Trang chủ

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Tây Ninh 2024

Xuất bản: 03/06/2024 - Tác giả:

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn văn Tây Ninh năm học 2024 - 2025 chi tiết cùng tuyển tập đề thi vào 10 môn văn Tây Ninh các năm trước.

Đề thi tuyển sinh môn văn vào 10 Tây Ninh năm học 2024-2025 chính thức được Đọc tài liệu cập nhật nhanh nhất kèm đáp án chi tiết. Tham khảo ngay nội dung đề thi và đáp án bên dưới.

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Tây Ninh 2024

Đề thi và đáp án môn Văn kỳ thi vào lớp 10 năm 2024 tại tỉnh Tây Ninh sẽ được Đọc Tài Liệu cập nhật ngay khi môn thi kết thúc.

ĐÁP ÁN THAM KHẢO

I. ĐỌC HIỂU 

Câu 1.

Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.

Câu 2.

Phép lặp: Việt Nam, chiến tranh.

Sử dụng phép lặp nhằm nhấn mạnh, khẳng định Việt Nam đã hết chiến tranh. Qua đó thể hiện quyết tâm muốn đến Việt Nam của nhân vật.

Câu 3.

Gợi ý:

- Em tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường, anh dũng của dân tộc Việt Nam.

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1.

Dàn ý nghị luận về lòng biết ơn có đầy đủ dàn ý và những nội dung em có thể tham khảo

Câu 2.

I. Mở bài

- Giới thiệu tác giả và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là thi phẩm đặc sắc cuối đời của nhà thơ Thanh Hải.

- Bài thơ là nỗi lòng của tác giả về niềm yêu mến tha thiết với cuộc đời, đất nước mong muốn cống hiến góp mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân của đất nước, dân tộc.

- Giới thiệu hai khổ thơ 4 và 5.

II. Thân bài

1. Phân tích khổ 4: Những suy ngẫm và tâm niệm của mình về lẽ sống, về ý nghĩa giá trị của cuộc đời mỗi con người.

"Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến."

+ "ta" - "hoa" - "ca": giai điệu ngọt ngào, êm ái của những thanh bằng liên tiếp.

+ Điệp từ "ta" được lặp đi lặp lại thể hiện một ước nguyện chân thành, thiết tha.

+ Động từ "lam" - "nhập" ở vai trò vị ngữ biểu lộ sự hóa thân đến diệu kỳ - hóa thân để sống đẹp, sống có ích.

+ Nhà thơ đã lựa chọn những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống để bày tỏ ước nguyện: con chim, một cành hoa, một nốt trầm.

+ Các hình ảnh bông hoa, tiếng chim đã xuất hiện trong cảm xúc của thi nhân về mùa xuân thiên nhiên tươi đẹp, giờ lại được sử dụng để thể hiện lẽ sống của mình. Một ý nghĩa mới đã mở ra, đó là mong muốn được sống có ích, sống làm đẹp cho đời là lẽ thường tình.

+ Cái "tôi" của thi nhân trong phần đầu bài thơ giờ chuyển hóa thành cái "ta". Có cả cái riêng và chung trong cái "ta" ấy. Với cách sử dụng đại từ này, nhà thơ đã khẳng định giữa cá nhâ và cộng đồng những cái riêng và cái chung.

+ Hình ảnh "nốt trầm" và lặp lại số từ "một" tác giả cho thấy ước muốn tha thiết, chân thành của mình. Không ồn ào, cao giọng, nhà thơ chỉ muốn làm "một nốt trầm" nhưng phải là "một nốt trầm xao xuyến" để góp vòa bản hòa ca chung. Nghĩa là nhà thơ muốn đem phần nhỏ bé của riêng mình để góp vào công cuộc đổi mới và đi lên của đất nước.

→ Ước nguyện của nhà thơ và cũng là ước nguyện của nhiều người.

2. Phân tích khổ 5: Lẽ sống của Thanh Hải

"Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc."

+ Cách sử dụng ngôn từ của nhà thơ Thanh Hải rất chính xác, tinh tế và gợi cảm. Làm cành hoa, làm con chim, làm nốt trầm và làm một mùa xuân nho nhỏ để lặng lẽ dâng hiến cho cuộc đời.

