Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2019 tỉnh Cà Mau số 1 cho các em học sinh tham khảo cũng là nhằm đánh giá chất lượng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 sắp tới của toàn thể học sinh lớp 9. Đề thi bao gồm 2-3 phần, thí sinh làm bài trong thời gian 90 - 120 phút, nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn Cà Mau do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp.
Đề thi thử vào lớp 10 môn văn tỉnh Cà Mau số 1
Câu 1. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ có trong khổ thơ sau:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...”
( Trích Viếng lăng Bác, Ngữ văn 9, tập hai)
Câu 2. Viết bài văn ngắn với nhan đề "Hãy nói không với bạo lực học đường."
Câu 3
Hãy kể một kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời học sinh của em. Từ kỷ niệm này, em rút ra bài học bổ ích gì cho bản thân?
>> Tuyển tập đề thi thử vào lớp 10 môn văn 2019 đầy đủ nhất
Đáp án Đề thi thử vào lớp 10 môn văn tỉnh Cà Mau số 1
Câu 1
- Chỉ ra được biện pháp tu từ có trong khổ thơ (0,5 điểm): Ẩn dụ, hoán dụ, điệp từ.
- Phân tích được tác dụng của các biện pháp tu từ (1 điểm):
+ Điệp từ “ngày ngày” diễn tả sự tuần hoàn, liên tục, vô tận của thời gian và dòng người vào lăng viếng Bác.
+ Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời trong lăng”: Vừa thể hiện sự vĩ đại của Bác (Bác là ánh sáng, là hơi ấm, là nguồn sinh khí cho cả dân tộc) vừa thể hiện lòng tôn kính của nhân dân ta và của nhà thơ đối với Bác.
+ Hình ảnh ẩn dụ "tràng hoa” hình ảnh hoán dụ" bảy mươi chín mùa xuân”: Thể hiện tấm lòng thành kính của nhân dân ta đối với Bác.
Câu 2
Viết được bài văn nghị luận xã hội ngắn, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, bố cục rõ ràng; trình bày được các ý sau:
- Dẫn dắt, giới thiệu được vấn đề được dư luận và toàn xã hội quan tâm nêu ở đề bài. (0,25 điểm)
- Trình bày được thực trạng và những biểu hiện cụ thể của nạn bạo lực học đường (0,5 điểm)
- Trình bày được hậu quả nghiêm trọng của tệ nạn bạo lực học đường: Ảnh hưởng về đạo đức, về sức khỏe, về tâm hồn, tình cảm, tình bạn; làm mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục; làm giảm vai trò, uy tín, danh dự của nhà trường, của gia đình; làm ảnh hưởng an ninh, trật tự xã hội…(1 điểm)
- Phân tích và chứng minh được các nguyên nhân dẫn đến tệ nạn bạo lực học đường: Do thiếu hiểu biết; do bị kích động; do tâm lý lứa tuổi; do sự giáo dục, quan tâm chưa chu đáo, do ảnh hưởng của các trang mạng xã hội….(0,5 điểm)
- Đề xuất được các giải pháp để khắc phục triệt để và nói không với tệ nạn bạo lực học đường (1 điểm)
- Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của tình cảm, tình bạn, các mối quan hệ ở lứa tuổi học đường. Rút ra bài học cho bản thân và lời kêu gọi, nhắn nhủ đến mọi người để tránh xa tệ nạn bạo lực học đường. (0, 25 điểm)
>> Tham khảo: Nghị luận xã hội về vấn đề bạo lực học đường hiện nay
Câu 3
I. Yêu cầu chung
1. Về kiến thức:
- Kỷ niệm được chọn kể phải sâu sắc và mang ý nghĩa tích cực, có tác dụng giáo dục đối với mọi người, nhất là đối với lứa tuổi học trò.
- Nội dung: Có thể kể về một số trường hợp theo gợi ý sau
+ Kỷ niệm về sự quan tâm, chỉ bảo của thầy cô;
+ Kỷ niệm về sự giúp đỡ của bạn bè;
+ Kỷ niệm về việc bản thân mắc những sai lầm lớn, ân hận cả cuộc đời;
+ Kỷ niệm kể về những cảm nhận, suy nghĩ về con người, cuộc sống của tuổi mới lớn; ...
- Yêu cầu:
+ Chuyện kể cần tạo được tình huống và cốt truyện hấp dẫn, theo trình tự hợp lí (có nhân vật, tình huống , sự kiện, cao trào…)
+ Qua kỷ niệm phải rút ra những bài học nhận thức bổ ích cho bản thân. Việc rút ra bài học có thể làm lồng ghép hoặc tách biệt (kể xong mới rút ra bài học).
2. Về kĩ năng:
- Bài viết đúng kiểu văn bản tự sự. Phương thức biểu đạt chính là tự sự, ngoài ra kết hợp sử dụng linh hoạt các yếu tố miêu tả, biểu cảm và nghị luận để làm tăng sức truyền cảm, hấp dẫn;
- Bố cục rõ ràng, đủ ba phần;
- Biết sử dụng thích hợp các hình thức đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm.
II. Yêu cầu chi tiết
1. Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu kỷ niệm.
2. Thân bài
- Kể kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời học sinh:
+ Kể hoàn cảnh (tình huống) dẫn đến kỷ niệm.
+ Kể diễn biến kỷ niệm sâu sắc (kết hợp sử dụng yếu tố miêu tả và biểu cảm để câu chuyện kể sinh động, giàu cảm xúc).
+ Kết thúc sự việc (kỷ niệm)
- Rút ra bài học bổ ích:
+ Bài học nhận thức.
+ Bài học hành động.
+ Lời nhắn nhủ đến các bạn.
3. Kết bài: Kết thúc câu chuyện, bộc lộ ấn tượng sâu đậm
--------------------
Với đề thi thử vào lớp 10 môn Văn tỉnh Cà Mau số 1, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Em hãy truy cập doctailieu.com mỗi ngày để tham khảo thêm kho đề thi thử vào lớp 10 phong phú của chúng tôi nhé.
Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!