Trang chủ

Đáp án đề thi Văn chuyên vào lớp 10 THPT chuyên Sư phạm Hà Nội 2018

Xuất bản: 31/05/2018 - Cập nhật: 29/05/2019 - Tác giả:

Cập nhật đề thi và đáp án tham khảo vào lớp 10 chuyên Văn trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2018

Đề thi chính thức:

>>> Đáp án Toán vào 10 chuyên Sư Phạm 2019

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ THI TUYỂN SINH

VÀO TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN NĂM 2018

Môn thi: Ngữ văn (Dành cho thí sinh thi vào chuyên Văn)

Thời gian làm bài: 150 phút

Câu 1

Tất cả sức mạnh

Có một cậu bé đang chơi ở đống cát trước sân. Khi đào một đường hầm trong đống cát, cậu đụng phải một tảng đá lớn. Cậu loay hoay tìm cách đây nó ra. Dù đã dùng đủ mọi cách, cổ hết sức, nhưng rốt cuộc, cậu vẫn không thể đẩy được tảng đá. Đã vậy, bàn tay cậu còn bị trầy xước, rớm máu. Cậu bật khóc rấm rứt trong thất vọng. Ngồi trong nhà lặng lẽ theo dõi mọi chuyện, người cha lúc này mới bước ra và nói: "Con trai, tại sao con không dùng hết sức mạnh của mình?”. Cậu bé thổn thức đáp: “Có mà! Con đã dùng hết sức rồi mà bố?”. “Không con trai, con đã không dùng đến tất cả sức mạnh của con. Con đã không nhờ bố giúp". Nói rồi, người bố cúi xuống, cùng con, bới tảng đá ra, nhấc lên và vứt đi chỗ khác.

(Theo báo Tuổi trẻ - Bùi Xuân Lộc phỏng dịch từ Faith to Move Mountains)

Viết một bài văn (khoảng 3 trang) trình bày suy nghĩ của em về những điều câu chuyện trên gợi ra.

Câu 2

    "Càng từng trải chiến tranh, càng chứng kiến nhiều hơn sức mạnh hủy diệt, sức mạnh biến tất cả thành tro bụi của nó, Kiên càng tin rằng chiến tranh không tiêu diệt được cái gì hết. Tất cả vẫn còn lại đó, vẫn y nguyên."

(Bảo Ninh – Nỗi buồn chiến tranh, NXB Văn học 2006, Tr.279)

Từ những chiêm nghiệm trên, hãy nói về những điều “chiến tranh không tiêu diệt được” trong bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật (SGK Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017) và truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê (SGK Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam 2017).

---------------Hết---------

Gợi ý làm bài:

Đáp án đề thi Văn chuyên vào lớp 10 THPT chuyên Sư phạm Hà Nội 2018

Câu 1:

1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận

2. Giải thích vấn đề

- Giải thích nội dung, ý nghĩa câu chuyện và rút ra bài học

- Cậu bé ban đầu tìm cách tự tháo gỡ khó khăn của chính mình => Bài học về sự tự lực, tự lập.

- Cậu bé đối diện với khó khăn, dù cố gắng hết sức vẫn thất bại, khóc và tuyệt vọng vì nghĩ rằng sức mạnh của con người chỉ nằm trong chính bản thân mình.

- Người cha với lời nói và hành động mang đến một thông điệp: sức mạnh của mỗi người là sức mạnh của bản thân và sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè. Biết tổng hợp sức mạnh từ những nguồn lực xung quanh sẽ đem đến thành công nhanh chóng hơn.

=> Bài học: Tự lực là cần thiết nhưng nếu không biết dựa vào sự giúp đỡ từ người khác khi cần thiết cũng khó thành công.

3. Bàn luận, mở rộng

- Tại sao con người cần tự lập:

+ Tự lập khiến con người chủ động trong cuộc sống của chính mình.

+ Tự lập khiến con người trở nên dũng cảm, có trách nhiệm và dám sống với những ước muốn và những hướng đi riêng của mình.

+ Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh nên tự lập chính là cách tốt nhất để ta luôn có được sự bình tâm trước những biến cố. Mặc dù vậy, trong một vài trường hợp đặc biệt, con người vẫn cần đến sự giúp đỡ của những người thân, bạn bè.

- Tại sao mỗi người nên nhận sự giúp đỡ của người khác?

+ Thực tế cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, bất ngờ vượt khỏi khả năng của mỗi cá nhân; có những vấn đề mà một mình ta không thể giải quyết được.

+ Mỗi người luôn có khát vọng được thành công trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên hiểu biết và năng lực của mỗi con người lại nằm trong giới hạn. Vì vậy con người cần hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

- Ý nghĩa của sự giúp đỡ từ người khác:

+ Sự thành công sẽ nhanh chóng và bền vững hơn.

+ Người nhận được sự giúp đỡ sẽ có thêm sức mạnh và niềm tin, hạn chế được phần lớn tỉ lệ rủi ro và thất bại.

+ Tạo lập mối quan hệ tốt đẹp, gắn kết giữa người với người, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay.

- Giúp đỡ không phải là làm thay giúp đỡ phải vô tư, chân thành, tự nguyện.

- Phê phán những người tự cao không cần đến sự giúp đỡ của người khác, những người ở lại, dựa dẫm vào người khác.

3. Bài học nhận thức và hành động

- Phải nhận thấy sức mạnh của cá nhân là sức mạnh tổng hợp.

- Chủ động tìm sự giúp đỡ và chỉ nhận sự giúp đỡ khi bản thân thực sự cần.

- Có thói quen giúp đỡ mọi người.

Câu 2:

1. Giới thiệu chung

* Giới thiệu về tác giả Phạm Tiến Duật:

- Là nhà thơ khoác áo lính, một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ thơ trẻ kháng chiến chống Mĩ.

- Hình tượng trung tâm trong thơ ông là người lính và cô thanh niên xung phong.

- Nghệ thuật: giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc.

- Tác phẩm: Viết năm 1969, được in trong “Vầng trăng quầng lửa”. Đoạn trích là ba khổ thơ cuối bài, thể hiện tình đồng đội keo sơm, gắn bó và ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của những người lính.

* Giới thiệu về tác giả Lê Minh Khuê

- Thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Tác giả tham gia thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác vào đầu những năm 70.

- Lê Minh Khuê thành công ở thể loại truyện ngắn:

+ Trong chiến tranh, hầu hết sáng tác tập trung viết về cuộc sống, chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn.

+ Sau 1975, sáng tác của Lê Minh Khuê bám sát những chuyển biến của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.

- Sáng tác của Lê Minh Khuê cuốn hút người đọc nhờ lối viết giản dị, tự nhiên, lối kể chuyện sinh động, khả năng phân tích tâm lí nhân vật chân thực, tinh tế.

- Tác phẩm được viết năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt.

2. Giải thích

Càng từng trải chiến tranh, càng chứng kiến nhiều hơn sức mạnh hủy diệt, sức mạnh biến tất cả thành tro bụi của nó, Kiên càng tin rằng chiến tranh không tiêu diệt được cái gì hết. Tất cả vẫn còn lại đó, y nguyên”.

=> Chiến tranh với những thứ vũ khí có sức tàn phá lớn, nó hủy diệt mọi thứ mà thực tế lại không hủy diệt được gì, đó là: đau thương, mất mát và hơn cả nó không thể hủy diệt sự dũng cảm, lòng yêu nước của thế hệ trẻ

3. Chứng minh

3.1. Không tiêu diệt được sự sôi nổi, trẻ trung, nhiệt huyết của tuổi trẻ

a. Bài thơ về tiểu đội xe không kính

- Tinh thần lạc quan, sôi nổi, tinh nghịch, trẻ trung

+ Giọng thơ têu nhộn, hài hước: “Không có”, “ừ thì có”.

+ Hiện thực: gió, bụi, mưa vốn khắc nghiệt bỗng mờ đi dưới sắc thái tươi vui, hóm hỉnh.

+ Cái nhìn lạc quan, mưa ngừng, miệng cười ha ha, trời xanh thêm.

- Tâm hồn lãng mạn:

+ Cảm nhận thiên nhiên như một người bạn nồng hậu, phóng khoáng: sao trời, cánh chim.

+ Như nhìn thấy “trời xanh thêm” phía cuối con đường. Họ lái chiếc xe không kính đến một chân trời đẹp đẽ.

b. Những ngôi sao xa xôi

- Họ là ba cô gái trẻ có nội tâm phong phú. Ở họ có những nét chung của cô gái hay mơ mộng, dễ xúc động, dễ vui, dễ buồn.

- Họ cũng rất nữ tính, thích làm đẹp dù ở chiến trường khói lửa. Nho thích thêu thùa, Thao chăm chép bài hát, Phương Định thích ngắm mình trong gương, ngồi bó gối mơ màng và thích hát.

- Cuộc sống ở chiến trường rất khó khăn nhưng họ vẫn luôn bình tĩnh, lạc quan, yêu đời. Trong hang vẫn vang lên tiếng hát của ba cô gái và những dự định về tương lai. Chiến tranh bom đạn không thể phá đi được những giây phút mơ mộng ấy. Đó còn là thời gian để nhớ về gia đình, về những kỉ niệm, là niềm vui của Nho và Phương Định khi thấy những cơn mưa đá.

3.2. Không tiêu diệt được tình đồng đội gắn bó khăng khít

a. Bài thơ về tiểu đội xe không kính

- Tình đồng đội sâu nặng:

+ Cử chỉ đơn sơ: “bắt tay” những người lính lái xe Trường Sơn đã chia sẻ cho nhau niềm tự hào, kiêu hãnh, đã bộc lộ sự đồng cảm sâu sắc, là lời động viên thầm lặng mà nồng nhiệt.

+ Sự gắn bó, đầm ấm, thân thương như trong một gia đình => Đây là những khoảnh khắc bình yên, hạnh phúc hiếm hoi trong cuộc đời người lính. Họ được quây quần bên nồi cơm nấu vội, được sống với những tình cảm êm đềm, ấm áp nhất

- Bữa cơm thời chiến đã xóa mọi khoảng cách giữa họ khiến họ có cảm giác gần gũi như ruột thịt.

b. Những ngôi sao xa xôi

- Tình đồng đội keo sơn, gắn bó:

+ Tình cảm ấy nằm trong sự chân thành, dứt khoát khi ai cũng muốn giành phần nguy hiểm, gian khổ về mình. Phương Định lo lắng, bồn chồn khi chờ Thao và Nho đi trinh sát trên cao điểm với nỗi lo lắng hai bạn không về

+ Tình cảm ấy nằm trong sự lo lắng, cử chỉ chăm sóc khi Nho bị thương, Phương Định tận tình cứu chữa, chị Thao luống cuống không cầm được nước mắt.

+ Tình cảm ấy còn được thể hiện trong sự nể phục, kính trọng những chiến sĩ mà họ gặp trên đường.

3.3. Không tiêu diệt được lòng dũng cảm, sẵn sàng hi sinh và lòng yêu nước nồng nàn

a. Bài thơ về tiểu đội xe không kính

- Phong thái ung dung, hiên ngang, dũng cảm:

+ Đảo ngữ tô đậm sự ung dung, bình thản, điềm tĩnh đến kì lạ.

+ Điệp từ “nhìn”, thủ pháp liệt kê và lối miêu tả nhìn thẳng, không né tránh gian khổ, hy sinh, sẵn sàng đối mặt với gian nan, thử thách.

- Vẻ đẹp của lí tưởng cách mạng:

+ Vì miền Nam, vì một ngày chiến thắng không xa, nước nhà độc lập, đất nước thống nhất hai miền

+ Trái tim: Hoán dụ cho tất cả con người với sức lực, tâm huyết dành trọn cho đất nước. Đồng thời cũng là hình ảnh ẩn dụ cho tinh thần trách nhiệm, ý chí chiến đấu.

=> Tiêu biểu cho vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mĩ, là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời chống Mĩ.

b. Những ngôi sao xa xôi

- Có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ:

+ Có lệnh là họ lên đường, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ phá bom mở đường cho những đoàn xe nối đuôi nhau ra tiền tuyến và về đích an toàn.

+ Trong khi phá bom họ chỉ quan tâm đến một điều duy nhất: Liệu bom có nổ không, nếu không thì làm cách nào để bom nổ. Như vậy, với họ nhiệm vụ còn quan trọng hơn tính mạng bản thân.

- Gan dạ, dũng cảm, không sợ hy sinh:

+ Cuộc sống trong bom đạn chiến tranh cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, song họ chưa bao giờ thấy ám ảnh, chưa bao giờ phải trằn trọc đêm đêm, cái chết đối với họ là một khái niệm rất mờ nhạt, không cụ thể.

+ Lòng dũng cảm còn thể hiện qua sự kiên cường trong chiến đấu:

-- Chị Thao rất gan dạ, ai cũng phải phát bực về cái tính bình tĩnh đến lạ của chị.

-- Nho khi máu thấm ra đỏ đất, vẫn bình tĩnh không một tiếng kêu, không cho ai được khóc, không cho ai gọi về đơn vị

-- Phương Định bình tĩnh gan dạ, nhất định không chịu đi khom.

4. Tổng kết, đánh giá

- Cả hai tác phẩm đã tái hiện chân thực cuộc sống đầy khó khăn nơi chiến trường, nhưng đồng thời làm ánh lên vẻ đẹp phẩm chất ngời sáng đó là lòng dũng cảm, tình đồng đội keo sơn và lòng yêu nước nồng nàn. Những tình cảm đẹp đẽ đó, bom đạn chiến tranh mãi mãi không thể xóa nhòa, vui lấp.

- Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, giàu cảm xúc.

Xem thêm:

+ Đáp án đề thi Sinh chuyên vào lớp 10 THPT chuyên Sư phạm Hà Nội 2018
+ Đề thi Văn vào lớp 10 THPT chuyên Sư phạm Hà Nội 2018
+ Đáp án đề Toán thi vào lớp 10 chuyên Sư phạm Hà Nội 2018 - 2019

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM