Trang chủ

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 Quảng Ngãi

Xuất bản: 17/07/2020 - Cập nhật: 04/06/2021 - Tác giả:

Đáp án đề thi môn Văn vào 10 Quảng Ngãi 2020 gồm lời giải chi tiết các câu hỏi trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 Quảng Ngãi.

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 Quảng Ngãi và đáp án được ĐọcTàiLiệu cập nhật giúp các em học sinh tham khảo, so sánh kết quả với bài thi của mình.

NEWĐáp án đề thi vào 10 môn văn Quảng Ngãi năm 2021

Đề thi vào lớp 10 năm 2020

Chi tiết đề thi vào lớp 10 môn Văn của tỉnh Quảng Ngãi như sau:

Sở GD&ĐT Quảng Ngãi

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10

NĂM HỌC: 2020 - 2021

Môn: Văn

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm).

Đọc đoạn trích:

   Lòng tự trọng nằm ngay trong bản thân mỗi người. Nó là nguời thầy, người bạn, người hộ vệ thân thiết và chân thành nhất của chúng ta. Lòng tự trọng giúp ta biết cách hành xử đúng mực cũng như luôn dũng cảm trong việc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác.

   Mọi sự khôn ngoan đều bắt đầu từ lòng tự trọng. Với lòng tự trọng, bạn sẽ trở nên năng động và can đảm, sẵn sàng tiến về phía trước để mở lối cho những người đi sau. Lòng tự trọng, bắt nguồn từ việc bạn yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình. Quả thật, nếu không tôn trọng chính mình, làm sao bạn có thể học cách yêu thương và tôn trọng người khác.

(Goerge Matthew Adams - Không gì là không thể, Thu Hằng dịch, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2017, tr. 27)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. (0,5 điểm) Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. (0,5 điểm) Trong đoạn trích, từ “nó” được dùng để thay thế cho từ ngữ nào?

Câu 3. (1,0 điểm) Dựa vào đoạn trích, em hãy cho biết: Nếu không có lòng tự trọng, con người sẽ trở nên như thế nào?

Câu 4. (1,0 điểm) Em có đồng ý với ý kiến “Lòng tự trọng bắt nguồn từ việc bạn yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình" không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn nghị luận (từ 7 đến 10 câu) về lòng tự trọng của người học sinh trong học tập và rèn luyện.

Câu 2. (5,0 điểm) Trong Truyện Kiều, nhà thơ Nguyễn Du đã gợi tả nhân vật Thúy Kiều:

Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc vẫn là phần hơn.

Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai.

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm.

Cung, thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên chương,

Một thiên “Bạc mệnh” lại càng não nhân.

(Trích Chị em Thúy Kiều, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr.81)

Em hãy trình bày cảm nhận về những vẻ đẹp của nhân vật Thúy Kiều trong đoạn thơ trên.

Đáp án đề tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn Quảng Ngãi 2020

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm).

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2. Từ “nó” được dùng để thay thế cho từ ngữ: lòng tự trọng.

Câu 3. Nếu không có lòng tự trọng, con người sẽ trở nên vị kỷ, hèn hạ, sống giả dối, không biết cách yêu thương và tôn trọng người khác.

Câu 4. (1,0 điểm) Em có đồng ý với ý kiến “Lòng tự trọng bắt nguồn từ việc bạn yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình" không? Vì sao?

Học sinh nêu quan điểm của mình:

Gợi ý: Đồng ý: Vì nếu bạn không biết yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình thì bạn cũng chẳng thể yêu thương và tôn trọng người khác.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

- Hình thức: đoạn văn nghị luận (từ 7 đến 10 câu)

- Vấn đền nghị luận: lòng tự trọng của người học sinh trong học tập và rèn luyện.

Dàn ý:

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: lòng tự trọng là cần thiết đối với mỗi người học sinh trong học tập và rèn luyện.

- Giải thích: Lòng tự trọng là ý thức biết coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của chính mình.

- Biểu hiện của lòng tự trọng

+ Người có lòng "tự trọng" là người luôn biết bản thân mình là ai, mình sinh ra trên cuộc đời này để làm gì?. Điều đó được biểu hiện ở chỗ, bạn biết bản thân mình có những điểm mạnh, điểm yếu nào từ đó bạn biết cách phát huy điểm mạnh và luôn cố gắng tìm cách khắc phục điểm yếu.

+ Để làm được điều đó, trước hết bạn cần cố gắng giữ gìn các phẩm chất đạo đức, luôn tôn trọng thầy cô và giữ mối quan hệ hòa nhã với bạn bè. Đặc biệt, bạn luôn phải trung thực với chính bản thân mình và những người xung quanh. Tuyệt đối không được quay cóp, gian lận trong khi làm bài kiểm tra, bởi nếu bị thầy cô phát hiện bạn đã tự mình đánh mất đi lòng tự trọng của chính mình.

+ Trong học tập và rèn luyện, bạn cần nỗ lực cố gắng tìm tòi, học hỏi để bổ sung và hoàn thiện kiến thức, hơn nữa bạn cần đặt ra cho mình mục tiêu phấn đấu và lập kế hoạch để đạt được mục tiêu đó, dù khó khăn cũng không được nản trí.

- Phản đề:

+ Tuy nhiên trong xã hội tồn tại không ít người đánh mất lòng tự trọng, làm những việc trái với đạo đức, với lương tâm.

+ Rất nhiều học sinh bây giờ xúc phạm thầy cô giáo, không coi thầy cô ra gì, bỏ ngoài tai những lời giảng, lời khuyên chân thành. Vì họ đã đánh mất lòng tự trọng nên họ mới ứng xử thiếu chừng mực như vậy.

- Bài học nhận thức và hành động: Lòng tự trọng làm nên giá trị bản thân của học sinh, giúp em hướng đến những chuẩn mực chung của xã hội, làm những điều tốt đẹp, suy nghĩ những điều thiện, những điều tích cực...

Câu 2.

1. Mở bài

- Truyện Kiều ngoài vấn đề cơ bản về xã hội, còn có thể xem như một tiểu thuyết diễm tình.

- Bên cạnh nghệ thuật miêu tả đặc sắc về thiên nhiên trữ tình, miêu tả sâu sắc tâm trạng nhân vật, Nguyễn Du còn bộc lộ tài năng miêu tả vẻ đẹp hình thể con người bằng một ngòi bút hết sức tinh tế. Đặc biệt, vẻ đẹp của Thúy Kiều được khắc họa là một điển hình về ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du.

2. Thân bài: 

Nguyễn Du để Kiều xuất hiện, đến hoa kia, liễu nọ cũng phải ghen hờn. Vương Thuý Kiều - tuyệt sắc giai nhân “nghiêng thành, nghiêng nước”, làm say đắm lòng người yêu văn chương Việt Nam, nhưng cũng xót đau cho một khách tài hoa vì đời nàng gắn liền với “thiên bạc mệnh”.

Kiều càng sắc sảo mặn mà

Xem bề tài sắc lại là phần hơn 

- Dòng thơ đầu khái quát đặc điểm nhân vật, dòng thơ sau so sánh Kiều với Vân. Tuy mỗi người mỗi vẻ nhưng Kiều vẫn “Xem bề tài sắc lại là phần hơn”.

- Nét vẽ của thi nhân đã tập trung gợi tả vẻ đẹp của đôi mắt, bởi đôi mắt là sự thể hiện phần tinh anh của tâm hồn và trí tuệ. Cái sắc sảo của trí tuệ, cái mặn mà của tâm hồn đều liên quan tới đôi mắt. Hình ảnh ước lệ làn thu thủy (làn nước mùa thu) gợi lên thật sống động vẻ đẹp của đôi mắt trong sáng, long lanh, linh hoạt; còn hình ảnh ước lệ nét xuân sơn (nét núi mùa xuân) lại gợi lên đôi lông mày thanh tú trên gương mặt trẻ trung.

- Vẻ đẹp của Kiều là phi thường, lộng lẫy, không tạo nên sự hài hòa, êm đềm giữa con người với tự nhiên mà đến mức làm thiên nhiên, tạo hóa phải đố kị, ghen ghét: hoa ghen, liễu hờn. Hai động từ ghen và hờn có dụng ý đối chọi với nhan sắc của Thúy Kiều. Mức độ so sánh mạnh, gay gắt hơn so với hai từ thua và nhường. Điều đó chứng tỏ nhan sắc của Kiều đã vượt ra ngoài khuôn khổ ngoài tưởng tượng, ngoài quy luật của tự nhiên, khiến cho tạo hóa phải ganh ghét.

- Vẻ đẹp của Thúy Kiều còn có sức lôi cuốn mạnh mẽ, làm nghiêng nước nghiêng thành, vẻ đẹp của Kiều không có thang bậc nào cao hơn để đánh giá, cho nên xếp hàng đầu, xếp thứ nhất. Câu thơ sắc đành đòi một tài dành họa hai đã khẳng định tuyệt đối sắc đẹp của Kiều đến mức độc nhất vô nhị, không ai có thể sánh nổi.

- Nhưng không chỉ có nhan sắc mà Thúy Kiều còn là một cô gái thông minh và rất mực tài hoa:

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thường lầu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên chương,

Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.

+ Trí tuệ, tài năng của Thúy Kiều cũng được Nguyễn Du đẩy lên tới cực đoan, tuyệt đỉnh: vừa do trời phú, thiên bẩm vừa đa dạng, cái gì cũng giỏi, cũng hơn người. Không cần học hành gian khổ, lớn lên Kiều đã trở thành một giai nhân tuyệt sắc, một tài nữ hiếm thấy. Các từ ngữ tuyệt đối, cực đoan được sử dụng kế tiếp: vốn sẵn, pha nghề, đủ mùi, lầu, ăn đứt,...

+ Tài của Kiều đạt tới mức lí tưởng theo quan niệm thẩm mĩ phong kiến, gồm đủ cả cầm (đàn), kì (cờ), thi (làm thơ), họa (vẽ tranh). Đặc biệt, tài đàn của nàng đã là sở trường, năng khiếu (nghề riêng), vượt lên trên mọi người (ăn đứt). Cực tả cái tài của Kiều cũng là để ca ngợi cái tâm đặc biệt của nàng. Cung đàn Bạc mệnh mà Kiều sáng tác chính là sự ghi tiếng lòng của một trái tim đa sầu, đa cảm.

3. Kết bài

- Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp của cả sắc - tài - tình. Nhưng xét cho cùng thì tài hoa của Kiều cũng không vượt ra ngoài khuôn khổ quan niệm về tài năng của văn nhân, tài tử thời phong kiến.

-/-

Các môn thi khác

  • Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán năm 2020 Quảng Ngãi
  • Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Anh năm 2020 Quảng Ngãi

Trên đây là toàn bộ nội dung của đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 trong tuyển tập đề thi vào 10 môn văn Quảng Ngãi được Đọc Tài Liệu thực hiện sau khi kì thi chính thức diễn ra. Với nội dung môn này các em có thể so sánh đối chiếu kết quả bài thi của mình!

Mong rằng những tài liệu của chúng tôi sẽ là người đồng hành hữu ích với bạn trong kỳ thi này!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM