyên địa 2020 của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và một số thông tin về kỳ thi vào lớp 10 được Đọc Tài Liệu chia sẻ.
Mong rằng những tài liệu của chúng tôi sẽ là người đồng hành giúp các bạn hoàn thành tốt bài thi của mình.
Tham khảo thêm: