Bổ sung vào bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Văn mới nhất sẽ giúp cho các em học sinh tham khảo cũng là nhằm đánh giá chất lượng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 sắp tới của toàn thể học sinh lớp 9.
Đề thi bao gồm 2 phần, thí sinh làm bài trong thời gian 120 phút, nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn của trường Phổ thông năng khiếu (Hồ Chí Minh) do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp.
Chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn này như sau:
Đề thi thử vào lớp 10 môn văn 2024 Phổ thông năng khiếu
Câu 1 (3.0 điểm)
Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
Mẹ và quả
Nguyễn Khoa Điềm
Những mùa quả mẹ tôi hái được Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng Những mùa quả lặn rồi lại mọc Như mặt trời, khi như mặt trăng
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.
(Trích từ Mẹ của nhà thơ, Nxb Phụ nữ, 2008)
* Phần trắc nghiệm (2.0 điểm)
Thí sinh chọn phương án đúng và ghi vào giấy làm bài (Ví dụ: 1.A; 2.A; 3.A)
1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên là gì?
A. Miêu tả
B. Biểu cảm
C. Nghị luận
D. Tự sự
2. Trong hai dòng thơ Những mùa quả lặn rồi lại mọc - Như mặt trời, khi như mặt trăng,
tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào?
A. Hoán dụ
B. Ẩn dụ
C. So sánh
D. Tượng trưng
3. Phương án nào sau đây không thể hiện nội dung của khổ thơ thứ nhất?
A. Nỗi mong mỏi đợi chờ thành quả lao động của người mẹ.
B. Công phu khó nhọc của người mẹ khi chăm sóc cây trái trong vườn.
C. Công việc bền bỉ lao động thầm lặng của mẹ để mong ngày quả ngọt.
D. Những băn khoăn, trăn trở của người mẹ về thành quả lao động.
4. Đặc sắc nghệ thuật của hai dòng thơ: Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên - Còn những bí và bầu thì lớn xuống là gì?
A. Sử dụng hình ảnh nhân hoá
B. Sử dụng từ trái nghĩa
C. Sử dụng thủ pháp miêu tả
D. Sử dụng phép tương phản, đối lập.
5. Phần in đậm trong dòng thơ: Và chúng tôi, một thứ quả trên đời được gọi là thành phần biệt lập gì?
A. Phụ chú
B. Gọi đáp
C. Khởi ngữ
D. Tình thái
6. Phương án nào diễn tả đúng tâm trạng của nhà thơ trong hai dòng thơ cuối bài?
A. Nhà thơ ví mình như một thứ quả mà người mẹ đã vất vả gieo trồng, chăm sóc.
B. Nhà thơ có ý thức trách nhiệm, cố gắng học tập trau dồi để xứng đáng với kì vọng của mẹ.
C. Nhà thơ lo lắng mẹ càng già yếu mà mình thì chưa trưởng thành để đền đáp công ơn mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ mình.
D. Nhà thơ biết ơn mẹ đã có công nuôi nấng dạy dỗ và có ý thức đền đáp công ơn nuôi dưỡng của mẹ.
* Phần tự luận (1.0 điểm)
Trong văn học có nhiều tác phẩm viết về tình mẫu tử. Hãy kể tên một tác phẩm viết về đề tài này mà em đã học hoặc đã đọc. Từ đó, chỉ ra sự khác biệt lớn nhất về mặt nghệ thuật và nội dung của bài thơ Mẹ và quả (Nguyễn Khoa Điềm) với tác phẩm ấy. (Trả lời từ 4-6 dòng)
Câu 2 (3.0 điểm)
Nguyễn Du (1766-1820), Đại văn hào dân tộc, sống trước chúng ta chừng 200 năm. Và Truyện Kiều của ông ra đời cũng chừng ấy năm. Tôi đọc và thuộc nhiều đoạn Truyện Kiều, lại đọc, lại tự hỏi: Tiếng Việt cách đây bấy nhiêu năm sao mà đẹp, trong sáng, tài tình đến thế.
- Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
- Vừng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường
Nhạc sĩ Phạm Duy, trong bài hát Tình ca viết ở Sài Gòn năm 1953 cũng bộc lộ nỗi niềm: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời”. Một nhạc sĩ Việt sống ở nước ngoài tâm sự: “Nhờ sáng tác ca khúc, tôi mới hiểu được tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt giúp tôi tìm lại chính mình, và tự nhiên hồn tôi luồn được vào bảy nốt nhạc của phương Tây để thể hiện mình. Càng tìm về tiếng Việt, tôi càng thấy lời Việt Nam, hồn Việt Nam đầy nhạc đầy thơ, thấm đẫm một triết lý sống riêng của dân tộc... Hiểu được tiếng Việt, tôi hiểu được lối nghĩ, lối diễn đạt của người Việt Nam... Tiếng Việt tràn đầy âm sắc, bản thân nó đã là nhạc, là thơ. Tiếng Việt chính là hồn tôi chảy trôi mà tôi chỉ mượn những nốt nhạc của phương Tây đẩy mạnh linh hồn của từ ngữ” […]
Nhà thơ Lưu Quang Vũ có bài thơ Tiếng Việt ca ngợi sự giàu có, phong phú của tiếng ta.
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt
Một thứ tiếng cao quý, thâm trầm, rực rỡ giàu sắc thái âm thanh. Một thứ tiếng tồn tại xuyên thấm qua đời này đời khác, có sức cảm hóa lòng người.
Ai ở phía bên kia cầm súng
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về
Và đem lại cho tâm hồn chúng ta những giá trị trường tồn. Nhà thơ thốt lên “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ”, cũng là thái độ yêu quý, biết ơn tiếng nói của dân tộc.
(Nghĩ về tiếng Việt, chữ Việt, Nhà lý luận phê bình Mã Giang Lân, Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam online 16/7/2023, Hội Nhà văn Việt Nam)
Còn em, em nghĩ như thế nào về sự giàu đẹp của tiếng Việt? Hãy viết bài văn (khoảng một trang giấy thi) trình bày câu trả lời của em.
Câu 3 (4.0 điểm)
Thí sinh chọn một trong hai đề sau:
Đề 1: Cảm nhận của em về tình cảm của ông Sáu đối với con trong đoạn trích sau:
Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi li của Mĩ, dập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Chẳng hiểu sao tôi thích ngồi nhìn anh làm và cảm thấy vui vui khi thấy bụi ngà rơi mỗi lúc một nhiều. Một ngày, anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi, cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh. Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi hối hận đánh con, nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra. Một ngày cuối năm năm mươi tám – năm đó ta chưa võ trang – trong một trận càn lớn của quân Mĩ – ngụy, anh Sáu bị hi sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cứ nhớ lại đôi mắt của anh.
- Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu.
Tôi cúi xuống gần anh và nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi.
(Trích Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr.200)
Đề 2: Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, em hãy viết bài văn với nhan đề: “Hiểu văn học – hiểu chính mình”.
----------- HẾT -----------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu, CBCT không giải thích gì thêm.
(Tải tài liệu đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 này hoàn toàn miễn phí trong file đính kèm bên dưới!)
Đáp án đề thi thử vào 10 môn văn 2024 Phổ thông năng khiếu
Câu 1:
* Phần trắc nghiệm (2.0 điểm): 1.B; 2.C; 3.D; 4.D; 5.A; 6.C
* Phần tự luận (1.0 điểm)
- Nội dung: Chỉ ra sự khác biệt lớn nhất về mặt nghệ thuật và nội dung của bài thơ Mẹ và quả (Nguyễn Khoa Điềm) với tác phẩm thí sinh chọn về tình mẫu tử. Tuỳ vào sự phù hợp của tác phẩm lựa chọn và chỉ ra điểm khác biệt hợp lí thì thí sinh được điểm, tối đa 0.75 điểm.
- Hình thức yêu cầu: đoạn văn từ 4- 6 dòng, các câu đúng chính tả, ngữ pháp, diễn đạt lưu loát.
Câu 2: Bài văn nghị luận ngắn về sự giàu đẹp của tiếng Việt
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề
2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: sự giàu đẹp của tiếng Việt
- Tiếng Việt là một thứ tiếng hài hoà về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu.
- Tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thoả mãn cho yêu cầu của đời sống văn hoá nước nhà qua các thời kỳ lịch sử.
- Chứng minh sự giàu đẹp và phong phú của tiếng Việt về các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, …
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
4. Chính tả, ngữ pháp: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
5. Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
* Thang điểm:
- Đạt, tối đa 1.5/3.0 điểm: thí sinh hiểu vấn đề, đưa ra ý kiến hợp lý, kết cấu bài viết đúng chuẩn, dẫn chứng phù hợp.
- Khá, tối đa 2.5/3.0 điểm: Thí sinh triển khai vấn đề toàn diện, có kiến giải hay, kết cấu bài viết tốt, dẫn chứng phong phú.
- Tốt, tối đa 3.0/3.0 điểm: Ngoài việc đảm bảo các yêu cầu, thí sinh có thêm những ý kiến độc đáo, thể hiện kiến thức rộng, văn phong phong khúc chiết, sắc sảo.
Câu 3:
A. Yêu cầu về kĩ năng
- Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận văn học.
- Bố cục và hệ thống ý sáng rõ .
- Biết vận dụng và phối hợp nhiều thao tác nghị luận.
- Văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục.
- Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ; trình bày rõ ràng.
B. Yêu cầu về kiến thức:
Đề 1: Cảm nhận của em về tình cảm của ông Sáu đối với con trong đoạn trích sau:
Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi li của Mĩ, dập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ… Tôi cúi xuống gần anh và nói. Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi. (Trích Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr.200).
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Nội dung cảm nhận: tình cảm của ông Sáu đối với con
+ Giới thiệu cảnh ngộ của ông Sáu. Khái quát tình cảm của ông Sáu với con: tình cảm của ông Sáu đối với con được thể hiện trong chuyến về phép thăm nhà và tập trung sâu sắc trong phần sau của truyện, khi ông Sáu ở trong rừng tại khu căn cứ.
+ Ông ân hận, giày vò vì mình đã đánh con. Kiếm được khúc ngà, ông Sáu vui mừng, sung sướng, “hớn hở như môt đứa trẻ được quà”
+ Ông Sáu làm lược cho con: tỉ mỉ, công phu, trau chuốt. “Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc”
+ Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà ông đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”.
+ Cây lược không chỉ là lời hứa mà còn là hiện thân của đứa con gái. Ông đang tỉ mỉ dồn hết tâm sức vào việc làm cây lược như đang chăm sóc cho đứa con của mình. Ông gửi bao thương nhớ cho con qua hành động làm chiếc lược ngà.
+ Ông Sáu đã dành hết tâm trí, công sức vào việc làm cây lược. Chiếc lược ngà trở thành vật quý giá, thiêng liêng đối với ông. Nó làm dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng biết bao tình cảm nhớ thương, yêu quý, mong đợi của người cha đối với đứa con xa cách.
+ Trước lúc hi sinh, ông gửi bạn cây lược nhờ trao cho con. “Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu”. Tình cha con sâu nặng, thắm thiết, mạnh hơn cái chết.
“Đấy là lời trăng trối cuối cùng và đấy cũng là tình yêu mà anh để lại trên thế gian này. Tình yêu ấy bất diệt” (Nguyễn Quang Sáng). Bom đạn kẻ thù có thể cướp đi mạng sống của ông nhưng không thể cướp đi tình yêu ông dành cho con.
- Nhận xét về hình thức nghệ thuật: nghệ thuật trần thuật, ngôn ngữ, …
Đề 2: Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, em hãy viết bài văn với nhan đề: “Hiểu văn học – hiểu chính mình”.
- Giải thích nhan đề: Việc đọc kĩ, đọc sâu để nắm vững tác phẩm (hiểu văn học) sẽ giúp hiểu rõ bản thân mình ở nhiều phương diện (hiểu chính mình), từ đó, thanh lọc tâm hồn, mài sắt suy nghĩ, rèn luyện phẩm chất. Tác phẩm văn học luôn lấy con người làm trung tâm phản ánh và người đọc từ việc hiểu tác phẩm mà soi lại chính mình, hiểu thêm mình.
- Bàn luận:
+ Những tác phẩm thực sự giá trị luôn là ô cửa mở lối giúp người đọc hiểu rõ hơn về mình, làm giàu thêm đời sống tinh thần, hoàn thiện nhân cách bản thân.
+ Việc hiểu chính mình qua văn học không thay thế được trực tiếp trải nghiệm để khám phá bản thân. Chính việc hiểu chính mình sẽ giúp người đọc có thể hiểu tác phẩm một cách sâu sắc.
+ Chỉ những tác giả có trí tuệ nhạy bén, có sự thấu trải cuộc đời, có tài năng nghệ thuật mới có thể viết nên những tác phẩm giúp người đọc hiểu chính mình. Chỉ người đọc có trình độ, có tâm hồn sâu sắc, có sự am hiểu văn học mới có thể hiểu tác phẩm.
- Chứng minh bằng những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học. Học sinh chọn lọc phân tích một hay nhiều tác phẩm, chỉ ra việc tìm hiểu tác phẩm có thể lí giải, cắt nghĩa thêm nhiều điều về bản thân.
C. Thang điểm:
- Đạt, tối đa 2.0/4.0 điểm: thí sinh hiểu vấn đề, kết cấu bài viết đúng chuẩn, đáp ứng được ½ yêu cầu.
- Khá, tối đa 3.0/4.0 điểm: Thí sinh triển khai vấn đề toàn diện, kết cấu bài viết tốt, cảm nhận, phân tích sâu sắc, lập luận thuyết phục.
- Tốt, tối đa 4.0/4.0 điểm: Ngoài việc đảm bảo các yêu cầu, thí sinh có kiến thức văn học vững vàng, văn phong tinh tế.
--- HẾT ---
-/-
Với đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2024 này, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Em hãy truy cập doctailieu.com mỗi ngày để tham khảo thêm kho đề thi thử vào lớp 10 có đáp án chi tiết vô cùng phong phú của chúng tôi nhé.
Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!