Trang chủ

Đề thi thử vào lớp 10 môn văn 2024 THCS Thụy Vân có thang điểm

Xuất bản: 04/04/2024 - Tác giả:

Đề thi thử vào lớp 10 môn văn 2024 THCS Thụy Vân có thang điểm chi tiết dành riêng cho các em học sinh lớp 9 bổ sung vào kho tài liệu ôn thi vào 10 tại nhà.

Bổ sung vào bộ đề thi thử vào lớp 10 môn Văn mới nhất sẽ giúp cho các em học sinh tham khảo cũng là nhằm đánh giá chất lượng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 sắp tới của toàn thể học sinh lớp 9.

Đề thi bao gồm 2 phần, thí sinh làm bài trong thời gian 120 phút, nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn của trường THCS Thụy Vân do Đọc Tài Liệu sưu tầm và tổng hợp.

Chi tiết đề thi thử vào lớp 10 môn văn này như sau:

Đề thi thử vào 10 môn văn 2024 THCS Thụy Vân

PHẦN I: ĐỌC-HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện yêu cầu

(1) Cuộc sống này vốn không chỉ có hương thơm của hoa hồng và vẻ thơ mộng của dòng sông, nó còn có cả những phút giây bị gai hoa hồng đâm đến ứa máu hoặc vẫy vùng giữa dòng nước chảy xiết. Bên cạnh những niềm vui là những khó khăn và cạm bẫy luôn chực chờ chỉ cần bạn lơ là mất cảnh giác chúng sẽ xô tới. Chính những khó khăn thử thách ấy sẽ góp phần nhào nặn bạn trở thành một phiên bản tốt hơn.

(2) Sẽ có những lúc bạn hoang mang, chông chênh, mệt mỏi và hoàn toàn mất phương hướng. Đó có thể là khi bạn thi trượt cuộc thi mà bạn nghĩ là quan trọng nhất đời mình. Đó là khi người bạn thân nhất quay lưng đi sau khi đâm vào lưng bạn một vết dao.

(3) Đế vượt qua được những khoảnh khắc đó, bạn phải tìm kiếm cho mình một điểm tựa vững chắc luôn cho bạn lời khuyên và không bao giờ rời xa. Đến cái bóng cũng rời xa bạn khi bạn đi vào bóng tối, nhưng điểm tựa thì không, mỗi người hãy tìm kiếm cho mình một điểm tựa. Có một loại điểm tựa như thế, thường được gọi là “trọng tâm cuộc đời”.

(Phi Tuyết Sống như ngày mai sẽ chết, NXB Thế giới, 2017, tr.37-39)

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2. (1,0 điểm) Theo tác giả, cuộc sống này có những gì?

Câu 3. (1,5 điểm) Chỉ ra các phép liên kết được sử dụng trong đoạn (2) và nêu tác dụng của các phép liên kết đó?

Câu 4. (1,0 điểm) Theo em, vì sao tác giả cho rằng: Đến cái bóng cũng rời xa bạn khi bạn đi vào bóng tối, nhưng điểm tựa thì không?

PHẦN II: LÀM VĂN (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn (từ 10-12 câu) trình bày suy nghĩ  của em về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần đọc- hiểu: Chính những khó khăn thử thách sẽ góp phần nhào nặn bạn trở thành một phiên bản tốt hơn.

Câu 2. (4,0 điểm) Cảm nhận của em về thiên nhiên đất trời và những suy tư mà tác giả Hữu Thỉnh gửi gắm trong đoạn thơ sau :

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

(“ Sang thu” - Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9 Tập 2)

HẾT

(Tải tài liệu đề thi thử tuyển sinh vào lớp 10 này hoàn toàn miễn phí trong file đính kèm bên dưới!)

Đáp án đề thi thử vào 10 môn văn 2024 THCS Thụy Vân

PHẦN I: ĐỌC-HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2. 

- Theo tác giả, cuộc sống này vốn không chỉ có hương thơm của hoa hồng và vẻ thơ mộng của dòng sông, nó còn có cả những phút giây bị gai hoa hồng đâm đến ứa máu hoặc vẫy vùng giữa dòng nước chảy xiết.

Có niềm vui; khó khăn và cạm bẫy

Câu 3.

* Phép liên kết được sử dụng trong đoạn (2):

- Phép thế: "đó" => "những lúc bạn hoang mang, chông chênh, mệt mỏi và hoàn toàn mất phương hướng."

- Phép lặp: "là khi", "bạn".

* Tác dụng :

- Tạo sự liên kết chặt chẽ về hình thức cho đoạn văn. Thể hiện được chủ đề của đoạn văn : Trong cuộc đời, có những lúc con người hoang mang, chông chênh, mất phương hướng.

Câu 4. Hs trả lời theo suy nghĩ của mình

Vì : Điểm tựa là thứ vững chắc, nó chính là niềm tin xuất phát từ trong tâm của mỗi chúng ta. Chỉ cần có điểm tựa không làm ta gục ngã trước những khó khăn.

- Điểm tựa sẽ giúp ý chí của ta thêm vững vàng trước mọi khó khăn thử thách

=> Qua câu nói ta giả muốn nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của điểm tựa.

