Năm 2020 do dịch bệnh Covid 19 nên đề thi có phần dễ hơn, nhưng đề thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ phải khó hơn các năm trước đây để thuận tiện cho việc xét tuyển là ý kiến của các trường đại học.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, hầu hết các trường vẫn đang sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ tin cậy trong xét tuyển đại học. Dự báo, trong năm 2021, xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức hữu hiệu của nhiều trường đại học.
GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội nêu hiện nay kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn còn giá trị lớn trong tuyển sinh tại các trường đại học. GS Tú kiến nghị trong năm 2021, Bộ GD-ĐT tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong các khâu trọng yếu như ra đề, coi thi, chấm thi.
Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cũng cho rằng, năm 2020 do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến học sinh trên cả nước, do đó đề thi ra ở mức vừa phải. Năm 2021, khi tình hình dịch bệnh phần nào ổn định hơn, học sinh đi học bình thường, đề thi cũng cần có tính phân hóa cao hơn để thuận lợi hơn cho các trường trong công tác tuyển sinh.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM lại cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức phục vụ mục đích chính là xét tốt nghiệp và các trường đại học có thể tận dụng kết quả này để xét tuyển đại học nhằm tiết kiệm chi phí cho thí sinh và xã hội.
Theo dõi đề thi các năm gần đây, PGS.TS Đỗ Văn Dũng thông tin, đề có khoảng 70% câu hỏi học sinh khá có thể làm được, 30% câu hỏi còn lại để tìm học sinh giỏi. Theo Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, độ khó như đề thi năm 2020 khá phù hợp do không xảy ra tình trạng mưa điểm 10, không có các ngành điểm chuẩn 30 hoặc trên 30. Nguyên tắc trong tuyển sinh đại học theo kiểu “thuyền lên, nước lên”, các trường sẽ xét từ cao xuống thấp, do đó không ảnh hưởng đến quá trình tuyển sinh.
Theo: vov.vn