+ "Mùa xuân nho nhỏ" là một ẩn dụ dầy sáng tạo, biểu lộ một cuộc đời đáng yêu, một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người hãy làm một mùa xuân, một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người hãy làm một mùa xuân, hãy đem tất cả những gì tốt đẹp, tinh túy của mình, dẫu có nhỏ bé để góp vào làm đẹp cho mùa xuân đất nước.

+ Cặp từ láy "nho nhỏ", "lặng lẽ" cho thấy một thái độ chân thành, khiêm nhường, lấy tình thương làm chuẩn mực cho lẽ sống đẹp, sống để cống hiến đem tài năng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân

→ Không khoe khoang, cao điệu mà chỉ lặng lẽ âm thầm dâng hiến. Ý thơ thể hiện một ước nguyện, một khát vọng, một mục đích sống. Biết lặng lẽ dâng đời, biết sống vì mọi người.

+ Thanh Hải đã ước nguyện: "Lặng lẽ dâng cho đời / Dù là tuổi hai mươi / Dù là khi tóc bạc". Lời nguyện ước thủy chung, son sắt. Điệp ngữ "Dù là"như tiếng lòng tự dặn mình: dẫu ở giai đoạn nào của cuộc đời, tuổi hai mươi tràn đầy sức trẻ, hay khi đã già, bệnh tật thì vẫn phải sống có ích cho đời, sống làm đẹp cho đất nước.

→ Đây là một vấn đề nhân sinh quan nhưng đã được chuyển tải bằng những hình ảnh thơ sáng đẹp, bằng giọng thơ nhẹ nhàng, thủ thỉ, thiết tha. Vì vậy mà sức lan tỏa của nó thật lớn.

3. Đánh giá

- Với thể thơ năm chữ gần với điệu dân ca, âm hưởng trong sáng, nhẹ nhàng, tha thiết, điệu thơ như điệu của tâm hồn, cách gieo vần liền tạo sự liền mạch của dòng cảm xúc.

- Hình ảnh tự nhiên, giản dị, những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, đặc biệt một số hình ảnh "cành hoa, con chim, mùa xuân" được lặp đi lặp lại nâng cao, gây ấn tượng đậm đà

III. Kết bài

- Hai khổ thơ 4,5 của bài thơ là tiếng lòng của tác giả trước cuộc đời, đất nước.

- Giọng thơ thể hiện được sự say mê với cuộc sống và khát vọng chân thành đẹp đẽ của tác giả.

- Liên hệ bản thân


Xem thêm thông tin:

Tham khảo đề thi và đáp án môn Văn Tây Ninh các năm trước dưới đây.

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Tây Ninh 2023

Đề thi và đáp án môn Văn kỳ thi vào lớp 10 năm 2023 tại tỉnh Tây Ninh sẽ được Đọc Tài Liệu cập nhật ngay khi môn thi kết thúc.

ĐÁP ÁN THAM KHẢO

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Các phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm

Câu 2:

- Điệp: xơ xác.

- Tác dụng:

+ Tạo nhịp điệu cho câu văn.

+ Nhấn mạnh cái xơ xác ấy không phải báo hiệu cho sự tàn lụi mà nó chính là khởi đầu của một sức sống mới đầy mạnh mẽ.

Câu 3:

Học sinh nêu cảm xúc cá nhân về những ngày hè cuối cùng của năm học cuối cấp. Gợi ý:

- Háo hức khi chuẩn bị bước vào môi trường học tập mới.

- Nuối tiếc về quãng thời gian tươi đẹp khi được học tập cùng thầy cô và các bạn ở mái trường cấp 2.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

a. Mở bài:

Nêu vấn đề nghị luận: Lòng nhân ái

b. Thân bài:

* Giải thích: Lòng nhân ái là tình yêu thương giữa con người với con người.

* Biểu hiện của lòng nhân ái:

- Người có lòng nhân ái thường sẽ có trái tim nhạy cảm, chứa chan nhiều cảm xúc.

- Sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh khó khăn.

- Sẵn sàng cho đi mà không mưu cầu nhận lại.

* Ý nghĩa của lòng nhân ái trong cuộc sống.

- Lòng nhân ái giúp con người tin vào cuộc sống, mối quan hệ giữa con người vì thế mà ngày càng gắn bó hơn.

- Lòng nhân ái giúp xoa dịu những nỗi đau, tạo động lực cố gắng.

- Lòng nhân ái giúp con người trở nên tốt đẹp, cuộc sống có ý nghĩa hơn.

- Lòng nhân ái tạo ra những giá trị tích cực cho cuộc sống, xã hội,...

Hs lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.

* Bàn luận mở rộng:

- Phê phán thói sống ích kỉ, lạnh lùng, vô cảm.

- Lòng nhân ái đôi khi cần phải đặt đúng chỗ, tránh tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.

c. Kết bài: Tống kết lại vấn đề

Câu 2:

1. Mở bài: Giới thiệu chung

2. Thân bài

2.1 Biểu hiện của tình đồng chí:

* Là sự thấu hiểu những tâm tư, tình cảm của nhau:

- Nhân vật trữ tình nói về nỗi lòng của đồng đội mà như đang bộc bạch nỗi lòng của chính mình.

- Thấu hiểu:

+ Cảnh ngộ, nỗi bận lòng về hậu phương.

+ Ý chí lên đường, tình cảm cách mạng mãnh liệt. Khi cần họ biết hi sinh hạnh phúc cá nhân vì dân tộc. Họ bỏ lại ruộng vườn, ngôi nhà 0 là những tài sản quý giá để vào lính. Từ “mặc kệ” đã nói lên sự lựa chọn dứt khoát ấy.

+ Nỗi nhớ quê nhà đau đáu trong tâm hồn người lính: nhân hóa, hoán dụ, ẩn dụ...

=> Người lính mạnh mẽ nhưng không vô tâm; quyết liệt, ý chí nhưng không hề lạnh lùng. Từng giây, từng phút họ đang phải vượt lên mình, tự nén lại những yêu thương, nhung nhớ để cống hiến trọn vẹn cho cuộc kháng chiến của toàn dân tộc.

* Là sự đồng cam, cộng khổ trong cuộc đời người lính:

- Đó là những cơn sốt rét rừng đã từng cướp đi bao sinh mạng, từng là nỗi ám ảnh đè nặng lên cuộc đời người lính. Cách nói “anh với tôi” một lần nữa cho thấy câu thơ không chỉ tả hình ảnh người lính bị cơn sốt rét rừng hành hạ mà còn gợi tình cảm đồng chí, đồng đội khi gian khổ đến cùng cực “sốt run người” vẫn quan tâm, lo lắng cho nhau.

- Đó còn là cái hiện thực thiếu thốn, khó khăn, gian khổ của cuộc đời người lính. Họ đã sống trong hoàn cảnh nghèo nàn về vật chất: thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men...nhưng họ vượt lên tất cả nhờ sức mạnh của tình đồng chí.

- Đó còn là những khắc nghiệt của khí hậu núi rừng → họ vượt lên nhờ tinh thần lạc quan, sự ấm áp của tình đồng chí.

* Là niềm yêu thương, gắn bó sâu nặng họ dành cho nhau.

- Hình ảnh “tay nắm bàn tay”:

+ Chất chứa bao yêu thương trìu mến.

+ Sẵn lòng chia sẻ khó khăn.

+ Chứa đựng cả những khao khát bên người thân yêu.

⇒ Chính tình đồng chí chân thành, cảm động và sâu sắc đã nâng đỡ bước chân người linh và sưởi ấm tâm hồn họ trên mọi nẻo đường chiến đấu.

2.2. Sức mạnh và vẻ đẹp của tình đồng chí:

* Được xây dựng trên nền một hoàn cảnh khắc nghiệt:

- Thời gian, không gian: rừng đêm hoang vu, lạnh lẽo.

- Không khí căng thẳng trước một trận chiến đấu. Trước mắt họ là cả những mất mát, hi sinh không thể tránh khỏi.

→ Tâm hồn họ vẫn bay lên với hình ảnh vầng trăng nơi đầu súng (thanh thản kì lạ)

→ Họ vẫn xuất hiện trong tư thế điềm tĩnh, chủ động “chờ giặc tới”.

⇒ Nhờ tựa vào sức mạnh của tinh thần đồng đội. Họ “đứng cạnh bên nhau” và trở thành một khối thống nhất không gì lay chuyển nổi.

* Được biểu hiện qua một hình ảnh thơ độc đáo, đầy sáng tạo: “Đầu súng trăng treo”:

- Vốn là một hình ảnh thơ được cảm nhận từ thực tiễn chiến đấu.

- Song hình ảnh này mang nhiều ý nghĩa biểu tượng phong phú:

+ Gợi liên tưởng: chiến tranh - hòa bình, hiện thực - ảo mộng, kiên cường – lãng mạn, chất chiến sĩ – chất thi sĩ.

+ Gợi vẻ đẹp của tình đồng chí sáng trong, sâu sắc. Sự xuất hiện của vầng trăng là một bằng chứng về sức mạnh kì diệu của tình đồng đội. Tình cảm ấy giúp tâm hồn người lính bay lên giữa lúc gay go, khốc liệt của chiến tranh.

+ Gợi vẻ đẹp của tâm hồn người lính – một tâm hồn luôn trong trẻo, tươi mát dẫu phải băng qua lửa đạn chiến tranh.

+ Gợi vẻ đẹp tâm hồn dân tộc Việt Nam – một bàn tay giữ chắc cây súng mà trái tim luôn hướng đến những khát vọng thanh bình.

⇒ Bài học rút ra khi còn ngồi trên ghế nhà trường:

- Luôn yêu quý, tôn trọng bạn bè.

- Giúp đỡ bạn bè trong điều kiện, khả năng của mình.

- Chơi với bạn bằng tình cảm chân thành.

3. Kết bài

- Nội dung: Bài thơ thể hiện chân thực, cảm động một tình cảm lớn mang tính thời đại, đó là tình đống chí bền chặt, thiêng liêng của những người lính cách mạng. Qua đó tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh người lính thời kì đầu chống Pháp.

- Nghệ thuật: Lối miêu tả chân thực, tự nhiên; từ ngữ, hình ảnh giản dị và giàu sức gợi, cảm xúc dồn nén.

-HẾT-

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Tây Ninh 2022

Đề thi và đáp án môn Văn kỳ thi vào lớp 10 năm 2022 tại tỉnh Tây Ninh sẽ được Đọc Tài Liệu cập nhật ngay khi môn thi kết thúc. Tham khảo đề thi và đáp án môn Văn Tây Ninh các năm trước bên dưới:

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Tây Ninh 2022

I. ĐỌC HIỂU

Sự bền bỉ là niềm đam mê, là tính kiên trì với những mục tiêu dài hạn. Bền bỉ là sức chịu đựng. Bền bỉ là gắn bó với công việc... Bền bỉ là làm việc chăm chỉ để biến tương lai trở thành sự thật.

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2. 

- Phép lặp : "bền bỉ là"

- Tác dụng : Giúp từ "Bền bỉ" trong mắt người xung quanh thêm phần dễ hiểu , cho thấy bền bỉ là cả một chặng đường để đi đến thành công .

Câu 3. 

Trong học tập, sự bền bỉ có một ý nghĩa quan trọng và cần thiết cho việc học của bất cứ ai.

- Sự bền bỉ, nỗ lực trong học tập được thể hiện bằng việc ta cố gắng, nỗ lực hết sức với việc học tập của bản thân.

- Đọc thêm, tìm hiểu thêm thật nhiều những kiến thức mới khác nữa. Đường học vô cùng dài, sự nghiệp xây dựng tương lai phải do chính chúng ta làm chủ.

- Sự bền bỉ cho ta sức mạnh để chinh phục đến cùng, không nản chí trước những khó khăn, thử thách.

- Sự bền bỉ sẽ xây dựng, vun đắp sức mạnh nội tại của mỗi chúng ta để đương đầu với mọi khó khăn khác nhau trong cuộc sống.

=> Tóm lại, sự bền bỉ là chìa khóa thành công trong học tập cần có ở mọi học sinh.

II. TẬP LÀM VĂN

Câu 1.

Nêu vấn đề nghị luận: Lòng tự trọng là một phẩm chất tốt đẹp mà mỗi người cần có để hoàn thiện nhân cách.

Bàn luận

*Giải thích lòng tự trọng là gì và tại sao phải có lòng tự trọng?

- Tự trọng: Là ý thức được bản thân, coi trọng danh dự, phẩm giá của chính mình. Tự trọng là biết mình biết mình biết người, không gây ra những việc làm xấu xa khiến bản thân hổ thẹn

- Tại sao cần phải có lòng tự trọng?

+ Tự trọng giúp bản thân mỗi người nhìn nhận đúng cái sai, những điểm chưa hoàn thiện

+ Tự trọng giúp chúng ta thành công trong học tập và công việc bởi: Người tự trọng sẽ làm việc bằng thực lực của chính bản thân mình

*Biểu hiện của những người có lòng tự trọng

- Lòng tự trọng thể hiện ở việc con người cố gắng làm bài tập về nhà bằng chính khả năng của mình, không coi cóp, gian lận

- Tự trọng là khi chúng ta sống và làm việc một cách nghiêm túc không để bị nhắc nhở, phàn nàn

- Tự trọng là khi nhận ra cái sai của mình và lắng nghe những lời góp ý để sửa chữa một cách vui vẻ, chân thành, cởi mở

*Bàn luận mở rộng

- Bên cạnh những con người giàu lòng tự trọng, vẫn tồn tại những người đánh mất lòng tự trọng của bản thân:

+ Làm những việc trái đạo lí, vô lương tâm

+ Nói năng ứng xử thiếu văn hóa

+ Học sinh vô lễ với thầy cô

*Bài học nhận thức và hành động

- Mỗi con người cần ý thức và suy nghĩ đúng đắn về bản thân và trang bị cho bản thân lòng tự trọng

Khẳng định lại vấn đề: Lòng tự trọng là một đức tính tốt đẹp mà mỗi người cần có để hoàn thiện bản thân mình.

Câu 2.

1. Mở bài:

- Giới thiệu chung về tác giả Phạm Tiến Duật và bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

- Giới thiệu 2 khổ thơ đầu:

+ Chân dung chiếc xe không kính.

+ Chân dung người lính lái xe.

2. Thân bài:

2.1 Hình ảnh tiểu đội xe không kính:

- Được giới thiệu rất độc đáo: “Không có kính không phải vì xe không có kính”:

+ Là lời giải thích của người lính về chiếc xe không kính.

+ Chứa đựng tâm trạng xót tiết, xuýt xoa, lại có chút phân bua, thanh minh. Tâm trạng này dễ hiểu vì với người lính lái xe chiếc xe là niềm tự hào, là phương tiện để góp sức cho chiến tuyến, góp phần làm nên chiến thắng chung.

- Miêu tả chân thực và sinh động: Không kính -> Gợi: Sự khốc liệt của chiến trường; sự gian khổ khi lái xe; sự gan góc, kiên cường của người lính lái xe.

- Giúp người lính lái xe phát hiện ra chất thơ giữa đời thường:

+ Giúp người lính chan hòa với thiên nhiên,

+ Giúp họ nối kết tình đồng đội.

+ Tìm được những phút giây vui vẻ, hồn nhiên nhất.

-> Là một hình ảnh rất thực, không hiếm trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ. Là hình ảnh đặc sắc, độc đáo trong thơ Phạm Tiến Duật nói riêng và thơ ca kháng chiến chống Mĩ nói chung. Nó vừa là biểu tượng cho sự tàn phá của chiến tranh, lại vừa là hình ảnh đẹp đẽ, nên thơ ngay trong cuộc chiến ác liệt. Linh

2.2. Hình ảnh người lính lái xe Trường Sơn:

* Được khắc họa trên nền của cuộc chiến tranh ác liệt:

- “Bom giật, bom rung”, “bom rơi” - Những chiếc xe không kính:

+ Gợi vùng đất chìm trong khói lửa chiến tranh, mưa bom, bão đạn không một chút bình yên.

+ Gợi những hiểm nguy, mất mát, hy sinh của cuộc đời người lính.

* Vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn:

- Phong thái ung dung, hiên ngang, dũng cảm:

+ Đảo ngữ: tô đậm sự ung dung, bình thản, điềm tĩnh đến kì lạ.

+ Điệp từ “nhìn”, thủ pháp liệt kê và lối miêu tả nhìn thẳng, không né tránh gian khổ, hy sinh, sẵn sàng đối mặt với gian nan, thử thách.

- Tâm hồn lãng mạn: Cảm nhận thiên nhiên như một người bạn nồng hậu, phóng khoáng: sao trời, cánh chim.

2.3. Bài học rút ra Qua đoạn thơ trên có thể rút ra một số bài học sau:

- Sống tích cực, lạc quan trong mọi hoàn cảnh.

- Sống chan hòa, hài hòa với tự nhiên.

- Kiên định với những gì mình đã đặt mục tiêu và cố gắng nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đó.

3. Kết bài: Tổng kết vấn đề.

    Đề thi vào 10 môn văn tỉnh Tây Ninh năm 2021

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn năm 2021 chính thức tỉnh Tây Ninh được cập nhật ngay khi kỳ thi diễn ra ngày 07/06/2021.

    SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TÂY NINH

    KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2021 – 2022

    Ngày thi: 07 tháng 6 năm 2021

    Môn thi: NGỮ VĂN (không chuyên)

    Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)

    ĐỀ CHÍNH THỨC

    (Đề thi có 01 trang, thí sinh không phải chép đề vào giấy thi)

    I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong tác phong, Hồ Chủ tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết, vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được.

    (Trích “Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại”, Phạm Văn Đồng SGK Ngữ văn 9, tập 1, tr.55, NXB GDVN, 2005)

    Câu 1 (1,0 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2 (1,0 điểm): Chỉ ra phép liệt kê và nêu tác dụng diễn đạt của phép liệt kê đó trong đoạn trích trên.

    Câu 3 (1,0 điểm): Từ nội dung đoạn trích trên, em hãy rút ra một bài học có ý nghĩa cho bản thân.

    II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

    Câu 1 (3,0 điểm): Em hãy viết một bài văn ngắn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về tính thật thà.

    Câu 2 (4,0 điểm): Cảm nhận của em trong đoạn thơ sau đây:

    Chân phải bước tới cha

    Chân trái bước tới mẹ

    Một bước chạm tiếng nói

    Hai bước tới tiếng cười

    Người đồng minh yêu lắm con ơi

    Đan lờ cài nan hoa

    Vách nhà ken câu hát

    Rừng cho hoa

    Con đường cho những tấm lòng

    Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

    Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

    (Trích “Nói với con" - Y Phương. SGK Ngữ văn 9, tập 2, tr72, NXB GDVN, 2005)

    Từ đó, em hãy nêu lên suy nghĩ về lòng biết ơn đối với cha mẹ và quê hương.

    Đáp án đề Văn vào 10 Tây Ninh 2021

    I. PHẦN ĐỌC HIỂU

    Câu 1. Phương thức biểu đạt: Nghị luận

    Câu 2:

    Phép liệt kê: Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong tác phong,

    Tác dụng: đưa ra những chi tiết về đức tính giản dị trong cả cuộc sống và công việc của Bác.

    Câu 3. HS tự rút ra bài học cho bản thân.

    Gợi ý:

    - Rèn luyện lối sống giản dị

    - Sống tiết kiệm

    II. Phần làm văn

    Câu 1.

    Mở bài:

    Một trong những yếu tố quan trọng để chúng ta có thể đạt đến thành công và được mọi người tôn trọng chính là đức tính thật thà.

    Thân bài:

    Thật thà là gì?

    - Thật thà là tự bộc lộ mình một cách tự nhiên, không giả dối, không giả tạo.

    - Thật thà nghĩa là tôn trọng lẽ phải, tôn trọng sự thật, luôn nói ra sự thật dù có làm mất lòng ai.

    - Người thật thà không gian dối, không làm sai lệch sự thật, luôn ngay thẳng nhận lỗi, sống đàng hoàng, không tham của người khác và không phủi bỏ trách nhiệm của chính mình.

    - Ở học sinh, sự thật thà được thể hiện qua không chỉ hành động mà còn ở lời nói. Không gian lận trong thi cử, làm đúng với sức mình và không biện minh cho những lỗi lầm của mình. Không đổ lỗi cho bạn bè để trốn trách nhiệm của bản thân. Thật thà và trung thực là đức tính để mọi người có thể tin tưởng mình và giao công việc.

    Tại sao phải biết sống thật thà?

    - Thật thà là một phẩm dức tốt đẹp. Nó không chỉ khiến cho mình được mọi người tin tưởng mà còn được tôn trọng.

    - Thật thà là không sợ sệt gì cả, còn những người ngược lại thì lúc nào cũng lo sợ và phải che dấu toàn bộ sự thật.

    Rèn luyện đức tính thật thà như thế nào?

    - Thật lòng với một người tốt, họ đáp lại tấm lòng của chúng ta, cùng nhau đi qua khó khăn và tiến tới thành công.

    - Đừng im lặng, đừng thật thà với người xấu mà hãy lên tiếng để bảo vệ cho sự thật.

    - Chúng ta hãy tập không nói dối, tập trở thành một con người có trách nhiệm và tập thông cảm cho người khác.

    - Rèn luyện đức tính thật thà từ khi còn là học sinh bởi nếu như trong việc học mà ta còn gian lận thì sau này ra xã hội, làm sao ta có thể sống đúng đắn, có thể chấp nhận sự thật được.

    Phê phán: Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người sống thiếu thật thà. Vì lợi ích của bản thân, vì nỗi sợ hãi, họ sẵn sàng lừa dối người khác để có phần nhiều hơn hoặc an toàn hơn. những người như thế thật đáng chê trách.

    Bài học nhận thức:

    - Là học sinh, phải luôn trung thực trong thi cử, tự tiến lên bằng chính sự hiểu biết và sức học của mình.

    - Trong học tập, tính thật thà, trung thực là hai điều thiết yếu nhất để tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.

    Kết bài:

    Albert Einstein từng nói: “Người không coi trọng sự thật trong những vấn đề tiểu tiết cũng không tin cậy được trong việc lớn”. Hãy sống một cuộc sống chân thật và trung thực bạn nhé.

    Câu 2.

    Dàn ý tham khảo

    1. Giới thiệu chung

    - Y Phương là một trong những nhà thơ dân tộc Tày nổi tiếng của văn học Việt Nam hiện đại. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi.

    - “Nói với con” là một trong những thi phẩm đặc sắc làm nên tên tuổi của ông, được viết vào năm 1980.

    - Đoạn thơ nói về cuội nguồi sinh thành và nuôi dưỡng con khôn lớn.

    2. Phân tích

    - Cội nguồn sinh thành, nuôi dưỡng con trước hết là gia đình:

    “Chân phải bước tới cha

    Hai bước tới tiếng cười”

    + Những hình ảnh thơ giàu giá trị tạo hình: “chân phải/ chân trái/ một bước/ hai bước” đã khắc họa những bước chân trẻ thơ chập chững, non nớt. Đó là hình ảnh con với những bước đi đầu tiên trong cuộc đời.

    + Thủ pháp liệt kê “tiếng nói/cười”, “tới cha/mẹ” gợi hình ảnh em bé đang tuổi tập nói, tập đi, gợi không khí gia đình ấm áp, yêu thương. Qua đó, ta cũng cảm nhận được ánh mắt dõi theo, khích lệ và vòng tay đón đợi, sẵn sàng nâng đỡ con của người cha, người mẹ.

    => Qua lối miêu tả giản dị, người cha nói với con: gia đình chính là cội nguồn tinh thần, nuôi dưỡng con, là cái nôi cho con những yêu thương, ấm áp đầu đời.

    => Đoạn thơ còn mang ý nghĩa khái quát: Con phải học nói, học đi, để khôn lớn trưởng thành. Trên hành trình ấy, sự vững vàng “một bước/ hai bước”, sự hiểu biết “tiếng nói/cười” đều có được do công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Vì thế, con không được phép quên công lao của mẹ cha.

    - Cội nguồn sinh thành, nuôi dưỡng con còn là quê hương:

    “Người đồng mình yêu lắm con ơi

    …Con đường cho những tấm lòng”

    + “Người đồng mình”, cuộc sống lao động, nếp sinh hoạt hàng ngày và không gian sống: cánh rừng, con đường về nhà, về bản -> mang đến tình yêu quê hương xứ sở.

    + Những hình ảnh giàu sức gợi: “đan lờ cài nan hoa” vừa tả thực công cụ lao động được trang trí đẹp đẽ, vừa gợi đôi bàn tau cần cù, khéo léo, tài hoa và óc sáng tạo của con người. “Vách nhà ken câu hát”: tả thực sinh hoạt văn hóa của người đồng mình, tả cảnh hát cho nhau nghe tràn đêm, suốt sáng khiến vách nhà như được ken dày những câu hát say sưa, tinh tế; gợi tâm hồn tinh tế, phong phú, tràn đầy lạc quan của người đồng mình.

    + Thủ pháp nhân hóa: “rừng cho hoa” là vẻ đẹp của thiên nhiên, cũng là niềm vui, hạnh phúc mà quê hương ban tặng, qua đó ngợi ca sự giàu có và hào phóng của thiên nhiên quê hương. “Con đường cho những tấm lòng” gợi được tình cảm gắn bó, keo sơn thắm thiết của người đồng mình với căn nhà, với làng bản; gợi những bàn chân, những tấm lòng trở về với quê hương, xứ sở.

    => Cùng với gia đình, truyền thống văn hóa, nghĩa tình quê hương đã nuôi dưỡng con khôn lớn, trưởng thành.

    - Con còn lớn khôn từ những kỉ niệm êm đềm, hạnh phúc nhất của cha mẹ:

    “Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

    Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”

    + “Ngày cưới” – “ngày đẹp nhất”: vì cha mẹ không chỉ tìm thấy nhau mà còn gắn bó khăng khít; là ngày minh chứng cho tình yêu, hạnh phúc; là hình ảnh của một gia đình đầm ấp, yêu thương.

    + Từ đó, con được sinh ra, lớn lên trong những điều kì diệu nhất, đẹp đẽ nhất trong đời. Con là quả ngọt của tình yêu của cha mẹ, là hạnh phúc của gia đình.

    3. Tổng kết

    - Nội dung:

    + Thể hiện tình cảm sâu nặng mà người cha dành cho con. Nguồn cội con được sinh ra không chỉ là kết tinh tình yêu của cha mẹ, mà còn là của quê hương, bởi vậy con không được quên ơn cha mẹ và quê hương mình.

    + Bộc lộ tình yêu quê hương xứ sở và niềm tự hào về người đồng mình của tác giả.

    - Nghệ thuật: Từ ngữ, hình ảnh giản dị, giàu sức gợi, in đậm lối tư duy trong sáng, hồn nhiên, sinh động của người miền núi. Giọng điệu khi ân cần, tha thiết; khi mạnh mẽ, nghiêm khắc.

    Cùng ôn tập chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sắp tới với đề thi tuyển sinh lớp 10 các năm trước nhé:

    Tuyển tập đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Tâu Ninh các năm

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn Tây Ninh 2020

    I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu bên dưới:

    “Một người mà lúc nào cũng sợ thất bại, làm gì cũng sợ sai lầm là một người sợ hãi thực tế, trốn tránh thực tế, và suốt đời không bao giờ có thể tự lập được. Bạn sợ sặc nước thì bạn không biết bơi; bạn sợ nói sai thì bạn không nói được ngoại ngữ! Một người mà không chịu mất gì thì sẽ không được gì. Sai lầm cũng có hai mặt. Tuy nó đem lại tổn thất, nhưng nó cũng đem đến bài học cho đời.”

    (Trích Ngữ văn 7, tập 2, tr.43, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

    Câu 1 (1,0 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2 (1,0 điểm): Chỉ ra phép điệp ngữ và nêu tác dụng của phép điệp ngữ đó trong câu: “Một người mà lúc nào cũng sợ thất bại, làm gì cũng sợ sai lầm là một người sợ hãi thực tế, trốn tránh thực tế, và suốt đời không bao giờ có thể tự lập được.”

    Xem chi tiết đề thi và đáp án tại linkđề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn 2020 Tây Ninh

    Đề thi tuyển 10 môn văn Tây Ninh 2019

    Đang cập nhật...

    Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: đề thi vào lớp 10 môn văn Tây Ninh 2019

    Đề thi tuyển 10 môn văn Tây Ninh 2018

    I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 3:

    ... Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng anh em đào đường đắp ụ, xẻ hào, khuân đá ...(1). Không biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa? (2) Những đường hầm bí mật chắc còn là khướt lắm. (3)...

    (Trích Làng - Kim Lân, Ngữ văn 9, tập một, tr. 163, NXB Giáo dục)

    Câu 1 (1,0 điểm): Xác định các phương thức biểu đạt của đoạn trích.

    Câu 2 (1,0 điểm): Gọi tên, chỉ ra một biện pháp tu từ và nêu hiệu quả diễn đạt của biện pháp tu từ đó trong câu sau: “Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng anh em đào đường đắp ụ, xẻ hào, khuân đá ...”

    Xem chi tiết đề thi và đáp án tại linkđề thi vào lớp 10 môn văn Tây Ninh 2018

    Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn tỉnh Tây Ninh 2017


    Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: đề thi vào lớp 10 môn văn 2017 Tây Ninh

      Đọc tài liệu vừa gửi tới các em nội dung chi tiết để thi tuyển sinh vào 10 môn văn Tây Ninh năm 2023 và tổng hợp đề thi vào 10 môn văn các năm trước.

      Mong rằng những tài liệu của chúng tôi sẽ là người đồng hành giúp các bạn hoàn thành tốt bài thi của mình.

      Xem ngay: Tra cứu điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023

      CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM