Trang chủ

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Bạc Liêu 2024-2025 có đáp án

Xuất bản: 23/05/2024 - Tác giả:

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Bạc Liêu 2024-2025 có đáp án với hướng dẫn tham khảo chi tiết cùng tuyển tập đề thi vào 10 môn Văn Bạc Liêu các năm

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2024/2025 chính thức từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu kèm đáp án chi tiết được cập nhật nhanh nhất bên dưới. Mời bạn đọc tham khảo!

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Bạc Liêu 2024

Đáp án tham khảo:

I. PHẦN ĐỌC- HIỂU (7,0 điểm)

Câu 1.

a) Thể thơ tự do

b) Lời dẫn trực tiếp trong đoạn thơ thứ nhất: “Ai bảo chăn trâu là khổ?”

c)

Thành phần phụ trú trong đoạn thơ thứ 2:

+ có ai ngờ!

+ thương thương quá đi thôi!

Câu 2. Tuổi thơ của nhân vật trữ tình là một tuổi thơ vô tư, hồn nhiên với những trò chơi, hành động và cảm xúc rất trẻ con.

Câu 3. 

Học sinh tự trình bày cảm xúc cá nhân, chú ý có lý giải. Dưới đây là gợi ý:

- Tinh thần bất khuất, kiên cường của người lính tiến lên cùng cách mạng.

- Xúc động trước giây phút chia tay mẹ ra đi bảo vệ Tổ quốc.

- Niềm tự hào nói chung về những con người trong thời đại chiến tranh với lý tưởng bảo vệ Tổ quốc cao đẹp.

II. PHẦN LÀM VĂN (13,0 điểm)

Câu 1

A. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: kí ức tuổi thơ đối với mỗi người.

B. Làm rõ vấn đề:

- Giải thích Kí ức tuổi thơ: những kỉ niệm thời thơ ấu khi chúng ta còn bé, vô lo vô nghĩ, hồn nhiên vui chơi tinh nghịch.

- Phân tích

+ Mỗi con người ai cũng có tuổi thơ của riêng mình, cũng trải qua những năm tháng trẻ con vui tươi, hồn nhiên, những kỉ niệm đó sẽ theo chúng ta đến suốt cuộc đời, góp phần làm hoàn thiện tính cách, lối sống của bản thân sau này.

+ Kí ức tuổi thơ có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi con người, mỗi người đều có những kỉ niệm cho riêng mình.

+ Người không có tuổi thơ, không có kí ức đẹp là những người có tâm hồn nghèo nàn, sau này khi nhìn lại không có gì đáng nhớ tạo ra sự trống rỗng.

- Chứng minh

+ Học sinh tự lấy dẫn chứng về tầm quan trọng của kí ức đối với cuộc sống của con người.

+ Tuy nhiên trong cuộc sống cũng có những kí ức đau buồn của thời trẻ mà con người ta muốn quên đi, nó là vết thương lớn theo ta đến suốt đời. Lại có những người thu mình trong một góc từ nhỏ, ít giao lưu, những người này sẽ có ít kí ức để nhớ về.

C. Kết đoạn: Khái quát lại vai trò, tầm quan trọng của kí ức tuổi thơ đối với mỗi người; đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Câu 2

I. Mở bài

Giới thiệu tác giả Kim Lân và truyện ngắn Làng: Nhà văn Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn, ông vốn am hiểu và gắn bó sâu rộng với cuộc sống nông thôn, Làng là truyện ngắn xuất sắc của ông.

Dẫn dắt nội dung nghị luận: diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng - truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Kim Lân.

II. Thân bài

1. Khái quát về nhân vật và tình huống nảy sinh sự chuyển biến tâm trạng của ông Hai

- Nhân vật ông Hai người nông dân yêu, tự hào về làng, mọi niềm vui, nỗi buồn của ông đều xoanh quay chuyện làng chợ Dầu.

- Nhân vật được đặt trong tình huống ngặt nghèo có tính thử thách để nhân vật bộc lộ tâm trạng, tình yêu làng của mình: ở nơi tản cư, ông Hai nghe tin làng chợ Dầu theo giặc làm Việt gian.

2. Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai

- Ông tìm nghe tin tức về kháng chiến “chẳng sót một câu nào”. Nghe được nhiều tin hay, những tin chiến thắng của quân ta, ruột gan ông cứ múa cả lên, náo nức, bao nhiêu ý nghĩ vui thích chen chúc trong đầu óc.
⇒ Đó là biểu hiện tình yêu làng của người nông dân trước thành quả của cách mạng, của làng quê.

- Khi đang vui mừng tin thắng trận ở khắp nơi thì ông Hai nghe tin dữ: làng chợ Dầu theo giặc làm Việt gian, ông bất ngờ, choáng váng (Cổ ông nghẹn ắng lại như không thở được).

- Ông cố trấn tĩnh bản thân, ông hỏi lại như thể không tin vào những điều vừa nghe thấy nhưng người phụ nữ tản cư khẳng định chắc chắn khiến ông Hai sững sờ, ngượng ngùng, xấu hổ (ông cố làm ra vẻ bình thản, đánh trống lảng ra về).

- Về tới nhà ông tủi hổ, lo lắng khi thấy đàn con ( nước mắt lão cứ dàn ra, chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư?): Niềm tin, sự ngờ vực giằng xé mạnh trong tâm trạng ông Hai.

- Nghe thấy tiếng chửi bọn Việt gian “ông cúi gằm mặt xuống mà đi”, nỗi tủi hổ khiến ông không dám ló mặt ra ngoài

- Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, thấy đám đông tụ tập nhắc tới hai chữ Cam nhông, Việt gian ông lại chột dạ.

→ Tác giả diễn đạt cụ thể nỗi lo lắng, sợ hãi tới mức ám ảnh thường xuyên của ông Hai, trong tâm trạng ông lúc nào cũng thường trực nỗi đau xót, tủi hổ trước tin làng mình theo giặc.

- Tình yêu làng quê và tình yêu làng trong ông có cuộc xung đột lớn, gay gắt. Ông Hai dứt khoát chọn theo cách mạng “Làng yêu thì yêu thật, nhưng làng theo giặc thì phải thù”.

+ Tình yêu nước rộng lớn bao trùm lên tình yêu làng, dù xác định như thế nhưng trong lòng ông vẫn chan chứa nỗi xót xa, tủi hổ.

+ Ông Hai tiếp tục rơi vào bế tắc, tuyệt vọng khi mụ chủ nhà đánh tiếng đuổi gia đình ông đi nơi khác.

- Đoạn văn diễn tả cảm động, chân thật nỗi đau sâu xa trong lòng và sự chân thành của nhân vật ông Hai.

- Ông Hai chỉ biết tâm sự nỗi lòng mình với đứa con chưa hiểu sự đời. Lời nói của ông với con thực chất là lời nói để ông tỏ lòng mình: nỗi nhớ, tình yêu làng, sự thủy chung với kháng chiến, cách mạng.

- Khi nghe tin cải chính, ông Hai như sống lại, mọi nỗi xót xa, tủi hờn, đau đớn tan biến, thay vào đó là niềm hân hoan, hạnh phúc hiện lên trên khuôn mặt, cử chỉ, điệu cười của ông (dẫn chứng trong văn bản).

3. Thành công nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật

- Đặt tâm trạng nhân vật vào tình huống thử thách để khai thác chiều sâu tâm trạng.

- Thể hiện tâm trạng nhân vật tài tình, cụ thể qua non ngữ đối thoại, độc thoại, và độc thoại nội tâm qua ý nghĩ, hành vi, cử chỉ.

- Ngôn ngữ đậm chất khẩu ngữ và lời ăn tiếng nói của người nông dân, và thế giới tinh thần của người nông dân

III. Kết bài

- Tâm trạng nhân vật ông Hai được thể hiện qua nhiều cung bậc tinh tế, chân thật, đa dạng: diễn tả đúng, gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh, day dứt trong tâm trạng nhân vật.

- Ông Hai là người yêu làng mạnh mẽ, say sưa, hãnh diện thành thói quen khoe làng, qua tình huống thử thách tình cảm đó càng trở nên sâu sắc hơn.

- Chứng tỏ Kim Lân am hiểu sâu sắc về người nông dân và thế giới tinh thần của họ.

Đề thi chi tiết như sau:



Trích dẫn:

I. PHẦN ĐỌC- HIỂU (7,0 điểm)

Đọc ngữ liệu và trả lời các câu hỏi sau:

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:

“Ai bảo chăn trâu là khổ?”

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

Những ngày trốn học

Đuổi bướm cầu ao

Mẹ bắt được...

Chưa đánh roi nào đã khóc!

Có cô bé nhà bên

Nhìn tôi cười khúc khích...

***

Cách mạng bùng lên

Rồi kháng chiến trường kỳ

Quê tôi đầy bóng giặc

Từ biệt mẹ tôi đi

Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)

Cũng vào du kích

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)

(Trích Quê hương, Giang Nam, nguồn www.thivien.net)

Câu 1 (3,0 điểm)

a) Văn bản trên được viết theo thể thơ gì? (1,0 điểm)

b) Chỉ ra lời dẫn trực tiếp được thể hiện trong đoạn thơ thứ nhất. (1,0 điểm)

c) Xác định thành phần phụ chú trong đoạn thơ thứ hai. (1,0 điểm)

Câu 2 (2,0 điểm): Tuổi thơ của nhân vật trữ tình tôi được hiện lên như thế nào trong những câu thơ sau: “Những ngày trốn học/ Đuổi bướm cầu ao/ Mẹ bắt được... Chưa đánh roi nào

đã khóc!”?

Câu 3 (2,0 điểm): “Cách mạng bùng lên/ Rồi kháng chiến trường kỳ/ Quê tôi đầy bóng

giặc/ Từ biệt mẹ tôi đi”.

Những lời tâm sự của chàng trai trong đoạn thơ trên gợi cho em cảm xúc gì? Vì sao em có những cảm xúc đó?

II. PHẦN LÀM VĂN (13,0 điểm)

Câu 1 (5,0 điểm): Từ ngữ liệu phần đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của những kí ức tuổi thơ đối với mỗi người.

Câu 2 (8,0 điểm): Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai trong đoạn trích sau:

Ông lão nghe chẳng sót một câu nào. Bao nhiêu là tin hay. Một em nhỏ trong ban tuyên truyền xung phong bơi ra giữa hồ Hoàn Kiếm cắm quốc kỳ lên Tháp Rùa. "Đây, cứ kêu chúng nó là trẻ con mãi đi, liệu đã bằng chúng nó chưa?". Một anh trung đội trưởng sau khi giết được bảy tên giặc đã tự sát bằng một quả lựu đạn cuối cùng. Đội nữ du kích Trưng Trắc giả làm người đi mua hàng đã bắt sống một tên qua hai bốt Thao ngay giữa chợ. “Khiếp thật, tinh những người giỏi cả". Lại còn bao nhiêu tin đột kích nữa,chỗ này giết được năm Pháp với hai Việt gian; chỗ kia phá đổ một xe tăng và một xe díp. “Cứ thế chỗ này giết một tí,chỗ kia giết một tí, cả súng ống cũng vậy, hôm nay dăm khẩu, ngày mai dăm khẩu, tích tiểu thành đại, làm gì mà thằng Tây không bước sớm". Ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá!

(Lược thuật một đoạn: Ông lão náo nức bước ra khỏi phòng thông tin, rẽ vào quán dặn vợ mấy việc rồi đi thẳng ra lỗi huyện cũ Ở đây, ông vào quán nước để hỏi thăm, nghe ngóng tin tức về làng Chợ Dầu của ông từ những người tản cư mới ở dưới xuôi lên.)

Ông Hai quay phắt lại lắp bắp hỏi:

- Nó...Nó vào làng Chợ Dầu hả bác? Thế ta giết được bao nhiêu thằng?

Người đàn bà ẵm con cong môi lên đỏng đảnh:

- Có giết được thằng nào đâu. Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây còn giết gì nữa!

Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi:

- Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại ...

(Lược thuật một đoạn: Mọi người khẳng định tin làng Chợ Dầu theo Tây là chính xác. Họ còn mỉa mai “tinh thần hăng hái” của làng Chợ Dầu. Ông Hai vờ vờ đứng lảng sang chỗ khác, rồi đi thẳng. Nhưng tiếng cười nói xôn xao của đám người mới tản cư lên ấy vẫn dõi theo và tiếng chửi của người đàn bà về sự việc làng Chợ Dầu theo giặc vẫn bám theo ông.)

Ông Hai cúi gằm mặt xuống mà đi. Ông thoáng nghĩ đến mụ chủ nhà.

Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra gường, mấy đứa trẻ hôm nay thấy bố có vẻ khác, len lét đưa nhau ra đầu nhà chơi sậm chơi sụi với nhau.
Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu... Ông lão nắm chặt hai tay lại mà rút lên:

- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.”

(Trích Làng, Kim Lân, Ngữ Văn 9, tập 1, NXB Giáo Dục Việt Nam 2022, trang 164-166)

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Bạc Liêu 2023

Đề thi và đáp án môn Văn kỳ thi vào lớp 10 năm 2023 tại tỉnh Bạc Liêu sẽ được Đọc Tài Liệu cập nhật ngay khi môn thi kết thúc.

(Đáp án của chúng tôi chỉ mang tính chất tham khảo).

ĐỀ THI

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (7,0 điểm)

Đọc ngữ liệu và trả lời các câu hỏi sau:

Việc tử tế không phải là những gì to tát, phi thường mà đôi khi chỉ là một hành động nhỏ bé nhưng vô cùng giá trị như câu chuyện được lan truyền trên mạng xã hội của cậu bé Đạt “thông cống” khi trời mưa, câu chuyện của nữ sinh nhặt được của rơi trả người đánh mất, cụ bà 80 tuổi với kinh nghiệm 20 năm vá đường không công, sư thầy nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi… Hay đơn giản, việc tử tế chỉ là hành động thể hiện thái độ sống tích cực, hành động kính trên nhường dưới, có trước có sau, dắt cụ bà qua đường, nhặt rác nơi công cộng…

Việc tử tế không phải một ngày, cũng không phải một tháng, một năm mà là toàn bộ thời gian chúng ta đang sống. Vì vậy, hãy tiếp tục lan tỏa những việc làm tử tế mỗi ngày để góp phần xây dựng một cuộc sống tốt đẹp và nhân văn hơn.

(Theo Quang Vũ – Trải lòng về việc tử tế - Nguồn: kenh14.vn đăng ngày 6/6/2020)

Câu 1 (3,0 điểm)

a) Xác định phương thức biểu đạt chính (1,0 điểm)

b) Theo tác giả, những hành động nhỏ bé nhưng "vô cùng giá trị ... được lan truyền trên mạng xã hội" là những câu chuyện nào?

c) Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn sau: "Hay đơn giản, việc tử tế chỉ là hành động thể hiện thái độ sống tích cực, hành động kính trên nhường dưới, có trước có sau, dắt cụ bà qua đường, nhặt rác nơi công cộng…" (1,0 điểm)

Câu 2 (2,0 điểm): Nêu nội dung chính của ngữ liệu trên.

Câu 3 (2,0 điểm) Em có đồng tình với tác giả rằng "Việc tử tế không phải một ngày, cũng không phải một tháng, một năm mà là toàn bộ thời gian chúng ta đang sống."? Vì sao?

II. PHẦN LÀM VĂN (13,0 điểm)

Câu 1 (5,0 điểm) Từ ngữ liệu phần đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của những việc tử tế.

Câu 2 (8,0 điểm)

Cảm nhận về đoạn thơ sau:

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi

Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái.

(Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017,tr.131)

Hết

ĐÁP ÁN

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1 (3,0 điểm)

a) Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

b)

Theo tác giả, những câu chuyện nhỏ bé nhưng vô cùng giá trị được lan truyền trên mạng xã hội là:

- Câu chuyện về cậu bé Đạt thông cống khi trời mưa.