PHẦN II: LÀM VĂN

Câu 1: 

*Về hình thức:

Đảm bảo đúng hình thức của một đoạn văn (khoảng10- 12 câu). Đúng chính tả, dùng từ, đặt câu. Diễn đạt mạch lạc, trong sáng.

*Về nội dung:

HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần có kiến giải riêng và lập luận thuyết phục,…

Dưới đây là một số gợi ý định hướng chấm bài:

* Giải thích vấn đề

- Khó khăn thử thách là những trở ngại mà con người sẽ gặp trong cuộc sống

- Nhào nặn là hoạt động tác động làm cho biến đổi dần, hình thành nên cái mới

=> Câu nói khẳng định những trở ngại trong cuộc sống góp phần giúp con người trưởng thành.

* Bàn luận vấn đề

- Khó khăn thử thách đem đến cho con người những bài học quý giá trong cuộc sống về công việc, tình yêu..

- Rèn luyện ý chí, tôi luyện tính cách của con người

- Giúp con người trở nên bản lĩnh, trưởng thành hơn

- Giúp con người trân quý những thành công của mình hơn

- Giúp con người thấu hiểu lí lẽ sống khiêm nhường hơn

- Sau khó khăn sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm, có sức mạnh niềm tin,lòng kiên trì

- Phê phán những người sống thiếu ý chí, ngại khó.

(HS tự lấy dẫn chứng làm sáng rõ ý kiến của mình)

* Liên hệ bản thân

Câu 2.

* Yêu cầu chung:

- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học.

- Xác định đúng vấn đề nghị luận.

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

- Bài viết sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

* Yêu cầu cụ thể:

Học  sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau, song cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau:

a.Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, khái quát nội dung chính của đoạn thơ:

b.Cảm nhận về thiên nhiên đất trời và những suy tư mà tác giả gửi gắm trong đoạn thơ:

* Cảnh thiên nhiên đất trời lúc sang thu(đoạn 1):

- Thiên nhiên đất trời sang thu tuyệt đẹp ở những biến chuyển, vận động nhẹ nhàng của dòng sông, cánh chim, đám mây; đã tạo nên bức tranh thu mang màu sắc cổ điển cao rộng, khoáng đạt từ mặt đất đến bầu trời.

-  Bức tranh thiên nhiên sang thu còn có những chuyển biến ở các hiện tượng thời tiết đặc trưng của mùa thu miền Bắc: thu sang nắng nhạt dần, những cơn mưa, sấm ít dần không đủ sức lay động hàng cây đứng tuổi.

=> Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp ấy được cảm nhận bằng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, cảm xúc say sưa, tình yêu thiên nhiên của tác giả.

* Đoạn thơ còn gửi gắm những cảm xúc, suy tư sâu sắc của nhà thơ (đoạn 2):

- Suy ngẫm về con người: Khi con người đã từng trải dạn dày, bản lĩnh thì chín chắn, vững vàng hơn trước sóng gió cuộc đời.

- Suy ngẫm về thế sự, đất nước: Đất nước cũng chỉ mới bắt đầu, được lúc thảnh thơi, yên bình, sẽ vững vàng hơn trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới.

=>Thể hiện nét đẹp lạ, độc đáo trong cách nhìn,cách cảmvề thiên nhiên,thái độ sống đầy trách nhiệm và niềm tin tưởng về đời ngườicủa nhà thơ.

* Nghệ thuật đặc sắc của đoạn thơ:

- Đoạn thơ viết theo thể năm chữ giàu chất trữ tình.

-  Hình ảnh thơ đẹp được gợi tả bằng nhiều cảm giác tinh tế: sông dềnh dàng, chim vội vã, đám mây mùa hạ /vắt nửa mình, sấm bớt bất ngờ, hàng cây đứng tuổi..

-  Ngôn ngữ hàm súc, chính xác, đặc sắc thể  hiện ở những từ ngữ diễn tả trạng thái: dềnh dàng, vội vã, vắt nửa mình, … các từ chỉ mức độ: vẫn còn, vơi dần, bớt,…

- Sử dụng các biện pháp tu từ: nhân hóa, đối, ẩn dụ,...

c.Đánh giá, tổng hợp

-  Đoạn thơ cho thấy sự cảm nhận và miêu tả tinh tế của nhà thơ qua nhiều yếu tố bằng nhiều giác quan và sự rung động trong tâm hồn .

- Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên tươi tắn, sống động rất đẹp lúc giao mùa, thể hiện nét trẻ trung dào dạt của tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết đồng thời thể hiện những cảm xúc, suy tư sâu sắc về cuộc đời, con người, về nhân dân, đất nước của Hữu Thỉnh.

-/-

Với đề thi thử tuyển sinh lớp 10 môn Văn 2024 này, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt qua kỳ thi sắp tới một cách thành công. Em hãy truy cập doctailieu.com mỗi ngày để tham khảo thêm kho đề thi thử vào lớp 10 có đáp án chi tiết vô cùng phong phú của chúng tôi nhé.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

TẢI VỀ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM