Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2020 Lạng Sơn

Xuất bản: 22/07/2020 - Cập nhật: 10/06/2021 - Tác giả:

Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2020 Lạng Sơn gồm lời giải chi tiết các câu hỏi trong đề thi vào 10 môn Văn năm 2020 Lạng Sơn.

NEWĐáp án đề thi vào lớp 10 môn Văn 2021 tỉnh Lạng Sơn

Đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 Lạng Sơn được ĐọcTàiLiệu cập nhật giúp các em học sinh tham khảo, so sánh kết quả với bài thi của mình.

Đề thi vào lớp 10 năm 2020

Chi tiết đề thi vào lớp 10 môn Văn của tỉnh Lạng Sơn như sau:

Sở GD&ĐT Lạng Sơn

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10

NĂM HỌC: 2020 - 2021

Môn: Văn

Phần I - Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

(1) Tôi là con gái Hà Nội, Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: "Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”.

(2) Xa đến đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm mắt tôi trong gương. Nó dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói năng.

(3) Không hiểu sao các anh pháo thủ và lái xe lại hay hỏi thăm tôi. Hỏi thăm hoặc viết những thư dài gửi đường dây, làm như ở cách xa nhau hàng nghìn cây số, mặc dù có thể chào nhau hàng ngày. Tôi không săn sóc, vồn vã. Khi bọn con gái xúm nhau lại đối đáp với một anh bộ đội nói giỏi nào đấy, tôi thường đứng ra xa, khoanh tay lại trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt. Nhưng chẳng qua tôi điệu thế thôi. Thực tình trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.

(Trích Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.115)

Câu 1 (0,5 điểm): Tìm khởi ngữ trong câu văn: Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: "Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”.

Câu 2 (0,5 điểm): Theo đoạn văn (3), trong suy nghĩ của nhân vật tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là ai?

Câu 3 (1,0 điểm): Nêu hiệu quả của phép tu từ so sánh được sử dụng trong câu văn: Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn.

Phần II - Làm văn (8,0 điểm) 

Câu 1 (3,0 điểm)

Thói quen xấu như đám cỏ dại lan nhanh, sẽ lấn áp những bông hoa xinh đẹp trong mảnh đất đời bạn. Hãy dũng cảm từ bỏ chúng nhổ chúng đi để cho những thói quen tốt đẹp không ngừng sinh sôi, phát triển. Đó mới là cuộc đời mà chúng ta đang chờ đợi.

(Trích Điều kì diệu của thái độ sống - Mac Anderson, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr.35)

Từ ý kiến trên, em hãy viết một đoạn văn khoảng 12 đến 15 câu, trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc từ bỏ những thói quen xấu trong cuộc sống con người.

Câu 2 (5,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích sau:

Anh hạ giọng, nửa tâm sự, vừa đọc lại một điều rõ ràng đã ngấm nghĩ nhiều:

- Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Và, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chi dưới kia, Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả “thèm" hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đây, cháu tự nói với cháu thế đây. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào giờ “ộp" là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hàng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan li nhất định không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu, Cháu nói: “Đấy, bác cũng chẳng “thèm" người là gì?".

Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân cô đung đưa khe khẽ, nói:

- Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.

- Quê anh ở đâu thế? - Họa sĩ hỏi.

- Quê cháu ở Lào Cai này thôi. Năm trước, cháu tưởng cháu được đi xa lắm cơ đấy, hóa lại không. Cháu có ông bố tuyệt lắm. Hai bố con cùng viết đơn xin ra lính đi mặt trận, Kết quả: bố cháu thắng cháu một - không. Nhân dịp Tết, một đoàn các chủ lái máy bay lên thăm cơ quan cháu ở Sa Pa. Không có cháu ở đấy. Các chú lại cử một chú lên tận đây. Chủ ấy nói: nhờ cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Đối với cháu, thật là đột ngột, không ngờ lại là như thế, Chủ lái máy bay có nhắc đến bố cháu, ôm cháu mà lắc “Thế là một - hòa nhé”. Chưa hòa đâu bác ạ. Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc.

