Mời bạn đọc tham khảo Đề thi vào 10 môn Văn Cần Thơ 2024. Cập nhật nhanh nhất đề chính thức của Sở Giáo dục và Đào tạo kèm đáp án chi tiết.
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Cần Thơ 2024
Đề thi và đáp án môn Văn kỳ thi vào lớp 10 năm 2024 tại thành phố Cần Thơ sẽ được Đọc Tài Liệu cập nhật ngay khi môn thi kết thúc.
ĐÁP ÁN THAM KHẢO
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1.
Thành phần biệt lập trong khổ thơ đầu thành phần gọi đáp: “ơi”
Câu 2.
3 hình ảnh thể hiện vẻ đẹp của cảnh sắc quê hương: Mênh mông biển lúa, cánh cò bay rập rờn, mây mờ che
đỉnh Trường Sơn,...
Câu 3.
Tác dụng của biện pháp nói quá: Thể hiện tinh thần quật cường, dũng cảm, không chịu khuất phục của dân tộc ta. Đồng thời thể hiện niềm tự hào của tác giả khi nhắc đến quá khứ hảo hùng của đất nước
Câu 4.
Thể hiện sự vất vả, cần cù, vượt lên trên khó khăn trong lao động sản xuất của người dân Việt Nam ta; dẫu vậy vẫn thấy rõ được tinh thần đoàn kết, độc lập, tự chủ.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
Yêu cầu về hình thức: Đoạn văn khoảng 15 dòng, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ. Đảm bảo đủ 3 phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.
Yêu cầu về nội dung: Làm sáng tỏ được vấn đề nghị luận: Vai trò của nghị lực trong cuộc sống
1. Giới thiệu vấn đề: Vai trò của nghị lực trong cuộc sống
2. Bàn luận: Vai trò của nghị lực trong cuộc sống
- Giúp con người vượt qua khó khăn, thử thách:
+ Khi gặp khó khăn, thử thách trong cuộc sống, nghị lực sẽ giúp con người có thêm sức mạnh để vượt qua.
+ Nhờ có nghị lực, con người không lùi bước trước khó khăn mà sẽ dũng cảm đương đầu và tìm cách giải quyết.
- Giúp con người đạt được thành công:
+ Nghị lực là yếu tố quan trọng giúp con người đạt được mục tiêu và ước mơ của mình.
+ Nhờ có nghị lực, con người dám chấp nhận rủi ro, dám theo đuổi lý tưởng và dám thực hiện những điều mà họ cho là đúng đắn.
- Giúp con người sống một cuộc sống ý nghĩa:
+ Nghị lực giúp con người sống một cuộc sống không hối tiếc, dám sống theo lý tưởng của mình và dám làm những điều mà họ cho là đúng đắn.
+ Nhờ có nghị lực, con người có thể tạo ra những giá trị tích cực cho bản thân, cho cộng đồng và cho xã hội. Học sinh tự lấy dẫn chứng về nghị lực trong cuộc sống
3. Tổng kết vấn đề.
Câu 2.
Cách giải:
* Yêu cầu về hình thức:
- Bài viết đảm bảo cấu trúc của một bài văn gồm 3 phần:
+ Mở bài: nêu được vấn đề.
+ Thân bài: triển khai được vấn đề.
+ Kết bài: khái quát được vấn đề.
- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
* Yêu cầu về nội dung:
Bài viết đảm bảo những nội dung sau đây:
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả: Lê Minh Khuê là cây bút nữ chuyên về truyện ngắn. Đề tài của Lê Minh Khuê trong những năm chiến tranh chính là cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn.
- Giới thiệu tác phẩm, vị trí đoạn trích: Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” là tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra ác liệt.
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Cảm nhận về nhân vật Phương Định qua 2 đoạn trích từ đó nhận xét về lẽ sống của thế hệ thanh niên trong những năm kháng chiến chống Mĩ.
2. Thân bài
a. Đoạn trích thứ nhất – Vẻ đẹp dũng cảm, kiên cường của Phương Định.
- Phương Định cùng đồng đội phải đảm nhận một công việc đầy gian khổ, hiểm nguy trên cung đường Trường Sơn, giữa những năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt:
+ Cô thuộc tổ trinh sát mặt đường, hàng ngày phải đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần phải phá bom.
+ Vì thế, mỗi khi máy bay ném bom phải lao lên mặt đường, đánh dấu đoạn đường bị bom phá hỏng và những quả bom chưa nổ.
+ Không chỉ vậy, cô và tổ trinh sát còn phải đảm đương việc phá bom nổ chậm. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự bình tĩnh, dũng cảm, quên mình của chiến sĩ vì thần chết lẩn trong ruột những quả bom.
→ Là công việc mà có làm bao nhiêu lần vẫn không thể quen, vẫn luôn căng thẳng đến mức “thần như chão... tim đập bất chấp cả nhịp điệu”.
→ Vậy mà, cô vẫn bám trụ 3 năm liền trên tuyến đường Trường Sơn, chứng tỏ vẻ đẹp quả cảm, ý chí kiên cường, lòng yêu nước của Phương Định.
=> Phương Định là biểu tượng cho vẻ đẹp của lòng quả cảm, kiên cường của thế hệ nữ thanh niên xung phong thời chống Mĩ.
b. Đoạn trích thứ hai – Vẻ đẹp của tâm hồn nhạy cảm, mơ mộng, giàu yêu thương.
- Vị trí đoạn trích: nằm ở cuối tác phẩm, miêu tả diễn biến tâm trạng của Phương Định trong cơn mưa đá.
- Phương Định là một cô gái giàu tình cảm, có tâm hồn trong sáng. Khi cơn mưa đá vừa đến, trong tâm hồn đa cảm của Phương Định ánh lên những tia sáng của niềm vui.
- Cô vui thích cuống cuồng trước 1 cơn mưa đá.
→ Vào chiến trường 3 năm, phải trải qua nhiều gian khổ, thiếu thốn song Phương Định vẫn giữ gìn vẹn nguyên, thế giới tâm hồn mình. Đây là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của cô gái trẻ này.
* Không chỉ là một lời trần thuật đơn thuần, mà còn hàm chứa trong đó một sự ngạc nhiên, vui thích. Bởi sự xuất hiện của cơn mưa đá khiến mạch truyện trở nên đầy chất thơ, cơn mưa đá đã phủ lên hiện thực khốc liệt của chiến trường một màn sương huyền ảo.
c. Nhận xét về lẽ sống của thế hệ thanh niên trong những năm kháng chiến chống Mĩ.
- Họ là những người con của Tổ quốc có lý tưởng sống cao đẹp.
- Họ là những người chiến sĩ gan dạ, can đảm, mạnh mẽ, dám hi sinh vì lý tưởng bảo vệ hòa bình cho dân tộc.
- Họ cũng là những thanh niên có tâm hồn trong sáng và tinh thần lạc quan.
=> Ở họ nổi bật 1 lẽ sống cống hiến và hi sinh hết mình cho sự nghiệp chung của đất nước.
3. Tổng kết lại vấn đề.
ĐỀ THI
Tham khảo đề thi và đáp án môn Văn Cần Thơ các năm trước bên dưới:
Xem thêm thông tin:
- Tra cứu điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 Cần Thơ
- Điểm chuẩn lớp 10 năm 2024 Cần Thơ
- Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Toán Cần Thơ 2024
- Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Anh Cần Thơ 2024
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Cần Thơ 2023
Đề thi và đáp án môn Văn kỳ thi vào lớp 10 năm 2023 tại thành phố Cần Thơ sẽ được Đọc Tài Liệu cập nhật ngay khi môn thi kết thúc.
ĐỀ THI
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Kỷ luật rất khó, bởi sự mê hoặc của lười nhác quá lớn, nằm dài trên sô pha xem bộ phim truyền hình thật thoải mái biết bao, ôm điện thoại lướt Weibo(1) mới dễ chịu làm sao. Thế nhưng, niềm vui ngắn ngủi này thực chất lại là một loại trầm luân biến tướng, chỉ có thể mang đến sự chậm chạp trong tu duy, bệnh tật cho cơ thể và sự cằn cỗi cho tâm hồn.
Sống trong sự nhàn nhã lâu ngày, những người lười nhác sẽ ngày càng trở nên tạm bợ, không có hoài bão, không có lý tưởng. Những người chần chừ sẽ quen với việc tìm muôn vàn cớ khác nhau để tự an ủi mình. Những người ăn uống không điều độ, không có thời gian làm việc và nghỉ ngơi nhất định, cuộc sống không có quy hoạch sẽ gặp rất nhiều sai sót trong công việc và phiền não trong cuộc sống.
George Bernard Shaw từng nói:“Biết tự kiểm soát bản thân là bản năng của người mạnh mẽ nhất”. Ngược lại, người không biết tự khống chế bản thân, cuối cùng sẽ mất đi cả thế giới này.
(Trích Càng kỷ luật, càng tự do, Ca Tây (Tuyết Mai dịch), NXB Thế giới, 2022, tr.15)
(1) Một trang mạng xã hội của Trung Quốc, giống như Facebook
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. Xác định phép liên kết câu về mặt hình thức trong hai câu sau:
“Kỷ luật rất khó, bởi sự mê hoặc của lười nhác quá lớn, nằm dài trên sô pha xem bộ phim truyền hình thật thoải mái biết bao, ôm điện thoại lướt Weibo mới dễ chịu làm sao. Thế nhưng, niềm vui ngắn ngủi này thực chất lại là một loại trầm luân biến tướng, chỉ có thể mang đến sự chậm chạp trong tư duy, bệnh tật cho cơ thể và sự cằn cỗi cho tâm hồn”.
Câu 3. Theo đoạn trích, “sống trong sự nhàn nhã lâu ngày” sẽ gây ra những tác hại nào?
Câu 4. Em hiểu như thế nào về câu nói của George Bernard Shaw trong đoạn trích trên: “Biết tự kiểm soát bản thân là bản năng của người mạnh mẽ nhất”
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 15 dòng) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của tính kỷ luật trong cuộc sống mỗi con người.
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải, Ngữ văn 9, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr. 56)
Từ đó, em hãy nhận xét về ý nghĩa của lẽ sống đẹp được nhà thơ gửi gắm trong đoạn thơ trên.
-HẾT-
ĐÁP ÁN THAM KHẢO
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
Câu 2
Phép liên kết nối: “Thế nhưng”
Phép thế: này.
Câu 3
- Theo đoạn trích, “sống trong sự nhàn nhã lâu ngày” sẽ gây ra những tác hại:
+ Những người lười nhác sẽ ngày càng trở nên tạm bợ, không có hoài bão, không có lý tưởng.
+ Những người chần chừ sẽ quen với việc tìm muôn vàn có khác nhau để tự an ủi mình.
+ Những người ăn uống không điều độ, không có thời gian làm việc và nghỉ ngơi nhất định, cuộc sống không có quy hoạch sẽ gặp rất nhiều sai sót trong công việc và phiền não trong cuộc sống.
Câu 4
“Biết tự kiểm soát bản thân là bản năng của người mạnh mẽ nhất”, vì:
- Kiểm soát bản thân tưởng chừng dễ nhưng lại là một điều rất khó để thực hiện, nhất chạy theo vật chất hiện nay.
- Tự kiểm soát bản thân là tự tạo cho mình tính kỉ luật và tự lập. Đó chính là hai yếu tố quyết định dẫn đến thành công
- Vượt qua bản năng và biết tự khống chế bản năng là lúc bạn đã vượt lên trên chính bản thân mình, đó là điều chứng minh được sức mạnh tiềm ẩn bên trong bạn.
II. LÀM VĂN
Câu 1
a. Mở đoạn:
Giới thiệu vấn đề: sự cần thiết của tính kỷ luật trong cuộc sống mỗi con người.
b. Thân đoạn:
- Giải thích vấn đề: Tính kỷ luật chính là luôn tuân thủ theo những chuẩn mực, nguyên tắc, quy tắc chung, không để cho cảm xúc, sự buông thả và sự lười biếng làm ảnh hưởng.
- Biểu hiện của người có tính kỷ luật:
+ Luôn tuân theo kỉ cương, nguyên tắc mà cộng đồng, xã hội đề ra.
+ Ý chí vững vàng, dù gặp khó khăn, gian nan cũng quyết làm việc, sống theo kỷ luật chứ không chọn con đường cẩu thả, sai trái...
- Tại sao tính kỷ luật là cần thiết trong cuộc sống? Vì:
+ Là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu.
+ Giúp con người không bao giờ rời bỏ mục tiêu dù có khó khăn, trở ngại.
+ Có sức mạnh lan truyền nghị lực cho người khác.
+Người có tính kỷ luật luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dễ gặt hái được nhiều thành công.
- Dẫn chứng: Bác Hồ là một tấm gương sáng về tinh thần kỉ luật. Một hôm Bác đến thăm một ngôi chùa lịch sử. Đúng dịp lễ nên khách nước ngoài và nhân dân đến chùa rất đông. Bác vừa vào chùa, vị sư cả liền ra đón Bác và khẩn khoản xin Bác đừng cởi dép. Bác không đồng ý. Đến thềm chùa, Bác dừng lại để dép ở ngoài rồi mới bước vào, và giữ đúng mọi nghi thức như người dân đến lễ.
- Phản đề: Một số người sống buông thả, không tuân theo luật, quy tắc gây ra những tệ nạn, tiêu cực => cần thay đổi để hoàn thiện bản thân. Một số người sống quá quy tắc mà trở nên cứng nhắc => cần nhận định đúng đắn về tính kỷ luật.
c. Kết đoạn:
- Khẳng định vấn đề/ Liên hệ bản thân: Kỷ luật là một đức tính cần có ở mỗi con người chúng ta và nó vô cùng cần thiết trong cuộc sống.
Câu 2
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là thi phẩm đặc sắc cuối đời của nhà thơ Thanh Hải.
- Bài thơ là nỗi lòng của tác giả về niềm yêu mến tha thiết với cuộc đời, đất nước mong muốn cống hiến góp mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân của đất nước, dân tộc.
- Giới thiệu hai khổ thơ 4 và 5.
II. Thân bài
1. Phân tích khổ 4: Những suy ngẫm và tâm niệm của mình về lẽ sống, về ý nghĩa giá trị của cuộc đời mỗi con người.
"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến."
+ "ta" - "hoa" - "ca": giai điệu ngọt ngào, êm ái của những thanh bằng liên tiếp.
+ Điệp từ "ta" được lặp đi lặp lại thể hiện một ước nguyện chân thành, thiết tha.
+ Động từ "lam" - "nhập" ở vai trò vị ngữ biểu lộ sự hóa thân đến diệu kỳ - hóa thân để sống đẹp, sống có ích.
+ Nhà thơ đã lựa chọn những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống để bày tỏ ước nguyện: con chim, một cành hoa, một nốt trầm.
+ Các hình ảnh bông hoa, tiếng chim đã xuất hiện trong cảm xúc của thi nhân về mùa xuân thiên nhiên tươi đẹp, giờ lại được sử dụng để thể hiện lẽ sống của mình. Một ý nghĩa mới đã mở ra, đó là mong muốn được sống có ích, sống làm đẹp cho đời là lẽ thường tình.
+ Cái "tôi" của thi nhân trong phần đầu bài thơ giờ chuyển hóa thành cái "ta". Có cả cái riêng và chung trong cái "ta" ấy. Với cách sử dụng đại từ này, nhà thơ đã khẳng định giữa cá nhâ và cộng đồng những cái riêng và cái chung.
+ Hình ảnh "nốt trầm" và lặp lại số từ "một" tác giả cho thấy ước muốn tha thiết, chân thành của mình. Không ồn ào, cao giọng, nhà thơ chỉ muốn làm "một nốt trầm" nhưng phải là "một nốt trầm xao xuyến" để góp vòa bản hòa ca chung. Nghĩa là nhà thơ muốn đem phần nhỏ bé của riêng mình để góp vào công cuộc đổi mới và đi lên của đất nước.
→ Ước nguyện của nhà thơ và cũng là ước nguyện của nhiều người.
2. Phân tích khổ 5: Lẽ sống của Thanh Hải
"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc."
+ Cách sử dụng ngôn từ của nhà thơ Thanh Hải rất chính xác, tinh tế và gợi cảm. Làm cành hoa, làm con chim, làm nốt trầm và làm một mùa xuân nho nhỏ để lặng lẽ dâng hiến cho cuộc đời.
+ "Mùa xuân nho nhỏ" là một ẩn dụ dầy sáng tạo, biểu lộ một cuộc đời đáng yêu, một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người hãy làm một mùa xuân, một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người hãy làm một mùa xuân, hãy đem tất cả những gì tốt đẹp, tinh túy của mình, dẫu có nhỏ bé để góp vào làm đẹp cho mùa xuân đất nước.
+ Cặp từ láy "nho nhỏ", "lặng lẽ" cho thấy một thái độ chân thành, khiêm nhường, lấy tình thương làm chuẩn mực cho lẽ sống đẹp, sống để cống hiến đem tài năng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân
→ Không khoe khoang, cao điệu mà chỉ lặng lẽ âm thầm dâng hiến. Ý thơ thể hiện một ước nguyện, một khát vọng, một mục đích sống. Biết lặng lẽ dâng đời, biết sống vì mọi người.
+ Thanh Hải đã ước nguyện: "Lặng lẽ dâng cho đời / Dù là tuổi hai mươi / Dù là khi tóc bạc". Lời nguyện ước thủy chung, son sắt. Điệp ngữ "Dù là"như tiếng lòng tự dặn mình: dẫu ở giai đoạn nào của cuộc đời, tuổi hai mươi tràn đầy sức trẻ, hay khi đã già, bệnh tật thì vẫn phải sống có ích cho đời, sống làm đẹp cho đất nước.
→ Đây là một vấn đề nhân sinh quan nhưng đã được chuyển tải bằng những hình ảnh thơ sáng đẹp, bằng giọng thơ nhẹ nhàng, thủ thỉ, thiết tha. Vì vậy mà sức lan tỏa của nó thật lớn.
3. Đánh giá
- Với thể thơ năm chữ gần với điệu dân ca, âm hưởng trong sáng, nhẹ nhàng, tha thiết, điệu thơ như điệu của tâm hồn, cách gieo vần liền tạo sự liền mạch của dòng cảm xúc.
- Hình ảnh tự nhiên, giản dị, những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, đặc biệt một số hình ảnh "cành hoa, con chim, mùa xuân" được lặp đi lặp lại nâng cao, gây ấn tượng đậm đà
III. Kết bài
- Hai khổ thơ 4,5 của bài thơ là tiếng lòng của tác giả trước cuộc đời, đất nước.
- Giọng thơ thể hiện được sự say mê với cuộc sống và khát vọng chân thành đẹp đẽ của tác giả.
- Liên hệ bản thân
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Cần Thơ 2022
ĐỀ THI
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
Câu 2. Những người vĩ đại họ không bao giờ từ bỏ giấc mơ của mình.
Câu 3. Theo em, việc mà tác giả đưa nêu ra ví dụ đó để cho chúng ta thấy được rằng để đạt được ước mơ, thành công thì không bao giờ dễ dàng mà cần phải trải qua nhiều thử thách, mọi trở ngại. Đồng thời việc đưa ra dẫn chứng cũng giúp cho lập luận được thuyết phục hơn.
Câu 4. Gợi ý
- Em đồng tình với ý kiến trên.
- Vì để đạt được thành công thì chắc chắn bạn phải trải qua rất nhiều thất bại, thử thách. Bạn phải cố gắng vượt qua những điều đó, để biến những ước mơ, mục tiêu của mình thành hiện thực. Nếu không kiên trì, dám đương đầu thì thành công sẽ không bao giờ đến với bạn.
II. LÀM VĂN
Câu 1
* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: vai trò của lòng kiên trì trong cuộc sống.
*Bàn luận
Giải thích lòng kiên trì là gì?
– Lòng kiên trì là sự nhẫn nại, bền bỉ, vững vàng, không cúi đầu trước thất bại, không buông bỏ cho đến khi đạt được mục tiêu đặt ra. Lòng kiên trì là một đức tính không thể thiếu trong cuộc sống mỗi chúng ta.
Biểu hiện của lòng kiên trì
– Kiên trì làm hết bài tập mà cô giáo giao
– Quyết tâm theo đuổi đam mê, mơ ước đến cùng
– Luôn cố gắng phấn đấu, không ngại khó khăn, thất bại trên con đường dẫn đến thành công.
Tại sao phải kiên trì?
– Lòng kiên trì đối với mỗi người là nhân tố để thành công, để đạt được mục đích mà mình đặt ra.
– Kiên trì là gốc rễ của sự thành thạo
– Kiên trì đem đến cơ hội trong những lúc bạn nghĩ rằng mình đã hết cơ hội, giúp bạn mạnh mẽ hơn.
Dẫn chứng của lòng kiên trì (PHẦN ĐỌC HIỂU)
Kết thúc vấn đề: Lòng kiên trì thực sự rất quan trọng đối với nhiều người, chúng ta cần phải có kế hoạch để rèn luyện nó từng ngày để mục đích mà mình vạch ra sẽ nhanh chóng đạt được.
Câu 2.
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về nhà thơ Hữu Thỉnh: Hữu Thỉnh là một nhà thơ viết nhiều và viết rất hay về con người, cuộc sống nông thôn - một nhà thơ mộc mạc nhưng vô cùng tinh tế.
- Dẫn dắt vào bài thơ: Bài thơ “Sang thu” được viết theo thể thơ năm chữ nhịp nhàng, khoan thai, êm ái, trầm lắng và thoáng chút suy tư… thể hiện một bức tranh thu trong sáng, đáng yêu ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.
2. Thân bài
a) Luận điểm 1: Những cảm nhận ban đầu của nhà thơ về cảnh sang thu của đất trời. (Khổ 1)
* Thiên nhiên được cảm nhận từ những gì vô hình
- Hương ổi phả trong gió se (se lạnh và hơi khô): “Hương ổi” là làn hương đặc biệt của mùa thu miền Bắc được cảm nhận từ mùi ổi chín rộ.
- Từ “phả”: Động từ có nghĩa là tỏa vào, trộn lẫn -> gợi mùi hương ổi ở độ đậm nhất, thơm nồng quyến rũ, hòa vào trong gió heo may của mùa thu, lan tỏa khắp không gian tạo ra một mùi thơm ngọt mát - hương thơm nồng nàn hấp dẫn của những vườn cây sum suê trái ngọt ở nông thôn Việt Nam.
- "Sương chùng chình": Những hạt sương nhỏ li ti giăng mắc như một làn sương mỏng nhẹ nhàng trôi, đang “cố ý” chậm lại thong thả, nhẹ nhàng, chuyển động chầm chậm sang thu. Hạt sương sớm mai cũng như có tâm hồn.
* Cảm xúc của nhà thơ
- Kết hợp một loạt các từ: “Bỗng, phả, hình như” thể hiện tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc bâng khuâng trước thoáng đi bất chợt của mùa thu.
- Nhà thơ giật mình, hơi bối rối, hình như còn có chút gì chưa thật rõ ràng trong cảm nhận. Vì đó là những cảm nhận nhẹ nhàng, thoáng qua hay là vì quá đột ngột mà tác giả chưa nhận ra?
- Tâm hồn thi sĩ biến chuyển nhịp nhàng với phút giao mùa của cảnh vật. Từng cảnh sang thu thấp thoáng hồn người: Chùng chình, bịn rịn, lưu luyến, bâng khuâng…
b) Luận điểm 2: Cảm nhận những chuyển biến tinh tế của đất trời lúc thu sang
- Hình ảnh thiên nhiên sang thu được nhà thơ phát hiện bằng những hình ảnh quen thuộc làm nên một bức tranh mùa thu đẹp đẽ và trong sáng:
+ Dòng sông quê hương thướt tha mềm mại, hiền hoà trôi một cách nhàn hạ, thanh thản -> gợi lên vẻ đẹp êm dịu của bức tranh thiên thiên mùa thu.
+ Đối lập với hình ảnh trên là những cánh chim chiều bắt đầu vội vã bay về phương Nam tránh rét trong buổi hoàng hôn.
+ Mây được miêu tả qua sự liên tưởng độc đáo bằng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết:
- “Có đám mây mùa hạ. Vắt nửa mình sang thu”: Gợi hình ảnh một làn mây mỏng, nhẹ, kéo dài của mùa hạ còn sót lại như lưu luyến.
=> Không phải vẻ đẹp của mùa hạ cũng chưa hẳn là vẻ đẹp của mùa thu mà đó là vẻ đẹp của thời khắc giao mùa được sáng tạo từ một hồn thơ tinh tế và nhạy cảm đang say thời khắc giao mùa này. Trong “Chiều sông Thương”, ông cũng có một câu thơ tương tự về cách viết: "Đám mây trên Việt Yên. Rủ bóng về Bố Hạ.”
c) Luận điểm 3: Phân tích những tâm tư, suy ngẫm của tác giả
- Thiên nhiên sang thu còn được gợi ra qua hình ảnh cụ thể: nắng - mưa
+ "Nắng": hình ảnh cụ thể của mùa hạ. Nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng đã nhạt dần, yếu dần bởi gió se đã đến chứ không chói chang, dữ dội, gây gắt.
+ "Mưa" cũng đã ít đi. Cơn mưa mùa hạ thường bất ngờ chợt đến rồi lại chợt đi. Từ “vơi” có giá trị gợi tả, diễn tả cái thưa dần, ít dần, hết dần những cơn mưa rào ào ạt, bất ngờ của mùa hạ.
- Hình ảnh ẩn dụ: “Sấm cũng bớt bất ngờ. Trên hàng cây đứng tuổi”
+ Ý nghĩa tả thực: Hình tượng "sấm" thường xuất hiện bất ngờ đi liền với những cơn mưa rào chỉ có ở mùa hạ (sấm cuối mùa, sấm cuối hạ cũng bớt đi, ít đi lúc sang thu).
+ Ý nghĩa ẩn dụ: "Sấm" gợi những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” gợi tả những con người từng trải đã từng vượt qua những khó khăn, những thăng trầm của cuộc đời. Qua đó, con người càng trở nên vững vàng hơn.
=> Gợi cảm xúc tiếc nuối.
3. Kết bài
- Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
+ Nội dung: “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã không chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận mới về mùa thu quê hương mà còn làm sâu sắc hơn tình cảm quê hương trong trái tim mọi người.
+ Nghệ thuật: sử dụng nhiều từ láy, tính từ gợi trạng thái, hình ảnh chân thực; nghệ thuật nhân hóa mang lại cái hồn cho bài thơ, nghệ thuật ẩn dụ tạo chiều sâu về cảm xúc và suy nghĩ.
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Cần Thơ 2021
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
(1) Con ong làm mật, yêu hoa
Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời.
Con người muốn sống, con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.(2) Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng.
Một người - đâu phải nhân gian?
Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!(3) Núi cao bởi có đất bồi
Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?
Muôn dòng sông đổ biển sâu
Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?
(Trích Tiếng ru - Tố Hữu, Gió lộng, NXB Văn học, 1981)
Câu 1. Xác định thành phần biệt lập trong khổ thơ (1)
Câu 2. Chỉ ra các từ thuộc trường từ vựng “thế giới tự nhiên” trong khổ thơ (3).
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong hai câu thơ sau:
Con ong làm mật, yêu hoa
Con cá bơi, yêu nước, con chim ca, yêu trời.
Câu 4. Em hiểu như thế nào về hai câu thơ:
Một người - đâu phải nhân gian?
Sống chằng, một đốm lửa tàn mà thôi!
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết của tinh thần tương thân tương ái trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích thái độ và hành động của bé Thu qua hai đoạn trích sau:
[…] Trong bữa cơm đó, anh Sáu gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén của nó. Nó liền lấy đũa xoi vào chén, để đó rồi thất thần hất cái trắng ra cơm văng tung tóe cả mâm. Giận quá và không kịp suy nghĩ anh vung tay đánh vào mông nó và hét lên:
– Sao mày cứng đầu quá vậy hả?
Tôi tưởng con bé sẽ lăn ra khóc, sẽ giãy,sẽ đạp đổ cả mâm cơm, hoặc sẽ chạy vụt đi . Nhưng không, nó ngồi im, đầu cúi gằm xuống.Nghĩ thế nào,nó cầm đũa gắp lại cái trứng cá để vào chén,rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm.Xuống bến, nó nhảy xuống xuồng, mở lòi tói cố làm cho dây lòi tói khua rổn rảng,khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông.Nó sang qua nhà ngoại, mét với ngoại và khóc ở bên ấy. Chiều đó, mẹ nó sang dỗ dành mấy nó cũng không về...
Và:
[…] Đến lúc chia tay, mang ba lô lên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà.
Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.
- Thôi ! Ba đi nghe con ! – Anh Sáu khe khẽ nói.
Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:
- Ba…a…a… ba!
Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.
Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:
- Ba! Không cho ba đi nữa ! Ba ở nhà với con !
Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa...
(Trích Chiếc lược ngà- Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)
Đáp án đề Văn vào 10 Cần Thơ 2021
I. Đọc hiểu
Câu 1. Thành phần biệt lập là: "ơi" => thành phần gọi - đáp.
Câu 2. Trường từ vựng: núi, đất, dòng sông, biển, nước.
Câu 3.
Biện pháp nhân hóa được thể hiện ở từ “yêu”. Đây là từ dùng cho con người nhưng lại được sử dụng cho con vật
Câu 4: Học sinh có thể lý giải theo nhiều cách khác nhau, lý giải.
Gợi ý:
Câu thơ trên có thể hiểu: Một người không thể làm nên cả một nhân gian nghĩa là muốn thành công hãy đoàn kết, hãy sống trong tình yêu thương của mọi người thay vì tách mình ra khỏi xã hội.
II. Làm văn
Câu 1.
1. Mở đoạn
- Tinh thần tương thân, tương ái là một truyền thống quý báu của dân tộc ta.
2. Thân đoạn
a.Thế nào là tinh thần tương thân, tương ái?
- Là sự quan tâm, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống giữa con người với con người.
b. Vi sao ta cần phải có tinh thần tương thân, tương ái?
- Tinh thần tượng thân, tương ái thể hiện phẩm chất, nhân cách cao quý của con người, là biểu hiện của tình yêu thương.
- Tinh thần tương thân, tương ái giúp gắn kết con người lại với nhau, tạo ra sức mạnh vật chất lẫn tinh thần để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
- Tinh thần tương thân, tương ái giúp con người sống nhân ái hơn.
- Sống không có tinh thần tương thân, tương ái, thể hiện sự vô cảm của con người, con người sẽ bị tách biệt khỏi tập thể.
c. Học sinh thể hiện tinh thần tương thân, tương ái như thế nào?
- Người có tinh thần tương thân, tương ái là người sống có tấm lòng nhân nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt đęp:
+ Trong gia đình: yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ; sống hòa hợp, gắn bó với anh, chị, em: biết nhường nhịn lẫn nhau,..
+ Trong nhà trường: kính trọng, yêu mến thầy cô giáo, tôn trọng, giúp đỡ bạn bè,...
+ Ngoài xã hội: biết cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh của người nghèo khó; biết tương trợ, giúp đỡ đồng bảo vùng thiên tai, lũ lụt,...Dẫn chứng: Covid 19, bão lũ miền trung,...
- Nhận thức: Biết tương thân, tương ái, giúp đỡ người khác trong khó khăn, hoạn nạn là việc làm tốt đẹp, cần tuyên dương, ngợi khen và lan tỏa trong cộng đồng. Thế nhưng, lòng tốt cũng cần phải đặt đúng chỗ, giúp đúng người, đúng việc, đừng để lòng tốt của mình bị kẻ xấu lợi dụng.
* Phê phán: Trong xã hội ngày nay vẫn còn những kẻ chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của bản thân mình, thờ ơ, vô cảm trước hoàn cảnh khó khăn, nỗi khổ đau của người khác. Những người như thế thật đáng chê trách.
* Bài học: Không có gì đẹp bằng ánh sáng của lòng nhân ái. Hãy biết yêu thương, giúp đỡ người khác.
3. Kết đoạn
- Khẳng định: Tinh thần tương thân, tương ái là truyền thống tốt đẹp, quý báu của dân tộc ta. Tương thân, tương ái là phẩm chất cần có ở mỗi con người.
- Liên hệ: Chúng ta hôm nay cần phải gìn giữ và phát huy tinh thần tốt đẹp ấy trong thời đại ngày nay.
Câu 2
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Giới thiệu nhân vật và vấn đề nghị luận
2. Thân bài
a)Trước khi bé Thu nhận ông Sáu là ba:
-Là cô bé sinh ra và lớn lên trong chiến tranh nên trong suốt 8 năm trời cô bé không được gặp ba. Cô chỉ biết mặt ba qua 1 tấm ảnh ba chụp chung với má.
-Những tưởng ngày đoàn viên sau 8 năm xa cách phải đầy mừng tủi, hạnh phúc nhưng cô bé lại thể hiện 1 thái độ khác thường:
+Trước sự xúc động của ông Sáu, ba bé Thu thì cô bé ngạc nhiên, hoảng sợ, mặt tái đi, bỏ chạy, cầu cứu má.
+ Những ngày sau đó dù ông dành hết thời gian bên con, yêu thương, chăm sóc nhưng bé Thu vẫn lạnh nhạt, xa lánh thậm chí bướng bỉnh, ngang ngạnh cự tuyệt ông:
- Cô bé không chịu gọi ông là cha. Những lúc phải nói với ông nó chỉ gọi trống không, bất chấp sự trách móc của mẹ.
- Cô bé còn từ chối sự chăm sóc của ông rất quyết liệt. Nó hất miếng trứng cá ông gắp cho ra khỏi bát làm đổ cả cơm.
- Lúc ông Sáu không kìm được nỗi đau khổ nên phạt bé Thu, con bé ngay lập tức bỏ sang nhà bà ngoại.
=> Miêu tả thái độ, hành động khác thường của con bé, tác giả đã:
+ Tái hiện được hoành cảnh éo le của chiến tranh.
+ Cho thấy bé Thu hồn nhiên nhưng cũng bướng bỉnh, cá tính. Cô không nhận ông Sáu là ba vì trên mặt ông có vết sẹo, không giống với người ba của cô bé trên tấm hình suốt 8 năm nay.
b.Khi bé Thu nhận ông Sáu là ba:
- Sau khi nghe bà ngoại giải thích, bé Thu đã trở về nhà trong sáng ngày ông Sáu lên đường về đơn vị. Con bé đã thay đổi hoàn toàn thái độ trong sự ngỡ ngàng của ông Sáu và mọi người.
+ Nó cau có, bướng bỉnh mà buồn rầu và nghĩ ngợi sâu xa.
+ Khi bắt gặp cái nhìn trìu mến, buồn bã của ba đôi mắt nó bỗng xôn xao. Đó là cái xôn xao của sự đồng cảm. Bé Thu nhận ra những tiếc nuối, xót xa, yêu thương trong ánh mắt của ba mình.
+ Đến giây phút cuối cùng, khi ông Sáu cất lời từ biệt con bé mới cất lên tiếng gọi ba xé lòng
+ Tiếng gọi bị kìm nén suốt 8 năm
+ Tiếng gọi chất chứa bao tình yêu thương thắm thiết.
+ Không chỉ vậy, nó xô đến ôm chặt lấy ba, hôn ba, hôn lên vết thẹo:
- Con bé muốn giữ chặt ba, không cho ba đi.
- Nó lo sợ ba sẽ đi mất.
- Nó muốn bày tỏ tất cả tình yêu của mình dành cho ba.
-> Trong khoảnh khắc, mọi khoảng cách với ba bị xóa bỏ. Cô bé không dấu diếm sự gắn bó và tình cảm của mình dành cho ba -> khiến mọi người xúc động.
-> Miêu tả biến đổi tình cảm của bé Thu, tác giả đã 1 lần nữa tô đậm tình yêu ba tha thiết. Khi lạnh nhạt cũng như khi quấn quýt, bé Thu đều hướng đến ba mình.
-> Qua đó, ta thấy bé Thu gan góc, bướng bỉnh nhưng rất giàu tình cảm và dễ xúc động.
3. Kết bài: Tổng kết vấn đề
Tuyển tập đề thi vào 10 môn Văn Cần Thơ các năm trước
Đề thi vào 10 môn Văn Cần Thơ năm 2020
Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn Cần Thơ 2020
Đề Văn tuyển sinh lớp 10 Cần Thơ năm 2019
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râmBão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm.(Trích Tre Việt Nam - Nguyễn Duy, tập Cát trắng, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1973)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên.
Câu 2. Chỉ ra các từ láy trong đoạn thơ trên.
Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2019 Cần Thơ
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ Văn Cần Thơ năm 2018
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4
Mỗi người đều có một ước mơ riêng cho mình. Có những ước mơ nhỏ nhoi như của cô bé bán diêm trong truyện cổ An-đéc-xen: một mái nhà trong đêm đông giá buốt. Cũng có những ước mơ lớn lao làm thay đổi cả thế giới như của tỷ phú Bill Gates. Mơ ước khiến chúng ta trở nên năng động một cách sáng tạo. Nhưng chỉ mơ thôi thì chưa đủ. Ước mơ chỉ trở thành hiện thực khi đi kèm với hành động và nỗ lực thực hiện ước mơ... Tất cả chúng ta đều phải hành động nhằm biến ước mơ của mình thành hiện thực.
[..] Ngày bạn thôi mơ mộng là ngày cuộc đời bạn mất hết ý nghĩa. Những người biết ước mơ là những người đang sống cuộc sống của các thiên thần. Ngay cả khi giấc mơ của bạn không bao giờ trọn vẹn, bạn cũng sẽ không phải hối tiếc vì nó. Như Đôn Ki-hô-tê đã nói: “Việc mơ những giấc mơ diệu kỳ là điều tốt nhất một người có thể làm”.
Tôi vẫn tin vào những câu chuyện cổ tích - nơi mà lòng kiên nhẫn, ý chí bền bỉ sẽ được đền đáp. Hãy tự tin tiến bước trên con đường mơ ước của bạn.
(Quà tặng cuộc sống - Thu Quỳnh và Hạnh Nguyên dịch, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr.56-57)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Tìm và gọi tên thành phần biệt lập được sử dụng trong câu sau: Tôi vẫn tin vào những câu chuyện cổ tích - nơi mà lòng kiên nhẫn, ý chí bền bỉ sẽ được đền đáp.
Xem chi tiết đề thi và đáp án tại link: Đáp án đề thi Văn vào lớp 10 Cần Thơ 2018
Trên đây là toàn bộ nội dung của đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn các năm và điểm chuẩn lớp 10 năm 2023 Cần Thơ được chúng tôi tổng hợp chia sẻ nhằm giúp các em nắm được các thông tin về kỳ thi này.
Mong rằng những tài liệu của chúng tôi sẽ là người đồng hành giúp các bạn hoàn thành tốt bài thi của mình.