- Câu chuyện nữ sinh nhặt được của rơi trả lại người mất.

- Ông lão nông dân 70 tuổi với công việc 20 năm vá đường không công.

- Sư thầy nhận nuôi hàng trăm trẻ mồ côi.

c)

- Biện pháp nghệ thuật: Liệt kê

- Tác dụng:

+ Nhấn mạnh những hành đơn giản, diễn ra hàng ngày nhưng lại thể hiện sự tử tế.

+ Từ đó kêu gọi hãy làm việc tử tế từ những điều nhỏ bé nhất.

Câu 2: Nội dung chính của ngữ liệu trên: Việc tử tế không phải là những gì to tát, phi thường mà đôi khi chỉ là một hành động nhỏ bé nhưng vô cùng giá trị.

Câu 3. Học sinh chọn đồng ý hoặc không đồng ý và đưa ra lý giải hợp lệ.

- Đồng ý vì làm việc tử tế không phải chỉ làm một lần, hai lần mà phải là cả cuộc đời, bằng những việc làm và hành động vô cùng đơn giản. Như vậy chúng ta mới có thể trưởng thành mỗi ngày, cảm thấy sống có ý nghĩa hơn và xã hội cũng sẽ ngày càng lan tỏa nhiều hơn những tấm gương người tốt việc tốt…

- Không đồng tình. Lí giải.

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1:

1. Giới thiệu vấn đề: ý nghĩa của những việc tử tế

2. Giải thích

- Việc tử tế: tấm lòng lương thiện, phẩm chất tốt đẹp của con người, luôn hướng đến mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, sẵn sàng sẻ chia với người khác.

3. Bàn luận

- Ý nghĩa của việc sống tử tế:

+ Làm việc tử tế sẽ giúp con người cũng như xã hội ngày càng phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn.

+ Làm việc tử tế giúp đỡ những người xung quanh ta vượt qua khó khăn, cảm nhận được tình yêu thương từ những người xung quanh, từ đó có niềm tin hơn với cuộc sống.

+ Làm việc tử tế cũng giúp bản thân sống một cuộc đời hạnh phúc, thanh thản.

+ Làm việc tử tế sẽ là tấm gương tốt để mọi người noi theo, từ đó xây dựng một xã hội tử tế, văn minh. Học sinh tự lấy dẫn chứng phù hợp: VD: Chương trình nấu ăn cho em – Đen.

- Trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại,...

4. Tổng kết vấn đề.

Câu 2:

1. Mở bài:

- Giới thiệu chung về tác giả Phạm Tiến Duật và bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

- Giới thiệu 2 khổ thơ đầu:

+ Chân dung chiếc xe không kính.

+ Chân dung người lính lái xe.

2. Thân bài:

2.1 Hình ảnh tiểu đội xe không kính:

- Được giới thiệu rất độc đáo: “Không có kinh không phải vì xe không có kính”:

+ Là lời giải thích của người lính về chiếc xe không kính.

+ Chứa đựng tâm trạng xót tiết, xuýt xoa, lại có chút phân bua, thanh minh. Tâm trạng này dễ hiểu vì với người lính lái xe chiếc xe là niềm tự hào, là phương tiện để góp sức cho chiến tuyến, góp phần làm nên chiến thắng chung.

- Miêu tả chân thực và sinh động: Không kính

-> Gợi: Sự khốc liệt của chiến trường; sự gian khổ khi lái xe; sự gan góc, kiên cường của người lính lái xe.

- Giúp người lính lái xe phát hiện ra chất thơ giữa đời thường:

+ Giúp người lính chan hòa với thiên nhiên.

+ Giúp họ nối kết tình đồng đội.

+ Tìm được những phút giây vui vẻ, hồn nhiên nhất.

=> Là một hình ảnh rất thực, không hiếm trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ. Là hình ảnh đặc sắc, độc đáo trong thơ Phạm Tiến Duật nói riêng và thơ ca kháng chiến chống Mĩ nói chung. Nó vừa là biểu tượng cho sự tàn phá của chiến tranh, lại vừa là hình ảnh đẹp đẽ, nên thơ ngay trong cuộc chiến ác liệt.

2.2. Hình ảnh người lính lái xe Trường Sơn:

* Được khắc họa trên nền của cuộc chiến tranh ác liệt:

- "Bom giật, bom rung”, “bom rơi"

- Những chiếc xe không kính:

+ Gợi vùng đất chìm trong khói lửa chiến tranh, mưa bom, bão đạn không một chút bình yên.

+ Gợi những hiểm nguy, mất mát, hy sinh của cuộc đời người lính.

* Vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn:

- Phong thái ung dung, hiên ngang, dũng cảm:

+ Đảo ngữ: tô đậm sự ung dung, bình thản, điềm tĩnh đến kì lạ.

+ Điệp từ “nhìn”, thủ pháp liệt kê và lối miêu tả nhìn thẳng, không né tránh gian khổ, hy sinh, sẵn sàng đối mặt với gian nan, thử thách.

- Tâm hồn lãng mạn: Cảm nhận thiên nhiên như một người bạn nồng hậu, phóng khoáng: sao trời, cánh chim.

3. Kết bài: Tổng kết vấn đề.

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Bạc Liêu 2022


ĐÁP ÁN

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: (3,0 điểm)

a. Chỉ ra và gọi tên phép liên kết hình thức trong đoạn in đậm. (1,0 điểm)

Trả lời: Phép nối: "Hơn bao giờ hết"

b. Chỉ ra và gọi tên thành phân biệt lập trong câu văn sau: “Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) đang đi đến những ngày thi đấu cuối cùng". (1,0 điểm)

Trả lời:

Thành phần phụ chú: (SEA Games 31)

c. Tìm từ Hán Việt được sử dụng trong câu văn: “Những lá quốc kỳ của các quốc gia ... đang tiếp tục tung bay trên bầu trời Hà Nội và một số địa phương lân cận”. (1,0 điểm)

Trả lời:

Từ Hán Việt: quốc kỳ, quốc gia, địa phương.

Câu 2: (2,0 điểm)

Nêu nội dung chính của đoạn (1).

Trả lời:

Nội dung chính: Bầu không khí thể thao cuồng nhiệt, sôi động của Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31

Trả lời:

Câu 3: (2,0 điểm)

Em có đồng ý với quan điểm được nêu trong câu văn: “Thể thao luôn là nhịp cầu kết nối con người với con người, quốc gia, dân tộc với quốc gia, dân tộc” không? Vì sao?

Trả lời:

Bày tỏ quan điểm của bản thân, lý giải hợp lý.

II. TẬP LÀM VĂN

Câu 1

a. Yêu cầu hình thức: Viết đúng một đoạn văn khoảng 200 chữ

b. Yêu cầu nội dung:

* Xác định đúng vấn đề nghị luận: Lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ.

- Giải thích: Lòng nhiệt huyết là thái độ hăng say, hăng hái, say mê khi làm một công việc nào đó.

- Lòng nhiệt huyết là yếu tố cần thiết ở tuổi trẻ hiện nay. Người có lòng nhiệt huyết sẽ có thái độ làm việc nghiêm túc, chỉn chu. Từ đó đưa đến hiệu quả công việc cao.

- Ý nghĩa của lòng nhiệt huyết:

+ Lòng nhiệt huyết đưa chúng ta tới gần hơn với ước mơ, khát vọng của bản thân.

+ Lòng nhiệt huyết giúp chúng ta có thể vượt qua những khó khăn thử thách.

+ Lòng nhiệt huyết là bước đệm để hoàn thiện bản thân tốt hơn.

- Liên hệ mở rộng: Bản thân cần giữ ngọn lửa nhiệt huyết trong cuộc sống từ đó có thể cống hiến cho xã hội.

Câu 2.

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

- Khái quát khổ 4 5: Hai khổ thơ thể hiện ước vọng được hòa nhập vào cộng đồng, được hiến dâng cho cuộc đời, cho mùa xuân chung của dân tộc.

2. Thân bài

* Khái quát bài thơ

- Hoàn cảnh sáng tác: tác giả sáng tác bài thơ Mùa xuân nho nhỏ khi đang nằm trên giường bệnh. Lúc này, đất nước đã được thống nhất và đang bước vào giai đoạn xây dựng cuộc sống mới nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

- Nội dung cả bài: bài thơ là tiếng lòng, là những lời tâm sự và là mong ước được dâng hiến một mùa xuân nho nhỏ của tác giả cho mùa xuân của đất nước.

* Phân tích khổ 4

- Nội dung chính của khổ 4: khát vọng được hòa nhập, được mang đến niềm vui cho đời:

- Khổ thơ sử dụng phép điệp từ với từ “ta làm” cùng nhịp thơ nhanh, dồn dập => Thể hiện khát vọng mãnh liệt được cống hiến của thi nhân.

Làm con chim hót: góp tiếng hót, âm thanh tươi mới, hân hoan cho đời.

Làm một cành hoa: góp hương thơm, sắc thắm cho đời, điểm tô cho cuộc sống.

=> Đó là những ước mơ vô cùng nhỏ bé, đơn sơ, tô điểm cho mùa xuân của đất nước.

+ Một nốt trầm: một âm trầm, không ồn ào, không nổi bật, không cao điệu, chỉ âm thầm lặng lẽ nhập vào khúc ca đón mừng xuân về của nhân dân.

- Tác giả sử dụng đại từ “ta” chính là muốn nói đây không phải chỉ là tâm niệm riêng của ông, mà nó còn là khát vọng chung của một dân tộc.

=> Kết luận: Khổ thơ 4 đã thể hiện rõ nét khát vọng được nhập vào cuộc đời, được cống hiến một phần tốt đẹp, dù nhỏ bé, của mình cho cuộc đời chung, nguyện vì sự phồn vinh của dân tộc mà hi sinh mình. Đây chính là tâm niệm cao đẹp, đáng quý của một nhà cách mạng, một nhà thơ đã sống trọn nhịp thở với đất nước, với quê hương.

* Phân tích khổ 5

- Nội dung chính của khổ 5: ước nguyện được cống hiến chân thành, tha thiết, không kể tuổi tác:

- “Mùa xuân nho nhỏ” là một hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời của mỗi con người, thể hiện cho mỗi một sự cống hiến thầm lặng => Tác giả muốn được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để điểm tô cho mùa xuân vĩ đại của đất nước.

Tác giả đã sử dụng các từ láy “lặng lẽ”, “nho nhỏ”, đây là một cách nói khiêm tốn và chân thành của nhân cách sống cao đẹp khi luôn muốn góp vào lợi ích chung của dân tộc.
=> Tác giả có một cách sống thật đẹp, đó là một lẽ sống cống hiến khiêm tốn, lặng lẽ, âm thầm, không mong cầu được tôn vinh.

- Điệp ngữ “dù là” thể hiện thái độ tự tin, cứng cỏi trước mọi khó khăn của cuộc đời.

- “Tuổi hai mươi”, “khi tóc bạc”: sự cống hiến âm thầm bất kể tuổi tác, bất kể thời gian, bất kể khi còn hăng hái hay đã sắp cạn sức lực, vẫn muốn đóng góp mọi thứ của mình cho sự nghiệp chung.

=> Đây chính là lợi tự nhủ bản thân phải kiên trì, phải quật cường dẫu cho thời gian có thể cướp đi sức trẻ của con người, để có thể mãi là một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân lớn của quê hương.

=> Tác giả đã vượt lên cả bệnh tật, tuổi già bằng một niềm yêu đời tha thiết, mãnh liệt để luôn hướng mình đến lối sống có ích cho đời. Đó là một ý thức cao đẹp, ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước, là một khát vọng sống mãnh liệt để mãi được cống hiến, là một ý thức bất diệt trong tâm hồn của tác giả.

3. Kết bài

Khái quát lại nội dung khổ 4 5 trong bài thơ và nêu cảm nhận của bản thân.

Xem thêm thông tin:

Cùng ôn tập chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới với đề thi tuyển sinh lớp 10 các năm trước nhé:

Tuyển tập đề thi vào 10 môn Văn Bạc Liêu qua các năm

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tỉnh Bạc Liêu năm 2021

I. PHẦN ĐỌC – HIỂU (7,0 điểm)

Đọc ngữ liệu và trả lời các câu hỏi sau:

Trật tự trong gia đình nhà ong mật rất nghiêm ngặt, các thành viên được phân công rõ ràng, tất cả đều cần cù lao động. Có thể chia ra thành ong thợ, ông đực và ong chúa.
Ong thợ thường là giống cái, nhưng không thể sinh sản được. Số lượng ong thợ nhiều nhất, nhưng nhiệm vụ cũng nặng nề nhất. Chúng phải xây tổ, đi tìm thức ăn, nuôi ong con, chăm sóc ong chúa, lại còn phải chiến đấu với kẻ thù. Ông đực số lượng ít hơn, chuyên trách cùng với ong chúa sinh sôi phát triển đời sau. Ong chúa là giống cái, một đàn chỉ có một con, thân hình to gấp 2-3 lần ong thợ. Nó chủ yếu chịu trách nhiệm sinh đẻ và duy trì cuộc sống của cả đàn. Ong chúa có quyền lực tối cao, được hưởng thức ăn dồi dào và rất ít khi ra ngoài.

(Trích Bách khoa tri thức, Lưu Nghiên - Chủ biên, tr.526 - 527, Nxb Mỹ Thuật, 2013)

Câu 1 (3,0 điểm)

a. Xác định phương thức biểu đạt chính. (1,0 điểm)
b. Chỉ ra biện pháp tu từ liệt kê và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ ấy trong câu văn sau: “Chúng phải xây tổ, đi tìm thức ăn, nuôi ong con, chăm sóc ong chúa, lại còn phải chiến đấu với kẻ thù". (1,0 điểm).
c. Tìm thành phân biệt lập và gọi tên thành phần ấy trong câu văn sau: “Ông giống cái, một đàn chỉ có một con, thân hình to gấp 2 - 3 lần ong thợ”. (1,0 điểm).

Câu 2 (2,0 điểm) Nêu nội dung chính của ngữ liệu trên.

Câu 3 (2,0 điểm) Em rút ra bài học kinh nghiệm gì cho bản thân từ ngữ liệu trên trên?

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1 (5,0 điểm) Từ ngữ liệu phần đọc - hiểu, em viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về trật tự và trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình.

ĐÁP ÁN THAM KHẢO

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

a. Phương thức biểu đạt chính: thuyết minh.

b. Biện pháp tu từ liệt kê được sử dụng trong câu văn là: xây tổ, đi tìm thức ăn, nuôi ong con, chăm sóc ong chúa, chiến đấu với kẻ thù.

- Tác dụng của biện pháp liệt kê:

+ Về nội dung: Nhấn mạnh nhiệm vụ của ông thợ là rất nhiều và nặng nề. Từ đó làm nổi bật vai trò của ong thợ trong gia đình nhà ong.

+ Về nghệ thuật: Tạo nhịp điệu cho câu văn.

c. Thành phần biệt lập: một đàn chỉ có một con – thành phần phụ chú.

Câu 2:

Nội dung chính của ngữ liệu trên là thành phần cấu tạo và nhiệm vụ của từng thành viên trong gia đình nhà ong.

Câu 3:

Cách giải: Học sinh tự rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân mình và có kiến giải hợp lí.

Có thể tham khảo một số bài học sau:

- Trong tập thể, mỗi người có nhiệm vụ riêng nhưng đều góp phần bảo vệ và phát triển cộng đồng chung.

- Sự lãnh đạo là vô cùng quan trọng trong một tập thể.

- Tập thể phải có trật tự nghiêm ngặt và phân công rõ ràng để từng cá nhân phát huy được vai trò, năng lực của mình.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Hình thức: đoạn văn, dung lượng khoảng 200 chữ

* Nội dung: Cần đảm bảo triển khai các ý sau:

- Giải thích:

+ Gia đình: tổ ấm, nơi con người được sinh ra, nuôi dưỡng, khôn lớn, trưởng thành, có những người thân yêu.

+ Trật tự: quy củ, nề nếp, có kỉ luật.

+ Trách nhiệm: nhiệm vụ mà mỗi cá nhân phụ trách và phải đảm bảo hoàn thành.

-> Gia đình là nơi để về, nơi sẵn sàng bao dung, chở che, nơi quan tâm ta vô điều kiện nhưng để có một gia đình nề nếp, có văn hóa, mỗi thành viên cần có trách nhiệm và duy trì trật tự trong gia đình.

- Bàn luận:

+ Trật tự trong gia đình được duy trì khi các thành viên không chỉ yêu thương mà còn tôn trọng nhau theo thứ bậc, vai vế, tuổi tác. Biết tôn trọng như thế là cơ sở của tình đoàn kết. Khi có những biến cố, mọi thành viên biết bảo ban, giúp đỡ nhau vượt qua.

+ Mỗi cá nhân có trách nhiệm duy trì những truyền thống của gia đình, sống tốt, sống đẹp, không làm ảnh hưởng đến danh dự của gia đình chung. Trách nhiệm của mỗi người có thể phụ thuộc vào độ tuổi, vị trí trong nhà. Nếu ai cũng đảm bảo làm tròn trách nhiệm của mình thì không có xích mích, to tiếng, người lớn được tôn trọng, tạo ra giá trị; trẻ em được nuôi dưỡng, dạy dỗ cẩn thận.

+ Có trật tự và trách nhiệm trong gia đình nhắc nhở mỗi thành viên phải có ý thức xây dựng, bảo vệ gia đình chung, từ đó làm nên những mái ấm hạnh phúc.

Dẫn chứng: Học sinh sử dụng những dẫn chứng phù hợp.

- Phản đề:

+ Có những gia đình vô trật tự, không phép tắc.

+ Có những thành viên phá hoại trật tự gia đình, không có trách nhiệm với gia đình.

+ Trật tự và trách nhiệm với gia đình chỉ thật sự có ý nghĩa khi được xây dựng trên nền tảng yêu thương, sẽ chia, không phải là sự áp đặt, gò bó.

- Liên hệ bản thân: Em góp được điều gì vào việc xây dựng.

Câu 2:

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh, tác phẩm Sang thu:

+ Là nhà thơ chiến sĩ, trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ông từng cầm súng chiến đấu trong chiến trường miền Nam.

+ Sáng tác của ông cuốn hút người đọc nhờ cảm xúc tinh tế, ngòi bút giàu chất lãng mạn và lối viết giản dị, giàu sức gợi.

+ Sang thu được sáng tác vào năm 1977, được in lại nhiều lần trong các tập thơ mà gần đây nhất là tập “Từ chiến hào đến thành phố” – 1991.

- Khái quát nội dung: Những tín hiệu báo mùa thu về và quang cảnh thiên nhiên ngả dần sang thu.

2. Thân bài

* Vị trí đoạn trích: Hai khổ thơ được trích từ phần đầu của tác phẩm.

a. Những tín hiệu báo mùa thu sang:

- Bài thơ được mở ra bằng những tín hiệu rất riêng, báo mùa thu về:

+ “Hương ổi”: đi liền với từ “bỗng” gợi cảm giác đột ngột, ngỡ ngàng; “phả” – làn hương ngọt ngào, sánh đậm, mùi ổi chín như được cố lại, phả vào gió thu. “Hương ổi” gợi không gian thờ thân thuộc, yêu dấu của làng quê đất Việt với những khu vườn, lối ngõ sum xuê hoa trái, làm nên hương sắc mỗi mùa; gợi hương vị riêng của mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh.

+ “Gió se” là ngọn gió heo may mùa thu dịu nhẹ, thoáng chút se lạnh lúc thu về, giúp ta cảm nhận rõ hơn cái ngọt lành của hương ổi.

+ “Sương chúng chình” – nghệ thuật nhân hóa, gợi dáng vẻ, tâm trạng của làn sương thu. Làn sương lãng đãng như cố ý chậm lại, lưu luyến mùa hè, chưa muốn bước hẳn sang thu.

-> Hệ thống hình ảnh độc đáo đã diễn tả một cách tài tình cái không khí se lạnh đầu thu và cả cái nhịp điệu chầm chậm của mùa thu về với đất trời.

- Đối diện với những tín hiệu báo thu là cái ngỡ ngàng của lòng người:

+ “Hình như” là lối nói giả định, không chắc chắn, phù hợp với những biểu hiện mơ hồ lúc giao mùa – những biểu hiện ấy không chỉ được cảm nhận bằng các giác quan mà còn phải cảm nhận bằng cả một tâm hồn tinh

+ Âm điệu: là tiếng reo vui, ngỡ ngàng lúc thu sang.

-> Khổ thơ là những cảm nhận mới mẻ, tinh tế của tác giả lúc mùa sang. Ẩn sau những đổi thay của thiên nhiên đất trời lúc sang thu là niềm vui, niềm hạnh phúc của thi nhân.

b. Quang cảnh thiên nhiên ngả đần sang thu:

- Được tái hiện vừa chân thực lại vừa sống động:

+ “Sông” “dềnh dàng”: tả thực con sống của mùa thu vô cùng trong trẻo, tĩnh lặng, êm đềm. Nghệ thuật nhân hóa khiến con sống như đang được nghỉ ngơi sau một mùa hạ vất vả với bão giông. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho con người qua chiến tranh, lửa đạn, giờ đang chậm lại, cho phép mình được nghỉ ngơi.

