Đề thi thử vào 10 năm 2020 môn Ngữ văn trường THPT Bàu Bàng tỉnh Bình Dương được Học tốt biên tập dưới đây với mong muốn giúp các em tổng hợp lại những dạng bài trọng tâm để có thể đạt được điểm số cao trong kì thi quan trọng sắp tới.
Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn trường THPT Bàu Bàng
Câu 1 (2.0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu của đề:
Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
(Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam)
a. Đoạn thơ được trích từ tác phẩm nào? Cho biết tên tác giả?
b. Em hiểu như thế nào về nhan đề của bài thơ?
c. Xác định một biện pháp tu từ mà em thích nhất trong đoạn thơ trên và cho biết tác dụng của biện pháp tu từ đó.
d. Đoạn thơ gợi cho em suy nghĩ gì về cuộc sống có ý nghĩa của mỗi con người?
Câu 2 (1.0 điểm)
Chỉ ra và giải thích lỗi sai giữa các câu trong đoạn văn sau:
"Đoàn thuyền đánh cá ra khơi trong cảnh màn đêm buông xuống. Sóng biển cài then, đêm sập cửa, vũ trụ đi vào yên tĩnh, vắng lặng. Bốn bể không còn một tiếng động. Lá cờ nhỏ sáng bừng trên đỉnh cột buồm bay phần phật, gió ào ào dữ dội"
Câu 3 (2.0 điểm)
"Ung thư xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng một trong số đó là môi trường sống ở nước ta quả độc hại. Chúng ta ăn bẩn, uống bẩn, thở bấn, ở bẩn. Các hóa chất nguy hiểm cho sức khỏe ở khắp nơi, ngấm vào cơ thể người bằng nhiều cách, trong đó mối nguy hiểm lớn nhất là thực phẩm độc hại đến từ những kẻ kinh doanh bất lương,
(Dẫn theo http://www.vnexpress, net, ngày 27-3-2016)
Em hãy viết một đoạn nghị luận xã hội (khoảng 15 - 20 dòng) trình bày suy nghĩ về mối nguy hiểm lớn nhất được nhắc trong đoạn trên.
Câu 4 (5.0 điểm).
Phân tích nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích truyện "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long
(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam)
Đáp án đề thi thử vào 10 môn Văn trường THPT Bàu Bàng
Câu 1
a. Đoạn trích trên trích từ tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” của tác giả Thanh Hải.
b. Ý nghĩa nhan đề của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
- "Mùa xuân nho nhỏ" là một nhan đề hay, một ẩn dụ đầy sáng tạo, giàu ý nghĩa đã góp phần thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm - ước nguyện chân thành của nhà thơ Thanh Hải dành cho cuộc đời.
- “Mùa xuân” (là danh từ) mang ý nghĩa tả thực – đó là mùa khởi đầu của một năm, là mùa của lộc non lá biếc, của vạn vật sinh sôi nảy nở.
- “Mùa xuân” còn mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất của sự sống và cuộc đời mỗi con người. Mùa xuân hay chính là sức trẻ trong tâm hồn và trí tuệ, là nhiệt huyết và năng lực cống hiến của mỗi người vào mùa xuân lớn của thiên nhiên, của đất nước.
- Từ láy “nho nhỏ” làm rõ hơn đặc điểm của mùa xuân rất giản dị, rất khiêm nhường.
=> Đặt tên cho tác phẩm như thế, Thanh Hải đã thể hiện trước nguyện, khát vọng khiêm nhường mà rất đỗi chân thành, tha thiết, cao đẹp. Ông ước muốn làm “mùa xuân nho nhỏ”, nghĩa là đem tất cả những gì tốt đẹp nhất, tinh túy nhất – dù bé nhỏ của mình để hòa vào mùa xuân lớn của cuộc đời, của đất nước.
=>Nhan đề bài thơ cũng thể hiện quan niệm về sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng. Ai cũng phải sống có ích cho đời, sống làm đẹp cho đất nước
c. Xác định biện pháp tu từ: Nhân hóa: “vất vả và gian lao”, Tổ quốc như một người mẹ tần tảo,vất vả và gian lao, đã làm nổi bật sự trường tồn của đất nước. Để có được sự trường tồn ấy, giang sơn gấm vóc này đã thấm bao máu, mồ hôi và cả nước mắt của các thế hệ, của những tháng năm đằng đẵng lúc hưng thịnh, lúc thăng trầm. Nhưng dù trở lực có mạnh đến đâu cũng không khuất phục được dân tộc Việt Nam.
d. Đoạn thơ được trích trong bài “Mùa xuân nho nhỏ” của tác giả Thanh Hải gợi cho em nhiều suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống đối với mỗi con người.
- Được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước hòa bình chúng ta phải biết yêu cuộc sống, yêu đất nước, biết ơn những con người Việt Nam cần cù trong lao động, anh dũng kiên cường. Cuộc sống đem đến cho chúng ta sự sống phải biết nâng niu, gìn giữ.
- Phải biết tin yêu và tin tưởng rằng Tổ quốc ta dù trải qua bao thăng trầm biến đổi bởi chiến tranh, bom đạn, bởi thiên tai địch họa nhưng vẫn ngời sáng lung linh
- Phải biết tự hào, trân trọng gìn giữ và phải ra sức cống hiến, phát triển để nước nhà đi lên và cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
- Phải biết hóa thân “sống đẹp” để hiến dâng, để phục vụ cho một mục đích cao cả “làm nên đất nước muôn đời”.
Câu 2
- Lỗi liên kết trong các câu trên: Lỗi liên kết nội dung
- Câu (3) khẳng định bốn bề không còn tiếng động nhưng đến câu (4) người viết lại miêu gió ồn ào, dữ dội. Như vậy, về mặt nội dung có sự không thống nhất, khiến đoạn văn trở nên không hợp lý, không thuyết phục.
Câu 3: Yêu cầu về nội dung:
- Câu mở đoạn: Giới thiệu vấn đề
- Nêu hiện trạng: Thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang diễn ra tràn lan, ngày càng xuất hiện thêm nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn và những kẻ kinh doanh bất lượng phân phối thực phẩm bẩn.
- Phân tích hậu quả:Việc môi trường ô nhiễm, thực phẩm độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của con người. Đặc biệt, căn bệnh ung thư đang hoành hành và trở thành hiểm họa, nỗi sợ hãi của con người.
- Tìm hiểu nguyên nhân: Nguyên nhân của hiện trạng này là do sự bất lương của nhiều doanh nghiệp, vì đồng tiền mà bất chấp mối nguy hại cho hàng triệu người khác. Do sự thiếu sót trong khâu quản lí của nhà nước và sự thiếu thông thái của người tiêu dùng.
- Đề xuất một số giải pháp để bảo vệ cho bản thân và cộng đồng trước vấn nạn trên:sing + Tẩy chay, lên án, đấu tranh đòi bồi thường thiệt hại với những thương hiệu sản xuất hoặc kinh doanh thực phẩm độc hại.
- Tuyên truyền ý thức cho người sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng để giảm thiểu tối đa hậu quả của vấn nạn này.
- Là người tiêu dùng thông minh, chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
- Câu kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề
Câu 4: Phân tích nhân vật Anh thanh niên trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa"
Dàn ý tham khảo
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa.
Ví dụ: Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của tác giả Nguyễn Thành Long lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế ở Lào Cai và nhân vật anh thanh niên đang làm nhiệm vụ khí tượng chính là hình ảnh trung tâm, ca ngợi những đóng góp thầm lặng của những người lao động trong công cuộc xây dựng đất nước.
II. Thân bài
1. Giới thiệu tình huống truyện
- Cuộc gặp gỡ giữa anh thanh niên làm việc ở một mình trên trạm khí tượng với bác lái xe, ông kĩ sư và cô họa sĩ trên chuyến xe lên Sa Pa.
- Tình huống truyện đặc sắc, tạo điều kiện bộc lộ tư tưởng, quan điểm của tác giả khi ngợi ca con người lao động.
2. Phân tích nhân vật anh thanh niên
a, Hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên
- Làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 m, quanh năm sống với hoa cỏ
- Công việc của anh: đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dựa vào công việc dự báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu
- Công việc đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác cũng như tinh thần trách nhiệm cao (nửa đêm đi ốp dù trời mưa tuyết, giá lạnh)
- Điều gian khổ nhất chính là vượt qua nỗi cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng chỉ sống trên đỉnh núi một mình
b, Những nét đẹp trong cách sống, suy nghĩ, hành động và quan hệ tình cảm với mọi người
- Vượt lên hoàn cảnh sống khắc nghiệt, anh có suy nghĩ rất đẹp:
- Với công việc khắc nghiệt gian khổ, anh luôn yêu và mong muốn được làm việc ở điều kiện lý tưởng (đỉnh cao 3000 m)
- Anh có những suy nghĩ đúng đắn, sâu sắc về cuộc sống con người: “khi ta làm việc, ta với công việc là một, sao lại gọi là một mình được”
- Anh thấu hiểu nỗi vất vả của đồng nghiệp
- Quan niệm về hạnh phúc của anh thật đơn giản và tốt đẹp
- Hành động, việc làm đẹp
- Mặc dù chỉ có một mình không ai giám sát nhưng anh luôn tự giác hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao (nửa đêm đúng giờ ốp dù mưa gió thế nào anh cũng trở dậy ra ngoài trời làm việc một cách đều đặn và chính xác 4 lần trong một ngày)
- Anh thanh niên có phong cách sống cao đẹp
- Anh có nếp sống đẹp khi tự sắp xếp công việc, cuộc sống của mình ở trạm một cách ngăn nắp: có vườn rau xanh, có đàn gà đẻ trứng, có vườn hoa rực
- Đó là sự cởi mở chân thành với khách, quý trọng tình cảm của mọi người
- Anh còn là người khiêm tốn, thành thực cảm thấy công việc của mình có những đóng góp chỉ là nhỏ bé
→ Chỉ bằng những chi tiết và chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc của truyện, tác giả phác họa được chân dung nhân vật chính với vẻ đẹp tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa công việc.
- Anh thanh niên đại diện cho người lao động
- Anh thanh niên là đại diện chung cho những người lao động nhiệt huyết, sống đẹp, cống hiến vì Tổ quốc một cách thầm lặng, vô tư.
- Những con người khiêm tốn, giản dị, trung thực, âm thầm thực hiện công việc nhiệm vụ được giao.
III. Kết bài
- Nêu cảm nhận hình tượng anh thanh niên: Hình tượng nhân vật anh thanh niên miệt mài, hăng say lao động vì lợi ích đất nước, có sức lan tỏa tới những người xung quanh.
- Tác giả rất thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật anh thanh niên cùng những người đồng nghiệp thầm lặng cống hiến sức trẻ, thanh xuân cho đất nước, dân tộc.
- Nhắc nhở thế hệ trẻ lòng biết ơn, trách nhiệm với vận mệnh quốc gia.
Bài văn tham khảo: Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ SaPa
----------------
Với đề thi thử vào lớp 10 môn Văn trường THPT Bàu Bàng tỉnh Bình Dương năm 2020, Học tốt hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Các em hãy truy cập vào trang để tham khảo thêm nhiều bộ đề thi thử vào 10 môn Văn của các trường khác trên cả nước mà chúng tôi đã sưu tập để ôn luyện được tốt hơn nhé!