(Trích Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.185)

Đáp án đề tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn Lạng Sơn 2020

Phần I - Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Câu 1: Khởi ngữ: Còn mắt tôi

Câu 2: Theo đoạn văn (3), trong suy nghĩ của nhân vật tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ.

Câu 3: Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn trên: so sánh ("một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn")

Tác dụng: khắc họa vẻ đẹp cái cổ của Phương Định, qua đó khẳng định vẻ đẹp thanh lịch, trong sáng, hồn nhiên, mơ mộng của cô gái gốc Hà thành.

Phần II 

Câu 1 (3,0 điểm)

- Mở đoạn: Dẫn ý liên quan (có thể lấy câu chuyện trong phần Đọc hiểu) để nêu vấn đề cần nghị luận:  ý nghĩa của việc từ bỏ những thói quen xấu trong cuộc sống con người.

- Giải thích:

+ Từ bỏ là không nhìn nhận, tự coi mình không còn quan hệ nữa hoặc thôi không tiếp tục một điều gì đó.

+ Thói quen xấu là lối sống, cách sống hay hoạt động do lặp đi lặp lại lâu ngày thành quen, khó thay đổi mà đem lại những điều không tốt cho bản thân và những người xung quanh.

=> Câu nói khẳng định thói quen xấu trong cuộc sống là điều không tránh khỏi và nó có thể lan tỏa nhanh chóng trong cộng đồng, bởi nó dễ cuốn hút, việc ta cần làm là phải dũng cảm để bỏ chúng ra khỏi cuộc sống.

- Phân tích, chứng minh theo 3 vấn đề

+ Vấn đề đáng lo ngại: Thói quen xấu như đám cỏ dại lan nhanh, sẽ lấn áp những bông hoa xinh đẹp trong mảnh đất đời bạn.

+ Biện pháp: Hãy dũng cảm từ bỏ chúng nhổ chúng đi để cho những thói quen tốt đẹp không ngừng sinh sôi, phát triển.

+ Kết quả: Đó mới là cuộc đời mà chúng ta đang chờ đợi.

- Ý nghĩa của việc từ bỏ thói quen xấu:

+ Từ bỏ thói quen xấu giúp bạn có lối sống lành mạnh.

+ Từ bỏ thói quen xấu giúp bạn trở nên tốt đẹp hơn.

+ Thay đổi, từ bỏ những thói quen xấu giúp bạn có thời gian để phát huy những điểm mạnh của bản thân, từ đó dễ dàng tiến tới thành công.

- ... Làm thế nào để khắc phục những thói quen xấu ?

+ Nhận biết rõ tác hại của những thói quen xấu.

+ Có kế hoạch để điều chỉnh, thay đổi.

+ Quyết tâm thay đổi thói quen xấu

- Bàn bạc mở rộng: Phê phán những con người sống vô trách nhiệm, thờ ơ, sống vì bản thân, làm điều ác...

- Kết đoạn: Đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp: cần nhận thức đúng về điều đúng đắn, tránh xa những thói quen xấu, làm những điều thiết thực cho cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh phải biết kết hợp kiến thức và kỹ năng làm bài nghị luận văn học: Cảm nhận vể một nhân vật trong một đoạn trích. Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể :

Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận gồm đủ 3 phần. Trong đó phần thân bài phải đáp ứng đủ hai yêu cầu của đề bài:

+ Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích của đề bài

+ Hình ảnh của thế hệ trẻ trong một tác phẩm văn học khác hoặc trong thực tế đời sống biểu hiện vẻ đẹp của sức trẻ Việt Nam.

Học sinh có thể triển khai bài viết theo những nội dung cụ thể khác nhau. Sau đây là một gợi ý.

1. Mở bài:

- Giới thiệu vài nét về nhà văn Nguyễn Thành Long.

- Giới thiệu tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa. Trong đó có đoạn trích được dẫn ở đề bài mang lại cho người đọc nhiều cảm nhận về nhân vật anh thanh niên.

2. Thân bài: Cảm nhận về anh thanh niên trong đoạn trích

+ Một người yêu mến công việc dù làm việc một mình trên đỉnh núi Yên Sơn trong khung cảnh vắng vẻ nhưng anh không cảm thấy lẻ loi vì công việc mang lại cho anh niềm vui và nhận thức về ý nghĩa của công việc làm. Cho nên với anh: ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?

+ Một người có lòng yêu mến con người. Sống đơn độc nên anh rất khao khát được gặp gỡ và trò chuyện với mọi người. Chính anh đã khẳng định với bác tài xế xe khách: Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác?.

+ Một người ham học hỏi, rất quan tâm đến đời sống nội tâm. Sống một mình trên đỉnh núi, anh không cảm thấy cô đơn vì lúc nào bên cạnh anh cũng có sách. Ngoài giờ làm việc, ngoài lúc phải chăm sóc vườn hoa, đàn gà, anh dành thời gian để đọc sách. Khi cô kĩ sư, ông họa sĩ… đến phòng ở của anh và quyển sách anh đang đọc dở vẫn còn để mở trên bàn. Chính anh cũng đã khẳng định với cô kĩ sư: Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ. Cái cách đọc sách của anh tinh tế, nghiêm túc và đúng đắn biết bao.

+ Một người sống có lý tưởng, có trách nhiệm. Anh ý thức một cách rất rõ ràng: Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?. Nhận thức đó cho thấy anh trẻ nhưng không hời hợt. Anh sống một mình nhưng không cô đơn vì lúc nào trong tư tưởng của anh mục đích sống, lẽ sống vẫn luôn luôn tồn tại và nhắc nhở. Làm một công việc đơn độc, phải dậy vào lúc nửa đêm, phải ra ngoài trời lúc mưa bão, lạnh lẽo, anh có thể nằm ở trong nhà, lấy số liệu cũ mà gọi bộ đàm về để báo cáo. Nhưng anh không làm điều đó. Vì anh có trách nhiệm và anh hiểu rõ việc anh làm ở đây có liên quan, có ảnh hưởng đến cuộc sống lao động và chiến đấu của rất nhiều người lúc bấy giờ. Việc phái đoàn không quân – phòng không đến thăm và khen ngợi anh đã cho thấy rõ điều đó.

+ Nhân vật anh thanh niên được xây dựng bằng một nghệ thuật đặc sắc. Nó được miêu tả và thể hiện qua cuộc gặp gỡ đặc biệt với ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ; được bộc lộ qua lời đối thoại của nhân vật; nhân vật không có tên riêng, không có ngoại hình cụ thể mà chỉ có tên gọi theo kiểu chung, phiếm chỉ.

+ Vì thế, hình ảnh người thanh niên thể hiện vẻ đẹp của người thanh niên Việt Nam nói chung trong giai đoạn chống Mĩ: giản dị, chân thành và giàu lý tưởng; góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm, thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong chiến đấu; thể hiện cảm hứng của Nguyễn Thành Long khi sáng tác: “SaPa không chỉ là một sự yên tĩnh. Bên dưới sự yên tĩnh ấy, người ta làm việc”, hy sinh, yêu thương và mơ ước. Hình ảnh này gợi cho người đọc đến hình ảnh của thế hệ trẻ Việt Nam trong giai đoạn chống Mĩ nói riêng và theo dòng chảy thời gian nói chung.

3. Kết bài:

- Đây là một đoạn văn ngắn nhưng biểu hiện được những nét tiêu biểu cho nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, của nhân vật anh thanh niên. Tác giả Nguyễn Thành Long đã thành công trong việc khắc họa nét đẹp của tuổi trẻ Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh cũng như trong giai đoạn hiện nay.

-/-

Các môn thi khác

• Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán năm 2020 Lạng Sơn

• Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Anh năm 2020 Lạng Sơn

Trên đây là toàn bộ nội dung của đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn năm 2020 của tỉnh Lạng Sơn được Đọc Tài Liệu thực hiện sau khi kì thi chính thức diễn ra. Với nội dung này các em có thể so sánh đối chiếu kết quả bài thi của mình!

Mong rằng những tài liệu của chúng tôi sẽ là người đồng hành hữu ích với bạn trong kỳ thi này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

BackToTop