+ “Chim” “vội vã”: vừa tả thực những cánh chim bay vội về phương Nam tránh rét, vừa gợi những vội vã, tất bật với lo toan thường nhật của đời người.

+ Phép đối “dềnh dàng”x “vội vã” làm nổi bật hai động thái trái ngược của thiên nhiên mà cũng là sự vận động của thiên nhiên giao mùa.

- Được khắc họa rất ấn tượng:

+ “Đám mây mùa hạ” được hữu hình hóa, vừa thực vừa hư, tái hiện được nhịp điệu của thời gian, là một chiếc cầu nối liền những ngày cuối hạ và đầu thu để sự chuyển giao giữa hai mùa không đứt đoạn.

+ Đám mây mang cả lớp nghĩa thế sự, gợi trạng thái giao thời của đời sống khi đất nước chuyển giao từ chiến tranh sang hòa bình.

->Khoảnh khắc giao mùa hiện lên tinh tế, sống động qua những câu thơ rất giàu chất tạo hình. Ấn sau những hình ảnh thiên nhiên lúc thu sang ấy còn là hình ảnh của đời sống lúc sang thu.

c. Đánh giá:

- Nội dung:

+ Cảm nhận và tái hiện tinh thể khoảnh khắc chuyển mùa từ hạ sang thu với sự giao thoa của nhiều lớp nghĩa: trời đất sang thu, đời sống sang thu, đời người sang thu.

+ Tái hiện những nét đẹp đặc trưng của mùa thu đất Bắc lúc vừa sang.

- Nghệ thuật: Ngôn ngữ, hình ảnh vừa giản dị, tự nhiên mà giàu sức gợi, vừa độc đáo, mới lạ. Giọng thơ nhỏ nhẹ, sâu lắng.

3. Kết bài:

Nêu khái quát nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Đề thi vào 10 môn Văn Bạc Liêu năm 2020

II. PHẦN LÀM VĂN: (13,0 điểm). 

Câu 2: (8,0 điểm) 

Cảm nhận của em về đoạn thơ:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng 
Lướt giữa mây cao với biến bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Cá nhụ cá chim cùng cá đé, 
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long,

(Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGD 2018, tr.140)

Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 Bạc Liêu

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2019

I. PHẦN ĐỌC HIỂU: (7,0 điểm)

Đọc ngữ liệu và trả lời các câu hỏi:

 Điều gì là quan trọng?

Chuyện xảy ra tại một trường trung học.

Thầy giáo giơ cao một tờ giấy trắng, trên đó có một vệt đen dài và đặt câu hỏi với học sinh:

- Các em có thấy gì không?

Cả phòng vang lên câu trả lời:

- Đó là một vệt đen.

Thầy giáo nhận xét:

- Các em trả lời không sai. Nhưng không ai nhận ra đây là một tờ giấy trắng ư?

Và thấy kết luận:

- Có người thường chủ tâm đến những lỗi lầm nhỏ nhất của người khác mà quên đi những phẩm chất tốt đẹp của họ. Khi phải đánh giá về một sự việc hay một con người, thầy mong các em đừng chú trọng vào vệt đen mà hãy nhìn ra tờ giấy trăng với nhiều mảng sạch mà ta có thể viết lên đỏ những điều có ích cho đời,

(Trích Quà tặng cuộc sống - Dẫn theo http://gacsach.com)

Câu 1: (3,0 điểm)

a) Xác định phương thức biểu đạt chính. (1,0 điểm)

b) Cho biết cách trích dẫn ở phần in đậm? (1,0 điểm)

c) Chỉ ra và gọi tên phép liên kết hình thức ở phần in đậm. (1,0 điểm)

Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2019 Bạc Liêu

Đề thi vào 10 môn Văn Bạc Liêu năm 2018

Câu 1: (6,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:

“Lúc đó nồi cơm sôi lên sùng sục. Nó hơi sợ, nó nhìn xuống, vẻ nghĩ ngợi, nhắc không nổi, nó lại nhìn lên. Tiếng cơm sôi như thúc giục nó. Nó nhăn nhó muốn khóc. Nó nhìn nồi cơm, rồi nhìn lên chúng tôi. Thấy nó luýnh quýnh tôi vừa tội nghiệp vừa buồn cười, nghĩ chắc thế nào nó cũng chịu thua. Nó loay hoay rồi nhón gót lấy cái vá múc ra từng vá nước, miệng lẩm bẩm điều gì không rõ. Con bé đáo để thật.”

a. Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai? Văn bản ra đời trong hoàn cảnh nào? (3,0 điểm)

b. Xác định nội dung chính của đoạn văn. (1,0 điểm)

c. Chỉ ra và nêu tác dụng của 2 từ láy trong đoạn văn trên. (2,0 điểm)

Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: Đáp án đề Văn thi vào lớp 10 tỉnh Bạc Liêu năm 2018

Trên đây là toàn bộ nội dung của đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2022 và các năm trước của tỉnh Bạc Liêu được chúng tôi chia sẻ nhằm giúp các em nắm được các thông tin về kỳ thi này.

Mong rằng những tài liệu của chúng tôi sẽ là người đồng hành giúp các bạn hoàn thành tốt bài thi của mình.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM